TRỐNG THỦNG - Hồ Xuân Hương
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được người đời mệnh danh là “Bà Chúa Thơ Nôm”, có nghĩa là những bài thơ theo Đường luật đã được bà “Việt hóa” và gần gũi với ngôn ngữ bình dân của người Việt mình.
Trong thơ của bà, có “thanh cao mà hàm ý tục” và người đọc nếu hiểu ý cũng chỉ tủm tỉm cười thầm. Hay nhất trong thơ của Hồ Xuân Hương là cách bà nhấn mạnh vào hai câu kết!
Người ta cho rằng Hồ Xuân Hương bị lận đận trong đường tình duyên, chỉ là phận lẻ mọn nên chuyện “chăn gối” với bà chỉ “lẻ tẻ” chẳng bõ bèn gì với nhu cầu thực nên bà mượn thơ ca để “xả stress” ví dụ như : "Năm thì mười họa hay chăng chớ. Một tháng đôi lần có cũng không", hoặc qua các bài thơ tựa như : Đánh đu, Dệt cửi, Trống thủng, Đá ông Chồng bà Chồng …
Chính từ điểm này mà một số người cho rằng Hồ Xuân Hương "khủng hoảng tình dục". Họ cho rằng Hồ Xuân Hương trẻ đẹp, đầy sức sống nhưng tình duyên trắc trở, thèm khát dục vọng, mà viết nên những bài thơ dâm ấy!
Nhưng kỳ thực, Hồ Xuân Hương nhìn cuộc đời với thế giới quan hết sức bình thường theo kinh Dịch của Nho học, có Âm thì phải có Dương đó là một sự tương giao tự nhiên trong vũ trụ để tồn tại. Không như một số văn nhân thi sĩ né tránh đụng chạm đên những vấn đề mang tính “nhạy cảm”, Hồ Xuân Hương xem sự tương giao giữa âm dương, giống đực và giống cái, giữa đàn ông và đàn bà … là chuyện bình thường như chuyện ăn mặc, ngủ thở .. để con người mọi vật sinh sôi nảy nở và tồn tại theo quy luật tự nhiên của đất trời.
Cái nhìn của bà cũng như mọi người trong mối quan hệ âm dương ấy đưa ta đến gần với tín ngưỡng phồn thực là một tín ngưỡng thời nguyên thủy xa xưa.
Thời Hồ Xuân Hương, cách đây vài trăm năm, chắc các lễ nghi mang tính phồn thực hãy còn sống trong môi trường văn hóa ấy, con người thông minh tuyệt vời ấy với trí tuệ sắc sảo của mình, đã không bỏ qua mà tìm trong đó một khía cạnh phục vụ cho ý đồ sáng tác của mình. Một mặt là nhằm làm nổi lên ý nghĩa cơ bản sâu xa của việc cầu chúc có tính ma thuật để cho sản xuất được bội thu là trở về với một quan niệm đã thành tín ngưỡng đơn giản: cái gốc của sự sinh sôi nảy nở, cái gốc của sự sống là ở sự giao hòa của hai vật khác giống. Kinh Dịch của Nho gia sẽ cho biết thêm hai vật khác giống ấy được quy vào hai khí âm dương. Từ đó những lễ nghi phồn thực chẳng còn có gì là tục tằn, càng chẳng có gì là dâm đãng. Ngược lại, nó thiêng liêng, cao quý vì nó cầu cho con người có được đời sống dồi dào hơn, tốt đẹp hơn.
Cũng ở mức độ tự nhiên, cái nhìn với phụ nữ trong mối quan hệ âm dương sẽ đưa tới một quan niệm bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Nếu âm dương phối hợp thì sinh ra sự sống, nghĩa là làm nên sự sống ắt phải có âm có dương, có âm thì có dương, có dương thì có âm, hai bên phối ngẫu với nhau trên bình diện ngang nhau, do đó, âm dương hoàn toàn bình đẳng. Từ đó chuyển lên mức độ xã hội, nhất định cũng phải thế.
Hồ Xuân Hương không những quý trọng thương yêu sự sống mà nhân đó còn đề cao vai trò to lớn và không thể thiếu được của phụ nữ trong chức năng thiêng liêng là sinh ra sự sống. Sinh ra con người là phải có đàn bà, đâu chỉ có đàn ông. Và thân phận phụ nữ cũng được tạo hình từ thịt xương như nhau cả, cần phải có sự bình đẳng chứ người phụ nữ không thuần túy là “đồ chơi” của mấy ông!
Trong nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương, tôi cũng từng họa một số bài như “Đèo Ba Dội” … nay họa thêm bài “Trống Thủng” để tiện đường cho các bạn hiểu thêm về nữ sĩ tiền bối và tài hoa này.
Bài “Trống Thủng” được Hồ Xuân Hương làm theo luật Bằng nhưng tôi họa lại theo luật Trắc và vẫn giữ nguyên vận ….
*Trống Thủng
Của em bưng bít vẫn bùi ngùi,
Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi,
Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc,
Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi,
Khi giang thẳng cánh bù khi cúi
Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi.
Nhắn nhủ ai về thương lấy với,
Thịt da ai cũng thế mà thôi.
Hồ Xuân Hương
*Dùi Cong
Chửa đánh mà nghe đã ngậm ngùi
Xưa nay phận mỏng chỉ là dùi
Tùng tùng mấy phát chừng như mệt
Cắc cắc vài canh đã bở hơi
Lúc mới hăm he mong gặp trống
Khi mòn lác đác cố ăn xôi
Dùi nào đánh mãi mà không thế!
Đánh trống bỏ dùi chỉ thế thôi!
HOÀI NGUYỄN – 03/11/2015