Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Tản mạn QUÊ NỘI - CTT




QUÊ NỘI
 
   Đã 39 năm từ ngày về làm dâu nhà họ Trần, con cái nay  đã lớn bộn - Vậy mà tôi chưa một lần được có dịp về Quê Chồng, Quê Nội của con tôi : Cù lao Tân Phong, Cái Bè  thuộc Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Với cái lý do : Sông nước mênh mông, ghe về ngang sông hay bị sóng lớn đánh lật - NGUY HIỂM !
    Mà không phải mình tôi bị cảnh này, chung cảnh còn có một người chị bạn dâu, con bác Ba. Chị lấy chồng từ 59 năm trước , nay con lớn chị 55 tuổi - 59 năm chồng chị cũng từ chối khi gia đình muốn được một lần về cho biết Quê chồng, về để viếng mộ Tổ Tiên, tận hưởng không gian tĩnh lặng với vườn cây trái bạt ngàn xanh ngát.

Cù lao Tân Phong được bao bọc bởi con Sông Tiền Giang, con sông rộng mênh mông. Ngày trước muốn tới được cù lao đó, du khách hay dân địa phương phải xuống chợ Cái Bè bằng xe đò, đi ghe chạy dọc theo chiều con sông rồi từ từ vượt ngang sông  tới Vàm Bà Bếp, để bước lên bờ đất cù lao. Muốn về nhà , gia đình tôi lúc đó phải lội bộ một đoạn đường làng rất xa. Con sông nơi đây luôn có sóng cao, gió lớn, chuyện người dân bị lật ghe là chuyện thường xảy ra. Ngay chính trong gia đình bác chồng tôi cũng đã từng bị. Một lần lúc mấy chị con bác Năm còn nhỏ, trên đường ghe qua chợ Cái Bè, gió lớn bất chợt thổi lật ghe,  chị Chín may mắn ôm được cổ chị Bảy- hai chị em ngụp lặn trong những con sóng, may mà lúc đó có một ghe khác chạy gần , họ thấy và cứu kịp. Còn chị Mười bị một con sóng lớn đánh trôi vào bờ, ngất xỉu, chị được bà con ven sông phát hiện, làm hô hấp, xốc nước, hơ lửa cho ấm một chập sau chị mới tỉnh lại. Rồi sau đó một thời gian chị Bảy và cô Mười chồng tôi lai bị sóng đánh úp ghe trong một lần qua sông đi chợ, may mà hai người biết lội và được cứu sau đó.

Bây giờ Đường Về Quê Nội dễ dàng hơn, xe 16 chỗ có thể chạy một mạch về tận bến phà Tân Phong Hiệp Đức, thuộc xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Sau đó đi phà  nhỏ qua sông, mỗi chuyến vài chục người 1 xe hơi và hơn chục xe gắn máy. Phà hoạt động từ 5 giờ sáng tới 7 -8 giờ tối.
      Đầu tháng ba vừa rồi đại gia đình tôi quyết định thực hiện chuyến Về Quê Nội, xe chúng tôi khởi hành lúc tờ mờ sáng, chiếc xe 16 chỗ vừa chật kín, chuyến đi nầy mục đích cho con, cháu ở Saigon có dịp thăm mộ Tổ Tiên, Ông Bà, nhà thờ gia tộc.


 Ngồi trên phà, gió mát lồng lộng, sông nước mênh mông một màu trắng xoá, dọc hai bên bờ là một dãy xanh ngắt của những khu vườn cây trái, tiếp nối chạy dài suốt chiều dọc con Sông Tiền. Vừa qua phà xe chạy một mạch vô tận sân nhà.


    Không khí sum họp của đại gia đình thân mật, bà con họ hàng ở Tân phong đãi khách phương xa một bữa cơm thịnh soạn với những đặc sản miền Tây có sẵn trong vườn nhà.

Ông Giáo Trần Chơn Thiệt
Trong câu chuyện rôm rã, xôm tụ của Đại Gia Đình, tôi được nghe nhiều chuyện rất đặc biệt ông nội chồng. Ông tên Trần Chơn Thiệt,  ngày trước là một ông giáo, ông thuyên chuyển nhiều trường ở Miền Tây, nhưng nơi dạy sau cùng nhất là huyện Cái Cam , thuộc tỉnh Vĩnh Long. Hàng tuần mỗi  thứ bảy ông đi dự Hội Giáo  Khoa ở Vĩnh Long, ông phải đi bộ hàng 3-4 cây số, với bộ áo dài trắng thắt lưng nhiễu đỏ. Mỗi lần đi , trên đường ông hay xách trên tay một xâu chim - những con chim này ông lượm được trên đường, chim bị gãy cánh vì đụng phải những sợi dây thép. Ông thường ghé trường   Collège Le Myre De Villers ( từ 1953 thành Nguyễn đinh Chiểu ) nơi ba tôi đang học nội trú để cho xâu chim, ba tôi mang xâu chim tới quán ăn quen gần Cầu Thiền Đức nhờ họ làm dùm.
    Còn câu chuyện rất đặc biệt nữa là :
       - Lúc đi dạy ở Mỹ Thọ , ông được cấp một căn nhà để ở , ông ở một mình , nhà không có cửa hậu , chỉ duy nhất một cửa cái . Vậy mà ông bị Ma Nhát nhiều lần trong căn nhà này .Cứ vài bữa sau khi đi dạy về thì dưới nền nhà tập vở học sinh vứt tung toét trên nền nhà ( tập học trò ông mang về nhà để chấm điểm ) . Rồi nồi cơm của ông thường bị bỏ tro vô !

Một bữa ông nội gặp một Gánh hát  Sơn Đông Mãi Vỏ , ông kể chuyện này với ông chủ gánh, ông nói chuyện với ông chủ gánh về chuyện nhà ông hay bị ma phá. Ông này cho ông Một Lá Bùa, dặn dọc trên đường cầm về nhà không được nói chuyện gì với ai, rồi tới nhà leo lên cây cột cái dán Lá bùa đó trên đầu cột. Vậy là từ bữa đó về sau hết có hiện tượng này xảy ra !
Để đền ơn, ông nội mời nguyên gánh hát về nhà ở trong thời gian biểu diễn và bán thuốc ở đây ( trước đó họ ngủ lại chợ )
   Ông chủ gánh còn truyền cho ông nội một số bùa chú để trị bịnh giúp người  miễn phí như những trường hợp đẻ khó, trặc chân tay, mắc xương cá, côn trùng cắn. Nhưng mỗi lần làm xong ông nội phải cúng Tổ một con gà luộc !
Sau này ông nôi có truyền lại cho ba tôi, ông thực hiện một thời gian, cũng thấy có kết quả nhưng việc cúng tổ con gà làm ông thấy rắc rối , nên sau đó bỏ nghề tay trái giúp người này. Vậy là bí kíp này bị thất truyền !
   Cũng dịp này con cháu đã được viếng thắp nhang cho mộ phần tổ tiên , ông bà nội, chú bác ... Đặc biệt mộ ông nội, mộ ông cố hiện tại chỉ là những ô vuông đất được bao bọc từng ô bằng những viên gạch đá ong cũ kỹ, đơn sơ theo nếp nhà xưa của ông cố. Lúc ông nội yếu, một bữa tối ông kêu người con trai thứ Sáu - bác Sáu tôi - lấy giấy viết ra, ông nội đọc cho bác Sáu viết tờ khai tử cho ông nội, để sau này khai báo với Làng Xã .
Ông còn kịp dặn dò ông mất xong sáng chôn trong đất vườn liền sau khi nộp tờ khai ông làm sẵn. Không làm mộ, nơi chôn ông chỉ san bằng rồi trồng chuối lên ! Và ngay đêm đó, ông đớ lưỡi rồi mất !
Với quan niệm nho giáo của ông là "ăn của thổ thì quờn lại cho thổ"

Giờ con cháu chỉ nhớ mang máng vị trí đó, đắp những cục gạch vuông quây thành từng ô.  Tượng trưng cho những ngôi mộ Tổ Tiên .
    Hành trình Về Quê Nội kết thúc lúc 10 giờ tối cùng ngày, con cháu chia nhau từng bao lớn đựng đầy trái cây tự tay mình thu được trong vườn Nhà Nội. Trước lúc chia tay, chúng tôi lại hẹn nhau sẽ tổ chức một chuyến Về Quê Nội tiếp, cố gắng gom đủ con cháu các chú bác trên chiếc xe 50 chỗ ./.

    C T T (Chu Thúy Loan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét