Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019
Tản mạn : XÓM KHÔNG CHỒNG - LPQ
XÓM KHÔNG CHỒNG
Xóm đây hoàn toàn không giống “Bến không chồng” của quê làng miền Bắc trong tiểu thuyết của Dương Hướng. Xóm nằm trong một nhánh kinh rẽ dọc theo sông Hậu chảy qua giữa hai huyện Châu Phú và Phú Tân thuộc tỉnh An Giang.
Đầu thập niên 70 khi còn chiến tranh thì lực lượng công binh VNCH có về đây xây dựng chiếc cầu, khi họ rút đi thì để lại nhiều mối tình dang dở, bao lời ước hẹn giữa những anh lính với các cô gái xuân thì của xóm nầy, sau đó có những đứa trẻ không cha và cả những đứa con lai Mỹ ra đời. Dân trong xóm khoảng chừng 50 gia đình hầu hết theo đạo Hòa Hảo lấy giáo lý Tứ Ân làm trọng (ân Đất nước, ân Cha mẹ, ân Thầy cô, ân Chúng sanh). Giữa xóm có cái nhà Giảng của đạo Hòa Hảo hàng ngày đều có nhật tụng các bài giảng giáo lý của đức Thầy Huỳnh Phú Sổ (người sáng lập đạo). Đầu xóm có một bến đò nhỏ chủ yếu là những chuyến đò ngang đưa khách qua xóm bên kia sông và dọc dài bờ sông theo xóm là những chiếc cầu khỉ bắc bằng những tấm ván gỗ hoặc những tấm gi sắt quân đội, các cô gái thường ra đây tắm giặt và gánh nước về nhà sau mỗi buổi đi làm đồng, tát đìa hoặc cấy lúa, cắt lúa mướn. Cái xóm nhỏ xíu nên chuyện tình buồn của các cô gái truyền miệng nhau trong xóm ai cũng biết, nhất là mỗi khi mùa hoa ô môi bắt đầu nở báo hiệu mùa xuân đến là bao nỗi đợi chờ của các cô cũng tuyệt vọng dần theo như các câu hát bolero buồn:
“Vì anh lỗi hẹn cho em hờn dỗi, cho mi em nhạt nhoà”
“Thành phố không đêm ngày ai khóc ai sau nầy”.
Ngày đó họ chỉ biết Saigon là thành phố hoa lệ không có đêm vì ban đêm ánh đèn điện sáng giống như ban ngày, trong khi ở xóm nghèo xa xôi nầy chỉ thắp có đèn dầu.
Tháng 04/75 với bao biến cố tiếp theo sau, nhiều cô gái trong xóm trở thành goá bụa không chồng nuôi con. Các đứa bé trong xóm lớn dần lên, các nhà Giảng bị đóng cửa, xã hội mới thay đổi hoàn cảnh cũng đổi thay theo. Nghiệt ngã theo nữa là các cô gái ngày xưa giờ đã trở thành các bà mẹ luống tuổi, cuộc sống nghèo khó đành nhìn các cô con gái mới lớn của mình bỏ xóm lên thành phố kiếm sống bằng đủ mọi nghề... Có em quyết định hy sinh bán cái ngàn vàng của người con gái để lấy một số tiền làm vốn cho gia đình. Rồi phong trào lấy chồng Hàn, Đài Loan về tới xóm, các em cũng lần lượt rủ nhau bỏ xóm mà đi.
Cái xóm đạo ngày xưa chỉ còn các bà già tới lui nói chuyện với nhau cho đỡ vắng buồn. Lâu lâu các em về thăm nhà chỉ một mình với quà nặng hai tay mà không có chồng con, nên dần dần người trong xóm tự gọi nhau là xóm không chồng. Nhưng từ đó cái xóm khá dần lên, các em gái mang tiền về cho gia đình sửa sang lại nhà cửa khang trang, tiện nghi vật chất đầy đủ hơn. Đường nông thôn dọc theo bờ sông đã được bê-tông hoá, các cầu khỉ nhô ra sông giờ đã mục dần vì nhà nào cũng có máy bơm, hơn nữa đâu còn ai ra sông gánh nước như ngày xưa. Nửa thế kỷ trước, các cô gái gánh nước đêm trăng từng thuộc làu các câu thơ giảng của đức Thầy luôn trông chờ vào duyên phận, giờ đã trở thành mẹ, thành bà lại ngồi trông chờ con cháu, nghe hát duyên phận theo điệu bolero vàng cả bến sông xưa:
...” Bước qua dòng sông hỏi từng con sóng
Đời người con gái không muốn yêu ai được không?”...
Đời người ai cũng muốn mưu cầu hạnh phúc, nhưng có lẽ những người con gái của cái xóm đạo nhỏ nầy chỉ mưu cầu đơn giản nhất là được báo một trong Tứ Ân là ân hiếu Cha Mẹ, họ sẵn lòng hi sinh, cả cái quí giá nhất của người con gái...
LPQ
Tháng 03/2019, về ngang bến sông xưa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét