Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Viết từ phương xa: Ổ BÁNH GIÁNG SINH - Nguyễn Thị Thanh Dương.

 

Ổ Bánh Giáng Sinh


Thắng Cu Tí của tôi thật là “gà tồ”, 14 tuổi, to cao hơn cả mẹ, nhưng vẫn trẻ thơ dễ thương khi vòi vĩnh tôi: - Mẹ làm bánh Giáng Sinh đi, con muốn được thấy mẹ làm bánh và ăn bánh của mẹ. Nếu đây là lời đề nghị của bố nó thì tôi sẽ chột dạ, cho là anh ta nói…móc mỉa tôi, nhưng thằng Cu Tí hiền lành ngây thơ thế kia, những gì nó nói ra là tiếng nói thật từ trái tim nó. Tôi hỏi lại cho chắc ăn: -Tại sao năm nay con muốn mẹ làm bánh? Những năm trước chúng ta vẫn mua bánh ở tiệm cơ mà? - Con có một thằng bạn thân nó khoe với con đầy vẻ hãnh diện rằng mỗi mùa Giáng Sinh mẹ nó đều làm bánh tại nhà, vừa vui vừa ngon hơn ở tiệm. Con nhớ, lâu lắm rồi đó, mẹ cũng đã làm bánh cho mùa Giáng Sinh, con và Bố đã ăn rất nhiều, phải không mẹ?


Tôi nhớ lại cái lần tôi lò mò làm ổ bánh Giáng Sinh, năm đó Cu Tí mới 8 tuổi. Có lẽ trong ký ức Cu Tí, cái cảnh bừa bộn trong bếp, nào máy đánh trứng, nào khay, nào thìa, nào bơ, đường, bột…Và tôi thì xắn tay áo (làm bánh mà làm như sắp sửa đi…đánh nhau) mặt dính bột, tay dính bơ, còn bố nó thì chạy đi chạy lại, lăng xăng theo mỗi lời sai bảo của tôi, đã là một cảnh tượng vui mắt chưa từng thấy trong đời, nên nó còn nhớ mãi cho đến giờ? Và nhất là ổ bánh nướng bị khét, tôi bắt hai bố con nó ăn cho bằng hết còn hơn là…vứt vô thùng rác, trong khi tôi lại kiên nhẫn đánh trứng để làm lại ổ bánh khác.

Cái bánh thứ hai, rút kinh nghiệm, không khét, nhưng tới phần trang hoàng kem mới là nhiêu khê, rách việc. Khi tôi nhìn các thợ làm bánh biểu diễn trên ti vi hay trong các cửa chợ sao mà dễ dàng và gọn gàng thế? Còn tôi bày đủ đồ nghề ra bàn, hoa cả mắt, màu xanh màu đỏ loạn xà ngầu, tới phần trang trí những cành Hoa Hồng thì tôi…chơi tất cả các màu, xanh, đỏ, vàng, tím, hồng, cam… từ hoa tới lá, tới cành. Chồng tôi gọi đó là loại hoa “hiếm quý” trên cõi đời vì màu sắc “đa dạng” của nó. Vậy mà Cu Tí của tôi vẫn thích mê, vẫn sung sướng khen đẹp, khen mẹ tài ba, vì Cu Tí chưa thấy ổ bánh nào có nhiều màu sắc “nổi bật” như thế, sặc sỡ như thế.

 Tôi cảm động, thương Cu Tí quá, nó là người duy nhất khen tôi, kể từ khi tôi biết vào bếp nấu nướng cho đến giờ.

Sau mùa Giáng Sinh đó tôi không còn hứng thú làm bánh Giáng Sinh nữa mà chỉ order ở tiệm là sẽ có ổ bánh nhanh gọn nhất. Thế mà năm nay Cu Tí nhớ lại và “xúi” tôi làm bánh, lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, ai nỡ từ chối, dù tôi đã hết hứng thú làm bánh từ lâu rồi.

 Tôi hớn hở nhận lời:

- Con yên trí, đêm Giáng Sinh này chúng ta sẽ có một ổ bánh “home made” đàng hoàng. Cả nhà mình sẽ diễn lại cảnh vui như ngày xưa, bố sẽ phụ giúp mẹ…

Cu Tí khoái chí:

-         Cả con nữa mẹ ạ. Bây giờ con lớn rồi, cũng hữu ích cho mẹ được mà.

Thế thì còn gì bằng, năm nay tôi sẽ có hai người phụ tá, hi vọng ổ bánh sẽ hoàn tất nhanh chóng và tốt đẹp hơn và có ý nghĩa là vợ chồng con cái được dịp quây quần vui vẻ, chuẩn bị cho đêm Giáng Sinh huyền diệu.

  Hai ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi mua về những vật liệu làm bánh cake. Chồng tôi giật mình như vừa trông thấy một điều bất bình thường:

-         Hình như…em định làm bánh hả ?

-         Anh đã thấy cụ thể, lù lù ra đấy mà còn “hình như” cái gì nữa. Em sẽ làm bánh Giáng Sinh đấy. Rồi sao?

-         Anh tưởng mấy năm qua em đã quên đi cái chuyện làm bánh rồi, tưởng anh được yên thân. Bây giờ lại…

Tôi trấn an, thông cảm:

-         Anh đừng lo, 6 năm qua, em đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm từ bạn bè, sách báo, và vẫn có…

-         Có anh phụ tá, chứ gì? Anh ta ngán ngẩm ngắt lời tôi.

-         Chẳng những có anh mà có cả Cu Tí luôn. Chính nó đề nghị em làm bánh và hứa sẽ phụ giúp nên lần này chắc anh sẽ đỡ…vất vả hơn lần trước.

Tôi dịu dàng tâm lý chiến:

-         Cu Tí muốn thấy mẹ làm bánh, muốn được ăn cái bánh “sản xuất” tại nhà. Chúng ta hãy làm những gì có thể làm để mang lại niềm vui cho con trong ngày lễ Giáng Sinh trọng đại này. Anh nhé!

Anh ta vẫn còn nhăn nhó:

-         Có ý nghĩa thật đấy, nhưng chỉ khổ cho anh, phải dọn dẹp, rửa ráy khay, chậu, đồ nghề dính đầy bơ sữa của em, Những hình ảnh ấy  vẫn còn ám ảnh anh cho đến bây giờ.

Thấy mặt tôi “sưng” lên, anh ta vội vàng sửa lại:

-         Tuy nhiên cũng… OK, nhưng lần này em nhớ chuẩn bị đúng màu trộn vào kem trang hoàng ổ bánh nhé. Cu Tí lớn rồi, không còn bé như năm xưa đâu, nó sẽ biết rằng trên khắp thế gian này không có cây hoa Hồng nào mà hoa lá cành có đủ tất cả các màu như 7 sắc cầu vồng đâu nhé.

                        ***           ***             ***

Hôm sau, tôi bày tất cả đồ nghề, vật liệu ra bàn bếp, tưởng rằng Cu Tí sẽ vui thích xà vào như ngày xưa, nhưng nó lỉnh đâu mất. Tôi không muốn để phí giây phút hạnh phúc này, chạy lên lầu tìm con, tôi ngạc nhiên thấy Cu Tí ngồi ru rú trong phòng, nó nhìn tôi bằng đôi mắt có lỗi và đầy vẻ bồn chồn khác thường:

-         Mẹ ơi, con xin lỗi, con không giúp mẹ được. Nhưng mẹ cứ làm bánh đi, đó là ngày vui của gia đình mình.

-         Thế con bận gì nào?

Nó leo lên giường, trùm mền, thảm sầu:

-         Con không được khoẻ, con cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi thôi. Nếu bất cứ ai đến đây tìm con, mẹ nói con …không có nhà  nhé.

Tôi không còn ngạc nhiên nữa mà hoảng hốt lên, tốc mền ra, sờ trán thằng Cu Tí:

-         Con có nóng sốt gì đâu. Con bị gì? Để bố đưa con đi bác sĩ.

Cu Tí kéo mền lên lại và cương quyết:

-         Khỏi cần! Con bảo đảm với mẹ là…mai con sẽ khỏi, nhưng với điều kiện như con vừa mới nói, con không muốn gặp ai.

Tôi lại chạy bay xuống nhà dưới, nước mắt ràn rụa, thông báo cho chồng:

-         Anh ơi, Cu Tí nhà mình làm sao ấy.  Mới mấy hôm trước nó hớn hở đòi em làm bánh để nó tham dự cho vui. Bây giờ nó “xù”, không thèm xuống, mà còn nói những điều em không hiểu nổi…

Nghe tôi kể, chồng tôi cũng thắc mắc:

-         Hồi nào đến giờ, bạn bè đến, nó đều vui vẻ cơ mà?

-         Trông nó lo lắng, khác thường lắm anh ạ. Cu Tí nằm trùm mền, chán đời như một thằng đàn ông vừa bị lay off, vợ bỏ, và nhà cửa, xe cộ, bị nhà băng kéo vậy đó.

Chồng tôi chợt reo lên như nhà phát minh vừa tìm ra đáp số:

-         Anh biết rồi, Cu Tí đang yêu!

-         Nó mới 14 tuổi, ngây thơ trong trắng. Con em, em biết mà…

Chồng tôi vẫn khăng khăng:

-         Nó đang tương tư đấy em ơi. Thằng con trai cao lớn, đẹp trai như Cu Tí thiếu gì con gái theo, làm gì mà nó không xúc động?

-         Thế thì chán quá, em chẳng còn tâm trí nào làm bánh nữa, trong khi con em đang đau khổ vì một con ranh con nào đó. Hừ! để em phải hỏi nó cho ra lẽ…

Tôi lại hồng hộc chạy lên lầu, nhưng cửa phòng Cu Tí đã đóng chặt, bên trong im lìm, tôi không thể làm gì khác hơn là đi xuống nhà. Chồng tôi nhìn đống vật liệu bừa bộn trên bàn và “sung sướng” đưa ra ý kiến:

-         Hay là dẹp làm bánh đi, em nhé?

Từ rầu rỉ tôi vùng lên:

-         Chuyện đâu còn đó, kế hoạch làm bánh đã lập ra, vật liệu đã chất một đống đây, thì em phải làm . Cu Tí vẫn muốn được ăn bánh của em cơ mà.

Tuy vậy tôi vẫn  bắt tay làm bánh với tâm trạng hoang mang, đầu óc nghĩ lung tung, không biết chuyện gì đang xảy ra cho con tôi? Cầm máy đánh trứng làm sao mà để bắn tung toé trứng vào cả mặt, cả tóc tôi. Chồng tôi đứng bên cạnh, may mà anh ta “né” được, nên không bị gì, nhưng cũng cằn nhằn:

-         Em cẩn thận kẻo văng xuống sàn nhà, đừng trách sao lại có kiến, có dán.

-         Cho dù em có làm văng xuống sàn nhà, nhưng lỗi là tại…anh không lau chùi sạch sẽ. Tôi cãi và tiếp tục sai bảo:

-         Thôi, anh chuẩn bị cân cho em 200 gram đường, 250 gram bột mì và lấy giùm em 1 gói va ni trong cái hộp nho nhỏ màu trắng đặt giữa cái hũ màu vàng và màu xanh, để ở cái tủ gỗ phía bên phải, gần cái oven đấy.

-         Trời ơi, gói va ni mà em cất giữ như kho tàng quý báu ấy, muốn tìm được cũng điên đầu. Em mà hối quá, anh cân lộn bột mì thành đường bây giờ.

-         Nếu thế thì chết em đấy, thiếu bột khi nướng bánh sẽ xẹp. Đã mấy lần anh phải ăn bánh xẹp kiểu ấy rồi. Anh chưa ngán à ?

Chồng tôi đang cân đong, đo đếm, thì đúng lúc đó chuông cửa reo, khách nào mà …không biết điều, đến ngay vào lúc cả hai vợ chồng tôi đều bận bịu thế này?

-         Ai thế nhỉ? Chắc có liên quan đến thằng Cu Tí? Để anh ra xem…

Chồng tôi nói và bỏ mặc đường bột bơ vơ trên bàn, hối hả ra mở cửa. Một lát anh ta quay vào:

-         Có hai đứa bạn gái cùng lớp Cu Tí, đòi gặp Cu Tí.

-         Anh có hỏi tụi nó chuyện gì không?

-         Anh chưa hỏi, vì tụi nó nói chỉ có thể nói chuyện này với con mình thôi. Em là phụ nữ, chắc sẽ dò hỏi tụi nó dễ hơn.

Đến lượt tôi bỏ mặc thố trứng đang đánh dở dang, nằm bơ vơ bên cạnh đống đường bột cũng đang bơ vơ nhu thế, lau sơ mặt và tay, tôi bước ra phòng khách. Hai cô bé xinh xẻo, tuổi cỡ Cu Tí đang ngồi đợi ở ghế sôfa.

-         Cháu chào bác ạ.

Hai đứa cùng đứng dậy chào tôi. Tôi đáp lại:

-         Bác chào hai cháu, hai cháu là ai?

-         Thưa bác, hai cháu là bạn thân của nhau và cũng là bạn cùng lớp của Steve. Cháu tên là Amanda Nguyễn và bạn đây là Cindy Nguyễn. Chúng cháu muốn gặp Steve có chuyện khẩn cấp.

Tôi hồi hộp thầm đoán, chắc đây là nguyên do Cu Tí có thái độ “trùm mền” hôm nay. Tôi phải điều tra cho ra ngọn nguồn mới được, xem đứa nào là “thủ phạm” đã làm  trái tim con tôi “rướm máu”,  con tôi “đau khổ” như thế.

Tôi hỏi:

-         Amanda và Cindy muốn gặp Cu Tí có chuyện gì?

Con Amanda mở tròn đôi mắt to đen hạt huyền của nó lên. Đẹp thế, mà tôi cũng chẳng lòng dạ nào mà khen:

-         Cu Tí là ai hả bác??

Rồi đến lượt con Cindy cũng tròn vo đôi môi cong cong, xinh xẻo lên mà hỏi:

-         Cu Tí nghĩa là gì hả bác?

-         Cu Tí nghĩa là…

Tôi đâm ra bối rối, biết giải nghĩa tên “Cu Tí” thế nào bây giờ? Những nick name người Việt Nam đặt dễ thương thật đấy, nhưng giải nghĩa ra thấy …kỳ kỳ làm sao! Như Cu Tí, Cu Tèo, Gái Lớn, Gái Nhỏ. Ở xóm tôi tại Việt Nam khi xưa, có nhà đặt tên con là “Thằng Vẹo”(vì chân nó có tật, đi xiêu vẹo một chút) con Ù ( mập ù) con Nị ( vì bé tí nị) Gọi từ bé cho đến lớn thì chết tên luôn, dù bây giờ anh Vẹo đã chữa đôi chân bớt vẹo, có vợ đẹp con khôn. Còn con Ù, con Nị, đã là hai cô gái xinh đẹp, có khối chàng đang theo đuổi.

Tôi giải thích:

-         Cu Tí là cái tên Việt Nam bác gọi ở nhà của thằng Steve ấy mà. Thế hai cháu muốn gặp Steve chuyện gì thì cứ nói với bác, bác sẽ giúp cho. Steve dặn bác là hôm nay nó không muốn tiếp ai hết.

Hai con bé nhìn nhau, rồi cùng thì thầm với nhau gì đó. Con Amanda lên tiếng:

-         Steve không muốn tiếp tụi cháu thật hả bác?

  Tôi dỗ dành hai con bé:

-         Bác là mẹ Steve. Hãy coi bác như một người để tâm sự đi. Bác sẽ hiểu hai cháu muốn gì và biết đâu sẽ giúp được hai cháu…

Cindy nói:

-         Nếu Steve không muốn gặp tụi cháu, thì tụi cháu phải nói ra thôi và nhờ bác nói lại với Steve nhé.

Tôi lại hồi hộp như sắp sửa phải nghe một chuyện…kinh dị. Cindy tiếp:

-         Cháu và Amanda cùng…yêu Steve, tụi cháu muốn gặp gỡ tay ba, để Steve muốn chọn ai thì chọn. Thẳng thắn, rõ ràng như vậy, còn hơn là hai đứa cứ yêu và Steve cứ im lặng.

Thôi chết rồi, đây là một chuyện tình, mà lại là chuyện tình tay ba, mối tình “tam giác” mới éo le. Tôi kinh hoàng nhớ đến những chuyện tình tay ba gây án mạng, đổ máu đã từng đăng trên báo. Tôi cố trấn tỉnh để hỏi tiếp hai con nhỏ nhãi ranh đang yêu kia:

-         Các cháu yêu Steve hồi nào? Sao lại đòi Steve lựa chọn vào đúng dịp lễ này?

Con Amanda lại mở to đôi mắt đẹp như mơ của nó:

-         Có tình yêu vào mùa lễ Giáng Sinh mới vui chứ bác. Tụi cháu sẽ có lí do tặng quà cho nhau, sẽ hẹn nhau đi chơi phố .

Tôi nghĩ thầm, hai con bé này ảnh hưởng ti vi, phim ảnh quá rồi. Còn Cu Tí, dưới sự dạy bảo và kiểm soát của tôi, tôi vẫn tin nó là một thằng “ ngốc nghếch” không hơn không kém.

Với tâm hồn của một người mẹ, của một người phụ nữ, tôi dịu dàng nói chuyện với hai con bé rằng: hai cháu và Steve, còn rất trẻ, tương lai ở phía trước, các cháu phải ngoan ngoãn, chăm lo học hành. Ở tuổi này, mọi thứ, từ ăn ở, học hành, đều lệ thuộc vào cha mẹ, gia đình, thì yêu nhau để được gì? Sẽ ảnh hưởng đến việc học, đến tư cách của các cháu. Thay vì Amanda và Cindy dành nhau trái tim của Steve, tại sao cả ba không là tình bạn? Các cháu sẽ không mất gì cả, hai cháu vẫn là đôi bạn thân và cùng có Steve. Khi nào các cháu khôn lớn trưởng thành, tình yêu mới đích thực là tình yêu

Hai con bé lại nhìn nhau, ánh mắt trao đổi như công nhận tôi nói có lý, sẽ không ai mất gì cả, còn hơn là  sẽ mất một người bạn, và mất cả người mình thương.

  Cindy nói:

-         Vâng chúng cháu sẽ vâng lời bác. Bác cũng nói với Steve như thế nhé?

-         Chúng cháu hứa sẽ cùng là bạn với Steve. Amanda nói tiếp.

Tôi thở phào, nhẹ nhỏm:

-         Vậy tối mai là Christmas Eve. Bác mời hai cháu đến đây ăn mừng lễ Giáng Sinh với gia đình bác, với bạn Steve nhé?

Hai con bé vui mừng nhận lời và chào tôi ra về.

Tôi lên lầu để nói chuyện với Cu Tí, dù vẫn tin tưởng ở con mình nhưng nếu tôi đã lầm thì đây cũng là dịp để tôi dạy dỗ, chỉ bảo Cu Tí như đã làm với Amanda và Cindy.

Có lẽ Cu Tí đã biết nãy giờ tôi tiếp hai khách của nó, nên cửa phòng đã mở. Thấy tôi vào, nó thò đầu ra khỏi tấm mền, hỏi ngay:

-         Hai con đó về chưa mẹ?

Tôi ngồi xuống bên cạnh con:

-         Chúng nó đã về rồi. Con hãy nói cho mẹ nghe đi, có phải hai đứa nó yêu con không?

Cu Tí gật đầu.Tôi hỏi tiếp:

-         Vậy con yêu đứa nào?

Tức thì Cu Tí trợn mắt lên, phản đối:

-         Ai nói với mẹ thế? Hai con đó thích con, nhưng con không thích con nào hết.

Tôi nhìn cử chỉ và nhìn sâu vào đôi mắt Cu Tí, tôi sung sướng biết là Cu Tí ngây thơ vô tội trong “chuyện tình” này.

-         Hai con này cứ theo con hoài, con chẳng biết làm sao, vì con chỉ coi chúng nó như những đứa bạn cùng lớp thôi. Hôm qua, nó đưa con tờ giấy này…

Cu Tí móc túi áo, đưa tôi tờ giấy có ghi mấy hàng chữ: “Steve, Chiều mai Amanda và Cindy sẽ đến nhà Steve để chúng ta cùng nói chuyện. Trước mặt ba người, Steve phải lên tiếng chọn, ai sẽ là người yêu của Steve nhé”.

Đúng là trẻ con thời đại này và ở xứ Mỹ này, biết yêu sớm và thẳng thắn như Mỹ. Trong khi Cu Tí đã được chúng tôi dạy dỗ theo phong tục rất Việt Nam, đã biết yêu là gì đâu, ngoài chuyện học hành. Hèn gì thằng Cu Tí sợ, phải lập kế giả bệnh, trùm mền để trốn tránh.

Tôi kể cho Cu Tí nghe Amanda và Cindy đã hiểu ra và sẽ giữ tình bạn với con như trước. Cu Tí vui mừng ôm chầm lấy tôi:

-         Mẹ giỏi quá! Vậy mà con đã lo âu suốt từ hôm qua đến giờ, vì chẳng biết tính sao.

Rồi nó tung mền, vùng dậy:

-         Bây giờ con xuống bếp phụ mẹ làm bánh đây.

                  ** *   ***   ***

Đêm Christmas Eve, chúng tôi sửa soạn bày tiệc ra bàn, ổ bánh Giáng Sinh tôi làm được đặt ngay chính giữa, tuy màu sắc không tréo ngoe, nhưng cũng…không đẹp hơn ổ bánh cách đây 6 năm là bao. Chắc tài cán tôi chỉ cỡ đó, không…thụt lùi là may rồi. Ổ bánh có công của Cu Tí rất nhiều, nó đã chia sẻ một nửa sự vất vả mà 6 năm trước bố nó phải gánh chịu một mình. Tuy bề ngoài ổ bánh trông “vô duyên” thế, nhưng tôi hi vọng chất lượng bánh thơm ngon, vì bơ để làm kem tôi mua loại đắt tiền, với chủ ý lấy nội dung  “cứu bồ” cái hình thức, mà tôi đã tiên đoán trước, không thể nào sai được.

Đúng giờ, hai con bé Amanda và Cindy đến, chúng khệ nệ bưng theo một ổ bánh Giáng Sinh đã mua từ cửa tiệm nào đó để làm quà. Chồng tôi mở hộp bánh ra và đặt cạnh ổ bánh của tôi. Dĩ nhiên, ai cũng thấy “Hai khung trời khác biệt” giữa hai ổ bánh, một bên thì lộng lẫy, hoa mỹ, một bên thì vụng về, méo mó.

Chồng tôi nói với riêng tôi:

-         Cái ổ bánh kia đẹp xấu không quan trọng bằng trong ngày lễ tươi vui này, chúng ta biết rằng con chúng ta vẫn ngoan ngoãn, trong sáng và em đã giúp được hai con bé kia thoát ra được cái vòng tình yêu vụng dại, ngớ ngẩn. Thắt chặt lại tình bạn bè của ba đứa nó.

Trẻ con thường mau quên, nhìn Amanda và Cindy cùng nói chuyện tíu tít với thằng Cu Tí, tôi hiểu chúng nó vẫn chỉ là ba đứa trẻ, ba đứa bạn học cùng lớp. Tôi ngắm nhìn hai ổ bánh Giáng Sinh và thì thầm một mình:

- “ Hỡi hai ổ bánh Giáng Sinh, một đẹp, một xấu kia! Cả hai đều là tấm lòng chân thành, thương mến với Steve, với thằng Cu Tí và gia đình chúng tôi đêm nay. Đây mãi mãi là hai ổ bánh Giáng Sinh đẹp nhất trên cõi đời này.”.

               Nguyễn thị Thanh Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét