Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Tản mạn : NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH - Sưu tầm.

 


NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH. 


Nhiều người sợ rằng đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn ai đọc sách in trên giấy nữa, vì đã có CDRom, Ebook… tiện lợi hơn nhiều!


Thực ra, với những người yêu sách, mê sách, thì không có lý do gì để phải…hoảng sợ! Bởi vì sách không chỉ để đọc mà còn để nhìn, để ngắm, để ngửi, để nghe…. Thời còn in typo, xếp chữ chì, bước vào nhà in  nghe cái mùi mực, mùi chì,  riết rồi ghiền. Nhìn những người thợ xếp chữ ở trần trùng trục, hai tay thoan thoắt bắt chữ, xong vỗ một cái cộp lên giấy, ta có ngay một bản vỗ (morasse) còn ướt mực, nóng hổi, “vừa thổi vừa đọc”! Rồi nhìn ông thầy “cò” (correcteur) ốm nhom, râu lỏm chỏm như nhiều ngày quên cạo, chăm chú móc từng chữ sai trong bản vổ, hí hóay lòng vòng như vẽ bùa – chỉ có những người thợ xếp chữ mới biết ông ta muốn gì- để sau đó, ta có bản vỗ thứ hai rồi thứ ba, cho đến lúc sạch trơn không còn sai một lỗi nhỏ. Thật là kỳ công mà cũng thật là…thú vị! Hiện nay, trên một vài phố nhỏ ở Paris, người ta còn thấy trưng bày trong tủ kính những trang bản thảo do chính những nhà văn nổi tiếng tự sứa morasse. Ta như có dịp thấy Victor Hugo, Lamartine, Marcel Proust…  ngồi trước mặt mình, chăm chú, hí hóay.. móc từng dòng từng dòng, xóa, xóa, thêm, thêm…



Có một thời mỗi lọai sách có kiểu giấy riêng. Thơ được in trang trọng nhất trên giấy có hoa văn, mùi thơm thoang thỏang, khổ to, chữ bự, cứ như một bức tranh. Tiểu thuyết, sách nghiên cứu… dùng những lọai giấy khác nhau.  Mỗi nhà xuất bản thường “chơi” một lọai giấy riêng, cách đóng riêng, trình bày riêng. Nhìn qua là biết ngay nhà xuất bản nào. Có “nhà” không dùng giấy trắng láng mà in trên giấy dày, xù xì, màu gỗ như gạo lứt, thô ráp, rờ đủ sướng. Sách lại không xén sẵn mà để nguyên từng “cahier” cho người đọc đựơc cái thú tự rọc lấy. Khi rọc – với một con dao không bén ngót- chẳng những được nghe tiếng sòan sọach, lít rít, mà còn được thấy giấy vụn bươm ra,  tung tóe như cánh bướm, được ngửi mùi gỗ thơm vương vít trong bụi giấy… Tóm lại, ngửi, nghe, nhìn, sờ… đủ kiểu trước khi sách được đọc. Mà vẫn chưa đọc ngay đâu. Hẳn coi cái cách người ta trình bày bìa, trình bày sách, kiểu chữ, dàn trang ra sao cái đã. Hẳn coi những dòng ghi ở cuối sách, cho biết in lần thứ mấy, bao nhiêu cuốn, có bao nhiêu cuốn đặc biệt được đánh dấu riêng, dành cho tác giả…  cái đã. Rồi đọc.  Đọc nhâm nhi hay đọc ngấu nghiến. Đọc ngồi hay đọc nằm, đọc đứng, đọc đi, tùy. Nhưng khi đọc, thường  có cây viết chì cùn, dắt ở mép tai, thỉnh thỏang đánh dấu chỗ này chỗ nọ, ghi chú điều này điều khác. Tóm lại, người mê sách đã biến cuốn sách đâu đâu thành thân quen, gần gũi, riêng tư của mình.…. Vài chục năm sau, một hôm dọn dẹp nhà cửa, tình cờ đọc lại những dòng xưa, nét xưa… không khỏi ngậm ngùi!


Sách còn một chức năng khác: Một ông bạn kể chuyện ông mê cô hàng xóm xinh đẹp, không dám nói, một hôm gởi tặng nàng cuốn “Hình như là tình yêu” của Hoàng Ngọc Tuấn (ông chưa hề đọc) rồi hồi hộp chờ đợi. Khá lâu sau, nàng gởi tặng lại ông cuốn “Tâm tình hiến dâng”, bản dịch thơ Tagore ( cũng chưa hề đọc). Thế rồi hai người cùng đọc với nhau tới bây giờ… chưa biết chán!


Người mê sách còn phải luôn cảnh giác vì người xưa có nói :”Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, trong sách có cô gái đẹp như… ngọc. Nên phải hết sức cẩn thận. Không khéo có hôm nàng hiện ra, “hỏi không đáp…” thì nguy!


Tóm lại, còn lâu mới “diệt” được sách in.


Thế nhưng gần đây sự phát triển ồ ạt của sách in lại có mặt đáng lo khác! Sách ngày càng nhiều, ngày càng đẹp.  Bìa hoa hòe hoa sói có, thiếu nữ khỏa thân có… bên cạnh những cuốn sách triết học đông tây kim cổ dày cộm có… Các đại gia nhà cao cửa rộng bắt đầu say mê sách! Họ trưng bày nhiều tủ sách trong nhà nhưng không phải để đọc mà để khoe như khoe quầy rượu, tủ quần áo, giày dép hàng hiệu… Có lần tôi đến một khách sạn lớn để dự một buổi ra mắt sách. Ôi chao! Căn phòng rộng mênh mông của khách sạn đầy sách là sách! Các tủ sách kín bưng bọc quanh bốn bức tường khiến khách như bị ngộp trong một hang động… sách! Đủ các loại, tây tàu nga mỹ nhật hàn…cổ kim dày mỏng đều có, ngập từ dưới sàn nhà cho đến tận trần nhà. Không ngờ một “ nơi ăn chốn ngủ” giữa Thành phố thế này mà văn hóa đọc cao đến thế! Tôi tắm tắc lần mò dò đọc các gáy sách với lòng thán phục rồi hỏi nhỏ người phụ trách có cho mượn không, anh thiệt thà bảo chỉ toàn là gáy sách đó thôi, chớ có sách vở gì đâu, chỉ trưng bày cho đẹp căn phòng “văn hóa” đó thôi! Thì ra vậy. Cứ tưởng thiệt thì lỗi tại ta!


(ĐHN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét