TỬU QUÁN ÂN TÌNH
Tửu quán hình như đương xảy ra vụ gì thì phải: rất nhốn nháo! Mấy tên thảo khấu vừa ăn nhậu, vừa hung hãn vung đao, đập bàn, chém ghế, chửi bới ồn ào. Lão chủ quán còn bị đám ấy hành hung, đánh đấm túi bụi, ngã dúi dụi dưới gầm bàn…
May quá, đúng lúc này, một tráng sĩ vãng lai từ đâu đi tới, à không phải, từ đâu bay tới mới đúng, bởi người ta thấy tráng sĩ lộn vèo vèo trên không, ra đòn thoăn thoắt như Lý Tiểu Long. Sau vài tiếng “bịch bịch”, “hự hự”, mấy tên thảo khấu hung hãn ấy đã nằm ra hết cả: đứa ôm ngực, thằng xoa mông, nhăn nhó, bò toài dưới nền nhà. Biết đã gặp cao thủ, lũ thảo khấu xanh mặt, hoảng hốt lết ra cửa, lầm lũi chuồn thẳng. Những tửu khách khác cũng thôi hóng hớt, tiếp tục tập trung vào ăn uống. Còn vị tráng sĩ cũng rất bình thản ngồi xuống, móc trong túi quần ra một cục ngân lượng to như miếng Kotex đặt lên bàn, giọng nhẹ nhàng: “Chủ quán! Có món gì ngon dọn lên đây cho ta ăn!”.
Lão chủ quán lúc này mới hoàn hồn, lồm cồm chui ra từ gầm bàn, chạy tới cầm ngay lấy miếng ngân lượng, rồi ghé tai tráng sĩ thì thầm: “Ngài là ân nhân, xin mời vào phòng VIP!”. Tráng sĩ hơi chút bất ngờ, nhưng rồi cũng vui vẻ đứng dậy đi theo…
Đúng là phòng VIP có khác thật: sang trọng, yên tĩnh, điều hòa chạy rì rì, tivi mở sẵn, điều khiển ngay bên, thích xem gì thì bấm. Lịch sự hơn, trên bàn còn có một lọ hoa cứt lợn sang trọng được cắm rất nghệ thuật đang nở bung, tỏa hương mịt mù nghi ngút…
“Đồ ăn tới rồi! Đồ ăn tới rồi!” – lão chủ quán hô vừa bê cơm và thức ăn đặt trước mặt tráng sĩ, xong cúi đầu chào kính cẩn chực cáo lui. Bất ngờ, tráng sĩ nổi điên, đập bàn uỳnh uỳnh:
– Khốn kiếp! Ta là ân nhân vừa cứu ngươi, cũng trả tiền cho ngươi tử tế, vậy mà ngươi mang đồ ăn cho ta chỉ có cơm và một đĩa muối suông thế thôi sao? Trong khi những thường khách ngoài kia, thậm chí cả mấy tên thảo khấu vừa đánh đập ngươi, kẻ nào cũng được ăn rau, ăn thịt, ăn chả, ăn giò, rồi món nướng, món xào, món chiên, món luộc, thậm chí có bàn còn ăn lẩu. Ngươi khinh thường ta đến thế sao?”.
Lão chủ quán thấy vậy sợ quá, rối rít quỳ xuống, giọng cuống quýt: “Xin ân nhân bớt giận! Cho phép tiểu nhân được trình bày ạ!”. Nói rồi, lão lại gần chỗ cửa kính, rón rén vén tấm rèm lên, chỉ ra ngoài vườn, nơi có những luống rau xanh rờn, bảo:
– Ân nhân nhìn đi! Đám cải bắp kia tiểu nhân mới trồng hôm trước, phun thuốc kích thích vào phát, hôm sau đã to như cái thau. Còn kia nữa, cái thùng ruốc đỏ au, ngon và đẹp mắt làm sao, nhưng đó là vì tiểu nhân vừa mới nhuộm phẩm màu. Chưa hết, ân nhân có nhìn thấy mấy con lợn to béo trong chuồng kia không?
– Có! Mấy con này chắc phải nuôi nửa năm rồi mới lớn được như vậy nhỉ?
– Dạ không! Mấy con đó chưa đầy một tháng tuổi đâu ân nhân! Chúng to được như thế là nhờ tiểu nhân tiêm thuốc mỗi ngày ạ!
– Thế còn kia, chắc là cứt lợn hả? – tráng sĩ hỏi bằng giọng hoang mang, rồi chỉ tay vào cái đống bầy nhầy, đen sì nằm ngay chỗ góc chuồng.
– Dạ không! Đó là lòng lợn! Lát nữa tiểu nhân sẽ cho ngâm tẩy bằng Vim thật sạch sẽ, trắng phau, để làm lẩu ạ! Mấy cái đồ đó mà ăn vào, trước sau gì cũng ung thư mà chết thôi ân nhân ạ!
Tráng sĩ hồi nãy đánh bọn thảo khấu thì oai hùng là thế, vậy mà lúc này mặt đã tái mét, tay chân lẩy bẩy, quỳ thụp xuống dưới chân lão chủ quán vái sống 3 vái thay cho lời tạ lỗi vì đã trách lầm, và đồng thời cũng là tạ ơn cứu mạng. Xong, tráng sĩ run rẩy ngồi vào bàn trệu trạo nhai cơm với muối. Nhưng có vẻ như tráng sĩ nuốt không nổi, cái cục cơm cứ dắt lại ở cổ, nghẹn ứ, mãi không trôi. Nước mắt tráng sĩ cũng trào ra rồi: giọt nước mắt của sự bất lực…
Cuộc đời tráng sĩ hành tẩu giang hồ, bốn bể là nhà, nếu cứ ăn cơm với muối hoài thì sớm muộn cũng gầy còm, kiệt sức vì suy dinh dưỡng, còn nếu ăn rau, ăn thịt như người ta thì căn bệnh ung thư quái ác sẽ nhanh chóng đưa tráng sĩ ra bãi tha ma. Thân là trang hảo hán, là con nhà võ, vùng vẫy sông hồ, nay đây mai đó, nếu có chết cũng mong được chết trên đỉnh núi cao ngút gió, hoặc giữa đại dương bao la sóng cả gầm gào, hoặc chết bởi gươm giáo binh đao, chứ chết bởi ung thư thì thật là tào lao và đau đớn biết nhường nào! Ấy vậy mà cái tào lao ấy đang hiển hiện trên đầu tráng sĩ gần hơn bao giờ hết!
Bao năm hành tẩu giang hồ mà đến bây giờ, tráng sĩ mới hiểu ra một chân lý xót xa: “Kẻ cho ta ăn cơm muối lại là kẻ thương ta”.
Tráng sĩ lên đường lúc hoàng hôn đã dần buông, chân trời thâm thẫm còn vương lại chút nắng tà. Tiếng kèn đám ma văng vẳng từ làng xa càng khiến cho khung cảnh thêm phần hiu hắt, thê lương. Nếu không có gì thay đổi thì sau hoàng hôn sẽ là bóng tối ghê sợ bao trùm…
VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét