Trung Quốc: Chiêu giữ khách bằng... vỏ cây thuốc phiện
An toàn vệ sinh thực phẩm là một vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc, nơi từng chứng kiến hàng loạt những vụ bê bối thực phẩm thời gian gần đây. Để gây nghiện cho người dùng, nhiều nhà hàng ăn nhanh ở Trung Quốc đã trộn vỏ cây thuốc phiện vào thức ăn.
Thuốc phiện trong thực phẩm cực kỳ nguy hiểm
Báo China.org.cn (Trung Quốc) tháng 12/2014 đăng tin, nhiều nhà hàng ở Trung Quốc bị phát hiện sử dụng vỏ cây thuốc phiện trong thực phẩm. Vỏ cây thuốc phiện vốn được Bộ Y tế Trung Quốc liệt vào danh sách những thành phần không thể ăn được hồi năm 2008. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra Trung Quốc mới đây phát hiện nhiều nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh ở tỉnh Thiểm Tây, Tứ Xuyên và Thượng Hải đã thêm thành phần cấm này vào các món ăn khiến người dùng đâm nghiện.
Vỏ cây thuốc phiện được sử dụng như gia vị ở một số nhà hàng Trung Quốc.
|
Vào tháng 9/2014, một số người dân đã có kết quả dương tính tựa như dùng ma túy sau khi dùng bữa tại các nhà hàng ở địa phương.
Liu Ying, một quan chức của Cục Thực phẩm và Ma túy ở thị trấn Diên An, tỉnh Thiểm Tây cho biết, rất khó để phát hiện ra việc các nhà hàng sử dụng vỏ cây thuốc phiện trong thức ăn. "Chủ nhà hàng đã pha trộn bột vỏ cây thuốc phiện vào các gia vị khác khiến chúng tôi rất khó tìm ra bằng chứng" - quan chức này nói.
Bác sĩ Zhao Lan, làm việc tại một bệnh viện ở Thành Đô, cho biết, vỏ cây thuốc phiện chứa alkaloid, hợp chất gây nghiện và làm tổn hại hệ thần kinh khi chúng ta sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, vỏ cây thuốc phiện lại có thể dễ dàng mua được trên thị trường chợ đen hoặc mạng trực tuyến. Một chủ cửa hàng ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết, vỏ cây thuốc phiện có giá hơn 65USD/kg và thường được bán dưới những tên gọi bí mật như "mi qiao" hay "bột yingshu". Theo luật pháp Trung Quốc, bất kỳ ai buôn bán, tàng trữ hoặc sử dụng vỏ cây thuốc phiện sẽ bị bắt giữ từ 10-15 ngày và bị phạt hơn 490USD.
Hậu quả khôn lường nếu ăn phải thức ăn trộn thuốc phiện
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc các nhà hàng Trung Quốc cho vỏ cây hay thuốc phiện vào thức ăn nhằm gây nghiện khách hàng. Trước đó, chủ một nhà hàng mì tại Trung Quốc thú nhận, đã trộn thuốc phiện vào thức ăn để níu khách hàng quay lại nhiều lần.
Nhà hàng Trung Quốc cho thuốc phiện vào thức ăn để giữ chân khách. |
Vụ việc bị phát giác khi Liu Juyou, thực khách tại nhà hàng này có kết quả dương tính với ma túy sau khi kiểm tra nước tiểu tại một trạm kiểm soát giao thông. Kết quả làm anh này vô cùng sửng sốt vì trước đó không sử dụng bất kỳ hóa chất bất hợp pháp nào.
Chàng trai 26 tuổi bị tạm giam 15 ngày vì không thể thuyết phục cảnh sát tin vào điều anh đang nghi ngờ, rằng món mì mình hay dùng chính là thủ phạm. Sau khi được thả tự do, Liu quyết tâm khám phá sự thật và nhờ gia đình giúp đỡ để kiểm chứng điều anh nghi ngờ. Họ tới nhà hàng, ăn món mì và lấy mẫu nước tiểu đưa đi kiểm tra. Khi những người bà con của Liu cũng dương tính với ma túy, họ báo cáo sự việc cho cảnh sát và một cuộc điều tra đã được tiến hành.
Chủ quán mì Yan'an, ông Zhang đã bị bắt tạm giam. Trong quá trình thẩm vấn, ông này thừa nhận rằng đã mua gần 2kg nụ hoa thuốc phiện, sau đó nghiền thành bột và trộn vào mì cho thực khách ăn. Mục đích chính của ông chủ là níu chân khách quay trở lại quán.
Báo cáo của cảnh sát cho biết, lượng cây anh túc đó chứa đủ hoạt chất gây nghiện có thể khiến người ăn bị lệ thuộc và cho kết quả dương tính nếu bị kiểm tra.
Theo tờ Yangcheng Evening News thì trong một đợt thanh tra 70 nhà hàng khác, Cơ quan Quản lý dược và Thực phẩm thành phố Quảng Châu cũng đã phát hiện 2 nhà hàng cho thuốc phiện vào thức ăn phục vụ thực khách. Do hai nhà hàng này chỉ sử dụng lượng nhỏ thuốc phiện nên chỉ bị phạt 50.000 nhân dân tệ. Ngay sau đó, chính quyền Quảng Đông đã nghiêm cấm tất cả các nhà hàng cho thuốc phiện vào thức ăn dù "ít hay nhiều".
Vào tháng 6/2004, trong một cuộc tổng kiểm tra 2.640 cơ sở ăn uống ở Quý Châu, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện 251 nhà hàng đã trộn thuốc phiện vào súp và các món hầm hoặc dùng chất này như một thứ gia vị cho các món ăn. Cũng theo báo SCMP, hạt cây anh túc trước đây là một thành phần trong món lẩu của người Hoa nhưng sau đó nó đã bị cấm.
Theo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét