Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Nhìn ra xa: LỜI HỨA... - Ngân Giang.

 




LỜI HỨA...

Ông Tom Cook, cư dân tại tiểu bang Wisconsin, đã trúng lô độc đắc Powerball 22 triệu ngày 10/6 vừa qua. Chuyện này không thành tin. Xổ số mở hàng ngày, có người trúng tới cả trăm triệu. Ông Cook trúng 22 triệu thì ăn thua chi.

Nhưng chuyện thành tin nóng khi ông chia đôi số tiền này với ông bạn Joe Feeney trong khi ông Feeney chẳng góp tiền mua chung tấm vé số. Tất cả chỉ vì một lời hứa. Năm 1992, hai ông bạn chí thân này bắt tay với nhau và hứa nếu một trong hai người trúng số Powerball thì sẽ chia cho người kia một nửa. 

Chuyện như đùa mà nay thành thật. Thực ra ông Cook có thể làm lơ một cách dễ dàng. Vì ông Feeney chẳng còn nhớ tới chuyện cũ xì từ 28 năm trước. Khi được ông Cook điện thoại báo tin, ông Feeney tưởng bạn giỡn. “Ông ấy gọi tôi và tôi trả lời "ông có giỡn với tôi không vậy?". 

Trả lời báo chí, ông Cook nói: “Lời hứa là lời hứa. Đã nói thì phải giữ lời”. Hai ông dắt tay nhau đi lãnh tiền trúng số. Họ chọn cách lãnh trọn gói một lần. Mỗi ông được 11 triệu đô. Sau khi trừ tiền thuế, mỗi người bỏ túi được 5 triệu 700 ngàn. Cũng đỡ cho hai ông già. Ông Feeney đã nghỉ hưu trước đó. Ông Cook cũng nghỉ sau khi trúng số.

Chuyện giữ lời hứa của ông Tom Cook là chuyện đáng phục. 

Thời buổi này mà còn một ông quân tử Tàu như vậy khá hiếm. Có tìm ở bên Tàu ngày nay chắc cũng không có. Nhưng chuyện tôi kể dưới đây li kỳ hơn nhiều.

Phil Seymour là một Trung Sĩ thuộc Đại Đội C, Tiểu Đoàn 1, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 1 của Hoa Kỳ, đóng ở Đà Nẵng. Anh qua Việt Nam vào tháng 12 năm 1966. Đơn vị của anh đóng quân tại một hòn đảo nhỏ gần Hội An. Họ thường vào chơi nơi phố thị này. Khi đi chơi, anh luôn mang theo chú chó cưng được gài sau ba lô. Tên chú chó này là Boot, được anh giải cứu trong một cuộc hành quân trong rừng. Khi đó Boot còn chưa dứt sữa mẹ. Mỗi khi từ thuyền vào đất liền, các anh lính GI này thường được một đám con nít đứng đón để xin kẹo, bánh, đồ hộp và cả thuốc lá.

Thường thì các anh lính trẻ này phân phát đầy đủ cho đám trẻ. Trong đám trẻ có một đứa tên Cam (có thể là Cầm hay Cẩm) luôn mặc bộ đồ ngủ màu xanh, đi chân đất. Cam không nhao nhao như đám con nít chung quanh mà luôn luôn đứng ở phía sau, cam phận. 

Lúc đầu Phil và bạn bè tưởng Cam nhút nhát, nhưng không phải. Em không xin mà luôn mang theo dừa, chuối, chanh để trao đổi. Đám lính Mỹ rất thích đứa bé… sòng phẳng này.

Lúc đó Cam chỉ khoảng 9 tuổi. Có lần em mang một trái chuối tặng cho Phil. Phil rất cảm động. Khi anh được đi Thái Lan nghỉ phép, anh hỏi Cam muốn gì anh sẽ mua cho. Cam chẳng biết Thái Lan là cái xứ mô tê nào, tiếng Anh lại ba xí ba tú, cậu bé chỉ vào chiếc đồng hồ Phil đeo trên tay. Phil gật đầu.

Qua Thái Lan, Phil mải vui với các cô gái dễ dãi, với rượu nồng thịt béo, quên mất tiêu lời hứa mua chiếc đồng hồ cho Cam. Trở lại Hội An, Cam chạy ùa ra đón Phil với hy vọng có chiếc đồng hồ. Phil đành xin lỗi và hứa sẽ mua cho Cam sau. 

Nhưng đời lính chẳng biết mai này sẽ ra sao. Đơn vị của Phil phải rời Hội An ra vùng phi quân sự ngay sau đó. Đầu năm 1968, Phil được trở về Mỹ. Về nhà, anh vẫn khó chịu vì không thực hiện được lời hứa với cậu bé nghèo nơi đất khổ. Lời hứa vẫn canh cánh bên lòng trong khi anh nghĩ chắc tới chết cũng không thực hiện được.

Anh tại ngũ thêm 27 năm. Chịu khó học lấy được bằng Master về luật, Phil trở thành luật sư của bộ Quốc Phòng. Năm 1995, ông nghỉ hưu.

Ông thường cùng một nhóm bạn đi du lịch khắp nơi. Năm 2007, nhóm du lịch này dự tính tham gia một tour tới vùng Đông Nam Á, có ghé Hội An. Vợ ông, bà Lynne, thúc giục ông phải tham dự chuyến này để trở lại Hội An, tìm gặp Cam, thực hiện lời hứa từ bốn chục năm trước. Phil đồng ý tuy trong thâm tâm ông nghĩ chuyện tìm lại Cam như chuyện mò kim đáy biển. Tuy vậy, ông vẫn mua sẵn môt chiếc đồng hồ.

Tới Đà Nẵng, hướng dẫn viên của đoàn du lịch là một người Hà Nội nhưng quen biết nhiều người ở Hội An. Anh chàng này hứa sẽ liên lạc tìm Cam giùm ông. May là ông Phil còn giữ và mang theo trong người được mấy tấm hình chụp với Cam ngày xưa. 

Anh hướng dẫn viên cầm tấm hình đi hỏi thăm. Anh gần như trúng số khi gặp được một người em của Cam. Chỉ cần một cú điện thoại, Cam chạy vội tới khách sạn. Lúc này Cam không còn là một đứa trẻ 9 tuổi mà là một bác thợ mộc 49 tuổi. Anh hướng dẫn viên hỏi Cam có biết ông Mỹ này không. Cam nhận ra Phil liền. “Ổng thường cõng con chó nhỏ trên lưng”. Anh hướng dẫn viên hỏi thêm anh có còn nhớ lời hứa năm xưa không, Cam trả lời liền: “Có, lúc đó tui mới 9 tuổi, nói tiếng Mỹ bập bẹ, nên nghĩ rằng ổng không hiểu nên không mua đồng hồ cho tui thôi”.

Ông Phil nói với Cam là không có sự hiểu lầm nào cả mà chỉ có sự thất hứa. Ông đeo chiếc đồng hồ cho Cam rồi hai người ôm nhau.

Cam cảm động đến rơi nước mắt. Hôm sau, Cam mời vợ chồng ông Phil và anh hướng dẫn viên tới nhà dùng cơm. Bữa ăn do vợ của Cam là Nở và con gái 28 tuổi tên Vy của Cam nấu nướng. Vy mới lập gia đình. Được hỏi về ước muốn của Vy, cô chỉ ước được học Đại học như bốn người em trai. Là phận gái nên Vy không được học hành như các em. 

Vợ chồng Phil không ngần ngại chu cấp cho Vy vào Sài Gòn học Đại học. Cô đã đậu bằng Cử nhân vào năm 2012.

Quá vui mừng, vợ chồng Phil đã qua Sài Gòn dự lễ tốt nghiệp của Vy. Họ cũng mua vé máy bay cho vợ chồng Cam vào Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên vợ chồng Cam được đi máy bay! Anh không quên mang theo một số đồ ăn quê mùa Hội An để mở tiệc mừng tại nhà trọ của Vy. Vợ chồng Phil mừng Vy một cái microwave.

Hiện Vy vẫn làm việc tại Sài Gòn và thường điện thoại liên lạc với vợ chồng Phil.

Nói về li kỳ thì chuyện giữ lời hứa của anh GI Phil ăn đứt chuyện chia đôi tấm vé số của ông Cook. Nhưng chuyện giữ lời hứa thì không có thể so sánh hơn kém. Chuyện nào cũng quý cả.

Họ là những quân tử thứ thiệt, thuộc loại hiếm trên trái đất này. Lời hứa của họ như đinh đóng cột. Từ ngàn xưa người ta đã xưng tụng bằng những câu đã biến thành những bài học mà muốn thành người tử tế phải noi theo. 

Nhất nặc thiên kim, lời hứa giá ngàn vàng. Nhất ngôn cửu đỉnh, lời nói có sức nặng tựa chín chiếc đỉnh. Quân tử nhất ngôn, người quân tử chỉ nói một lời. Dân gian cũng có những câu như: Một lời nói dối, sám hối bảy ngày. Hoặc: Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.

Hứa trong thương trường trở thành chữ tín. Buôn bán với nhau người ta rất trọng chữ tín. Đã nói là phải giữ lời. Không lươn lẹo, không gian dối.

NGÂN GIANG.

Thơ vui : KHÔNG BẰNG CÁI MÔNG - Tạ Quang Bình.

 



KHÔNG BẰNG CÁI MÔNG!


Hắn treo lên phây mấy chữ vàng

Để ai bị tiễn khỏi hoang mang

Rằng: "Không tương tác đừng kết bạn"

Kẻo bị tiễn vong* lại la làng!


Hắn than rằng bạn phây bất công

Coi hắn không bằng mấy cái mông

Thơ hắn đăng lên không thèm đọc

Chăm bẳm vào like ngực với mông!


Hắn than rằng hắn khổ vì phây

Cặm cụi làm thơ suốt cả ngày

Đăng lên chỉ vài ba người đọc

Like, còm đếm được đầu ngón tay


Hắn than rằng hắn khổ vì thơ

Đầu bù tóc rối mặt bơ phờ

Thơ ra vội vã đăng phây búc

Nhưng bận nhìn mông, chúng ngó lơ!


Hắn than rằng bạn phây khó ưa

Đầu tư công sức cũng bằng thừa

Thơ văn tao nhã không thưởng thức

Hót gơ** đăng hình, like như mưa!


Hắn cứ luôn mồm hăm tiễn vong

Những nick cuồng ngực với cuồng mông

Kể luôn những nick không tương tác

Xóa hết cho đời sạch bất công!


Hắn hăm thì mặc hắn cứ hăm

Trên phây mông ngực vẫn ầm ầm

Thơ văn không đọc đời vẫn đẹp

Nhưng thiếu mông đời sẽ tối tăm!


TẠ QUANG BÌNH - 3/9/2023.

*Tiễn vong: Một cách nói vui để chỉ hành động hủy kết bạn

** Hót gơ: Hot girl, gái nóng bỏng.

Thơ: GÁNH HỒNG NHAN.. - Lê Hồng Phúc.

 



GÁNH HỒNG NHAN .....

Chợ phiên mẹ gánh gió đông

Chắt chiu đem đổi nắng hồng nuôi con

Liêu xiêu bóng mẹ đường mòn

Thúng đời một gánh, thúng con một gồng.


Cánh cò lạc giữa cơn giông

Bàn chân mẹ lạc khắp đồng lúa xanh

Nắng hè rám bưởi trên cành

Nắng đời rám cả tóc xanh bốn mùa.


Mưa dầm làm khế thêm chua

Mưa đời làm mẹ già nua mỗi ngày

Mẹ thời như ớt trên cây

Lặng thầm xanh vỏ mà cay trong lòng.


Vai gầy gánh cả bão giông

Gom thành tiếng hát ru nồng canh thâu

Thúng nào mẹ gánh cơ cầu

Thúng nào mẹ gánh bể dâu cuộc đời.


Thúng nào gánh nước mắt rơi

Thúng nào gánh trọn những lời thế gian

Chợ đời gánh mảnh trăng tàn

Thúng ơi mẹ gánh hồng nhan riêng mình.

LÊ HỒNG PHÚC.

Thơ : XA RỒI THƠ NGÂY - hathuthuy.

 



XA RỒI THƠ NGÂY


Thuở thơ ngây nhìn theo diều giấy

Thấy con đê gần cánh đồng xa

Tim căng tròn theo diều vươn cánh

Thương vô cùng cơn gió không nhà.


Xếp thuyền giấy thả trên mương nhỏ

Đẩy thuyền trôi đến cuối khu vườn

Mắt yêu thương nhìn thuyền giấy đỏ

Thấy lòng mình ngút sóng trùng khơi.


Rồi năm tháng thơ ngây đi mất

Không thả diều chiều gió thênh thang

Không xếp thuyền bỏ trôi thơ thẩn

Mà nhớ người...Nỗi nhớ miên man.


Người ấy giống như con diều giấy

Bay lên cao bay đến cuối trời

Quên cô bé thơ ngây ngày ấy

Bỏ thuyền...Diều giấy... Ngủ chơi vơi.

hathuthuy

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Xã hội : BÁNH TRUNG THU DÁT VÀNG - Ta Trung.

 




BÁNH TRUNG THU DÁT VÀNG. 

Có một thời người dát vàng, bò dát vàng, phở dát vàng, giờ tới bánh trung thu dát vàng, nhiều tiệm bánh muốn ăn phải XHCN từ 2-3 g sáng đến 7-8g sáng lấy phiếu mới mua được cơ đấy, mà đâu phải muốn mua bảo nhiêu cũng được, nên chẳng ai dám nhận mua giùm. Điên cả lũ !

TA TRUNG. 

Thơ : GIỌT NẮNG - Kim Dung.

 



GIỌT NẮNG. 

Dường như có giọt nắng mai

Nhẹ nhàng rơi xuống trên bờ vai em

Chút gì như thể dịu êm

Đủ em sưởi ấm trái tim muộn phiền

Nắng mang ngày mới bình yên

Cho hoa hạnh phúc nở miền yêu thương

Nắng ru cơn mộng bình thường

Cho em quên hết miên trường khổ đau

Nắng đưa ta đến với nhau

Se hai mái tóc bạc màu thời gian

Lung linh sợi nắng tơ vàng

Chao nghiêng bay lượn đón làn gió Xuân

Ô kìa mây cũng bâng khuâng

Em nghe trong nắng tiếng ngân muộn màng

KIM DUNG.

Chuyện thi nhân: TÔI KHÔNG PHẢI... - Trần Đình Thu.





TÔI KHÔNG PHẢI LÀ TTKH.

Cuối năm 2004, tôi viết xong bản thảo cuốn sách “Giải mã nghi án văn học TT.Kh”. Tôi vui mừng gửi ngay bản thảo cho anh Đào Hiếu, biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ để anh ấy chuẩn bị in thành sách. Lúc đó tôi là cộng tác viên khá thân thiết của nhà xuất bản này, đã in mấy đầu sách theo diện kế hoạch A ở đây rồi. Anh Đào Hiếu đọc xong bản thảo cuốn sách, mời tôi đến nhà xuất bản, nói: “Cuốn sách này không in được ông à”. Tôi hỏi anh lý do vì sao, anh trả lời: “Khi đọc phần đầu, là phần giải mã của ông, tôi tin chắc một trăm phần trăm bà Trần Thị Vân Chung đúng là TT.Kh. Nhưng khi đọc qua phần phụ lục, tới bức thư của bà Trần Thị Vân Chung gửi báo giới thì tôi tin chắc một trăm phần trăm bà Trần Thị Vân Chung không phải là TT.Kh. Do đó tôi quyết định đề nghị ban giám đốc không in cuốn sách này của ông”.

Chờ anh Hiếu nói xong, tôi phân tích: “Tôi làm nghiên cứu nên rất tôn trọng sự thật khách quan. Vì thế mà tôi đưa bức thư vào. Nếu tôi có ý này khác, trong bản thảo của tôi, tôi lờ đi bức thư của bà Trần Thị Vân Chung, không đưa nó vào phần phụ lục, thì chắc chắn bây giờ anh đã “tin chắc một trăm phần trăm” bà Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh và cho in ngay cuốn sách này mà không có ý kiến thắc mắc gì. Tôi xin anh, anh hãy in cuốn sách đi, tôi tin cuốn sách của tôi có khả năng làm sáng tỏ một nghi án văn chương vốn quá tù mù lâu nay”.

Vậy bức thư của bà Trần Thị Vân Chung thế nào mà làm đổ toàn bộ phần giải mã của tôi phía trước? Tôi xin ngừng lại một chút để nhắc lại sự ra đời của bức thư này.

Quãng giữa năm 1994, ông Thế Phong cho xuất bản một cuốn sách có tựa là “TT.Kh nàng là ai?”. Cuốn sách đã làm nổ tung dư luận khi đưa ra một “ứng viên sáng giá” vào vị trí TT.Kh: bà Trần Thị Vân Chung. Trước khi cuốn sách này ra đời, những người được xếp vào diện nghi vấn TT.Kh toàn là đàn ông như Nguyễn Bính, Thâm Tâm...

Vài tuần sau khi cuốn sách phát hành, đặc san Văn Hóa của Bộ Văn Hóa cùng với báo Thanh Niên đồng loạt đăng tải bài phân tích cuốn sách. Báo Thanh Niên thì chủ yếu đăng bài phê phán còn đặc san Văn Hóa thì ủng hộ. Dư luận xôn xao quá khiến con cháu bà Vân Chung ở Sài Gòn gọi điện sang Pháp thông tin cho bà. Một thời gian sau, từ Pháp, bà Trần Thị Vân Chung có thư ngỏ gửi cho báo giới trong nước. Đó chính là bức thư tôi nhắc ở trên. Bức thư từ đầu đã phang ngay một câu làm nản lòng tất cả những ai muốn tin bà Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh. Bức thư viết: Điều trước nhất tôi xin thưa: “Tôi không phải là TT.Kh!”.

Chính cái câu này mà trong vòng 10 năm sau đó, từ 1994 đến 2004, giới yêu thơ không ai còn hứng thú nhắc đến cái tên bà Trần Thị Vân Chung khi đề cập về nghi án TT.Kh. Cũng chính cái câu này mà anh Đào Hiếu từ chối in cuốn sách của tôi. Thì bởi vì, chính bà ấy đã tuyên bố thế cơ mà!

Thế mà lạ lùng thay, khi lật lại tư liệu, “giám định” các bài thơ rồi lấy kết quả so sánh với các “nghi can”, tôi thấy rằng không ai phù hợp với TT.Kh hơn bà Trần Thị Vân Chung. Điều này khiến chính tôi cũng thắc mắc: Vậy thì, hà cớ gì mười năm trước, bà Trần Thị Vân Chung nhảy bổ ra la làng “Tôi không phải là TT.Kh”?

*Chung quanh bức thư

Có rất nhiều độc giả chất vấn tôi, nếu ông cho rằng bà Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh, tại sao khi ông Thế Phong in cuốn sách, bà ấy đã không nhận mình thì thôi, ngược lại còn phản đối? Trong cuốn sách của tôi, ở phần giải mã, tôi đưa ra các tiêu chí về người có thể là TT.Kh thế này: Thứ nhất, TT.Kh phải là một người phụ nữ. Thứ hai, TT.Kh phải là người thân thiết với nhà văn Thanh Châu, cụ thể hơn người đó phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Nay tôi nghĩ, sau này nếu tái bản có sửa chữa, chắc tôi phải đưa thêm một tiêu chí nữa: TT.Kh phải là người có thể nhảy bổ ra la làng mình không phải là TT.Kh nếu có ai đó nói mình chính là TT.Kh.

Khi cuốn sách “Giải mã…” của tôi in ở Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn sau đó, rút kinh nghiệm từ vụ biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ từ chối bản thảo, tôi viết thêm một phần ngắn, phân tích lý do tại sao bà Trần Thị Vân Chung viết thư phản đối, tuyên bố thẳng mình không phải là TT.Kh. Xin trích một đoạn: “TT.Kh không bao giờ làm cái việc đứng ra nhận mình đâu. Không nhận mình thì mới đúng là TT.Kh. Chứ còn bây giờ giả sử có người nào đó đứng ra nhận mình là TT.Kh thì tôi có thể nói ngay rằng đó chắc chắn không phải là TT.Kh”.

Khi viết cuốn sách, tôi có đến gặp bà Thư Linh để tìm kiếm tư liệu. Bà Thư Linh là bạn của bà Trần Thị Vân Chung. Cuốn sách của ông Thế Phong cốt lõi là dựa vào lời kể của bà Thư Linh. Trong một bữa đám giỗ ở nhà bà Thư Linh, có người kể vừa mới gặp TT.Kh ngoài Bắc, TT.Kh giờ già yếu lắm rồi. Bà Thư Linh nghe thế bức xúc quá, cãi lại TT.Kh làm gì mà ở ngoài Bắc, TT.Kh đang ở Pháp mà! Xong bà tiết lộ luôn câu chuyện bà Trần Thị Vân Chung từng tâm sự với bà thế nào. Ông Thế Phong thu nhặt tư liệu từ bữa giỗ đó, viết thành cuốn sách “TT.Kh nàng là ai?”. Cho nên vào năm 1994, song song với việc gửi thư ngỏ cho báo giới, bà Trần Thị Vân Chung còn gửi một thư riêng cho bà Thư Linh (khi có điều kiện tôi sẽ phân tích các thư này trong một bài báo). Bức thư trách móc bà Thư Linh nặng nề. Bà Thư Linh cho biết, kể từ năm 1994, sau bức thư đó của bà Vân Chung gửi từ Pháp về, bà Vân Chung tuyệt giao với bà Thư Linh luôn. Vì thế tôi đặt vấn đề: Không phải là TT.Kh thì thôi chứ làm gì mà bức xúc đến mức độ phải tuyệt giao với một người bạn cũ của mình. Chỉ cần nói một câu ngắn gọn, quý vị nhầm rồi, tôi không phải là TT.Kh là đủ.

Trong cuốn sách “Giải mã…”, tôi có phân tích tính cách của TT.Kh để so sánh với tính cách của bà Trần Thị Vân Chung: “Tôi nhớ lại những câu thơ của TT.Kh thuở xưa cũng nặng nề u ám như thế. Chẳng hạn như câu thơ “Là giết đời nhau đấy biết không/Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung...”. Độc giả có thấy rằng, nếu bà Thư Linh chỉ phạm “cái tội” như bà Vân Chung nói là “vu khống” cho bà là TT.Kh trong khi bà không phải là TT.Kh thì “cái tội” ấy có gì nghiêm trọng đâu. Người ta nói mình là TT.Kh chứ có nói gì xúc phạm danh dự nhân phẩm đâu mà phải giận dữ ghê thế! Sự giận dữ trong bức thư này thực tế vượt ra ngoài ranh giới bình thường. Nó cho thấy chỉ có bà Thư Linh phạm vào những “cái tội” như vi phạm lời thề không tiết lộ thân phận của bà Vân Chung chẳng hạn thì mới có sự giận dữ như vậy”.

Năm 1994, cuốn sách của ông Thế Phong tiết lộ rõ, nhà văn Thanh Châu chính là người yêu của bà Trần Thị Vân Chung, tức người yêu của TT.Kh. Sau năm 1975, ông Thanh Châu vào Sài Gòn lang thang nơi này qua nơi khác để tìm thăm bà Vân Chung. Khi vụ việc gây xôn xao dư luận, trong thư ngỏ của mình, bà Trần Thị Vân Chung phủ nhận luôn mối quan hệ yêu đương với ông Thanh Châu. Điều này khiến tôi bối rối hết sức. Vì kết quả giải mã của tôi cho thấy: TT.Kh phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu, tác giả của truyện ngắn Hoa ti gôn in trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào năm 1937. Tôi quyết định kiểm chứng bằng cách đến gặp ông Thanh Châu để hỏi thẳng. Tôi dự tính, chỉ cần ông Thanh Châu thừa nhận ông và bà Trần Thị Vân Chung yêu nhau là đủ, không cần ông ấy phải thừa nhận Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh. Tôi rủ nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đi theo để làm chứng cho cuộc “thẩm định lịch sử” này. Tại nhà ông Thanh Châu, tôi đã gí sát máy ghi âm vào ông và hỏi đến ba lần. Ông Thanh Châu cũng xác nhận đến ba lần, bà Vân Chung chính là người yêu của ông. Thế là đủ. Nhưng tôi có máu tham, hỏi thêm một câu, bà Trần Thị Vân Chung có phải là TT.Kh không thì ông lắc đầu nguầy nguậy. Tôi thì đã lường trước nên coi đây là chuyện bình thường, nhưng nhà văn Nguyễn Khoa Đang lại thất vọng. Về nhà, tôi giải thích với anh: chờ đợi câu trả lời Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh là một tham vọng quá lớn. Không thể có lời xác nhận này. Vì câu thơ thuở xưa đã viết: “Cố quên đi nhé câm mà nín”. Người ta đã thề thốt thế rồi, làm sao tiết lộ?

Ông Thanh Châu nay đã về cõi vĩnh hằng, bà Vân Chung nếu còn sống cũng đã quá lớn tuổi. Không còn ai đứng ra để khẳng định hay phủ định. Nhưng tôi tin rằng, chỉ có người không nhận mình là TT.Kh mới có thể là TT.Kh.

TRẦN ĐÌNH THU.

Thư giãn : GỪNG GIÀ CAY THẬT... - Sưu tầm trên FB.

 



GỪNG GIÀ CAY THẬT...

