Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019
Câu chuyện phương xa: TÌNH NGƯỜI... - Phong Luu.
TÌNH NGƯỜI TRONG KHỐN KHỔ…
Người homeless (vô gia cư, lang thang nghèo khổ) luôn luôn là vấn nạn cho bất cứ quốc gia nào, kể cả những nước văn minh tiến bộ nhất.
Họ nghèo khổ, cái đó thì ai cũng biết. Nhưng trong cái xã hội nghèo khổ thu nhỏ ấy, họ sống và cư xử với nhau như thế nào?.
******
Để trả lời cho câu hỏi đó, ký giả William James của tờ báo New York Times đã cải trang thành một người què chân, lang thang, nghèo khổ. Anh sống với những người vô gia cư ở thành phố Miami thuộc tiểu bang Florida Hoa Kỳ khoảng nửa năm để tìm hiểu cuộc sống của họ.
James đã tận mắt chứng kiến thật nhiều điều, ngày anh mới gia nhập vào đời homeless, một người đàn ông chân đi khập khiểng đã nhường cho anh cây gậy và nói với anh rằng: “Người anh em, hãy cầm lấy nó, như thế sẽ thuận tiện hơn nhiều”.
Những người khác dẫn James đến nơi đặt thùng rác ở các siêu thị, đến các khu dân cư để lượm thức ăn và phế liệu mà người ta vứt bỏ. Họ cho James biết nơi nào có nhiều đồ phế liệu, những phế liệu nào đáng tiền và nên đi lượm vào giờ nào…
Có chàng thanh niên da đen thấy James đi đứng khó khăn quá, anh ta đưa cho James cả túi phế liệu đầy ắp và nói: “Này người anh em, anh hãy cầm lấy túi đồ này và nghỉ ngơi một chút đi!”.
James ngẩn người ra, không tin vào tai mình: “Vậy làm sao được? Những thứ này cậu vất vả lắm mới lượm được mà!”.
Người lang thang đó cười, nói một cách hồn nhiên vui vẻ: “Tôi dễ dàng hơn anh một chút”. Nói xong, liền quay người bỏ đi.
Có hôm James đói vì không kiếm được đồ ăn, thì một người đàn ông lưng còng đưa cho anh hai ổ bánh mì và nói: “Này người anh em, hãy ăn đi!“.
James ngại ngùng: “Nếu anh cho tôi, thế thì anh ăn gì đây?”.
Người đàn ông cười, nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”. Nói xong, liền lảng sang bên cạnh, bỏ đi.
James cầm hai ổ bánh mì trong tay, nước mắt rơi lã chã, phải rất lâu sau đó anh mới bình tĩnh lại được.
********
Trong khoảng thời gian nửa năm chung sống với họ, James thấy mỗi con người ở đây đều có những phẩm chất tuyệt vời. những người vô gia cư ở giai tầng thấp nhất trong xã hội này, tuy cuộc sống vô cùng gian khổ, nhưng khi họ nhìn thấy người khác khó khăn, đều luôn chìa tay giúp đỡ, họ luôn thấy nơi bản thân mình có một phương diện mạnh hơn người khác. Bởi thế, câu nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút.” là câu mà James thường nghe không biết bao nhiêu lần trong một ngày.
Sau đó, James viết một loạt bài trên trang New York Times với tiêu đề: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút.” Loạt bài đã chạm vào trái tim, gây chấn động tâm hồn của hàng triệu độc giả. Một nhà bình luận nói, đó thực sự là một loạt bài đánh thức những trái tim đã ngủ quá lâu trong sự thờ ơ, lạnh nhạt của một đất nước quá coi trọng sự riêng tư.
Bất kỳ ai đọc loạt bài đó, đều muốn ngả mũ chào những người vô gia cư mà họ gặp, với sự kính trọng thực sự. Tuy họ sống ở giai tầng thấp nhất trong xã hội, nhưng họ luôn có thể nhìn thấy bản thân mình có ưu thế hơn người khác, và dùng chút ưu thế nhỏ nhoi ấy để giúp đỡ những người yếu hơn, mang đến cho người khác một loại cảm giác ấm áp và dũng khí để tiếp tục sống.
Rất nhiều người sau đó nhận ra rằng: Sự rách rưới, bẩn thỉu, tàn tật hay nghèo khó, không ngăn cản con người trở nên tôn quý và cao cả. Và không cần phải giàu có bạn mới có thể chia sẻ được nỗi đồng cảm và cho đi sự yêu thương…
Chúng ta chắc chắn giàu có hơn những người vô gia cư khốn khổ ấy, tại sao chúng ta lại thường kêu ca than phiền về số phận của mình?.
Thực ra cuộc đời mình sẽ đơn giản, hạnh phúc và giàu có hơn, nếu chúng ta có thể nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút” với bất kì ai mà bạn gặp trên đường đời. Bởi vì, những người vô gia cư kia đã từng nói như vậy và đã từng giúp đỡ cho biết bao nhiêu người khác.
Bạn ơi! Hãy nói câu nói ấy ngay bây giờ, ngay cả khi bạn không có và không còn gì cả, ngoài… một trái tim.❤️
Phong Luu (viết lại từ nguồn Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét