Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Truyện XUÂN VỀ QUÊ CŨ - Huỳnh Văn Huê

XUÂN VỀ QUÊ CŨ.                                                                                                                                             Cái xóm nhỏ ngày xưa giờ cũng thay đổi nhiều lắm. Nhà cửa sửa sang xây dựng lại nhiều, lạ nhất là có hai cái quán ven sông được mở cạnh nhau, sau cùng có một quán không biết tại sao đã đóng cửa? Khách khứa tới lui dồn vào quán còn lại nên quán này càng đông vui hơn … .

   Cô chủ của cái quán thành công nhất -cũng là một đứa bé trong xóm ngày xưa -, nay làm ăn được đã điều đình mua thêm mấy mét đất mặt tiền để mở rộng đường cho xe hơi của khách và cũng của chính mình vào đến tận quán… .Cánh đồng ruông bỏ hoang ven xóm giờ được san lắp và xây dựng lên trên đó là trụ sở UBND xã khá bề thế, khang trang… .    
   
   Đã lâu lắm, mấy mươi năm rồi bà Ba mới trở về quê hương ăn Tết, một cái Tết Việt thật đúng nghĩa, cần phải nói như vậy vì bấy lâu nay bà chỉ ăn Tết… “Tây”, còn cái Tết thật sự của người mình thì làm sao hoàn toàn đúng nghĩa khi đựơc tổ chức ở nước ngoài!?

   Người mẹ và mấy anh chị em của bà đã được bảo lãnh đi ra nước ngoài hết, chỉ còn đứa em trai út cùng mẹ khác cha với bà tình nguyện ở lại, lập gia đình và giữ gìn ngôi nhà nhỏ gọi là kỷ niệm, ngoài ra cũng còn để chăm sóc mồ mả ông bà… . Người lớn ở xóm chỉ còn có… hai người, đã rất già rồi... .

   Khi xưa lúc còn ở đây, họ hãy còn trẻ hơn bà bây giờ, vậy mà…  lần này khi về quê, lúc gặp nhau họ chỉ thăm hỏi bà một cách bình thường, xã giao đơn giản thôi, cứ như bà đi làm ăn ở một tỉnh xa mới về vậy. Chắc cũng không khó hiểu lắm, vì thời điểm này kiều bào ở nước ngoài về nhiều và lượng kiều hối gởi về công khai so với năm trước cũng tăng vọt mấy mươi phần trăm.

   Riêng mấy đứa nhỏ, lúc bà cho quà, sau khi lí nhí cám ơn xong, chúng lại đưa mắt nhìn bà “Việt kiều” đầy vẻ lạ lẫm và… “hiếu kỳ”(?!). Cũng đúng thôi, có thể lúc bà ra đi ba má bọn trẻ này cũng chưa đựơc … sinh ra. Bà giờ đẫy đà nếu không nói là… mập mạp, có điều bà trắng trẻo, trẻ hơn tuổi và đẹp lão nữa. Trước khi đi về quê, mấy đứa con nói bà nên nhuộm tóc, nhưng bà nghĩ, giờ mình có còn trẻ với ai nữa đâu!?
   
   Bà Ba lững thững bước lần ra bến sông trước nhà, cây cầu sắt già nua thời Pháp thuộc có ba nhịp hình cánh cung giống nhau, sau năm 75 được sửa lại nhịp giữa thành hình… thang, trông nó kỳ kỳ làm sao! Trời vào cuối năm, cái Tết cổ truyền của người Việt cũng đã cận kề rồi và lúc này xem như đã dứt mưa từ lâu.

   Dòng sông đã có màu xanh ngọc bích, nhưng chiều hôm nay nước lớn, nhìn kỹ phía bờ đối diện lại thấy có màu khác, một màu vàng pha nâu nhạt nhờ nhờ… . Dịp cận Tết này nghe đâu người dân làng nuôi cá bè thuộc bờ sông bên kia khiếu nại ( và theo tin các tờ báo trong nước, những lần thiệt hại trước đây họ đã từng được… “hỗ trợ” ) người dân cho rằng cái nhà máy giấy bên đó xả  nước thãi làm cá nuôi của họ chết đến cả trăm tấn !

   Nhưng đâu có ai lạ gì, có lần tình cờ lên mạng, trên bản đồ qua vệ tinh của google, - tuy bà đương nhiên không phải là chuyên gia môi trường có bằng… tiến sĩ - dù là người thường bà vẫn thấy ( khi con nước lớn, lúc thứ nước thãi làm giấy được “âm thầm” xả ra!) dòng nước sông có hai màu rõ rệt !!... .

   Ngày trước ở cái xóm nhỏ này, mẹ bà Ba là người Hoa lai Việt, từ nhỏ đến lớn bà chỉ biết có mỗi bà ngoại chung sống với mẹ-con bà. Riêng ông ngoại thì bà không bao giờ… biết mặt! Đến đời bà, bà cũng chẳng thấy mặt ba mình(!), chỉ biết ông ấy là người… Ấn Độ, làm gác-dan (gardien – bảo vệ) ở đâu dưới Sài Gòn.

   Vậy là chị em bà, hai cô bé mang các dòng máu Việt-Hoa-Ấn từ nhỏ đã về đây sinh sống với ngoài hai cái tên Việt bình thường để đi học, còn có hai cái tên … ngoại quốc: chị là Kham Ly, em là Ma Ny. Cuộc đời của bà từ lúc nhỏ, trong ngôi nhà nhỏ, nơi xóm nhỏ này còn có những tình tiết buồn thương khác nữa, nếu có nhà văn nào biết được có thể viết thành một … quyển tiểu thuyết!

   Một cơn gió sông thoảng qua mát rười rượi, nhưng sao lại thoáng chút mùi hăng hăng, nồng nồng của… hóa chất?! Chán ngấy cái dòng nước hai màu kỳ lạ khác thường này, bà Ba - là cô bé Ma Ny lúc nhỏ - đi ngược trở lại, men theo con đường nhỏ song song và cách bờ sông độ mấy chục mét.

   Con đường này thuở nhỏ bà đã qua lại, vui chơi và có rất nhiều kỷ niệm. Người bạn trai thời thơ ấu, lớn hơn bà một tuổi, giờ cũng như bà, đã con cháu đủ đầy rồi, nghe đâu “người ấy” không còn ở xóm này nữa, đã có nhà cửa bên kia sông, nếu tính theo đường… chim bay thì cách đây cũng không bao xa… .

   Chợt bà nhận ra có gì đó đã đổi thay, phải rồi, chiếc cầu nhỏ xíu bề ngang chỉ độ hai mét bắc qua con rạch cũng nhỏ xíu, xưa kia là ranh giới giữa hai xóm trên và xóm dưới. Chiếc cầu bằng loại cây gì không biết mà rất bền bỉ qua mưa, nắng… ,chiếc cầu có từ thuở ấu thơ cho đến lúc bà đi ra nước ngoài vẫn còn mà! Nhưng bây giờ có ai đã thay vào đó là chiếc cầu bê tông nhỏ, chắc chắc hơn nhưng nhìn có vẻ lạnh lùng, vô cảm.

   Chợt bà Ba bồi hồi đứng lại, rồi tần ngần ngồi xuống dưới một gốc dừa, những hình ảnh xa xưa như hiển hiện ra trước mắt… .
     
*          *          *
   
   Hôm nay ngày đầu tiên được nghỉ học nhân dịp… Tết, người lớn bận rộn gì thì bận, bọn trẻ trong xóm vẫn vô tư rủ nhau tổ chức trò chơi. Trò chơi “năm, mười” mãi cũng chán , rồi chuyển qua chơi nhảy “lò cò” chẳng được bao lâu thì cũng hết… vui!

   Thằng Đàm (Ngày đó mấy đứa nhỏ hay có cái tên tục thường là rất… xấu để gọi bình thường ở nhà, còn cái tên khác là tên khai sanh hay “tên ở trường” thì nghe được, hoặc… đẹp  hơn! ) , cái thằng học giỏi nhất trong đám trẻ và cũng có nhiều sáng kiến nhất bèn bày ra trò chơi… tuồng hát. Không biết nó đọc đâu trong sách Sử ký, rồi đem giai thoại Trần khắc Chung theo lệnh vua, cùng đoàn tùy tùng đưa người yêu (?) là… Huyền Trân công chúa sang gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy châu Ô, châu Rí !

   Chuyện lịch sử truyền lại còn chưa biết thế nào, huống hồ chi đây chỉ là trò chơi của đám trẻ con còn ở bậc… Tiểu học, chữ nghĩa và hiểu biết có là bao nhiêu !
   
   Thằng Lại được phân vai làm Chế Mân, con Ma Ny là đứa con gái duy nhất đương nhiên vào vai Huyền Trân. Riêng vào vai “kép chính” phải là thằng Đàm rồi, vì nó vừa “biên kịch” lại vừa là… “đạo diễn”. Cái thằng cao lêu khêu, ốm nhom, hết thấy đi câu cá ở bờ sông lại thấy leo lên cây ổi, rồi lại thấy nhảy xuống… tắm sông , lúc không đi học nó ra nắng suốt ngày nên… đen thui, xấu hoắc ! Vậy mà nó “sáng dạ” và học giỏi nhất trường, nhất lớp mới lạ!
   
   Sau khi phân vai và tập dợt sơ qua, ngoài dàn “diễn viên” gồm có… ba người, còn có duy nhất thêm thằng Tửng em của Ma Ny làm… khán giả. Cả nhóm xúm lại làm chiếc kiệu hoa, từ những cây tre được cặp thêm tàu lá dừa chặt lá cho ngắn lại, quấn vào thêm mấy sợi dây dương xỉ dài, thứ này tìm được rất nhiều chung quanh đây .

   Sau cùng bọn trẻ chọn một khoảng đất trống rộng chừng bằng bốn chiếc chiếu nằm được dùng làm sân khấu. Chiếc kiệu hoa hoàn thành sau khi được cài thêm lên khá nhiều hoa dâm bụt đỏ, vàng… . Vở diễn được bắt đầu, các phân cảnh đầu đều suôn sẻ lại còn đầy… tiếng  cười của diễn viên lẫn khán giả. Tiếp theo là đến đoạn quan trọng, kịch tính  và gay cấn nhất … .
   
   Thằng Lại ngồi sẵn trên chiếc kiệu hoa bên kia cầu chờ đón… công chúa. Ở đầu cầu bên này, Huyền Trân công chúa đang bịn rịn chia tay Trần khắc Chung… . Thằng Đàm sáng ý, đã dàn dựng bắt chước như cảnh trong mấy tuồng hát… cải lương, từ những gánh hát dạo, lâu lâu về hát ở chợ làng!

   Đến lúc công chúa bước qua chiếc cầu gỗ sang đất… Chiêm Thành, Trần khắc Chung sẽ thảnh thốt gọi tên người yêu. Rồi con Ma Ny bước qua chiếc cầu với gương mặt vô cùng buồn bã, đôi mắt dường như có ngấn lệ. ( Không lẽ con bé nhập vai quá… đạt vậy sao !?). Thằng Đàm cất tiếng gọi đầy cảm thương và không kém phần... thống thiết (!) :

   … M…a...N…y !!

   “Công chúa” chạy ngược trở lại bên này cầu, quay lưng về phía “Trần khắc Chung” và đứng… khóc ! Thế là vở diễn đã… thất bại ! Theo lịch sử và theo kịch bản của thằng Đàm thì công chúa Huyền Trân phải về làm vợ vua Chiêm mà?!

   Thời gian và không gian như dừng lại… .Người ta hình như có thể nghe rõ từ phía sông tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền của chiếc thuyền câu nào đó đang rẽ nước… . Thằng Lại và thằng Tửng rút êm đi đâu đó từ lúc nào. Lát sau, còn có hai đứa ở lại, thằng Đàm bước lại gần con Ma Ny và ấp úng hỏi:

… Ma Ny, sao… khóc? – Không cần ngước nhìn, Ma Ny nói với giọng như hãy còn thổn thức (?) :

… Tại…, ai biểu kêu tên ... làm chi !?
   
  Thôi đúng rồi, thay gì phải gọi Huyền Trân, kép chính kiêm biên kịch và đạo diễn là thằng Đàm không biết sao lại gọi... Ma Ny !?
   
Chuyện cũ qua lâu rồi, chuyện của thời thơ dại, rồi thời gian sẽ xóa mờ tất cả thôi... .
 
*          *          *
   
   Bà Ba đứng dậy, mắt nhìn cây cầu bê tông nhưng dường như với bà nó lại là cây cầu gỗ thân thương, đầy ắp kỷ niệm ngày xưa... . Trời đã muốn sẩm tối từ lúc nào, quả thật tháng mười chưa cười đã tối, huống chi nay là tháng chạp rồi ! Một con cò trắng cô đơn, lẻ loi, chao liệng một vòng rồi lặng lẻ đáp xuống rặng tre già bên kia sông. Con cò đơn độc đậu trên cành tre là đà, ngả nghiêng dao động nhè nhẹ, nó tư lự nhìn xuống dòng sông như là nhớ đến “ai” vậy !...   Chợt bà thầm nghĩ, không lẽ nó cũng về thăm quê giống như ... mình ? Còn... , còn "người ta" nghe đâu cũng lận đận chuyện duyên tình lắm, có người nói con cái của người ấy có đến hai ... bà mẹ !

   Rồi chợt bà tự cười thầm mình (không biết có phải để vơi bớt nỗi buồn vô cớ chiều nay không?), rằng không ngờ đã cách xa nửa vòng trái đất rồi mà bà còn biết và nghĩ tới chuyện “ai” đâu không !
   
   Trên đường trở về, gặp cô chủ quán đon đả mời bà nhớ ghé quán ủng hộ. Nhìn thoáng vào quán đang ì xèo khách khứa bà Ba trả lời:
Thế nào dì cũng ủng hộ quán của cháu chớ sao ! Nhưng phải nhờ thằng em mua đem về nhà... .
   
   Lúc bà Ba đi ngang qua quán trở về nhà, ánh sáng từ trong quán hắt ra, thấy hình như mắt bà ngân ngấn... ướt !... . Có lẽ bà nhớ... quê hương!... . Một phần cũng vì bà  sắp trở ra nước ngoài rồi, nhưng cái tiếng quê hương thật thiết tha, bình dị, nhưng nghĩa... rộng lắm, và nơi góc  riêng trong tâm hồn của mỗi người lại còn ẫn chứa biết bao nhiêu điều nữa !... ./.
 
                                                                                                                                     H.V.H         ( Truyện được viết lại từ tình tiết của một truyện cùng tác giả, đã được đăng trên một đặc san của Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp Sài Gòn vào đầu những năm 70 )

       

5 nhận xét:

  1. Anh Huê ơi,
    Chuyện viết vui lắm. Kỹ niệm thời xa xưa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Quan đã đến với MCHX blog. Vậy là đã viết comment được rồi đó. Mong bạn sẽ tiếp tục đến với blog nghe... .

      Xóa
  2. Chuyện thiệt là hay. Bạn cứ thỉnh thoảng post lại các bài viết trước đây cho mình đọc đở ghiên

    Trả lờiXóa
  3. Có một nhận xét chân tình và thú vị...:

    Những dòng tư sự nhẹ nhàng "Xuân về quê cũ " lắng đọng ít nhiều kỷ niệm một thời tuổi thơ trong sáng trải qua không sao tìm lại... Có một chi tiết khá thú vị,tin rằng khi nhắc lại sẽ khiến tác giả cảm thấy nao nao... Đó là " cái tát" như trời giáng lên mặt nhân vật HT khiến nàng công chúa ngày xưa mắt đẫm lệ nhòa... chỉ vì chuyện kể có câu " Anh xin lỗi em..." Gọi là thêm chút gia vị cho câu chuyện thêm đậm đà , mong được thông cảm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn mấy dòng bình luận. Mong đó là phần "thưởng lãm thêm" dành cho quý đọc giả của blog...

      Xóa