Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Thơ TA VẪN CÒN TA *2017 - Huỳnh Văn Huê.

(Họp mặt ngày 16/12/2017- Các bạn học Sài Gòn) 

( Họp mặt ngày 31/12/2017- Các bạn học Biên Hòa) 

Thơ MƯA - Mai Hồng Thu.



MƯA.

Mưa New York, mưa giông như kéo bão
Mưa Cali buồn, níu áo tình nhân
Có mưa nào, cho tôi thấy thật gần?!!!
Sài gòn cũ, của những lần vào Hạ
Bao nhiêu năm, mà chừng như xa quá
Thuở tắm mưa, dưới máng xối hiên nhà
Đã một thời, quen dào dạt mưa sa
Giờ mưa xuống như giọt ngà cô độc
Giờ dẫu mưa, tôi chả cần leo dốc
Chẳng đầu trần, chẳng lê ướt chân son
Từng giọt mưa, như lại cứ hao mòn
Chút dấu ái, cùng núi non cây cỏ
Mưa tha hương, buồn vương từng cơn gió
Lạnh ngoài da, mà thấm suốt tâm linh
Mưa nhẹ rơi, mà trầy xướt an bình
Còn đâu nữa, thuở bình yên thính vũ
Mưa tha hương, mãi không là mưa cũ
Của ấu thơ và của những mùa Thu
Bởi tình thân đã xa cách mịt mù
Mưa se lạnh theo sương mù loang trải
Mưa Cali lạnh, sầu, khắc khoải
Không giận hờn như con nít đòi oai
Không trầm tư như thiếu nữ trang đài
Chỉ khe khẽ, mệt nhoài đời lữ khách!
Có những chiều, mưa về reo bên vách
Cũng hân hoan, tí tách, từng giọt buông
Nhưng trong tôi vẫn thoang thoáng nhẹ buồn
Vẫn lạc bước, chiều mưa khuôn viên cũ
Thì thôi nhé, mưa ơi xin nhắn nhủ
Xin đừng về, dù nhè nhẹ râm ri
Có ghé thăm cũng khe khẽ thầm thì
Đừng lạnh buốt, thưở xuân thì đã mất
Đừng buồn tênh, thoáng qua, nhưng rất thật
Đừng dây dưa, mà không thật thuỷ chung
Đừng giăng mây, u ám với chập chùng
Và xin chớ, đừng lạnh lùng…mưa mãi !
Sài gòn xưa, mưa mát lòng, sảng khoái
Mưa nơi này, gom hoài bão tan xa
Thượng đế ơi, xin mưa chớ nhạt nhoà
Bao ký ức, như giọt ngà tan vỡ
Mưa hãy về, cho ta gom nỗi nhớ
Viết thành thơ, ghi lại thưở hồn nhiên
Đón chiều mưa, với mơ ước thật hìền
Mưa nhân ái, gội ưu phiền, mưa nhỉ.

MAI HỒNG THU - 2010

Trân trọng các bạn đã ghé thăm, like và để lại lời bình dễ thương đáng quý.
Chúc các bạn Facebook một Giáng Sinh tràn đầy hồng ân Thiên Chúa. 

Thơ NHỚ THẦY - Giáng Hương.



Nhớ Thầy
Thơ Giáng Hương
Kính tưởng nhớ Giáo sư Lê Văn Ký, người Thầy Thủy Lâm thân thương của chúng tôi (Thầy mất đêm 17/12/2017 tại Cao Lãnh).


Xin là gió để một lần thổi mát
Xin là mưa để tưới thấm đất này
Xin là mầm cây bật khỏi luống cày
Để cánh rừng xanh ngàn đời cùng hậu thế
Thầy đã ra đi khi mắt còn đẫm lệ
Chắc là buồn thầm nhớ mái trường xưa
Về những chiều Bảo Lộc khói sương mờ
Đồi thông xưa có vườn trà xanh thẳm
Đường Cường Để nơi vẫn từng in đậm
Dấu chân Thầy dừng bước lúc chiều rơi
Để nơi này ngôi trường mới ra đời
Nông-Lâm-Súc cái tên sao trìu mến
Bao kỷ niệm thân thương như ùa đến
Tình thầy trò, tình bạn và tình yêu
Đã nảy nở cùng anh-tôi suốt bốn năm trời
Để bốn mươi năm sau vẫn xanh như màu lá
Thầy ra đi khi ước mơ còn dang dở
Khi tên trường xưa chưa lấy lại được lúc sinh thành
Khi những cánh rừng chưa hồi phục màu xanh
Khi bài giảng Dưỡng Lâm giờ nhạt nhòa trong ký ức
Xin thắp cho Thầy nén nhang đang cháy rực
Chúng em mong Thầy hãy an nghỉ nghìn thu
Dù ngôi trường xưa đã tan biến sương mù
Nhưng trong tim thế hệ Nông-Lâm-Súc ngày nào
vẫn ắp đầy niềm thương nhớ!   

Saigon, Tembin 27/12/2017.

Tản mạn CÔ GIÁO CỦA TÔI - Lê Thị Kim Kết.



Cô Giáo Của Tôi
Cô trí xưa11. Co DangThiTri
Cô giáo kính yêu của tôi chưa một lần cô dạy lớp chúng tôi một tiết học nào, nhưng tất cả hoc trò trong trường  Ngô Quyền có dịp được gặp cô đều kính yêu và ngược lại cô cũng yêu thuong và vui mừng khi có một học trò tìm gặp và thăm viếng.

Một lần len mạng tôi tình cờ gặp dược địa chỉ của cô, tôi thật sự vui mừng, bạn bè giờ mỗi dứa một nơi khó tìm gặp không làm sao biết dược tin tức của nhau tin tức của thầy cô lại càng khó vậy là tôi gởi "kính chào cô" vì không biết cô có biết mình không? Nhưng tôi biết cô. Cô có dáng nhỏ nhắn tóc luôn uốn cao rất duyên, cô rất thân với cô Bích Loan và cô Chân Pjương (NHững người cô tôi rất yêu thuong  và cô cũng rất yêu tôi).
Ngày xưa thầy Hiệu Trưởng thường dí dõm 3 cô là  "Xe – Pháo – Mã" Từ năm hoc Đệ Ngũ mỗi lần hè là cô Chân Phương thường xin ba má cho tôi qua nhà cô ở làm bạn với Bà Nội của cô. Chẵng là Bà Nội rất khó hơn 80 nhưng bà rất kỷ tính bà nhặt rau làm bếp (Bà không cho thuê người giúp việc) Bà thích làm một mình không cho ai phụ, vậy mà bà rất thích tôi làm cùng với bà. Khi rán đậu bà thường cho tôi thử trước xem ngon không. Nấu các thứ cũng thế tôi nấu ăn theo gia vị Miền Nam nhưng theo cùng nấu ăn với bà tôi cũng quen dần cách nấu ăn nêm nếm theo khẩu vị của gia đình cô. Có lần khách đến nhà tôi ra mở cổng và chào hỏi. Khách hỏi ba má cô: "con gái út của gia dình đó à?"  "Không học trò của Phương đấy." "Sao có cô hoc trò ngoan thương cô giáo thế nhỉ?". Vậy là cô và trò nhìn nhau cười, cái cười nhiều ý nghĩa chỉ có cô và tôi hiểu.
Bây giờ cô Chân Phương và cô Bích Loan không còn nữa. Hai người cô kính yêu của tôi đã ra người thiên cổ chỉ còn mỗi cô Trí, Cô là chỗ dựa tinh thần cho tất cả học Ngô Quyền, khi cần cô chỉ bảo những kinh nghiệm trong cuộc sống hoặc những ứng xử giữa đời thường.
Mỗi năm gần dến ngày họp mặt cựu hoc sinh Ngô Quyền tổ chức ở Mỹ cô gợi ý cô có chỗ ở cho tôi và vài người bạn nữa, đã bao nhiêu lần rồi tôi hứa nhưng chưa thực hiện được…
Tôi viết những dòng này là để dâng nén hương lòng kính nhớ đến cô Chân Phuong và cô Bích Loan và với lòng chân thành kính yêu cô Đặng Trí và kính chúc cô thật nhiều sức khỏe để luôn là chỗ dựa tinh thần của các hoc trò kính yêu cô. Em mong một ngày rất gần em sẽ thực hiện được lời hứa viếng thăm cô và tâm sự cô thật nhiều điều.
Biên Hòa ngày 22/12/17 
Lê Thị Kim Kết - 
Khóa 5 Ngô Quyền nhóm Tứ 2-

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Tản mạn THÚ CHƠI CÂY SANH ( còn tiếp )- St từ Lê Thạnh blog.



Thú chơi cây sanh hay sự quái dị trong thẩm mỹ của giới trọc phú Việt?


Cái quái dị của mấy cây sanh khủng là chuyện nhỏ, nhưng sự méo mó bệnh hoạn của thị hiếu đương thời là đáng ngại. Việc các đại gia mới giàu có thẩm mỹ nông cạn không thể trách, nhưng việc bao nhiêu người đua nhau bỏ tiền tỷ để mua một món đồ chơi vô bổ như vậy là một chỉ số rõ ràng của khủng hoảng kinh tế. Nó chứng tỏ sự bế tắc trong môi trường đầu tư, khiến cho người có tiền không biết bỏ tiền vào đâu cho có ý nghĩa.

Bài viết của KTS Phó Đức Tùng, Soi.com.vn, 2012.
Trước kia, cứ nghĩ đến Hải Hậu là tôi hình dung ra gạo tám xoan. Cái tên gạo thật là hay, vừa dịu dàng, vừa chân quê, mà nghe qua đã thấy phảng phất hương thơm đặc biệt. Xung quanh loại gạo đặc sản tiến vua này thật nhiều giai thoại. Nghe nói phải hái lúa lúc chưa chín hẳn, phơi chưa khô hẳn, cất ủ thế nào, nấu cơm ra sao mới phát huy hết cái tinh túy của nó. Lại cũng nghe đồn tuy loại gạo này rất nhỏ hạt, mềm cơm, nhưng cây lúa thì lại vô cùng to lớn, gốc nào gốc nấy cứng như gốc sậy. Thực ra tôi chưa được thưởng thức gạo tám xoan theo đúng quy cách của nó bao giờ. Trước đây thỉnh thoảng có người biếu, nói là gạo tám xoan Hải Hậu, nhưng ăn thì thấy không bằng gạo Thái Lan. Lại có lần được làm việc với Vinafood, đơn vị chuyên buôn gạo ở Việt Nam. Chuyên gia ở đây nói rằng thực ra gạo tám xoan chỉ có tên, nhưng thực sự không còn được thuần chủng, vì dân tự giữ giống, lại cấy cạnh các giống mới nên lai tạp cả. Kỳ này về Hải Hậu, tôi có để ý tìm lúa tám xoan, nhưng đi ba ngày không gặp, sau mới biết lúa này chỉ được trồng ở một số ruộng nhỏ trên ba xã Hải Phong, Hải Ninh, Hải Giang. Nghe đồn sản lượng lúa này rất ít, chỉ đủ để biếu quan chức, người thường ít khi được nếm, không biết thực hư thế nào.
Thay vì đồng lúa, ngày nay khắp vùng Hải Hậu đều xanh ngắt một màu cây sanh. Làng mạc nhà cửa, đâu đâu cũng âm u những rễ. Mấy năm gần đây, Hải Hậu phất lên nhờ cây sanh. Mỗi năm, Hải Hậu xuất hàng triệu cây sanh đi khắp cả nước. Đa số là cây phôi, nhưng cũng rất nhiều cây thế hoàn thiện. Ngút ngàn tầm mắt, đất trũng được đào rồi quật lên thành luống trồng sanh, xen lẫn những kênh, mương nước.
Cánh đồng bỏ lúa trồng sanh ở Hải Hậu. Ảnh của vov5.
Các xã đều trồng sanh, nhà nhà trồng sanh, ai cũng làm cây thế. Hàng ngàn ha trồng sanh, hàng trăm ngàn người làm cây thế. Các đại gia Hải Hậu đều là đại gia cây. Kể cả chủ xưởng muối cũng đồng thời là chân cứng trong hội cây cảnh nghệ thuật. Hội cây cảnh họp ở ủy ban nhân dân huyện, ô tô đỗ chật bãi, rượu thịt linh đình. Hội này là đầu não kinh tế của huyện, ai ai cũng đều là tỷ phú, triệu phú, với những cây bán ít ra cũng vài trăm triệu. Từ thường dân tới quan phụ mẫu, ai ai cũng có cây thế, sập gụ, tràng kỷ, đồng hồ côn, vài món đồ cổ, vài con chim hót. Câu chuyện nếu không phải người này vừa bán cây 3 tỷ cũng là dáng cây kia độc nhất vô nhị. Thoáng qua thì là cả một miền thanh tú, cực lạc, vừa trù phú, giàu có, vừa ăn chơi sành điệu. Tuy nhiên, khi vào xem kỹ lại thấy nơm nớp lo âu.
Nông dân trong vườn sanh. Ảnh: Thanh Niên.
Ngày xưa, các cụ nhà ta chơi cây thế cũng giống như người Tàu, người Nhật. Một nhóm người có cái chí muốn thu nhỏ vũ trụ trong một khoảnh sân nên làm thành cây bonsai. Cái quý của cây bonsai là phải thật già mà vẫn thật bé. Không những cây phải toát lên được thần thái tự nhiên của cây cổ thụ ngoài đời mà thực sự phải có tỷ lệ của một cây cổ thụ thu nhỏ từ thân, rễ đến hoa, lá. Người Nhật làm bonsai còn thật hơn ngoài đời thật, tự nhiên hơn cả tự nhiên, thể hiện một sự hoàn hảo mỹ mãn, từ tổng thể tới từng chi tiết. Để làm được việc đó, người ta phải nghiên cứu hết sức tỷ mỷ hình thái của từng loài cây tự nhiên khi đến tuổi cổ thụ. Mỗi loài cây tự nhiên có một hình thái cổ thụ riêng, từ đặc điểm bộ rễ cho tới thân, lá, dáng cây. Không thể lấy cây sanh giả làm cây tùng cổ thụ. Mà rồi thì ngoài kỹ thuật ra, cũng phải cần hàng trăm năm, truyền từ đời này sang đời khác mới có được những cây bonsai quý giá. Những cây này thường ở đền chùa, tồn tại lâu dài như bản thân những di tích này, hoặc những gia đình danh gia vọng tộc lâu đời.
Kỹ hơn nữa, phải quan sát kỹ loài cây cổ thụ đó ở những địa hình, địa mạo, khí hậu, ánh sáng rất khác nhau sẽ có những đặc điểm thế nào. Muốn thể hiện đúng bản chất của một cái cây thì phải đặt nó vào trong bối cảnh đặc trưng của nó, chẳng hạn cây cổ thụ trên đỉnh núi đá vôi, cây cổ thụ bên đầm nước lớn, cây rừng trong cảnh thủy hạn v.v… Khi đó, cái cây phải ở đúng vị trí, tỷ lệ để toát lên được bản chất của cảnh quan một vùng. Thực ra đạt được đến độ đó thì mới gọi là thu nhỏ thiên nhiên.
Goshin (“người bảo vệ cho tinh thần”) là một bonsai nổi tiếng do John Y. Naka sáng tác.
Nhóm chơi thứ hai muốn qua cây mà bày tỏ cái chí khí hoặc bản tính của mình. Vì vậy mới có khái niệm cây thế, với những thế như quân tử, mẫu tử, huynh đệ, tung hoành, bạt phong hồi đầu v.v. Những cây này không cần giống cây tự nhiên lắm, nhưng cần thể hiện ý tưởng một cách rõ ràng. Bởi lấy cây để bày tỏ quan điểm nên mỗi người sẽ chỉ chơi một loại cây, một loại dáng, thể hiện tình cảm, chí khí của mình. Nhìn vào cây, biết chủ nhà là người thế nào. Các loài được dùng làm cây thế do đó rất đa dạng, tuy nhiên, nhiều nhất là những loài ngoài đời vốn được tôn sùng là thanh cao, bền vững như mai, trúc, tùng, bách v.v… Khi ở dạng cây bonsai, tuy cây nhỏ nhưng tinh thần vẫn giữ được như cây tự nhiên, giống như chí khí con người có thể hòa đồng vũ trụ. Ngược lại, những tham vọng trần tục như sanh, đa, đề, lộc, sung tuy cũng được coi trọng nhưng thường ở dạng cây cổ thụ tự nhiên chứ ít khi làm thành cây thế, bởi lẽ những thứ này cần có lượng mới thành chất. Đa, đề, sung, lộc v.v… đều quý ở to, nhiều chứ ít, nhỏ thì có giá trị gì.
Ngày nay, các đại gia Việt Nam chơi cây cốt ở cái “khủng”, có nghĩa là càng to, càng kỳ hình dị dạng, quái thai quái gở càng tốt. Thay vì bỏ công thu nhỏ tự nhiên trong hàng trăm năm, người ta khai thác luôn cây cổ thụ trăm năm, chặt ngang lưng rồi đặt lên chậu, chơi bộ rễ khủng. Ai không đủ tiền mua bộ gốc khủng thật thì làm bộ gốc giả bằng cách bó một nắm cây nhỏ thành một bó lớn.
Trong các loài, có lẽ cây sanh thuộc loại thích hợp nhất cho nhu cầu điêu chát này. Cây này như những con ma, chặt đầu này mọc ra muôn vàn đầu khác, bó lại là dính liền, gặp gì quấn nấy, kỳ hình dị dạng, không cách gì chết được. Cây cổ thụ trăm năm, chặt trụi cả rễ, phát đứt ngang thân vẫn sống nhăn răng, đâm cành mọc lá tua tủa. Rễ sanh mọc túa ra khắp nơi, thoắt cái đã to như cổ tay, bắp chân. Vì vậy, cây sanh được ưa thích hàng đầu trong các loài cây làm cây thế, bonsai ở Việt Nam.
Một cây sanh quái. Ảnh từ trang Cây cảnh Bình Định.

KTS PHÓ ĐỨC TÙNG.( còn tiếp) 

Tản mạn GIÁ TRỊ CỦA TỪ THIỆN - Đinh Hoàng Vân sưu tầm.





Một cô gái hỏi: " Bao nhiêu tiền 1 trái dừa vậy ông? "
Ông già bán dừa trả lời cô ta, " Thưa cô 10 ngàn 1 trái! "
Cô gái nói, " Bán cho tôi 2 trái 15 ngàn được chứ ? Không được, tôi đi chỗ khác! "
Người bán hàng trả lời: " Cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả! "
Cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến thắng. Cô ấy bước vào xe hơi và đi đón cô bạn, cả 2 cùng tới một quán ăn sang trọng...
2 cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra.
Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn là 850k, cô gái đưa 900 k và nói với ông chủ quán: " Khỏi thối! "
_____
Sự việc này có vẻ rất bình thường đối với ông chủ quán giàu có.Nhưng nó rất đau đớn cho người bán dừa tội nghiệp.

Tại sao chúng ta thể hiện sự tính toán chi li khi chúng ta mua hàng của những người nghèo khổ tội nghiệp? Và tại sao chúng ta lại quá hào phóng với những người không cần sự hào phóngcủa chúng ta?

Mỗi lần một đứa trẻ nghèo đến với tôi để bán một cái gì đó đơn giản, tôi lại nhớ về ba tôi. Ba tôi thường mua những món đồ lặt vặt từ những người nghèo khó với giá cao, mặc dù ông không thực sự cần đến chúng. Có lần tôi thắc mắc hỏi ba về hành động “kỳ quặc” đó thì ba tôi nói: "
Đó chính là chân giá trị của cái gọi là từ thin! "

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Thơ BIỂU ĐỪNG THƯƠNG NHỚ... - Bd Thao.




BIỂU ĐỪNG THƯƠNG NHỚ NGƯỜI TA
   
Thương người dưng-nhớ người dưng
Nhịp tim khó thở-ngập ngừng đau tê.
Nghe chiều hờn dỗi hẹn về
Nghe đêm nghèn nghẹn.Trăng thề đìu hiu.

Ngậm bùa mê-uống thuốc liều
Thiêu thân thí mạng,dám yêu một người,
Kiêu hùng lãng tử chịu chơi
Tử sinh nhẹ bổng-cả đời dọc ngang.

Hỡi người dưng,chí ngang tàng
Lỡ thương lỡ mến-lỡ làng....mình ên
Đường xuôi ngược-dẫu nhớ quên
Trầm ngâm vết sẹo không tên...ngọc ngà.

Biểu đừng thương nhớ người ta
Mà sao lòng cứ thật thà ...dấu yêu.
Đâu rồi hờn dỗi kiêu kiêu
Biết ai nũng nịu-liêu xiêu...bắt đền...

Tung bờm vó ngựa thênh thênh.
Dòng trôi bến cũ-mông mênh...nhớ người.

Bd Thao
(Bình Dương 21-11-2017)

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Thơ NHÌN VỀ MỘNG CŨ - Mai Hồng Thu.





NHÌN VỀ MỘNG CŨ(*)

Tôi nhìn về mộng cũ
Mới thấy mình đáng thương
Sân khấu đời độc diễn
Chợt thấy mình đang điên
Tôi nhìn lại chính tôi
Chợt tỉnh cơn mê rồi
Chẳng còn gì để nói
Chỉ xin đời quên tôi
Quên tôi trong tha thứ
Quên tôi trong hiền từ
Để cho tôi còn giữ...
Chút hồn nhiên xa xôi!

MAI HỒNG THU - 1998
_________________
(*) Tựa của MCHX blog.

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Truyện ĐỜI PHIÊU BẠT ( p1) - Lê Xuân Sang





ĐỜI PHIÊU BẠT  (hay ÁO DÀI ƠI) tập 1

Lời nói đầu 

Cách nay hơn 100 năm, đại văn hào Hector Malot ( Pháp ) đã cho  ra một tác phẩm để đời, đó là Sans Famille  ( vô gia đình ). Nói về một thằng bé đi tìm mẹ vì bị người cậu bắt cóc bán cho người khác   từ lúc mới lọt lòng,  với mục đích chiếm quyền thừa kế .
Ông đã "mượn" sự tìm mẹ của thằng bé để giới thiệu gần như toàn bộ  các vùng miền     nước Pháp ở đầu  thế kỷ 19, lúc mà nền công nghiệp châu Âu đang phát triển mạnh mẽ. Đó là chuyện Vô gia đình theo kiểu Pháp. 
Nay, tui cũng sáng tác một truyện ngắn Vô gia đình theo kiểu. ...VN. Đó là câu chuyện của anh chàng tứ cố vô thân tư Lê ,cũng di chuyển gần một nửa chiều dài đất nước vì cuộc đời đưa đẩy. Mặc dù cuộc đời tư Lê đã    từng  bước  ngang     qua cuộc chiến khốc liệt, nhưng tác giả chỉ lướt qua phơn phớt (như để gợi nhớ lại ở đất nước mình có một gíai đoạn như thế )     và chỉ  chủ ý đi sâu vào cuộc sống khốn khó,biết  vươn lên  của tư Lê . Đồng thời nói về  tình đời, tình người mãi mãi là chuyện muôn đời không bao giờ dứt. 
Mời các bạn xem nha. 

Và nhân đây cũng xin phép và cảm ơn tác giả các hình ảnh, mục đích để minh họa cho bài viết thêm sinh động, không vì mục đích thương mại. Đa tạ 

           x  x   x
               x  

-  Ông tư ơi, ông tư  có nhà hôn? 
Có tiếng gọi của   giọng  nữ  từ trên bờ sông vọng xuống .
-  Quái, đứa nào kêu tao sớm quá bây! Ông Tư vén chiếc mùng màu cháo lòng,ló đầu ra khỏi cái mui ghe ,ghếch mắt nhìn hướng lên bờ. 
Trong ánh sáng tờ mờ lúc rạng đông, ông Tư thấy dáng dấp của 1 bé gái chừng trên 10 tuổi đang đứng trên bờ. Dáng mảnh khảnh của nó nổi bật,thanh tú trong sương sớm. Hình như trong tay nó đang xách cái gì đó đựng trong bịch xốp  (  chú thích :  bịch  nylon ).  Ông Tư hỏi :
- Hồi nảy  ( chú thích : vừa rồi ) con kêu ông hả  ?
Con bé nói vọng xuống ,líu lo, huyên thuyên  :
-Dạ, tuần sau tựu trường rồi. Năm nay con lên lớp 6,trường bắt  phải mặc đồng phục áo dài trắng. Má con kêu ghé ông Tư đặt may cho đẹp . Ông Tư làm ơn đo lẹ lẹ để con dìa phụ má đặt lọp  ( chú thích : dụng  cụ  bắt cá )
-Ừ, xuống đây ông đo  cho 
Con nhỏ này cái miệng "lách chách " mà dễ thương thiệt. Ông tư cười thầm rồi đứng dậy với tay lấy cuộn thước dây để trong hộc máy may. Trên bờ, con bé cũng  chân sáo  tung tăng chạy xuống chiếc ghe mà ông tư đang neo đậu. 
Không biết  mừng vì thi đậu vô lớp 6, hay vì được má mua cho xấp vải trắng may áo dài mới để đánh dấu bước trưởng thành của đứa con gái chuẩn bị thành thiếu nữ mà nó tía lia cái miệng. 
Không đánh mà khai. Trong lúc ông tư đo kích thước thân thể thì nó kể là nhà ở miệt bảy  Ngàn ,ba  chết vì bị đau gan do uống rượu. Hiện 2 mẹ con đùm bọc nhau mà sống. 
-Má con đi mần mướn giỏi làm đó. Ai kêu gì làm nấy. Cuốc đất làm cỏ, cấy lúa má đều làm được hết. Giờ rãnh má đi đặt lọp bắt cá đỡ tốn tiền chợ. Lâu lâu con cũng đi phụ má đặt lọp, vui lắm. 
Nghe con bé vô tư kể về nhân thân của mình bất chợt ông tự chép miệng, nghĩ đi nghĩ lại nhà ai cũng có hoàn cảnh hết. Mà hễ  "hoàn cảnh" thì. ...."hoảnh càng " !
-Mà nhà con ở 7 Ngàn có gần chợ hôn. Có gần cái lầu ông Tây ,mà người ta thường  kêu là lầu Trắng đó?  ..Ông tư hỏi 
Con bé ngạc nhiên:
-Dạ nhà con ở gần đó. Ủa, mà sao ông  tư biết rành 7 Ngàn vậy.?
Ông tư cười hiền :
-Thì mấy năm trước ông có giăng câu,  đặt lọp ở đó. 
-Chời! Ông tư giỏi thiệt ta! Hôm nào rãnh ông tư vô 7 Ngàn chơi, con nói má làm đồ nhậu cho ông tư. Nghe xong ỗng tư mắc cười quá. Chỉ cần biết giăng câu, đặt lọp giỏi là con nhỏ tôn mình làm thần tượng rồi. Nhìn vẻ thơ ngây chân chất của nó, bất giác ông nghĩ tới thằng Lai con ông, giờ này không biết ở phương trời nào. ?!
Sau khi làm thao tác của thợ may xong, ông hẹn nó 4 ngày nữa ghé lấy . Con bé bước lên bờ,bóng nó với chiếc xe đạp khuất dần trong tầm mắt của ông tư. Ông quay vào trong, lần về phía "bếp " , bật cái hộp quẹt nhôm(  ruột là bông gòn với dầu hôi )      để nhóm lửa pha tách cà phê sáng theo thói quen. 
Thật ra "nhà " của ông là chiếc ghe tam bản nhỏ xíu  do người quen thương tình chia lại . Nhìn quanh ông cái gì cũng cũ kỹ. Từ chiếc ghe, tấm biển hiệu "Nhà may Tư Lê" , cho tới. ..con người ông đều trông cũ mèm so với thời điểm hiện tại. 
Ngồi bên ly cà phê ở đầu mũi ghe, vừa nhâm nhi vừa tận hưởng không khi yên bình nơi sông nước nầy bất chợt ông tư buộc miệng :
-Mau thiệt! Mới đây mà  đã  20 năm  mình sống nơi nầy .
"Nơi nầy " mà tư Lê nói tới, đó là vùng ngã bảy  Phụng Hiệp, nơi tập trung 7  nhánh sông qui tụ về. Nhờ vị trí thuận lợi, "đắc thủy" mà không biết từ bao giờ nó hình thành khu vực chợ tự phát trên sông nước tại đây. Bà con nông dân    từ 7 ngã sông mang hàng "tự sản" đem ra đây để. .."tự tiêu" thụ .
Thế rồi quá khứ dần dần trong ký ức  tư Lê   hiện về như mới ngày hôm qua. 

 1968.       Rời viện mồ côi Quy Nhơn   khi tròn 18 tuổi, cái tuổi được coi là "đủ lông đủ cánh" có thể tự lo cho cuộc đời của mình mà không phải nương nhờ sự cưu mang của xã hội nữa. Tư Lê sục sịt chia tay mấy sœur của viện để ra đi . ...lập thân. Hành trang của tư lúc đó là cái nghề may thời thượng học được    trong thời gian ở đây . Ở viện mồ côi các sœur luôn tạo điều kiện cho mấy đứa trẻ mồ côi như tư Lê. Đứa nào muốn học văn hoá thì sœur gửi ra các trường phổ thông, còn đứa nào muốn học nghề thì các soeur cũng tạo điều kiện cho đi học nghề. Theo đầu óc non nớt và giản đơn của tư  Lê     lúc đó thì nghề may là"ngon " ăn nhất vì nhìn quanh  đâu đâu  cũng thấy người ta mặc áo dài. Nữ sinh mặc áo dài là đương nhiên rồi, ngoài ra các mệ, các o đi một bước ra đường ,kể cả đi bán, đi chợ ,đi lễ nhà thờ,..... đều mặc cái áo dài truyền thống thì lo gì thất nghiệp! Nghĩ thế nên tư quyết tâm học nghề thiệt giỏi để "gầy  dựng tương lai". 
Thật ra Lê không phải là tên cúng cơm của tư Lê mà đó là cái họ  do mấy soeur đặt. Sở dĩ mấy sœur lấy họ Lê là vì họ này khá thông dụng  ở VN, còn tư là đặt theo từng đợt làm giấy "khai sanh  tập thể" cho đám nhỏ được nhặt từ  nơi đem về đây,mấy soeur làm một lượt. Có khi theo số thứ tự: một, hai, ba, bốn, ....Vì vậy tư Lê có tên là Lê văn Tư. Hoặc có khi soeur lấy theo một đoạn câu nào đó : Hoà ,Bình, Thống, Nhất , Hạnh, Phúc, Muôn, Năm, ....thì thằng nhỏ tất nhiên là. ....Lê văn Hoà,Lê văn Bình!      Và khi mở tiệm may, để cho ngắn gọn, mọi người  dễ nhớ Lê văn Tư trở thành Tư Lê kể từ lúc đó.
Mà không biết ông trời dung rủi thế nào mà tư Lê trôi dạt gần trăm cây số đến xã Tam Quan, thuộc quận Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định. .
Đúng là xứ dừa Tam Quan. Nơi đây không biết cơ man nào là dừa. Trong một lần vừa đi chơi vừa tìm "kế" mần ăn, tư Lê được bà chủ nhà   tốt bụng, vừa là chủ quán nước ở góc chợ quê đồng  ý cho tư   tạm trú và mở tiệm may. Nghe hoàn cảnh của tư, bà chủ nhà sốt sắng :
- Thôi thì cứ ở đây với dì, miễn bây biết làm ăn là tốt rồi. 
Vậy là hay hổng bằng hên, từ đó tư trở thành một thành viên của gia đình bà chủ nhà. Bà này chồng chết, đang phải nuôi 2 đứa con, một đứa đang học đại học ở  Sài gòn, một đứa  đang học lớp đệ nhất ở Quy Nhơn .
Ngày qua ngày, cuộc sống cứ trôi theo dòng thời gian. Nhờ khéo tay, bảng hiệu ngắn gọn   TƯ LÊ CHUYÊN ÁO DÀI                       ngày càng đông khách.,đã trở thành "hiện tượng " ở vùng đất quê nầy. Thậm chí có người kén thợ may ,từ Quy Nhơn cũng tới đây đặt may .
Một hôm, bà chủ nhà vui vẻ buột miệng :
-tui hỗng có con gái chứ nếu có tui gả cho cậu rồi. 
Tư Lê bẽn lẽn :
-con tứ  cố vô thân ai mà thèm dì năm ơi.
Vậy mà "một hôm gió tình yêu đến"
Tư Lê "đứng ngẩng trông vời  áo tiểu thư ".
Số là như đồng hồ sinh học, ngày nào trong tiệm may nhìn ra tầm 9 giờ sáng , tư Lê đều trông thấy một cô gái độ chừng đôi tám, nước da  trắng bóc quảy gánh dừa đi ngang . Tóc cô gái xõa bờ vai. Nhất là cặp mông nhún nhảy trong chiếc áo dài sờn cũ nhưng trông đẹp lạ kỳ. Tuyệt vời nhất là tay cô đánh đòng xa theo nhịp đi cùng quang gánh coi thiệt ngộ. Hình ảnh đó khiến tư Lê chết mê chết mệt. 
"Ừ nhỉ, bỗng dưng mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ 
Một hôm gió tình yêu lại 
Đứng ngẩng trông vời áo tiểu thư"
                                  Xuân Diệu 

Ông bà ta có nói : kim trong bọc có ngày cũng lộ ra, quả đúng vậy. Với sự tinh ý và kinh nghiệm đời, bữa nọ dì năm lên tiếng :
-tui thấy cậu "mê" con Ngọc Hân ở xóm trên rồi  phải không ? Muốn thì bữa nào dì làm mai cho. 
Tư Lê đỏ mặt ấp úng :
-không có đâu  Năm ơi. Con tứ cố vô thân ai mà thèm. 
Dì năm vừa "soi " tư Lê vừa nói :
-thì cậu "tứ cố", nó "vô thân" hợp quá còn gì. Ba má  nó bị bom đạn  chết hết rồi. Nó ở với dì từ nhỏ chuyên bán dừa . Dì của nó là bà ba Nữa ở xóm trên chuyên bán dừa, bỏ mối dừa ai mà hổng biết. 
Thế là "Hợp đồng " bất thành văn giữa dì năm Ra,chủ nhà với anh thợ may tư Lê về việc mai mối này xảy ra chớp nháng. 
Và với tài ăn nói ngọt như mía lùi của dì năm Ra khiến cô gái   mới lớn Ngọc Hân và dì ba Nữa xiêu lòng cái rụp .
Vậy là chẳng mấy chốc cái đám cưới "nổi" nhất xóm của đôi uyên ương trai "tứ cố",gái "vô thân" được tổ chức  thiệt "rậm đám" . Bà con trong xóm ai cũng thương hoàn cảnh 2 đứa mồ côi mồ cút mà biết lo mần ăn. Quả là trai tài gái sắc! 
Thanh niên, thiếu nữ trong xóm tình nguyện tới dựng rạp, căng bạt  . Có nhóm vào mé biền  đốn  2 cây đủng đỉnh bự tổ chảng       khiêng về. Có nhóm đi "quơ" tóc tiên, dương sĩ, bòng bong          ,để trang trí cổng chào. Bởi vậy, tuy đám cưới nhà nghèo ở làng quê nghèo  mà rất xôm  tụ . Ai cũng nói cặp nầy hổng chừng có phước, "tiền hung hậu kiết",hậu vận sung mãn. 
Và sau cái đám cưới quê vui vẻ cả làng đó thì gần một năm sau, một thằng cu tí ra đời trong sự chào đón thân thương của bà con xóm giềng. 
Hạnh phúc vỡ òa. Hai vợ chồng mừng vui đặt tên con là Lê tương Lai với mong ước đời của nó tương lai xán  lạn chứ không gian khó như cha mẹ nó. 
Cũng từ ngày ấy, nơi tiệm may Tư Lê có thêm tiếng còn nít bi bô khiến căn nhà trọ càng thêm vui vẻ. Dì năm chủ nhà tốt bụng thấy nhu cầu tụi nhỏ về chỗ ở nên lên tiếng cho 2 vợ chồng cơi nới thêm diện tích để đủ chỗ sinh hoạt. 
Có thể nói thời gian hạnh phúc nhất của tư Lê là lúc ở nhà dì năm Ra tại nơi miền quê hiền hoà nầy.
"Đường vô xóm nhỏ quanh quanh 
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ "

Cuộc đời những tưởng cứ lặng lờ trôi như dòng sông  Kôn  hiền hoà chảy qua xứ Bình Định nầy. 
                  Nhưng một hôm ,nửa đêm về sáng, từ xa vọng lại tiếng ầm đùng của đại bác, rồi tiếng máy bay gầm rú xé tan bầu trời. Dì năm thức dậy chong cây đèn đầu, giọng lo lắng:
-chắc đụng độ lớn đây. .
Trời sáng dần, ngồi dưới hầm  trú ẩn ,tư Lê ló đầu ra quan sát tình hình. Từ xa phía bên kia biền  là cánh rừng nguyên sinh, cách nơi đây chừng 4km, máy bay quần đảo liên tục. Tiếng súng lớn, súng nhỏ nổ như bắp rang. Đến chiều, tiếng súng ngày nghe càng gần. Bà con xóm trên gồng gánh nhau tản cư.  Họ chạy ngang nhà dì năm thông báo : chạy đi chị  Năm     ơi, đánh nhau dữ lắm. ...
 Tư Lê thấy    từ bên kia biền , chiếc máy bay vừa  chúi xuống cắt bom thì cây dừa lão bị bứng gốc tung lên cao như có một sức mạnh khủng khiếp của cơn bão dữ. Ôi, chiến tranh! 
 Trận đánh ở xã Tam Quan  ngày đó kéo dài gần một tuần. Nhà cửa cháy ngùn ngùn ngụt. Chợ xã vắng teo. Người trong xã mạnh ai tìm chỗ an toàn để trú ẩn hoặc chạy ra Quy Nhơn. 
 Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, kéo dài gần một tuần rồi mà không có dấu hiệu giảm nhiệt. Một hôm dì năm từ bên nhà bước qua tiệm may của tư Lê, giọng buồn lẫn lo lắng :
 -Dì thấy tình hình nầy ngày càng không ổn, dì năm bàn như như vầy, thôi thì hai đứa bây chạy về Sài Gòn mà sống. Dì cho địa chỉ của thằng Mạnh  ( con lớn của dì năm, đang học đại học ở Sài gòn ),nó bây giờ là "thổ địa " ở đó, kêu nó giúp tìm chỗ ở. Dì nghĩ tụi bây xuống đó chắc làm ăn khấm khá hơn. Còn dì chắc không đi đâu hết. Quê cha đất tổ, nhà cửa ở đây thì dì sống chết cũng ở đây. 
Nghe dì năm nói cũng có lý .  Xuất thân từ thằng tứ cố vô thân thì đâu cũng là nhà. Đã từ lâu tư Lê không quan tâm  tới chuyện"chính chị, chính em" gì cả và cái gọi là "lòng yêu nước" lại càng xa xỉ . Tư chỉ biết cuộc sống bình lặng, ngày có ăn 3 bữa là đủ. Nơi nào có bom rơi, đạn lạc thì tư cố chạy càng xa càng tốt. 
Thế là chiều hôm đó tư Lê gom góp đồ đạc dành  dụm bấy  lâu nay.   vô 2 bao tải lớn cùng vợ con lên chiếc xe đò trực chỉ  Sài gòn . 
Thằng bé Lai  mới hơn một tuổi chẳng biết gì, cứ ngủ suốt trong tay mẹ. Thỉnh thoảng thức dậy  ư,  e có vẻ vui  lắm. Nó đâu biết lòng cha mẹ nó rối bời khi nghĩ tới  tương lai mờ mịt phía trước.
Sáng hôm sau, lần theo địa chỉ dì năm Ra cho, tư Lê tìm tới nhà thằng Mạnh. 
Mạnh ở chợ vườn chuối thuộc khu bàn cờ. Nhà nó hơi sâu trong hẻm. Căn nhà này dì năm mua cho nó học suốt mấy năm Đại học ,rồi dự định khi em thằng Mạnh đậu đại học cũng lên đây. Anh em ở chung  cho tiện. Dì chọn nhà ở sâu trong hẻm thứ nhất là vừa túi tiền, thứ hai là yên tỉnh hơn ở ngoài đường. 
Sau 2 ngày ở tạm nhà thằng Mạnh , cả nhà tư Lê lại đùm túm nhau tới  căn    nhà mới do thằng Mạnh tìm giúp với điều kiện thỏa mãn 2 yêu cầu. Thứ nhất, phải vừa túi tiền, có nghĩa là căn nhà thuộc loại trung bình, không"lộng lẫy " quá, nhưng cũng không tệ quá và phải có đủ tiện nghi tối thiểu như phòng khách phòng ngủ, bếp,   phòng ăn    và. ....toilet. 
Thứ hai là phải ở mặt tiền đường để tiện việc ......mần ăn . Mà mần  ăn ở đây là may quần áo. 
Căn nhà tọa lạc trên đường Phan đình Phùng(bây giờ là Nguyên đình Chiểu ) , thuộc chợ Vườn chuối, cách tòa đại sứ Campuchia chừng 800m .Đây là căn  nhà phố chợ thuộc loại nhà liền kề. Vì liền kề nhau nên không nhà nào có cửa sổ. Để giải quyết sự tù túng ,đa số nhà ở đây đều có gác lửng, và trên gác lửng là .....mái nhà có thêm cái cửa sổ trổ nóc để hưởng chút không khí hiếm hoi  thổi vào  căn nhà. 
Tư Lê nhìn căn nhà lần đầu tiên bước vào, gật gù tỏ vẻ ưng ý :
-thằng  Mạnh tìm căn nhà này được đa,chắc mần ăn thuận lợi đây. 
Sau gần 3 ngày vợ chồng tư Lê hì hụi chưng dọn, trang trí căn nhà mới. Việc ưu tiên số một là dành hẳn phòng khách cho việc may đồ sắp tới. Nói "phòng khách" cho oai chứ có 12 mét vuông thôi nhưng cũng có thể đặt được 1 cái máy may, 1 cái máy vắt sổ, 1 bộ sa lon để tiếp khách tới đặt may, vậy là ổn. 
Trong   lúc    soạn mớ đồ đạc  lĩnh kĩnh, tư Lê lôi ra tấm biển thiếc 100 x 60 cm : TƯ LÊ CHUYÊN ÁO DÀI. 
Nhìn tấm biển mới ngày nào còn ở cách đây gần 700 cây số mà giờ  nằm nơi đất Sài gòn này . Quả thật nó giống như cuộc đời trôi nổi của tư Lê. Nhưng sao giờ đây tư thấy nó "quê "thế nào đó. Phải làm lại tấm biển  mới thôi, mà phải lớn hơn cái biển cũ cho phù hợp với căn nhà mới chứ !
Chừng 5 ngày sau, thợ quãng cáo mang thang và dụng cụ tới để trưng tấm biển hiệu sau khi được tư Lê thúc hổi làm lẹ cho kịp ngày tốt khai trương. 
Tấm biển lần này tư Lê làm "hoành tráng" hơn. Dài 3 m  ( bằng chiều ngang căn nhà phố ),chiều đứng 60cm : TƯ LÊ CHUYÊN ÁO DÀI NAM NỮ. Phía dưới là hàng chữ nhỏ hơn: bảo đãm quý bà quý cô ,  quý ông    hài lòng : lưng ong-tà úp - eo thon .
Trong suy nghĩ của tư Lê, mình mới ra tiệm, người ta chưa biết tiếng thì phải ghi như vậy cho họ chú  ý .
Ngày ấy, nếu ai đi ngang chợ Vườn chuối trên đường Phan đình Phùng, cách tòa đại sứ Campuchia  (ngã tư Phan đình Phùng -Lê văn Duyệt  ,hiện nay là Nguyễn đình Chiểu -CM tháng Tám  ) gần 1000m thì thấy 1 tiệm may mới toanh trưng biển hiệu vừa thiệt thà vừa gây sự tò  mò ,chú ý cho mọi người. 
Quả đúng vậy , có người đi xe qua còn ngoái đầu lại xem cái bảng hiệu dài dòng mà hơi bị lạ đó. Thế là họ tới đặt may một lần thử xem sao. Dần  dà tiếng lành đồn xa, người đặt may ưng ý rỉ tai bạn bè, người thân tới tiệm tư Lê ngày càng đông. 
Mà thật ra tư Lê có tài thiệt. Cô nào ít xương dư mỡ, tư Lê "nhấn ben" là có eo ngay. 😀 còn cô nào it mỡ thừa xương như con khô hố thì   qua bàn tay  tư Lê make up  sẽ thướt tha trong chiếc áo dài truyền thống như Thái hậu Vương vân Nga huyền thoại. 
Áo dài nếu đi sâu vào"chiên môn "cũng lắm điều rắc rối. Từ áo dài cổ điển cổ cao 12cm    qua áo dài cách tân cổ thấp 2 cm, cho tới không cổ  như kiểu áo dài Trần  lệ Xuân . Rồi từ  áo dài  cổ điển nổi tay nơi trên cùi chỏ, chuyển sang  nối  từ cổ  vào. ....nách mấy bà mấy cô ,gọi là áo dài raglan, thịnh hành những năm 70. Rồi từ vạt dài gần chạm gót sang vạt ngắn cũng cởn trên đầu gối. Vạt áo lúc ngang, lúc xéo. ... Thật là rắc rối  nhưng  qua tay tư Lê đều"trị "được hết, !

Thuở đó, năm 1970  phong trào mặc áo dài vẫn còn thịnh hành ở Sài gòn. Thôi thì từ các nghệ sĩ   ,đào cải lương,kịch sĩ   , ca sĩ phòng trà,diễn viên điện ảnh, cho tới mấy cô công, tư chức, mấy em học sinh nữ đều tới đặt may ở tiệm tư Lê. Vợ vắt sổ, chồng may, chẳng mấy chốc mà khấm khá .
Có thể nói, khu bàn cờ lúc đó như cái xã hội  VN thu nhỏ. Vừa có chiến tranh vừa có hoà bình. Nơi đây quy tụ dân tứ xứ đổ về sinh sống  với 1001 lý do.   Do  chiến tranh ở quê, sợ tên bay đạn lạc, làm nông  bán mặt cho đất ,bán lưng cho trời mà không nuôi nổi vợ con và còn một số người. ...trốn nợ, giật hụi cũng chọn nơi đây làm chốn dung thân. 
Những ngày đầu ở nơi thành phố lớn nhất miền Nam này, đêm đến tư Lê không tài nào ngủ được. Các nơi khác thì không biết sao chớ cái chợ Vườn chuối này dường như không ngủ. Đầu hôm là các quán nhậu, các món ăn chơi ban đêm mà dân các miền trong nước bày bán như để nhớ lại quê hương gốc gác của mình như: bún bò Huế, mì Quãng, bánh khọt, bánh cống  Cần thơ, bún nước lèo Sóc trăng.. .....Giữa khuya thì tiếng nắp khoén  ( nắp chai bia, nước ngọt )khua xèng xèng và giọng rao khàn đặc của chú chệt già : -tẩm quất đây,!,,!!!!tiếng rao mời gọi của chú chệt xa dần thì tới giọng rao :- bánh mì nóng hổi mới ra lò đây! !!!!!!!,  rồi bánh bao đây, bánh bao nhân thịt, bánh bao  chỉ đây! !!!!!,rồi phở tái Nhật Tân đây! !!kèm theo tiếng rao giọng Bắc là tiếng gõ của 2 mảnh tre nghe dòn rụm : lách cách, lắc cắc. ....
Và 3 giờ sáng là bộ mặt chợ thay đổi,chợ đêm bàn giao lại chỗ cho chợ ngày để tiếp tục cuộc sống của người tha hương xa xứ. Dần dà tư Lê cũng quen dần với nhịp sống vội vả, ồn ào nơi phố chợ. Nó đều đặn ngày nào cũng như ngày nấy khiến đồng hồ sinh học của tư Lê dần thích nghi nơi đây. 
Lại có những đêm tiếng rượt đuổi rầm rập trong hẻm, tiếng còi tu huýt ré  lên giữa đêm khuya đến rợn người. Rồi thỉnh thoảng có tiếng súng vang lên đâu đó. Tư Lê cảm thấy lo lắng bâng quơ. ...
Sống nơi chốn mới được chừng một tuần, một hôm trời vừa sụp tối, tư Lê đang tranh thủ cắt xấp vải cho kịp giao khách thì nghe tiếng động , ngẩng đầu lên chợt thấy một người dáng to lớn đang đứng sừng sững trước mặt. Tư Lê chưa hết ngạc nhiên thì người lạ vui vẻ tự giới thiệu. Anh ta tên hai Nhỏ, ở cách nhà thằng Mạnh 1 căn. Làm nghề bán bánh mì :
-tui nghe thằng Mạnh "quãng cáo"ông quá trời, bữa nay giỗ ông già, mời ông tới nhậu cho vui sẵn dịp làm quen nhau. Tụi mình chòm xóm mà. He he. 
Khác với vẻ bậm trợn bên ngoài là con người rặt chất Nam bộ của hai Nhỏ,tên Nhỏ mà không nhỏ :
-thôi dẹp cái đống quần áo của "ông" đi, nhậu  1 bữa chết chóc gì. Bữa nay tui cũng nghỉ bán bánh mì một bữa có sao đâu. He he. 
Trước sự quá nhiệt tình của hai Nhỏ, tư Lê đành phải đi theo "người bạn mới " đi vào hẻm sâu để dự đám giỗ và. ...cho biết nhà. .
Vào tới nơi thì đã có sẵn đủ mặt "bá quan văn võ " chừng chục mạng ngồi xếp bằng ở nền nhà xi măng  thành vòng tròn, chính giữa là mấy dĩa "mồi"và 1 chai rượu đế chừng 1 lít. Tư Lê đảo mắt quan sát nhanh . Có tên  xăm trên cánh tay "xa quê hương nhớ  mẹ hiền", có tên xăm trái tim với mũi tên đâm xuyên qua với dòng chữ Hận đời đen bạc.    Mặt người nào cũng có vẻ khắc khổ, bậm trợn  ,tư Lê thoáng hơi "quợn"   ,lại  có mặt thằng Mạnh nữa chứ! .Mà chắc nó là thằng trẻ nhất trong đám. 
Tổ cha mày ! Vô đất Sài gòn này mầy giao du  với cái đám "du thủ du thực", không lo học hành, tao sẽ méc má mầy cho coi. Tư Lê nghĩ bụng. 
Nghĩ tư Lê là nhân vật mới toanh, chắc còn ngại ngùng nên hai Nhỏ chủ động giới thiệu với tập thể :
- ông bà ta có nói, tứ hải giai  huynh đệ . Bốn biển đều là anh em. Tui xin  giới thiệu đây là tư Lê, dân nẫu đó nha. Thằng này gốc Bình Định, cùng xóm với thằng Mạnh đó. Hất hàm về phía "phe cũ "hai Nhỏ tiếp, còn đây là dân tứ xứ tha phương cầu thực làm đủ nghề như là bốc vác, chạy xích lô, 3 gác  , vựa trái cây, bán hủ tíu, cháo lòng, bỏ mối hàng,chạy xe ôm, ..... vì hoàn cảnh tập trung về đây kiếm sống. Vì cùng cảnh ngộ nên coi nhau như anh em một nhà. Nay đám giỗ ông già tui, mời các chiến hữu nâng ly. Một, hai, ba, zô! 
Vậy là lính cũ, mới bây giờ là chiến hữu hết. Ai nấy   nhiệt tình uống và nhiệt tình. ...say. Họ say vì nỗi buồn xa xứ và say cho tình bạn chân chất. ( hết phần 1, mời  xem phần 2 )

LÊ XUÂN SANG  (11/2017)

Viết từ phương xa - NHỮNG MÓN ĂN HUẾ - ST trên facebook.




NHỮNG MÓN ĂN HUẾ NGON VÔ HẬU!

Giữa những ngày làm việc cật lực, từ 15 đến 18 tiếng đồng hồ thẳng rẵng, ăn uống qua loa, người mệt nhừ, khô như ngói nung, như vỏ cây cổ thụ, chợt thấy lóe lên trong trí nhớ bát canh dưa hường mẹ nấu những ngày còn thơ, lòng xao xuyến, nước dãi đầy lên khóe miệng.
Những quả dưa chỉ bằng quả bưởi bói lần đầu, da xanh non màu thiên lý, có vân sọc y như dưa hấu. Mẹ gọt vỏ, rửa sạch rồi bửa làm tư hay làm sáu, bỏ ruột, thái miếng mỏng, cũng có khi mẹ đổi, bằm dưa thay vì thái miếng, để riêng trong rổ. Mẹ bóc tôm, hai ngón tay bóp cho mình tôm dẹt xuống, nát ra, để trong cái chén. Nước mắm ngon, hành tiêu, chút ớt bột, chút đường, ướp vào tôm.
Bắc nồi lên bếp, cho chút dầu. Dầu nóng, trút chén tôm đã ướp vào, tao cho tôm vàng màu hổ hoàng xong thì thêm nước lạnh, áng chừng cho vừa đủ canh để cả nhà ai cũng có phần. Canh sôi, hớt bọt kỹ, đổ dưa hường vô nồi, nêm nếm lại rồi tắt bếp. Hành ngò xắt nhỏ, rắc lên tô canh. Rau xà lách xắt rối chung với húng cây, và theo canh. Mẹ nhìn con hì hà hì hụp ăn, cười nói: “Thủng nồi trôi rế hả con?”
Ở quê người, con có đủ sơn hào hải vị. Mua nhà lầu thì khó. Mua xe đẹp hay nữ trang lớn cũng khó nhưng thèm ăn, thèm mặc gì thì không khó. Con không thèm bất cứ món ăn nào ngoài nộm bông cau, nộm vả mẹ làm với trái quả trong vườn. Con thèm canh mít non nấu lá sanh lốt. Con thèm canh dưa hường nấu tôm vừa dòn, vừa ngọt, vừa thơm đến từng chân tóc, vừa mát đến từng kẽ răng. Con nhớ nồi ốc luộc, những cái gai bưởi hăng mùi nhựa tươi để lể ốc chấm mắm gừng. Con nhớ những con cá nục chuối đỏ thẫm, óng ánh nước màu, chỉ nhìn thôi đã bứt rứt cả châu thân.
Một hôm đã lâu lắm, lúc chợ Tân Mai còn ở chỗ ngã tư Bolsa và Bushard, buổi chiều tan sở về tình cờ ghé qua, thấy mấy quả dưa hường lăn lóc trên cái kệ gỗ, mừng như bắt được vàng. Vồ lấy chúng, đem ra quầy tính tiền, hỏi bà chủ: “Chị ơi, ở đâu có dưa hường này? Mà có thường xuyên không?” Bà chủ cười, trả lời bằng tiếng Huế (chắc chắn rồi!): “Ờ, chẳng biết ai đưa tới, lâu lâu mới thấy.” Sau duyên may bữa đó, cho đến khi chợ đóng cửa, không bao giờ còn thấy dưa hường nữa.
Nói là nói vậy, mong là mong vậy, đem dưa hường về nhà, nấu nướng như mẹ, bát canh múc ra không phải là bát canh những ngày thơ ấu. Thiếu vạt áo xông mùi hành tỏi, mùi khói bếp của mẹ. Thiếu miệng cười đen lánh những chiếc răng màu hạt huyền của mẹ. Thiếu không gian buổi hoàng hôn trên vuông sân nhỏ, mẹ lúi húi qua lại cùng với đàn dơi chấp chới bay. Thiếu giấc mơ thời mới lớn với biết bao nguyện ước thần tiên mà ngay cả vị ngon ngọt của canh dưa hường lùa qua đôi môi cũng rì rào hạnh phúc. Không biết nếu có một lần nào khác, lại bắt gặp dưa hường trong một ngôi chợ ở xứ Mỹ, liệu lòng có còn háo hức như lần đầu khi hiểu rằng không bao giờ và ở bất cứ đâu, canh dưa hường có hương vị như bát canh mẹ nấu ngày xưa?
Căn nhà tôi mới dọn vào hai năm nay ở sát cạnh nhà hàng xóm có trồng một hàng cau kiểng rất đẹp dài theo bức tường làm ranh giới ngăn đôi hai bên. Mỗi lần đi đâu về, vừa quẹo vào đầu con đường nhỏ, hàng cau bên hông nhà luôn cho tôi cảm giác êm đềm của những ngày thơ ấu trên quê hương. Tuy những tàu cau kiểng ở đây rất khác với những tàu cau cho quả ăn trầu ở Việt Nam vì cau kiểng tàu lá thấp, tòe rộng như cái tán lọng, không giống những tàu cau sắc cạnh, túm gọn tít trên đầu những cây cau mảnh mai, thẳng tắp ở vườn nhà Việt Nam nhưng dù vậy, chúng vẫn thuộc họ nhà cau và gợi nhắc hình ảnh nhau trong lòng người lữ thứ như tôi.
Huế có món nộm cau rất độc đáo, ngoài Huế không đâu có. Tôi không biết có bao nhiêu người Huế lưu lạc từng thưởng thức món nộm bông cau ở Huế đến nay còn nhớ món ăn đặc biệt này? Ngay bên dưới cái tán lá bung ra, cong cong, mềm mại, in lên nền trời hôm sớm, khi bụng cau phồng lên như bụng một bà mẹ chửa con so, tôi chờ đợi từ đấy nứt ra buồng cau nhỏ xíu lơ quơ mấy cái nhánh gầy non yếu màu vàng mơ, đeo mang những trái cau chưa tượng hình, chỉ mới là chùm hột phơn phớt màu tơ tằm…
Nếu may mắn nhằm lúc mẹ tôi không bận bịu việc gì khác, bà sẽ nhờ anh phu kéo xe cho bố tôi quặp chân vào thân cau, leo lên, bóc nó xuống để bà làm món nộm bông cau cho cả nhà ăn. Ngày ấy tôi còn bé quá, ráng sức kiễng cả người cũng chưa cao ngang tầm bếp nên không biết mẹ tôi pha chế những gì, chỉ biết những nụ cau, cành cau non vừa thơm, vừa dòn và ngọt, hình như có cả mùi nhựa cau say say, trộn lẫn rau thơm, lạc rang, nước mắm chanh, tỏi, ớt, đường, giấm, tất cả hòa quyện vào nhau cùng với hương vị miếng bánh tráng gạo nướng vừa tới, chao ôi là ngon!
Tôi nhớ có ai đó trong nhà được mẹ tôi cho ăn món nộm cau, đã hít hà kêu lên: “Ôi chao, ngon chi vô hậu rứa hè!” Sở dĩ tôi nhớ câu này lâu vì tôi không hiểu tại sao người ăn khen món ăn mẹ tôi làm lại dùng hai chữ “vô hậu” vốn hàm ý chê bai một điều không tốt, không có hậu vận tương lai? Thấy ai làm việc gì ác, thiếu nhân đức, người Huế có câu mắng khá độc địa: “Đồ vô hậu!” Tôi lẽo đẽo theo hỏi mẹ nhưng mẹ tôi bảo: “Em nghe ai nói thì hỏi người đó cho chắc, chữ nghĩa đa đoan, chị không biết ý người ta.” Hồi đó tôi sợ, không dám vặn vẹo người lớn nhưng sau này khi chính tôi khôn lớn, hỏi lại đúng câu này thì mỗi người giải thích một cách như mẹ tôi đã trả lời tôi ngày nào.
Mẹ tôi hiền nhưng khôn ngoan, Tôi không thấy bà làm mất lòng ai bao giờ, có lẽ vì cuộc sống của mẹ tôi vốn đã nhiều khó khăn. Sống lâu với Huế và lớn lên ở Huế, dần dần tôi biết thêm nhiều cách dùng hai chữ “vô hậu” với ý nghĩa hoàn toàn tương phản. Khen một nhan sắc làm mê mệt lòng người, “Em ạ, yêu nhau chết cũng đành,” người Huế nói: “O nớ đẹp vô hậu!” Tôi không biết “vô hậu” trong trường hợp này và những trường hợp tương tự, ngoài cái nghĩa trách yêu “không để cho người ta sống với,” có phải nó ghép từ mấy chữ “vô tiền khoáng hậu” hay không? Thế nhưng chê một ai, một cái gì thậm tệ, người Huế cũng nói: “Ăn ở chi mà vô hậu rứa?”
Món ăn Huế thứ hai, home made, cũng ngoài Huế không tìm được ở đâu khác và mẹ tôi hay làm là nộm vả. Nhà tôi có cây vả ở vườn sau. Lá vả to, giông giống lá sen nhưng sờ nhám tay, không nhẵn như lá sen. Quả vả tròn, dẹt ở hai đầu như quả quýt, màu xanh lục, lớn nhất cũng chỉ vừa lõm tay. Hái vào, rửa sạch, luộc cho mềm. Xong, gọt vỏ, thái vừa rồi xới tơi ra. Tôm thịt tao lên, nêm nếm vừa ăn, trộn vào vả, rau răm xắt mỏng, lạc rang giã rối, vừng rang vừa vàng, giã sơ.
Nộm vả không cần nước mắm pha vì nhân tôm thịt đã rim rồi. Khi ăn, dùng bánh tráng gạo nướng để xúc thay cho muỗng đũa. Khác với nộm bông cau, tươi, dòn, mát, nộm vả bùi và ngậy, mỗi món một vẻ, món nào cũng tê tái ngon. Ngoài nộm, trái vả nhờ vị chát và thơm còn được ăn sống như một thứ rau củ dọn với món bánh khoái bên cạnh rau cải con, khế chua và tỏi sống.
Món thứ ba khiến khi xa Huế rồi cũng rất nhớ nhung là món canh mít non lá sanh lốt (theo cách người Huế gọi). Vài năm trước, một buổi chiều mùa Hè nắng muộn, trên đường về nhà qua phố Bolsa, tự dưng tôi thèm canh mít xót xa. Tôi tạt xe vào chợ, mua hai lon mít non hiệu Chao-Koh xong ra hàng rau tìm lá lốt thì không có. Chợt nghĩ chắc chỉ tiệm bò bảy món là có sẵn lá lốt nên tôi chạy tới nài nỉ xin mua lại một ít nhưng chủ nhân lịch sự trả lời là mối bỏ chỉ đủ cho tiệm làm và bán ra mỗi ngày, không có dư. Thì thôi, đành cất hai hộp mít vào tủ bếp để làm kỷ niệm. Cuối tuần làm chương trình phát thanh, ông thần khẩu xui tôi buột miệng than sao lá lốt khan hiếm quá, chợ không có, vườn nhà không có, tiệm chuyên bán bò lá lốt thì có nhưng không dư cho tôi nài lại.
Mấy ngày sau, tôi nhận được một phong bì ưu tiên của bưu điện gởi từ Florida tới đài, bên trong có ba liếp lá lốt rửa sạch sẽ, lau khô và xếp như lá trầu không, vẫn tươi nguyên như vừa hái vì được gói trong paper towel trước khi bỏ vào Ziploc, rất cẩn thận và mỹ thuật. Ngưởi gửi là chị Vân, cho biết rất thông cảm với “cơn thèm” của tôi mà vườn nhà chị thì xanh mướt lá lốt không biết làm gì cho hết.
Thời đại kỹ thuật cao này, hàng xóm có thể ở cách nhau vài ngàn dặm đường, còn gì tuyệt vời hơn nữa? Hôm đọc tin bão Irma đánh vào Florida, băn khoăn không biết khu vườn hoa lá xanh tươi của chị Vân có bị hề hấn gì không nhưng may quá, khu vực chị ở không bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhớ ơn chị bát canh mít non lá lốt. Mít hộp không ngon bằng mít tươi hái từ vườn của bố mẹ tôi ngày xưa nhưng lá lốt chị gửi dường như thơm hơn, ở lại với mình thật đậm đà chị Vân ạ! Ai đọc bài chia sẻ lẩm cẩm này mà muốn thưởng thức canh mít lá sanh lốt, xin nhắc (anh hay chị) nhớ đừng quên nêm chút nước ruốc sau cùng, trước khi bắc nồi canh xuống nhé!
Cali nhiều nhà có cây khế sau vườn nhưng khổ nỗi Cali ít mưa. Dẫu sao, thay vì dầm khế cả vại như khi mùa Đông tới ở Huế, trời mưa suốt mấy tháng, Cali chỉ cần một cơn mưa nhỏ để đủ nước mưa cho người Cali dầm khế một hũ lớn thôi là bếp gia đình sẽ có những bát canh khế xâm trong veo, ngọt ngào và thơm ngát, ăn xong bữa mà vị khế thanh tao còn đọng lại trong kẽ răng. Có điều bầu trời Huế khi tôi lên 9 hay lên 10, chưa biết ô nhiễm là gì, không gian trong trẻo, đêm đầy sao long lanh như ngọc vãi, mưa rơi (và rơi nhiều) không cuốn theo bụi bặm hay hơi khói từ các nhà máy, có lẽ vị nước mưa cũng tinh khiết hơn?
Món ngon của Huế quá nhiều, nhất là những món của nhà nghèo. Những ai đã ăn món chột nưa kho ruốc hay dưa nưa chấm nước cá kho chắc sẽ không bao giờ quên được cái hương vị nồng cay đến cháy lòng, thấm đượm trong từng hạt cơm nhai nuốt thong thả ở một nơi chốn cuộc sống bình an, chưa hề lo âu hay vội vã.
Tôi được ăn nhiều món ngon, rẻ tiền và dễ nấu của Huế. Bây giờ, những vật liệu rẻ và dễ kiếm ấy đã trở thành rất đắt (tôi không cách nào mua được) và rất hiếm (tôi không còn tìm thấy ở đâu nữa): mẹ hiền, khu vườn cũ và tuổi thơ tôi. Cho nên, đành cất riêng nỗi tiếc thương trong lòng, nhai lại ký ức mình như con bò rời khỏi đồng cỏ xanh tươi bát ngát về chuồng, nhai lại không chỉ nắm cỏ đã tan vào xác thân nó mà cả màu trời xanh, làn gió mát, tưởng còn nguyên vẹn nhưng đã khác rất nhiều qua một giờ, qua một ngày, qua một dặm đường, như chính nó cũng không còn nguyên vẹn như hôm qua. 

Bùi Bích Hà ( 15/11/17 )