Ông già nọ ở một mình, kinh tế thuộc hạng khá giả. Một cô gái đáng bậc tuổi con vào nhà và nói với ông.

- Tôi cần tiền, lão cho tôi năm triệu, tôi sẽ để yên cho lão. Bằng không tôi sẽ xé quần xé áo và hô hoán lên là lão đã làm nhục tôi. Lão suy nghĩ đi... một là mất tiền, hai là mất danh dự.

Ông già hơi bị bất ngờ trước một kiểu tống tiền quái dị. Nhưng bản tính khôn ngoan đã nhắc ông bình tĩnh và nghĩ cách ứng phó kịp thời. Ông lấy lại bình tĩnh và nói với kẻ tống tiền.

- Cháu cần tìm ai, nói tên rồi bác chỉ cho. 

Cô gái lại nhắc lại.

- Tôi cần tiền, lão cho xin năm bảy triệu... nhanh lên.

Ông già vẫn bình thản đưa cho cô gái kia một tờ giấy và cái bút, rồi bảo. 

- Bác bị điếc, cháu hỏi tìm ai thì cứ viết tên vào đây, rồi bác chỉ cho. Chứ nói vậy bác không nghe gì cả.

Cô gái lật đật viết vào tờ giấy.

"Tôi cần tiền, nên vào xin ông đây. Nếu ông cho tôi năm triệu, tôi sẽ để ông yên. Ông không cho là tôi xé quần xé áo hô hoán lên, ông đã làm nhục tôi... Ông muốn mất tiền hay mất mặt với xóm làng thì tùy ông".

Ông già cầm tờ giấy lên đọc đi đọc lại, rồi gập tư bỏ vào túi áo cười. Cô gái hơi ngạc nhiên, nói lẩm bẩm.

- Cười cái gì?

 -Lão đâu có điếc hả con. Lão chỉ muốn có bằng chứng gấy trắng mực đen này thôi con ạ. Bây giờ con kêu đi, hay để lão kêu hộ. Xóm làng và công an họ đến rồi họ sẽ xác minh...

Kẻ lừa đảo tái mặt, quỳ xuống xin ông già tha tội. 

- Con xin ông... vì túng quẩn nên đã lỡ làm liều. 

Ông già cũng chẳng hơi đâu mà xử phạt kẻ giang hồ. Ông chỉ nhẹ nhàng bảo, 

- Cháu chỉ là bậc con bậc cháu, nên ông không nỡ nào trừng phạt cháu mà thôi. Về cố gắng làm ăn đi cháu ạ. Đừng sống thế này rồi sớm muộn gì cũng sa vào vòng pháp luật mà thôi.

ST-

Truyện truyền kỳ: KHỔNG TỬ VÀ LA THÁM HOA - Kha Tiệm Ly.

 



Truyện truyền kỳ

KHỔNG TỬ VÀ LA THÁM HOA

Một buổi Khổng Tử cùng học trò dạo chơi, bỗng thấy một người áo rách lưng mang bầu rượu, miệng vui vẻ ca hát đang tử xa tiến tới. Khi nhận ra là La Thám hoa, Khổng Tử bèn xuống xe, vòng tay thi lễ:

- Tiên sinh vì cớ chi mà cao hứng như vậy?

- Ở đời ngoài sức khỏe dồi dào, thân không mang thương tật, thì không gì quý hơn tự do tự tại. Ta không có lợi nên chẳng lo còn hay mất, không có danh nên chằng sợ đục hay trong, không vướng quan trường nên không sợ đấm đá, sát hại nhau. Đói thì ăn rau rừng, khát thì uống nước suối; dù chẳng là sơn hào hải vị nhưng ta rất tự hào là rau sạch nước trong. Lòng dạ nhẹ nhàng, lương tâm thanh thản. Cớ sao lại không vui?

Khổng Tử ngần ngừ:

- Ta muốn cùng ngài đi bình thiên hạ, ý ngài nghĩ sao?

La Thám hoa hớp ngụm rượu, rồi cười lớn, rượu sặc ra đầy đất:

 -“Bình thiên hạ?” Ngài vẫn còn nằm mơ, hay cố tình đem cái tư tưởng mơ hồ ấy để mê hoặc quần sinh?

Khổng tử cau mặt:

- Sao ngài lại…

Thám hoa chỉ tay vào đám đồ đệ của Khổng tử rồi nói:

- Chừng nào trong đám đệ tử của ngài trí tuệ như nhau, không có kẻ cao người thấp; và chính ngài thương yêu chúng như nhau thì tôi sẽ đi cùng ngài.

 Hớp ngụm rượu rồi tiếp:

- Tôi thấy ngài ra đường thì ngài ngồi chễnh chệ trên xe, còn quý huynh đệ kia phải đẩy khòm lưng, thì “bình” ở chỗ nào? Khi ngài bịnh, ngài có đại phu (thầy thuốc) riêng, còn quý  huynh đệ kia có người phải tự chữa bằng mấy nắm lá rừng, thì “bình” ở chỗ nào? Khi ngài dùng bữa, ngài ngồi mâm trên, các huynh đệ kia ngồi mâm dưới, thì “bình” ở chỗ nào? Trước mắt sờ sờ còn không thể “bình”, thì “bình thiên hạ” có phải mơ hồ quá không, thưa ngài?

Đoạn chỉ tay lên trời:

- Ngài chỉ nhìn thấy ánh sáng đẹp của sao Bắc Đẩu chớ không bao giờ đi tới được, vì nó ngoài vạn dặm thiên hà!

Lại hớp ngụm rượu rồi quay đi, không lời chào biệt.


KHA TIỆM LY

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Thơ vui : TỰ TRÀO... GIỮA NĂM (bis)- Huỳnh Văn Huê.

 




TỰ TRÀO… GIỮA NĂM (bis)


Bạn Tiên phương xa lại trở về 

Và mấy "ông già"(*) lại… rủ rê! 

Được ông Văn Sỹ đứng tổ chức 

Đương nhiên lo toan hết mọi bề

   *        *        *

Ông Em, ông Việt và ông Thái

Ông Huê, ông Hải với ông Yên

Nhà hàng Việt Phố cùng hẹn đến 

Một bữa ăn trưa thắm nỗi niềm  

   *        *        *

Bao chuyện năm xưa thời áo trắng 

Bốn năm trang trải nợ sách đèn

Hôm nay gặp gỡ cùng chụp  ảnh 

Phía sau vẫn có … nước non nhà ! (*)


H.V.H ( 8-2023 )

–------------------

Ghi chú:

(*) - Sau lưng nhóm cùng chụp ảnh kỷ niệm là phong cảnh núi non cùng thác nước.

     - Có thêm bạn đặc biệt là T.H.Tấn, bạn của Sỹ.

Thơ : VỊNH CÁI LY - Kha Tiệm Ly.

 



VỊNH CÁI LY


Chẳng phải trân châu bảo ngọc chi

Mà thân trong vắt tợ lưu ly

Tháng năm lòng vẫn ôm tình nước,

Có miệng nhưng không nói được gì!


Kha Tiệm Ly

Thơ : MỘT BÀI THƠ... - Bùi Chí Vinh.

 



MỘT BÀI THƠ CHO 

THIẾU TÁ STEPHANIE NGUYỄN


Trước giờ tôi toàn làm thơ cho các nàng chiến binh Ukraine 

Các thiên thần tóc vàng dũng mãnh 

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh 

Mà quên mất da vàng, tóc đen, má đỏ, môi hồng 


Em là một nữ phi công gốc gác Sài Gòn 

Thiếu tá Stephanie Nguyễn chuyên trị chiến đấu cơ F16 

Yêu nhạc, thích thơ và lại càng mê giông bão 

Đại bàng khi cất cánh bay là muông thú hãi hùng 


Trái bom laser guide luôn đồng hành ở sau lưng 

Lúc cần thiết là cho mục tiêu tan biến 

Không có ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem, chỉ có sự khôn ngoan mầu nhiệm 

Biến một tiểu thư thành sát thủ bầu trời 


Tôi tự hào về em, Stephanie Nguyễn ơi 

Tôi đang sống trên một đất nước ai cũng là người mẫu 

Bước ra đường là thấy toàn hội thi hoa hậu 

Thôn nữ hóa “playboy” và “callgirl” sống qua ngày 


Tôi đang cần đôi cánh để bay 

Một chuyến BAY ĐÊM như nhà văn Saint Exupery mất dạng 

Nhưng trước khi bay còn đọng một chút gì lãng mạn 

Một chút gì dễ thương trên mây trắng bềnh bồng 


Hẹn em một ngày vùi xác giặc ở Biển Đông…

26-9-2023

BCV