Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016
Tản mạn VẼ RẮN THÊM CHÂN - Sưu tầm trên mạng.
Tản mạn VẼ RẮN THÊM CHÂN ( Sưu tầm trên mạng )
Người Việt Nam chúng ta rất thích dùng các thành ngữ. Đó là những câu nói có một ý nghĩa nhất định thường liên quan đến một điển tích. Nhưng đôi khi vì dùng quá nhiều lại trở nên bị dùng sai lệch, hiểu sai lầm. Dưới đây là những ví dụ về những thành ngữ bị nói sai theo thời gian:
1. "Xa chạy cao bay" nguyên thuỷ đã dần dần thành "Cao chạy xa bay"
2. "Chủ vắng nhà gà vọc niêu tôm" lúc đầu, dần dần bây giờ thành " Chủ vắng nhà gà mọc đuôi tôm" .
3. "Ra môn ra khoai" nguyên thuỷ, nay lại thành "Ra ngô ra khoai"
4. "Dâu ông nọ chăm tằm bà kia ", trở thành " Râu ông nọ cắm cằm bà kia".
5. "Chân đăm đá chân chiêu" lại trở thành "Chân nam đá chân chiêu"
6. "Bầu dục chấm mắm cáy " thành " Dùi đục chấm mắm cáy".
7. "Ướt như chuột lội" trở thành "Ướt như chuột lột".
Hay như câu "Vẽ rắn thêm chân " có tích Tàu:
Nước Sở có một người, thưởng cho các môn khách một bình rượu.
Các môn khách đều nói: "Bình rượu này mà cho nhiều người uống, tất nhiên là không đủ; cho một người uống thì lại thừa thãi. Hay là để chúng tôi mỗi người tự vẽ trên đất một con rắn, ai vẽ xong trước thì để cho người ấy uống". Mọi người đều tán thành.
Một lát sau, có người vẽ xong một con rắn, rất đáng được uống rượu, anh ta nhìn người khác đang còn vẽ vẽ, thì trong lòng rất là đắc ý, bèn đưa tay trái ra nhấc bình rượu, tay phải tiếp tục vẽ vẽ, khoe khoang nói: "Tôi còn có thể vẽ thêm chân cho rắn".
Người biết vẽ chân rắn chưa vẽ xong, thì một người khác đã vẽ xong con rắn, đoạt lại bình rượu nói: "Rắn vốn là loài không có chân, sao anh lại thêm chân cho rắn chứ?"
(Chiến quốc sách)
Người kiêu ngạo thì luôn là như thế, không những hại mình mất tiếng tốt, mà còn bị người khác coi thường.
Người kiêu ngạo thì hay tâng bốc người khác để người khác tâng bốc mình. Họ giống như trái banh da được các thủ môn (đá) phát bay rất cao rất xa, mà không biết mình rơi xuống nơi cầu thủ nào trên sân cỏ!
Người kiêu ngạo cũng giống như anh chàng vẽ rắn thêm chân, đem cái không có bỏ vào nơi cái có để thỏa mãn tính khoe khoang của mình; phê bình cái đã có, đả phá cái sẽ có để biện minh cho sự hiểu biết và giải thích của mình là đúng theo "truyền thống" của kinh điển!
Nói chung dùng thành ngữ không phải dễ vì đôi khi chúng ta hiểu sai và người đời dễ thấy người khác kiêu ngạo, khoe khoang nhưng ít khi thấy rõ rằng chính mình cũng khoe khoang, kiêu ngạo không kém. Ông bà xưa dạy rằng: ngậm máu phun người dơ miệng mình là vậy. Đôi khi cuộc đời là một sân khấu lớn mà mỗi chúng ta vừa là một diễn viên vừa là khán giả, và đầy những nghịch lý: khi chúng ta chê người khác tự cao tự đại thì chính chúng ta cũng tự cao tự đại không kém gì. Và ông bà xưa cũng nhắc con cháu rất thâm thuý: cười người hôm trước hôm sau người cười.
TRẦN MINH HIỀN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét