( Ông Thái hữu Kiểm )
Ai là ông già Ba Tri?
Nguyên và bị đơn cùng kéo nhau đi bộ cả ngàn cây số để tìm công lý. Có người không liên quan cũng lót tót đi theo để… làm chứng!
Trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc, từ ông già Ba Tri là thành ngữ để chỉ người khẳng khái, cương quyết, không chùn bước trước bất công. Có tài liệu ghi: Lúc làm Kinh lược sứ trấn Vĩnh Long, Phan Thanh Giản đã giảng đi giảng lại cho nhiều người hiểu đúng rằng ông già Ba Tri là người già mà quắc thước, can đảm, người có công sửa làng, giúp nước, lập chợ, mở đường.
Giai thoại về ông già Ba Tri bắt nguồn từ ông Thái Hữu Kiểm ở phủ Hoằng Trị, tỉnh Long Hồ (huyện Ba Tri, Bến Tre bây giờ). Thời Gia Long tẩu quốc, ông Kiểm từng có công giúp Nguyễn Ánh nên được phong chức Trùm cả An Bình Đông, được dân gọi là Cả Kiểm.
Ngăn rạch cản đường
Nguyên đời Lê Cảnh Hưng, ông Thái Hữu Xưa (ông nội ông Kiểm) từ phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vào ven rạch Ba Tri lập trại, lập làng, sinh cơ dựng nghiệp. Làng của dòng họ Thái lập ra có tên là Trại Già, là do xưa kia ở đây có rất nhiều cây già. Năm 1806, ông Kiểm khai kinh, mở đường nối rạch này với những con sông khác, dựng chợ gọi là chợ Ba Tri (thời ấy gọi là chợ Trong). Buổi đầu chỉ là một cái chợ chồm hổm nhưng nhờ giao thông thủy-bộ thuận tiện, người ta theo sông Hàm Luông, Cổ Chiên qua chợ Trong buôn bán thuận lợi nên dân các làng lân cận như Mỹ Chánh, Phú Lễ, Bình Tây kéo về buôn bán tấp nập. Khách thương hồ từ Mỹ Tho, Trà Vinh, Gia Định… cũng giong buồm tìm đến. Làng xã phát triển ngày càng phồn thịnh.
Trước đó phía đầu rạch Ba Tri, ông Xã Hạc đã lập chợ Ngoài. Từ khi có chợ Trong, chợ Ngoài vắng khách. Ông Xã Hạc đắp đập trên rạch Ba Tri, không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vào chợ Trong nữa. Lần này đến lượt chợ Trong ế khách. Ông Kiểm bất bình, đâm đơn kiện. Quan phủ xử “Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình”. Chợ Trong coi như thua. Người xưa có câu ca dao nói về sự tranh chấp ấy, rằng:
Đố ai con rít mấy chưng
Cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người
Chợ Dinh bán áo con trai,
Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim.
Leo đèo vượt núi đi kiện
Không đồng tình với phân xử của quan phủ, ông Cả Kiểm đi bộ từ Ba Tri ra kinh đô Huế để đưa đơn nhờ vua phân xử. Thời đó từ Nam Bộ ra Huế chỉ có hai cách: đi bộ hoặc đi ghe bầu. Đi ghe bầu phải chờ tới mùa gió thuận. Đường bộ thì lại lắm đèo, nhiều dốc hiểm trở, đầy cọp, beo và giặc cướp ở dọc đường. Ông Cả Kiểm không chờ ghe bầu mà nhứt quyết đi bộ cả mấy tháng trời.
Lúc đó vua Minh Mạng vừa lên ngôi. Vua Minh Mạng cho tra xét, biết được gia đình Cả Kiểm biết khai kênh mở chợ nên phán “Dù là làng riêng nhưng rạch là rạch chung, là đường giao thông chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ Trong. Phủ Huyện phải cho dẹp bỏ đập”... Vua Minh Mạng lệnh cho quan Phủ Hoằng Trị và tỉnh Long Hồ phá đập.
Câu chuyện trên đây đã lưu truyền trong dân gian và được ghi lại trong một số sách như: Monographie de la province de Bến Tre (Chuyên khảo tỉnh Bến Tre) do một người Pháp soạn năm 1929, Kiến Hòa xưa và nay của Huỳnh Minh (1965), Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1954) của Nguyễn Duy Oanh (1971).
Cũng như các truyện kể dân gian khác, chuyện này có nhiều dị bản khác nhau. Chi tiết các dị bản khác nhau là về nhân vật. Có chuyện chỉ ghi tên chung chung ông già Ba Tri mà không nêu tên cụ thể. Có chuyện ghi đích danh ông Cả Kiểm. Các chuyện cũng khác nhau về chi tiết ông Kiểm kiện, chuyện bảo đi một mình, chuyện bảo đi với hai người khác. Có chuyện xác định ông cùng hai ông bạn già là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi nhưng có chuyện khẳng định ông Kiểm đi cùng với ông Cả Hạc và một người làm chứng.
(Chợ Ba Tri ngày xưa và chợ Ba Tri hôm nay. Ảnh tư liệu và CTV)
Ai là ông già Ba Tri?
Theo nhà báo Phan Tấn Hà, năm 1999, sau khi đăng bài báo về ông già Ba Tri, ông Thái Hữu Yến (ngoài 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, sống tại phường 7, TP Bến Tre), hậu duệ đời thứ sáu của ông Kiểm, đã lên tiếng phản hồi, cung cấp nhiều thông tin thú vị, độc đáo về ông già Ba Tri.
Theo ông Yến thì chính Cả Hạc, chủ chợ Ngoài, là một trong hai người cùng đi với ông Kiểm ra Huế. Ông Kiểm và ông Cả Hạc vốn là bạn thân, sau vụ đắp rạch, về tình, hai người vẫn giữ được hòa khí nhưng về lý thì chẳng ai chịu ai. Quan phủ Vĩnh Long xử Cả Hạc thắng kiện nhưng ông Kiểm không chịu, đòi ra Huế nhờ vua phán xử. Cả Hạc muốn cho ông Kiểm “tâm phục khẩu phục” đã đồng ý hùn tiền để ra Huế nhờ vua xét xử coi ai đúng, ai sai. Hai người còn mời ông Trần Văn Tới cùng đi với vai trò làm chứng. Đằng đẵng gần trăm ngày đêm trèo đèo, lội suối, vượt qua bao gian truân vất vả, hai con người vừa là bạn, vừa là “bên nguyên - bên bị” đã ra tới kinh thành. Sau khi phân tích tình tiết một cách thấu tình đạt lý, vua phán xử ông Kiểm thắng kiện. Xong việc, cả ba lại quày quả đi bộ về quê.
Sau vụ kiện, hai ông Cả Kiểm và ông Cả Hạc vẫn sống tình nghĩa với nhau như thuở nào. Đó là một hành xử đẹp của người phương Nam thời mở cõi. Nhưng ngẫm lại, chuyện hai ông bạn tức lý nên phải lội bộ cả ngàn cây số đi kiện đã đành. Còn “người làm chứng”, chẳng dính dáng quyền lợi, chẳng tranh chấp với ai cũng lội bộ đi theo mới là chuyện lạ. Giữa ba người ai xứng với cái tên ông già Ba Tri hơn cả thật không dễ trả lời!
Vua Minh Mạng triệt để chống bè phái, lệ làng
Vua Minh Mạng chủ ý xây dựng nhà nước trung ương tập quyền. Thời Gia Long, đất nước chia làm Bắc Thành, Gia Định Thành do một tổng trấn trực tiếp cai trị. Sau loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng xóa bỏ cơ chế này, chia cả nước ra làm 30 tỉnh và kinh thành do triều đình trực tiếp cai quản. Để chống tình trạng cát cứ, bè phái địa phương, nhà vua còn ra quy chế Hồi tị, theo đó:
Khi bố trí quan về trị nhậm tác các địa phương cần phải tránh những nơi: Quê gốc (quê cha) là nơi có quan hệ họ nội nhiều đời; trú quán là nơi bản thân đã ở lâu, học hành, sinh hoạt; quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ là nơi theo học trước đây). Triều đình không được bổ dụng quan lại về một trong những địa phương quy định trên. Nếu ai man trá sẽ bị nghiêm trị.
Các quan lại ở các nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là bố con, anh em ruột, anh em con chú con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác. Các quan lại không được làm quan ở nơi cư trú (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình; thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ, huyện là quê hương của mình. Các lại mục, thông lại các nha phủ thuộc phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác. Các quan viên từ tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô dự đình nghị, song trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình trị nhậm thì không được vào dự…
Chính với quan điểm ấy thì việc xóa bỏ ngăn sông cấm chợ là điều tất yếu. Trong vụ án bên cạnh, ý chí triều đình phù hợp với nguyện vọng chính đáng của dân. Vì vậy, xung đột lợi ích đã không xảy ra.
LÊ ĐẠI ANH KIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét