Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ ( phần đầu ) - Lê Xuân Sang.

( Lê Xuân Sang - 1968.)
MEIN KAMPF! Cuộc đời chiến đấu của tui

Để mở đầu bài viết nầy, theo như nhà văn Vũ Trọng Phụng, tui sinh ra đời dưới một ngôi sao... hơi xấu, vào một gia đình mà ba làm nghề “tháo giày” còn mẹ làm nghề nội trợ. Má tui bản chất nông dân, thật thà như đếm, ngoài tài nội trợ, bả… “chỉ biết yêu thôi chả biết gì”.
Thuở nhỏ, mấy anh em tụi tui sống trong căn nhà nhỏ vừa đủ gần chục người nương náu trú nắng mưa, ở ngoại ô xã Bình Trước, thuộc tỉnh Biên Hòa, cách chợ Biên Hòa khoảng 3km.
Mà nghĩ cũng lạ, lương giáo viên còm cõi thế nhưng năng suất ba tui thuộc dạng… quán quân. Nhớ lại thời đó chẳng có luật “kế hoạch hóa gia đình” gì ráo, số lượng con cái của gia đình đều do lòng… hảo tâm của “bố già”, vì vậy má tui sòn sòn năm một, sản xuất ra cả chục đứa như bầy gà vậy đó. Cũng may, anh em tui nhờ hồng phúc ông bà, ăn mau, chóng “nhớn”, và mặc dù lúc đó chưa có máy tính nhưng “lập trình” của ổng bả thiệt siêu, vì thế về 12 con giáp, anh em nhà tui có 2 con gà, 2 con mèo, 2 con dê, 2 con rắn. Nếu nói về làm ăn kinh tế theo như bây giờ thì ba má tui “vượt chỉ tiêu, vượt kế hoạch”, nhưng mà là vượt về… gia tăng dân số! Hichic.
Vì con đông, có lúc vui miệng, ba tui phát biểu: “Ta là dòng dõi chuột, còn nàng là dòng dõi rồng, vậy các con ta thuộc dòng dõi rồng chuột”. Haha.
Tuy nhiên, vì đây là đất thuê nên ở căn nhà nầy tới năm 1958 thì người ta đòi lại, anh em tụi tui được ba má “bốc” tới nơi ở mới, đó là khu “đường đắp mới”. (Bây giờ là đường Hà Huy Giáp, thuộc phường Quyết Thắng, TP. Biên hòa).
Thời gian nầy nơi đây rất vắng (giống như kiểu “quy hoạch, phân lô, bán nền” hiện nay), xa xa mới có một cái nhà. Những lúc chiều mưa, ểnh ương, nhái bầu kêu “rân ba ton” nghe thảm sầu. Vậy mà anh em tụi tui sống và lớn lên nơi đây thắm thoát trên 50 mươi năm, và má tui cũng tiếp tục sản xuất thêm 5 đứa nữa, vị chi là 12 đứa, chẳn 1 tiểu đội.
Mà nghĩ cũng thiệt ngộ, với đồng lương “dứt cháo” như thế mà ba tui nuôi nổi 1 lực lượng “tàu há mồm” toàn là những tay ăn đang lên, lại thêm vợ nội trợ. Nghĩ lại thiệt phục “bố già” của tui. Trong khi hiện nay anh em tụi tui, chồng, vợ đều đi làm cả, và chỉ có 1-2 đứa con mà than như bộng.
Từ nãy giờ mãi giới thiệu về gia đình mà quên mất giới thiệu đôi chút về bản thân mình, phải không các bạn?
Cổ nhân có câu “thông minh nhất nam tử” khi nói về chỉ số IQ của một người, nhưng tiếc rằng tui không có may mắn nằm trong type đó. Trong chuỗi tháng ngày mài đũng quần ở cấp tiểu học tui luôn luôn… đội sổ! Tức là xếp hạng nhất từ dưới đếm lên. Thiệt là thằng con “trời đánh” làm xấu hổ gia phong có cha là thầy giáo!
Thế là việc gì đến phải đến, tới năm lớp nhất thi chuyển cấp (bây giờ là lớp 5 lên lớp 6) tui bị… trượt vỏ chuối. Thi không ăn ớt thế mà cay! Sau kỳ thi đó, ba tui “chạy chọt” cho tui được học double lớp nhất trường tiểu học Nguyễn Du để năm sau thi lại, và ông treo giá: “nếu đậu ba thưởng cho cây viết pilot”. Chu choa mẹt ơi, vậy mà cuối năm đó tui đậu đệ thất, đường hoàng bước chân vào ngôi trường danh giá cùa tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ: Trường Trung Học Ngô Quyền.
Để giữ đúng lời hứa, một buổi sáng ba dắt tui ra nhà sách Thiên Tứ để cho tui lựa cây viết pilot của Nhật Bổn sản xuất. Các bạn biết không? Thời đó ai có cây viết máy hiệu Pilot là thời thượng lắm đó. (Lúc ấy VN cũng có nhiều hãng sx viết máy nhưng không tốt bằng, vì nghe nói đầu ngòi viết Pilot có cẩn platin không mòn. Sau nầy mới phát minh ra viết “nguyên tử” của thập niên 60 mà ta dùng phổ biến hiện nay). Biết là nhà mình không dư dả gì nên tui rụt rè: “thôi ba mua viết VN cũng được”, mặc dù trong bụng cũng muốn cây viết Pilot thấy bà cố! Chừng như cũng hiểu ý tui, ba dứt khoát mua cây Pilot và hỏi thích màu gì? Tui nói đại trong vô thức: “màu đen”. Thế là từ đó cây viết Pilot thân đen, nắp mạ vàng theo tui trên mọi nẽo đường đi học. Mãi đến lúc ra làm việc, trên túi áo tui vẫn còn vắt cây viết pilot của ba mua cho.
Quay trở lại chuyện học hành. Có lẽ vẫn còn dư âm “ngu si nhất nam tử” thời tiểu học, nên vào đệ thất (lớp 6) tui cũng không khá hơn, chỉ lẹt đẹt hạng từ 20 – 30. Mãi đến năm đệ ngũ (lớp 8), tự nhiên tui… “khôn đột xuất” tăng hạng trong top 10. Hihi, ta đã thoát khỏi lời nguyền “muôn năm đội sổ”. Và cứ đà thẳng tiến, năm đệ tứ tui hạng nhất của lớp tứ 3. Tối đó nằm ngủ mà tui trằn trọc mãi chờ tới sáng đi… lãnh thưởng, nằm trong mùng mà tim cứ đập thình thịch. Cha mẹ ơi, từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, lần đầu tiên tui được lãnh thưởng!
Các bạn biết không? Hồi đó được lãnh thưởng là vinh dự lắm. Mỗi lớp chỉ có 3 người xếp hạng cao nhất mới được lãnh thưởng, mà mỗi phần thưởng rất “nặng ký”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. (Không như bây giờ, gần như trong lớp em nào cũng có phần thưởng vài quyển tập cho... vui, nào là giải văn hóa, vở sạch chữ đẹp, hạnh kiểm,…). Lúc lãnh thưởng về coi bộ ba vui lắm, xoa đầu tui động viên: “ráng lên nghen con”. Ôi, thật hạnh phúc biết bao! Xung quanh tui là vầng hào quang chói lọi…
Thế nhưng vui chẳng tày gang. Hè năm đó, đi làm về ba đưa tui xem công văn thi tuyển vào các trường trung học Nông Lâm Súc (tương đương trung học chuyên Nông Lâm hiện nay) và hỏi tui có muốn thi không? Chu choa, từ nhỏ tới giờ có xa nhà, xa bạn và mái trường thân yêu bao giờ. Tôi đâm ra lo lo nhưng nghĩ tới “mạo hiểm” nơi vùng đất mới cũng thấy thích, vì nghe nói trên Blao-Lâm Đồng khí hậu ôn đới, sương mù và không khí lạnh quanh năm y như… bên Tây vậy, nên tui đánh liều: “thi... thì thi”, và... tui lại đậu! Thế là khăn gói lên đường đến ngôi trường mới có tên là trường Trung Học Nông Lâm Súc, tại thị trấn Bảo Lộc (Blao), tỉnh Lâm Đồng. Cuộc đời tui bắt đầu xa nhà từ năm 16 tuổi
Lần đầu tiên, phái đoàn gồm 3 ông giáo già dẫn 3 thằng con khờ khạo là: Sang, Tuyên, Thân vượt 200 cây số lên làm thủ tục nhập học tại trường mới. Sau khi ghi tên, xếp lớp và lo chỗ ở xong, “phái đoàn” đến một tấm bảng to tướng treo trên tường ở văn phòng. Đó là tấm bảng thời khóa biểu ghi phân bổ giờ học trong tuần của toàn trường. Trong lúc xem và ghi chép thời khóa biểu, ba tui thấy có môn Thổ Nhưỡng. Ổng đâm thắc mắc: “môn nầy học cái gì vậy ta?” Với bản chất “thông minh đột xuất”, tui vọt miệng: “thì chắc họ dạy về tiếng dân tộc thiểu số quá, vì ở đây gần người dân tộc Thượng, dạy để mình giao tiếp với… người Thượng”. Đúng là quá thông minh! Ba ông già gật đầu khen hay: “Ờ hén!” Trong đầu tui lúc đó liên tưởng tới thổ dân da đỏ huyết chiến với cao bồi Texas như trong phim Viễn Tây.
Sau nầy vào chương trình học mới biết đó là môn nghiên cứu về tính chất của đất đai và cách xử lý nó để trồng trọt cho có hiệu quả (thổ là đất chớ không phải “thổ dân”). Đúng là thiên tài, suy luận… mắc ói!
Thế rồi thời gian thắm thoát thoi đưa, 3 năm ở ngôi trường nầy trôi qua chóng vánh với bao vui buồn của thời học sinh, lẫn tình yêu đầu đời đơn phương như sương như khói…
Nhớ lại thời ấy, bọn tui chỉ đứng hàng thứ 3, sau nhất quỷ, nhì ma. Mà thật ra cũng chẳng nên trách cái đám học sinh tụi tui, chỉ vì hoàn cảnh nên “quảnh càng” chứ tụi tui đâu có muốn. Thứ nhất là: bọn nhỏ trẻ người non dạ, mới mười mấy tuổi đầu đã bị cha mẹ cho… ra riêng nơi xứ lạ quê người. Thứ hai: được ở nội trú, môi trường thuận lợi cho đủ thứ “thói hư tật xấu” học hỏi lẫn nhau, mà cái xấu thì học mau biết hơn cái tốt. Thứ ba là: với cái tuổi mới lớn anh nào cũng muốn làm anh chị, làm người hùng, nên thường hay quậy để… nổi tiếng! Mà nghĩ cũng lạ, thời đó, cái gì nhà trường cấm thì bọn học sinh càng… quyết thực hiện cho được.
Trường tui có tất cả 5 lưu xá: A,B,C,D dành cho nam ở các cấp lớp ngũ, tứ, tam, nhị, nhất, riêng lưu xá E lớn nhất, dành cho nữ ở mọi cấp lớp. Theo nội qui của trường thì ban ngày hạn chế, ban đêm cấm nam sinh bén mảng đến lưu xá E (bọn tui thường gọi vui là “chiến khu E”). Trường lớp và lưu xá kiến trúc theo kiểu phương Tây, tất cả cửa lắp kính để chống lạnh. Tối, bọn con trai thường hay đến lưu xá E nhát ma. Bên trong nhìn ra cửa kính bọn con gái hết hồn la ỏm tỏi. Đó là một trong những trò quậy phá của bọn tui. Với bản chất nghịch phá của tuổi học trò, bọn tui khiến mấy bố giám thị nhiều phen điên đầu, nhưng chẳng tóm được đứa nào. Hihi.
Thế rồi ngày chia tay ngôi trường nhiều kỷ niệm đó cũng đến, chia tay luôn “người tình trong mộng”. (Sau nầy tui nghe nói trong chuyến vượt biển, “người ấy” đã ra đi). Người đi một nửa hồn tui mất, còn nửa hồn kia bỗng khù khờ…
Xin trở lại một chút xíu các bạn nhé, sau nầy tui mới biết sở dĩ ba muốn tui đi học NLS là muốn cho… đỡ gánh. Vì theo quy chế lúc đó, trường NLS được ưu tiên, em nào vào đó cũng có học bổng hết ráo, toàn phần là 3.600đ/tháng, bán phần là 1.800đ/tháng. Tui thuộc diện “con nhà nghèo, đẹp giai, học giỏi” nên được học bổng toàn phần trong suốt 3 năm học, đỡ một phần gánh nặng cho “bố già” tui.
Và, cuộc đời của tui lại bắt đầu qua một chương mới.
Số là sau khi có kết quả đậu tú tài chuyên Nông Lâm Súc, tui được ba má gửi xuống Sài Gòn ở trọ nhà dì Hai, chị của má tại Hòa Hưng để luyện thi. Sở dĩ ba má tui “âm mưu” gửi tui cho dì dượng Hai quản lý là có 2 nguyên do: thứ nhất cho… đỡ kinh phí (thay vì ở trọ nhà người dưng), thứ hai vì sợ tui… hư! Hihi.
Nhà dì Hai ở sâu trong con hẻm thuộc khu Hòa Hưng, gần rạp Thanh Vân. Con hẻm đa phần là dân lao động trú ngụ. Dì Hai có nghề bán mì, hủ tíu bình dân buổi sáng để phụ vào đồng lương công chức của dượng. Nhờ đó tui được thưởng thức món mì… 365 ngày mệt xỉu! Sáng, trước khi đi học tui phụ bưng thùng nước lèo từ sau bếp lên hàng ba trước nhà, phụ “chạy bàn” phục vụ mấy khách hàng lao động cần giải quyết bao tử để đi làm sớm. Kết quả là tui được bồi dưỡng mỗi sáng một tô mì “tuyệt cú mèo”. Vì tô mì của tui dì Hai lúc nào cũng ưu tiên đặc biệt “cho mầy thêm cục xí quách” tổ chảng. Nói nào ngay, xe mì của dì Hai thuộc loại ngon nhứt xóm nên sáng nào khách cũng đông ơi là đông, vì khi hoàn thành xong các công đoạn của tô mì, dì còn bốc một nhúm hành phi bỏ lên mặt, thơm “bá cháy”. Mà công nhận tài chế biến của dì cũng hay tuyệt, chỉ cần một thùng nước lèo, vậy mà ai kêu mì, hủ tíu, bánh canh, dì đều… có ngay.
Thời gian ở trọ, đối diện nhà dì Hai, trong con hẻm nhỏ là nhà của ông thợ sửa xe gắn máy. Ông có cái chái nhỏ lợp tôle ở đầu hẻm, chuyên sửa Honda và các loại xe hai bánh, kể cả xe đạp. Ổng có cô con gái học lớp 11 trường Gia Long, khá xinh. Ác nỗi, tui cũng đâm ra… thích cô em có mái tóc đuôi gà, da trắng như bông bưởi. Mỗi chiều, áng chừng em đi học về, tui xách cây đờn ghi-ta ra ngồi bên hiên nhà mà gào: “em tan trường về, trường tan em về, em tan trường về, trường tan em về…” với 1 gam “La” duy nhất,(nhạc lý tui chỉ biết vở lòng chút xíu có nhiêu đó thôi). Vậy mà chừng như em cũng “cảm” được cái tình cảm cùa tui nên thỉnh thoảng bên khung cửa sổ, em e ấp nhìn tui mỉm cười. Vậy là đủ. Thành quả “lao động” của mình cũng có người chứng giám, không uổng công các bạn nhỉ? Mà quan trọng là hình như ba của em cũng có cảm tình với tui nữa mới ác chứ. Mấy lần về ngang tiệm sửa xe của ông, tui hay ghé ngồi nghe ông tâm sự về gia cảnh buồn thiu của ông: “má nó bỏ đi từ lúc nó còn nhỏ xíu hè!” Vậy mà mỗi khi xe tui bị hư ông thường sửa dùm không tính tiền, “chút đỉnh, làm dùm chú em”. Ổng nói: “nghèo nhiều chứ nhiêu đó ăn thua gì” rồi cười hè hè vô tư.

“Ừ nhỉ bỗng dưng mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ.
Một hôm gió tình yêu chợt đến,
Đứng ngẫn trông vời áo tiểu thư…”
(Xuân Diệu)

Tôi nhớ lại một chuyện vui nữa khi mới đặt chân lần đầu tiên làm công dân ở đất Sài Gòn, mà cụ thể là khu vực Hòa Hưng nằm trên đường Lê Văn Duyệt (ngày nay là Cách Mạng Tháng Tám). Ngày đầu, đi trên con đường đó, đang suy nghĩ vẫn vơ thì lấp ló ở đầu hẻm là bóng mấy phụ nữ xồn xồn đưa tay ngoắt ngoắt. Với bản chất ngây thơ thiệt tình của “Tư ếch đi Sài Gòn”, tui dừng xe lại và hỏi: “mấy dì kêu có gì không?” Trong thâm tâm tui cứ nghĩ người ta cần hỏi thăm đường hay gì đó, cái nào mình biết thì chỉ làm phước. Bỗng trong cái đám “lấp ló” đó có giọng oanh vàng thỏ thẻ: “đi đâu cũng vậy, đi ở đây em cám ơn anh ơi”. Cha mẹ ơi, tự nhiên linh cảm và trí thông minh đột xuất của tui trỗi dậy. Chắc là ổ nhền nhện rồi! Trong “Binh Ngô Tôn Tử”, “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Thế là tui rồ ga dọt lẹ, không dám ngoái đầu lại.
Nhìn chung, đường hẻm vào nhà dì dượng tui hồi đó được coi là hẻm an toàn nhất trong khu vực Hòa Hưng, hỏng có cái vụ ngoắt ngoắt nọ kia. (Hiện dì dượng Hai đã ra người thiên cổ rồi). Có lần tui quay về xóm cũ thấy mọi sự đổi thay. Sau 1975, dì dượng tui dẫn bầy con 8 đứa về quê trên mảnh đất của ông bà để lại ở huyện Vĩnh Cữu-Đồng Nai, định làm “nông dân sản xuất giỏi”. Nhưng sau một thời gian thấy làm nông dân không “dễ ăn” nên quay trở lại làm công dân đất Sài Gòn, cũng khu Hòa Hưng nhưng ở con hẻm khác. Còn căn nhà của chú sửa xe và cô bé áo tiểu thư đã có chủ khác. Ôi:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Thế rồi cái ngày trông đợi sau 3 tháng “văn ôn võ luyện” cũng đã đến: ngày thi tuyển vào sư phạm ngành Nông Lâm Súc.
Mới 6 giờ 30 phút sáng tui có mặt ở Nha Học Vụ NLS trên đường Mạc Đỉnh Chi. Sáng nay tập trung đông đủ các sĩ tử vừa tốt nghiệp tú tài Nông Lâm Súc từ các miền trong nước về tham dự kỳ thi nầy. Ôi thôi, bọn tui cứ tụm 5, tụm 3 tán dóc và chuyện trò rôm rả sau mấy tháng vắng xa. Nhưng kìa, hình như là “bố già” của mình! Từ xa tui đã nhìn ra dáng đi khom khom của ông. Sau khi gửi xe trong bãi, ông dáo dác tìm tui. Với phản xạ trong vô thức, tui buộc miệng kêu lớn: Ba!   ( còn tiếp phần cuối )
( Gia đình LXS với Ba - 1959 )

   
 LÊ XUÂN SANG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét