Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Tản mạn vui : MÃI MÃI YÊU... NƯỚC - Huỳnh Văn Huê.



MÃI MÃI YÊU NƯỚC.
Nước đây chính là... nước đó mà. Năm tôi sinh ra, lúc còn được mẹ bế mẹ bồng đã gặp ngay trận lụt khủng khiếp Nhâm Thìn (1952 ). Gia đình tôi trước cơn lụt đó nhiều năm đang sống trong một ngôi nhà bên bờ sông Đồng Nai hiền hòa, trong xanh thơ mộng... .Lớn lên một chút, khi còn ngồi Trung học, mẹ tôi đi... xem bói ở đâu về, tủm tỉm nhìn tôi và nói:
- ... Mấy con vợ của mầy đều mạng... Thủy (nước) hết... !
Không biết mẹ tôi nói qua loa đại khái hay do tôi vô tâm nên nghe đại khái qua loa. Cái thuở hãy còn nhỏ dại, tôi đâu để ý đến chữ... "mấy" ! Giờ đây, mẹ tôi đã mất gần hai mươi năm rồi. Riêng tôi, vào tuổi này tôi mới thấy thấm thía làm sao.

Năm 1970, đầu tiên một thân một mình xuống Sài Gòn hoa lệ sống đời sinh viên, tôi tạm ở trọ nhà người bà con. Tiếng là dân Sài Gòn nhưng gia đình này vốn là những lao động bình thường, không phải dân giàu có nơi chốn đô thành này đâu. Ngôi nhà tôi tạm trú ngụ phải đi vòng vèo phía sau rạp xi-nê Văn hoa-Đakao, một căn nhà nhỏ xíu ven một kênh... nước đen tôi không biết tên.

Thời gian ngắn sau, khi đã tìm được nơi dạy kèm, thu nhập gọi là đã có, tôi rời khỏi ngôi nhà này, trong đó nói thật cũng có lý do là để người bà con khỏi tốn tiền nuôi cơm cho tôi, vì người ấy nhất định không chịu nhận tiền của mẹ tôi đưa... . Nơi ở mới gần trường hơn, vào cuối đường Tự Đức nối dài, ngang qua quán cơm sinh viên bình dân với cái tên "quán Lúc lắc" trứ danh. Nơi ở mới cũng chẳng cao sang gì, bên dưới là trường tiểu học tư thục Lê Chân, bên trên về phía sau là hai dãy ... gác gỗ, được ngăn phòng cho thuê. Điều đặc biệt là nơi này cũng ven một con kênh nước đen, nhưng được cái tôi biết tên một cách chính xác: kênh Thị Nghè.

Bây giờ, sau khi gầy dựng được... "cơ nghiệp" với đầy đủ cháu nội lẫn cháu ngoại, tôi đã rời xa bến sông yêu dấu của những ngày thơ ấu... . Tôi di tản sang bên kia sông, cách nơi cũ khoảng một cây số đường chim bay, và đương nhiên cũng sống bên một... bến sông.
Như vậy có lẽ ai cũng thấy cuộc đời của tôi gắn bó với sông, với... nước (và nói nhỏ, với mấy người mạng... Thủy nữa!) như thế nào.

Gần đây, trong những ngày từ tháng 5 đến tháng 7-2014 căng thẳng, sôi sục... . Có một số người phục vụ người qua đường nước uống miễn phí với hàng chữ "không bán nước" , hành động này đã làm nhói đau và lay động tâm cang biết bao con người... . Thế nhưng... . Khiến tôi còn nhớ lại... .

HVH-2

Tôi sống ở miền Nam nên chỉ nhớ lại chuyện xưa nơi miền quê của mình ngày trước. (Nhưng theo tôi biết hầu như nơi nào cũng có giống như vậy... .).
Những ngày hè đầu những năm 60, được nghỉ học, thôi thì đám học trò Tiểu học chúng tôi rong chơi hết đầu làng, đến cuối xóm... . Dưới nắng hè chang chang, lúc khát nước thì sao ?! Miền quê còn nghèo khó, đâu phải đứa nhỏ nào cũng có tiền để thưởng thức một ly... xi rô đá nhận, hay một ly chanh muối !? Không có gì phải lo.

HVH-1

Ngày đó ven con đường ngang qua làng, dưới bóng cây trứng cá, hay dưới hiên một ngôi nhà nhỏ bé tầm thường... . Trên quãng đường đất đỏ lẫn đá xanh còn lại từ thời Pháp thuộc, chỉ dài độ 3 cây số đã có 3 điểm không bán nước như vậy. Người nào đó tốt bụng đã để sẵn một lu nước nhỏ, cạnh bên là một cọc cây, úp lên trên một cái... gáo dừa có cán dài. Đến giờ tôi vẫn không sao quên được cái lu nước mưa (hay nước giếng chăng?) trong veo, mát rượi... . Cái lu có một cái nắp ghép bằng những miếng ván nhỏ với cái quai cũng bằng cây một cách đơn sơ... . Duy có điều tôi nhớ nhất là cái gáo dừa, trong môi trường ẩm ướt thường xuyên, cái gáo đã hình như đóng một ít... rong xanh ! Chỉ nhắc lại chút thôi, chứ lúc ấy bọn tôi đứa nào đứa nấy uống ừng ực ngon lành! (Giờ đây, tôi có thể so sánh giống như khi người Đức uống một loại bia Đức hảo hạng được chứa trong cái vại bia bằng pha lê thật to và thật đẹp của... Tiệp vậy!).

Như thế đấy, đã từ lâu rồi, người dân quê mùa, thiếu học và hãy còn nghèo nhưng vẫn biết không bán...  nước một cách nhân văn, thấm đẫm cái tình với người và tình với... nước!... . Về phương diện sinh học, ai ai cũng biết sinh vật khi thiếu nước sẽ chết khát trước khi chết đói. Vậy chúng ta đã biết mất nước sẽ chết , nên chúng ta mãi mãi yêu nước là lẽ tự nhiên đâu có chi lạ phải không?!...

HUỲNH VĂN HUÊ
 (Viết xong tháng 7-2014 và đã đăng cùng năm trên trang ngo-quyen.org)

4 nhận xét:

  1. Chuyện Huê viết làm mình nhớ lại quê hương sinh đẻ của mình,  vùng Tân Châu,  Hòa Hảo. Trời nắng chang chang đi chút xíu là gặp ngay lu nước bằng gáo dừa, có khi có cây ngang,  có khi không. Nước đa phần là nước mưa,  hứng từ mái nhà lợp lá. Uống vào là ngọt lịm, mát dạ,  mát lòng. Cơn mệt mỏi tan biến ngay. Thuở ấy đường làng cong queo,  ngoằn nghèo,  chỉ đi bộ hay là đi xe đạp,  nên lu nước là vô cùng quí báu,  nói lên tình cảm chân thành mộc mạc của dân quê. 

    Giờ đây chắc cũng còn chút ít mà hiếm. Nhà mái lợp tôn hay mái ngói,  nước đâu còn ngon ngọt như ngày xưa.(Nx của Quan, bạn học SG đồng thời cũng là bạn đọc... .)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Quan vào đọc bài và có những nhận xét thắm thiết tình quê hương...

      Xóa
  2. Chuyện kể của bạn làm làm tui nhớ lại chuyện xưa ở nhà. Nhà tui ở "đường đáp mới tỉnh Biên Hòa, (dạo ấy khoảng cuối những năm 1960 thì phải ?) ba tui có hợp đồng với Thủy cục vào nước máy ( còn gọi là nước phông-tên ). Đó là hiện tượng lạ cả xóm trầm trồ ( giống như lúc bắt đầu nhà nào có TV là cả xóm tụ tập coi vậy). Hổng phải nhà đại gia gì mà chỉ vì ba tui là công chức nên thủ tục hơi.... ưu tiên chút xíu.
    Thế là mấy bà trong xóm rủ nhau quang, gánh thùng thiếc đến nhà xin..... mua nước phông-tên! Vì họ đồn nước sạch, có thuốc diệt trùng uống rất tốt. Vậy là từ đó nhà tui trở thành nơi.... bán nước ngang xương!😁
    Mà đúng là"bán nước" chứ còn gì? Nhưng khi tới nơi họ đều nói với má tui:- dì Ba ơi,"đổi" cho con đôi nước!
    Thiệt tế nhị quá đi ! Ai mà dám nói.... bán nước. Nói "đổi nước" cho nó lành. Hihi😁

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn bạn Sang đã bình luận và nhắc đến cái tình với... nước của những con người rất bình dị trước đây!...

    Trả lờiXóa