Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Sức khỏe: TUỔI 60 VÀ NƯỚC - Quan Võ gt& st

 




TUỔI 60 VÀ NƯỚC

Bất cứ khi nào tôi dạy học lâm sàng cho sinh viên y khoa năm thứ tư, tôi đều hỏi câu hỏi sau:

– Những nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn tâm thần ở người cao tuổi?

Số đông trả lời: ”Do có khối u trong não.” Tôi trả lời là “Không”

Những người khác nói: “Các triệu chứng sớm của bệnh Alzheimer”. Tôi trả lời một lần nữa: ”Không”

Với mỗi lần “Không“ câu trả lời của họ sẽ cạn dần, và thậm chí càng cỡi mở hơn khi tôi liệt kê 3 nguyên nhân phổ biến nhất:

– Bệnh tiểu đường không kiểm soát được

– Nhiễm trùng tiết niệu

– Mất nước (dehydration)

Nghe tất cả như một trò đùa, nhưng không phải vậy.

Những người trên 60 tuổi thường ngừng cảm thấy khát nước, do đó họ ngừng uống nước. Khi không có ai ở bên cạnh để nhắc họ uống nước họ sẽ nhanh chóng bị mất nước.

Khi sự mất nước trở nên nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Nó có thể gây ra rối loạn tinh thần đột ngột, giảm huyết áp, tăng nhịp tim, đau thắt ngực (đau ngực), hôn mê và thậm chí tử vong.

Thói quen quên uống chất lỏng này bắt đầu ở tuổi 60 khi chúng ta chỉ có hơn 50% lượng nước nên có trong cơ thể. Những người trên 60 tuổi có trữ lượng nước thấp hơn. Đây là hoá trình lão hoá tự nhiên. Nhưng có nhiều biến chứng hơn. Mặc dù họ bị mất nước nhưng họ không cảm thấy muốn uống nước bởi vì cơ chế cân bằng bên trong họ không hoạt động tốt!

Kết luận: Những người trên 60 tuổi mất nước dễ dàng không chỉ vì họ có nguồn cung cấp nước nhỏ hơn mà vì họ không cảm thấy cơ thể thiếu nước.

Mặc dù những người trên 60 tuổi có thể trông khoẻ mạnh nhưng việc thực hiện các phản ứng và chức năng hoá học có thể gây hại cho toàn bộ cơ thể của họ.

Vì vậy đây là 2 cảnh báo:

1) Tập thói quen uống chất lỏng, chất lỏng bao gồm nước, nước trái cây, trà, nước dừa, sữa, súp và trái cây chứa nhiều nước, như dưa hấu, dưa gan, đào và dứa. Cam quít cũng có tác dụng. Điều quan trọng là cứ sau 2 giờ bạn phải uống một ít chất lỏng, và nên luôn nhớ điều này!…

2) Cảnh báo cho các người thân trong gia đình: liên tục truyền dịch cho những người trên 60 tuổi, đổng thời quan sát họ. Nếu bạn nhận ra rằng họ đang từ chối chất lỏng từ ngày này qua ngày khác, họ cáu kỉnh, khó thở hoặc tỏ ra thiếu chú ý, đây gần như chắc chắn là triệu chứng mất nước phát sinh.

Cảm hứng để uống nhiều nước hơn bây giờ? Tự điều chỉnh bản thân để tự giúp mình sống khoẻ mạnh và minh mẩn.


Bài của BS. Arnold Lichtenstein

Tản mạn: NGƯỜI ĐẶT TÊN CHO... - Đinh Trực sưu tầm.






 NGƯỜI ĐẶT TÊN CHO ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN TRƯỚC 1975....!

Từ lâu, người Sài Gòn đã rất khâm phục cách đặt tên cho đường phố ở Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn.

Mọi người vẫn đinh ninh rằng đó là tập họp của một công trình có sự đóng góp trí tuệ của nhiều người, một Hội đồng gồm nhiều: học giả, sử gia, nhà văn uy tín…

Nhưng thật sự bất ngờ khi được biết kiệt tác lịch sử này đã được hoàn thành bởi một công chức...!           

Người đó là Trưởng Phòng Họa Đồ thuộc Tòa Đô Chánh-Sài Gòn.

Ông Ngô Văn Phát, Nhà văn – bút hiệu Thuần Phong, sinh ngày 16-10-1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu....!


Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 Pháp bàn giao chính quyền cho Chính Phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.

Để đánh dấu việc giành độc lập từ tay người Pháp, Toà Đô Chánh Sài Gòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Nhiệm vụ này được giao cho Phòng Hoạ Đồ. 

Sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông Ngô Văn Phát đã đệ trình lên Hội Đồng Đô Thành toàn bộ danh sách tên các con đường và đã được chấp thuận trong sự nể phục...!

Các con đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang, mạch lạc với sự cân nhắc, đánh giá, bao gồm cả công trạng từng anh hùng, phù hợp với địa thế và các dinh thự đã có sẵn từ trước... Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khía cạnh vừa có tình vừa có lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Phải là một con người có tâm, có tầm mới nghĩ ra và đặt tên cho hay, ý nghĩa, phù hợp với lòng người...!

-Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng mơ ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.

-Đường đi ngang qua Bộ Y Tế (xưa) thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.

-Đường De Lattre De Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, vì đi ngang qua Pháp Đình. (Toà án xưa).

-Đại Lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sài Gòn nối từ Toà Đô Chánh (Ủy ban Nhân dân Thành phố nay) đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị Anh hùng đã dùng chiến thuật thần tốc phá tan hơn 20 vạn quân Thanh. Đại Lộ này cũng ngắn tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của Ngài-Nguyễn Huệ.

-Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại Lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. 

-Đường Phan Thanh Giản nằm gần đường Phan Liêm, Phan Ngữ là hai người con Ông, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẩn tiết...!

-Ông Cao Thắng một chuyên gia làm súng chống Tây thì “được” ở gần 2 Nhà kháng chiến: Nguyễn Thiện Thuật và Phan Đình Phùng.

-Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công trạng dựng nước, giữ nước của các Ngài. 

-Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho vua Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn, được nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi. Như Quân và Thần xưa kia...!

-Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số người dân là người Hoa cư ngụ nên gắn liền với họ.

-Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, để ghi nhớ những chiến công, các trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông Cổ, chống Nhà Nguyên của Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13. 

-Thẳng góc với hai đường Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Đó là Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý vì cả ba đều là văn thi sĩ nổi danh...


•Năm 1957, ông Ngô Văn Phát có bài đăng trên bộ Tự điển Encyclopedia – Britannica ở Luân Đôn (Anh Quốc). Đó là chuyên đề Khảo cứu về thành phố Sài Gòn. •Năm 1964 với chuyên đề Ca dao giảng luận in trên tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ ở Paris (sau in thành sách ở Sài Gòn). 

•Cùng năm này ở Trường Cao học Sorbonne (Paris), ông cũng có chuyên đề "Nguyễn Du et La  Métrique Populaire" (Nguyễn Du với thể dân ca) trong bộ sách nhan đề: Mélanges sur Nguyên Du (Tạp luận về Nguyễn Du).

•Những năm 1970, ông được mời thỉnh giảng môn Văn học dân gian tại Đại học Văn khoa, Sư phạm Huế và Cần Thơ.

Ngoài ra, hầu hết những con đường khác ở Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đều do Ông và đồng sự đặt ra...


*TÊN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở SÀI GÒN-GIA ĐỊNH VÀ CHỢ LỚN TRƯỚC VÀ SAU NĂM 1975....

•Bùi Chu > Tôn Thất Tùng.

•Chi Lăng > Phan Đăng Lưu.

•Công Lý > Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

•Cộng Hòa > Nguyễn Văn Cừ.

•Cường Để > Tôn Đức Thắng.

•Duy Tân > Phạm Ngọc Thạch.

•Đoàn Thị Điểm > Trương Định (cả Đoàn thị Điểm và Trương Công Định đều đổi thành Trương Định).

•Đỗ Thành Nhân > Đoàn Văn Bơ.

•Đồn Đất > Thái Văn Lung.

•Đồng Khánh > Trần Hưng Đạo B.

•Gia Long > Lý Tự Trọng.

•Hiền Vương > Võ Thị Sáu.

•Hồng Thập Tự > trước là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nay là Nguyễn Thị Minh Khai.

•Huỳnh Quang Tiên > Hồ Hảo Hớn. 

•Lê Văn Duyệt (Gia Định) > Đinh Tiên Hoàng.

•Lê Văn Duyệt (Sài Gòn) > Cách Mạng Tháng 8.

•Minh Mạng > Ngô Gia Tự.

•Ngô Tùng Châu > Nguyễn Văn Đậu.

•Ngô Tùng Châu (Sài Gòn)> Lê thị Riêng.

•Nguyễn Đình Chiểu > Trần Quốc Toản.

•Nguyễn Hoàng > Trần Phú.

•Nguyễn Huệ (Phú Nhuận) > Thích Quảng Đức.

•Nguyễn Huỳnh Đức > Huỳnh Văn Bánh.

•Nguyễn Minh Chiếu > Nguyễn Trọng Tuyển.

•Nguyễn Phi > Lê Anh Xuân.

•Nguyễn Văn Học > Nơ Trang Long.

•Nguyễn Văn Thinh > Mạc Thị Bưởi

•Nguyễn Văn Thoại > Lý Thường Kiệt.

•Pétrus Ký > Lê Hồng Phong.

•Phạm Đăng Hưng > Mai Thị Lựu.

•Phan Đình Phùng > Nguyễn Đình Chiểu.

•Phan Thanh Giản > Điện Biên Phủ.

•Phan Văn Hùm > Nguyễn thị Nghĩa

•Phát Diệm > Trần Đình Xu.

•Sương Nguyệt Ánh > Sương Nguyệt Anh.

•Tạ Thu Thâu > Lưu Văn Lang.

•Thái Lập Thành (Phú Nhuận) > Phan Xích Long.

•Thái Lập Thành (Q1) > Đông Du.

•Thành Thái > An Dương Vương.

•Thiệu Trị > Nguyễn Văn Luông.

•Thoại Ngọc Hầu > Phạm Văn Hai.

•Thống Nhất > Lê Duẩn.

•Tổng Đốc Phương > Châu Văn Liêm.

•Trần Hoàng Quân > Nguyễn Chí Thanh.

•Trần Quốc Toản > 3 Tháng 2.

•Trần Quý Cáp > Võ Văn Tần

•Triệu Đà > Ngô Quyền.

•Trịnh Minh Thế > Nguyễn Tất Thành.

•Trương Công Định > Trương Định (cả Đoàn Thị Điểm và Trương Công Định đều đổi thành Trương Định).

•Trương Tấn Bửu > Trần Huy Liệu

•Trương Minh Ký > Lê Văn Sĩ.

•Trương Minh Giảng > Trần Quốc Thảo.

•Tự Đức > Nguyễn Văn Thủ.

•Tự Do > Đồng Khởi.

•Võ Di Nguy (Phú Nhuận) > Phân thành 2 đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Kiệm.

•Võ Di Nguy (Sài Gòn) > Hồ Tùng Mậu.

•Võ Tánh (Phú Nhuận) > Hoàng Văn Thụ.

•Võ Tánh (Sài Gòn) > 1 phần của Nguyễn Trãi, khúc giao với Cống Quỳnh.

•Yên Đổ > Lý Chính Thắng.


**Ông mất vào năm 1983 tại Sài Gòn hưởng thọ 73 tuổi...!

Một con người uyên bác, trí thông, học thức như ông vừa có Tâm, có Tầm, có Tài, có Đức đáng được người sau ngưỡng mộ và tri ân...!


(Đinh Trực sưu tầm)

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Tản văn: SÀI GÒN - Nguyen Thi Bich Nga.

 



SÀI GÒN

Mười ba tuổi, tui xách túi ni lông đựng bốn bộ quần áo rách, nhảy lên xe đò, trốn mẹ, đi Sài Gòn. Trong túi quần chỉ đủ tiền vé một chiều và miếng giấy ghi địa chỉ nhà cô ruột ở quận tám. Anh em giang hồ gọi là bỏ nhà đi bụi.

Trời vừa đứng bóng thì xe lên tới bến xe miền Tây. Không biết móc ra móc vô kiểu gì mà tui kiếm hết túi này tới túi nọ hổng thấy miếng giấy ghi địa chỉ đâu. Nhớ mang máng trong đầu, tui hỏi thăm đường rồi lếch thếch đi bộ qua quận tám.

Sài Gòn mênh mông và quá đỗi ồn ào nhộn nhịp đối với một đứa nhỏ mười ba tuổi quê kiểng chưa biết hết đường xá của cái thị xã nhỏ quê nhà. Tui vừa đi vừa sợ. Ở quê, người lớn hay kể những câu chuyện về Sài Gòn, thường là những câu chuyện cảnh báo về sự lừa gạt. Rằng ở Sài Gòn người ta ít có qua lại với nhau, nhà nào biết nhà nấy. Trong trí tưởng tượng của tui Sài Gòn là một nơi khá đáng sợ và phải hết sức cảnh giác. Sài Gòn cũng hấp dẫn tui bởi những ổ bánh mì thiệt bự thiệt dài thơm nức mùi bơ mà thỉnh thoảng trong xóm có người đi Sài Gòn mua về làm quà đem cho nhà tui một ổ ăn lấy thảo.

Chiều xuống, xe cộ nườm nượp và mỗi lúc lại đông hơn, tui cứ đi một bên lề vì không dám băng qua đường. Cứ vừa đi vừa chút chút lại ngó các biển hiệu coi mình tới đâu rồi chứ cũng không dám hỏi thăm nhiều. Tui không nhớ chính xác được tên đường và số nhà, phường tổ, chỉ mang máng nhớ nhà cô ở gần chợ Xóm Củi, cạnh cầu Chà Và. Cả ngày không ăn không uống gì, đói khát và mỏi rả rời nên càng lúc tui đi càng chậm hơn. Thành phố lên đèn, tui tới được chợ Xóm Củi. Đứng trước cái nhà bự chảng có cái biển tên chợ trên nóc tui mừng lắm vì biết mình gần lắm rồi. Rồi ngay sau đó tui hoảng hốt vì không còn biết đi lối nào nữa. Từ trưa đến giờ ít ra tui còn có một cái tên chợ Xóm Củi để hỏi thăm, giờ không còn biết phải hỏi thăm như thế nào nữa. Tui ngồi ở dạ cầu Chà Và, hoang mang, sợ hãi tăng lên khi trời mỗi lúc mỗi tối hơn. Vài người chạy xe ngang ngó nghiêng tui càng làm tui thêm sợ. Tui ngồi co rút người lại nhỏ nhất có thể, lấy cái bọc ni lông che phía trước để mong người ta đừng để ý đến mình.

"Đụ mẹ mày, chơi xong hổng trả tiền hả? Tao uýnh chết cha mày, thằng chó đẻ, thằng chó đẻ, mày đứng lại.."

Tui giựt mình vì tiếng la hét. Ngó sang bên thì thấy người đàn ông cởi trần chạy ra từ cái hốc nhỏ khuyết sâu vào trong lòng của dạ cầu, theo sau là một chị lớn tuổi áo không cài nút rượt theo, la hét chói lói. Tui mất hồn mất vía vội xách cái bọc lên bỏ chạy.

Chừng ngừng lại, tui không còn biết mình đang ở chỗ nào. Không dám hỏi đường để quay lại dạ cầu vì tui cảm thấy nó không còn an toàn nữa, cũng không biết phải đi đâu, cũng không dám ngồi vỉa hè để nghỉ chân. Tui bước lang thang, vô định. Tui cứ đi như vậy và không còn để ý đến biển hiệu tên đường coi mình đang ở đâu nữa. Nỗi sợ hình như đã biến mất, tui trống rỗng. Khuya dần. Đường phố ít người hơn. Tui chọn đi những con đường nhỏ nhỏ vì sợ chỗ đông người. Lang thang mãi đến lúc gặp một cái chợ ngay cạnh đường. Các sạp đã dẹp hết, trống trơn, không một bóng người. Tui an tâm rẽ vô, leo lên một cái sạp, chắc ban ngày người ta dùng để bán thịt vì mùi thịt sống bốc lên nồng nặc, tui dựa lưng vô cái cột ở góc sạp ngồi nghỉ rồi ngủ thiếp đi.

"Em ơi, ê, nhỏ ơi, nhỏ ơi!"

Tui thấy bàn chân mình có ai đó nắm lấy và tai mơ hồ nghe giọng của một người đàn ông văng vẳng, lấy hết sức lực tui đạp mạnh.

"Á."

Tui lồm cồm bò dậy, tay quơ tìm cái bọc, dụi mắt rồi nhảy phắt dậy đứng trên cái sạp thủ thế để sẳn sàng bỏ chạy hoặc chiến đấu.

Người đàn ông bị tui đạp té ngồi bệt dưới đất đang lồm cồm đứng dậy.

"Ây ây, hổng có gì đâu, hổng có gì đâu, đừng sợ, đừng sợ. Tui thấy em nằm ngủ ở đây nên tui kêu tui hỏi thăm thôi."

Tui dáo dác nhìn quanh, không thấy ai ngòai tôi và người đàn ông. Tui trừng trừng mắt nhìn người đàn ông, rồi lại đảo mắt nhìn quanh để tìm đường bỏ chạy vì nhắm thấy mình nhỏ xíu, không thể chống cự nếu anh ta túm được tui lần nữa. Tui nhận ra mình mắc một sai lầm nghiêm trọng khi chọn cái sạp quá gần mặt đường. Chắc lúc nãy tui mệt quá, thấy cái sạp thì leo lên ngồi nghỉ mà không tính đến việc ngủ quên và bị phát hiện. Nhìn ra đường, tui mong có người qua lại để có gì còn kêu cứu nhưng không có ai, không một chiếc xe nào chạy qua, chỉ thấy một chiếc xe đạp cũ dựng gần lề, tôi đoán của người đàn ông.

"Tui đi ngang qua thấy em nằm ở đây, tui ghé vô coi em có làm sao không sao lại nằm ngủ ở đây."

Người đàn ông phủi phủi đít quần, dưới ánh đèn đường hắt vào, gương mặt người đàn ông gày gò, tầm ba mươi tuổi, giãn ra với nụ cười rộng, như thể để trấn an tui. Bớt sợ hơn, nhưng tui vẫn cảnh giác không trả lời, tui nhảy xuống khỏi cái sạp định bỏ đi.

" Nhỏ đói không? Anh có ổ bánh mì."

Người đàn ông chỉ tay ra cái xe đạp. Rồi không đợi tui trả lời, anh nhanh chân bước ra dắt luôn cái xe vô dựng gần cái sạp, gỡ bọc bánh mì và bọc nước sâm treo trên ghi đông xe xuống, đoạn anh thót lên ngồi trên mặt sạp, đưa bọc bánh cho tui. Anh vỗ vỗ xuống mặt sạp thịt, gọi. 

"Ngồi đây nè. Nhỏ ăn đi."

Lúc này cái bụng tui bắt đầu kêu lên ro ro. Tui nửa muốn leo lên sạp ngồi và ăn bánh, nửa muốn bỏ đi. Nỗi sợ quay lại. Mấy bà mấy chị ở quê hay kể trên Sài Gòn này người ta hay dụ người bằng cách bỏ thuốc mê vô trong thức ăn nước uống. Như đọc được suy nghĩ của tui. Anh lấy cái bánh mì ra, bẻ đôi, cắn một miếng rồi đưa tui nửa còn lại. Anh uống một ngụm nước trong cái bọc rồi cũng đưa luôn cho tui. An tâm hơn nhiều và cũng quá đói khát, tui nhận nửa cái bánh và bọc nước, leo lên góc kia của cái sạp, ngồi xa anh ra để đề phòng, miệng lí nhí cảm ơn, rồi rón rén đưa miếng bánh lên miệng cắn. Người tui tan ra theo miếng bánh và ngụm nước sâm thơm thơm, ngọt lịm. Ở quê, nhà nghèo, hổng có mấy dịp tui được ăn những thứ này. Đói khát lắm nhưng tui không dám ăn nhanh, cứ cắn từng miếng nhỏ và cũng không dám nhai nuốt vội. Anh ngồi cười cười nhìn tui ăn rồi đưa luôn nửa cái bánh mì còn lại cho tui. Tui làm bộ lắc đầu như thể mình ăn chừng này là đủ. Tui vẫn không mở miệng nói gì, cặm cụi ăn.

"Nay anh đi làm về khuya, bữa nào anh cũng đi ngang qua đây."

Tui gật đầu dạ lí nhí, chắc chỉ mình tui nghe thấy. Từ nhỏ, tui đã hầu như không nói chuyện, suốt ngày chỉ loanh quanh làm việc nhà xong thì rúc vào một góc đọc sách. Tui không biết nói chuyện. Con nít trong xóm không chơi với tui. Trong nhà tui cũng không chơi với các anh chị nhiều. Tui không thích nói vì cứ mỗi lần tui mở miệng ra thì bị người lớn đánh, quát mắng hoặc với bạn thì bị chúng giận. Thế giới của tui là sách, sách và chỉ có sách. Văn học, tiểu thuyết, triết học, tâm lý học, khoa học, chính trị...đống sách của ba, tui đọc láng không sót một chữ kể cả phụ lục, đọc đi đọc lại. Tui thích đắm chìm trong đó với những suy nghĩ của riêng mình hơn là phải giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tui luôn bối rối không thể hiểu nổi người khác nghĩ gì, tại sao họ lại nói dối, tại sao họ lại cãi nhau, tại sao họ lại cử xử kỳ lạ, tại sao tui lại bị đánh bị ghét vì nói thật trong khi ai cũng dạy tui phải nói thật, tại sao những người quanh tui luôn nói dối và được tin, tại sao người ta nói một đàng làm một nẻo... Tui sợ chỗ đông người. Tui sợ luôn việc bị đụng chạm, sợ bị nhìn thấy. Tui chỉ muốn ở một mình và mơ ước lớn nhất là đừng ai nói gì hay đụng vô người tui. 

"Nè, nhỏ ăn luôn đi."

"Anh ăn đi. Em..no rồi."

Mãi tui mới cất được một câu và đó là là lần đầu tiên tui nói dối. Cái bụng tui làm phản, nó lập tức sôi lên ót ót rất to, không giấu vào đâu được.

"Anh cũng chưa ăn tối, nhưng mà chắc là em đói hơn, nè ăn đi nhỏ."

Tui xấu hổ, cầm nửa cái bánh mì, người giãn ra vì đã bớt sợ nhiều, nửa cái bánh mì thịt đã làm tui hồi sức.

Đợi tui ăn xong anh mới tiếp tục hỏi thăm tại sao lại ngủ ở thớt thịt, đi đâu, ở đâu để anh đưa về. Ngắc ngứ một hồi tui cũng nói được cho anh biết tui làm mất tờ giấy ghi địa chỉ và giờ thì không tìm được nhà cô mà cũng không biết đi đâu.

Anh nghe xong bèn lên kế hoạch.

"Giờ vầy, khuya lắm luôn rồi, em cứ ngồi đây nghỉ đi, anh ngồi đây với em. Chờ chút nữa trời sáng anh chở em về chợ Xóm Củi rồi đưa em đi mấy đường loanh quanh tìm thử coi có gặp nhà cô em không, hén?! Em có biết nhà cô em làm gì không? Có buôn bán gì không?"

Tui sực nhớ nhà cô có xưởng sản xuất bạc cây. Tui định lên nhà cô với hi vọng xin cô cho tui được làm việc ở xưởng. Có một người anh họ con chú bác ở gần nhà tui đã lên đây làm cho cô, thỉnh thoảng anh về mọi người nói chuyện tui nghe lỏm được.

"Sáng anh chở em đi vòng vòng khu đó hỏi thăm thì chắc là tìm được thôi. Nếu không tìm được anh sẽ chở em ra bến xe mua vé cho em về quê, nghen."

Tui rụt người lại như bị điện giựt, lắc đầu, tự nhiên mắt ầng ậc nước. Tui ráng kềm để đừng sụt sịt đặng giấu đi không cho anh thấy mình sắp khóc.

"Nhỏ không cho anh lựa chọn. Nhiệm vụ của anh nặng hơn rồi. Anh sẽ kiếm được nhà cô cho em."

Tui thở ra một hơi dài, nhẹ nhỏm. Hai anh em ngồi hai góc trên cái thớt thịt, thỉnh thoảng anh hỏi gì tui trả lời câu đó rồi lại im lặng cúi gằm mặt không dám nhìn.

Sáng, anh chở tui đi. Anh đưa tui đi ăn sáng ở một hẻm nhỏ. Tui ăn hết tô bún xào, uống một ly nước sâm mát lạnh, người tỉnh hẳn. Lúc này tui mới thấy đường xa vì chạy rất lâu mới tới được chợ Xóm Củi. Hết một buổi sáng thì anh chở tui tới một căn nhà trên một con đường nhỏ, phía trước nhà chất nhiều cây gỗ cao su đã được xẻ nhỏ, phía hè đối diện có phơi nhiều bạc cây. Anh và tui đều ngầm hiểu chắc là đúng chỗ rồi.

"Anh chờ ở đây. Em vô coi phải nhà cô em không."

Tui ngần ngừ rồi bước vô nhà, cô tui và các anh chị em họ của tui đang cưa xẻ tiện bào gỗ giữa mịt mù bụi mạt cưa và tiếng máy ầm ĩ. Cô thấy tui thì giật mình xong hỏi thăm mấy câu rồi dắt tui lên căn gác xép bằng gỗ nhỏ xíu biểu tui nghỉ ngơi rồi nói chuyện sau. Tui cất bọc quần áo rồi xin phép cô chạy ra ngòai đường báo tin anh biết đã tìm đúng nhà rồi.

"Anh an tâm rồi, em ở đây hén, ít bữa anh ghé qua thăm."

Quay vô nhà, cô tui đứng ở cửa nhìn ra, cau mày hỏi.

"Con nói chuyện với thằng nào vậy?"

"Dạ. Con lạc đường, ảnh chở con đi tìm về được tới đây."

Cô không nói gì thêm. Trưa đó cô cho  tui gọi điện thoại bàn về cho một nhà giàu trong xóm mà cô có số để nhờ báo tin cho nhà tui yên tâm. Tui ở lại làm việc ở xưởng, phụ xỏ bạc cây, học cưa, bào, tiện..

Sau một tuần, tui ngồi xỏ bạc cây ở hiên mà bụng cứ thắc thỏm trông anh ghé lại thăm tui như đã hẹn. Một buổi chiều muộn, tui đang loay hoay hốt mạt cưa, dăm bào vô bao tải thì cô vô kêu.

"Ngà, thằng hôm bữa nó qua kiếm."

Tui mừng rỡ chạy ra. Anh ngồi trên cái xe đạp cũ ở lề đường, toe miệng cười khi thấy tui. Anh phủi phủi mớ mạt cưa dính trên đầu tui, hỏi thăm tình hình, luôn miệng cười biểu vậy tốt rồi tốt rồi. Nói chuyện chưa được mấy câu, cô tui nãy giờ vẫn đứng ở cửa ngó ra, kêu giật giọng.

"Ngà. Vô làm cho xong đi."

Tui chào anh. Trước khi quay đi, tui khoe nhỏ với anh tui làm có lương, bữa sau anh ghé chắc tui có tiền mời anh ăn bún xào. Anh gật gật, hẹn tuần sau ghé qua thăm tui nữa. Tui chạy vô nhà thì cô tui nạt.

"Biết người ta là ai mà nói chuyện lâu vậy? Biết ở Sài Gòn này lừa gạt nhiều lắm không? Từ nay không có nói chuyện với người lạ nữa nghe hông."

Tui quay đầu ra nhìn anh, biết chắc rằng anh đã nghe thấy, anh quay xe vội vã đạp đi. Tui muốn hét lên với cô rằng anh không phải người lạ. Anh không phải người lạ. Anh không như cô nghĩ. Nhưng một cái gì đó chặn ngang ngực tui, y hệt như những khi tui bị ông anh kế và đám trẻ con ở quê vu oan, làm tui không thể nói được thành câu. Tui ú ớ rồi cúi đầu. Tui muốn chạy theo anh nhưng anh đã chạy xa một đoạn. Lủi thủi quay vô nhà, tui thấy nước mắt mình rớt xuống đống mạt cưa hốt dở.

Anh không bao giờ quay lại thăm tui thêm lần nào nữa. Tui không biết tên anh. 

....

Mình trích đăng một đoạn hồi ức trong cuốn sách đang viết dở. Như một lời tri ân những con người bình dị, nghèo khó mà đầy tình người ở Sài Gòn. Những con người dưới đáy xã hội thường xuyên bị những người khác luôn nhân danh một điều gì đó để xúc phạm, sỉ nhục và coi thường. Những ngày tháng này họ càng đang phải lắt lay, chịu đựng hơn bao giờ hết.

Mảnh đất này đã nuôi sống bao người và họ, chính những người ở tầng đáy xã hội lại là những người luôn xòe bàn tay mình ra khi gặp kẻ khó. Ai cũng dễ dàng bắt gặp cảnh một chị bán cà phê vỉa hè móc túi cho thằng nghiện hai chục ngàn mà không hề băn khoăn cân nhắc tiền mình cho nó sẽ đi về đâu. Họ bị coi là ít học, nhưng họ sống bằng đạo lý của đất trời chứ không phải bằng thứ đạo đức đầy khôn ngoan đã và đang được rao giảng khắp nơi. Phải hiểu đạo lý thì mới có thể hiểu được người Sài Gòn. Cái gì không hợp đạo lý thì chẳng tồn tại được mãi mãi. Đời người dài thăm thẳm chẳng phải mỗi một kiếp này. 

Đêm qua ngồi thiền theo lời kêu rủ của đứa bạn qua Facebook, tui nguyện hồi hướng mọi công đức mà mình có cho tất cả, mặc dù tui không biết trong đời mình tui có mần được gì xứng đáng để gọi là công đức hay chưa. Đứa bạn đổ bệnh sau nhiều ngày chạy tới chạy lui chăm lo cho bá tánh. Nó bệnh vì nhiễm virus hay vì mệt hay vì mớ kẽm gai làm nó không còn đi được nữa? Có thể là vì tất cả. Nó vẫn ngồi thiền lúc chín giờ tối hằng ngày cho đến hết tháng để cầu nguyện bình an cho tất cả. 

Nguyện cầu bình an và tỉnh thức cho tất cả.

NGUYEN THI BICH NGA.

Thơ : NHỚ LẠI THỜI YÊU DẤU - Thuy Hà.

 




NHỚ LẠI THỜI YÊU DẤU ĐÃ XA.

Mùa thu ơi! Hãy chầm chậm nhé

Chờ mây về phiêu lãng miên man

Trôi trôi nhẹ cho chiều rơi khẽ

Hương thu ươm trên lá nồng nàn.


Mùa thu ơi! Có gì mà vội

Cứ nhẹ nhàng từng bước thong dong

Gió heo may dịu dàng nhẹ thổi

Lá vàng rơi trên cỏ thơm nồng.


Mùa thu ơi! Chờ người về nhé

Để cùng đi trong ánh chiều tà

Ngắm hoàng hôn bên trời buông nhẹ

Nhớ lại thời  yêu dấu đã xa .

THUY HÀ.

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Lẽ sống: XÂY NHÀ THỜ VÀ NẠN ĐÓI - Lm Mi Trầm.

 





XÂY NHÀ THỜ VÀ NẠN ĐÓI…


Nhà thờ Đan viện XITÔ CHÂU SƠN (Ninh Bình) được xây dựng từ tháng 2/1939 đến cuối năm 1945 mới hoàn tất.


Khi đang xây dựng đến 2 chân tháp cao, thì nạn đói xảy ra. Dân chúng quanh đó kéo nhau đến xin Đan viện cứu đói. Đan viện quyết định dừng việc xây dựng nhà Chúa để lấy tiền cứu dân, rồi tính sau.


Khi qua nạn đói, việc xây dựng lại được tiếp tục. Nhưng Đan viện quyết định không xây tháp lên cao nữa, mà dừng lại ở đó để làm kỷ niệm như một dấu chỉ nhắc nhở về việc sống Bác Ái, như chúng ta thấy trong hình.


Linh mục Mi Trầm

(Trang Catholic - Công giáo)

Thơ : MẸ ƠI ! - Thạch Thảo.





 Đang mùa Vu Lan. Nhớ ơi là nhớ

MẸ ƠI 


Mẹ ơi là tiếng ngọt ngào

Như lọn mía, như buồng cau sau nhà

Áo cò mòn vạt chợ xa

Con khốn lớn, tháng ngày cha không về.


Bến đời tất bật nhiêu khê

Oằn vai mái dột. Bộn bề áo cơm

Goá chồng từ thuở còn son

Tam tòng tứ đức vo tròn thuỷ chung.


Mây thu xô cả nghìn trùng

Cải về trời. Rau ngại ngùng bể dâu.

Lặng chiều đứng ngóng ngõ sau

Giọt mưa chảy ướt, cồn cào nhớ thương.


Cho con núp bóng thiên đường

Náu nương mẹ kẻo vô thường bão giông.


THẠCH THẢO Bình Dương 



Thơ: GỬI NỒNG NÀN... - LPQ





 GỬI NỒNG NÀN CHỜ BÓNG TRĂNG TAN


Đèn khuya bóng đổ vàng dấu lệ

Phố vắng khôn nguôi biệt ly nầy

Nửa đêm trở thức nhìn trăng quạnh

Dây phím chùng tay rót ly đầy

Chờ mai nghe tiếng rao đầu ngõ

Mà sao vò võ vợi rất xa

Thèm chân quen bước vào quán lạ

Nhớ nắng đường chiều dấu tình ta

Ngoài hiên chiếc lá vô tình rụng

Lá đọng sương khuya tưởng giọt say

Biết ngày mai ấy đời tan hợp

Ôm dấu lặng thầm ngủ trên tay


Thì thôi dốc hết ly rượu cạn

Gửi nồng nàn chờ bóng trăng tan


LPQ

(Sài Gòn mùa giới nghiêm 08/2021)


Thơ: ĐỪNG HỎI SAO... - NguoiVoTinh.

 



ĐỪNG HỎI SAO EM ĐA ĐOAN NHÉ.

Tại em viết câu thơ buồn muôn thuở

Có bóng hình người xưa cũ đã xa

Chắc giống lòng ai đó... thoáng đọc qua

Nên họ hỏi “em đa đoan từ bé?”


Ai chắc cũng có một thời tuổi trẻ

Ngập ngừng nên để lỡ mất một người

Mối tình đầu dang dở... giống nhau thôi

Nên có lẽ một đời đau đáu mãi.


Có trách chi cũng bởi xưa vụng dại

Mỗi từ yêu mà ngại chẳng ngỏ lời

Để tháng ngày duyên tựa áng mây trôi

Xa xa mãi... chẳng thể về nơi cũ.

Người đừng kết tội em “đa đoan” nữa

Chuyện tình đầu... như gió thoảng qua tim

Ai ngờ đâu năm tháng chẳng thể quên

Nên em viết... câu thơ... tình damg dở...


nguoivotinh

Thơ: DÒNG SÔNG - MẸ VÀ EM - Hà Thu Thủy.






 DÒNG SÔNG- MẸ VÀ EM


Tàng cây xanh bên bờ sông hút gió

Giọng mẹ à ơi ru hởi ru hời

"Tàu súp- lê một còn than còn thở

Tàu súp-lê hai còn đợi còn chờ".


Tóc mẹ bay trong gió sông vời vợi

Lời ru hòa vào sóng nước Đồng Nai

Anh đi xa vẫn nặng lòng nhung nhớ

Dòng sông quê cùng tóc mẹ buông dài.


Ba nhịp cầu nối hai bờ sông nhỏ

Chiều tan trường rợp áo trắng tung bay

Em mắt cận trong vùng sương khói ấy

Anh nhớ hoài mái tóc buộc chia hai.


Bao nhiêu năm sống cuộc đời viễn xứ

Quên nhiều điều nhưng vẫn nhớ dòng sông

Nhớ mẹ già nua giờ không còn nữa

Và nhớ em trăm nỗi nhớ chùng lòng.

HÀ THU THỦY. 

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Suy ngẫm: LUỘC LÚA - Hoàng Hải Vân.






