( Hình ảnh con đường của một huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng - Do HTT giới thiệu với MCHX blog )
Phong Vị Miền Tây :
“ĂN LẤY THẢO “
Một ông anh nhà thơ hỏi tôi: “Anh về miền Tây được bà con mời ăn lấy thảo. Ăn lấy thảo là sao em? Mà đi nhà nào cũng nghe câu này…”.
Thật vậy, nếu ai đó về miền Tây Nam bộ mà được mời ăn, mời uống thì đều nghe mấy chữ “Ăn lấy thảo”. Ăn cái gì mà ngộ vậy? Đơn giản thôi, “Thảo” có nghĩa là thơm thảo, và “Ăn lấy thảo” là ăn chủ yếu tấm lòng thơm thảo của người biếu, vì có khi món quà biếu nhỏ lắm, ít lắm. Nhưng dù có biếu thật nhiều đi nữa thì người biếu cũng nói y vậy, cũng mời với tấm lòng thơm thảo, khiêm tốn, chứ không có kiểu cao ngạo, ban phát. Của cho không bằng cách cho hoàn toàn đúng với người miền Tây.
Tôi nhớ hồi nhỏ, ở trong một xóm đa số nhà nghèo, chỉ vài nhà khá giả nhưng luôn mời nhau ăn theo kiểu ấy. Hễ một nhà làm món ăn là múc ra đem mời cả xóm. Ngoại tôi chưng chuối với khoai lang, nước cốt dừa, một nồi vậy chứ múc ra 7-8 tô bảo tôi đi biếu cả xóm, chỉ chừa lại vừa đủ nhà ăn. Tôi bưng tô chuối chưng qua nhà cậu Hai Nho, nói: “Dạ, ngoại con mời cậu mợ ăn lấy thảo”. Xong, bưng tô khác qua nhà mợ Tư Oanh: “Ngoại con nói mời cậu mợ ăn lấy thảo”. Chạy qua nhà ông Ba Hanh: “Ông Ba ơi, má con mời ông ăn lấy thảo”…
Đến lượt nhà cậu Hai Nho đổ bánh xèo, chị Thủy con cậu bưng qua nhà tôi một dĩa: “Bà Bảy ơi, ba con mời bà ăn lấy thảo”. Và tất nhiên những dĩa bánh xèo từ nhà cậu Hai Nho lại đi giáp xóm. Ông Ba Hanh bắt con vịt làm thịt, thể nào chị em tôi cũng có cháo vịt mà ăn. Vậy đó, có khi tô cháo, dĩa bánh ít thôi, nhưng dứt khoát phải biếu hàng xóm láng giềng ăn kỳ được mới chịu, chứ không bao giờ thích ăn một mình, ăn một nhà. Đúng là “Ăn lấy thảo” vì nó không nhiều, nhưng vui, có tình, có nghĩa. Người miền Tây không có thói ăn giấu ăn giếm, hoặc nhà này ăn thì nhà kia lại dòm ngó, dèm pha, ganh tị…, bởi cứ bưng mời kiểu đó, sẻ chia đến tận cùng.
Nhưng cũng có những món quà rất nhiều vẫn mang tiếng là “Lấy thảo”. Mợ Tư Oanh khá giả nhất xóm, mỗi lần thu hoạch khoai chở về cả xuồng. Mợ bưng một rổ to gần chục ký đem cho nhà tôi, nói nhỏ nhẹ với ngoại: “Dì Bảy, con mới giở khoai, dì ăn lấy thảo với con”. Trời, cả chục ký mà lấy thảo gì? Vẫn lấy thảo, bởi mợ biếu mà nhẹ nhàng, không hề tỏ vẻ sang cả so với những hàng xóm nghèo như nhà tôi. Mợ chia nếp, chia cá cho cả xóm mỗi khi tết đến cứ tự nhiên và giản dị như một chuyện bình thường. Riết rồi mỗi lần nghe mợ ới lên qua lấy cá, tôi xách cái rổ chạy sang, cũng bình thường như cá ấy là…của mình. Thiệt tình chuyện ơn nghĩa riết rồi trở thành bình thường, cho qua cho lại thấy chả có gì phải lớn lao, phải nặng lòng. Bởi ơn nghĩa đã trở thành nếp sinh hoạt quá đỗi thường xuyên, và tấm lòng thơm thảo ai cũng có, cũng trao tặng lẫn nhau thường xuyên. Đạt tới mức ấy mới chính thật người miền Tây.
Giờ tôi lên Sài Gòn sinh sống, vẫn thèm cái nếp ấy. Nhưng thực hiện được không? Sài Gòn kín cổng cao tường, nhà ai nấy ở, có khi nhà mình không biết người nào nhà cạnh bên… Nhiều lời “Đồn đãi” về Sài Gòn khiến người ta e dè, rồi những cánh cửa khép lại là khép luôn trái tim con người, hình như vậy. Nhưng tôi đã thử mở cửa ra, và gõ cửa trái tim Sài Gòn. Thì ra Sài Gòn nồng ấm vô cùng, Sài Gòn có rất nhiều người miền Tây lên sinh sống, cả những người ở vùng miền khác đến đây cũng nhiễm ngay kiểu sống Sài Gòn, kiểu sống miền Tây.
Tôi làm quen hàng xóm, tôi nấu thức ăn mời hàng xóm, rồi những buổi nấu ăn chung cả 4 block chung cư cùng đến với nhau, chúng tôi cùng chia thức ăn cho nhau, tiếng cười rộn rã. Đến lượt hàng xóm nấu thức ăn bưng qua nhà cho tôi, có người còn chăm chút mua cho tôi từng ký ổi organic, từng bịch muối dưỡng sinh, biếu tôi đường phèn nấu chè thanh ngọt, hoặc có mớ tép ở quê gửi lên cũng chạy sang biếu tôi, hoặc tưới hoa giùm khi tôi đi vắng… Ôi trời, miền Tây ở đây, Sài Gòn ở đây, ngọt ngào không thể tả!
Cuối cùng, phong vị miền Tây dù có mai một đi nhiều bởi sự thay đổi về khoa học kỹ thuật, về tiện nghi, về cấu trúc xã hội, nhưng có lẽ cái chất chân thành, giản dị, nhân nghĩa ấy chắc không thể nào phôi pha...
HOÀNG KIM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét