Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016
Tản văn GỞI HÀNG VỀ VIỆT NAM - Sưu tầm trên net.
GỞI HÀNG VỀ VIỆT NAM.
Black Friday vốn được xem là ngày mở màn cho mùa mua sắm cuối năm ở Mỹ từ bao nhiêu năm qua. Điều này, giờ đây cũng được người trong nước biết đến. Thế là, nhiều người Việt khá giả có thân nhân ở Mỹ cũng đợi ngày này để nhờ mua đồ giảm giá dùm.
Mà mua rồi thì phải tìm đường gửi về. Nếu sẵn dịp có ai đó về thăm quê, năn nỉ nhờ họ xách về dùm thì “quá khỏe.” Còn bằng không thì chỉ có một cách duy nhất là ra những đại lý nhận chuyển hàng chuyển quà về Việt Nam để mà gửi.
Nhưng, có một lần thử mang hàng ra đại lý gửi mới cảm nhận được tâm trạng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” về những nhiêu khê tiềm ẩn.
Hai đứa cháu chồng ở Sài Gòn cũng thuộc loại dân “sành điệu” nên tự biết lên internet để mà tìm kiếm mua hàng từ các website uy tín.Một đứa thì chủ yếu mua quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ con từ Amazon.com, tự thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tôi chỉ việc cho mượn địa chỉ nhà để Amazon giao hàng tới (vì đến giờ nhà buôn bán hàng trên mạng lớn nhất này vẫn chưa có dịch vụ giao hàng về Việt Nam.)
Một đứa thích mua giày, kính mát và kem dưỡng da thì ghi tên món đồ nó muốn rồi nhờ tôi mua và trả tiền dùm, bởi những nơi này chưa nhận thanh toán từ Việt Nam. Dĩ nhiên là hàng cũng gửi về nhà tôi trước.Sau gần cả tháng tìm tìm, mua mua, rồi chuông nhà không biết bị bấm bao nhiêu lần, cửa nhà không biết bị đập rầm rầm bao nhiêu cái bởi những người giao hàng, cuối cùng thì nào giày, nào dép, nào áo, nào quần, nào kem dưỡng da, nào kem thoa mắt, nào mắt kính đen, nào dây cắm điện, hầm bà lằng xắn khấu đều đã được gửi về nằm chiếm một góc nhà.“Không có người quen nào về Sài Gòn dịp này hết. Mấy đứa chịu tiền cước dịch vụ để mợ gửi về nghen.” Tôi thông báo với tụi nó như vậy.
Có đứa phụng phịu “Vậy mất công con canh me mua hàng giảm giá.” – “Ừ, lấy tiền giảm giá đó trả tiền cước đi, vẫn còn rẻ chán so với mua ở Việt Nam.” Nghe tôi nói vậy, nó cười bẽn lẽn. (Bởi không cười cũng có được đâu).
Dồn hết đồ của tụi nhỏ thành hai tụng lớn, nói chồng mang đi gửi. Chồng đi gần hai tiếng, gọi về, “Em ơi, lỉnh kỉnh quá. Giờ anh mang thùng về để chia đồ ra. Mỗi thùng chỉ được gửi kèm hai đôi giày người lớn, 1 pound mỹ phẩm, 1 pound thuốc tây, 5 đôi giày con nít. Hơn những số đó thì phải đóng thêm thuế. Cước mỗi pound là $2.65. Không được gửi nước sơn móng tay. Anh mang giấy tờ về nhà để điền luôn cho dễ.”
“Trời, anh đi cả hai tiếng mà chưa gửi xong, giờ lại mang về nhà làm tiếp?” Tôi hỏi bằng giọng ngạc nhiên lẫn sửng sốt. “Mà sao rắc rối quá vậy?”
“Ừ, chia chia đồ một hồi anh phát quạu rồi. Lỉnh kỉnh tùm tum. Nên mang về nhà làm.” Chồng trả lời.
Tối đi làm về, chồng chỉ vào 4-5 thùng to nhỏ đủ cỡ, nói, “Anh tháo bỏ mấy hộp đựng giày dép rồi. Để luôn hộp choáng chỗ, tốn thêm tiền cước lắm.”
Đếm qua đếm lại. Cả chục đôi giày người lớn. Mỹ phẩm luôn cả quà tặng kèm theo cũng hơn 3 pounds chứ ít gì. Giày con nít thì cũng vừa tròn 5 đôi. Chia ra là phải rồi, nếu không muốn bị đóng thêm thuế.
Chợt nhớ có lần nhỏ cháu mua một lúc 5 cái kiếng mát. Nhìn cũng chả sang trọng gì cho cam, cũng không biết nó mua giá bao nhiêu. Nghe nói gửi về Sài Gòn khi đó cũng chỉ khoảng $2/lb. Thế là tôi mang ra gửi. Cô nàng chỗ dịch vụ gửi hàng nói “Mắt kiếng phải đóng thuế $5/cái nha chị. Trọng lượng tính riêng. Tiền đóng gói là $5/kiện.” Trời, vậy là gửi 5 cái mắt kiếng không có hộp hiếc gì hết, chưa gì đã phải tốn $30, cân tốt thiểu cũng 1 lb, vậy là ít nhất cũng $32.00. Có đáng không vậy trời. Nhớ khi đó tôi mang về. Tiếc tiền. Ít hôm sau có người quen nhờ cầm về giúp.Dồn giày, quần áo, đồ chơi trẻ con vào chung một thùng, cùng hai đôi giày người lớn, tôi bảo, “Thôi, để mai em mang đi gửi cái này trước cho nó, chứ con nít lớn như thổi, chần chừ hoài khi đồ về đến nơi nó còn mặc sao vừa.”
Nhìn cái thùng cũng đầy đầy, bỏ thêm vài miếng nilong đệm hơi vô là coi như đẹp mắt.
Hôm sau trên đường đi làm, tôi ghé đến nơi gửi hàng ông xã chỉ trên đường Moran.
Chưa bao giờ đi gửi hàng về Việt Nam nên xuống xe, tôi ngó dáo dát vào trong, thấy có nhiều người đang lui cui dán thùng hay gì đó. Bước vào hỏi, “Tôi muốn gửi đồ về Việt Nam.”
-Ừ, mang vô đi chị.
Thế là tôi khiêng cái thùng vô.
-Cái gì trong này hả chị?
-Dạ, giày người lớn, giày con nít, quần áo con nít và đồ chơi con nít..
-Mỗi thùng chỉ được 2 đôi người lớn, 5 đôi trẻ con thôi nha chị.
-Dạ.
-Chị điền giấy tờ dùm em đi.
Vừa điền giấy vừa nói thầm trong bụng, “Vậy thôi mà hôm qua ổng mất gần hai tiếng mà không được việc gì là sao?”
Sau khi chở tôi lục lọi ghi được đầy đủ tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ nhà xong xuôi, anh chàng nhân viên nơi đó đến ngó vô thùng lần nữa rồi hỏi “Đồ chơi này mắc tiền không chị?” – “Ba cái đồ cho con nít 2-3 tuổi này mà mắc gì, mười mấy hai chục đồng là cùng.” Tôi trả lời.
Anh chàng bỏ thùng lên cân. 15.5 lbs.
Lấy thùng xuống khỏi cân. Anh chàng lại cầm cái thước đo chiều dài, ngang, rộng của cái thùng đang chứa mớ đồ đó và nói “Chị chịu khó sắp đồ lại cho gọn đi. Vì nếu đựng thùng này thì chị phải trả tiền 20 lbs.”
Gì kỳ vậy trời. Thùng này họ đưa. Đồ bỏ vô cũng ngấp nghé tới miệng rồi. Mà sao lại có vụ trả tiền 20 lbs là sao?
Nghĩ vậy nhưng cũng ngồi lấy hết đồ ra rồi thử sắp vô lại coi có gọn gàng đỡ choáng chỗ hơn không.
Hì hục cũng một hồi. Gọn một chút.
Anh chàng quay trở lại, nhìn cái thùng rồi nói “Chị cũng phải trả thêm à, giờ em cắt thùng sát xuống nè”
Miệng nói, tay anh chàng cầm dao cắt giấy rạch rất nhanh quanh thành thùng, để dán thùng thấp xuống. Tay cầm băng keo dán xoẹt xoẹt xoẹt. Rồi thảy lên cân. Rồi phán, “Chị phải trả tiền cho 17 pounds nghe chị. Đỡ hơn hồi nãy 3 pounds.”
Tổng cổng là $45.00
Không biết cộng luôn tiền cước này cùng với thời gian mình bỏ ra cho ba cái chuyện phân chia, ghi giấy, sắp xếp thùng bọng như vậy liệu có bỏ công, đáng tiền chăng? Nghĩ vậy nhưng cũng phải móc tiền trả, không thì làm sao đồ Mỹ về được đến Sài Gòn.
Nghĩ chả trách sao đồ về đến Việt Nam giá thành tăng lên chóng mặt!
Rồi lại thoáng chạnh lòng, nhớ lại những ngày xưa, khi còn ở Sài Gòn, thỉnh thoảng người thân về, mang cho nào là kẹo, nào là xà bông gội đầu, nào là son, nào là cái áo thun, rồi lại cho hai ba trăm dô nữa. Lúc đó nhận quà vui lắm. Đâu nghĩ gì. Ngay cả khi cầm tiền của ba má cho cũng vậy. Nghĩ như một kiểu “tiền từ trên trời rơi xuống” thì cứ mang đi sắm thêm cái quần cái áo, hay bất kỳ cái gì mình thích chứ không phải mình cần. Tiền cho mà.
Mãi đến khi đã là cư dân nơi này, mới hiểu đồng tiền kiếm khó ra sao. Nhất là với người già. Dành dụm chắt chiu đến mức tối đa số “tiền già” lãnh mỗi tháng để gửi về cho con cho cháu, cho ruột thịt còn khó khăn ở quê nhà. Thế nhưng, người trong nước mấy ai hiểu điều đó. Cứ nghĩ sang Mỹ là giàu. Lạ vậy đó. Không giàu thì ở Mỹ làm chi. Nghĩ vậy mà thấy đồng tiền mình được cho nó không có giá trị đúng mức nó có.
Để đến khi sang nơi này, mới thấm thía. Mới chợt thấy thương cái cảnh mình ngồi sắp xếp lại cái thùng để đỡ tốn 3 pounds tiền cước, chưa đến $8. Nhiều hay ít, số tiền đó, tùy cách nghĩ mỗi người. Chỉ biết là mình vừa không dám phung phí, mà lại cũng cảm thấy sao mà nhiêu khê quá cho cái chuyện gửi hàng về Việt Nam.
Bao giờ thì VN cứ như ở Mỹ, cái thùng bưu điện đó, 3 cỡ to – nhỏ – vừa khác nhau. Cứ nhét đầy một thùng, dán chặt lại, là chỉ có một giá nhất định. Không cần biết mấy đôi giày, mấy hộp kem thoa mắt, cân tới cân lui, cắt xuống dán xuống. Khi nào tới ngày đó, là Việt Nam giàu. Và mình cũng chả cần phải canh mua hàng giảm giá dùm, rồi phải mắc công đi gửi dùm, từ Mỹ.
(source from NgocLan/NV daily News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét