VÌ SAO NGƯỜI MIỀN TÂY THÍCH ĐEO VÀNG...
Người miền tây nhiều khi nhà cửa lụp xụp, tạm bợ nhưng đeo vàng đỏ tay.
Người miền khác đôi khi lấy làm lạ. Nhưng thói quen đó được truyền qua rất nhiều đời.
Thời xưa, khi lưu dân từ các miền khác tới khẩn hoang Nam Bộ, người ta kiếm được miếng đất cắm dùi, rồi đốn cây, chặt lá làm cái chòi che mưa che nắng.
Làm lụng kiếm tiền, trúng mùa lúa người ta sắm vàng để dành đặng hậu thân.
Ngặt một nỗi nhà trống trước trống sau chỗ đâu mà cất, nên có bao nhiêu thì đeo trên người. Riết rồi thành thói quen người ta đánh giá giàu nghèo qua cách đeo vàng.
Các cô gái trẻ thường đeo đôi bông tòn teng, tay đeo bộ xi men sáng chói, cổ đeo dây chuyền. Mấy bà già thì tai đeo bông tiền điếu, bông mù u, cổ đeo hai ba cọng dây chuyền, tay trái đeo vòng cẩm thạch, tay phải đeo lắc nhận mặt hột dưa, mấy ngón tay đeo vài cá rá vàng.
Thói quen sắm vàng của người miền tây cũng có thể bắt nguồn qua nhiều năm chiến tranh loạn lạc, người ta không xây nhà cao cửa rộng, sợ u bích bắn tới cũng tan tành, người ta sắm vàng lận lưng, chạy giặc hay tới đâu cũng không lo đói.
Người xứ khác nhiều khi nói người miền tây khoe của, còn người miền tây chơn chất thật thà nói...
Tui có của tui đeo cho sáng nước da sao lại dèm pha?..
Ừa thì chuyện đeo vàng của người miền tây là thói quen nhiều đời để lại.
Đi đám hay lễ tết là phải đeo vàng cho có với người ta.
Tới đám cưới đám hỏi sính lễ đàng trai ít nhất cũng phải có đôi bông vàng 24, rồi bà con cô bác khá giả chút bữa chịu lạy cũng cho cô dâu vàng làm của hồi môn.
Sắm vàng, cất vàng hay đeo vàng trở thành thói quen nhiều đời của người miệt vườn.
Thói quen lâu dần trở thành cách thể hiện bản sắc riêng của người miền tây, trông có vẻ quê mùa nhưng chơn chất như con người của vùng đất Phương Nam này....
ĐPC sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét