TÔI YÊU TIẾNG MÁ TUYỆT VỜI.
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn Gia Định đất lành chim đậu, và cũng giống như bao con dân Nam Kỳ nên tôi gọi Má thay vì mẹ là đại từ phổ biến từ đèo Cả trở ra. Đọc tới đây sẽ có nhiều người giẩy nẩy lên cho rằng mẹ được gọi từ bắc chí Nam nhiều hơn Má. Ở đây tôi không tranh luận mẹ hay Má được gọi nhiều hơn mà chỉ muốn thế hiện tình yêucho tiếng Má
Tôi nhớ như in trong tất cả các vở tuồng cải lương xã hội, những vở kịch hay điện ảnh xã hội thời đại công diễn hay lên sóng ở Sài Gòn và cả VNCH đều xưng con gọi Má. Cụ thể là tất cả vở từ thời Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, rồi Lá Sầu Riêng, Dưới 2 màu áo cô Kim Cương, hay là Áo người trinh nữ, Kịch lúc O giờ ban Thẩm Thúy Hằng, các vở bi hài kịch Sống (Túy Hồng), ban kịch Tân Dân Nam êkip Anh Lân, Túy Hoa, Túy Phượng luôn gọi Má, rồi Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn, Con cò trắng. Ông cò quận 9, Áo cưới trước cổng chùa, Tấm lòng của biển... luôn gọi Má. Có thể mẹ sẽ xuất hiện trên phim ảnh bối cảnh miền Trung hay dòng kịch giọng Bắc Vũ Đức Duy- Kiều Hạnh trước 1975, trừ khi trong vở tuồng cổ trang hay hương xa thì phải gọi theo vai vế, dân tộc, giai cấp hoặc là mẹ đại diện cho dân gian. Chứ tiếng Má là độc quyền gọi từ Nha Trang trở vào Tây Ninh,Cà Mau, Phú Quốc đã từ vài trăm năm trước.
Người am tường lịch sử văn hóa có thể cho rằng tiếng Má Nam Kỳ là giống người Hoa gọi trong gia đình. Nhưng tôi cho là tiếng Má giống nhau lại càng thể hiện sự giao thoa văn hóa xã hội dân Việt Đàng Trong với cộng đồng người Hoa phản Thanh di dân xuống Nam Kỳ và Nam Dương từ thế kỷ 17_18. Và đó là đặc trưng của gia đình và xã hội Nam Kỳ, chỉ người Nam mới gọi Má, và Má phải luôn là dân Nam Kỳ. Bởi vậy hồi sau 1975 tất cả anh bộ đội vào Nam đều cố gọi Má xưng con với các phụ nữ trên trung niên và ngay cả phim ảnh hay văn học miền Bắc đề tài miền Nam đều biết gọi Má trong phim hay truyện ký.
Toàn bộ gia đình bên Ngoại Lê Tuấn gốc Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rí bao nhiêu thế hệ luôn gọi Má xưng con. Khi ở Đà Lạt mà bạn nghe ai gọi mẹ thì ắt hẳn đó là lối xưng hô dân cư gốc đèo Cả trở ra. Nhưng từ thập niên 1990's trong hầu hết các vở kịch nói hay phim truyền hình tự dưng mất tăm tiếng Má đặc trưng Sài Gòn xưa mà thay vào gọi mẹ. Tôi có hỏi nhiều người cho rằng mẹ sang hơn Má và đại diện cho VN. Có luận cứ cho rằng tiếng nói thay đổi theo thời kỳ xã hội nên sau này mẹ nổi hơn, đông hơn và lên sóng cũng nhiều hơn. Tiếng Má bây giờ bị cho là quê mùa dân dã xưa cũ, bằng chứng trừ ca khúc nhạc sĩ Bắc Sơn thì đa số các bài hát chỉ có mẹ. Nhưng tôi tin chắc còn nhiều triệu người con Nam Kỳ vẫn còn yêu tiếng Má từ trong nhà ra đến trường học hay chốn chợ đời.
TUẤN LÊ TUẤN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét