Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017
Viết từ phương xa NGHỆ THUẬT CHO... TẶNG - Phong Luu giới thiệu.
Nghệ Thuật Cho... Tặng.
Đêm đông mà ngồi trước một lò sưởi, ngọn lửa cháy đều, củi nổ lách tách thì lòng ai cũng cởi mở mà câu chuyện nổ như pháo ran. Chị bạn tôi, bình thường kín đáo lắm mà tối đó cũng kể lể tâm sự:
- Có một điều làm cho tôi đau khổ nhất là chưa hề tặng ai được vật gì.
Tôi hiểu chị muốn nói gì rồi. Chồng chị đau hoài và hai anh chị nợ ngập tới cổ. Có ba người con, phải ráng cho chúng ăn học đàng hoàng, thành thử chị phải tiết kiệm từng xu một. Vậy mà, chị không biết đấy thôi, chứ khắp thành phố không ai được cái tiếng là hay giúp đỡ người khác bằng chị.
Nghe chị nói vậy, tôi giận, la lên:
- Chị là người rộng rãi nhất mà tôi được biết, tôi xin giảng cho chị nghe.
Thế là chúng tôi nói chuyện về cái việc tặng lẫn nhau, có đi có lại trong đời sống hàng ngày của mọi người. Lần lần vẻ mặt chị tươi ra. Chị đã hiểu cái đức rộng rãi theo một quan niệm mới.
Trước hết chúng tôi nói về tiền nong, vì nói tới rộng rãi thì thường thường người ta nghĩ nhiều nhất tới tiền nong. Dĩ nhiên, không nên coi thường những cơ quan do các phú gia thành lập, vì những cơ quan đó làm được nhiều công việc từ thiện lớn lao. Nhưng tôi cho rằng chính các nhà tỉ phú đó cũng phải nhận rằng lòng nhân từ chân chính biểu lộ bằng những cách khác còn đẹp đẽ hơn nữa.
Trong hồi dịch cúm ghê gớm năm 1918, khi mà y sĩ và y tá tối tăm mặt mũi vì công việc, tình cảnh trong các dưỡng đường, bệnh viện thật là thảm hại thì hội viên của một hội thượng lưu nọ ở New York quyết đem sức lực ra giúp đồng bào. Họ giàu có và đã lớn tuổi, có thể chỉ ký một chi phiếu để giúp bệnh nhân, như vậy cũng đủ rồi. Vậy mà họ khoác áo "bờ lu" trắng tới bệnh viện cọ sàn, săn sóc, tắm rửa các bệnh nhân, vỗ về các người hấp hối, an ủi những gia đình đau khổ, mà không ngại mệt nhọc, cũng không sợ lây bệnh. Đó mới là một tấm gương nhân từ chân chính, vì tặng ai bản thân mình mới quí hơn là tặng tiền.
Giá trị một tặng vật tùy thuộc hai yếu tố: hảo ý của người tặng và tinh thần của người nhận. Một ông bạn tôi kể chuyện rằng năm đó, nhân ngày sinh nhật của ông, vợ ông tặng ông một cây mộc lan (magnolia). Ở sở về sớm hơn thường nhật, ông thấy chú làm vườn ông chỉ mướn có nửa buổi, đương đào một cái hố, mặc dầu hôm đó không phải là ngày chú lại làm cho ông. Ông kể:
- Chú làm vườn hay rằng nhà tôi tặng cho tôi một cây mộc lan, bảo tôi: “Tôi nghèo, nhưng cũng muốn tặng ông một cái gì và tôi tặng ông cái hố này đây”. Chưa bao giờ một tặng vật làm cho tôi cảm động như lần đó. Tôi không nói quá đâu!
Khi tặng tiền thì càng tế nhị hơn khi tặng các vật khác. Sarah Bernhardt luôn luôn để một cái chén đầy tiền trong một gian phòng kín đáo. Các bạn đào kép của bà biết rằng có túng tiền thì vô đó mà lấy, chẳng ai thấy đâu. Một họa sĩ nổi đanh cũng noi gương đó, bảo tôi rằng thỉnh thoảng, ông lại thấy cái chén tự nhiên đầy tiền, như có phép thần vậy. Thì ra người được ông giúp đã thành một người hảo tâm giúp đỡ lại bạn bè.
Có nhiều người đau lòng khi phải nhận tiền của ai. Gia đình một người hàng xóm nọ của bà S. thình lình đau. Bà tặng họ một số tiền để mướn nữ y tá và người giúp việc nhà. Bà giàu mà họ nghèo. Họ từ chối. Bà bèn đích thân săn sóc họ, đi chợ, làm bếp, tới khi cơn nguy kịch của họ qua rồi thì bà vì quá sức mà hóa đau, nằm liệt giường. Những người láng giềng đó vì tự ái một cách vô lối, không nhận tiền bà giúp mà bắt bà phải chịu cực khổ như vậy, quả là không tốt đối với bà chút nào cả.
Cho nên phải biết vui vẻ nhận mới là con người lịch sự. Không vui vẻ nhận thì có thể làm phật lòng người tặng, gây một vết thương lòng cho người đó. Tôi nhớ có lần gặp ông chồng một bà bạn tôi trở về nhà, tay ôm một gói lớn, vẻ mặt hí hởn như một học sinh được nghỉ hè.
- Chị biết chứ, nhà tôi vẫn mong có một chiếc áo măng tô bằng da lông. Hai năm nay tôi ki cóp từng đồng mỗi chỗ một chút, và mới mua được một chiếc áo này đây. Hôm nay là ngày kỷ niệm lễ cưới của chúng tôi. Mời chị về với tôi! Chị sẽ thấy nhà tôi vui mừng ra sao.
Tôi theo ông ấy về nhà. Bà vợ mở gói ra rồi la lên:
- Mình! Tại sao lại mua thứ này tốn kém quá, mà chúng mình cần có một tấm nệm mới kia!... (Bà ta nói tiếp nhưng chẳng vui vẻ chút nào)... Dĩ nhiên, mình thật tốt bụng.
Câu vuốt đuôi đó thốt ra trễ quá rồi. Ông chồng mất cái vui tặng vợ, mà công hai năm ki cóp vì tình âu yếm hóa ra công toi.
Tôi cũng nhớ một thái độ trái ngược hẳn: Một hôm một bà giàu có, phàn nàn rằng bận việc mà sắp phải lặn lội ra tỉnh mua một món đồ. Lần đó tôi mới có dịp giúp đỡ bà ta, nhận đi mua giùm cho. Tôi ngạc nhiên và xúc động làm sao khi thấy bà mừng rỡ tới rưng rưng nước mắt và bảo tôi:
- Thật tôi không ngờ chị chịu lặn lội như vậy để làm vui lòng tôi!
Việc tôi làm giúp đó có đáng kể gì đâu mà bà đó niềm nở cảm ơn tôi như vậy làm cho tôi có cảm tưởng rằng chính bà đã gia ân cho tôi. Và tôi nhớ lại câu này đọc trong một cuốn nào đó: "Vui vẻ nhận của ai một món quà, thì cũng như là đã tặng lại người đó một món khác rồi, mặc dầu mình không có gì để tặng".
Tôi nhận thấy rằng không có tặng vật nào đáng quí hơn là thì giờ của mình. Vì tặng ai thì giờ của mình chính là tặng người đó một phần của bản thân mình. Một hôm ông bạn tôi đương mải làm một việc gấp thì đứa con trai của ông vô. Ông đưa cho nó một con dao nhỏ, một cây viết chì, một đồng bạc cắc để nó chơi, nhưng nó không thích mấy thứ đó.
Ông hỏi nó:
- Vậy chứ con thích cái gì?
Đứa nhỏ đáp:
- Con chỉ thích ba thôi.
Chúng ta biết nhiều bậc cha mẹ bề ngoài có vẻ rộng rãi, không từ chối con cái một chút gì, có thể nhịn ăn nhịn tiêu cho chúng nữa. Vậy mà nhiều khi những đứa con được nuông chiều lại hóa ra vong ân.
Cha mẹ nào mà sáng suốt hơn thì nhận thấy rằng không nên cho trẻ nhiều tiền mà phải cho chúng nhiều thì giờ của mình.
Một nhà kinh doanh làm ăn thịnh vượng hỏi một ông hàng xóm:
- Ông có biết Noel này tôi cho cháu món quà nào không?
Ông hàng xóm tưởng rằng món quà tất đắt tiền lắm, cho nên ngạc nhiên làm sao khi thấy ông nọ chìa một miếng giấy chỉ có mấy hàng chữ này: "Con cưng của ba: ba cho con mỗi ngày một giờ và mỗi chủ nhật hai giờ của ba để con tùy ý dùng. Ba của con".
Ông hàng xóm đáp:
- Đó là món quà quí nhất mà một người cha có thể - và phải - tặng cho con.
Một món quà không cần phải đắt tiền; cũng vậy, thì giờ tặng người khác không cần phải nhiều. Nếu chúng ta không rảnh để bỏ ra cả một buổi chiều đi thăm bạn được thì kêu điện thoại ít câu, không có thì giờ viết một bức thư thì gởi một tấm bưu thiếp.
Mới chỉ thành thực và nhã nhặn thì chưa phải là nhân từ. Trước hết, cần phải biết tưởng tượng nỗi khó khăn cùng nhu cầu của người khác rồi tìm cách giúp sao cho có lợi cho họ. Có một điều tôi muốn dạy cho trẻ trước cả những điều khác là chỉ cho chúng nghệ thuật tự đặt mình vào địa vị người khác, hiểu sự cực nhọc của mẹ, nỗi ưu tư của cha, nỗi sợ sự cô độc của em, rồi tận tâm tìm cách làm nhẹ bớt cái gánh đó cho người thân. Trẻ mà có ý thức tập được tính đó thì sẽ giữ được nó suốt đời và lớn lên, tới đâu cũng được mọi người quí mến.
Phần nhiều ai cũng thích tặng. Cũng may mà có nhiều cách tặng lắm. Thấy người khác gặp may hoặc thành công mà mình cũng vui lây; hoặc khoan hồng với người khác, chấp nhận quan điểm của họ, nhận rằng ai cũng có quyền có ý kiến riêng, có cá tính riêng, như vậy cũng là một cách tỏ rằng mình rộng rãi, nhân từ.
Biết nhã nhặn, tránh những lời nói, những hành động khinh suất, tàn ác, cũng là có lòng nhân từ nữa; kiên nhẫn nghe người khác kể lể nỗi khổ của họ, có thiện cảm chia sẻ nỗi khổ tâm, thất vọng, rầu rĩ của người, cũng là một hình thức từ tâm.
Trong mọi cách từ tâm, cách quan trọng nhất có lẽ là nghi ngờ, không tin, không kể lại những lời nói xấu người khác và sẵn sàng tin những điều tốt về họ.
Chị bạn ngồi nói chuyện với tôi ở trước lò sưởi mà tôi đã kể ở trên, mới đây hay tin rằng một người trong bọn chúng tôi bị xã hội tẩy chay. Chị đã tìm ra nguyên do: chỉ tại một lời vu cáo đê tiện mà kẻ có dã tâm thốt ra đã phải rút lại trước đám đông.
Tôi bảo chị:
- Chị có những cách thức nhân từ như vậy, không ai hơn được: chị hết lòng với mọi người.
Dưới ánh lửa, tôi thấy chị e lệ mỉm cười, như đã được nhận một lời an ủi bất ngờ.
I.WYLIE.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét