( Tác giả và phía sau là cầu Golden Gate )
MỘT NGÀY Ở SAN FRANCISCO
LƯƠNG THÁI SỸ
O
Từ San Jose, theo Highway (Hyw) 101 và 280, tôi qua Foothill College ở thành phố Los Altos Hills (nơi các nghệ sĩ Việt trong nước sang Mỹ kiếm ăn thường chọn làm điểm tổ chức các sự kiện vì giá thuê sân khấu rẻ), qua campus Đại học Stanford và nhiều đại học khác, cả công lẫn tư để lên đỉnh cao Twin Peaks. Tại đỉnh cao này, trong tình hình thời tiết quang đãng tôi có thể quan sát rõ toàn thành phố San Francisco (SF), kể cả hòn đảo nhỏ từng là trại giam nổi tiếng Alcatraz và cầu vịnh Bay Bridge với hòn đảo nhỏ Treasure Island kết nối cầu cũ (2 tầng xe chạy) và cầu mới đến thành phố Oakland.
*
THÀNH PHỐ ĐI XUỐNG RỒI ĐI LÊN
Trên Twin Peaks, lần đầu tiên đến Mỹ tôi vào một restroom cơ động rất hôi, phải xếp hàng chờ và buồng dành cho các ông “vận hành” độc đào: cửa không thể đóng khi ta vào và...chỉ đóng khi đi ra! (toilet tại Treasure Island còn khủng khiếp hơn nữa vì nước bị tắc). Ở cầu Golden Gate vào restroom phải xếp hàng chờ khá lâu vào những ngày cao điểm nên nhóm các bà thường vào... chung một lúc và có nhừng kẻ vô ý thức vất cả giấy vào bồn tiểu. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến SF là đường sá lên xuống dốc và ngắn, hẹp, phảng phất không khí Đà Lạt và đường lên Lang Biang nhưng nhà san sát nhau. Vì là thành phố du lịch nên xe đạp nhiều hơn (có sẵn tại những điểm cho thuê ven đường) và những chiếc xe hơi gầm thấp dễ bị chạm mặt đường khi lên dốc. Nói chung là hệ thống đường sá ở SF không dành cho những tài xế yếu tim, phản xạ kém hoặc mới vào nghề. Đi qua những con dốc khúc khuỷu tôi đến dãy cầu tầu (Pier) ven biển gần công trình Palace of Fine Arts & Theatre thuộc quận Marina được xây dựng năm 1915 nhân dịp Panama-Pacific Expo để trưng này các công trình nghệ thuật trên diện tích 635 acres. Kiến trúc sư Bernard Maybeck thiết kế Palace of Fine Arts & Theatre theo phong cách La Mã, Hy Lạp và được xây dựng bởi các mộ phu từ châu Á sang và vẫn tồn tại vững chắc đến tận hôm nay. Bước vào Palace of Fine Arts & Theatre, cách Pier một con đường, tôi có cảm giác đi vào các tàn tích La Mã với sức hấp dẫn không hề thua kém. Khu biệt thự quanh hồ tuyêt đẹp có giá vài triệu USD. Nhà trưng bày không mở cửa khi tôi đến. Đây là điểm lý tưởng để chụp ảnh và camping gia đình trên những thảm cỏ. Gió biển tại Pier lồng lộng và lạnh hơn San Jose, một trong những thành phố phía nam chỉ hình thành sau khi SF quá tải. Nhà tại SF rất đắt và giá thuê phòng vài ngàn USD là chuyện bình thường nên chỉ những người có income cao mới tồn tại được. Nhà cổ tại SF mang phong cách Ăng-lê, có khi lai Pháp, Ý. Thành phố chật chội nhưng mọi khoảng trống đều phủ màu xanh và hoa, kể cả bậc thang trước nhà. Tuy nhiên, income bình quân của San Jose mới cao nhất nước Mỹ vì có Silicon Valley. SF có trung tâm tài chính với biểu tượng là ngôi nhà tháp nhọn nhiều tầng mà nếu đi đến đó bằng con đường chính ngang qua phố Italia nằm giữa dãy nhà cao tầng 3 làn xe chạy bạn có thể phải bỏ ra 2 tiếng để chỉ đi được...1 km vào giờ tan tầm! Ngồi trong xe bị kẹt bạn sẽ được thưởng thức nhạc sống từ những xe bên cạnh của những chàng trai cô gái không hề nôn nóng vì đã quá quen với cảnh kẹt xe như thế. Tôi đến SF khi viên cảnh sát trưởng da trắng vừa từ chức vì bị tố cáo kỳ thị sau khi để chết thêm một người da đen nữa vì súng. Thay ông là người phó da mầu. Tại Bay Bridge, một người đi mô tô phân khối lớn cũng vừa bị xe cán chết vì…chạy chậm bất ngờ giữa dòng xe hơi 3 lane. Tại SF, số xe lửa điện và đường dành cho xe lửa điện cũng rất nhiều và vẫn còn hoạt động tốt với ma trận đây diện rất ngăn nắp phía trên đầu. Vì SF là thành phố du lịch nên số xe buýt tour 2 tầng chở du khách cũng khá đông với giá vé cao thấp tuỳ vào số điểm tham quan. Bãi đậu xe hơi 20 USD/2 tiếng nhưng đậu cả ngày chỉ tốn thêm 7 đồng. Đậu xong, nếu vé còn thời gian, bạn có thể…bán lại cho người muốn đậu tại vị trí của mình trong thời gian còn hiệu lực.
*
CẦU GOLDEN GATE VÀ NHỮNG ĐIẾM NHÁN KHÁC
Khu cầu tầu là điểm du lịch quan trọng của SF với cả Aquarium, âu du thuyền, tàu ngầm, tàu chiến neo đậu và cho thuê tầu ngoạn cảnh vịnh SF. Khu buôn bán, giải trí sầm uất có không khí na ná Disneyland Hongkong. Ăn xin (không chìa tay, không đeo bám và có sáng tạo như giả nhát…ma, làm robot chụp ảnh chung) cũng có nhiều bên cạnh các nghệ sĩ đường phố xuất sắc nhận tiền tip và bán CD thu âm của chính họ. Chủ yếu là thối saxophone, có hay không phụ hoạ của dàn nhạc. Có vẻ họ chơi vì đam mê hơn là vì tiền. Tôi đến hai đầu cầu Golden Gate (đầu bên kia là Vista Point) và xuống cả mố cầu bên dưới. Không có nạn chèo kéo và bán hàng rong, xe đẩy (phải chi có xe nước mía ở đây vào những ngày nóng là hốt bạc!). Golden Gate là công trình kiến trúc vĩ đại với những sợi cáp treo khổng lồ mà thỉnh thoảng lại có một thằng khùng hoặc muốn nổi tiếng leo lên đó ngồi chơi làm tốn kém cho thành phố nhiều tiền bạc để đưa hắn xuống. Giải pháp là gắn nhưng tấm chặn trên dây. Bạn có thể đi bộ qua cầu với độ dài khoảng 2.700 m. Golden Gate có tên vàng nhưng không sơn màu vàng mà sơn mầu chống sét. Nội việc sơn lại cây cầu có độ tuổi 80 năm này cũng là cả một kỳ công. Tôi đến trước ngày cầu dừng hoạt động tham quan để kỷ niệm sinh nhật. Du khách của SF đa số là người nước khác. Quay lại nội thị SF các bạn thử thần kinh của tôi bàng cách cho xe đi qua những đoạn đường dốc và ngắn nhất SF với những nhánh đâm thẳng ra...biển để vào đoạn chữ chi 8 khúc dốc, xuống đường Lombard qua khu dân cư với tốc độ xe vài km/giờ. Từ trên cao bạn có thể nhìn những con đường thấp bên dưới. Lần đầu tiên bạn tôi, dù đã sống tại Mỹ nhiều năm thấm được đòn kẹt xe tại trung tâm tài chính SF (lớn nhất ở phía tây nước Mỹ, phía đông là Wall Street ở New York) trước khi thoát ra được để vào tầng dưới cầu Bay Bridge 2 tầng. Đây là trải nghiệm "khủng khiếp" nhất của anh sau tay lái! Khu tài chính có cả phố Italia với các hoạt động kinh doanh của người Ý và đậm chất Ý. SF có Chinatown thâm niên của người Hoa. Người Philippines không có khu phố riêng nhưng dân số nghe nói còn đông hơn người Hoa. Qua cầu Bay cũ tôi tham quan Đảo Châu báu (Tresure Island), nơi có căn cứ hải quân bỏ hoang đang tẩy nhiễm, trước khi đi sang cầu mới để vào cảng Oakland, điểm trung chuyển hàng hoá chính sang nam Việt Nam thời chiến tranh và ngang qua Berkeley đến thành phố Oakland nơi có một khu da đen cộm cán tội phạm mà nhiều cư dân ở đó mỗi ngày không bắn... một phát súng thì ăn không ngon! Cũng giống như du đảng khu cảng Khánh Hội Sài Gòn nức tiếng một thời. Có những đoạn đường tại Oakland ban đêm vắng tanh người cũng vì tội phạm. Kết thúc một ngày tham quan SF để thấy San Jose là nơi lý tưởng nhất nếu tôi chọn Cali làm nơi an dưỡng tuổi già. Sống ở đây, tôi không thấy (và có lẽ trên toàn nước Mỹ) những tấm biển "coi chừng xe ra vào thường xuyên" như tại Việt Nam, vì ý thức nhường đường ưu tiên là rất cao. Cũng không có chuyện lách xe lên và mắng người dừng xe chờ phía trước là "lão khùng". Cái vẫy tay cảm ơn và nhường đường là chuyện bình thường. Nước Mỹ để lại dấu ấn trong tôi không phải sự vĩ đại và hào nhoáng của nó mà là sự tôn trọng người tàn tật (ai vi phạm nơi dành riêng cho họ sẽ bị phạt nặng), nơi trẻ em là "vua", phụ nữ được tôn trọng và người nghèo được bảo đảm có cái ăn và chăm sóc y tế ở mức chấp nhận được. Dĩ nhiên, không có xã hội nào là toàn vẹn, nhưng Mỹ là một trong những nơi đáng sống nhất thế giới với rất nhiều cơ hội dành cho những người có óc sáng tạo, chịu khó và muốn vươn lên. Người Mỹ cũng có ý thức cộng đồng và chăm lo cho thế hệ tương lai hơn là chỉ chăm bẵm lo cho cá nhân và gia đình "ba thế hệ". Ý thức tự lập được hình thành từ khi còn bé...
(SAN JOSE 28.5)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét