( Puerto Rico về đêm )
LÀM GIẦU NHỜ TIỀN ĐIỆN TỬ, BÀI HỌC PUERTO RICO
(LÊ TÂY SƠN-21.1)
Những người khai hoang tiền điện tử (Crypto colonizers) đang cố gắng bán cho người dân địa phương Puerto Rico giấc mơ làm giầu nhanh. Một làn sóng mới các nhà đầu tư tiền ảo đang di chuyển đến hòn đảo này. Người dân địa phương chào đón họ với sự phấn khích, và cả nỗi nghi ngờ vì họ từng là “con chim gặp tên” một lần.
O O O O O O
+Giấc mơ vàng Puerto Rico
Gustavo Diaz Skoff đã gặp những người nuôi “giấc mơ thiên đường” về tiền điện tử vào năm 2018 khi cơn bão Maria vừa tàn phá Puerto Rico. Chỉ sáu tháng sau khi tốt nghiệp đại học, anh bị thu hút bởi tầm nhìn “đổi mới” của họ trong kế hoạch xây dựng lại hòn đảo bị tàn phá này và quyết định làm việc cho một nhà đầu tư tiền điện tử, người đã có lời hứa sẽ quyên góp 1 tỷ USD phục hồi đảo. Nhưng chỉ một phần nhỏ của số tiền được hiện thực hóa. Hiện Skoff, 26 tuổi đang quan sát trong sự hoài nghi về mối quan hệ của đất nước mình với làn sóng thứ 2 những người tuyên truyền “giấc mơ Puerto Rico”. Đảo quốc có Đạo luật 22 giảm thuế hào phóng để thu hút người giàu, các nhà quản lý quỹ đầu cơ, cùng với các triệu phú tiền điện tử, nhưng cuộc tranh luận về việc ai được lợi nhất nhờ giảm thuế trong ngành công nghiệp tiền điện tử trị giá 3 ngàn tỷ USD bùng nổ này? Câu trả lời chưa có nhưng giá nhà đã tăng vọt ở các khu vực của thủ phủ San Juan duyên dáng nằm bên bờ biển, số cư dân mới đến tăng gần gấp ba khi luật cho phép những người đến kiếm tiền từ tiền điện tử và các khoản đầu tư khác được miễn thuế. Giữa những cáo buộc thành phần được hưởng lợi ích thuế này không hề tạo được việc làm và cũng không hề giúp đỡ cộng đồng địa phương, các thành viên của đảng độc lập cánh tả đang thúc giục bãi bỏ Đạo luật 22. Đáp lại, đám đông đào tiền điện tử sau lần thất bại đầu tiên trước đại dịch nay đang cố gắng tự đổi mới và tăng phúc lợi cho cộng đồng, trong một chiến dịch quảng bá lớn kéo dài đến tận Thung lũng Silicon của bang California. Trong các chủ đề đưa lên Twitter và trước các thành viên của Quốc hội, họ tranh luận là blockchain, công nghệ lưu trữ thông tin hỗ trợ thị trường tiền điện tử, sẽ mang lại một Internet dân chủ hơn, Các giám đốc điều hành tiền điện tử đến tận Đồi Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ để vận động thông qua các quy định nhẹ nhàng hơn cho ngành công nghiệp đang bùng nổ này. Ở Puerto Rico, đám đông khai thác tiền ảo hy vọng sẽ chứng minh khả năng của tiền điện tử trong việc tạo ra lộ trình dẫn đến thịnh vượng. Tháng trước, hàng trăm người tham dự “Hội nghị thượng đỉnh Metaverso” tại Bảo tàng nghệ thuật Museo de Arte de Puerto Rico để cổ vũ cho “ý nghĩa công nghệ và văn hóa” của các bộ sưu tập kỹ thuật số được gọi là “mã thông báo không thể thay thế” (non-fungible tokens) hoặc NFT. Các sự kiện CryptoCurious hàng tuần ở San Juan luôn thu hút đám đông ổn định. Có cả các cuộc hội thảo chuyên đề “How to mint your first NFT” để dạy trẻ em địa phương cách đúc NFT đầu tiên! Nhiều người dân Puerto Rico bị tiền ảo mê hoặc. Vào một ngày thứ Tư gần đây ở Condado, một khu phố du lịch nằm trên bờ biển phía bắc của thành phố, chàng trai 22 tuổi chỉ kiếm được 8 USD một giờ nhờ quản lý hàng loạt dịch vụ cho thuê xe tay ga điện tử nay tự hào có trong tay 2.000 USD tiền điện tử trong Ether (một sàn giao dịch tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng trong thế giới bitcoin và có thể trở thành loại tiền điện tử hàng đầu). “Ngày nay, ngay cả những người như ông bà cố của tôi cũng hiểu tầm quan trọng của bitcoin - Pedro Cruz, 28 tuổi, đồng sáng lập LooperVR, một công ty khởi nghiệp chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc thực tế ảo (VR) cho khán giả Mỹ La tinh nhận xét – Ai cũng muốn tham gia”. Sự phấn khích và nghi ngờ xung quanh tiền điện tử vừa được thể hiện tại một bữa tiệc ra mắt gần đây tạp chí mới Based do Skoff chủ biên với mục đích quảng bá cho các doanh nhân tiền ảo cây nhà lá vườn của Puerto Rico. Những người sáng lập công ty địa phương trộn lẫn với những người chính trị gia Bay Area ở Bắc California khi một ban nhạc bốn người chuyển từ nhạc salsa sang baladas trong sân của một không gian làm việc chung có từ thế kỷ 19. Hai nhà phát triển phần mềm người Puerto Rico Ernesto Ojeda và Steven Rivera, đều 25 tuổi (cũng là người khám phá ra tiền điện tử trực tuyến vào năm 2016), đã mang đến tầm nhìn triển vọng của một công nghệ có thể làm chuyển đổi nền kinh tế. Trong khi nhấm nháp rượu sâm panh, họ chào hàng trò chơi Neftify và khả năng của nó để giúp những người ở Puerto Rico, Venezuela và Philippines đủ điều kiện đầu tư vào các trò chơi blockchain “để kiếm tiền”. Ojedo nói nếu không có những trò chơi như vậy, những người từ các nước nghèo hơn sẽ “bị loại khỏi giấc mơ làm giầu bằng tiền điện tử”. Bên kia sân, Jose Domingo Soto Rivera, 23 tuổi, giám đốc điều hành của ACOMERPR, một tổ chức an ninh lương thực phi lợi nhuận chuyên cung cấp thực phẩm cho người già, thuộc số người không tin vào quảng cáo. “Tôi vẫn chưa nhận được khoản đóng góp từ những người giàu tiền điện tử như đã hứa, dù họ được giảm thuế để đóng góp cho các tổ chức từ thiện địa phương”. Skoff đứng gần lối ra, cảm ơn khách khi buổi party sắp kết thúc. Trong khi đánh giá cao khả năng của công nghệ blockchain, Skoff cho biết anh vẫn cảnh giác với việc những người từ Mỹ mang đến đây phong cách của những người đổ xô tìm vàng của các thế kỷ trước.“Quảng cáo mù quáng về mỏ vàng tiền ảo có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm” – anh nói.
+Thất bại lần đầu
Puerto Rico trở thành thiên đường thuế cho những người giàu từ năm 2012. Trong nhiều thập kỷ, chính sách thịnh vượng chung của nước Mỹ đã dựa vào các ưu đãi thuế như một chiến lược tăng trưởng, thu hút các ngành như sản xuất và dược phẩm. Khi các công ty này đóng cửa, chính quyền quyết định thử một điều gì đó khác biệt để thu hút những người giàu có trong khu vực dịch vụ như tài chính và luật, tức những người có khả năng mua nhà, mở tài khoản ngân hàng, thuê cư dân địa phương để vực dậy nền kinh tế đang suy yếu của hòn đảo. Kết quả là Đạo luật 22 ra đời để cung cấp cho những người sống trên đảo ít nhất 183 ngày một năm lợi nhuận miễn thuế đối với các khoản đầu tư của họ, nếu không họ sẽ phải chịu thuế liên bang lên đến 37%. Nhưng những người đã sống trên đảo trong 15 năm qua đều không đủ điều kiện (hầu hết người Puerto Rico bản địa) để hưởng lợi từ giảm thuế. Sau đó, năm 2017, tai họa ập đến. Cơn bão Maria đã gây ra thiệt hại thảm khốc, giết chết gần 3.000 người và khiến hầu hết 3,4 triệu cư dân không có điện, nước sinh hoạt hoặc dịch vụ điện thoại di động. Hòn đảo tuyên bố phá sản. Ngay lúc đó, thị trường tiền điện tử phát triển vũ bão trên thế giới đã kéo theo một lượng lớn các nhà đầu tư tiền điện tử mới nổi đến Puerto Rico và họ được đón cháo như “cứu tinh” và “những người phân phát giấc mơ”. Được dẫn dắt bởi nhà đầu tư Brock Pierce, chủ tịch của Tổ chức phi lợi nhuận Hội Bitcoin (Bitcoin Foundation), làn sóng người định cư đầu tiên hứa hẹn sẽ biến đảo quốc thành một thiên đường tiền điện tử bằng cách xây dựng một thành phố mới chạy trên blockchain. Nhưng họ chỉ nói sơ sài về kế hoạch. Vào thời điểm đó, blockchain có rất ít ứng dụng khả thi ngoài tiền ảo, trong số những người chấp nhận nó ban đầu, có nhiều người theo chủ nghĩa tự do, coi blockchain như một công cụ để lách thuế và các hình thức giám sát khác của chính phủ. Sự bùng nổ năm 2017 được thúc đẩy bởi cái gọi là “các dịch vụ tiền xu ban đầu” (initial coin offerings-ICOs), trong đó các nhà đầu tư bơm tiền vào các dự án mang tính đầu cơ để đổi lấy token. Một số người nhanh chóng huy động thêm người mới đến để làm giàu nhanh và tận dụng lúc hòn đảo gặp khó khăn để viết ra các quy tắc của riêng họ. Người dân địa phương đặc biệt tập trung vào Pierce, một cựu diễn viên nhí nổi tiếng đóng vai Gordon trong “The Mighty Ducks”. Pierce là một nhân vật phân cực ngay cả trong cộng đồng bitcoin. Anh là đồng sáng lập một công ty video kỹ thuật số digital video với Marc Collins-Rector, người sau đó bị kết tội lạm dụng tình dục trẻ em. (Pierce bị nêu tên trong một vụ kiện chống lại Marc, nhưng hai trong số các nguyên đơn rút yêu cầu bồi thường, nguyên đơn thứ ba cũng làm thế sau khi Pierce trả 21.000 USD chi phí luật sư). Khi Pierce lần đầu tiên được bầu vào hội đồng quản trị của Bitcoin Foundation vào năm 2014, ít nhất 10 thành viên của quĩ từ chức vì bất đồng. Tại Puerto Rico, ông ta tìm kiếm sự chú ý của giới truyền thông bằng lời hứa giúp đỡ hòn đảo và cam kết tài trợ 1 tỷ USD! Khi gặp Pierce, Skoff đang lái xe vòng quanh đảo để thu thập thông tin về nhu cầu địa phương sau cơn bão. Anh cũng làm việc với các công ty vệ tinh để giúp thiết lập một hệ thống chuyển lợi ích điện tử (EBT) đến các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão để họ có thể nhận được hỗ trợ tài chính. Skoff bị hấp dẫn bởi các đề xuất của Pierce về việc sử dụng một hệ thống EBT để phân phối tiền tài trợ và dùng blockchain để thiết lập một lưới năng lượng phi tập trung. Nhờ no, các lãnh đạo cộng đồng đã sử dụng năng lượng mặt trời để khôi phục điện năng cho hàng trăm ngôi nhà. Khi một hội nghị do Pierce tổ chức dẫn đến làn sóng phản đối từ người dân địa phương (họ “giác ngộ nhờ” tham dự “Ngày lắng nghe”) và yêu cầu những người đào tiền điện tử rời đi, Skoff đề nghị kết nối nhóm của Pierce với các tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương và tư vấn cho nhóm cách tiếp cận cộng đồng. “Nhưng chỉ đến đó là dừng lại. Không có sự liên tục. Không có sự nhất quán!” - Skoff nói. Mới đây, trả lời cuộc phỏng vấn của tờ The Washington Post, Pierce (từ nhà riêng tại một khu đô thị do Ritz-Carlton xây dựng ở Dorado, ngoại ô San Juan) tuyên bố năm 2021 ông đã quyên góp 8,9 triệu USD cho các tổ chức trên đảo, nhưng cam kết $1 tỷ trước đó không dành riêng cho Puerto Rico và cũng chỉ mới là…cam kết! Khi thị trường tiền điện tử sụp đổ vào năm 2018, một số người hy vọng sẽ sớm qua “mùa đông tiền điện tử”, trong khi số đông khác rời Puerto Rico. Cruz, người sáng lập công ty khởi nghiệp VR, nhận định: “Rất nhiều người ra đi vì tiền cạn kiệt, và tất cả mất tiền cùng một lúc”.
+Hồi sinh
Chính đại dịch coronavirus đã giúp tiền điện tử sống lại ở Puerto Rico. Bị kẹt trong nhà, không có việc làm và cố tìm mọi cách kiếm tiền, nhiều cư dân đảo đã chuyển sang mạng xã hội và tìm gặp những người hướng dẫn bằng tiếng Tây Ban Nha để giúp giải thích cách đầu tư. NFT bỗng trở nên phổ biến vì nó làm cho các khái niệm tiền điện tử dễ tiếp cận hơn. Metaverso tổ chức tranh giải và trao thưởng cho các hacker địa phương, mở một cuộc đấu giá tranh NFT để giúp hai tổ chức phi lợi nhuận địa phương có kinh phí tổ chức khoá học miễn phí về NFT và blockchain. Sau khi chết chìm trong vài năm, tiền điện tử tái hiện mạnh mẽ ở Puerto Rico. Nhưng thay vì ồn ào nópi đến việc xây dựng lại hòn đảo “tốt đẹp hơn” sau cơn bão, các môn đệ tiền ảo chuyển sang nhấn mạnh lợi ích tiềm năng của tiền điện tử đối với người dân địa phương và dạy cho người Puerto Rico về blockchain như một cách tăng nhanh thu nhập. Giá trị của tiền điện tử bắt đầu tăng mạnh trở lại và một số người dân địa phương đã thấy giá trị ròng của họ nhân lên. Tài xế taxi Jose Santana Torres cho biết anh đã có thể trả 100.000 USD tiền mặt cho một căn hộ nhìn ra đại dương vào năm 2021 nhờ tiền ảo. Anh khuyên các tài xế taxi khác nên chấp nhận tất cả các loại tiền điện tử. Tuy nhiên, khi sự phản kháng đối những người kinh doanh tiền điện tử giảm dần thì việc chống lại các ưu đãi thuế lại dữ dội hơn. Các đảng viên Đảng Dân chủ nổi bật trong Quốc hội (như Thượng nghị sĩ New York Charles E. Schumer và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez) đã kêu gọi giám sát nhiều hơn trước khả năng trốn thuế. IRS ước tính Đạo luật 22 đã gây thiệt hại cho chính phủ liên bang Mỹ hàng trăm triệu đôla mỗi năm do thất thu thuế và đã phát động chiến dịch kiểm tra những người thụ hưởng Đạo luật 22. Các quan chức địa phương cũng bắt đầu lên tiếng sau khi một phân tích cho thấy những người được giảm thuế chỉ tạo ra 4.400 việc làm mới từ năm 2015 đến 2019. María de Lourdes Santiago Negrón, một thành viên của Thượng viện Puerto Rico thuộc đảng độc lập cánh tả đã đệ trình dự luật bãi bỏ Đạo luật 22, sau khi ngôi sao YouTube Logan Paul tuyên bố sẽ chuyển sang đảo sinh sống để né thuế California! Phần lớn chi tiêu của những người hưởng lợi theo Đạo luật 22 đã được đổ vào bất động sản hạng sang (khoảng 1,3 tỷ USD) khiến giá nhà đất bị đầy lên cao. Thượng nghị sĩ Juan Zaragoza, một thành viên của đảng Dân chủ Bình dân, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Puerto Rico, cho biết, mặc dù việc bãi bỏ Đạo luật 22 là khó xảy ra, nhưng quốc hội đang xem xét sửa đổi. Sau khi ra mắt vào Tháng Sáu, Hiệp hội Thương mại Blockchain Puerto Rico (PRBTA) đã mở một cuộc hội thảo miễn phí kéo dài 4 tuần có tên “CryptoCurious” để giải thích các khái niệm blockchain như NFT. Vào tháng 12, Tuần lễ Blockchain Puerto Rico khai mạc với các cuộc nói chuyện về tài chính và tác động của tiền điện tử đối với cuộc sống hàng ngày của người dân. Lên phát biểu có cả tham luận viên Giomar Alvira, một tài xế Uber (người đã bắt đầu giao dịch tiền điện tử vào năm ngoái nhờ tình cở chở Giám đốc điều hành PRBTA Keiko Yoshino). Tiếp theo trong lịch trình của Tuần lễ Blockchain là Hội nghị thượng đỉnh NFT, Metaverso và lễ trao 27.500 USD giải thưởng cho các hacker địa phương. Một cuộc đấu giá NFT quyên góp được $268,827 cho hai tổ chức phi lợi nhuận địa phương để hợp tác với Câu lạc bộ Nam và Nữ (Boys & Girls Clubs) mở khoá giảng dạy miễn phí về NFT và blockchain. Amanda Cassatt, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty tiếp thị Web3 Serotonin, đến Puerto Rico vào năm 2019 để…né thuế cho biết: “Bằng cách tìm hiểu các công nghệ mới, những người trẻ tuổi có thể khởi động sự hòa nhập của chính họ”. Pierce cũng đang phát huy tầm ảnh hưởng của mình, bao gồm cả việc đưa ra một cuộc trò chuyện bên lề tại một hội nghị riêng biệt trong Tuần lễ Blockchain. Vào Tháng Một, cảnh sát Puerto Rico cho biết sẽ điều tra xem Pierce có vi phạm tư cách cư dân đảo hay không khi phát động chiến dịch tranh cử ghế Thượng viện Mỹ ở tiểu bang Vermont!
Nhưng Cruz, người sáng lập công ty khởi nghiệp VR (từng điều hành dự án hackathons cho Pierce và Metaverso) cho biết sự khác biệt lần này là những người thụ hưởng thuế đang hướng đến những doanh nhân tiền ảo lớn lên ở Puerto Rico và tự xây dựng cộng đồng tiền điện tử như ông ta. Cruz, người bắt đầu lập trình khi mới 11 tuổi và bắt đầu tìm hiểu về blockchain vào năm 2013 bộc bạch: “Tôi vẫn làm tốt công việc của mình dù có hoặc không có người Mỹ tới đây”. Không thể tham gia ngành tài chính truyền thống, nhiều người da màu đang chuyển sang sử dụng tiền điện tử. Tuy nhiên, một số câu chuyện thành công được chia sẻ bởi đám đông cho thấy tiền điện tử là “cơn sốt vàng mới” hơn là một “Internet dân chủ hóa”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét