Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Tản mạn : TÂM SỰ CÁI... QUẦN DIN - Quỳnh Giao.






TÂM SỰ CÁI... QUẦN DIN.

Mỗi năm, cứ đến ngày lễ Hai Bà, người viết mục tạp ghi này lại thấy... bức xúc.

Lâu lâu mượn lại chữ của người Hà Nội sau khi họ mượn quá nhiều của chúng ta thì chắc cũng là công bằng thôi! Bức xúc vì thấy hai bà lộng lẫy quá nên chẳng rõ là Nhị Trưng trận mạc ra sao vào thời xa xưa cũ.

Chắc chắn là Hai Bà không thể ăn bận như một tiểu thư vừa chạy ra khỏi Hồng lâu mộng của Tầu. Nhiều phần là Hai Bà Trưng đi chân đất quấn xà cạp trên bắp chân vạm vỡ bùn lầy để xua cho binh lính của Tô Định chạy tới bán sống bán chết.

Nghĩ vậy, Quỳnh Giao bỗng tự hỏi, rằng tà áo dài của phụ nữ Việt Nam có từ y phục Trung Quốc cải biên ra chăng? Nhiều phần là không, trăm lần là không! Có khi chúng ta mượn lại của dân Chiêm Thành, của người Chàm, mà không ghi nhận tác quyền - như mọi khi.

Chuyện lịch sử và mỹ thuật ấy, xin nhường cho quý vị có thẩm quyền, để một ngày nào đó dân ta có thể trả lại từng việc cho từng người, từng thời, cho nó công bằng.

Trong khi chờ đợi, tại sao ta không nhìn vào nước Mỹ, hay nhìn qua miền Nam nước Đức... vào đất Bavaria.

Khu vực Bavaria này không chỉ có hãng xe BMW nổi tiếng trên thế giới (tên Đức của hãng là "Bayersirche Motoren Werke" hay Bavarian Motor Works). Nó là vùng đất thiêng, có những người cứng đầu cứng cổ nhất, chả thua kém gì dân Bình Định của ta hay Texas của Mỹ!

Ngoài những cơ sở kinh doanh khét tiếng, như BMW, Siemens, Audi hay Allianza, họ còn có một báu vật khác. Đó là cái quần!

Thời ấy rồi, trước khi chủ nghĩa thực dụng của Hoa Kỳ xuất hiện thì dân Bavarian đã có một tinh thần thực dụng mà rất bướng, như bà con Quảng Nam, Bình Định của ta. Sống bên triền núi Alp, họ thấy cái quần của dân miền núi quả là tiện lợi. Từ thế kỷ 18, chính là giới quý tộc nơi đó đã... phục chế chiếc quần dân giả thành vật trang sức.

May quần bằng da bê non hay da hoẵng cho mềm, họ lấy kiểu mẫu của chiếc quần ngắn Lederhosen hay quần dài Kniebundhose. Họ coi đó là hoà mình vào quần chúng, nhưng cải biên thêm bằng mấy đường thêu rất đẹp trên dải ngang của chiếc quần.

Lần đầu tiên, họ cũng vạch một xẻ dọc ở giữa, bấm bằng hai khuy để các ông dễ giải quyết chuyện thiên nhiên giữa thiên nhiên. Rồi đơm thêm túi ngoài để cài dao hay những vật lỉnh kỉnh khác của các ông. Lỉnh kỉnh không là một độc quyền của phụ nữ đâu.

Nhưng, vật gì thì cũng phải “xứng kỳ đức”.

Vào đầu thế kỷ 19, khi loại quần ấy trở thành phổ thông và xuất hiện trên các mục... "thời trang nhạc tuyển" - lại xin mượn một chữ vô nghĩa khác - cùng với tấm áo Dirndl khá hở hang của thiếu nữ, các bậc đạo cao đức trọng đã chau mày.

Giáo hội lập tức lên tiếng than phiền cái tội công xúc tu sỉ. Diễn giải theo tiếng ta cho dễ hiểu là xâm phạm thuần phong mỹ tục!

Vốn dĩ cứng đầu từ lâu, dân Bavarian nổi loạn nên... càng mặc cho bõ ghét. Đến độ trở thành cái mốt, một thứ thời trang. Đâm ra, khi mặc quần là một cách khiêu khích về chính trị thì hình như các ông cũng đi trước các bà đang kịch liệt tranh đấu cho nữ quyền. Chứ nào có phải đợi Hillary Clinton!

Cuối cùng thì sau Đại chiến Thế giới 1918, cái quần tứ chiếng ấy của dân Bavaria đã chinh phục bốn phương. Từ khu vực Baravia ra khắp nước Đức, nước Áo, tới Âu Châu, rồi vượt biển qua Hoa Kỳ.

Nếu không hình dung ra trang phục thời thượng ấy thì xin cứ xem lại phim "Sissi" ta sẽ thấy Quận công Max, thân phụ của nàng Sissi qua tài diễn xuất của Romy Schneider đã vênh váo bận cái quần Lederhosen. Nếu để ý đến lễ tháng 10 Oktoberfest của dân Đức, ta cũng thấy loại quần "quốc hồn quốc túy" ấy xuất hiện ở nhiều nơi, trên cả sân khấu Opera ở New York (vở "The White Horse Inn" tại Broadway...)

Cái quần ấy không chỉ là vang bóng của một thời mà đã trở thành cái mốt của giới thượng lưu có tiền. Ông Thống đốc gốc Áo Arnold Schwarzenegger của tiểu bang lắm chuyện này cũng đã phải tự xắm một cái "sur-mesure", custom made, thì mới ra người văn minh lịch lãm!

Trên thế giới ngày nay, có hai loại quần đang là biểu tượng của các đấng mày râu thanh lịch. Đó là cái Lederhose và chiếc quần din, có thời dân ta mói được "giải phóng" gọi là "quần bò".

Như nhiều người chúng ta có khi phật ý khi nghe nói rằng chiếc áo dài của mình có khi lấy kiểu từ áo Chàm chứ không từ cái sường sám của Tầu, nhiều người Mỹ cũng không chịu rằng cái quần din quốc hồn quốc túy của họ lại lấy... kiểu Đức, hay Ý!

Có người cho rằng quần jean của Mỹ chỉ là hậu thân của cái quần xanh mà thủy thủ của thành Genoa vẫn mặc. Vì vậy mới có tên là "bleu de Gênes", rồi bị đọc chại thành "jean". Nhưng, vì sao quần Ý mà lại có tên Tây? Vì lấy vải bông của Pháp dệt tại thành phố Nimes, nên sau này mới có tên là "denim cotton"?

Chưa chắc đâu! Xuất xứ của quần jean chỉ có thể là xứ Bavaria....

Vào giữa thế kỷ 19, một người Bavarian gốc Do Thái di cư sang Mỹ và nhớ đặc sản quê nhà, ông sáng chế ra cái quần dãi dầu nắng mưa cho dân Mỹ. Ông dùng vải bông rất dày... de Nimes, cách điệu hoá cái quần Lederhose thành một quần dài, rất bền, cho các tay tứ chiếng đào vàng tại miền Tây. Dấu hiệu không lầm được cũng là nút bấm ở ngoài, nhưng theo kiểu Mỹ là bấm bằng nút đồng! Phát minh này có trình toà đàng hoàng.

Ông ta là Levi Strauss. Ông tổ của cái quần din. Hỏi nó mà xem, nó sẽ kể lại cho nghe...

Tội lắm, các quần din trị giá mấy trăm bạc của nam thanh nữ tú đời nay là đứa em họ xa của cái quần Lederhose. Ngày xưa, mặc quần rồi may ra mới đào ra vàng. Ngày nay, có vàng rồi người ta mới mặc quần, và quần din mà lái xe Beamer - BMW - thì mới là phong cách Bavarian. Cũng quý tộc nhiều đời chứ có tầm thường đâu!

___
(Quỳnh Giao viết bài này ngày 01 tháng 12, 2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét