Tác giả: Dương Phương Ý.
Thằng Phi lớn lên trong khu nhà chính phủ cấp ở đường Hasting, thành phố Vancouver. Khu nhà dành cho người nghèo, dân chúng sống bằng trợ cấp xã hội. Mọi người ở đây rất hòa nhã với nhau. Trẻ con thường vui đùa, đạp xe trên sân cỏ, leo trèo các cầu thang và chạy chơi trên sân thượng ở tầng ba.
Căn hộ nhà nước cấp cho mấy mẹ con ở lầu hai. Mẹ thằng Phi thường bồng bế, dắt díu ba anh em nó, vừa tránh, né những người homeless (không nhà) đang ngủ nằm, ngủ ngồi la liệt quanh cầu thang.
Phi quen dần với cảnh lang thang của người không nhà và nó không còn sợ họ như ngày mới dọn vào. Mỗi khi đi ngang qua, mẹ thằng Phi thường thì thầm với anh em nó:
- Tội nghiệp những người nghiện ngập, không nhà. Đừng xua đuổi hay khinh dễ họ nghe chưa? - Cô đe chúng - Nếu không chịu học hành đàng hoàng, không có việc làm, sẽ phải sống ngoài đường, có sợ không?
Thằng Phi tin lời mẹ.
Ngoại thằng Phi kể về mẹ nó, cô Thi, theo ông ngoại đi vượt biên lúc mới 6 tuổi, trong khi bà bị kẹt lại nhiều năm ở quê nhà, vì mất giấy tờ trong những chuyến vượt biên không thành. Thi hiền lành, nhưng học hành dở dang vì không được chăm sóc bài vở chu đáo. Cô không được gần cha nhiều vì ông quá bận rộn công việc trong hãng, để có thu nhập đủ mức bảo lãnh được vợ con sang. Thi có thai sau chuyến đi núi với bạn bè năm cô 16 tuổi. Bà ngoại thằng Phi đến Canada vừa lúc Phi ra đời, để chăm sóc nó khi Thi trở lại trường học. Thằng Phi không biết cha mình là ai.
Sống bên cạnh bà, Phi được cưng chiều rất mực, được học nói tiếng Việt và cũng học được tính thương người của bà. Ác thay, bệnh tật đã cướp mất cả ông lẫn bà ngoại thằng Phi mấy năm trước. Thằng Phi đau đớn tới mức không thể khóc được, nỗi đau chất chứa trong lòng làm nó trở nên buồn bã, ít nói hẳn đi. Thầy cô giáo trong trường đều e ngại khi cho rằng thằng Phi bị bệnh trầm cảm.
Thi rất yêu thương con, nhưng cô còn bận bịu với hai em nhỏ, thằng Minh, 5 tuổi và con bé Tiên xinh xắn vừa lên ba, vậy nên cô ít khi dành được thời gian riêng cho thằng Phi. Chú Tony, người bạn trai của mẹ nó, là một thanh niên còn quá trẻ. Thỉnh thoảng chú mới về thăm, chơi đùa với em bé một lát, mỉm cười với Phi nhưng ít hỏi han. Hàng xóm bảo chú Tony là cha của bé Thủy Tiên. Thằng Phi không dám hỏi, vì nếu có hỏi, chỉ làm mẹ nó buồn thêm. Mười tuổi, Phi đã nhìn thấy nước mắt của mẹ nó rơi hằng đêm khi ôm các con vào trong vòng tay gầy gò của cô.
Quang thu mình trong mấy tấm cartons, chỉ đủ che mưa nhưng không ngăn được những cơn gió mùa Thu lạnh buốt. Anh trở về Vancouver lần này gấp gáp ngoài dự định, vì chạy trốn những chủ nợ đang ráo riết tìm mình ở Toronto. Quang không thể về nhà người thân vì thế nào họ cũng tìm ra. Do vậy, Quang phải nghỉ qua đêm trên sân thượng khu nhà này, nơi có nhiều dân không nhà sống tạm.
Quang thiếp đi trong cơn đói và lạnh. Tia mặt trời chiếu sáng đánh thức anh. Anh cảm nhận có một tấm chăn ấm áp đang đắp trên người. Cái nhìn đầu tiên anh bắt gặp khi mở mắt, là một khuôn mặt trẻ thơ, lo âu, chăm chú nhìn anh. Thằng bé lộ vẻ mừng rỡ khi thấy Quang tỉnh dậy, nó nói tiếng Anh:
- Chú ơi, con mang cho chú tô cháo có thịt và trứng cút, mẹ con mới nấu sáng nay!
Quang nhìn tô cháo nóng bốc hơi nghi ngút, có hành ngò và mùi tiêu thơm phức, nhìn khuôn mặt ngây thơ, trong sáng của thằng nhỏ, bỗng như thấy hiện thân của một thiên thần nhỏ, đến để giúp anh, không chỉ vì ban miếng ăn khi đói lòng, mà còn thêm sự trìu mến, thương yêu. Nước mắt chợt ứa ra khiến chính anh cũng thấy bất ngờ. Bao nhiêu năm lăn lộn trong cuộc sống, bị đời vùi dập, Quang tưởng tâm hồn mình đã chai đá trước tình người….
Nuốt sự cảm động qua cổ họng khô rang, anh hỏi:
- Con tên gì?
Thằng nhỏ vui vẻ:
- Dạ tên Phillip, mẹ con gọi là Phi!
- Thế ra con là người Việt à! Chú cũng vậy!
Thằng Phi reo "Ahh!" mừng rỡ. Nó chuyển sang nói tiếng Việt với người mới quen:
- Vậy là con đoán đúng rồi! Con đã nhìn chú ngủ lâu lắm! Mặt chú hiền lành, giống người Việt mình! - Nó khoe - Chú ơi, khu Housing này có đến 5 gia đình người Việt, nhiều trẻ con người Việt lắm!
Chỉ tô cháo, Phi vui vẻ nhắc:
- Chú ăn cháo đi! Ăn hết, con múc thêm. Mẹ con nấu cả nồi lớn. - Nhìn Quang nếm muỗng cháo đầu tiên, nó ân cần - Cháo của mẹ con nấu có ngon không chú?
Quang cảm động đến nghẹn ngào:
- Ngon lắm, chưa bao giờ được ăn cháo ngon đến thế này! Mẹ có biết con mang cháo cho chú không?
Thằng bé ngồi xuống bên cạnh Quang:
- Mẹ đang bận tắm cho em bé, mẹ nghĩ là con mang cháo ra ngoài ăn. Nhưng nếu có biết, mẹ sẽ không rầy. Mẹ thường biểu phải chia xẻ những gì mình có cho người nào cần. …
Quang ngã bệnh suốt tuần. Mỗi sáng sớm và sau khi đi học về, thằng Phi mang cho anh lúc thì tô mì gói, khi dĩa cơm, bát cháo. Nó cẩn thận mang cho Quang mấy viên Tylenol. Phi còn nhặt mấy bộ quần áo từ thùng từ thiện ở trung tâm cộng đồng gần trường học, cho Quang thay đổi. Anh chỉ xuống phố khi cần đi vệ sinh.
Suốt tuần lễ đau yếu, quãng đời dĩ vãng mà Quang tưởng quên đã lâu, bỗng hiện về thật gần.
Từ cái thuở an lành của tuổi thơ sống trong một gia đình công chức đầm ấm. Rồi tới ngày anh theo cha mẹ vượt biển khi mới ở độ tuổi vào trung học. Quang học rất khá, nhưng vì theo nhóm bạn rong chơi, tham gia băng đảng, nên lạc vào con đường tối không có lối ra. Đã bao nhiêu năm nay anh chưa về thăm mẹ.
Quang nhớ ba đứa con trai, đứa bé nhất cùng tuổi với thằng Phi. Quá giận dữ khi chia tay với người bạn gái cũ, Quang không liên lạc với con. Thỉnh thoảng, anh có gọi, nhưng đều phải cúp máy giữa chừng bởi ngán ngẩm trước những lời trách móc của mẹ tụi nhỏ vì không chu cấp cho con. Có lúc "vô mánh", anh tiêu tiền không tiếc tay nhưng lại quên mất những đứa con thiếu cha! Và những lúc như bây giờ, người nhận hàng đi mất, không trả tiền, Quang phải gánh nợ cho họ và anh phải chạy trốn chủ nợ. Quang không có một chỗ ở, không có thu nhập ổn định, làm sao có thể chăm sóc, chu cấp cho con. Quang không muốn con thấy lối sống trụy lạc của mình, chẳng thà bỏ luôn, với hy vọng chúng có tương lai tốt hơn. Những cuộc mua bán phi pháp, mặt hàng cần sa, cocain làm cuộc sống anh bấp bênh, canh cánh những nỗi lo âu. Quang sợ cảnh sát ập đến bắt bớ, sợ nằm khám, sợ ra tòa, nhưng sợ hơn hết là bọn du đãng chuyên môn theo dõi để cướp của, hay trả thù vì đã phỗng tay trên món hàng béo bở mà chúng nghĩ đáng lẽ phải thuộc về chúng. Xã hội đen có những thứ lề luật riêng mà người ta phải chấp nhận khi bước vào…
Bàn tay thằng Phi sờ lên trán Quang, đôi mắt nó ân cần, mỗi khi lên thăm anh - Bàn tay và đôi mắt của một đứa con trai vắng tình cha, làm trái tim anh thổn thức. Quang nghĩ đến con mình. Các con anh cũng hồn nhiên, dễ thương như thằng Phi, sao anh có thể bỏ chúng cho đành. Quang cảm thấy trái tim mình nhói đau, nước mắt tuôn ra ướt đẫm khuôn mặt trong bóng đêm, cô đơn, giữa những người nghiện ngập, say sưa quanh mình. Lần đầu anh cảm thấy nhớ mẹ, nhớ con vô cùng, sau 10 năm dấn thân vào con đường sai lầm mà anh đã chọn.
Thằng Phi lấy 30 đô-la để dành từ Tết năm trước, mua cho Quang bàn chải, kem đánh răng, đồ cạo râu, nó dúi cho anh 15 đô-la để cắt tóc... Quang không ngờ có ngày mình phải chịu ơn một thằng bé mười tuổi như hôm nay.
Thằng Phi thường ngồi bên anh thật lâu, say sưa nghe kể chuyện về các con anh thời gia đình còn chung sống. Nó hỏi:
- Chú có thể cõng cả 3 đứa trẻ trên người mà đi được sao? Chắc con chú thương chú lắm hở? Chắc con chú buồn lắm khi chú đi xa? Bao giờ chú trở về thăm con chú?
Trong ánh mắt chờ đợi của thằng Phi, Quang không có câu trả lời. Nhưng anh quyết định cùng nó đến gặp mục sư ở nhà thờ mà mấy mẹ con thằng Phi thường đến mỗi sáng Chủ nhật.
Ba năm sau, Quang gặp lại thằng Phi. Nó vừa vào trung học, cao lêu nghêu như người lớn. Phi vẫn hồn nhiên, nhưng chững chạc, rõ ra dáng anh Hai của các em nhỏ. Mẹ thằng Phi ngạc nhiên, không hiểu ra sao khi thấy người đàn ông lạ, áo sơ mi, thắt cà vạt, đang ôm chặt con mình. Mẹ nó ngỡ ngàng khi nghe câu chuyện mà Quang gọi là "bát cháo cứu người". Cô hết sức cảm động. Một cái chăn, bát cháo nóng, mấy viên Tylenol và vài chục dollars cùng tình thương của thằng Phi đã mang Quang trở về với con người thật, với đời sống lương thiện, với mẹ và với các con của anh, những đứa trẻ đã nhiều năm vắng cha.
Quang kể, được sự hướng dẫn của mục sư và sự giúp đỡ của giáo dân nhà thờ Tin Lành, Quang đã quyết tâm đi học và lấy bằng sửa xe, hiện làm việc cho hãng xe Toyota với đồng lương hậu hĩ. Số nợ cũ anh đã trang trải xong. Quang tìm về mái ấm. Với sự hỗ trợ của bà mẹ, anh xin cùng người bạn gái cũ chăm sóc ba đứa con trai.
Quang trở về Vancouver lần nầy, trong niềm hân hoan và hạnh phúc. Anh xin phép cô Thi để nhận đỡ đầu, và dạy bảo Phi, cùng với các con mình.
Thằng Phi gần như đã quên mất việc nó làm hồi trước, vì điều đó bình thường, như nó đã từng giúp đỡ những người vô gia cư sống lây lất quanh khu nhà chính phủ. Nhưng từ nay, Phi ghi nhớ một điều, vì điều này làm nó vô cùng hạnh phúc: Chúa đã ban cho Phi một người Cha mà nó hằng mong ước!
Dương Phương Ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét