.
LẶNG LẼ MỘT MÌNH “HOÀI THƠM TÓC GIÓ”
(Đọc thơ lục bát trong “Hoài thơm tóc gió” của Thạch Thảo -
NXB Hội Nhà văn - 2021)
Tôi biết và đọc thơ Thạch Thảo cũng đã hơn chục năm rồi. Và, tôi cũng rất thích cách ngắt nhịp câu thơ vừa quen vừa lạ của thơ lục bát khiến cho từng câu thơ có sức nặng lan tỏa hơn cách ngắt nhịp bình thường. Những câu thơ tôi đọc đã lâu: “Lay phay gió/lâm thâm mưa//Tình buôn buốt/lạnh lưa thưa/ muộn chiều”(“Chiêm bao gặp người” trích “Mắt tình”) hay “Dáng hiên ngang/tóc bồng bềnh//lênh loang bóng/cứ rập rình/đêm mơ” (“Liu riu giọt nhớ” trích “Miền thương”). Đến hôm nay, cầm trên tay tập thơ “Hoài thơm tóc gió” của Thạch Thảo, tôi lại chỉ chú ý đến những bài lục bát trong tập. Có thể nói “Hoài thơm tóc gió” (NXB HNV, 2021) là tập lục bát vì thơ lục bát chiếm 67 bài trong toàn tập gồm 99 bài. Tôi đã chọn những bài lục bát để nói về thơ Thạch Thảo.
1. Mãi thương dáng núi ngọc ngà dấu yêu
Thơ là tiếng nói trữ tình; những lời riêng, bộc lộ tình cảm cá nhân nhưng lại chạm đến tâm tư tình cảm của nhiều người. Thơ của Thạch Thảo viết về tình cảm cá nhân, về gia đình, về cha mẹ, về người thân... là những câu thơ viết về những người cụ thể với số phận cụ thể. Một người cha:“ Bể dâu gục ngã chiến trường/ Ba hai tuổi sớm vô thường đời trai/ Biển ôm cha lịm hình hài/ Sóng ôm cha khóc, mãi hoài trở trăn”(Cha tôi), hoặc một người mẹ: “Bước đời trăm ngả liêu xiêu/ Gập ghềnh đá sỏi. Đánh liều phù du/ Dẫu ai bạc bẽo... cho dù.../ Lòng con có mẹ... lời ru ngọt lành” (Sao vừa nhớ thương); đó là người cha, người mẹ cụ thể của Thạch Thảo, nhưng đến khi:
Ngày của cha, bỗng nặng hồn
Xót xa con đứng bên sông... ngậm ngùi
Bao năm chinh chiến qua rồi
Vết thương chưa khép. Lở bồi... Nhớ cha!
(Ngậm ngùi nhớ cha)
Hoặc:
Mẹ giờ mây trắng cuối trời
Lòng con hụt hẫng, bời bời nhớ thương
Chung chiêng dâu bể vô thường
Bỗng dưng nhớ mẹ khôn lường mẹ ơi!
(Nghẹn ngào mắt thu)
Sẽ không còn là chuyện của một gia đình, một người cha của một cá nhân, cũng như một người mẹ của những đứa con dưới một mái nhà. Đó là nỗi đau chung của những người con không còn cha mẹ bên cạnh. Sức khái quát của thơ để người đọc còn tìm đến thơ vì điều ấy. Trong thơ Thạch Thảo, người đọc không khó để tìm ra những câu như vậy. Khi nói về người thầy giáo của mình thì:
“Đâu đây sáo trúc la đà
Nhớ thầy bóng xế chiều tà lẻ loi
Thầy như mây trắng ngậm lời
Trầm hương lan tỏa cho đời chút vui”
(Chiều muộn)
Khi nhà thơ nói về người chị của mình nhưng những ai có chị đều chung một tâm trạng:
“Lòng em ngào nghẹn lệ tuôn
Đời chị tất cả cho chồng vì con
Chị người phụ nữ vẹn toàn
Trong em bóng chị mãi còn tôn vinh”
(Chị ơi)
Thơ của Thạch Thảo không chỉ quẩn quanh trong gia đình bé nhỏ mà cũng đã bước ra cuộc sống. Hiện thực cuộc sống của đất nước ta dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn bao cô gái “chưa thấy bình minh lên trên đất nước quê mình” mà “khóc thầm”:
“Lại thương đất nước quê mình
Sau chinh chiến chưa thấy bình minh lên
Lòng cô gái guộng buồn tênh
Biết ai chia sẻ. Mình ên... khóc thầm.”
(Gái quê ra phố)
Cũng như từ sau năm 1975, chuyện chùa chiền, tu hành không được ủng hộ; có lúc còn bị phỉ báng, đánh đổ nhưng dần dần được xã hội chấp nhận. Thạch Thảo lại hòa mình vào niềm tin chung của mọi người:
“Cửa thiền rộng mở ngõ tu
Thấy mình bé nhỏ, phập phù quỷ ma
Hương trầm thoang thoảng la đà
Cầu xin linh hiển Phật Bà độ con”
(Tịnh xá Hương Lâm)
2. Ngóng trông bóng nhạn trăng thề cũ xưa
Nói đến thơ Thạch Thảo mà không nhắc đến mảng thơ tình thì bỏ sót một khoảng tâm hồn đầy ắp yêu thương của nhà thơ rất nữ tính này:
“Có gì bối rối rất riêng
Xuyến xao khó tả chút duyên lặng thầm
Ai đem hạ đỏ ngấm ngầm
Trao em mộng mị lâm thâm mưa chiều.”
(Có ai yêu hạ như mình)
Trong tình yêu của người phụ nữ thì người yêu là tất cả. Người ấy sẽ cho nàng tất cả sự bình yên và hạnh phúc: “Chàng là tất cả an lành/ Mùa em xuân chín. Long lanh mắt chiều...”(Long lanh mắt chiều). Khi người phụ nữ đã yêu thì trăm ngàn băn khoăn, trăm ngàn câu hỏi, trăm ngàn trăn trở:
“Nghe mùa hú gọi trăm năm
Nghe đêm thao thức đằm đằm giọt khuya
Hỏi duyên ấy biết có gì
Hỏi người dưng, hỏi trăng thề có hay?”
(Chút riêng gửi gió)
Rồi, lại nữa... người phụ nữ đang yêu nhận hết những thiệt thòi, chấp nhận thua thiệt trong tình yêu để người mình yêu được hạnh phúc khi mình “ríu ran” để “san sẻ niềm vui”:
“Bao nhiêu vụng dại khẽ khàng
Em xin nhận hết. Ríu ran, đứng ngồi
Không anh sầu héo mắt môi
Lấy ai san sẻ lở bồi niềm vui”
(Lở bồi buồn vui)
Khi yêu, người con gái có thể ghen tỵ với cả người không bằng mình từ nhan sắc đến cuộc sống. Thạch Thảo cũng không ngoại lệ: “Cháo hành Thị Nở có ngon?/ Mà làm xiêu vẹo tim son Chí Phèo/ Thơ em nhan sắc còn nghèo/ Làm sao nói hết đôi điều... thương ai!” (Thơ ngắn bốn câu). Bởi trong mắt nàng: “Chàng là mắt bão bình yên/ Cho em núp bóng thuyền quyên... lỡ mùa.” (Mắt bão). Nàng thấy tài năng và tâm hồn của mình quá bé nhỏ để giữ hạnh phúc nhưng không ai có thể ngăn cản được ước mơ:
“Chút thơ nhạc, chút lở bồi
Lòng thăm thẳm gói cả trời hoài hương
Mái tranh, ngõ trúc, sân trường
Sông quê gió hát, bờ tường trăng soi”
(Đủ thương hết đời)
Hoặc là hờn trách vô cớ người mình yêu: “Biểu đừng thương nhớ người ta/ Sao chiêm bao cứ la đà... bóng ai/ Xa nào lăng lắc có hay/ Gọi tên... yêu dấu. Quắt quay... nhớ... và...” (Biểu đừng thương nhớ người ta). Dặn người khác “đừng thương nhớ người ta” mà mình thì: “Ai hay tình bậu khó quên/ Buồn lòng mãi gọi hoài tên một người” (Tình bậu khó quên). Nếu không “sáng nắng chiều mưa” trong tình yêu thì không thể là phụ nữ, không thể là Thạch Thảo:
“Chiều trôi trôi. Nghẹn... lỡ làng
Giận mình cứ giận. Thương chàng cứ thương
Lạy trời đất. Lạy mười phương
Cho con quên được tình vương kiếp nào”
(Anh tàn nhẫn lắm anh yêu ạ)
Và nàng thơ cũng gắng níu kéo mọi thứ trong vòng tay yếu ớt của mình để được yên bình trong vòng tay yêu: “Mượn thơ nắm níu xuân thì/ Mượn đàn dạo khúc từ ly dỗ mình” (May mà còn có chút yêu). Nhưng sự đời luôn nằm ngoài tầm tay của con người:
“Thoắt thành dâu biển đâu ngờ
Bão giông lũ giật. Tàn mơ mộng chìm
Mưa dầm giá lạnh khuya đêm
Gió lùa buôn buốt cứa mềm lòng đau”
(Lẽ nào không nhớ tui sao!?)
Trong tập “Hoài thơm tóc gió” có rất nhiều bài thơ nói về sự tan vỡ, chia ly, sự tủi phận của những người bị chia cách. Thạch Thảo viết về những điều “đứt ruột” nhưng “đành” một cách nhẹ bâng:
“Dùng dằng ta nắm tay buông
Nghe chiều đứt ruột cuối đường từ ly
Đành thôi chẳng có duyên gì
Đành thôi tủi phận. Người đi không về”
(Dùng dằng sợi nhớ sợi thương)
Còn có thể làm gì được nữa khi tình yêu đã vỗ cánh bay xa. Ngồi đấy mà than thở, hờn trách, hay chấp nhận đều là những cung bậc tình cảm mà khi bị phản bội, khi bị hoàn cảnh phải chia cách là tình cảm bình thường của con người. Không hờn trách và xem đó là chuyện thường tình của cuộc sống để chấp nhận giữ kỷ niệm mà vui khi “Xa rồi bỗng nhớ quắt quay/ Bao nhiêu kỷ niệm tháng ngày còn nhau/ Chẳng hờn chẳng trách chi đâu/ Nhủ lòng nước chảy qua cầu. Vậy thôi!” (Ngậm ngùi nhớ quên)
“Dẫu gì chẳng trách ai đâu
Phận mình... chìm nổi, bể dâu vô thường
Thôi! Về nhặt lá mùa thương
Nghe xào xạc cũ còn hương... lụa là.”
(Còn hương lụa là)
Cũng không thể dễ quên khi “Đêm nghe vẳng tiếng ai ca/ Ngỡ người thuở ấy yêu ta... vẫn còn.” (Ru đêm 2). Mọi người sẽ già đi, nhan sắc người phụ nữ sẽ tàn phai theo năm tháng nhưng tình yêu luôn luôn nõn xanh, trái tim luôn trẻ trung mà người xưa gọi đó là lòng chung thủy hay là sự chấp nhận: “Thôi về ru giấc chiêm bao/ Thấy mình chết đuối. Chìm vào lãng quên.” (Cuối miền phù vân):
“Bóng tình yêu đã xa rồi
Vẫn ngôi thần tượng. Đứng ngồi tôn vinh
Cuối mùa nhan sắc tội tình
Trái tim vẫn trẻ. Dẫu mình đã... xưa”
(Dẫu mình đã xưa)
Thôi thì cũng cảm ơn đời, cảm ơn người cho ta một tình yêu để thương, để nhớ, để đợi, để chờ cho cuộc đời thêm sắc màu, dẫu rằng kết cục như thế nào:
“Ơn người ta có câu thơ
Để thương nhớ để đợi chờ rất riêng
Cảm ơn tình dẫu không duyên
Vẫn đầm sâu giấc mộng hiền cỏ hoa”
(Cảm ơn)
3. Nợ duyên ngần ấy... cũng thừa... buồn vui
Tôi đã đi dọc đường thơ lục bát của Thạch Thảo trong “Hoài thơm tóc gió” nhưng không thể nói là đã kỹ và chính xác về mảng thơ này. Trong tập thơ còn nhiều bài thơ khác với nhiều thể loại cũng rất ấn tượng nhưng tôi lại bị hút hồn bởi sự trong veo, hồn hậu và đậm đà chất truyền thống của thơ lục bát. Thạch Thảo đã làm mới thể thơ lục bát với cách ngắt nhịp 3/3//3/3/2 đã làm người đọc hứng thú và cảm xúc được thăng hoa hơn. Cũng nhờ cách ngắt nhịp sáng tạo mà người đọc hứng khởi đi vào vườn hoa lục bát cũ xưa nhưng lại được làm mới bởi Thạch Thảo. “Lệ tràn đêm/ ướt đẫm mi// Tủi duyên phận,/ buổi người đi/ chưa về// Những chiều hun hút sơn khê// Ngóng trông bóng nhạn/ trăng thề cũ xưa” (Còn mãi dại khờ)
Cuối cùng, từ gia đình đến người yêu đã là “Hoài thơm tóc gió” trong lòng Thạch Thảo, mặc dù:
“Dòng xanh lờ lững chảy xuôi
Cho tôi ném hết tình trôi sóng dìm
Ơ hay! Sông nước im lìm
Sao lòng giông bão, chết chìm riêng ta!”
(Dẫu thành kẻ lạ)
Tập thơ có đến 99 bài chắc chắn người đọc sẽ bắt gặp đâu đó vài hạt sạn về diễn đạt, về cũ mòn nhưng trên hết, “Hoài thơm tóc gió” là tập thơ tình đáng đọc.
Cảm ơn nhà thơ Thạch Thảo đã tặng sách.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
NVC
Ai muốn đọc bản đẹp thì bấm vào liên kết này:
https://ngovancu.blogspot.com/2022/01/lang-le-mot-minh-hoai-thom-toc-gio.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét