Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

THIÊN TAI VÀ THIÊN THU - Hồ Đình Nghiêm (Từ trang ngo-quyen.org)



Lời Giới Thiệu: tháng 5, sắp đến ngày sinh nhật của một chs NQ K9 rất nổi  nổi tiếng, chs NQ K9 Nguyễn Hoàng Hải, Nhà Thơ bạc mệnh Nguyễn Tất Nhiên (30/5/1952 -3/8/1992) Anh có một chỗ đứng trong lòng học trò Trung học, trong lòng những người trẻ với tình yêu thánh thiện đầu đời.

BBT trang nhà xin giới thiệu một bài viết của Nhà Văn Hồ Đình Nghiêm ở Canada nhắc lại một thời tuổi trẻ có "chữ tài liền với chữ tai một vần" của Thi Sĩ Nguyễn Tất Nhiên.

Xin cùng đọc để nhớ đến đến Nhà thơ với những mối tình trong và ngoài cổng trường Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa.
 
Thiên Tai Và Thiên Thu
Hồ Đình Nghiêm

NTN_5-large-contentNhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992)
dinhcuong
Cuối tháng 5, nhằm ngày sinh của một nhà thơ vắn số, bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Người mà có dạo sinh viên học sinh miền Nam, từ 1970 đến 1975 đều yêu mến chất giọng lạ thường của anh, lại được nhạc sĩ Phạm Duy phổ dăm ba bài thơ thành ca khúc, như một chắp cánh, tên Nguyễn Tất Nhiên tất nhiên trở thành một hiện tượng. Tuần báo Tuổi Ngọc số 141 phát hành ngày 5 tháng 8 năm 1974 có đăng bài phỏng vấn dưới tựa: Nguyễn Tất Nhiên: Năm Năm Tình Lận Đận. (Nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 45, tháng 1/2011. Cám ơn nhà thơ nhà văn Trần Hoài Thư).
Có thể tâm sự của nhà thơ ít có người đọc thấy, tôi xin chép lại để chia sẻ, ghi nhận và tưởng tiếc về một người làm thơ rất sớm ở Trung Học Ngô Quyền, Biên Hoà và nổi tiếng khi vào trường Luật ở Sài Gòn.

Tuổi Ngọc (T.N): Bạn làm thơ nhiều?
Nguyễn Tất Nhiên (N.T.N): Thưa, ít. Bởi tôi rất quý chữ nghĩa, nên lúc nào cũng tự khó khăn với chính mình. Thứ nữa, tôi rất sợ làm độc giả thất vọng hay nói cách khác, tôi rất sợ bị chê!

T.N: Những bài thơ đã phổ nhạc có phải là những bài thơ bạn ưng ý?
N.T.N: Thưa, không. Như đã nói, tôi chỉ yêu một bài thơ cũ, Linh Mục. Thuở ấy, tôi thiệt thà đôn hậu lắm. Thuở ấy nhà tu sáng chói trong tôi. Thuở ấy…
T.N: Thuở ấy, có phải bạn sắp nhắc tới tên một người con gái?
N.T.N: Vâng, thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài. Cũng nên mở dấu ngoặc nơi đây. Duyên sắp có chồng!
T.N: Nguyễn Tất Nhiên có in một tập thơ?

Thien_Tai-large
N.T.N: Vâng, tập Thiên Tai, năm 1970, ngồi lớp 12B. Tôi nhớ rằng mình đã bỏ học gần trọn năm với tập thơ này, chỉ vì Duyên. Tập thơ vừa in xong thì bão lụt miền Trung ầm ầm, quả là Thiên Tai! Nhân đây, tôi muốn nhắc đến hai người ơn. Anh Đinh Cường đã đem tên Đinh Cường của mình ký hẳn hoi lên bìa “chùa” vẽ cho thằng con nít tôi, hồi đó. Cha Lê Hoàng Yến, giám đốc trường Trung học Khiết Tâm, Biên Hoà- đã tận tình giúp đỡ, thương mến tôi, trong khi, chính những thầy tôi lại lơ là, khi dể.
T.N: Tại sao tập thơ tình lại có nhan Thiên Tai?
N.T.N: Người tình là Thiên Tai. Ngày xưa tôi nghĩ vậy!

T.N: Bạn đã gặp may mắn hay trở ngại nào ở tập thơ thứ nhất?
N.T.N: Như cái nhan đề của nó vậy. Và còn ảnh hưởng về sau này. Cũng nhân đây, tôi muốn ngỏ lời cám ơn các bạn nhỏ của tôi ở Ngô Quyền, Biên Hoà. Đã tiếp tay giúp tôi trong những sinh hoạt văn nghệ. Và cũng là một lời xin lỗi. Mong các bạn nhỏ hiểu giùm, đợi một ngày gần đây…
T.N: Bạn cho bạn ngọc biết qua về đời sống riêng của bạn một chút nếu tiện, chẳng hạn như sinh hoạt chính hàng ngày?
N.T.N: Học Luật. Cô đơn. Túng thiếu. Lang thang. Khổ tâm. Sinh hoạt chính hàng ngày: buồn bã và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của mình. Lúc gần đây, có thêm một đam mê mới: Kịch nghệ. Anh Lê Cung Bắc là người khuyến khích và hướng dẫn tôi trên địa hạt này.
T.N: Cuối cùng. Nguyễn Tất Nhiên, bạn còn muốn nói thêm gì chăng?
N.T.N: Có lẽ, nên thôi. Bởi tôi sắp sửa đề cập tới nàng con gái khác, trong bài “Hai Năm Tình Lận Đận”. Nàng con gái khác nữa trong bài “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ”… Trong khi, tôi muốn lúc nào tôi cũng một tên Duyên!
Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 tháng 5, 1952 ở Biên Hoà. Mất ngày 3 tháng 8, 1992 ở Garden Grove, California. Hưởng dương 40 tuổi. Tác phẩm đã in:
– Nàng Thơ Trong Mắt (thơ, cùng với Đinh Thiên Phương. Biên Hoà, 1966)
– Dấu Mưa Qua Đất (thơ, cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình. Biên Hoà, 1968)
– Thiên Tai (thơ, tác giả xuất bản, Sài Gòn 1970)
– Thơ Nguyễn Tất Nhiên (góp nhặt từ 1969- 1980, Nam Á Paris, 1980)
– Chuông Mơ (thơ, từ 1972- 1987, Văn Nghệ California, 1987)
– Tâm Dung (thơ, Người Việt California, 1989).
Tôi xin chép lại sau đây một bài thơ mà tôi yêu thích, có thể nó chất đủ, mang nguyên vẹn chất giọng “sầu khổ dịu dàng” cá biệt của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên:
THIÊN THU
Sao thiên thu không là xa nhau?
Nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
Tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
Và một con đường cúp điện rất lâu
Sao thiên thu không là chôn sâu?
Nên nắng xưa còn hanh mái tóc nhầu
Tôi đứng như xe tang ngừng ngập
Và một họ hàng khăn trắng buồn đau
Sao thiên thu không là đường chim?
Nên mây năm xưa còn trên tay phiền
Tôi đứng như tường vôi luống tuổi
Và những tàng xanh chùm gởi quê hèn!
Sao thiên thu không là lãng quên?
Nên tình xưa còn cháy âm thầm
Tôi đứng như căn nhà nám lửa
Và những người thân trốn chạy vội vàng!
Sao thiên thu không là sương tan?
Nên mặt trời xưa còn gượng huy hoàng
Tôi đứng như dòng sông im lặng
Và những cánh buồm kiệt sức lang thang!
Sao thiên thu không là thiên thu?
Nên những người yêu là những ngôi mồ
Tôi đứng một mình trong nghĩa địa
Và chắc không đành quên khổ đau!
1970
Ở Việt Nam, ngày ấy, tôi chưa từng tới Biên Hoà. Ở Sài Gòn, ngày nọ, tôi từng lang thang nhưng không có duyên gặp mặt anh sinh viên trường Luật ưa lang thang. Tôi sang Canada mà chẳng có dịp rộng cẳng đi thăm thủ đô tị nạn bên Cali. Chung cuộc là không gặp mặt tác giả “Thiên Tai” và một hôm buồn tiếc khi hay tin nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đường đột qua đời, về ở hẳn với Thiên Thu.
Tôi đứng như tường vôi luống tuổi….
Và nhạt nhoà những chữ nhớ anh”.
Hồ Đình Nghiêm
Montréal tháng 5, 2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét