Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017
Viết từ phương xa CÁI SỐ MỆNH PHỤ - Jim Dieu.
Cái Số Mệnh Phụ Phu Nhân Thời Thượng
“Xuân chưa qua đòi xem nắng Hạ
Đến độ Thu về kiếm gió Đông”
Diệu đang ngồi trước cái gương lớn trong phòng ngủ thẫn thờ suy nghĩ về việc trọng đại ngày hôm nay trong cuộc đời mình, đó là lễ cưới của nàng cùng một Việt kiều tên là Nam. Người đàn ông này lớn hơn Diệu mười tám tuổi, gần bằng cái tuổi của cha nàng. Cũng chính vì thế, có nhiều người trong gia đình của Diệu cho Nam là già rồi. Nhưng Diệu thầm nghĩ thì Nam cũng chẳng già gì cho lắm, vả lại nước da của chàng hồng hào trẻ trung ra phết và cũng điển trai nữa chứ, “Việt kiều mà lỵ”, mới có bốn mươi ba tuổi mà già cái gì.
Diệu còn được mấy người trong xóm gọi là Diệu Ù vì thân hình của nàng có hơi đẫy đà, nở nang và phần mông căng phồng của nàng cũng hơi to lớn hơn những cô con gái cùng lứa tuổi. Nước da của Diệu rất trắng chỉ vì nàng may mắn được làm việc bên trong nhà thường xuyên chứ không phải đi ra đường buôn bán cực khổ như những cô gái khác. Khuôn mặt của nàng tròn trịa theo sự phát triển của cơ thể mình. Diệu có đôi lông mày khá đậm chạy dài trên đôi mắt đầy khiêu gợi mà chú Tư Thành ở ngoài đầu ngõ đã nói với Diệu đó là đôi mắt của người “mệnh phụ phu nhân” hai tháng trước đây khi Diệu đến đưa thiệp cưới để mời ông ta đi dự. Mới hơn ba mươi tuổi đầu nhưng chú Tư Thành trông rất già dặn qua mái tóc muối tiêu và khuôn mặt đầy hẻm hốc của ông và cũng chính vì thế mà Diệu gọi bằng chú mặc dầu họ đã chơi đùa chung với nhau rất thân khi còn bé. Ngoài ra chú Tư Thành còn nói là số của Diệu sau này rất sướng, không cần phải làm gì cả mà cũng có ăn, cho nên ông ta muốn “quan hệ mật thiết” với Diệu nhiều hơn trước khi Diệu sang bên Mỹ. Trời đất ơi, ông già dịch già dê ơi. Ông già này nghèo mà còn ham nữa, Diệu thầm nghĩ.
Mỗi khi cười thì hai làn môi bên phải của Diệu cong xuống đầy quyến rũ làm cho mấy thằng con trai trong xóm chết điếng cả người lên, bởi thế Diệu trải đời rất sớm. Đám bạn gái của Diệu sau khi xem xong cuốn phim “Charlie Angels” thì họ nói Diệu có vài nét giống như nàng tài tử Hoa Kỳ Drew Barrymore. Điều này đã làm cho Diệu kiêu căng hơn trước nữa mỗi khi tiếp xúc với bạn bè vì ta đây sắp làm mệnh phụ phu nhân và ta đây cũng giống một minh tinh màn bạc chứ bộ. Lúc đó Diệu nhờ Trang, đứa em gái của Diệu, tập cho nàng một kiểu cách thật giống và một nụ cười đầy tình tứ của vị tài tử này. Sau khi quen được Nam vài tháng, Diệu đòi Nam phải tìm mua cho bằng được những bộ quần áo giống như cô minh tinh Drew này đã mặc để cho nàng giật le với thiên hạ.
“Trời ơi, cái bà này làm lẹ lên đi họ trai đến rồi đó!”
Tiếng của Trang gọi làm cho Diệu trở về với thực tại. Nàng mở nụ cười bất hủ của mình, nụ cười mà Diệu đã cho là nụ cười đáng gía nghìn vàng của minh tinh điện ảnh, rồi nhìn người em gái qua cái gương một lúc lâu rồi thủng thẳng trả lời:
“Làm gì mà phải gấp gáp dữ vậy, nó chờ hơn cả năm nay còn được mà chờ thêm vài phút nữa thì chết sao?”
Nói xong Diệu nhờ Trang đội cái vương miện cô dâu lên đầu của mình rồi nhí nha nhí nhảnh tiếp tục nhìn ngắm khuôn mặt của nàng trên gương thêm vài lần rồi mới chịu đứng lên. Diệu kéo đứa em gái của mình tới sát bên cạnh người để cả hai cùng ngắm vào cái gương. Diệu giờ đây nhận thấy Trang lúc đó mới mười sáu tuổi thôi mà có vẻ đã trưởng thành rồi và cũng không kém phần xinh đẹp, có thể nói là xinh đẹp hơn Diệu nữa.
Ngắm gương và sửa soạn xong, hai chi em hớn hở nắm tay nhau cùng đi ra ngoài phòng khách để chào đàng trai và hai họ, nhưng lúc đó trong lòng của Diệu cảm thấy lâng lâng một cách kỳ lạ. Khi hai chị em bước ra tới bên ngoài, Diệu cảm thấy căn phòng đột nhiên im lặng một thời gian ngắn rồi bắt đầu có tiếng xì xào, có lẽ là họ đang bàn tán về sắc đẹp của cô dâu, Diệu nghĩ thầm. Và sau khi nhìn thấy mọi người đều nhìn về hướng nàng như để trầm trồ khen ngợi, Diệu nở mũi lên lớn hơn. Tim nàng đánh thình thịch trong lòng ngực cả chục lần chỉ vài giây đồng hồ còn tai nàng dường như bị ù lên và Diệu thấy kiêu hãnh vô cùng. Phải như vậy mới được chứ, vì ta là mệnh phụ phu nhân đấy mà, Diệu tự nhủ.
Sau khi làm lễ chào ông bà và cha mẹ xong, Diệu cùng chú rể và cả gia đình đi ra ngoài đầu hẻm để lên xe hoa đi đến nhà thờ Đức Bà chụp ảnh. Lúc đi ngang qua nhà của bà Thanh, chỉ cách nhà của Diệu vài căn, thì Diệu nghe bà Thanh đang lớn tiếng xí xọn với bà Sáu trong xóm:
“Con Diệu ù này sao tốt số quá, nó lấy được thằng chồng Việt kiều bảnh bao như thế là nhà nó có phước lắm rồi đó.”
“Kiếp trước chắc nó đi tu dữ lắm cho nên nó mới lấy được thằng chồng này đó, nếu không thì nó cũng còn cù cưa với thằng bồ củ của nó thì cũng chẳng ra gì rồi.” bà Sáu nói hùa theo.
Diệu tức gần tới hộc máu ra được khi nghe bà Thanh gọi nàng là con Diệu ù, còn bà Sáu thì nhắc tới chuyện thằng bồ củ của cô ta. Tại sao mấy bà già này không biết điều gì cả? Tại sao lại đem ra cái tên mà Diệu rất ghét ra để gọi chứ, nhất là trong ngày trọng đại trong cuộc đời của Diệu? Tại sao các bà này to gan lớn mật như thế? Ngày hôm nay nàng sắp sửa trở thành bà Việt kiều rồi và đường đường cũng là một mệnh phụ phu nhân chứ bộ mà tại sao còn dám gọi là con Diệu ù? Mẹ kiếp, Diệu chửi thầm trong bụng, sau này có dịp bà đây sẽ cho mấy con mẹ cà chớn này một cú mới được.
Khi ra tới đầu hẻm, Diệu thấy một chiếc xe hoa Toyota màu trắng nhưng không được mới cho lắm gắn đầy bông giấy màu hồng rẻ tiền chờ sẵn. Diệu trề môi thầm nghĩ tại sao thằng chồng của cô lại trùm sò như thế? Tại sao nó không mướn được chiếc xe mới hơn để cho nàng và gia đình nàng hãnh diện với làng xóm chứ? Tại sao lại đi mướn chiếc xe cũ xì như thế nầy mà thậm chí cũng không có treo được một giàn hoa hồng thật nữa? Thiệt là một thằng đàn ông bủn xỉn, keo kiệt và bần tiện, thế mà cũng gọi mình là Việt kiều nữa, Diệu càng nghĩ càng thấy tức.
Diệu nhớ lại cái đám cưới lộng lẫy của con Thủy, bạn của nàng ở cuối xóm trước đây. Tụi nó mướn được một chiếc xe hoa láng bóng. Chồng của nó còn chơi sang đi mướn thêm vài chiếc xe Toyota 12 chỗ ngồi để chở cả hai họ đi ra nhà hàng gọn bơ và điều đó đã làm cho ba má của nó nở mặt nở mày với người ta lúc đó. Tám năm sau, vợ chồng con Thủy dắt theo ba đứa con của nó về thăm nhà lại còn ăn mặc quần áo bảnh bao và mode nữa. Con Thủy nói lại là chồng của nó học rất giỏi và đang giữ chức vụ lớn ở trong nhà nước của Mỹ cho nên gia đình của nó ở tại Quận Cam tiểu bang California được nhà nước cấp nhà cho ở không cần phải trả tiền, kể cả tiền điện lẫn tiền nước nữa. Còn hai đứa con lớn của nó đi vào học trong trường công được ăn trưa miễn phí và còn được xe đưa xe rước đến tận nhà. Diệu thầm nghĩ tại sao người ta sung sướng đến như thế mà thằng chồng của mình chẳng làm đươc cái đếch gì cho mình cả? Sau đó con Thủy còn khoe là nó đã tốt nghiệp bằng dược sĩ với tiền lương cả tháng gần chục ngàn đô la và nó đã gửi tiền về để cất nhà lầu ba bốn tầng. Khi về thăm nhà, hai vợ chồng tụi nó lúc đi ra vào trong xóm, chúng nó nói tiếng Mỹ nghe rơm rớp chẳng khác nào như là người Hoa Kỳ thứ thiệt. Diệu thầm phục hai vợ chồng chúng nó quá.
Về chuyện của Nam, Diệu còn nhớ lúc ban đầu người quen của Diệu giới thiệu Nam là kỹ sư điện tốt nghiệp trường đại học có tiếng ở bên California. Khi Nam về Việt Nam lần thứ hai để thăm Diệu và đề cặp đến vấn đề hôn nhân thì ba mẹ của Diệu và Diệu đều mừng quýnh lên tưởng là gặp được của bở rồi. Nhưng sau này nó chỉ gởi về tặng được hai trăm đô la mỗi tháng làm cho Diệu thất vọng vô cùng. Nó muốn Nam gửi cho nó ít nhất cũng phải một ngàn đô thì mới coi cho được nhưng chẳng dè lại gặp phải thằng kỹ sư trùm sò. Diệu thầm nghĩ nếu biết như vậy thì nàng đi lấy chồng Đài Loan còn sướng hơn.
Chiếc xe hoa chở Diệu và Nam đi ra nhà thờ Đức Bà giữa buổi sáng trời thật trong, nhưng Diệu cảm thấy tương lai mình chắc sẽ bị u mờ chỉ vì tên chồng già này. Trước đó Diệu đã cố tình lập đi lập lại cho Nam nghe là nàng mong muốn được đi trên cái xe hoa giống như là cái xe hoa của Thủy ngày xưa vậy để cho nàng nở mặt với bạn bè trong xóm và nàng hy vọng Nam sẽ làm như thế. Nhưng giờ đây sự thật quá ê chề. Chẳng những nàng phải đi trên chiếc xe hoa bù ệch mà gia đình nàng cũng phải chạy theo phía sau trên chiếc xe hai chục chổ ngồi rẻ tiền. Diệu cảm thấy mình dường như bị mất cả chì lẫn chài rồi cho nên nàng chỉ ngồi thừ người ra.
Khi xe chạy gần tới nhà thờ thì cơn bực tức của Diệu đã giảm đi rất nhiều nhưng ngược lại nàng cảm thấy ngột ngạt bởi vì mảnh áo cưới dày cui mà nàng đang mặc trên người. Đồng thời cái lớp phấn mà Diệu được tô trên mặt khi sáng nặng chình chịch như là đang đeo cái mặt nạ vậy. Hơn nữa, mùi thuốc lá đang bám trên người của Nam và trên cái áo của người tài xế ngồi ở phía trước đã làm cho Diệu khó thở vô cùng. Nhưng Diệu chẳng biết làm gì hơn chỉ ngồi im và ao ước cho mình được tới nơi thật nhanh để đi ra ngoài xe được hưởng làn không khí trong lành. Lúc nàng liếc mắt nhìn Nam qua cái kiếng chiếu hậu thì thấy khuôn mặt của Nam chẳng giống là Nam khi xưa mà nàng lần đầu tiên mới gặp. Mặc dầu Nam cũng bảnh bao trong bộ đồ veston màu xanh đậm lịch thiệp với cái cà vạt màu đỏ rực rở, nhưng Diệu cảm thấy có một điểm gì là lạ. Khi Diệu nhìn thẳng trên khuôn mặt của Nam thì thấy nước da hơi ngăm ngăm đen của chàng gần giống như là màu da của những người phu lao động thường xuyên dãi nắng dầm mưa. Ở phía cuối quầng mắt thâm đen của Nam đã có nhiều đường cong hằn lên một cách rõ rệt mỗi khi Nam cười hay là nhắm mắt lại.
Lúc đó Diệu mới công nhận Nam thật là già.
--- oOo ---
Sau chín tháng trông chờ dài cả cổ họng, cuối cùng Diệu cũng được cấp giấy tờ đi sang Mỹ để đoàn tụ với gia đình. Nhưng trước đó hai tháng, mỗi lần Nam gọi điện thoại về nói chuyện vớ va vớ vẩn xong thì hai người lại cãi lộn với nhau. Diệu cứ trách là Nam không muốn cho nàng qua Mỹ sớm cho nên để mặc hồ sơ lơ đễnh chẳng ngó ngàng gì tới. Chỉ vì lúc ban đầu khi Nam làm giấy tờ bảo lãnh, Diệu nghe lời của những người bạn thêu thùa là nên đưa tiền cho những dịch dụ ngoài Sài Gòn để họ làm thủ tục cho nhanh hơn. “Trả tiền càng hậu thì đi càng nhanh,” theo như lời Diệu nói, nhưng Nam một mực nói là công việc của Mỹ là người Mỹ sẽ quyết định chứ người ở Việt Nam không có thể dính dáng vào được gì cả. Chẳnng những không nghe lời phân tích của Nam, Diệu lại còn trách Nam là đồ keo kiệt. (còn tiếp)
JIM DIEU ( 10/2010 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét