VẪN CHƯA HIỂU!?
Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023
Thơ: HỒI HƯƠNG - Hồng Quốc.
HỒI HƯƠNG
Mỏi gót sông hồ ta trở lại
Vườn xưa quê cũ chốn nầy đây
Bao năm xuôi ngược miền tang hải
Cơm áo gạo tiền cũng lụy thây
Đã lỗi tài hoa, lỡ vận đời
Sức cùng cánh mỏi giữa đường mây
Trong cơn gió thét ngày giông bão
Một bóng.chim trời bay lẻ loi
Một bóng chim trời ,bóng lẻ loi
Chao ôi thế sự cũng chuyển dời
Tàn đêm thao thức từng cơn lạnh
Trận gió đông phong thổi cuối mùa
Trận gió đông phong thổi cuối mùa
Nghe chừng giá buốt tận tâm can
Len trong hơi gió niềm khắc khoải
Một chút buồn một chút thương đau
Đã hết một đời giữa biển dâu
Danh không ,phận cũng chẳng về đâu
Trắng tay rồi lại hoàn tay trắng
Sự nghiệp buồn hiu theo gió bay
Sự nghiệp buồn hiu theo gió bay
Ván cờ kim cổ được với thua
Ô hô đã bên bờ tuyệt tận
Cũng tới hồi dứt cuộc rong chơi
Thì thôi,thì cũng đành thôi vậy
Cũng hết trăm năm một phận người
Về đây. vui thú cùng cây cỏ
Gác lại bên lề chuyện thị phi
Hồng gia trang
Tàn đông 2020
HỒNG QUỐC.
Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023
Đời người : CUỘC ĐỜI CA SỸ KIM NGÂN - Đinh Trực sưu tầm.
CUỘC ĐỜI CA SỸ KIM NGÂN
MỸ NHÂN NỔI TIẾNG BẬC NHẤT TẠI HẢI NGOẠI...!
NGƯỜI ĐÃ TỪNG ĐỨNG TRÊN ĐỈNH CAO DANH VỌNG CỦA ÁNH ĐÈN SÂN KHẤU...!
Ca sĩ Kim Ngân sinh năm 1963 từng được biết đến là một ca sĩ ăn khách và nổi tiếng bậc nhất tại hải ngoại trong giai đoạn đầu thập niên 1980.
Kim Ngân sang Mỹ năm 1975 cùng với gia đình. Tại đây, cô gặp ca nhạc sĩ Trường Hải và được ông nhận làm con nuôi...
Ngay lập tức, cô được cha nuôi lăng xê và trở nên nổi tiếng nhanh chóng.
Cô sở hữu một vẻ ngoài xinh đẹp, nóng bỏng và đầy quyến rũ, xứng đáng thuộc hàng mỹ nhân, khiến nhiều người mê mẩn...!
Ca sĩ Kiều Nga từng nói: "Đến đàn bà con gái cũng phải mê mệt...!".
Không những ngoại hình nhan sắc thật đẹp, Kim Ngân còn có phong cách trình diễn sôi động, lôi cuốn và bốc lửa, như một làn gió mới khuấy động làng âm nhạc hải ngoại khi ấy đang bị thống trị bởi những bản nhạc trữ tình, buồn bã...
Nhờ đó, Kim Ngân nhanh chóng nổi tiếng và có mức cát xê cao ngất ngưởng...
Thành công trên sân khấu ca nhạc đã đem đến cho Kim Ngân một nguồn thu nhập lớn. Cô từng mở một trung tâm âm nhạc khá lớn ở hải ngoại mang tên mình.
Nhưng "Cái Tài liền với cái Tai một vần...!"
Chính thành công và sự nổi tiếng đã khiến Kim Ngân sa ngã, lao vào cuộc sống buông thả, thường xuyên đi trễ giờ, không minh bạch về tiền bạc. Điều này khiến cô dần bị xa lánh, loại khỏi giới nghệ sĩ và âm nhạc tại hải ngoại...!
Đời sống gia đình của Kim Ngân cũng gặp nhiều trục trặc, khiến cô phải chia tay chồng năm 30 tuổi, ngay đúng thời điểm sự nghiệp tuột dốc. Chồng cô thậm chí còn đem hai cô con gái là Mai Khanh và Thúy Anh về nuôi.
Liên tiếp những đổ vỡ, đau khổ ập đến khiến Kim Ngân nghiện ngập trong suốt một thời gian dài. Điều này khiến cô gặp phải nhiều chấn thương tâm lý, ảnh hưởng trầm trọng tới thần kinh và trí não. Lâu dần, Kim Ngân bị tâm thần và không còn nhớ gì về cuộc đời, sự nghiệp, gia đình mình...!
Ngày đêm đi lang thang ngoài đường, quanh các con phố của người Việt tại California để xin ăn.
Đến hiện tại, Kim Ngân đã 60 tuổi nhưng trông còn già hơn rất nhiều...! Người ta nhìn thấy cô gầy ốm, đen đúa, tóc rối xù và da mặt nhăn nhúm lại, vai đeo cái túi đi lang thang...!
Cuộc đời thật vô thường, không ai có thể biết trước được số phận của mình...!
Hiện tại, Kim Ngân đã tỉnh hơn nhiều, biết cầm micro hát karaoke những bài hát xưa, giọng ca vẫn còn hay, nhịp điệu tiết tấu vẫn mang nét như thời vàng son...!
Một bài học làm người cho chúng ta, cho tất cả kiếp người...! Hãy biết trân trọng những gì mình đã và đang có được...!
"Hồng nhan một thời lầm lỡ..! Em về điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một tiếng cười...!"
ĐINH TRỰC sưu tầm.
Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023
Ngẫm : CUỘC SỐNG NGƯỜI TA - Quoc Thang Mai (FB)
CUỘC SỐNG NGƯỜI TA
Sáng nay, ở khu vực đường Trần Phú Nha Trang có 1 bạn Tây bán vé số. Ad tò mò nên gọi vào mua cho chục tờ rồi phỏng vấn:
PV- Mày là người nước nào?
*Tao đến từ Mỹ. Còn mày?
PV- Tao Việt Nam.
*Ủa sao nói tiếng Anh hay vậy, mày học tiếng Anh ở đâu?
PV- Thì học từ YouTube, trên mạng đầy. Sao mày làm nghề này?
*Tao đang gap year (1 năm nghỉ ngơi sau khi học xong trung học hoặc ĐH). Tao đi lang thang Đông Nam Á, chỗ nào thích thì ở vài tháng, tự đi làm kiếm tiền đi chơi tiếp.
PV- Nhưng sao mày biết mà bán vé số?
*Tao hỏi thằng cu kia (lấy tay chỉ xa xa có 1 thèng cu người Việt cũng đang bán vé số cho Tây), chia nhau ra bán, share tiền lãi vào mỗi chiều, vì tao đang chờ kết quả phỏng vấn của 1 quán pizza ở đây để làm phục vụ.
PV- Rồi mày có lấy tiền của cha mẹ để ăn học hay sinh sống không?
*Không, tiền của họ mà. Tiền mình làm ra thì mới có quyền xài. Lấy của người khác xài thì nhục chết.
PV- Rồi mày ở bang nào ở Mỹ, có là sinh viên không?
*Tao người Iowa, học xong trung học thì đi Miami học cao đẳng du lịch vì tao thích phục vụ và thích biển. Vay tiền nhà nước đóng học phí còn tự làm thêm để ăn. Có khi tao ngủ ở mấy chỗ công cộng nữa, tốt nghiệp xong là đi chơi liền.
PV- Hay vậy. Rồi mày thấy Việt Nam ra sao?
*Tiềm năng. Giao thông lộn xộn thứ nhì thế giới sau Ấn Độ nhưng có cơ hội phát triển hơn, nhất là những thành phố nhỏ như Nha Trang, Quy Nhơn, Hội An, Huế, Ninh Bình.
PV- Rồi sau khi ở VN thì mày đi đâu?
* Tao chưa biết, chắc là đi Lào hay Campuchia. Hoặc châu Phi.
PV- À mày mấy tuổi và đã đi bao nhiêu nước rồi?
*Tao 1997. Đi được 20 nước rồi, hơi xấu hổ với bạn bè vì đi ít quá. Tụi nó còn đi cả Nam Cực và leo núi Hymalaya nữa...
PV- Rồi chừng nào mình về nước và ổn định?
*1 năm nữa, tao về, kiếm việc làm theo chuyên môn đã đào tạo. Tụi tao ai cũng thế, bác sĩ giáo viên gì cũng đều có 10 tháng đến 1 năm gap year, gọi là working holiday để chia tay tuổi trẻ.
PV- Chúc mày bán được nhiều vé số hôm nay nhé.
Gap Year có nghĩa là 1 năm mình đi lang thang, tự mình kiếm tiền trang trải chuyến đi. Còn lấy tiền cha mẹ để đi hoặc nghỉ ngơi thì không gọi là gap year được mà là "ăn bám".
Mình không đi đâu được là do não cũ, não sợ sệt, não tự ti, não kém cỏi, não tiêu cực, não thiếu đức tin nên luôn nghi ngờ. Mình vô danh, chả ai thèm lợi dụng gì mình đâu, có cởi quần cởi áo ra giữa đường cũng chả ai buồn dừng xe lại nhìn đâu. Cầm vé số đi bán kiếm tiền đi chơi thì có sao? Ngại, sợ là do cái tôi lớn. Mà mình vô danh tiểu tốt thì cái tôi đó chả ai đoái hoài. Mình có nhu cầu được thừa nhận, được tôn trọng nhưng đời nào có quan tâm. Đúng là chỉ có ai có thành tựu, có trải nghiệm thật sự thì họ mới nể, tự động nể.
Mắc mớ gì cái gì cũng SỢ? Những nỗi sợ di truyền gia truyền từ ông bà cha mẹ, sao đi thừa hưởng chi cái đó?
Ước mơ cũng của người khác, nỗi sợ cũng của người khác. Vậy cái gì của mình?
Fb QUOC THANG MAI
Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023
Thơ : NHỚ NÉT QUÊ XƯA - Trần Thanh Thủy sưu tầm &giới thiệu
NHỚ NÉT QUÊ XƯA.
Nhớ sao những nét quê xưa.
Tiếng gà đánh thức cha bừa ruộng sâu.
Chiều tà lốc cốc mõ trâu .
Xôn xao tiếng trẻ gọi nhau đi về.
Liêu xiêu bóng mẹ triền đê.
Rập rờn sóng lúa đồng quê dạt dào.
Lam chiều khỏi tỏa nhà nào ?
Thơm mùi rơm rạ bay vào không gian
Hương cau hương bưởi tỏa lan.
Quện vào hương cốm hoa vàng nếp thơm.
Nhà nào cũng một cây rơm
Gà mẹ lục cục gọi con kiếm mồi.
Nông thôn đổi mới nhiều rồi.
Đồng vẫn xanh lúa nhưng thôi trâu cày.
Không còn khói tỏa như mây.
Lam chiều chạng vạng vương đầy mái gianh.
Quê xưa cuộc sống bình thanh.
Bây giờ đâu kém thị thành là bao.
Ô tô lớn nhỏ ra vào
Nhà hàng đại lý ào ào dựng lên.
Xưởng cơ khí máy vang rền.
Tiếng người tiếng máy rộn ràng quê ta
Nét quê ngày ấy đã xa
Bồi hồi nhớ lại khiến ta nao lòng
PHƯƠNG ANH.
Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023
Thơ : NGÀY LỄ TÌNH YÊU - Nguyễn Thị Thanh Dương.
NGÀY LỄ TÌNH YÊU
Em đợi chờ anh mang đến bó hoa,
Ngày lễ Tình Yêu cho đời thêm đẹp,
Hoa mới nở trong vườn nhà buổi sáng,
Hay hoa bày trong chợ đợi người mua.
Tình yêu quanh năm không phải đợi mùa,
Em có sẵn mùa Thu vàng thương nhớ,
Tình của em là muôn chiều là đổ,
Anh ở phương nào cũng sẽ gặp em.
Em có mùa Đông lạnh cả núi non,
Không đủ ấm áo em chiều lắm gío,
Nhưng tình của em đã là ngọn lửa,
Sẽ dịu dàng sẽ sưởi ấm lòng nhau.
Em có mùa Xuân tương tư. Về đâu
Những hương phấn bay khắp trời tình tự?
Em một nửa đi tìm anh một nửa,
Mộng đêm Xuân xin ghép lại cho tròn.
Em có mùa hè trên những con đường,
Hàng cây xanh như tình em xanh mãi,
Nắng và bụi theo chân người mê mải,
Em vẫn chờ anh mây trắng cuối chiều.
Hôm nay là ngày lễ của tình yêu,
Người ta tặng nhau hoa thơm kẹo ngọt,
Người ta cho nhau bao lời hứa hẹn,
Như bong bóng bay lơ lửng sắc màu
Tình nào sẽ tan, tình nào dài lâu?
Hoa vẫn tặng. Chuyện đời ai biết trước,
Nhưng tình em đi theo cùng năm tháng
Ngày nào cũng là Ngày Lễ Tình Yêu
NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG
( ngo-quyen.org )
Thơ vui : NGÀY LỄ TÌNH NHÂN - St trên FB.
NGÀY LỄ TÌNH NHÂN
( Thơ vui )
Hôm nay ngày lễ tình nhân
Cho Tôi đứng ở ngoài sân ôm Bà
Tôi không có tiền mua hoa
Cũng không biết bánh sô cô la... là gì
Tôi nghe ở cái ti vi
Ngày này ở mãi nước... gì truyền sang
Bọn trẻ đón nhận hân hoan
Rủ nhau nhà nghỉ, nhà hàng... ôm nhau
Nghe đâu cung không đủ cầu
Nhiều đôi đến muộn chờ lâu bỏ về
Mình nghèo đứng ở đây đi
Ôm nhau hai đứa nhớ về ngày xưa
Cái ngày Bà về làm dâu
Cái đêm hôm đó bắt đầu mình ôm
Bọn trẻ bây giờ nó khôn
Chưa cưới chưa hỏi đã ôm rầm rầm
Sinh ra ngày lễ tình nhân
Cũng là cái cớ để gần bên nhau
Tuổi trẻ rồi cả tuổi cao
Hưởng ứng phong trào... ngày lễ ôm nhau !
ST.
Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023
Thơ : XUÂN ĐÀ LẠT - Thuy Hà.
XUÂN ĐÀ LẠT.
Xin Thông hãy cứ là Thông như thế
Ngạo nghễ giữa trời tóc lá xanh mơ
Đợi hoa Đào đúng Xuân về rạng rỡ
Cùng giao hòa cung bậc nhạc và thơ.
Gió đã gặp hoa vô tình tô má
Bằng sắc hồng của nắng lụa ban mai
Mây trắng vòng tay ôm Thông yêu ái
Vẽ bức tranh Xuân Đà Lạt chan hòa.
THUY HÀ - 2/2022
Thơ : XUÂN ĐẾN XUÂN ĐI - Kim Dung.
XUÂN ĐẾN XUÂN ĐI.
Từng cánh mai vàng lác đác rơi
Thế là Xuân thắm đã đi rồi
Biết bao luyến lưu bao mong nhớ
Nhớ những ngày vui đến trong đời
Xuân đi để lại đây nỗi sầu
Để những muộn phiền những lo âu
Người sống lang thang người vất vả
Sâu trong ánh mắt những niềm đau
Ước gì Xuân ở mãi trần gian
Muôn sắc muôn hoa nắng ngập tràn
Khắp chốn khắp nơi vang tiếng hát
Người người hạnh phúc lẫn bình an
Mơ ước chỉ là mơ ước thôi
Kiếp người như đã được định rồi
Dăm ba ngày Xuân qua quá vôi
Những tháng ngày buồn hiu hắt trôi
KIM DUNG.
Chuyện đời : MẶT NẠ - Tú Da.
MẶT NẠ...
Nhìn vào nhà hắn, ai cũng thầm ghen tị và ước mong sao được như vậy. Vợ chồng hắn đều là cán bộ công chức. Hắn làm bên ngành tư pháp, vợ hắn là phó chủ tịch hội phụ nữ huyện. Hai con một trai và một gái ,đứa lớn đang học năm cuối trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh. Đứa thứ hai thì đang ở nhà. Nói chung hắn toàn điểm ➕, vợ đẹp con ngoan, nhà cao của rộng. Ít ai trong làng trong xã bì kịp.
Vợ hắn tuy gần 50 nhưng còn ấy...lắm, sắc nước lại là cán bộ ăn mặc chải chuốt nên còn xuân chán. Là cán bộ lãnh đạo nên vợ chồng hắn sống rất chuẩn mực. Tuy chưa giúp đỡ được ai cái gì, nhưng mọi người đều nể phục về cách sống của vợ chồng hắn
Hắn đi công tác đã mấy ngày, thằng con hắn thì hầu như không có mặt ở nhà. Chìa khóa thì vợ chồng hắn ai cũng có ,nên xong việc hắn về mà không gọi điện cho vợ hắn biết. Hơn nữa hắn muốn tạo sự bất ngờ cho thị. 9 giờ tối hắn về tới nhà, hắn mở cổng bước vào. Trong nhà đèn vẫn sáng. Hắn định lên tiếng gọi thì nghe tiếng cười khúc khích. Hắn liền len lén mở cửa nhìn vào. Hắn cả kinh, vợ hắn đang nằm trong lòng một người đàn ông. Cả giận hắn định xông vào bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ, nhưng...hắn chợt nghĩ tới danh dự...nên hắn kìm lòng lại. Hắn nhìn kĩ xem người đàn ông đó là ai. Hắn giật nẩy mình,đó là T... Chủ tịch huyện cấp trên của vợ chồng hắn. Hắn nhếch một nụ cười quái dị. Hắn lấy điện thoại quay lại những phút giây quý giá ấy . Xong hắn ra ra ngoài lấy điện thoại gọi cho vợ ông chủ tịch
_ Chị à, anh nhà say quá,
nhờ chị lên nhà cô P...phó chủ tịch hội phụ nữ huyện đưa anh về cái ạ
Nói xong hắn tắt điện thoại rồi đánh xe đi...
Hai Hôm sau hắn mới về, hắn vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra . Gia đình hắn vẫn êm đềm như trước.
Con hắn đã tốt nghiệp ra trường nhờ những đồng tiền của vợ chồng hắn. Nhưng với năng lực và...xin việc ở đâu bây giờ. Hiện kỷ sư, thạc sĩ không có công ăn việc làm nhan nhản. Đúng là một bài toán khó, chợt...hắn nghĩ tới ông chủ tịch huyện. Hôm sau hắn sang nhà ông chủ tịch huyện. Sau khi hàn huyên tâm sự hắn nói
_ tôi có con cháu vừa tốt nghiệp đại học xong, hiện chưa có công ăn việc làm mong anh thu xếp cho cháu.
Nghe hắn nói xong ông T...xua tay nói
_ Không được đâu chú, bây giờ không phải như trước đâu, tôi chịu.
Hắn làm một ly rượu rồi nói
_ À hôm em đi công tác, anh say ở nhà em, chị nhà có đến đón không ạ
Nghe hắn nói vậy ông T...giật nẩy mình xua tay
_ Thôi...chú về đi, việc của cháu để tôi sắp xếp.
_ Cảm ơn anh
Hắn cười nói, rồi chào ông chủ tịch huyện ra về .
... Con gái hắn giờ cũng đã là công chức nhà nước. Thằng con trai hắn bị bắt mấy lần, nhưng đều được tha về... Có lẽ đều nhờ cái đêm công tác về đột xuất đó...
TÚ DA ( Trên Bình Hoàng Công - FB )
Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023
Ngẫm : MÙNG 4 TẾT - Quan Võ st và gt.
MÙNG 4 TẾT
Cùng ngẫm nhé!
Trừ 3 ngày tết ra, 362 ngày còn lại mọi người bỏ đói ông bà ở đâu? Mùng 3, mùng 4 cúng đưa ông bà đi. Nếu ông bà linh thiêng chắc đã đứng lại trở cán chổi xáng cho mà xấc bất xang bang "đã tới giờ bây đuổi tụi tau đi rồi đó hả?"
Cho là, hoặc ông bà đang còn vất vưởng ngoài đường, hoặc ông bà đã siêu sinh và hoặc ông bà đang ở cùng con cháu (thực tế mọi giả thiết đều là tưởng tượng, mang tính võ đoán).
Nếu ông bà còn đang vất vưởng ngoài đường, đã rước được vô nhà thì để ông bà ở trong nhà luôn chớ cho ở 3 ngày đuổi lại ra đường chi vậy, mà năm nào cũng giỡn mặt với ông bà kiểu đó? Nếu ông bà đã siêu sinh thì đừng lôi ông bà về nữa, tội lắm! Nếu đang ở cùng con cháu thì rước ai? Đưa ai?
Con người nói thì rất hiếu nghĩa, nhưng làm lại trật lất cù chìa.
QUAN VÕ ( St và giới thiệu )
Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023
Tản mạn : TẾT XƯA TẾT NAY- Quan Thế Dân.
TẾT XƯA TẾT NAY.
(dành cho các bạn sinh trước 1990)
Năm hết Tết đến, những người có tuổi như tôi thường thích ôn nghèo kể khổ. Vợ tôi bảo, anh đừng nói về cái nghèo mãi, không thì người ta tưởng nhà mình nghèo thật, con gái mình sẽ khó lấy chồng! Tôi bật cười về ý nghĩ ngộ nghĩnh này của vợ. Có phải tôi thích than nghèo đâu, mà tôi nhớ về cái thời cả xã hội cùng nghèo đấy chứ. Nhớ về tuổi thơ tôi, nhớ về bà, về mẹ…
Nhớ về Hà Nội xưa nghèo xác xơ, chìm trong màu xám của mùa đông. Hà Nội chỉ bừng lên chút nắng ấm áp, chút hào quang cũ khi Tết về. Ngày xưa mọi người đều rất tự nhiên gọi là Ăn Tết. Cả năm tích góp nhặt nhạnh cái ngon để dành đến Tết. Trẻ con có đòi cái gì, bố mẹ đều trả lời để đến Tết sẽ mua cho. Tết với trẻ con là một ngày hội chói lòa ánh sáng, một thứ gì đó vô cùng hấp dẫn, không thể tả thành lời. Bắt đầu từ tháng chạp là tôi bắt đầu đếm ngược đến Tết. Còn 28 ngày nữa là Tết. Còn 27 ngày nữa là Tết.
Tết với mẹ là nỗi lo. Tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ thở dài, sắp đến Tết rồi. Sao mẹ lại buồn khi nhắc đến Tết nhỉ. Nhiều khi mẹ nhìn chúng tôi triết lý: Chỉ có chúng mày là sướng, chẳng phải lo nghĩ gì. Mãi đến sau này tôi mới thấm thía câu nói năm nào của mẹ, còn lúc ấy tôi nào đâu để ý. Chỉ thấy một nỗi vui vô cớ cứ dâng lên ngày càng nhiều khi càng gần đến Tết.
Tết đến mỗi nhà được mua một túi hàng Tết, trong đó có một miếng bóng bì để Tết nấu bát canh bóng thật ngon, với miếng bóng mềm xốp ngấm đầy nước dùng thơm tho. Rồi một hộp mứt tết, một bó miến, cân đậu xanh, một ít mọc nhĩ, một ít chè, một bánh pháo, và một chai rượu chanh. Thế là hết. Tất cả cỗ bàn cúng cấp tổ tiên được nhà nước quy định trọn vẹn trong một túi hàng như thế. Ôi, cái thời bao cấp.
Gạo nếp thì được mua ở mậu dịch, mỗi nhà vài cân, trừ vào suất gạo tẻ trong tháng. Ăn bánh chưng rồi thì khỏi ăn cơm. Thịt lợn mua theo tem phiếu, nhân dân như ông bà tôi thì được 3 lạng một tháng, cán bộ như bố mẹ tôi được nửa cân. Bà ngoại tôi phải để dành tem phiếu thịt từ mấy tháng trước để dành đến Tết mua một thể để gói bánh chưng, tức là mấy tháng trước Tết ông bà tôi ăn toàn rau, ăn toàn rau suốt tháng!
Lá dong bán phân phối mỗi hộ gia đình được mua 2 bó, mỗi bó 50 lá. Mẹ tôi có quen biết bên cửa hàng, nên được vào tận trong nhà chọn bó lá to nhất. Tôi nhớ tôi theo mẹ đi chọn lá dong tận cửa hàng mậu dịch trên phố hàng Bè, đi từ nhà đến Bờ Hồ, chỗ ga tàu điện, rồi rẽ qua đầu phố Cầu Gỗ vào. Trong cái tối lờ mờ của kho lá dong, tôi cứ ngường ngượng nhìn mẹ cười nói nịnh nọt mấy cô mậu dịch viên để chọn lấy bó lá đẹp hơn một chút. Tôi thấy sợ và thương mẹ quá, cứ kéo tay mẹ về, mua bó nào cũng được. Nhưng mẹ chẳng ngượng, mẹ chọn bằng được bó lá ưng ý rồi mới về. Với mẹ gia đình là trên hết, xá gì chút sĩ diện cỏn con.
Có gạo, có đậu, có thịt, có lá dong rồi. Bà tôi thở phào, thế là lo xong cái Tết rồi. Bà định ngày gói bánh chưng như là định một cái ngày trọng đại, quyết định sự thành bại của cả một năm. Ngày gói bánh như là nghi lễ trang trọng nhất của Tết. Tôi lúc đó là chú bé gầy gò, nhút nhát, đa cảm, đứng chứng kiến tất cả các nghi lễ này và khắc ghi nó vào tim. Nên bây giờ tôi rất ghét ai nói, ôi dào, gói bánh mất thì giờ, đi mua cho nhanh. Bánh chưng không phải là cái bánh để ăn, mà nó là cái tâm để cúng tổ tiên, là nghi lễ không thể bỏ. Cứ nhìn cái thời bao cấp đói khổ ấy mà bà tôi, mẹ tôi lo lắng đến thế nào để có được những cái bánh chưng ấy thì sẽ hiểu.
Tối hôm đó bà ngâm gạo và ngâm đậu, rồi giục cả nhà đi ngủ sớm để sáng mai gói bánh. Tôi cũng bị bắt đi ngủ sớm. Trong tất cả các đứa cháu, bà chọn tôi làm truyền nhân để dạy cho tất cả các nghi thức cổ, để sau này bà mất đi thì có đứa làm giỗ. Nên tôi biết gói bánh chưng, biết nấu cỗ Tết theo kiểu Hà Nội xưa. Mấy hôm trước có lần con gái tôi bảo nó xem trên ti vi thấy cỗ tết Hà Nội xưa giống y hệt như mâm cỗ bố hay nấu, làm tôi vô cùng sung sướng. Tất nhiên không thể nào ngon như bà nấu ngày xưa.
Bà đãi đỗ, vớt gạo nếp để ráo, ướp thịt lợn chuẩn bị gói bánh. Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong xuôi, hai bà cháu bắt tay vào gói bánh. Vì tất cả tiêu chuẩn cả nhà chỉ có 10 cái bánh nên bà làm rất cẩn thận. Bà gói bánh bằng khuôn. Cái khuôn gỗ treo trên cao cả năm, giờ được lấy xuống, đặt lá dong vào. Bà thận trọng đổ gạo vào, dàn bốn góc cho đều, rồi cho đậu xanh, đặt thịt, phủ đậu xanh, đổ nốt bát gạo lên trên cùng, rồi gấp lá lại. Giờ là đến lúc quan trọng nhất, tôi từ nãy giờ đứng cạnh, lúc này thò tay vào giữ cái lá để bà từ từ nhấc cái khuôn ra, buộc lạt lại. Cứ thế một già một trẻ trang nghiêm gói bánh đến quá trưa là xong 10 cái bánh.
Lo xong bánh chưng là lo xong Tết rồi, bây giờ là lúc mẹ đi mua hoa. Ngay từ lúc bé ấy, tôi đã thắc mắc sao người Hà Nội chơi hoa chỉ 1 năm 1 lần. Những ngày gần Tết, Hà Nội tràn đầy các loại hoa đẹp. Hoa đào, hoa thược dược, hoa violet, hoa cúc, quất. Hoa rất đắt. Tôi nhớ tôi rất mê cây quất. Tôi mê mẩn ngắm những cây quất có những quả vàng lúc lỉu. Tôi nài nỉ mẹ mua một cây, nhỏ thôi, chỉ có chục quả thôi cũng được, nhưng mẹ bảo không có tiền. Thật ra là mẹ mê hoa đào. Năm nào cũng phải có một cành đào đẹp, cho dù có bằng cả nửa tháng lương.
Tôi nhớ có năm khó khăn quá, mẹ đắn đo rồi quyết định năm nay không chơi đào. Nhưng mẹ như bị dằn vặt, cứ ra vào đứng ngồi không yên. Thế rồi ngày cuối cùng trong năm tôi thấy mẹ cầm một cành đào thật đẹp về, vẻ mặt đầy quả quyết, kiểu như muốn ra sao thì ra, cho dù bố mẹ sau đó có cãi nhau to vì hết tiền. Mẹ là người yêu cái đẹp.
Sáng mùng Một bà tôi mặc áo dài, đầu vấn khăn gấm, ông mặc áo dạ. Ông bà nhìn thật lạ, đẹp lão, trang trọng. Bố tôi mặc complet, mẹ cũng mặc áo dài, bên ngoài khoác chiếc áo len trắng kiểu cách. Bố mẹ tôi lễ phép chúc thọ ông bà. Nhìn bố mẹ tôi lúc ấy ngoan thế, chẳng bù trong năm hay cãi bà. Bà mở tủ lấy ra phong bao hồng điều đỏ mừng tuổi cho bố mẹ tôi, chúc năm nay làm ăn phát tài, rồi ông bà mừng tuổi chúng tôi chúc chúng tôi học giỏi lớn lên cho ông bà bố mẹ được nhờ. Rồi bà bảo chúng tôi ra hè phố đốt pháo lấy may.
Tiếng phao nổ ran, mùi khói pháo thơm thơm. Bữa cỗ có thịt khiến mọi người vui cười rộn ràng. Sau này học y tôi mới biết là ăn thịt sẽ khiến bộ não tiết ra hormone vui sướng. Thảo nào ngày ấy đến Tết thấy vui thế, cứ cười suốt. Tối hôm ấy trẻ con được ngủ muộn, chìm vào trong giấc ngủ với nụ cười hạnh phúc.
Sáng hôm sau dậy, đã là mùng Hai. Nghe tiếng mẹ nói bâng quơ, nửa tiếc nuối, nửa nhẹ nhõm: Thế là hết Tết rồi. Tôi như muốn khóc. Thế là hết Tết rồi sao, con còn chưa kịp chơi gì mà
Cái cảm giác tiếc nuối khi Tết đến cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ, khi mà bà tôi, mẹ tôi đã khuất bóng từ lâu. Giờ tôi phải đóng vai chủ gia đình. Tết đến tôi bày biện bàn thờ tổ tiên, trang hoàng nhà cửa, nấu các món ăn ngon, lì xì cho trẻ nhỏ... thực hiện các nghi thức đón Tết. Tất cả đều làm theo quán tính, ông bà bố mẹ làm thế, hoặc do nghe thấy ở đâu đó bảo Tết là phải làm như vậy.
Thế là tôi hầu như quay cuồng lo các việc chuẩn bị mà luôn trong tâm trạng bất an, không biết mình đã làm đúng chưa, có thiếu sót gì không. Từ tâm trạng bất an đó nhiều khi mình thấy Tết như là gánh nặng, cả năm vừa mong Tết về, nhưng lại sợ như thấy Tết đến nhanh quá. Nhiều người cũng cùng tâm trạng đó, từ đó đã sinh ra ý kiến cho rằng Tết là phong tục lạc hậu, cần phải bỏ Tết cổ truyền để kịp đà hội nhập với thế giới. May thay những ý kiến bỏ Tết cổ truyền không được nhiều người ủng hộ.
Với tôi, trong lúc tất bật lo Tết, thỉnh thoảng tâm hồn tôi có lúc chợt dịu lại, mơ màng. Đó là khi lau những bức ảnh của ông bà bám đầy bụi, tôi thấy mình như đang thì thầm với tổ tiên. Đó là khi dẫn con đi mua hoa, chợt tôi thấy nhẹ nhàng dâng lên một niềm vui khi nhận ra một năm qua các con đã lớn lên nhường nào. Đó là khi cùng cả gia đình đi lễ chùa, bỗng thấy tràn ngập hạnh phúc khi cả nhà đang bên nhau. Tôi hiểu, đó là khi tôi bắt gặp tinh thần của Tết, là một cái đẹp đẽ mong manh lắm, thoáng đến và thoáng đi, nhưng trường tồn cùng dân tộc.
QUAN THẾ DÂN.
(Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân. Bài viết đăng 16/1/2023)