Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Tản mạn : NỖI SẦU THA HƯƠNG - Sưu tầm.

 



(Ca sĩ Anh Khoa trước đây và sau này bên vợ) 



Ca sĩ Anh Khoa - NỖI SẦU THA HƯƠNG  trên xứ Hungary

       *****************

Đầu thập niên 60, Anh Khoa lúc khoảng 14 tuổi, học sinh Anh Khoa đại diện thị xã Phan Thiết ra Nha Trang dự thi giải hát toàn quốc xếp hạng nhất vòng bán kết rồi sau đó vào Sài Gòn thi chung kết đoạt giải nhất với bản Nếu Một Mai Tôi Biệt Kinh Kỳ “ Người ơi một mai nếu tôi đi rồi. Thì vạn lời thương cũng thế mà thôi…”


Giải thưởng mang tên Quốc Sách Ấp Chiến Lược thời đó là bằng khen của Tổng thống và tiền mặt 5000 đồng (lương lính tháng chỉ khoảng mấy trăm đồng). Đó là kỷ niệm đáng nhớ thời tuổi trẻ của ca sĩ Anh Khoa, chỉ tự học hát không có ai dạy dỗ thế mà đoạt giải.


Sau đó Anh Khoa vẫn tiếp tục học trung học. Vào những năm 1965, 1966 anh có lập một ban nhạc rồi cuối tuần ra Nha Trang đàn hát cho các câu lạc bộ dành cho quân nhân Hoa Kỳ; lúc này anh chuyển sang hát nhạc Mỹ.


Sau năm 1968, Anh Khoa vào Sài Gòn lập nghiệp bằng con đường ca hát. Anh vừa đánh đàn Bass vừa hát trong một ban nhạc ở câu lạc bộ cho quân nhân Mỹ ở quận Tân Bình.


Một đêm nhạc sĩ Võ Đức Xuân con trai nhạc sĩ Võ Đức Thu là trưởng ban nhạc vũ trường Tự Do ở Sài Gòn lên chơi thấy Anh Khoa đàn hát nhuần nhuyễn nên kéo anh về chơi cho vũ trường này và anh vừa đàn Bass vừa hát nhạc ngoại quốc thập niên 60, 70 của Beatles, The Animals, Bee Gee…


Hồi đó ban nhạc Anh Khoa chơi dưới lầu và trên lầu là vũ trường sang trọng hơn. Một đêm ca sĩ chính của vũ trường trên lầu bị bệnh và ông chủ là ca sĩ Jo Marcel bèn kêu Anh Khoa lên hát thay thế.


Và lần này chỉ hát nhạc Việt Nam mà thôi mà không đánh đàn. Khi Anh Khoa cất giọng bản Bài Không Tên Số Ba của Vũ Thành An: “Yêu nhau cho nhau nụ cười, thương nhau cho nhau cuộc dời…”, khán giả vỗ tay nồng nhiệt và anh tiếp tục các bản Bài Không Tên Số Hai và Không Tên Cuối Cùng.


Tình cờ đêm đó có mặt nhạc sĩ Vũ Thành An, tác giả ca ngợi tiếng hát Anh Khoa hợp với dòng nhạc của ông.


Hôm sau ông chủ Jo Marcel ký hợp đồng mời ca sĩ Anh Khoa hát cho vũ trường trên lầu, lúc đó là đầu năm 1970, con đường ca hát của anh bắt đầu thênh thang.


Đến tuổi nhập ngũ, Anh Khoa vào binh chủng Không quân và biệt phái vào đoàn văn nghệ. Ngoài thời giờ làm việc ban ngày hoặc đi hát ở những phi đoàn ở căn cứ xa, ban đêm Anh Khoa được phép hát ở các vũ trường Sài Gòn như Maxim, Tự Do, Olympia, Ritz…


Ngoài hát vũ trường, Anh Khoa còn thu băng cho các trung tâm. Anh nổi tiếng với công chúng qua bản Bài Không Tên Cuối Cùng ( Vũ Thành An), Bao Giờ Biết Tương Tư, Phượng Yêu, Còn Chút Gì Để Nhớ, Mùa Thu Chết (Phạm Duy), Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi, Nghẹn Ngào (Lam Phương), Gợi Giấc Mơ Xưa (Lê Hoàng Long).


Mặc dù chỉ trong vòng 5 năm từ 1970 đến 1975, Anh Khoa đã thu băng hàng trăm ca khúc để lại dấu ấn cho tên tuổi anh trong làng ca nhạc Việt Nam.


Một kỷ niệm đẹp trong đời ca sĩ là Anh Khoa đi hát cho phi đoàn ở Cần Thơ thì anh được bằng hữu không quân chở bằng trực thăng để ngắm khung cảnh thành phố Cần Thơ ban đêm rất đẹp.


Sau tháng 4 năm 1975, Anh Khoa phải đi hát chui ở các tỉnh cùng đoàn văn nghệ của ông bầu Ngọc Giao được bà con yêu thích. Sau đó anh về cộng tác đoàn Bông Hồng của Thẩm Thúy Hằng ở thành phố . Những năm kế tiếp ca sĩ Anh Khoa vẫn tiếp tục nghề ca hát ở các tụ điểm ca nhạc và rời Việt Nam sang định cư tại nước Hungary vào cuối năm 1989.


Chuyện tình của ca sĩ Anh Khoa với con gái ông đại sứ Hungary tại Việt Nam cũng vô cùng đặc biệt.


Vào những năm thập niên 80, ở Sài Gòn bắt đầu có sinh hoạt vũ trường và một đêm khoảng năm 1987, khi Anh Khoa vừa hát xong một số tình khúc ngoại quốc trong đó có bản Love Story thì được mời tới bàn của mấy vị khách Tây Phương để họ tỏ lòng mến mộ. Các vị khách đó là gia đình của ông đại sứ Hungary, trong đó có cô con gái xinh đẹp của ông. Họ trao đổi với nhau bằng Anh ngữ. Cô này đã nhiều lần đến vũ trường Maxim để nghe Anh Khoa hát và đem lòng yêu mến anh.


Mối tình nảy nở và hai người trở thành vợ chồng. Cuộc hôn nhân này được dư luận chú ý vì Anh Khoa là một ca sĩ nổi tiếng từ thời Sài Gòn của chế độ cũ và người phối ngẫu là tiểu thư của một gia đình danh giá đất nước Hungary xa xôi. Vợ anh là con nhà ngoại giao biết được 4 ngôn ngữ và tánh tình nhu mì giống Á Đông. Và trong cặp mắt của cô thì Anh Khoa có nét đẹp của một chàng trai Tây phương, mũi cao và vóc dáng không thấp và dĩ nhiên là có giọng hát truyền cảm.


Qua nước Hungary, Anh Khoa cảm thấy cô đơn, nhớ quê hương vì ở đây có ít người Việt Nam. Anh được nhận vào một ban nhạc bản xứ và trình diễn những ca khúc ngoại quốc mà anh đã từng hát ở Sài Gòn trước đây.


Sau đó một người quen mời Anh Khoa sang hát cho cộng đồng Việt Nam ở nước Áo mùa lễ Vu Lan năm 1992 và đồng hương mới biết tin anh đang ở Hungary. Rồi trung tâm Thúy Nga mời anh thu hình tại Paris với bản Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi (Vũ Thành An), đánh dấu sự trở lại của ca sĩ Anh Khoa với cộng đồng hải ngoại.


Năm 1994 Anh Khoa sang Cali tiếp tục thu hình bản Giọng Ca Dĩ Vãng (Bảo Thu) hát chung với Dalena, rồi xuất hiện trên trung tâm Asia năm 2005 với bản Gợi Giấc Mơ Xưa và thu băng cho nhiều trung tâm và đi lưu diễn ở một số tiểu bang Hoa Kỳ.


Cứ vài năm Anh Khoa từ Hungary sang Hoa Kỳ để thăm bà con và bạn bè và trình diễn cho đồng hương nghe. Anh có một cô con gái lai hai dòng máu Việt Nam và Hungary rất xinh đẹp.


Tháng 6/2015, tình cờ gặp ca sĩ Anh Khoa ở San Jose; anh sang thăm người anh ruột và thu âm một số bài hát mới và sẽ ra mắt tại Quận Cam mùa hè này. Nghe anh tâm tình và ghi lại những dòng này.


Ước mơ văn nghệ của anh là được trình diễn với một dàn nhạc lớn và thu hình để làm kỷ niệm cho cuộc đời. Mặc dầu vẫn đang sống cùng vợ con ở Hungary và yêu thương họ; nhưng nỗi sầu tha hương vẫn ray rức trong lòng người ca sĩ có chất giọng truyền cảm của xứ nước mắm Phan Thiết nổi tiếng. ( Trần Chí Phúc )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét