Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Tản mạn : NHỨC NHỐI CON TIM (p1) - Tràm Cà Mau




Nhức Nhối Con Tim 

Tràm Cà Mau

Nhiều người tưởng rằng, đau tim là bệnh của ai khác, chứ không phải họ. Lầm to, ai cũng có thể chết bất thần vì đau tim, mà không có một triệu chứng nào báo trước cả. Đau tim, một trong những bệnh giết chết nhiều người nhất tại nước Mỹ. Nhờ khoa học tiến bộ, biết đích danh chết vì bệnh tim. Chứ bên Việt Nam mình thì cứ gọi là “trúng gió”, trúng gió mà chết, nhiều lắm. Bị trúng gió, thì cạo gió, và xoa bóp huyệt đạo lung tung, cũng cứu được rất nhiều người. Đó cũng là một cách kích động cho trái tim đập lại, cho máu lưu thông, mà thoát chết. Cái gì cũng là “trúng gió” cả.
Câu chuyện “trúng gió” tại Mỹ cũng rất nhiều. Trong sở tôi, có một ông chưa được 60 tuổi, buổi trưa gục đầu trên bàn và chết mà không ai biết. Ông bạn ngồi bên cạnh đến lay nhẹ và nói: “Dậy, dậy, trong giờ làm việc mà ngủ, người ta thấy kỳ lắm”. Ông nầy chết trong khi đang làm việc. Đâu phải công việc khó khăn, mệt nhọc và căng thẳng thần kinh lắm cho cam. Công việc cũng nhàn nhã, thong dong, không ai thúc hối, thế mà vẫn chết.
Một ông khác, tuổi trên 50, còn độc thân, đi ăn trưa về, vừa buớc vào thang máy, thì quỵ xuống. Bạn đồng nghiệp kêu xe cấp cứu, đến bệnh viện thì đã chết rồi. Nhiều người ngạc nhiên, vì ông nầy trông trẻ trung, dáng vóc khỏe mạnh, lanh lẹ và độc thân, không có ai mè nheo, cằn nhằn đến độ bực mình mà chết.
Một ông bạn, suốt đời không có triệu chứng gì về đau tim cả. Chỉ có bà vợ hay la mắng rầy rà làm ông buồn mà thôi. Một hôm ông ngồi đọc báo chờ vợ trước siêu thị. Bà vợ đẩy xe ra cửa, và nạt ông chồng: “Còn ngồi đó nữa sao? Không phụ tôi đẩy xe ư? Đàn ông gì mà lười biếng quá”. Ông vội vã đến đẩy xe cho vợ, mới đi được mấy bước thì quỵ xuống. Bà vợ nạt: “Già rồi mà đi đứng còn hấp tấp, không ý tứ gì cả. Sao không đứng dậy, mà còn định nằm vạ đến bao giờ?” Thấy chồng nằm vạ lâu, bà cúi xuống kéo áo ông, thấy hai con ngươi đứng tròng. Bà hốt hoảng la lên. Nhưng không kịp nữa. Ông đã bị đứng tim chết rồi. Chính bà kể lại và khóc lóc.
Báo đăng, có ba ông bác sĩ gây mê, chưa đến 50 tuồi, đều chết vì bịnh tim. Cả ba ông đều không có triệu chứng gì về đau tim. Một ông vừa lái xe về nhà. Bà vợ ở phòng trên nghe tiếng ga-ra mở cửa. Chờ mãi không thấy chồng, chạy xuống ga-ra, thì thấy ông gục đầu trên tay lái mà chết. Ông đã bị đứng tim. Một ông khác, vừa chuyển thuốc mê vào cho bệnh nhân sắp mổ, thì gục xuống, và đi luôn. Một ông khác, cũng chết đột ngột tương tự. Đau tim mà chết. Không biết nghề bác sĩ gây mê nầy có lo lắng lắm không, mà giết chết nhiều người tuổi còn khá trẻ. 
*************
Ngày nay, 50 tuổi được xem là còn trẻ, chứ ngày xưa, vua Khải Định đã ăn mừng “tứ tuần thượng thọ” rồi đó. Thời nầy, 40 tuổi thì xem như còn xuân xanh lắm, nhiều anh chưa chịu lấy vợ, nhiều chị chưa chịu lấy chồng, vì còn trẻ mà, vội chi? Bạn tôi, đi làm việc về, đút chìa vào ổ khóa cửa mãi mà không được, cứ trật ra ngoài hoài. Rồi bỗng nhiên quỵ xuống trước cửa nhà. Trong phút nguy cấp đó, anh biết không phải bị “trúng gió”, vội vã mò điện thoại cầm tay, kêu số cấp cứu 911. Anh được chở kịp vào bệnh viện, và đêm đó, bác sĩ đè ra mổ tim ngay. Cứu anh sống. Nhưng không làm việc được, tay yếu không lái xe, trí óc không còn sáng suốt. Vẫn sống bình thường. Hai năm sau, trong khi đang tắm, qụy xuống, và chết vì tim. Có người phỏng đoán, anh chết vì tắm nước quá mát. Máu dồn ra ngoài da để bảo vệ thân thể, tim không còn máu, nên “đi” luôn.
Ông bạn ngồi cạnh tôi, người Mỹ, tuổi chưa được 50, dáng người gầy, thon thả, mỗi chiều sau khi tan sở, chạy bộ ven bờ sông. Một hôm nọ, vợ ông không thấy ông về, điện thoại hỏi thăm khắp nơi. Hôm sau điện thoại vào sở xem ông có đi làm không. Đi tìm mãi, cảnh sát báo cho bà biết, tìm ra xác ông bên bờ sông. Ông chết vì bị đứng tim.
Một ông bác sĩ mổ tim, tập thể dục mỗi ngày. Cũng không có triệu chứng gì trước về căn bệnh tim. Hôm đó ra sân quần vợt. Vừa đưa vợt lên, thì té qụy xuống, và chết luôn. Không cứu kịp. Một ông khác, trưa nào cũng lái xe đến sở của cô con gái, để cha con cùng đi ăn, và chuyện trò cho vui. Một hôm, trên đường đi, ông thấy đau trong ngực, và biết cần cấp cứu ngay. Ông rán hết sức, lái xe đến thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện và khai là đau tim. Nhân viên bệnh viện thấy ông còn lái xe được, và để ông chờ. Chờ lâu quá, ông chết ngay trong phòng làm hồ sơ tiếp nhận cấp cứu. Đáng ra, ông phải dừng lại, và kêu xe cấp cứu ngay. Bởi lái xe, nguy hiểm cho người khác nếu ngất xỉu trên tay lái. Hơn nữa, nếu đi xe cấp cứu, bệnh viện sẽ cứu ông ngay khi mới vào.
Nhiều người rất sợ vào nằm chờ trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Vì trên đường thì xe hú còi ầm ỉ, gấp gáp lắm, nhưng khi đến bệnh viện, thì để cho người bệnh nằm chờ dài cổ ra, chờ cho chán chê, mà chẳng ai dòm ngó đến. Rồi chán nản quá, họ đứng dậy, ra về mà không cần báo cho bệnh viện biết.
Bạn tôi, buổi tối ngồi xem truyền hình với đứa con trai. Khi hết phim, cháu đến đánh thức bố dậy đi ngủ: “Bố ơi, hết phim rồi, vào đi ngủ.” Lay hoài không thấy bố dậy. Cháu bé khóc: “Bố đừng làm con sợ.” Và bạn tôi đã chết tự bao giờ mà không biết. Chỉ có hai bố con sống với nhau. Tội nghiệp thằng bé, không biết phải làm gì trong tình thế đó. Nhiều trường hợp khác nữa, thấy tận mắt, nghe tận tai, nhiều quá không kể hết được. Thế mà, tôi cũng như mọi người khác, cứ tưởng bệnh tim là bệnh của ai, chứ không phải của mình.
Y hệt chuyện chết chóc, ai đó chết, chứ mình thì không, như sống mãi muôn đời.
Nhiều năm trước, khi đi ra ngoài trời lạnh, tôi cảm thấy nhói nhói trong tim. (Nói theo bạn tôi, là cảm thấy đau nhè nhẹ như khi bị phụ tình). Tôi cũng không cần báo cho bác sĩ biết. Một hôm đi khám bệnh, trong lúc nói chuyện đùa cho vui, tôi tiết lộ cái “nhói nhói như bị phụ tình” đó. Ông bác sĩ nầy tử tế, đưa tôi đi đo tâm động đồ. Không biết sao hôm đó, tâm động đồ của tôi bất thường, lặng đi hai nhịp. Nhiều người cho biết, bình thường thì cảm thấy tim đau, nhưng khi đo nhịp tim, thì tim đập bình thường, nên không có dấu hiệu nào cả, bác sĩ cho là tim đập bình thường. Sau đó, tôi được đưa đi thử nghiệm nhiều cách khác nữa. Làm luôn cả thử nghiệm “phóng xạ” (nuclear scanning), bơm chất cản quang vào máu, và soi xem các cơ tim hoạt động ra sao. Tôi được nằm và chuồi vào một cái máy, như sắp phóng tôi vào trong không gian, ở các phim giả tưởng. Sau đó, được xét nghiệm bằng siêu âm xem các van tim hoạt động có bình thường không. Bác sĩ gia đình nói cho tôi biết, có một mạch máu rất nhỏ dưới đáy nhọn của tim bị nghẹt nhẹ. ( còn tiếp )

TRÀM CÀ MAU. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét