Chuyện con người : TÌNH NGƯỜI - St trên mạng.


TÌNH NGƯỜI! 

Sáng 1-12, vòng xoay Phạm Văn Đồng tuy đã có các nhánh cầu vượt nhưng phía dưới vẫn đông xe.

Một người đàn ông trung niên chạy chiếc xe ba gác máy. Đến đoạn ôm cua, xe mất lái, mất thắng…, ông ủi vô phía sau một chiếc xe hơi.

Và người lái xe ba gác bị hất mạnh về phía sau, ngã lăn xuống đường…

Lỗi rõ ràng do xe ba gác máy mất thắng. Vì xe hơi vẫn chạy bình thường chứ không dừng đột ngột.

Tôi dừng lại giúp đỡ người chạy ba gác dậy và giật mình khi nhìn thấy đèn của chiếc xe hơi trị giá hơn 4 tỉ đồng đã vỡ. Tôi bắt đầu lo cho người chạy ba gác.

Nhưng rồi tôi tạm gác lại chuyện đó khi thấy máu từ trên cánh tay của người lái xe ba gác bắt đầu chảy. Có vật gì đó cắt vào nên máu từ cánh tay anh chảy rất nhiều.

Tôi loay hoay tìm trong túi xách có ít khăn giấy khô để quấn lại cầm máu cho anh. Tự dưng thấy mình bao đồng, nhưng trong hoàn cảnh này, tự mình an ủi mình… giúp người mà!

Thế rồi, một người đàn ông từ trên xe hơi mở cửa bước xuống. Tôi hồi hộp chưa đoán được chuyện gì sẽ xảy ra lúc này.

Tôi nghĩ với thu nhập của một người lái xe ba gác máy thì bóng đèn xe hơi kia chắc phải mất tiền của cả tháng trời dành dụm. Tôi bắt đầu hồi hộp và đã xót xa cho anh!

Người đàn ông tiến lại gần, bắt đầu ngồi xuống chỗ tôi và người lái xe ba gác đang loay hoay. Ông ta hỏi:

– Anh có bị làm sao không, có cần đi bệnh viện không? Sao anh bất cẩn vậy? Đưa tay tui xem nào! – người đàn ông cầm cánh tay của kẻ bị thương và dùng luôn cái khăn trong túi áo ông ấy để quấn lại.

– Dạ tui… tui… không sao, tui cám ơn anh – vẻ khổ sở và sợ sệt của anh lái xe ba gác đáp lời.

Tôi chưa hết hồi hộp thì tài xế của người đàn ông sang trọng bước xuống xe, nói to:

– Chú Hai, bóng đèn xe bị bể rồi chú Hai!

– Bể thì sửa, chút đem về trung tâm cho nó làm lại!

Ông ta không quan tâm đến cái bóng đèn xe của mình đang bị bể, mà vẫn cố buộc lại vết thương cho anh lái xe ba gác.

Tui thấy anh ấy nhét vào trong túi áo của anh lái xe ba gác ít tiền gì đó rồi nói: “Làm ăn cẩn thận chú ạ. May là gặp tui, không là công toi rồi. Chút về coi ghé trạm xá nào đó cho nó băng bó vết thương. Bảo trọng nghen…”.

Nói xong ông lên xe rời đi với chiếc xe bị bể mất một bóng đèn. Tôi tần ngần nhìn theo chỉ kịp thấy chiếc xe mang biển số Sài Gòn.

Cảm giác của tôi lẫn lộn. Tôi vẫn chưa hết sợ. Và tôi vẫn chưa tin vào mắt mình. Trong tôi vẫn còn một chút của cái tưởng tượng ích kỷ thoáng qua lúc người đàn ông kia bước từ trên xe hơi xuống.

Tôi tự trách mình bởi đã tưởng tượng ra khung cảnh hầu hết của các vụ va quẹt mà tôi từng chứng kiến. Thế mà hôm nay, chuyện cổ tích lại xuất hiện trước mắt mình.

Người ta có cả trăm, cả nghìn cách ứng xử với nhau, nhưng chỉ có một thứ để hiểu nhau, đó là tình người.

Tôi đứng giữa quan sát vai vế, địa vị của hai người đàn ông. Và tôi đã không còn nhìn thấy sự phân biệt giàu nghèo. Lúc đó chỉ có tình yêu thương.

Tự dưng tôi thấy hôm nay ở đâu cũng đẹp, những con người đẹp, nắng đẹp, và một Sài Gòn rất đẹp!
Mình cũng đẹp nữa!

PHẠM MINH HIỀN

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Thơ vui : TÌNH HÌNH LÀ RẤT... TÌNH HÌNH - Nguyễn Văn Hoài.




TÌNH HÌNH LÀ RẤT...TÌNH HÌNH

Từ rày đến bỏ thơ hài
Suốt ngày thơ thẩn nay xài mì tôm
Người ta bươn chải sớm hôm
Kiếm tiền vất vả chẳng sờn nắng mưa
Mềnh thì chiều tối sớm trưa
Chả chịu cày bừa chỉ mải thơ ca

Vợ rằng anh bỏ đi nha
Từ nay giúp vợ việc nhà chăm lo
Đi buôn, trồng cấy, chăn bò
Cốt sao cuộc sống ấm no được rồi

Tối về rảnh rỗi hãy ngồi
Thơ gì cũng được, lôi thôi là phiền
Chăm lo, chịu khó kiếm tiền
Mì gói ăn liền, liệu có ra thơ !

Nguyễn văn Hoài.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Chuyện con người : HỒI ỨC - St trên FB.






HỒI ỨC

... Cách đây hơn ba chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn. Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm.

Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ !” Mẹ tôi trả lời: “Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con ?” Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: “Con cần đồng hồ làm gì thế hả ?” Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.” Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào.

Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mới toanh sáng loáng. Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình. Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xước chứ ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy ! Thôi, mẹ về đây.” Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ ?” Mẹ tôi trả lời: “Bố mày bán máu lấy tiền đấy !” Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi ? Trời ơi ! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa.

Ngày hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó. Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy chủ nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng. Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé!” Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì.

Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi. Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả. Thầy bảo: “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.”  Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên. Tôi kinh ngạc hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ ?” Thầy chủ nhiệm nhẹ nhàng trả lời: “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy !” Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ ?”. Thầy bảo: “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà quan trọng hơn, nó là lương tâm của một con người.” ...

Fb Khôi Nguyên

Chuyện con người : HÃY KHÓC ( tiếp... ) - St trên mạng.




HÃY KHÓC ( tiếp theo và hết )
... Mẹ nói: "Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?".

Ông ấy an ủi mẹ tôi rằng: "Em tuyệt đối đừng thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Phước (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó".

Lời của ông khiến mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, cảm giác trong lòng tôi lúc ấy rất phức tạp, đồng thời cũng cảm thấy rất xấu hổ. Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn.

Ông ấy âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi: thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.

Chỉ là không ngờ có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn rất nghiêm trọng. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ thì đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.

Tôi và con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây.

Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông lúc nào cũng mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.

Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền tiêu đi như nước; ông khóc.

Một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới từ cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.

Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông. Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không ló mặt đến một lần. Mỗi lần gọi điện thoại, anh ta đều nói rằng mình đang đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.

Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng đề xuất với tôi rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ chưa đăng ký, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả.

Mẹ nói với tôi rằng: "Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể mang một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được". Đây chính là hiện thực tàn nhẫn.

Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này.

Tôi nói với ông, vẫn đang nằm trên giường bệnh rằng: "Chú Phúc, mẹ con bệnh rồi". Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa. Tôi gắng sức nói tiếp những lời tàn nhẫn: "Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi".

Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp: "Chú Phúc, chúng con còn phải đi làm, mẹ con sức khỏe lại không tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một bảo mẫu cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú".

Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích: "Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần mời bảo mẫu, thật sự không cần…".

Tôi bước ra khuôn viên của bệnh viện mà chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời.

Tôi thuê một bảo mẫu cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không đến đón, mà bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.

Tài xế sau khi trở về đã nói với tôi rằng: "Chú Phúc nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy".

Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không duy trì được bao lâu.

Ngày Tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi cảm thấy có chút buồn tẻ, không còn một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.

Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày Tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói: "Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm".

Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng nói nữa, nhưng con lại càng dữ dội hơn: "Tại sao mọi người không để ông nội về nhà đón Tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!".

Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó như là đang đánh vào mặt tôi vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.

Tôi nhìn qua kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Đó là ngày 30 Tết buồn biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, được xây dựng trong sự lặng lẽ của một người.

Không biết giờ này, chú Phúc đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà cảm thấy tủi thân?

Sau khi đón giao thừa xong, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Phúc. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng thì nở nụ cười, nhưng mắt lại đẫm lệ.

Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng cho anh ta một trận, bắt đầu đồ xôi và kho nồi thịt kho cho ông.

Bảo mẫu đã về nhà đón Tết, trong tủ lạnh đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ.

Những nắm xôi nóng hổi cuối cùng đã giúp nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày Tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng, nước mắt lại rơi lã chã.

Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi uống rượu. Tôi đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy thê lương.

Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến: "Anh ở đâu vậy hả?".

Tôi phát hỏa: "Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả? Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm chúng ta phải chăng đã bị chó tha mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!"
.
Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi: "Con làm vậy là sao?".

Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng: "Về nhà".

Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món mỳ bò, muốn làm thẻ siêu nhân.

Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi: "Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?".

Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy: "Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy.

Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi".

Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: "Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy".

Tôi nói: "Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?".

Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: "Bố ơi, đừng có gửi ông nội về đâu nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!".

Tôi ôm con trai vào lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ấn tượng bất hiếu trong lòng của con.

"Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!".

Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó… ./.


St trên mạng .

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Thơ : NẮNG ĐỎ - Xuân Duyên.



NẮNG ĐỎ

Nắng đỏ cả con đường
Như hạt son vấn vương
Giữ bàn chân thật khẽ
Man mác một mùa thương
    Lời yêu xưa còn đó
    Con chim hót đầu hồi
    Dẫu giọt mưa bỏ nhỏ
    Vẫn chưa tròn khúc ngôi
           
     XUÂN DUYÊN - 4/2019

Chuyện con người : HÃY KHÓC - St trên mạng.




HÃY KHÓC

Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến.

Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi của tôi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 đối với một nửa kia chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.

Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối.

Bởi ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, ông chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.

Thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng, mẹ đã có thiện cảm với ông ấy bởi tài nghệ nấu nướng của ông.

Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: "Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!".

Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, bà đã ở lại. Ông không để bà động tay đến, thoáng chốc đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.

Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: "Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào".

Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp thêm vài người lão niên khác nữa, tuy điều kiện của mọi người mẹ gặp đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.

Lí do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần được người ta chăm sóc lại.

Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau…

Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau.

Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, bên ngoài thì là bày tỏ sự tôn trọng đối với ông, thật ra là thông qua đó tôi thể hiện đẳng cấp của mình.

Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: "Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền".

Chính tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô sỉ chẳng còn gì để nói nữa.

Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc.

Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: "Lần sau khi chú Phúc làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút".

Tôi thấy sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.
Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: "Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Nấu ăn, sợ nhất là món ăn mình làm ra không có người ăn".

Hôm chúng tôi ra về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: "Đừng có khen cơm bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được".
Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: "Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu".

Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà.

Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ đã đến giúp tôi cúng đất đai gia trạch cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục một cách cẩn thận, kỹ càng, đâu vào đấy. Nhưng, đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng ở trong tình trạng khóa máy.

Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để mang về nhà ăn.

Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng: "Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết".

Mẹ nói: "Làm gì mà ngày nào cũng phải... ( Còn tiếp )

Sưu tầm trên mạng .

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Thơ : VÀI NĂM NỮA... - Hà Thu Thủy




VÀI NĂM NỮA ....

Khi bà già gặp lại cố nhân
Thì tóc và mây chung sắc trắng
Bồi hồi nhớ cuộc tình lận đận
Mắt rưng buồn dấu vết thời gian.

Khi ông già gặp lại người xưa
Thì chân đã liêu xiêu gậy chống
Tay run run nhặt cành lá úa
Một lần xa... đã quá mênh mông.

Khi ông bà tìm về chốn cũ
Bến sông xưa bên lở bên bồi
Con đò đã buông neo nằm rũ
Dòng sông buồn nắng rớt chơi vơi.

HÀ THU THỦY. 

Vui cười : NẠN NHÂN THÀNH THẬT - St trên mạng.



NẠN NHÂN THÀNH THẬT !  

Ngất xỉu một hồi thì tên cướp tỉnh dậy trước, liền moi túi nạn nhân và chỉ tìm thấy vài đô la. Lúc này nạn nhân mới tỉnh lại, tên cướp chỉ tay vào mặt nạn nhân giận dữ quát:

- Đồ con lừa, có ngần ấy tiền mà cũng bày đặt chống cự.

Nạn nhân hốt hoảng nói:

- Vì tôi cứ tưởng ông định cướp một ngàn đô la tôi giấu nó trong chiếc vớ của tôi đây này.

- !!!

Tản mạn : NGƯỜI QUẢNG ĐI ĂN MÌ QUẢNG - NĐH st và giới thiệu.




NGƯỜI QUẢNG ĐI ĂN MÌ QUẢNG .

1. Ở Sài Gòn, nếu bạn nhìn thấy một người khách bước vô một quán mì Quảng, kêu một tô mì, ăn xong gật gù khen ngon, trả tiền rồi đi ra, lòng không hề vướng bận một điều chi thì bạn có thể đàng hoàng kết luận: khách không phải là người Quảng Nam.

2. Người Quảng Nam đi ăn mì Quảng không có được một thái độ hồn nhiên như thế. Họ thường trực bận tâm “Chả biết mì Quảng quán này có đúng là… mì Quảng không?” Trước khi kêu một tô mì Quảng, họ hỏi chủ chủ quán: “Đúng không?”, sau khi ăn một tô mì Quảng, họ bảo chủ quán: “Không đúng!” Họ là người Quảng.
3. Ăn phở, ăn hủ tiếu, ăn bún bò hoặc ăn bất cứ thứ nào khác người Quảng ăn trong thinh lặng. Còn khi bắt gặp một thực khách người Quảng vừa ăn vừa oang oang nhận xét đánh giá, bình phẩm, thậm chí cằn nhằn, càu nhàu cái món mà họ đang ăn, bạn có thể quả quyết ngay là họ đang ăn mì Quảng. Khách A bảo “Sợi mì không đúng”. Khách B phán “Rau sống sai rồi”. Khách C khẳng định “Nhưn trật lất”. Cũng có khách khen “ngon”, nhưng quay sang con gái ngồi cạnh, thòng thêm một câu: “Nhưng bà nội mày nấu ngon hơn”…

4. Có phải đó là đặc tính của “Quảng Nam hay cãi”? Không rõ lắm. Nhưng điều này thì rất rõ: mì Quảng là món ăn đặc trưng và phổ biến bậc nhất ở Quảng Nam. Xét về tính đại chúng (trong phạm vi cộng đồng của nó) có lẽ mì Quảng đứng hàng đầu trên… thế giới. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Quảng Nam là không bán mì Quảng. Nhưng điều này mới đáng đưa vào sách Ghi-nét: Có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé đến già chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn không một người Quảng Nam nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia.

5. Có gì đâu! Ra ngoài chợ mua vài lá mì, ít rau sống, ít tôm thịt, miếng bánh tráng, rang thêm mấy hột đậu phộng là có ngay một tô mì Quảng nóng hổi và thơm phức cho cả nhà xì xụp. Mì Quảng là món ăn bình dân bậc nhất và cũng dễ nấu bậc nhất.
6. Mì Quảng dễ nấu còn ở chỗ nó là món ăn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tất nhiên có một số “chi tiết” căn bản phải tuân thủ: lá mì phải thoa dầu phộng, rau sống phải có bắp chuối, tô mì phải có rắc đậu phộng, phải có bánh tráng bẻ rôm rốp, có quả ớt cắn lụp búp, không có những thứ này sẽ “bất thành mì Quảng”. Riêng “nhưn” mì Quảng thì đa dạng và “biến ảo” vô cùng. Thông thường là nhưn tôm thịt heo, nhưng lúc tìm không ra thịt heo thì người miền biển bắt cua bắt cá, người miền núi bắt gà bắt vịt làm nhưn, ăn vẫn thấy ngon, vẫn ra hương vị mì Quảng. Mì Quảng là món ăn của người bình dân, vì vậy không khép mình vào những đòi hỏi khe khắt như những món ăn dành cho giới thượng lưu. Và chính nhờ vậy, mì Quảng có một sức sống mạnh mẽ, nó tồn tại và phổ biến ở mọi thủy thổ.
7. Ngay tại Quảng Nam vẫn tồn tại những quán mì Quảng nổi tiếng với các loại nhưn khác nhau: mì gà, mì vịt, mì tôm, mì tôm thịt heo, mì cua… Thị trấn Hà Lam bé xíu, nơi kẻ viết bài này trải qua suốt thời thơ ấu, mà cũng đã có mì gà Ba Tự và mì tôm bà Rì nổi tiếng song song, thuở nhỏ xách gà mên đi mua về cho ba mẹ, dọc đường cứ phải nuốt nước miếng ừng ực.
8. Tất cả những lời con cà con kê nãy giờ rốt lại chỉ nhằm giải thích cái cốt cách “hay cãi” của người Quảng Nam khi đi ăn mì Quảng. Thì ra, có gì đâu: người Quảng Nam từ bé đến lúc rời khỏi quê đi lập nghiệp phương xa, đa số thường sinh sống, hít thở và lớn lên trong cái kiểu mì Quảng mà mình biết, mà mình quen thuộc gần gũi. Người thuở nhỏ thường ăn mì tôm nhất quyết mì Quảng nhưn gà là “lai căng vô số tội”, “phải nấu như quán bà Cả Ngô ở đầu làng tôi mới đúng”, người lớn lên trong mì gà lại một mực khăng khăng mì Quảng nấu tôm là sai bét bè be, “không tin về hỏi… bà nội tôi coi”. Cứ thế mà đỏ mặt tía tai. Giả dụ bây giờ mở một cuộc thi nấu mì Quảng thế nào cho đúng, chắc chắn thí sinh sẽ ẩu đả với thí sinh, giám khảo ẩu đả với giám khảo ba ngày ba đêm chứ chẳng chơi! Mà tô mì Quảng đúng nhãn hiệu sẽ không bao giờ được xác định trên cõi đời này! Bởi mì Quảng là món ăn chỉ đúng với ký ức và trải nghiệm của từng người!
9. Nhưng “đúng” hay “không đúng” phỏng có gì mà phải buồn bực đến thế? Tới một quán ăn, ngon thì quay lại, dở thì đi luôn, đơn giản quá mà! Việc gì phải càu nhàu, tức tối, buồn khổ cho mệt người rối trí? Hỏi như vậy là chưa hiểu sự gắn bó giữa người Quảng và món mì Quảng. Người Quảng xa xứ đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng với bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức, phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ. Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng, đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Bẻ một miếng bánh tráng hay cắn một trái ớt là bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về trong tâm trí. Người Quảng ăn mì Quảng bằng cả tấm lòng, bằng kỷ niệm.. Vì vậy khi thấy người quen cũ mà họ náo nức muốn hội ngộ lại không giống với “người quen cũ” họ từng gặp nơi “quán Bà Cả Ngô” mấy mươi năm trước, họ càu nhàu thất vọng là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Gặp “người quen cũ” (hay “người tình cũ”), thấy cố nhân mắt mũi, cách ăn vận không giống thời đi học, thấy “tình đã khác xưa”, làm sao bắt họ không nhận xét, đánh giá, bình phẩm, làu bàu, bực bội.

10. Những người Quảng đi ăn mì Quảng không chỉ làu bàu bực bội. Giận thì giận mà thương thì thương. Sau khi tuôn một tràng bình phẩm, cuối cùng bao giờ cũng là những góp ý nhiệt tình: Nhưn phải thế này, rau phải thế này, bánh tráng phải thế này… Điều đó thật ra là gì? Chẳng qua họ nóng lòng muốn món mì Quảng quê hương phải ngon hơn, phải “đúng” hơn, phải danh giá hơn để họ có cái mà giới thiệu, mà kể lể, mà tự hào với bè bạn xứ người và với đám con cháu sinh ra và lớn lên nơi đất ngụ cư. Khi rời khỏi vùng đất sản sinh ra nó, mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương. Về điều này, có thể mạo muội mượn hai câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên để cải biên cho hợp:

Khi ta ở chỉ là nơi “mì” ở
Khi ta đi “mì” đã hóa tâm hồn!

11. Tất nhiên, nghe khách góp ý, chủ quán nếu là người Quảng Nam chính gốc sẽ gân cổ cãi cho kỳ được để vừa bảo vệ cho món “mì Quảng của làng mình” vừa bảo vệ cho câu tục ngữ “Quảng Nam hay cãi”. Nếu không phải là người Quảng, chủ quán sẽ cười cười “Vâng, tôi sẽ tiếp thu và cố gắng sửa chữa…” Dĩ nhiên sau đó, chẳng chủ quán nào chịu mất công sửa chữa, vì nếu sửa theo thực khách A, chắc chắn thực khách B sẽ nổi trận lôi đình…

12. Thôi thì cứ để vậy, cái chính là ăn cho đỡ nhớ quê hương. Không biết làm sao cho “đúng” chỉ cố làm cho “ngon”. Vì vậy, mãi mãi về sau ai cả gan mở quán bán mì Quảng, đành phải mỉm cười chấp nhận công thức: Một tô mì Quảng đúng nghĩa gồm: lá mì, nhưn, rau sống, đậu phộng bánh tráng… và món gia vị “đúng không?” Bán mì Quảng mà không bị khách trố mắt nghi ngờ “Đúng không?” thì dứt khoát là… không đúng! “

Nguyễn Nhật Ánh

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Chuyện phương xa : CHUYỆN NHỎ - St trên mạng.




CHUYỆN NHỎ

Một hôm, trời đột nhiên mưa to, một người phụ nữ lớn tuổi ướt sũng chạy vào một cửa hàng hàng ven đường để trú tạm. Hầu như tất cả những nhân viên bán hàng ở đây đều không chú ý hay phản ứng gì đến bà.

Bỗng nhiên, một nhân viên trẻ tuổi tiến lại bên bà và chân thành hỏi: “Bác ơi, bác khỏe chứ? Bác có cần cháu giúp gì không?”

Bà lão: “À, ta không cần, ta chỉ tránh mưa một lát, tạnh mưa sẽ lập tức đi ngay thôi!”

Bà lão cảm thấy tránh mưa nhờ ở chỗ cửa hàng buôn bán là có chút bất tiện, nên bà đành mua một chút hàng hóa cho đỡ còn cảm giác này. Nhưng bà đi lòng vòng mãi cũng không biết mua thứ gì. Cậu thanh niên lúc nãy thấy vậy, lại đến nói với bà: “Bác ơi, bác đừng ngại, cháu đã mang một cái ghế để ở cửa ra vào, bác có thể yên tâm ngồi ở đó được rồi!”

Sau hai tiếng mưa tầm tã, ông trời bắt đầu tạnh mưa. Người phụ nữ lớn tuổi ấy xin tên và địa chỉ của cậu thanh niên này rồi sau đó rời đi.

Một tháng sau, cậu thanh niên này ký được một hợp đồng hợp tác với một Doanh nghiệp cực lớn, lợi nhuận của thương vụ này vô cùng lớn.

Về sau cậu mới biết người đem đến cho cậu cơ hội ấy không ai khác chính là bà lão trú nhờ mưa thời gian trước. Bà chính là mẹ của “ông vua thép” Carnegie – tỷ phú Mỹ. Người đàn ông trẻ tuổi này về sau cũng trở thành cánh tay đắc lực cho “ông vua thép” Carnegie cũng có khối tài sản khổng lồ không thua kém gì một tỷ phú.

Trong cuộc sống, chân thành, biết giúp đỡ người khác cũng là một loại phẩm cách tốt đẹp. Phẩm cách tốt đẹp ấy là điều thực sự có sẵn ở trong nội tâm một người có tu dưỡng, nó không phải điều mà người ta có thể “giả vờ” mà ra được. Khi có được phẩm cách ấy, họ có thể làm việc tốt một cách vô tư vô ngã và đương nhiên, điều may mắn, luôn bất ngờ đến với họ.

SƯU TẦM TRÊN MẠNG. 

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Thơ : SẦU LẺ BÓNG ! - Phu Nguyen.




SẦU LẺ BÓNG ! 

Hồn lạc lỏng giữa đêm trường cô quạnh 
Nhắp chén sầu ta chếnh choáng say 
Mộng em về ấp ủ trong vòng tay 
Chợt tỉnh giấc sao nghe lòng tê tái

Không biết nữa khi nào thức dậy ? 
Trái tim yêu đem giấu mối tình này 
Chuyến đò đêm ngăn mỗi vòng tay 
Giờ lẽ bóng biết nơi nao gặp lại ? 

Rồi đong đầy chiều hoang hoang dại 
Chẳng nhớ gì ngỡ một chút say 
Em ở đâu ? Sao không thấy chốn này ? 
Chỉ anh độc hành mơ em quay lại 

Ôm một khối tình thơ ngây dại 
Sầu chất thêm sầu em có hay 
Chắc em phương ấy đang vui nhỉ 
Buồn để mình anh đếm tháng ngày 

Chẳng có gì vui khi tay mất tay 
Trời khuya sao lặn gió trốn ngày 
Chiều xưa không nắng không hoa bướm 
Chỉ lặng nỗi sầu vừa đến đây !!! 

PHU NGUYEN 21/8/13 MỘNG TRÒN ĐÊM

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Chuyện phương xa : CUỘC SỐNG MUÔN MÀU - St trên mạng.



 CUỘC SỐNG MUÔN MÀU.
Một ngày kia, có một người đàn ông trung niên tướng mạo xấu xí, dẫn theo một cô gái vô cùng trẻ trung xinh đẹp, đến một cửa hàng chuyên buôn bán những chiếc túi xách hàng hiệu cao cấp.

Ông ta đã chọn một túi xách trị giá đến 18.000 USD cho cô gái. Khi trả tiền, người đàn ông lấy ra cuốn chi phiếu, chẳng ngần ngại điền số tiền tương ứng vào một tờ chi phiếu, nhân viên cửa hàng có phần khó xử. Người đàn ông nhìn thấu tâm tư của cô nhân viên, nên hết sức bình tĩnh nói với người bán hàng: “Tôi cảm thấy dường như cô đang lo sợ đây là một tờ chi phiếu khống, phải không? Hôm nay lại là Thứ Bảy, ngân hàng không mở cửa. Thôi thì tôi đề nghị cô hãy giữ tờ chi phiếu và cả cái túi xách này lại. Đợi đến đầu tuần tới, sau khi đổi được tiền rồi, thì xin cô hãy gửi túi xách này đến nhà của vị tiểu thư xinh đẹp này, cô thấy như vậy có được không?”.
Kết quả sẽ như thế nào? Xin hãy mau đọc tiếp…….

Cô nhân viên cửa hàng nghe xong hoàn toàn yên tâm, vui vẻ chấp nhận lời đề nghị này, lại còn hào hứng cam đoan rằng chi phí gửi túi xách sẽ do cửa hàng này đảm nhiệm.

Sáng Thứ Hai, nhân viên cửa hàng đem tấm chi phiếu đến ngân hàng thanh toán, kết quả tờ chi phiếu này quả thật là tờ chi phiếu khống!

Người nhân viên vô cùng tức giận, liền gọi điện cho người đàn ông đó, người đàn ông nói với cô rằng: “Chuyện này có gì to tát lắm đâu, tôi và cô cả hai đều không bị tổn thất gì cả. Hôm Thứ Bảy đó, tôi cuối cùng đã chiếm hữu được cô gái đó rồi! Thật lòng cảm ơn sự hợp tác của cô”.

Câu chuyện này nói với chúng ta rằng:

Những gì mà chính bản thân ta “nhìn thấy tận mắt” cũng chưa chắc đã là thật.

Tham hư vinh thì phải trả một cái giá rất đắt. Cô gái xinh đẹp kia cho rằng cái túi xách trị giá hàng nghìn USD đó sẽ được giao đến tận cửa nhà vào sáng Thứ Hai, nên tự nhiên cũng đã buông lơi cảnh giác, cho rằng đầu tư như vậy thật là xứng đáng. Cô vốn đã không biết rằng bản thân mình đang chơi trò mạo hiểm, chẳng hề có bất cứ sự đảm bảo nào.

Một con cáo phát hiện một chuồng gà, nhưng con cáo đó vì quá mập nên không thể chui lọt qua hàng rào để ăn gà. Thế là nó nhịn đói suốt ba ngày, cuối cùng đã vào được. Tuy nhiên, sau khi ăn no nê rồi, chiếc bụng phình to nên lại không ra được nữa, đành phải bắt đầu nhịn đói lại ba ngày mới ra được. Cuối cùng nó xót xa than thở rằng, bản thân mình ngoài nhất thời sướng miệng ra, trên cơ bản hoàn toàn là phí công vô ích.

Đời người không phải cũng như vậy sao. Đến trần truồng mà ra đi cũng trần truồng. Không ai có thể mang theo tài sản và danh vọng mà mình đã vất vả kinh doanh một đời để theo cùng.

Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ;

Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống;

Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc .

Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.

Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn.

Vậy nên những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi, vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được, hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn từng ngày.

Sống một ngày vui vẻ là sống một ngày,

Sống một ngày không vui vẻ cũng là sống một ngày…….

Vậy tại sao chúng ta lại không trân quý hết thảy, vui vẻ mà sống trọn một ngày chứ!

St trên mạng   

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Thơ : CHÊNH VÊNH - LPQ.




CHÊNH VÊNH 

Bao năm bạt gió vén trăng gầy
Bao mùa lá rụng phủ rêu cây
Xa xôi nhặt đếm mùa lá cũ 
Gom dấu tàn phai bến sông đầy

Ta làm chim bói cá trăm năm
Khỏa tháng ngày theo nước xuôi dòng
Gắp bóng trầm luân hong nỗi nhớ
Se cánh hoa xưa khuất mấy bờ

Trăm năm còn có ngàn thu nữa?
Ta về góp lá ủ vần thơ
Chênh vênh bóng đổ vuông sân cũ
Đốt lửa tình ta cuộc rượu chờ.

LPQ 
04/2019 (Tặng BH)

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Hương xưa : TRẦN VĂN TRẠCH... - GS Trần Văn Khê.



 ( Hình trên cùng : Ba anh em họ Trần )

Trần Văn Trạch em tôi

Con tôi Trần Quang Hải đã viết tiểu sử rất đầy đủ và chính xác về chú ba của Hải. Tôi chỉ thêm vài chi tiết về em tôi mà ít có người biết và hôm nay cũng lần đầu tôi mới ghi lại thành văn bản.

– Tên của Trạch trong gia đình là “Khê em”

Khi Trạch mới sanh, cả nhà đều vui mừng. Ông nội tôi muốn đặt tên con cháu đều có bộ Thủy nên cha tôi tên Triều là dòng nước, tôi tên Khê là khe suối, em tôi tên Trạch là ao, đầm. Nhưng từ lúc lên một, mỗi khi trong nhà có ai gọi em tôi: Trạch ơi! là con cháu của bà cụ láng giềng trùng tên, thấy khó chịu, nên qua xin ông nội tôi đặt tên khác cho chú bé Trạch, để bà khỏi bị kêu réo tên bà. Cả nhà rất khó nghĩ, tên đã ghi trong sổ bộ đời. Cậu Năm tôi, ông Nguyễn Tri Khương, đến bàn với ông tôi, nhắc lại lịch sử bên Trung quốc dưới triều nhà Tống có hai anh em ruột, văn hay chữ tốt, thi cùng một khoá, đều đậu Tiến sĩ, và ra làm quan trong một triều. Trong nước ai cũng quí tài của hai anh em nên gọi anh là Đại Tống, em là Tiểu Tống. Nay muốn kiêng tên bà cụ láng giềng, cậu Năm tôi đề nghị gọi tôi là Khê Anh và Trạch là Khê Em. Ông nội tôi bằng lòng và từ ngày đó, trong gia đình tôi và cả làng Vĩnh Kim, ai nấy đều gọi chúng tôi bằng hai tên Khê anh và Khê em.

Tuy chúng tôi cách nhau 3 năm, chúng tôi không rời nhau, như anh em sinh đôi. Tối đi ngủ, sáng thức dậy một lượt, cùng ăn lót lòng giống nhau, một gói bắp nấu, một gói xôi đậu hay xôi nếp than có dừa nạo muối mè. Mỗi buổi ăn, ngồi gần nhau, đi tắm sông, tập đi xe đạp, học võ Thiếu Lâm với anh ba Thuận con của cậu năm Khương, cả khi đi tiểu, đi tiêu cũng đều cùng một lúc.

– Nghe chuyện đời xưa

Mỗi tuần, cậu năm Khương rước chúng tôi vô ở chơi trong nhà cậu năm cả ngày, từ sáng đến tối, đêm ngủ lại, nghe cậu Năm tôi thổi sáo, và thuật cho chúng tôi nghe những điểm đáng nhớ trong thời thơ ấu của chúng tôi, hoặc thuật chuyện đời xưa, chuyện Nhị thập tứ hiếu. Qua tiếng nói của cậu Năm, chúng tôi được thấy Khổng Tử gặp Hạng Thác, nghe tiếng sáo Trưong Lương làm tan binh Hạng Võ, theo Quan Công quá ngũ quan, trảm lục tướng, qua năm cửa ải chém đầu sáu tướng, làm anh em tôi đi ngang nhà nào có thờ Quan Công là chúng tôi ngừng lại quay vào nhà bái tổ theo nghề võ, cả làng rất khen Khê anh, Khê em biết kính “ông Bổn”.

– 11 tuổi Trạch đã biết ra câu đối

Cậu Năm lại dạy anh em tôi đối chữ, đối ý, đối câu. Đầu tiên dạy chúng tôi phải biết đối một chữ, bình đối với trắc, màu đối với màu, như vàng đối với đỏ hay tím, trắng đối với đen, số đối với số, năm đối với bốn, bảy hay tám, danh từ đối với danh từ, trời đối với đất, sông đối với núi, động từ đối động từ, đi đối với chạy, lên đối với xuống. Rồi đến hai chữ nhưvàng khè đối với đỏ hoét, trời biển đối với núi sông.

Cậu Năm lại dạy cho chúng tôi biết những câu đối Việt Nam trong đó có những cách “chơi chữ”, như câu

Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu, Kiến bò dĩa thịt, dĩa thịt bò

Hay “nói láy”, như “Ông mượn cháu, đi Giồng dứa, mua dừa giống về ươn mộng” “Ông mượn, ươn mộng; giồng dứa, dừa giống”.

Đối lại:

“Chồng sai vợ, đi Chợ Thủ kêu chủ thợ về chày sông”

“Chồng sai, chày sông, Chợ Thủ, chủ thợ”

Cậu Năm dạy khi người ta ra câu đối Đông Tây, mình có thể đối Nam Bắc. Một hôm cậu năm ra câu đối:

“Cỡi máy bay, bay vòng Đông Tây Nam Bắc” .

Không ai đối được, cậu Năm đối:

“Đi tàu lặn, lặn mãn Xuân, Hạ, Thu Đông”.

Cậu Năm lại ra một câu rất khó đối:

“Thằng đàng Thổ, nằm dưới đất, ăn thục địa”

Thổ là đất, địa cũng là đất lại nằm dưới đất.

Lẽ tất nhiên không ai đối được. Chính cậu Năm tìm ra câu đối:

“Chà Châu giang, lội qua sông, hái bạc hà”

Giang là sông, hà cũng là sông, lại lội qua sông. Thục địa là một vị thuốc, bạc hà là một loại rau nhưng cũng là vị thuốc.

Năm 1934, Trạch mới được 11 tuổi ta, một hôm thấy con chó mực trong nhà làm đổ bình mực liền nghĩ ra một câu đối và thưa với cậu Năm: “Cậu ơi! Con mới ra câu đối để cậu đối lại cho con:

“Chó mực làm đổ bình mực, mực đổ trên mình chó mực”

Cậu năm nói: “Cậu không đối liền được, hẹn con đến trưa nay cậu sẽ tìm câu đối”. Cậu ra vườn trồng bông. Vài giờ sau, cậu Năm tươi cười gọi Trạch và tôi đến để nghe câu đối:

“Gà bông bươi ngã bụi bông, bông rơi trên cánh gà bông”

Anh em chúng tôi vỗ tay hoan nghinh, nhưng cậu Năm nói: “Đối ý thì hoàn toàn, nhưng đối chữ còn chưa được. “… làm đổ bình mực”, chữ đổ trắc mà cậu đối “làm ngã bụi bông”, chữ ngã cũng trắc, nhưng cậu tìm không ra chữ nào giọng bình. Chữ làm đổ bình mực và mực lại đổ trên mình chó mực, hai chữ đổ cùng âm mà khác nghĩa. Nhưng kể ra câu đối của con cũng khó đối lắm. Và cậu khen Khê em mới 11 tuổi mà đã ra được câu đối mắc mỏ như vậy.

– Mối tình đầu của Trạch

Năm 1936 Trạch mới 13 tuổi và đã yêu một cô gái 12 tuổi, bạn của Ngọc Sương em gái chúng tôi. Cô bé rất đẹp, cũng có cảm tình với Trạch. Ngày nào cô bé cũng đến nhà chúng tôi để gặp Ngọc Sương. Tình yêu rất ngây thơ, nhưng hai trẻ cũng thích chuyện trò, ngồi gần nhau. Trẻ con không quan tâm, nhưng người lớn lại để ý. Cô Ba, người thay cha mẹ chúng tôi để nuôi chúng tôi, từ lúc tôi lên 10, Trạch lên 7, lại rất tinh đời. Cô đến tìm cha mẹ cô bé đề nghị cho cô bé về quê mẹ trong một thời gian. Khi cô bé không đến nhà như thường lệ, Trạch buồn dã dượi trong mấy hôm liền. Trạch đến nhà cô bé để gặp hai người anh của cô cho đỡ nhớ. Không ngờ người anh nhỏ, bằng tuổi với Trạch, có nghe lén cha mẹ và cô Ba bàn việc cho em gái về quê để cho Trạch không có dịp gặp cô em nữa. Trạch rất buồn. Khi trở về nhà, lúc đó cô Ba đi vắng. Trạch bỗng nổi cơn giận dữ, bứt hết dây đờn tranh, đờn tỳ của cô Ba.

Hả cơn giận, Trạch bình tâm thấy dây đờn ngổn ngang, tôi lui cui lượm bỏ dây hư, lấy dây mới và đang mắc từng dây một, nét mặt buồn. Trạch đến gần tôi nói trong nước mắt ; “Em khổ quá anh hai ơi! Lúc giận em không còn suy nghĩ gì nữa. bây giờ em tỉnh hồn. Nhớ tới cô Ba về rầy, em chịu không nổi. Em lại làm cho anh hai cực, em giận em quá . Em đi khỏi nhà anh hai ơi! Cô Ba có hỏi, anh hai nói em buồn quá bỏ nhà ra đi. Em cũng không biết sẽ đi đâu. Em sẽ không trở về. Anh hai đừng đi tìm em, vô ích.” Tôi khuyên can, nhưng Trạch đã nhứt quyết thì không ai cản ngăn em được. Nhìn theo em đi bộ xuống chợ cá gần bến xe đò đi Mỹ Tho. Rồi cô Ba về. Thấy tôi vừa mắc dây đờn, vừa lên dây mà nước mắt lưng tròng. Cô Ba hỏi: “Tại sao dây đờn đứt hết vậy con?”.

“Thưa cô Ba, Khê em buồn gì không biết, vừa bứt từng sợi dây đờn vừa khóc. Rồi nhờ con xin lỗi cô Ba, và ra đi, nói sẽ không trở về nhà nữa.”

“Con phải đi kiếm em, bảo nó trở về. Có chuyện gì buồn nói cho cô biết. Cô sẽ không rầy chuyện nó bứt dây đờn đâu. Con có biết em con đi đâu không?”

“Dạ thưa không. Nhưng thấy em đi đến phía xe đò đi Mỹ Tho, chắc nó đi theo xe xuống Mỹ. Nó có quen với anh “lơ” chắc họ cho nó đi khỏi trả tiền.”

Nghe theo lời cô, tôi đi xe đạp xuống Mỹ Tho, vì nếu đợi xe đò phải sáng hôm sau mới có chuyến đi, đêm nay em sẽ ngủ ở đâu? Tôi đạp xe mà lòng buồn vô hạn. Chưa bao giờ anh em xa nhau một bước. Nay em định bỏ gia đình êm ấm, xa người anh mà em triếu không thua gì con triếu mẹ, tức là em đang khổ lắm. Tôi suy nghĩ nếu mình buồn như em, mình sẽ đi đâu ? Chắc mình sẽ xuống mé sông nhìn nước chảy, vì nước chảy sẽ cuốn trôi phiền muộn. Tại Mỹ Tho có một chỗ tại bờ sông mà lúc phải đi Tam Bình qua ở đậu nhà cô Năm tôi để học mấy lớp Sơ học, vì nhà nghèo cô Ba tôi không đủ sức nuôi tôi học trường tỉnh Mỹ Tho, anh em tôi thích ngồi bờ sông Tỉền Giang, nhìn qua bên mặt có nóc đỏ nhà Cercle của người Pháp, nhìn phía trái có rặng cây dương xanh biếc. Hôm nay, chắc em tôi sẽ đến đó. Suy nghĩ như vậy, và do tình thương em dẫn dắt, tôi đạp xe một mạch đến bờ sông. Đến chỗ tôi đoán, tôi rất mừng, vì thấy bóng em ngồi trên thềm gạch, chống tay trên cằm. Tôi đến nhẹ sau lưng em và gọi nhỏ: “Khê em ơi!Anh hai đi kiếm em về. Cô sẽ không rầy la đâu. Anh hai bảo đảm với em.”

“Sao anh Hai biết em ở đây mà đến tìm em”

“Tình thương đã dẫn anh Hai.”

Hai anh em ôm nhau không nói gì cứ để cho nước mắt tha hồ tuôn.

Nghe lời tôi khuyên, Trạch chịu về nhà và xin lỗi cô Ba. Tôi chở em tôi bằng xe đạp. Từ Mỹ Tho về làng Vĩnh Kim, 15 cây số đường làng, hôm đó trời mưa xối xả. Hai anh em ướt cả mình mẩy, nhưng lòng tôi vẫn thấy vui ấm vì anh em tôi không vì lẽ gì phải xa nhau.

– Trạch thay anh em tôi báo hiếu

Tuy việc bứt dây đờn tranh xảy ra lúc Trạch còn nhỏ tuổi, mà mãi sau này, mỗi lần nhắc lại Trạch lắc đầu như tự trách mình, không biết ơn người cô đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi ba anh em chúng tôi nên người, vì mối tình của mình đã hành động không suy nghĩ, có thể làm đau lòng người cô mà chúng tôi thương kính như cha như mẹ. Nên năm 1944, khi cô tôi đau nặng, bịnh lao đã tới thời kỳ thứ ba, trắc nghiệm trong đàm đã thấy có vi trùng Koch, cô tôi có một người giúp viêc rất trung thành, tình nguyện nuôi cô tôi lúc đau ốm. Nhưng Trạch, sau khi thất bại trong việc làm ăn trên Sài Gòn, nhứt định bỏ cả công việc về làng Vĩnh Kim, vừa tìm việc làm ăn hùn hiệp với một người anh họ để làm lò chén, vừa để mỗi ngày đạp xe lôi đưa cô tôi đi hứng gió ở ngả ba chim chim, cách nhà cô tôi đang ở hơn một cây số. Trạch thuê đóng một chiếc xe lôi có ghế nệm, mỗi ngày khi mặt trời xế bóng về chiều, Trạch đạp xe đạp, đưa cô tôi đi hứng gió. Năm đó, tôi đang học Y tại Hà Nội, vì nhiều lý do: sinh viên theo phong trào “xếp bút nghiên”, trường Đại học đóng cửa trong hai tháng, tôi bị đau rét rừng nặng phải nghỉ học. Miền Bắc thiếu gạo, nhiều nơi bắt đầu có nạn đói. Tôi về lập với bạn Huỳnh Văn Tiểng một gánh hát sinh viên đi hát trong lục tỉnh, lấy tiền thâu được, mua gạo gởi ra ngoài Bắc cứu đói. Rồi tôi lại lo việc con đầu lòng của tôi sắp ra đời, phải đi dạy học tư tại Sài Gòn để nuôi gia đình. Em gái tôi học nội trú trong trường áo tím Nữ học đường, em Trạch đã thay cho ba anh em chúng tôi báo hiếu với cô Ba chúng tôi.

 Trạch, bị bắt tại Cần Thơ vì có vợ người Pháp

…..Anh em lại xa nhau, tôi đi gặp bạn Huỳnh Văn Tiểng tại Chợ Thiên Hộ, và được Ủy ban Kháng chiến Nam bộ cử tôi làm “Nhạc trưởng quân đội Nam bộ”, và các bạn tôi đùa gọi tôi là “Tổng tư lịnh Kèn”.

Trạch lúc đó có dịp xuống Mỹ Tho và gặp lại gia đình của một người Pháp sanh ở đảo Corse. Ông nầy thương Trạch từ hồi Trạch còn là học sinh trường Trung học Mỹ Tho, nên lúc Nhựt đảo chánh năm 1945, ông bị bắt lên tập trung tại Sài Gòn. Trước khi đi lên trại tập trung, ông gởi gấm gia đình nhờ Trạch trông nom. Ông có một cô gái lớn rất đẹp, và trai tài gặp gái sắc, như sắt gặp đá nam châm. Và cuộc tình đó dẫn đến sự ra đời của em bé A. Tiếp theo là phong trào Việt Minh nổi dậy. Lúc đó ai có quần áo 3 màu xanh trắng đỏ thường bị gán cho danh từ “Việt gian”. Trạch có vợ đầm, có đứa con lai, cảm thấy mình bị đe doạ. Nghe nói tôi ở trong vùng kháng chiến miền Tây, nên Trạch đi liều, gặp Thanh niên tiền phong hay Thanh niên cứu quốc đều nói đi xuống Bạc Liêu tìm “anh hai tôi” trong vùng kháng chiến. Lúc đó Trạch vừa mới ra trường Trung học Mỹ Tho. Chưa đi hát, không ai biết tên, nên bị bắt mấy lần nhưng được thả ra. Đến Cần Thơ, hai vợ chồng bị nhốt để đợi ủy ban kháng chiến xét xử. Rất may cho Trạch, lúc đó có cậu Sáu là một người quen thân trong gia đình đang làm Thanh tra chánh trị. Cậu Sáu nghe nói có trường hợp một thanh niên có vợ Pháp mà muốn đi xuống tận Năm Căn tìm anh là Trần Văn Khê, cậu Sáu liền lãnh phần giải quyết trường hợp đó. Cậu khuyên vợ Trạch làm giấy từ bỏ quốc tịch Pháp, và cậu cấp cho Trạch một giấy đi đường đến tỉnh Bạc Liêu tìm tôi.

– Trạch, binh nhì trong Đội quân nhạc Nam bộ. Anh em hội ngộ

Lúc đó tôi phải đưa đội quân nhạc đến vùng Cái Nước, vì cả Ban Quân Y phải lui về vùng Lẫm Biện Tú, không có tiền lẻ để mua thức ăn trong vùng nhà quê. Ban Quân Y chỉ nhận được giấy 500 đồng khó lưu dụng ở thôn quê. Mỗi ngày cả đoàn quân nhạc chúng tôi tổ chức những đêm hát có ca, nhạc cách mạng, có dân ca ba miền, góp được tiền lẻ, giữ 30 phần trăm cho đội, 70 phần trăm để giúp trạm Y tế Lẫm Biện Tú mua thịt cá, rau cải cho các bịnh nhân.

Một hôm, các anh trong ủy ban kháng chiến đến gặp tôi và cho biết rằng tôi có người em, có vợ Pháp, và con còn nhỏ, từ Hậu Giang đến tìm tôi, rồi mời tôi theo anh ra trụ sở của Ủy ban. Vừa gặp tôi, Trạch chảy nước mắt, chạy lại ôm tôi, hai anh em không nói tiếng nào. Các anh trong ủy ban, đưa giấy giới thiệu của Thanh tra Chánh trị, tôi đọc qua rồi nói với các anh: “Thanh Tra chánh trị mà anh em tôi trong gia đình gọi là cậu Sáu đã gởi giấy giới thiệu. Dầu cho không có người giới thiệu mà nếu em tôi đến tìm tôi, tôi cũng sẵn sàng bảo bọc em tôi và gia đình.. Tôi xin làm tờ bảo lãnh cho em tôi. Từ giờ nầy, em tôi được vào Đội quân nhạc và nếu em tôi có làm chi sai lầm, tôi xin chịu trách nhiệm trước ủy ban”.

Đọc thêm  Tên đường Sài Gòn, xưa giờ sao không biết?

Trong thời gian mấy tháng, anh em sống lại cuộc đời thuở nhỏ, cùng ăn một mâm, cùng ngủ dưới một mái nhà, khi đi từ nhà đến bịnh viên, chống xuồng qua các rạch các kinh, Trạch khỏi sợ bị bắt như một “Việt gian” vì có vợ Pháp. Tôi vui vì trong cảnh xa nhà xa làng Vĩnh Kim, được chung sống với em tôi và gia đình của em. Ai có ngờ người nghệ sĩ quái kiệt đã có lúc vì tình phải mang tiếng “Việt gian”, khi ngộ biến đã trong mấy tháng trời làm “binh nhì” trong đội Quân nhạc Nam bộ ?

– Rồi anh em lại xa nhau

Nhưng cuộc hội ngộ nào cũng đi đến lúc chia tay. Khi tất cả các cơ sở thuộc Nam bộ đều đi ra Bắc hay chạy theo căn cứ quân sự, chúng tôi phải trở về Cần Thơ, nơi anh Hai con cậu Năm tôi có một xưởng làm nước mắm mang hiệu Quê Hương. Trạch và gia đình được cậu Năm tôi đùm bọc, tôi đi về Lộc Ninh tá túc nhà nhạc mẫu tôi, bà ngoại của mấy cháu.

Năm 1949 tôi sang Pháp, Trạch làm việc tại Nhà hàng Théophile. Anh em lại xa nhau. Tôi nghiên cứu cổ nhạc. Em tôi nổi tiếng nhờ tân nhạc và được danh hiệu quái kiệt trong làng nghệ sĩ.

Khi nghiên cứu âm nhạc truyền thống và soạn luận án Tấn sĩ tôi được vào Trung tâm nghiên cứu khoa học nhưng vì muốn xây dựng một Trung tâm học nhạc Đông phương để dạy nhạc châu Á theo phong cách truyền khẩu truyền ngón, nên tôi chỉ làm việc bán thời gian cho Trung tâm nghiên cứu khoa học, còn phân nửa thời gian thì làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu âm nhạc Đông phương và làm Cố vấn nghệ thuật cho anh Ph.V. M. Giám đốc Nhà hàng La Table du Mandarin. Tôi bày ra trò chơi L’Election du Mandarin (Cuộc bầu cử Thượng quan của Nhà hàng) được diễn gần 20 năm mỗi buổi chiều. Lúc đó Bích Chiêu, Bạch Yến, Thiên Hương được hát tại La Table du Mandarin là do sau khi tôi nghe và bằng lòng đề nghị cho Anh Ph.V.M ký hợp đồng. Khi Trạch đến hát tại La Table du Mandarin, tôi đang giao việc giới thiệu chương trình bầu cử Thượng quan cho Nhạc sĩ Đan Trường. Nhưng anh em thỉnh thoảng gặp nhau tại Paris.

– Trạch đến thường trú tại Pháp

Đến năm 1977, ban giám đốc nhà hàng La Table du Mandarin gọi điện thoại báo tin cho tôi biết Trạch mới từ Việt Nam sang Pháp và muốn gặp tôi. Lúc đó tôi đã không còn làm Cố vấn chương trình nghệ thuật của Hiệu La Tabe du Mandarin, nên không có thể giúp Trạch tìm việc làm tại đây. Trạch phải đi nơi khác. Nhưng anh em lại có dịp cuối tuần về nhà tôi, anh em đờn hát thâu thanh tại nhà tôi, hay tại nhà nữ Bác Sĩ J. Ph.

Tuy cùng sống trên đất Pháp, vì công ciệc khác nhau, tôi đang “bôn ba bốn biển năm châu”, Trạch đang tìm cách sanh sống bằng thương mãi, anh em gặp nhau trong những ngày Tết Việt Nam, hay những ngày họp mặt gia đình tại nhà Trạch. Mỗi khi Trạch có việc buồn thường hay gọi điện thoại cho tôi để đến gặp tôi, Trạch thèm ca Vọng cổ và muốn tôi đờn tranh phụ họa cho em.

– Phút cuối cùng

Đến khi tôi hay tin em tôi bị đau nặng nằm tại bịnh viện, tôi thường vào thăm và Trạch một hôm “trối” với tôi: “Anh Hai sắp đi Việt Nam theo chương trình làm việc cho Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp. Em chỉ ước ao một điều. Khi em phải từ giã cõi đời, em muốn có anh hai đưa em đến nơi an nghỉ cuối cùng.” Tôi hứa với em: “Dầu cho anh Hai đi đâu trên trái đất nầy, khi biết tin em vĩnh viễn anh Hai sẽ trở lại Pháp để lo việc đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh Hai sắp đi xa. Anh Hai nhắc cho em nghe một câu phỏng theo ý của một nhà văn mà anh Hai không nhớ tên: Ngày em ra đời, em khóc mà mọi người quanh nôi em cười vui. Ngày em phải lìa đời, khi mọi người khóc thưong tiếc em, thì em sẽ mỉm cười ra đi, vì em đã làm xong tất cả nhiệm vụ của em trên đời.”

Trạch mỉm cười siết chặt tay tôi và nói: “Anh Hai yên lòng đi về nước làm việc. Mong rằng sẽ gặp lại anh Hai khi anh hai trở lại Pháp. Nếu có mệnh hệ nào, em sẽ mỉm cười ra đi. Và anh Hai sẽ về để đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng.”

Lần đó là lần cuối cùng tôi gặp em tôi khi em còn sống. Và câu nói đó là câu cuối cùng mà tai tôi nghe tiếng em tôi nói. Và như đã hứa, tôi đã trở về từ Việt Nam và làm chủ tang cho đám táng của Trần Văn Trạch, em Khê em của tôi.

Trần Văn Khê

Đời sống : BỐ CHO CON CÁI GÌ ? - Hoàng Huy





"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"

"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….”

Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.

"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.

Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn 
"Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó:  một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình- con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết"

Tôi, hơi shock, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới. 
Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300k/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.

6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.

Bố tôi rất hay,  luôn phân định rất rõ ràng: đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé.....và con đang....... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ........luôn thuộc về con. Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.
Không tự ái - không phiền lòng - tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.
Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện."
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật J

Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.

Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.
Hay câu chuyện về loài đại bàng: đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.

Những điều tôi kể trên đây với nhiều người – nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm – tình thương – và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.

Bạn không có tiền học đại học? Ok, fine. Hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.

Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt – không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ. Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.

Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”

Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.

Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.

Hoàng Huy.