Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Lịch sử: NỖI HẬN KHÔN NGUÔI - Quỳnh Giao.

 



 

NỖI HẬN KHÔN NGUÔI. 

Trung Hoa có bốn nàng tuyệt sắc. Ðẹp đến nỗi chim sa như Tây Thi, làm cá lặn như Vương Chiêu Quân. Ðến nguyệt thẹn như Ðiêu Thuyền, hoặc hoa nhường như Dương Quý Phi. Những chữ “chim sa, cá lặn, hoa nhường, nguyệt thẹn” để mô tả tứ đại mỹ nhân này đã là thành ngữ.


Nhưng, không hiểu sao, cả bốn nàng đều liên hệ đến những biến cố chính trị trong lịch sử Trung Hoa. Cùng tiếng khen lại có ngay lời bình, làm cho khuynh quốc khuynh thành, có khi làm mất nước. Chả hoá là sắc đẹp phụ nữ có sức mạnh đến vậy sao? Hay là vì sự yếu đuối của các đấng mày râu?


Lên tới đỉnh cao nhất rồi trượt vào vực sâu nhất của thảm kịch, có lẽ là thân phận của Dương Quý Phi, nàng quý phi họ Dương.


Con nhà quan, quan nhỏ thôi, nàng có sắc đẹp và lại giỏi nghề múa hát cầm ca nên từ 13 tuổi đã được nhập cung, làm vương phi cho một vị Vương tên là Lý Mạo, con trai thứ 18 và còn rất nhỏ tuổi của Ðường Huyền Tông.


Huyền Tông Lỳ Long Cơ là ông vua hùng tài, cháu nội của Võ Tắc Thiên. Khi còn trẻ đã khởi binh dẹp loạn Vi Hoàng Hậu trong triều và lên ngôi với ý chí khôi phục lại hào quang của thời Ðường Thái Tông. Trong mấy chục năm đầu, khi nhà Ðường của ông còn niên hiệu Khai Nguyên, ông đạt được mục tiêu nhờ biết dùng các bậc hiền thần. 


Quá tuổi trung niên, ông bị kiêu chí làm mờ trí tuệ và dung túng gian thần trong triều, khởi đầu là Lý Lâm Phủ. Kể từ đó, nhà Ðường của ông gặp họa, là thời kỳ ông đổi niên hiệu thành Thiên Bảo. Lịch sử về sau mới nói về cùng một triều đại mà thời Khai Nguyên thì thịnh trị, qua 15 năm thời Thiên Bảo là đại họa.


Nhưng, cái họa lớn nhất của Huyền Tông là họa hồng nhan.


Ông là người đa tài mà hiếu sắc và đặc biệt là lãng mạn mê đắm các người đẹp trong cung.  Vị Hoàng Ðế này có thể là người tình tuyệt vời với từng người đẹp. Nhưng cùng lúc ông lại có rất nhiều người, trong số ba ngàn cung tần mỹ nữ được tuyển vào tam cung lục viện. Ông có trước sau 59 người con, 30 trai 29 gái, chưa kể ba con bị mất của bà Huệ Phi họ Vũ, là người đẹp ông quyến luyến nhất và cũng thương tiếc nhất khi nàng tạ thế.


Cho đến ngày Huyền Tông liếc thấy nàng phi của con trai là nàng Dương Ngọc Hoàn.


Nàng có cái tên rất đẹp là Thái Chân thì cũng do Huyền Tông đặt cho: Dù là Hoàng Ðế mà cướp vợ của con thì cũng kỳ! Nhà vua phải dẫn nàng đi qua một đường vòng, cho nàng đi tu, làm nữ đạo sĩ dưới tên Thái Chân. Sau đó cả năm mới đưa nàng về cung. Năm đó, Ngọc Hoàn mới 18, Huyền Tông tuổi gần gấp ba, 52 tuổi.


Kể từ đó, ba ngàn mỹ nữ kia trở thành bóng mờ. Nàng đã là trời một phương. Ðược cất lên làm Quý Phi, nhưng dùng nghi trượng của Hoàng Hậu.


Nếu suy theo thời nay, Quý Phi có lẽ không cao lớn, vì có khi còn múa được trên mâm đồng. Khi lớn tuổi hơn một chút, lại rất ham ăn uống không chịu kiêng khem, nàng thuộc loại da thịt đẫy đà, dưới làn da trắng hồng dường như lại ửng chút mỡ màng, râm rấp mồ hôi. Nhưng sắc đẹp Quý Phi thì không bút nào tả xiết, lại gẩy tỳ bà, gõ khánh ngọc, biết múa, biết hát, biết chiều vua. Lại còn biết hờn ghen nữa, làm nhà vua càng mê mẩn. 


Nhờ Dương Quý Phi mà cả họ Dương được hiển đạt, đã giàu, còn sang, và trong tay nắm giữ cả binh quyền. Ðương thời, nhiều nhà mới tiếc là vì sao không sinh con gái, có khi cả họ được nhờ. Cũng nhờ nàng mà hoa mẫu đơn và quả vải mới đi vào văn học sử.


Rồi cũng nhờ Dương Quý Phi mà nhiều kẻ gian nịnh được làm quan lớn, trước hết bằng cách nịnh chính nàng. Khi kẻ gian nịnh vào triều thì trung thần chỉ còn biết cúi đầu đi ra, nếu như còn giữ được cái đầu. Sau Lý Lâm Phủ, hàng ngũ gian thần có thêm Cao Lực Sĩ và An Lộc Sơn, cả hai đều biết chiều vua bằng cách nịnh nọt Quý Phi.


Nổi tiếng tài hoa, Ðường Huyền Tông cũng biết quý trọng thi nhân, nhờ vậy mà có lúc Lý Bạch đã vào làm thơ giữa triều. Ông được triệu tới... phổ thơ vào nhạc, để lại cho hậu thế ba bài Thanh Bình Điệu ngợi ca sắc đẹp Quý Phi... Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung.... Xiêm áo tựa mây, dung nhan tựa hoa. Bài thơ trở thành ca khúc, có sự phụ họa của dàn nhạc cung đình gồm 16 nhạc cụ. Người thổi sáo ngọc đệm đàn chính là Huyền Tông. Thời nay, có lẽ ông là người giữ nhịp phách, đánh trống chầu.


Nhà thơ tất nhiên biết yêu cái đẹp nhưng cũng thấy nhợn với lũ nịnh thần huyên náo chung quanh, nên làm nhục Cao Lực Sĩ, và vì vậy gây bất hòa với Quý Phi. Nhờ thế, Lý Bạch khỏi là ca nhân của cung đình, ông thong dong bước ra ngoài, như con hạc thần bay lên cõi tiên.


Trong khi ấy, vị vua hùng tài thời trẻ bắt đầu già nua và quẫn trí bỏ bê triều chính, cho đến ngày chính An Lộc Sơn làm phản và cầm quân đánh vào kinh đô Trường An. Kẻ gian năm nào đã vào nhận làm con nuôi của Quý Phi nay làm triều đình rung chuyển. Anh trai của Quý Phi là Dương Quốc Trung là kẻ bất tài, chỉ nhờ em gái mà lên Tể tướng nắm binh quyền. Không gian thì cũng hèn nên Quốc Trung lại khuyên Huyền Tông bỏ chạy vào đất Tây Thục để lánh nạn.


Trên đường tháo chạy, ba quân nổi loạn vì oán giận gian thần và gây áp lực không chịu đi nếu Hoàng Ðế không giết Quốc Trung. Và cả nàng em gái đã khiến nhà vua mê đắm mà làm loạn nước.


Kết cuộc thì Ðường Huyền Tông đành tự cứu mạng và cho người thắt cổ Quý Phi tại gò Mã Ngôi, vào đêm mùng bảy tháng Bảy, đêm Thất Tịch... Năm đó, Dương Quý Phi 36 tuổi, Huyền Tông đã bảy mươi. Sau đó, loạn An Lộc Sơn cũng tan, ông vua già Huyền Tông lụ khụ trở về, nhưng nhà Ðường bắt đầu xuống dốc từ đấy.


Mối hận tình ở Mã Ngôi Pha được lưu truyền mãi và gợi hứng cho nhiều thi nhân về sau. Trong số này, trác tuyệt nhất có Bạch Cư Dị và bài Trường hận ca, bài trường thi 118 câu, mỗi câu lại là vàng ngọc tuôn trào như lệ.


Nhưng không hiểu sao, các bậc tu minh nam tử tài trí ở đời, cứ có chuyện là đổ lỗi cho khách quần hồng.


Ða mang, hiếu sắc và mê muội trong đường tình ái thì hiếm có ai bằng Huyền Tông, nào có phải vì nàng họ Dương? Con người đó không gặp Ngọc Hoàn, thì tất cũng sẽ có nàng khác lên thành Quý Phi. Mà mê muội như vậy, ông không nuôi ong tay áo thì cũng dắt cọp vào nhà. Nếu quả thật là yêu Quý Phi còn hơn triều chính và mạng sống của mình, ông tất phải dắt tay nàng cùng bước vào cõi Thiên Thai, theo đúng lẽ mà Bạch Cư Dị đã viết: như chim liền cánh, như cây liền cành.


‘Trẫm có tội với bá tánh vì nghe lời nịnh thần và bỏ bê triều chính. Trẫm cũng coi Quý Phi là tri kỷ trong đời. Nên sẽ cùng nàng dừng chân tại đây. Tội là ở Trẫm, Mã Ngôi Pha sẽ là nơi mai táng mối tình của Trẫm với nàng.”


Dám nói vậy thì trong đám tòng vong của triều đình ai dám bắt ông chết?


Mà nếu có chết thì chẳng là xứng đáng sao. Xứng đáng với trọng tội hôn ám của mình, và nhất là xứng đáng với mối tình cùng nàng Ngọc Hoàn.


Thời đó, ít người dám coi ngai vàng và mạng sống như cỏ rác và tình yêu mới là tôn quý trên đời. Ba ngàn cung tần mỹ nữ khiến cho ông có quyền chọn nên chỉ thiết tha với tình yêu đến ngần đó thôi.


Vì vậy, Dương Quý Phi thành người đàn bà có tội. Công lý và chân lý của đàn ông vì thế cũng chỉ có ngần đó thôi.


Nhưng, may là chúng ta còn có Bạch Cư Dị.


Ông sinh ra khi Huyền Tông đã mất đuợc gần 10 năm, làm quan được hơn mười năm thì chán nản xin về trí sĩ. Những bài thơ u uẩn và nổi tiếng nhất của ông như “Tỳ Bà Hành” hay “Trường Hận Ca” có lẽ được viết trong giai đoạn thứ nhì của cuộc đời, cực hay về từ điệu và ngôn ngữ mà cũng cực buồn về ý thơ, về tư tưởng.


Bài Trường Hận Ca của ông là tuyệt tác mà lại không phổ biến trong chúng ta bằng Tỳ Bà Hành. Phần đầu bài thơ tả sắc đẹp và trí tuệ của Ngọc Hoàn. Không có trí tuệ thì làm sao vượt qua ba ngàn yểu điệu để ngự trị trong tim của Huyền Tông? Phần thứ hai, rất đột ngột, kể về sự biến An Lộc Sơn và cuộc chạy loạn dẫn đến Mã Ngôi Pha. Phần thứ ba bắt đầu tách khỏi lịch sử để nói về nỗi ân hận khôn nguôi của Huyền Tông khi trở về kinh đô Trường An. Lúc đó, ông sống thật, với mối tình đã chết.


Phần thứ tư, Bạch Cư Dị khai thác đến cùng óc thần bí đời Ðường để nói về chuyện một đạo sĩ được sai đi vào núi tiên và tìm gặp được Dương Quý Phi. Phần cuối, nhà thơ tả nỗi xót xa của nàng Ngọc Hoàn về thảm kịch tình yêu và nhờ đạo sĩ trao lại cho nhà vua nửa chiếc thoa vàng với lời thề nguyện thủy chung: trên trời thì nguyện làm đôi chim liền cánh, dưới đất nguyện làm hai cây ghép cành.


“Liền cánh chim tung hoành trời biển,


“Cây liền cành quyến luyến trần gian.”


Lời dịch đó là của ông Trịnh Ðình Thắng, một người yêu Thơ Ðường và cứ phàn nàn mãi là ít ai dịch bài Trường Hận Ca. Bản của Tản Ðà, cũng dịch theo thể song thất lục bát là


“Xin kết nguyện chim trời liền cánh


“Xin làm cây cành nhánh liền nhau.”


Có lẽ, Nguyễn Du của chúng ta cũng cảm được nỗi niềm đắng cay của Dương Quý Phi. Tố Như dùng ngay ý thơ Bạch Cư Dị trong Trường Hận Ca cho Thúy Kiều... nói thách, nói hờn với Kim Trọng:


“Trong khi chắp cánh liền cành


“Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.”


Không rẻ rúng sao mà sau 18 năm mặn nồng, khi hữu sự Hoàng thượng lại tặng thiếp chiếc khăn thắt cổ, để di hận tới thiên cổ...


Ông vua này xét ra cũng thường, chỉ hay ở những giấc mơ của ông, cho đời sau được vui rầm tháng Tám với điệu vũ nghê thường ông mơ thấy trên cung Quảng, hoặc được tê tái với Trường Hận Ca, vào một đêm thất tịch của Ngưu Lang và Chức Nữ.



QUỲNH GIAO  (21 tháng 9, 2004)

1 nhận xét:

  1. Sử Tàu ở thời này đầy màu sắc ... loạn luân!!! :(
    Thêm một lý do để tránh xa Chinese!
    Đẹp như Dương Quý Phi thì thà xấu còn hơn !

    Trả lờiXóa