Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Hơn nữa : ÔI LỊCH SỬ! - Nguyễn Khắc Cần.

 



💥 ÔI LỊCH SỬ  ! 💥

     Lịch sử, vốn dĩ được xây dựng dựa trên những khám phá khảo cổ và các bằng chứng được tìm thấy qua hàng thiên niên kỷ, có thể sẽ phải viết lại khi những phát hiện gần đây dần làm sáng tỏ những bí ẩn về các công trình cổ đại.

      Một trong những ví dụ điển hình là những bức tượng khổng lồ trên Đảo Phục Sinh. Trước đây, các nhà khảo cổ chỉ tập trung vào phần "đầu" của những bức tượng đá lớn, mà mọi người nghĩ rằng chúng là những pho tượng đơn lẻ, không có phần thân. Tuy nhiên, các cuộc khai quật mới đây đã tiết lộ rằng những "chiếc đầu" này thực chất chỉ là phần nổi của những tượng đá khổng lồ với toàn bộ cơ thể bị chôn vùi dưới lớp đất. Việc phát hiện ra các pho tượng khổng lồ này đã khiến giới khoa học bối rối về việc làm thế nào những tượng đá nặng hàng tấn này có thể bị chôn vùi sâu đến 20 mét dưới lòng đất mà không bị hư hại.

Câu hỏi đặt ra là: người xưa đã làm như thế nào? Trên một hòn đảo nhỏ cô lập giữa Thái Bình Dương, với dân số hạn chế, làm sao người dân Đảo Phục Sinh có thể xây dựng và di chuyển những pho tượng khổng lồ như vậy mà không có nguồn lực dồi dào như những nền văn minh lớn khác, chẳng hạn như Ai Cập cổ đại. So sánh với các kim tự tháp ở Ai Cập, nơi các công trình kỳ vĩ được xây dựng nhờ sự huy động hàng chục ngàn lao động từ một đế chế rộng lớn, câu hỏi càng trở nên khó giải thích hơn. Điều gì đã xảy ra với những người dân trên hòn đảo này, và bằng cách nào họ có thể xây dựng những công trình kỳ vĩ như vậy?

Không chỉ riêng Đảo Phục Sinh, mà trên thế giới còn nhiều bí ẩn khảo cổ khác có thể khiến lịch sử phải thay đổi cách nhìn nhận. Nan Madol, một thành phố cổ nằm trên một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, cũng gây ra nhiều thắc mắc. Những cấu trúc đá khổng lồ của thành phố này đã được xây dựng với kỹ thuật tiên tiến vượt xa những gì mà một cộng đồng dân cư nhỏ bé có thể thực hiện, nhất là trong điều kiện cô lập hoàn toàn giữa biển khơi. Giống như Đảo Phục Sinh, câu hỏi về nguồn nhân lực và công nghệ để xây dựng một thành phố đá trên một hòn đảo nhỏ cũng khiến giới khoa học bối rối.

Một bí ẩn khác, nằm ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, là khu phức hợp megalith Göbekli Tepe, một công trình cổ xưa được chôn vùi hoàn toàn và chỉ mới được phát hiện trong những thập kỷ gần đây. Được xây dựng từ hơn 11.000 năm trước, Göbekli Tepe không chỉ là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất thế giới mà còn là một trong những bí ẩn lớn nhất. Những nghiên cứu gần đây bằng georadar đã phát hiện ra rằng, dưới lòng đất của khu vực này, có hàng chục công trình megalith tương tự, chưa được khai quật. Các nhà khoa học đang tự hỏi liệu một nền văn minh cổ đại nào đó, hiện vẫn chưa được biết đến, đã từng xây dựng nên những công trình này trước khi biến mất do một thảm họa tự nhiên hoặc một lý do nào khác.

Câu chuyện về các nền văn minh bí ẩn như Đảo Phục Sinh, Nan Madol hay Göbekli Tepe đang thách thức những hiểu biết hiện tại của chúng ta về lịch sử nhân loại. Với những phát hiện mới liên tục xuất hiện, lịch sử không còn là một câu chuyện đã hoàn tất mà là một bức tranh đang dần hoàn thiện, với nhiều mảnh ghép còn chưa được khám phá. Những công trình khổng lồ, những nền văn minh biến mất bí ẩn, và những câu hỏi chưa có lời giải đáp tiếp tục khơi gợi trí tò mò của loài người, thúc đẩy chúng ta nhìn lại quá khứ và suy ngẫm về những điều chúng ta có thể chưa biết về chính mình.

  

  (Nguồn: Nguyễn Khắc Cần)

Thư giãn : TÌNH DỤC TUỔI XẾ CHIỀU - Sưu tầm trên FB.

 



TÌNH DỤC TUỔI XẾ CHIỀU

Ông chồng nghiêng người và hỏi vợ: "Em có nhớ lần đầu tiên anh đưa em tới ... thiên đường hơn năm mươi năm trước không? Chúng ta đã đi ra sau quán rượu của làng, em tựa vào hàng rào phía sau và chúng ta ... yêu nhau."

"Vâng," bà đáp, "em nhớ rất rõ."

"Vậy thì," ông nói, "hay mình đi dạo qua đó một lần nữa và ôn lại ngày xưa nhé?"

"Ô, anh thật là quỷ quyệt, nghe có vẻ điên rồ, nhưng cũng là ý tưởng hay đó!"

Một viên cảnh sát ngồi ở bàn bên cạnh nghe thấy cuộc trò chuyện của họ, vừa cười thầm vừa nghĩ, mình phải xem kiểu yêu nhau của hai ông bà già này dựa vào hàng rào mới được. Anh quyết định theo dõi để đảm bảo không có rắc rối gì xảy ra. 

Cặp đôi bước đi loạng choạng, tựa vào nhau để đỡ, còn dùng thêm gậy để hỗ trợ. Cuối cùng, họ đến phía sau quán rượu và tiến đến hàng rào. Bà cụ ... vén phứa lên, còn ông cụ thì kéo xuống. Khi bà cụ tựa vào hàng rào, ông cụ tiến lại gần ... Rồi bất ngờ họ bùng nổ giống như trong một phim sex mãnh liệt nhất mà viên cảnh sát từng thấy. Họ cứ thế suốt khoảng mười phút, cả hai đều rên rỉ và la hét inh ỏi. Cuối cùng, họ gục xuống, thở hổn hển trên mặt đất.

Viên cảnh sát kinh ngạc. Anh nghĩ mình đã học được điều gì đó về cuộc sống và tuổi già mà trước đây chưa biết. Sau khoảng nửa tiếng nằm thở, cặp đôi này mới gượng dậy và mặc lại quần áo. Viên cảnh sát vẫn đứng quan sát và tự nhủ, thật đáng kinh ngạc, mình phải hỏi họ bí quyết là gì mới được.

Vì vậy, khi cặp đôi đi ngang qua, anh nói: "Xin lỗi, nhưng chuyện vừa rồi thật là kỳ diệu. Hai bác hẳn đã có đời sống tình dục tuyệt vời cùng nhau. Có bí quyết nào không ạ?"

Run rẩy, ông cụ chỉ vừa đủ sức trả lời:

"Hồi năm mươi năm trước, chỗ này chưa phải là hàng rào điện."


Nguồn sưu tầm

Tản mạn : TIẾNG VIỆT BA MIỀN... - Vũ Thế Thành.

 



TIẾNG VIỆT BA MIỀN CHUẨN ƠI LÀ CHUẨN!…


Hồi tôi học Đệ Lục (lớp 7 bây giờ), cô giáo Việt Văn người Bắc (chắc là dân 54) đọc chính tả, “đập cửa rầm rầm” thành “đập cửa dzầm dzầm”.

Với môn luận văn, tả tình tả cảnh thì tôi dốt nát, nhưng môn chính tả thì tôi khó… thua, ngay từ thời tiểu học, tôi luôn luôn dẫn đầu môn chính tả. 

Lần đó, tôi quyết định viết “dầm dầm” y như phát âm của cô giáo. 

Kết quả là tôi bị bắt lỗi. 

Sai hai lỗi giống nhau, nên bà cô ra ơn, trừ một điểm. 

Chỉ chờ có thế, tôi khiếu nại. Cô giáo chẳng nói gì, nhưng vẫn trừ điểm.

Người Bắc thường phát âm nặng , vần “tr” thành “ch” (“trời” thành “chời”) như tác giả Huyền Chiêu “bắt lỗi” trong bài Bắc kỳ di cư. 

Bắt lỗi người ta mà trong lòng lại… thích thú với lỗi đó.

Người Bắc cũng hay đọc vần “r” thành “dz” như “Năm năm rồi không gặp”, nhiều ca sĩ Bắc (cả ca sĩ trong Nam nữa) đều hát thành “ Năm năm “dzồi” không gặp”…

Dân Nam và Trung phát âm còn trớt quớt hơn nữa, nhất là dân Miền Trung, tới miệt Quảng Bình, phát âm nghe không hiểu nổi. 

Có lần ở một bến đò xứ Huế, bà chủ đò chắc bị ai đó giựt mối, nổi cơn la hét chửi rủa một tràng, tôi ngây người, không hiểu được câu nào… (May mà tôi không hiểu).

Đâu đó cách nay 15 năm, tôi ra Đà Nẵng dự hội thảo, nhân tiện ghé Huế thăm bè bạn. 

Cậu tài xế chưa biết Huế là gì nên tôi dẫn vào thăm Đại Nội. 

Tình cờ gặp một cô hướng dẫn viên du lịch, trạc ngoài 30, mặc áo dài tím, đội nón lá đang thuyết minh cho du khách, giọng lúc trầm, lúc bổng, nhẹ như hơi gió… 

Tôi vốn không tin gì lắm vào thuyết minh du lịch ở VN, nên tiếp tục đi. 

Quay lại, tài xế mất tiêu. 

Đi tìm, thấy cậu ta đang đứng ngẩn người nghe thuyết minh. 

Tôi khều, anh ta miễn cưỡng đi theo như người mất vía. 

Hỏi, nghe có hiểu gì không? – Thẩn thờ lắc đầu. Anh tài xế quê gốc gác Mỹ Tho. 

Cho mày chết! 

Nghe giọng con gái Huế thủ thỉ con trai miền Nam như bị chích thuốc tê, bất kể nội dung là gì cũng không cần biết.

Hồi xuống An Giang, theo đoàn làm phim tài liệu nước mắm cá đồng, tôi phỏng vấn một bà làm nước mắm cá linh. 

Bả nói, năm nào mùa nước lên thu được cá linh gặt… 

Tôi ngắt lời, cá linh gặt là loại cá linh thế nào? 

Ngữ Yên, kẻ lê la ăn vặt miền Tây phá lên cười, dù đang ghi âm thu hình. 

Té ra, “gặt” là “rặt”. 

Cá linh “gặt” nghĩa là “rặt” toàn là cá linh, tỉ lệ cá tạp ít.

Với tôi, đó là chỉ là phát âm riêng vùng miền. 

Tôi luôn luôn tôn trọng kiểu phát âm của họ, dù họ có nói, “lạnh lùng” thành “nạnh nùng”, hay “cá rô” thành “cá gô”,… 

Thật ra đôi khi tôi còn cảm thấy khó chịu khi có người nhại giọng vùng khác hàm ý chê bai người ta quê mùa.

Nói cho cùng, chẳng có vùng miền nào phát âm tiếng Việt đáng gọi là “chuẩn”cả. 

Vùng nào ít ra cũng phát âm vài từ không đúng. 

Điều này tạo ra đặc trưng của giọng Hà Nội, giọng Sài Gòn, giọng Nẫu, giọng Huế,…

Từ “chuẩn” chỉ xuất hiện sau năm 75 để chỉ sự độc tôn kiêu hãnh, phát âm phải như thế này… này mới gọi là… “chuẩn”. 

Đành thế, ngay cả phương ngữ cũng phải… chuẩn, “chả lụa” phải nói là “giò lụa”, chả giò phải gọi là nem rán mới… chuẩn. 

Tính đa dạng của ngôn ngữ bị cầm tù.

Rốt cuộc “chuẩn” là cái con… mẹ gì, tôi cũng không biết.

VŨ THẾ THÀNH. 

Thư giãn : BA BỐN CÁI "ĐẢM ĐANG" !!! - Trần Thanh Cảnh.




 BA BỐN CÁI "ĐẢM ĐANG" !!!


    Xưa, tay hàng xóm làng tôi lấy phải cô vợ đần, hơi bực. Thế nhưng ngoài cái đần, mọi cái khác đều ngon nên tắc lưỡi: "đần thì dạy dần cũng khôn, chứ cái khác có đem đất sét về nặn cũng chả nên"!

Được cái cô vợ cũng biết mình đần, không đảm như hầu hết các bà các cô trong làng, nên cũng chú ý nghe lời chồng...

    Một tối, chồng bảo: "mẹ mày mai dậy sớm nấu cám lợn thì bắc chõ đồ cho tôi ít xôi, mai rằm cúng thành hoàng."

    Sáng vợ dậy sớm tinh mơ. Ngồi nghĩ một lúc. Rồi bắc nồi cám lợn lên bếp, trên nồi cám ả đặt luôn chõ xôi, rất tiện, khỏi phải hai bếp! Rồi ả thấy hơi nóng bốc lên nghi ngút, chợt nhớ cái váy sồi giặt tối qua chưa khô. Mà chiều mai phải mặc sang ngoại ăn cỗ...

Ả bèn ra hiên nhà, lấy cái váy sồi phủ lên chõ cho chóng khô!

Lát sau, chồng dậy. Xuống bếp xem xôi oản thế nào còn ra đình làng. Nhìn. Hỏi:

- Cô làm cái trò gì thế này?

- Tôi nấu cám lợn, tiện thể đồ xôi, hong luôn váy ướt! Mình thấy tôi đảm đang chưa...

Ông chồng không nói nổi lời nào, điên tiết, cho ả hai bạt tai...

Ả ngồi khóc rên rỉ: "dưới tôi nấu cám lợn, giữa tôi đồ xôi, trên tôi hấp váy...một mình tôi ba bốn cái đảm đang thế mà ông chả khen, lại còn đánh tôi, huhuhu..."

   Chồng đành câm miệng hến!

TRẦN THANH CẢNH. 

Lưu danh : BÁC VẬT LANG - Kha Tiệm Ly.

 



BÁC VẬT LANG

 

 Vào đầu thế kỉ 20, ở Nam Bộ có một nhân vật rất nổi danh, đến nỗi tên của ông đã đi vào huyền thoại. Người ta đã gọi ông với lòng tôn kính và sự bái phục như với một người đầy đủ đức hạnh và một bậc trí giả tài năng tót chúng: Bác Vật Lang.

 

Ông tên thật là Lưu Văn Lang, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân nhưng có truyền thống hiếu học.

 

Thân sinh của ông là  Lưu Văn Cung; Từ nhỏ ông học chữ Nho, đến năm lên 10, ông mới học chữ Pháp và  Quốc Ngữ.

 

Ông là học sinh xuất sắc nên được đặc cách vào học ở trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn, để rồi năm 17 tuổi, ông đậu Tú Tài với điểm ưu, và được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris, là trường đào tạo kĩ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp kĩ sư hạng xuất sắc (hạng 3/250), trở thành vị kỹ sư bản xứ đầu tiên ở Đông Dương.

 

Khi về nước, ông được người Pháp trọng dụng và cho giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Sở Công Chánh Đông Dương

 

Từ thực tài…

 

Khi cầu Long Thạnh ở Bạc Liêu do một kỹ sư người Pháp xây sắp xong, ông đến lấy gậy gõ vào thành cầu và khẳng định với vị kỹ sư ấy rằng, một tháng nữa cầu sẽ bị sập! Vị kỹ sư ấy vô cùng phẫn nộ. Chưa nguôi cơn giận thì một tháng sau, cầu bị sập như dự đoán của ông! Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là Cầu Sập cho đến ngày nay. Vì lẽ nầy, vị tỉnh trưởng người Pháp lúc bấy giờ vô cùng ngưỡng mộ ông, nên mỗi khi có dịp thường mời ông đến dinh dùng cơm, trò chuyện thân mật. Để đáp lại tấm thạnh tình ấy, ông đã sáng chế ra chiếc đồng hồ Thái Dương để tặng vị tỉnh trưởng nầy.

 

Đồng hồ Thái Dương được đặt tại trước sân dinh (giờ là Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên); xây bằng gạch tàu, cao khoảng 1 mét, rộng 0,8 mét, mặt quay về hướng bắc (có nhiều tư liệu nói quay về hướng đông e không chính xác), gồm ba phần: Phần giữa hình chữ nhật, nhô ra phía trước, hai bên là hai hình vuông; trên mỗi mặt hình vuông nầy có khắc số La Mã theo hình vòng cung để biểu thị giờ; một bên từ 6 đến 12 giờ; một bên từ 12 đến 17 giờ. Ánh mặt trời chiếu xuống phần hình chữ nhật, tạo ra hai vệt sáng tối. Vệt sáng, tối nầy xem như là cây kim chỉ giờ, “chỉ” ngay số nào là giờ đó.

 

Vào thời điểm ấy thì đồng hồ Thái Dương có độ chính xác rất cao (có lẽ mãi mãi vẫn giữ độ chính xác như vậy nếu trái đất không quay chậm hoặc nhanh hơn!), và nó không bao giờ sợ… “hết dây thiều”! Bởi vậy, hồi đó, các thầy ký thầy thông, kể cả người Pháp, mỗi sáng thường tạt vào dinh để “lấy” lại đồng hồ mình cho chuẩn! Đến nay, đồng hồ nầy vẫn còn “chạy” tốt, và là một trong những điểm tham quan du lịch của Bạc Liêu.

 

Có thể vì tài năng cùng đức độ của ông được biểu lộ rõ ràng, mà người dân Nam Bộ thường gọi ông là “Quan Bác Vật” với lòng tôn trọng và quý mến. Từ “Bác Vật” lúc ấy có ý nghĩa là người thông thái về khoa học. Với Bác Vật Lang,  người dân đương thời còn đi xa hơn nữa, đó là người thông thiên đạt địa, biết rõ “thiên cơ”!

 

Trên núi Cấm có một cái hang huyền bí, người Pháp muốn thám hiểm hang nầy. Ban đầu họ cho con khỉ vào lồng rồi buộc dây thả xuống, ít lâu sau. khi thấy sức căng của dây không còn; họ kéo lên thì lồng đựng con khỉ biến mất, mà mối dây như được ai tháo ra! Kế tiếp, họ cho con chó vào, và kết quả cũng y như lần trước! Lúc nầy Bác Vật Lang mới tình nguyện xuống hang. Khi người trên hang giật dây thì không được tín hiệu (của ông) bên dưới trả lời. Họ chờ một đêm, thì bất ngờ từ dưới hang, nhà Bác Vật lù lù bò lên, nhiều người xúm nhau hỏi, nhưng ông ú ớ mà không nói được! Mọi người liền đưa ông về Sài Gòn cứu chữa. Khi sức khỏe bình phục, ông cũng chẳng nói được  lời nào! Về sau có người đại diện của Bửu Sơn Kỳ Hương tới thăm và hỏi, ông đơ đớ trả lời: “Dưới… có mâm cơm… dọn… sẵn. Trên là … một cái … lồng bàn,.. giở ra là… ăn. Các ông … ráng … tu!”

 

Nói chỉ bấy nhiêu rồi ông cúi đầu chào mọi người, đoạn vào thiền! Đó là câu nói cuối cùng của ông cho đến khi ông nhắm mắt!

 

Từ đó người ta gọi hang nầy là Hang Bác Vật Lang. (ngày nay vị trí nó vẫn còn nhiều tranh cãi) Và cũng từ câu chuyện nầy mà trong dân gian có câu: “Đàn kêu tích tịch tình tang/ Đố ai biết được trong hang có gì?/ Đàn kêu tích tịch tì tì/ Đố ai biết được có gì trong hang?”.

 

Đến huyền thoại.

 

Có thể nói Bác Vật Lang đã trở thành huyền thoại với người dân Nam Bộ thời bấy giờ. Họ tôn sùng ông, ca ngợi ông, tôn vinh ông là kẻ phi phàm, cho ông là người thấu đạt “thiên cơ”.

 

Chuyện ông gõ vào cầu Long Thạnh và tiên đoán một tháng sau sẽ sập, là chuyện có thật. Nhưng để cho sự việc thêm màu thần thánh, họ còn nói ông còn cho chính xác cả ngày, giờ cầu bị bị rơi xuống nước!

 

Khi Sông Ba Lai càng ngày càng bị nông và hẹp từ dòng chảy sông Tiền đến địa phận xã An Hóa và dần dần tại cửa biển cũng bị nghẽn bởi phù sa, thì họ cũng nói đó là lời ông đã tiên đoán vào năm nào đó, “người ta sẽ trồng bắp trên dòng Ba Lai”!

 

Họ còn “chế” thêm rằng, có một lần về công tác một nơi bị hạn hán, người dân than không còn nước ngọt dự trữ để uống (có lẽ ở vùng biển), ông bèn ra sau nhà, vừa đi vừa gõ ba-ton xuống đất. Đến chỗ sau cùng, ông bảo chủ nhà đào lên; chủ nhà mới đào có … mấy cuốc (!), thì từ lòng đất phụt lên một vòi nước ngọt lịm, “cả làng dùng không hết”!

 

Họ lại bảo, ông nói với người Pháp, dưới cù lao Rồng (Mỹ tho) có một con rồng đang tu luyện, khi “thành đạo”, nó sẽ “dậy” lên thì không những cồn Rồng, mà cà trấn Định Tường cũng thành biển nước. Người Pháp vốn phục tài ông nhưng điều nầy họ không tin, nên dùng dàn khoan, khoan sâu xuống. Đến khi đất cồn rung chuyển, cây cối chao nghiêng (có lẽ chạm tời mình rồng!), họ cả sợ, bèn thu dàn khoan, và vội đem những người bệnh cùi qua đó để yếm, cho rồng sợ sự ô uế mà mà không dám “dậy”! Nhờ thế mà cù lao Rồng… còn tồn tại đến ngày nay (!)

 

Cũng vì thần thánh hóa ngài bác vật đáng kính ấy, nên người ta không lạ gì vào thời điểm đó, trong những câu chuyện liên quan đến tài năng, người dân nam bộ thường sử dụng cụm từ “làm như nó là Bác Vật Lang vậy”!

 

Bác Vật Lang mất tại Sài gòn (có chỗ nói tại Sa Đéc) vào ngày 3 tháng 6 năm 1969, thọ 89 tuổi. Ở quận 1, TP HCM có con đường mang tên ông. Tại Sa Đéc cũng có trường học và con đường mang tên Lưu Văn Lang.


KHA TIỆM LY


Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Thư giãn : CHUYỆN BUỒN CƯỜI... - Mai Quang Hiền.

 



CHUYỆN BUỒN CƯỜI…


Để thử lòng trung của các xứ quân, vua Hán triệu Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền vào cung thiết yến tiệc. Các cung nữ được bí mật bôi nhọ nồi vào ngực, rồi ra múa hát chiêu đãi.

Sau những màn múa mê hoặc, 3 nàng đẹp nhất được bố trí ngồi cạnh hầu rượu 3 vị. Bỗng đèn đuốc tắt hết. Một hồi lâu đèn nến mới sáng lên, thì thấy bàn tay Tôn Quyền đen thui, và mũi Lưu Bị thì nhọ. Vua Hán nghĩ bụng: “Tôn Quyền khua khuắng cả cung nữ của ta, thế nào hắn cũng lấy đất Ngô, Lưu Bị ngửi cả cung nữ của ta, ắt là hắn thèm đất Thục, chỉ có Tào Tháo là trung thành”. Vua Hán bèn ban khen Tào trung nghĩa. Tào Tháo khoái chí, cười ha hả, lộ ra cả 2 hàm răng và lưỡi đều đen thui!

Vua Hán tức giận, lập tức ban chiếu chỉ: Cấm bôi nhọ lãnh đạo.


MAI QUANG HIỀN

#8saigon

Quê hương : QUOẢNG NÔM NGỤA CHIỆN - Tiểu Vũ.

 




QUOẢNG NÔM NGỤA CHIỆN


Xa quê gần 20 năm rồi trở thành "nhà Quoảng Nôm hoạc" (nhà Quảng Nam học) lúc mô không biết luôn. Với tôi văn hoá của quê hương luôn là một bí ẩn không dễ gì khai thác hết, nó thôi thúc mỗi người con của xứ sở phải "làm cái chi đó" cho quê mình. 


Nhưng muốn làm"cái chi đó cho quê hương" thì không phải suốt ngày cắm mặt vô máy tính, đọc thông tin trên Google hay vùi đầu vào những nhưng tập tài liệu mấy chục ngàn trang để mà "ngâm cứu". 


Muốn hiểu muốn biết không còn cách nào khác là phải đi đến, chạm vào từng phiếm đá viên gạch vụn ở tháp Mỹ Sơn, thò chân xuống sông Thu Bồn, leo lên Hòn Kẽm Đá Dừng tắm nước biển Cửa Đợi, quỳ trước dinh bà Thu Bồn, đến thắp hương lăng mộ bà Đoàn Quý Phi, hoặc nhẹ nhàng hơn là bưng tô mỳ Quảng vừa ăn vừa ngắm Chùa Cầu sông Hoài phố Hội. Đi, đến thấy và chạm vào để mà cảm nhận và nghe quá khứ vọng về. 


Tôi sinh ra ở làng Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam. Nhà tôi rất gần với làng Giao Thủy - nơi một thời nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa. Từ Ái Nghĩa ra Quảng Huế, đến cầu Giao Thủy rồi Duy Hòa đi theo theo đường lộ chạy về Duy Trinh (Duy Xuyên) là đến lăng Bà chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi. Đây là nơi đầu tiên tơ lụa Quảng Nam xuất khẩu ra các nước châu Âu có mặt trên thị trường thời trang nổi tiếng thế giới như Lyon, Paris ở Pháp. 


Có lần về quê tui tôi cố đi tìm dấu của một vùng tơ lụa nức tiếng một thời như nhà máy ươm tơ Giao Thủy (Đại Lộc), làng dệt Mã Châu (Nam Phước, Duy Xuyên), làng tơ Đông Yên nhưng tất cả đã đi vào quá khứ. 


Dẫu hiểu lẽ đời là sự đổi thay “thương hải tang điền” nhưng sao lòng vẫn nuối tiếc. Vẳng đâu đây tiếng thoi dệt lụa bên dòng Thu Bồn, tiếng hát trong veo của cô thôn nữ ngày nào...


Chuyện kể rằng và đêm trăng đẹp năm 1615, Chúa Sãi tuần du Quảng Nam, đã cùng công tử thứ hai lúc đó khoảng 15 tuổi là Nguyễn Phước Lan dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền ngược dòng sông đến địa phận làng Chiêm Sơn, huyện Diên Phước, giữa đêm thanh vắng bỗng nghe có tiếng hát của một cô gái từ biền dâu vọng lại theo làn gió.


Giọng hát và lời ca của cô thôn nữ  đã làm rung động tâm hồn của chàng công tử Phước Lan. Được phép của phụ vương, công tử cho thuyền rồng men theo triền sông đi tìm người hát. Họ gặp nhau và cô thôn nữ của Hào trưởng Đoàn Công Nhạn được chọn tiến cung.


Công tử Nguyễn Phước Lan (1601-1648) và cô thôn nữ họ Đoàn (1601-1661) đã bén duyên nhau. Năm 1617 đôi trai tài gái sắc kết hôn và về sống tại dinh trấn Thanh Chiêm. Từ năm 1613, Nguyễn Phước Lan được cha trao quyền Trấn thủ Quảng Nam, đến năm 1635 thì kế nghiệp cha trở thành Thượng vương.


Vốn xuất thân từ cô gái hái dâu, nên bà Đoàn Quý Phi rất chú trọng đến nghề trồng dâu nuôi tằm. Bà đã bỏ tiền của và công sức chiêu dân lập ấp, giúp dân khai khẩn vùng đất ven sông Thu Bồn trở thành một vùng quê trù phú với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Nhờ bà nghề tàm tang phát triển mạnh ở Duy Xuyên, sau đó lan đến các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa… Nghề nuôi tăm dệt lụa đã đóng góp vào sự hưng thịnh của đô thị - thương cảng Hội An trở thành trung tâm trung chuyển mậu dịch quốc tế trên con đường tơ lụa trên biển ở thế kỷ 17-19 nối liền Á - Âu. Sau này dân xứ Đàng Trong nhớ ơn nên tôn bà là Bà Chúa Tằm Tang.


Sau khi Chúa Sãi băng hà năm 1635, Thế tử Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng. Chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định dời phủ chúa từ làng Phước Yên (Quảng Điền) về làng Kim Long (Phú Xuân). Đoàn Thị Ngọc được phong Đoàn Quý Phi và cha bà, ông Đoàn Công Nhạn được phong là Thạch Quận công.

Về cuối đời, không rõ năm nào, Đoàn Quý Phi rời Phủ Chúa ở Kim Long, Phú Xuân quay trở về sống ở Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam cùng với con cháu trên quê hương mình.


Bà Đoàn Quý Phi mất ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu, (12/7/1661) hưởng thọ 60 tuổi. Thể theo nguyện vọng lúc sinh thời, Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần đã đưa mẹ về chôn cất tại quê cha đất tổ Duy Xuyên. 


Di sản vĩ đại của bà Đoàn Quý Phi để lại cho quê nhà không phải là đền đài lăng tẩm nguy nga tráng lệ mà chính là nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng ở xứ Đàng Trong. Bà là nhân tố quyết định mang đến sự hưng thịnh của nghề ươm tơ diệt lụa xứ Quảng kéo dài ít nhất 3 thế kỷ. Đến thời Pháp thuộc nơi đây vẫn là cái nôi tơ tằm của Đông Dương.


Người Pháp đã từng đầu tư Nhà máy ươm tơ dệt lụa lớn nhất Đông Dương tại Giao Thủy, Đại Lộc. Sau giải phóng (1975) tơ lụa Quảng Nam vẫn nổi tiếng, những người Quảng vào Sài Gòn lập nghiệp tập trung lại thành một khu và làm nên làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, nay thuộc quận Tân Bình, Sài Gòn. Khu Bảy Hiền ngày nay vẫn còn duy trì nghề dệt vải góp phần tạo nên những nét văn hóa mạng đậm bản sắc Quảng Nam tại thành phố sôi động nhất nước. 


Nhưng ngược lại, tại quê nhà Quảng Nam, nghề trông dâu nuôi tằm – ươm tơ dệt lụa chỉ tồn tại đến những năm 1980 thì lụi dần và lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều làng nghề, vùng đất ven sông Vu Gia - Thu Bồn từng là xứ trồng dâu nuôi tằm rộng lớn dần phá sản. 


Những làng nghề dệt nổi tiếng như Mã Châu khung cửi cũng đã thôi quay. Nhiều gia đình bỏ nghề, bỏ xứ đi, hoặc chuyển đổi nghề để sinh nhai và những biền dâu xanh trải rộng kéo dài ven sông Vu Gia, Thu Bồn dần biến mất...


Mỗi lần về thăm quê tôi ra bến sông Giao Thủy mong tìm lại chút dư hương của một thời, chợt câu ca xưa trong gió vọng về: 


Nương dâu xanh thắm quê mình

Nắng lên Gò Nổi, đượm tình thiết tha

Con tằm dệt kén cho ta

Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời...


Câu hát thì còn đó...nhưng biền dâu năm xưa tìm đâu cho thấy?

----

TIỂU VŨ (FB) 

Thơ : SEN TRONG BÙN - Bùi Chí Vinh.

 


(Sau cơn bão Yagi 9-2024 .Ảnh cô giáo dạy trường Minh Chuẩn huyện Lục Yên tình Yên Bái vừa dọn bùn sình trường lớp xong)

SEN TRONG BÙN 


Hy vọng đây là hình ảnh thật 

Đừng làm anh bị hớ nghe em 

Trên mạng tràn lan hình ảnh giả 

Thấy cái gì lương thiện là thèm 


Người ta nói em là cô giáo 

Dạy trường Minh Chuẩn huyện Lục Yên 

Tranh thủ lúc tiết trời khô ráo 

Em nhai mì gói sống đỡ ghiền 


Cô giáo mà đẹp hơn người đẹp 

Nhuộm sình lầy lũ bão Yagi 

Nên thiên hạ nghi ngờ giả tạo 

Ảnh chế từ kỹ xảo AI 


Thiên hạ bị cú lừa liên tiếp 

Hết trẻ thơ diễn xuất dưới bùn 

Đến người lớn đóng phim chạy lụt 

Mà nước thì mới mắt cá chân 


Lãnh đạo thì thay phiên chống gậy 

Mặc áo phao, nón cối làm màu 

Sao kê cứu trợ thì càng nổ 

Càng khoe tiền tỷ để hù nhau 


Anh mong em là cô giáo thật 

Để hoa khôi, ca sĩ thẹn thùng 

Anh mong em chính là nhan sắc 

Sen trong bùn vẫn nở ung dung ! 

15-9-2024 

BÙI CHÍ VINH 


Ảnh cô giáo dạy trường Minh Chuẩn huyện Lục Yên tình Yên Bái vừa dọn bùn sình trường lớp xong

Đời sống : NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI - St trên FB.

 

( Hình ảnh sưu tầm trên mạng )

NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI. 

 Bác ơi, cháu thấy bác ngồi ở đây suốt buổi trưa ngoài nắng nóng. Trời muốn mưa rồi, sao bác không về. Mắc mưa bệnh ra thì khổ.

- Bác không dám về lúc này cháu ạ.

- Sao thế bác?

- Vì con gái cùng cháu ngoại bác đang ăn cơm ở nhà bác.

- Ô hay, sao bác không về gặp con, gặp cháu ạ?

- Vì trước đây bác đuổi nó đi, cấm nó về nhà.

- Lý do vì sao lại thế ạ?

- Vì bác khuyên bảo nó, nhưng nó không chịu nghe lời bác.

- Là sao ạ?

- Trước nó yêu một đứa con nhà giàu, chỉ ăn rồi chơi bời lêu lổng. Bác biết nếu con mình lấy nó, thì tương lai chả tốt lành gì. Khuyên bảo không được, lý lẽ không được, con bác vẫn quyết lấy thằng đấy. Bác bực quá, tuyên bố từ con, cấm nó bén mảng về nhà bác.

- Vậy giờ chị ấy sao rồi ạ?

- Ly hôn rồi.

- Chắc bác thương chị ấy lắm.

- Bác chỉ có mình nó thôi. Không thương nó thì thương ai hả cháu.

- Dạ... Như vậy là bác đã tha thứ cho chị ấy rồi.

- Bác có ghét bỏ nó nổi đâu mà tha thứ. Nhưng nó thì vẫn sợ bác.

- Cháu hiểu rồi. Vì vậy bác mới lánh mặt đi để mẹ con chị ấy ăn bữa cơm phải không ạ?

- Đúng rồi cháu. Giờ nó khổ lắm, nhưng cắn răng chịu đựng một mình.

- Nhưng bác ơi, trời mưa rồi đây này. Bác mau về ngay đi.

- Bác muốn chờ cho con bác ăn cơm xong đã, bác mới dám về.

- Cháu xin bác, bác cứ về đi, nói ra hết nỗi lòng của bác cho chị ấy nghe. Sẽ không sao đâu ạ.

   Nghe lời cô gái, ông vác cuốc đi về nhà. Trời mưa, bộ quần áo ông đang mặc ướt sũng. Cái thân thể gầy guộc của ông run lên từng chập, vì ớn lạnh.

  Ông vào đến sân, thì con gái bế cháu sấp ngửa chạy ra. Cặp mắt con lắm lét nhìn ông, đầy lo lắng.

   Ông vội giữ con gái lại, đẩy vào nhà.

- Trời đang mưa, con bế con của con đi đâu.

- Con..

- Đây là nhà của gia đình mình, con muốn về lúc nào cũng được. Bố giờ sức khỏe cũng yếu rồi, đừng bắt bố phải tránh mặt đi ngồi ngoài mưa nắng chờ con ăn. Con đừng lén lút nữa, khổ cho con, khổ tâm cả cho bố.

  Con gái nghe bố nói vậy, òa khóc, nhào tới ôm bố. Người bố gầy quá, chỉ da và xương.

  Bát cơm con đang ăn dở để trên bàn, nước canh con chan vào để ăn cho nhanh, còn chưa kịp vơi một nửa.

  Con nấc lên, thầm thì: "Con xin lỗi bố, bố ơi"...

Nguồn sưu tầm