 LUỘC LÚA


Lịch sử Trung Quốc cho thấy khi hai nước tranh chấp nhau, nhà cầm quyền nước này tuyệt đối không làm lợi cho dân chúng nước kia, dù một chút xíu. Và không một mưu hèn kế bẩn nào mà giới cầm quyền không dùng. Luộc lúa là một trong những kế bẩn thỉu nhất mà Việt vương Câu Tiễn dùng để tiêu diệt nước Ngô. 


Sau khi thua trận bị Ngô vương Phù Sai bắt, Câu Tiễn đã hạ mình làm nô lệ, đến mức tự nguyện liếm phân của vua Ngô để thể hiện lòng trung thành, được Phù Sai thương trả về lại làm vua nước Việt (Việt là một trong những nước chư hầu thời Xuân Thu bên Trung Quốc, không phải là nước ta). Về nước, Câu Tiễn một mặt tiếp tục tự mình nằm gai nếm mật nuôi chí phục thù, mặt khác giả vờ cúc cung thần phục vua Ngô. Khi dân đói, Câu Tiễn sang Ngô mượn lúa, Ngô Vương cho mượn để vỗ về. Đến khi trả thì Câu Tiễn nghe lời mưu thần Văn Chủng, cho luộc một nửa số lúa trước khi mang trả. Bên Ngô mắc mưu, thấy số lúa luộc này to mẩy hơn lúa thường (do bị luộc nở ra) nên dùng làm lúa giống. Cả nước mang lúa luộc ra gieo thì chuyện gì xảy ra mọi người đều biết. Mất mùa, dân đói, quốc lực suy yếu. Câu Tiễn mang đại quân tấn công, không thắng mới là chuyện lạ.


Kế luộc lúa này được các nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng mấy ngàn năm nay với những biến hoá khôn lường. Do biến hoá khôn lường nên vẫn có người mắc mưu. Hết chiện !


HOÀNG HẢI VÂN

Thơ : BÂNG KHUÂNG CHIỀU MƯA... An Yên.






BÂNG KHUÂNG CHIỀU MƯA THU.

 Chiều nay mưa giăng đầy trên lối nhỏ

Người thương ơi phương đó lạnh lắm không?

Có khắc khoải, quay quắt tận cõi lòng

Như nơi đây em hằng mong gặp gỡ.


Mưa mùa Thu ướt mèm từng sợi nhớ

Giữ sợi thương trăn trở suốt canh thâu

Lòng lắng lo người sổ mũi, nhức đầu

Chân tê buốt vết thương đau, em xót.


Mưa mùa Thu cũng nói lời dịu ngọt

Nhè nhẹ rơi thôi đắng đót giọt buồn

An ủi ta không mắt lệ rơi tuôn

Chở nhớ nhung về phương anh xa đó.


Mưa mùa Thu chứa chan lời của gió

Khe khẽ lay ngọn cỏ cũng gợi tình

Gió nhớ ai một lúc lại lặng thinh

Khiến tim ta mơ bóng hình yêu dấu.


Mưa mùa Thu dường như cũng hiểu thấu

Sợi nhớ thương ta giấu ở nơi nào

Nên tần ngần chờ ôm những khát khao

Gửi phương xa bao ước ao ấp ủ.


Thoáng bâng khuâng nghĩ về mùa Thu cũ

Bỏ lại sau miền quá khứ vô hình

Để hôm nay ta đón ánh bình minh

Bằng vần thơ, bằng tình yêu nỗi nhớ.


Mùa Thu về để ta hoài trăn trở!


AN YÊN.

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Suy ngẫm: GIỜ LÂM CHUNG... - Sưu tầm.

 






GIỜ LÂM CHUNG CỦA ALEXANDER ĐẠI ĐẾ 

Tương truyền rằng trong giờ phút lâm chung, Alexander Đại đế triệu tập các cận thần của mình và nói với họ 3 điều ước cuối cùng của ông:

1. Hãy để các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta.

2. Hãy rải tài sản của ta, bao gồm tất cả tiền, vàng, kim cương, đá quý trên đường đến nghĩa trang.

3. Hãy để đôi bàn tay của ta được thả lỏng và để nó bên ngoài cho tất cả mọi người thấy.

Một trong những vị tướng của ông đã rất bất ngờ trước những yêu cầu bất thường này nên đã yêu cầu Alexander giải thích. Alexander Đại đế đáp lại:

-- Ta muốn các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta để chứng minh rằng, khi đối mặt với cái chết, ngay cả những ngự y giỏi nhất trên thế giới cũng không có sức mạnh cải tử hoàn sinh .

-- Ta muốn rải hết tiền vàng trên đường để muốn mọi người biết rằng, sự giàu có về vật chất có được trên Trái Đất này thì sẽ phải ở lại Trái Đất.

---Ta muốn bàn tay ta đung đưa trong gió, để muốn mọi người hiểu rằng, chúng ta đến với thế giới này bằng hai bàn tay trắng, thì chúng ta rời thế giới này cũng với hai bàn tay trắng.

Chúng ta sẽ không còn gì, sau khi tài sản quý giá nhất của chúng ta đã cạn kiệt đó là:  sức khỏe (tinh thần & thể chất)  và thời gian chất lượng (dành cho bản thân & gia đình).

St.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Thư giãn: NHAN SẮC CON HÀ MÃ... - Phong Luu.

 




NHAN SẮC CON HÀ MÃ…


Sau trận cải vã với ông hàng xóm, hơn một năm sau, bà Rose kiện ông Jack ra toà vì tội phỉ báng, so sánh không trung thực nhan sắc của bà với con hà mã.

Toà hỏi: 

- Bà Rose, bà có thể lập lại ông Jack đã nói với bà như thế nào?

- Thưa toà, ổng nói “Tui muốn nựng vô đít cô một phát, cái mặt cô dễ cưng y như con hà mã”

Quan toà nhìn bà Rose, cố nhịn cười:

- Ông Jack nói bà giống con hà mã từ khi nào?

- Thưa toà, từ tháng giêng năm 2020.

Quan toà ngạc nhiên:

- Wow, sao đến bây giờ tháng 8 năm 2021 bà mới kiện?

Bà Rose đưa 2 tay lên, vẻ giận dữ:

- Thưa toà, tại hồi đầu năm 2020 tôi chưa được nhìn thấy dung nhan của con hà mã.


Phong Luu

Danh nhân: MỘT SỰ TRẢ THÙ - Lê Vũ sưu tầm.

 




Câu chuyện Vaccine :

SỰ TRẢ THÙ CỦA NGƯỜI DO THÁI

Cách đây đúng 64 năm, vào năm 1957, một vị bác sĩ đã quyết định không cần cấp bằng sáng chế cho Vaccine của mình để tất cả các công ty dược phẩm được quyền sản xuất và cung cấp nó cho tất cả trẻ em trên thế giới.

Albert Bruce Sabin sinh ra ở Bialystok năm 1906.

Vị bác sĩ người Do Thái và nhà virus học, nổi tiếng với phát minh ra Vaccine bại liệt, đã không cần tiền cho bằng sáng chế, để Vaccine được tiếp cận cho tất cả mọi người, kể cả người nghèo.

Từ năm 1959-1961, hàng triệu trẻ em từ các nước phương Đông, châu Á và châu Âu đã được chủng ngừa: Vaccine bại liệt đã dập tắt dịch bệnh.

Cả thế hệ đã bị xóa sổ bởi bệnh bại liệt.

Vaccine của ông, thường được bọc đường và cho trẻ em uống, đã thay đổi lịch sử loài người.

Ông nói: “Nhiều người khuyên tôi nhất định phải lấy bằng sáng chế cho vaccine, nhưng tôi không muốn.  Đây là món quà của tôi dành cho tất cả trẻ em trên thế giới.” - và đây là ý nguyện của ông.

Ông là người Do Thái và hai cháu gái của ông đã bị SS giết.

Khi được hỏi liệu ông có mong muốn trả thù không, ông trả lời: "Họ đã giết hai đứa cháu gái tuyệt vời của tôi, nhưng tôi đã cứu trẻ em trên khắp châu Âu. Bạn không nghĩ đây là một sự trả thù lớn sao?"

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Sabin đã tặng miễn phí các chủng vi rút của mình cho nhà khoa học Liên Xô Mikhail Chumakov để cho phép phát triển vaccine của ông ở Liên Xô.

Ông tiếp tục sống với mức lương không cao bằng một giáo sư đại học, nhưng với trái tim tràn ngập yêu thương vì đã làm được quá nhiều điều tốt đẹp cho nhân loại. 

🍁🍁🍁

VuLe St

Thư giãn: QUAN XỬ ÁN - Sưu tầm.

 




Hai thằng ngồi cãi nhau, một thằng nói 4 x4 =16 thằng kia thì bảo là 19. Hai thằng cứ thế cãi nhau, không ai chịu ai, bèn lôi lên Quan xử.

Nghe xong câu chuyện Quan phán:

- Thằng 4 x 4 = 19 được về, còn thằng 4 x 4 = 16 lôi ra đánh 50 gậy cho ta.

Sau khi bị đánh đủ 50 gậy, tên này ấm ức vào trình quan:

Thưa Quan, tại sao con trả lời đúng mà lại bị đánh.

Quan trả lời:

- Mày biết là đúng mà còn đi cãi với thằng ngu đó. Cái tội của mày là tốn thời gian của tao và của mày, đã biết nó ngu lại còn cố chấp cãi với nó, bị đánh là đúng. Còn cái thằng ngu kia thì cho nó về, cuộc đời sẽ dạy nó chứ mày có nói thế nào nó cũng không nghe đâu.

(Sưu tầm)

Thơ: BUỒN LẮM GIÓ MÂY ƠI ! - Hà Thu Thủy

 





BUỒN LẮM GIÓ MÂY ƠI !

Nắng rắc sợi tơ vàng

Sương lóng lánh giăng ngang

Vòm huệ mưa ngơ ngác

Giữa vườn cỏ thênh thang.

Gió lang thang lưng trời

Đưa mây ngàn lênh đênh

Quê hương đang nhuốm bệnh

Buồn lắm gió mây ơi!.

Sóc nhỏ đứng một mình

Thân cây nhòa nhạt nắng

Mắt tròn xoe xinh xinh

Bần thần trong yên lặng.

Nơi gần lo chốn xa

Người thương người khắc khoải

Dịch bệnh tháng năm dài

Sẽ ra sao ngày mai?

HÀ THU THỦY. 

( Cuối tháng 7-2021 )

Tản mạn: NGƯỜI VIỆT HÃY NÓI TIẾNG VIỆT - Lê Quý Hoàng.





 NGƯỜI VIỆT HÃY NÓI TIẾNG VIỆT 

Vừa rồi, tôi đến đón một người bạn ở khách sạn Imperial, đang ngồi chờ ở sảnh thì có một cô đứng tuổi chạy lật đật đến hỏi: "Con ơi! Cho O hoải (hỏi) cái "cầu xia" ở chỗ mô rứa con".

Nghe từ "cầu xia" vừa thấy quen mà cũng vừa thấy lạ. Vì đã lâu lắm rồi mới nghe lại từ cầu xia, (đây là từ địa phương mà ngày xưa một số vùng ở Huế có dùng), bởi trong cuộc sống hàng ngày thường nghe nhà vệ sinh, nhà cầu hay thuật ngữ ngoại nhập là Toilet, WC chứ ít khi nghe đến chữ "cầu xia".

Sau đó, tôi cũng bắt chuyện với cô và được nghe cô kể: Cô định cư ở Washington DC - Hoa kỳ đã được 46 năm, xung quanh nhà rất ít người Việt nên cô hiếm khi được dùng tiếng Việt. Cô lấy chồng Tây, nên hiện con cái, cháu chắt của cô cũng chẳng có ai biết nói Tiếng Việt và cô thì không quên tiếng mẹ đẻ, cô nói cô "thèm" được nghe và được nói tiếng Huế. Trong cuộc nói chuyện với cô, tôi chưa nghe cô dùng một tiếng Mỹ nào, cô nói rặt tiếng Huế.

Qua câu chuyện này, tôi thấy rằng trong cuộc sống hàng ngày không chỉ có giới trẻ mà ngay cả dân văn phòng, công sở vẫn thường xuyên dùng những từ nước ngoài trong đối thoại, không những làm đảo lộn câu, chữ mà có khi người nghe cũng chẳng hiểu hết hoặc hiểu nhầm ý muốn nói.

Có lần anh bạn đồng nghiệp nói: tui "sua" (sure) với anh, tui "sua" (sure) với anh, mình cứ nghe anh này nói sua sua mà chẳng hiểu ý anh ta muốn nói gì.

Rồi nào là: Anh "cần phơm" (confirm) lại, em mới giao phòng nhé; anh "ríp lai" (reply) cho em nhé; phòng anh "viu" (view) đẹp quá; anh "xì tóp" (stop) ở đây cho em...

Có lần, trong lúc giao dịch với một cô nàng, tôi cứ nghe cô ta nói: Ôi! anh "xờ tron" (strong) quá; cái của anh "bít" (big) quá... phải nghĩ một lúc, tôi mới hiểu ý cô ta muốn nói là: anh mạnh quá (tôi leo mấy trăm bậc thang bộ từ tầng 1 lên đến tầng 6); cái của anh to quá (ổ bánh mì của tôi to hơn của cô ta – mặc dù hai người vào nhà hàng gọi món giống nhau).

Tôi mới hỏi: sao em nói chuyện với anh mà em dùng nửa tây nửa ta, rồi câu -từ thiếu trước, hụt sau làm anh hiểu lộn tùng phèo cả lên thế?.

Cô ta mới trả lời: Em "xó rì" anh; hàng ngày em toàn chơi với người Tây, nên khi nói chuyện với người Việt em "phang" nửa tây nửa ta cho oai, mặc dù em chả giỏi gì tiếng Anh, tiếng Mỹ đâu.

Vẫn biết rằng ngôn ngữ cũng như đời sống, chảy theo dòng chảy xã hội, luôn tiếp nhận cái mới. Với cơ chế mở, chính sách mở, việc tiếp nhận các luồng văn hóa mới là đương nhiên. Điều đó giống như cuộc sống của chúng ta, xuất hiện những thứ mà trước đây không có. Và cũng có nhiều bạn ở nước ngoài lâu năm, hay các bạn thường xuyên làm việc với người nước ngoài, nên có lúc chỉ là thói quen dùng từ mặc dù họ không muốn thế. 

Vì vậy, các bạn hãy cố gắng dùng tiếng Việt để nói chuyện với người Việt, điều đó bạn đã đóng góp một phần trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập ngày nay.


LÊ QUÝ HOÀNG


Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Thơ: CẢM ƠN TÌNH YÊU ĐẦU - Thụy Hà.

 



CẢM ƠN TÌNH YÊU ĐẦU. 

Xin lỗi giọt sương mai

Đậu trên cánh hoa nhài

Gió vô tình làm rụng

Nhặt mãi chẳng vào tay.

Cảm ơn hàng cây xanh

Vươn cành cho bóng mát

Cảm ơn chim vàng anh

Rộn ràng buông tiếng hát.

Xin lỗi chú dế mèn

Vừa cất cao tiếng gáy

Đã hoảng hốt lặng im

Vì bước chân rón rén.

Cảm ơn tình yêu đầu

Trong trẻo tuổi đôi mươi

Luôn trọn vẹn nụ cười

Và nồng nàn yêu dấu.

Xin lỗi đường thênh thang

Khiến tình chia hai lối

Thời gian trôi mênh mang

Đành hai phương cách trở.

THỤY HÀ.

Cuộc sống: GIÚP MẸ - Johny Lee ( từ FB )





GIÚP MẸ.

 Một cậu bé hớn hở chạy vào khoe với người cha đang cặm cụi rửa bát ở trong bếp:

- Ba ơi, con vừa mới giúp mẹ lau xong nhà rồi nè

Người cha dừng lại và nghiêm nghị nói,

- Con à, sau này đừng bao giờ giúp mẹ làm việc nhà nữa nhé.

Đứa bé khó hiểu thắc mắc:

- Tại sao lại không được giúp ạ?

Lúc này người cha mới ôn tồn giải thích:

- Con thấy đấy, mỗi lần ba rửa bát có nói là giúp mẹ rửa không, mỗi lần ba dọn nhà có nói là giúp mẹ dọn không, tại sao vậy?

Tại vì chúng ta đều đang sống dưới cùng một mái nhà, chúng ta đều phải ăn cơm, đều cần dùng chén bát, mọi thứ trong ngôi nhà này chúng ta cũng đều đang dùng chung như nhau, vậy nên từ sau con đừng bao giờ nói là giúp mẹ làm việc nhà nữa nhé, chúng ta chỉ đang làm việc mà chúng ta nên làm, cần làm. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người sống trong căn nhà này.

Những lời này của người cha có thể sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của đứa bé, khiến trẻ cảm nhận được bản thân phải có trách nhiệm, nuôi dưỡng đức tính tự lập và biết yêu thương người phụ nữ của mình.

Trẻ con vẫn hay lầm tưởng rằng tất cả việc nhà đều là trách nhiệm của mẹ, và chúng chỉ đang gánh vác phần việc mà đáng ra chúng không phải làm. Cha mẹ có thể giải thích cho con hiểu rằng, ở nhà không có gì gọi là GIÚP, nếu có thì chỉ có trách nhiệm và đảm đương.

St trên FB. 

Cuộc sống: PHẢI CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN... - Quan Võ st và giới thiệu.

 




PHẢI CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN...


Cô soát vé xinh đẹp nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi, cô nói cộc lốc: – Soát vé! 

Người đàn ông lục khắp người một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.

Cô soát vé liếc nhìn, cười trách: – Ðây là vé trẻ em.

Người đàn ông đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp:

– Vé trẻ em ngang giá vé người tàn tật?

   Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc, rồi hỏi:

– Anh là người tàn tật à? Cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.

Người đàn ông tỏ ra căng thẳng, đáp:

– Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé, cô bán vé bảo đưa giấy chứng nhận tàn tật, tôi đã mua vé trẻ em.

Cô ta cười gằn: – Không có giấy chứng nhận, làm sao chứng minh anh là người tàn tật?

Người đàn ông im lặng, lặng lẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên.

– Tôi chỉ còn nửa bàn chân.

Cô soát vé liếc nhìn, bảo: – Tôi cần xem chứng từ, tức là sổ in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng dấu đỏ của Hội. 

Người đàn ông nhăn nhó, ráng giải thích:

– Tôi không có sổ hộ khẩu, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra tai nạn, ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…

Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.

Một lần nữa, lại phải trình rằng: mình là người tàn tật, đã mua một vé có giá trị bằng vé tàn tật…

Trưởng tàu, cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói: – Chỉ xem giấy tờ, không xem người. Anh mau mau mua vé bổ sung đi.

Người đàn ông bỗng thẫn thờ, lục khắp các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ để mua vé bổ sung. Anh nói với trưởng tàu như sắp khóc:

– Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, tôi không bao giờ còn có thể đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con góp- mỗi người một ít, để mua giùm. Xin ông mở lòng, nương tay mà tha cho tôi.

Trưởng tàu kiên quyết: – Không được.

Thừa dịp, cô soát vé nói với trưởng tàu: – Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như lao động nghĩa vụ.

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý: – Cũng được.

Ông lão- ngồi đối diện với người đàn ông tàn tật, thấy quá chướng tai gai mắt, ông đứng phắt lên, nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi: – Anh có phải đàn ông không?

Trưởng tàu không hiểu, hỏi lại: – Chuyện này có liên quan gì?

– Hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?

– Ðương nhiên tôi là đàn ông!

– Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Đưa giấy chứng nhận đàn ông cho mọi người xem coi?

Mọi người chung quanh cười rộ lên…

Thừ người ra, vị truởng tàu nói:

– Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?

Ông lão lắc đầu, nói:

– Tôi cũng giống anh chị, chỉ muốn xem chứng từ, không xem người, không có giấy chứng nhận đàn ông sẽ không là đàn ông.

Cô soát vé đứng ra giải vây, nói với ông lão:

– Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì cứ nói với tôi.

Ông lão chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng: -Cô hoàn toàn không phải là người!

Cô ta nổi cơn tam bành, la the thé:

– Ông già ăn nói tử tế một chút. Tôi không là người thì là gì?

Ông lão vẫn bình tĩnh, cười: – Cô là người ư? Cô đưa “giấy chứng nhận làm người” của cô ra xem nào…

Mọi hành khách được dịp lại cười ầm lên lần nữa.

Chỉ có một người không cười. Ðó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Ông đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ con tàu. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ...


SƯU TẦM

Thơ: CHÚT PHẬN HỒNG NHAN - Thạch Thảo.

 



       ( Hình ảnh sưu tầm trên FB )


CHÚT PHẬN HỒNG NHAN


Trời ơi… gắn thẻ làm chi?

Chồng em ghen lắm. Sợ khi sập nhà.

Chút thương còn, chớ lộ ra

Đã lâu, tri kỷ cũng là tri âm.


Trót không vẹn chữ trăm năm

Thì xin gói lại hương thầm đã xưa.

Sông đời lỡ chuyến đò đưa

Mong trôi cho hết nắng mưa dãi dầu.


Xin chàng khép nốt tình sầu

Xem như mộng đẹp ngọt ngào ngủ quên.

Khơi chi ngần ấy không duyên

Càng thêm vùi dập thuyền quyên… mút mùa.


Môi thơm, má lúm… Chợ trưa

Mắt cười giờ đã xa xưa. Bao chiều.

Xin chàng phong kín thuở yêu

Hương thầm, tóc gió, hôn liều… Đã phai.


Nhắc chi cổ tích trang đài

Hồn hoa chết điếng dài dài biết không?

Tình ơi! Xưa hỡi! Ơi chồng!

Người ta ghen lắm. Biết không hỡi chàng?


Ngậm ngùi chôn hết lỡ làng

Xin yên chút phận hồng nhan. Lạy trời.

THẠCH THẢO 

Masteri Thảo Điền ngày  23-7-2021