Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Thư giãn: CON LẠY CỤ ! - Sưu tầm.

 




CON LẠY CỤ…!

Một bà cụ vào cửa hàng ngay cổng chợ mua một đôi giày loại bình dân cho cụ ông tập thể dục. Sau khi mua xong, cụ bảo cô bán hàng:

- Chị kiếm cho tôi cái hộp, bỏ nó vào... chứ tôi ôm thế này khó quá.

Chủ tiệm giày sang hiệu thuốc bên cạnh xin một cái hộp... bỏ đôi giày vào, đưa cho cụ bà:

- Đây ạ! Cụ đem về cho cụ ông nhé !...

Cụ bà cảm ơn rồi ôm cái hộp đó ra ngồi chờ đón xe buýt... Một đám sinh viên cùng ngồi chờ xe vô tình đọc được dòng chữ bên ngoài vỏ hộp mà Bà Cụ đang ôm trong lòng:

"Bao Cao Su... 1.000 cái"....

Quá Tò mò một cô gái quay qua hỏi bà cụ:

- Cụ ơi! mua cái này về cho ai vậy ạ?

- Tôi mua về cho ông nhà tôi - cụ trả lời thực thà với nụ cười ấm áp.

Cả đám thanh niên nhìn nhau ngạc nhiên liền hỏi tiếp:

- Cụ ông bao nhiêu tuổi rồi mà còn dùng cái này?

- Chả giấu gì các cháu, ông nhà tôi năm nay mới ngoài tám mươi.

Tròn mắt ngạc nhiên, họ hỏi tiếp:

- Còn bà, bà cũng đã bao nhiêu tuổi rồi ạ?

 -Tôi cũng thế....

Một nữ sinh viên hỏi tiếp:

- Vậy hai cụ dùng bao giờ cho hết hộp này ạ?

Cụ bà thủng thẳng:

- Cũng chẳng được mấy đâu... ông ấy... dùng... như phá, có biết giữ đâu... rách liên tục. (...!!!) Tôi mua cho ông ấy xài chưa được đến hai năm, vậy mà lại phải mua mới nữa rồi đây này...???

 Nghe thấy thế các cháu liền chắp hai tay:  

- Con xin lạy 2 cụ ạ... !!!

              Có những chuyện cho dù nhìn thấy trước mắt nhưng vẫn chưa phải 100% là sự thật…

SƯU TẦM. 

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Tản mạn: ĐÀ LẠT, DỐC - Phan Dũng.

 



ĐÀ LẠT, DỐC

"Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông

Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường..."


Người Đà Lạt gắn bó với dốc đồi vô cùng tận. Những đứa con của Đà Lạt tha hương như tôi mỗi lần nhớ về Đà Lạt, thì hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu chính là những con dốc thân thương.


Có rất nhiều "Đà Lạt học" đã bỏ công sưu tầm tìm hiểu ý nghĩa của tên các con đường, con dốc của Đà Lạt. Đúng có sai có. Nhưng riêng tôi, tôi không thích những cách giải thích lý tính. Đơn giản vì, tôi chọn cách những rung cảm thực từ trái tim đầy  ký ức, tôi yêu con dốc trước nhà tôi, con dốc hằng ngày đưa tôi đến trường cũng như yêu người yêu tôi vậy - người yêu tôi tên Mai, tên Lan, tên Cúc thì tôi cần gì phải hỏi tại sao?


Dốc Đà Lạt hồi đó ít có các bậc thang bằng xi-măng để đi lên đi xuống như bây giờ, mà người ta thường men theo một lối mòn hình thành từ những rễ cây ngo mọc ven đường để băng xuống dốc cho nhanh (người Đà Lạt thường kêu cây thông là cây ngo, vì sao thì có trời mà biết!). Riết hồi thành những bậc cấp tự nhiên bằng rễ ngo, rất đẹp.


Mỗi lần đi học sớm, chúng tôi thường lên đồi gom lá ngo chất thành đống đốt lên sưởi ấm. Ôi chao sao mà nhớ cái mùi thơm ngan ngát của khói lá ngo đốt trong sương mù Đà Lạt quá đi!


Từ khu Hòa Bình tỏa ra có ba con dốc chính. Buổi chiều, tôi thường tà tà dạo lên dốc Duy Tân, ghé tiệm bánh mì Vĩnh Chấn mua một ổ bánh mì "ba-ghét" nóng hổi vừa thổi vừa ăn, đi xuống dốc Minh Mạng rồi ghé chè Mai Hường kêu một chén chè bắp chấm bánh mì ăn ngon lành. Bạn biết không, không phải đương không mà tôi làm chuyện "rảnh" vậy đâu! Cái chính là giờ đó là giờ mấy em Bùi Thị Xuân tan trường, quán chè Mai Hường chỉ là nơi chúng tôi "núp bóng" để ngắm mấy tà áo nữ sinh theo con dốc Lê Đại Hành đi về qua hồ Xuân Hương, qua dốc Nhà Thờ. Tôi, cùng lắm cũng chỉ là cái đuôi lẽo đẽo theo sau!


 PHAN DŨNG. 

(Trích từ sách "Miền sương khói", nhiều tác giả)


Thư giãn: CUỘC GỌI NHẦM TAI HẠI- Lê Xuân Sang st và gt.





 CUỘC GỌI NHẦM TAI HẠI


Chuông điện thoại reo và bé gái chạy đến nhấc máy. 

Một người đàn ông nói: "Alô, con gái yêu, là bố đây, mẹ đâu rồi con ?". Bé gái: Mẹ đang ở trong phòng ngủ trên tầng 2 với chú Nam. Người đàn ông nói: Hả ? Chú Nam nào ? Bố, mẹ không quen ai tên Nam. Bé gái : Đúng mà. Mỗi lần sau khi bố đi làm, chú Nam đều đến nhà chơi.

Một lúc sau, người đàn ông bình tĩnh lại và nói: 

Con yêu, bố con mình .. chơi một trò chơi được không ?

Bé gái mừng rỡ nói: Được ạ.

Người đàn ông: Bây giờ con mở cửa phòng mẹ, sau đó hét lên: 

"Bố về", rồi quay lại nghe điện thoại tiếp nhé".

Bé gái làm theo lời bố. Không lâu sau nghe một tiếng hét thất thanh, bé gái đến phòng khách tiếp tục nghe điện thoại.

Người đàn ông: Mẹ sao rồi con ?

Bé gái: ” Mẹ lao ra khỏi phòng, không cẩn thận .. ngã lăn từ trên cầu thang xuống, bây giờ .. không động đậy nữa ”

Người đàn ông đắc ý tiếp tục hỏi: Thế chú Nam thì sao? 

Bé gái : Con nhìn chú ấy .. nhảy từ cửa sổ tầng 2 xuống bể bơi, nhưng mà chú ấy .. hình như quên là .. ngày hôm qua bố đã rút hết nước .. trong bể bơi rồi, bây giờ chú ấy .. cũng đang nằm dưới đáy bể bơi, cũng không động đậy .. nữa rồi.

Người đàn ông trầm ngâm một lát rồi hoảng hốt.

Người đàn ông : Bể… bể bơi ? Nhà mình không có bể bơi ? 

Đây có phải là số điện thoại 099XXX không ? 

Bé gái : Không phải.

Người đàn ông : Thế hả, xin lỗi cháu, chú nhầm máy....😀😩😩😩


SƯU TẦM. 

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Đó đây: 7CÂU TRẢ LỜI... - Sưu tầm.





7 CÂU TRẢ LỜI THÂM THUÝ CỦA MỘT NHÀ HIỀN TRIẾT


Có 7 câu hỏi mà một vị thông thái trả lời một cách rất thâm sâu:


     1. Vật gì sắt bén nhất trên thế giới này?


Vật nhọn nhất là lưỡi của con người. 

Con người dùng lưỡi có thể dễ dàng làm tổn thương trái tim, cảm giác của người khác.


     2. Nơi nào xa nhất trên thế giới này?


Quá khứ là nơi xa nhất. Cho dù chúng ta là ai, chúng ta giàu cỡ nào, chúng ta không thể quay về quá khứ nên chúng ta phải sử dụng tốt ngày hôm nay và những ngày sắp tới.


     3. Cái gì lớn nhất trên thế giới này?


Ham muốn là thứ lớn nhất trên thế giới. Nhiều người trở nên khốn khổ vì họ cho phép ham muốn thoải mái. Hãy cẩn thận với ham muốn.


     4. Cái gì khó và nặng nhất trên thế giới này?


Lời hứa là thứ khó nhất trên thế giới này.

Dễ dàng nói nhưng cực kỳ khó làm.


     5. Cái gì nhẹ nhất trên thế giới này?


Sự khiêm nhường là thứ nhẹ nhất trên thế giới. Rất dễ để quên đi sự khiêm nhường và rời bỏ sự khiêm nhường. Hãy nhìn vào rất nhiều người đang đuổi theo tiền tài và danh vọng. Họ đơn giản từ bỏ sự khiêm nhường vì nó nhẹ.


     6. Cái gì gần nhất với chúng ta trên thế giới này?  


Cái chết là thứ gần nhất với chúng ta trên thế giới. Cái chết là chắc chắn và có thể đến với chung ta bất cứ lúc nào.


     7. Cái gì dễ làm nhất trên thế giới này?


Việc dễ làm nhất là làm người khác đau buồn. Cho nên chúng ta nên thận trọng với loại việc dễ làm này..!!


Sưu Tầm 



Tản mạn: TÌNH YÊU ĐẦU ĐỜI- Ngoc Hanh Nguyen (fb).

 




TÌNH YÊU ĐẦU ĐỜI.

Có lần ốc ( ngoc hanh nguyen ) đã đọc được ở đâu đó :

Trong tim mỗi chúng ta đều có một ký ức không bao giờ muốn xóa đi, đó là ký ức mang tên “mối tình đầu”

Mối tình đầu nhè nhẹ như làn khói bếp bay trên mái nhà ai.

Mối tình đầu như vầng trăng sáng ngày rằm, treo lơ lững trên ngọn trúc đầu làng.

Mối tình đầu như hương thơm lúa mới trổ bông, mùi thoang thoảng nhẹ nhàng khi ta đi qua cánh đồng lúa đang dậy thì con gái.

Mối tình đầu như bờ sông xưa cũ, nước lững lờ có đám lục bình trôi.

Mối tình đầu như tiếng chim hót líu lo ,báo ta biết bình minh đang rực rỡ.

Mối tình đầu là những vầng mây trắng, bồng bềnh trôi không định hướng ,định hình.

.......

Mối tình đầu như bức tranh tuyệt đẹp. Chỉ có trong tưởng tượng những kẻ đang yêu.

Người yêu đầu có thể là một nhân vật với cái gì cũng đẹp, cũng tuyệt vời như hoàng tử , như công chúa trong truyện cổ tích.

Khi đã xa nhau, một làn sương mỏng ,một áng mây bay, một dòng sông chảy, một ánh trăng vàng cũng làm lòng xao xuyến nhớ đến mối tình đầu.

Nếu mối tình đầu không sâu đậm, không thiết tha thì Thi sĩ Hà Thu Thủy đã không sáng tác được  những vần thơ buồn mang mác, những lời thở than ray rứt lòng người.


Bốn mươi năm chờ đợi

Hoa tàn, trăng tận,sông quằn mình trăn trở

Bốn mươi năm nhớ mong

Lá héo,sao mờ,biển cồn cào dậy sóng

Bốn mươi năm khó nhọc

Rẫy cằn,ao cạn,đồng khô nứt chờ mưa

Bốn mươi năm khắc khoải

Lửa tàn,nến tắt,đêm mòn mỏi thở dài

Bốn mươi năm lặn lội

Ngõ mòn,suối kiệt,rừng khép lá âu sầu

Bốn mươi năm đau đáu

Nắng úa,chiều tàn,hoàng hôn rơi buồn bã

Bốn mươi năm đằng đẵng

Mù sương giăng mờ mịt,lối về trùng khơi xa tắp

Tóc bạc,vai gầy,mắt mỏi hắt hiu

Chỉ bốn ngăn tim là vẫn thế

Chung thủy đập điệp khúc đợi chờ.( Thơ HTT)


Thế nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Người xa xưa trong ký ức của mình làm sao bằng một nửa hiện hữu đang cận kề bên ta.

Chàng hoàng tử hào hoa phong nhã ngày xưa bây giờ chỉ là một ông già lụm cụm ,chống gậy liêu xiêu, hom hem đầy bệnh tật, không chừng còn rượu chè be bét, phong kiến bảo thủ....

Còn nàng công chúa nhỏ ngày nào theo thời gian cũng da mồi, tóc bạc,lưng khòm...một bà già trái tính, trái nết, khó khăn , khó gần...

Thôi thì hãy

Thương làm sao khi tóc bạc vẫn còn thương.

Một nắng hai sương nghĩa vợ chồng.

Tóm lại mối tình đầu thì bao giờ cũng là một hồi ức đẹp, nhưng người yêu đầu đời chưa hẳn giống như tâm tưởng của mình.

Hãy là hai đường thẳng song song đồng hành với nhau trong cuộc sống, đừng như hai đường thẳng giao nhau một lần rồi mãi mãi cách xa.

Hãy để có thể nghĩ về nhau với những gì tốt đẹp nhất.

Để trong tim không quên được " mối tình đầu ""

ĐÚNG HAY KHÔNG ???

Ai cũng nói mối tình đầu không quên được và lý giải rằng :"Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ" , rồi kết luận một cách chắc nịch rằng  "Đời mất vui khi đã vẹn câu thề".

Có phải thi sỉ là luôn nhìn đời như màu tím ngắt của hoa hoàng hôn, phải nhớ thương những  mối tình không trọn vẹn, và phải chăng chỉ có sầu thương nhung nhớ mới mang đến những ý thơ tuyệt vời, những bài thơ tuyệt tác. Nếu như vậy thì tội nghiệp cho thi sĩ quá . Cứ thở than tiếc nuối mối tình xưa : "Đàn đứt dây rồi , phím đã long,làm sao dạo được bản tương phùng..."

 Khi đã lập gia đình thì không an phận, sống với chồng mà giống như T.T. Kh.lúc nào cũng ngẫn ngơ : "Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi ..." Không chịu nghỉ rằng  đến một ngày nào  uyên ương gảy cánh , khi đó lại thở than ":

"Nhìn đời bạc bẽo tựa như vôi " lại than thở "Người đi kẻ ở buồn man mác 

Tỉnh giấc tàn canh lệ thấm môi" .

Trong nổi cô đơn lại thương tâm :

"Gió quyện hồn đơn bên chiếu lạnh 

Buồn thay cái kiếp vợ người ôi" .

Lúc ấy dù có đập cổ kính cũng không tìm thấy bóng, dỡ tàn y cũng chẵng có chút hương xưa...

Và Ốc vẫn nghe mọi người ca tụng nụ hôn đầu đời ngọt ngào không thể nào quên. Có thi sỉ đã viết : "Nụ hôn anh tặng cho em. Có hương vị ngọt êm đềm tuổi xuân. Ngây ngô như trái mận quân. Đến bây giờ thấy tình anh ngọt ngào. "

Lại ngẩn ngơ suy nghĩ. Lúc mới sinh ra được mẹ hôn ,ấy chính là nụ hôn đầu đời, vậy đã biết gì mà nhớ với quên? .Còn nếu nói về nụ hôn đầu tiên của " người ấy" thì bảo đãm ai cũng run gần chết, sợ điếng hồn, làm gì mà biết nó ngọt hay không ?...

Thi nhân than khóc với mùa thu, cứ nói thấy lá vàng rơi biết thu sầu. Trời đất ! đâu phải mùa thu lá mới vàng, đâu phải xa nhau rồi mới nhớ, và càng không phải tất cả những mối tình tan vỡ đều tại hoàn cảnh nên cả hai mới ngoảnh càng, do đó thay vì than trời trách đất mà phải chấp nhận sự thật là " tại anh, tại ả, tại cả đôi đường".

Không  biết làm thơ mà dám lạm bàn về thi hứng,thi nhân, đúng là đáng trách.

Thế nhưng cứ nhớ câu nói của Quỳnh Dung :

Mãi chờ người ấy.

Từ phương xa đấy.

Chờ hoài không thấy....

Nghe mà thương cảm cho khối tình si. Nhưng câu tiếp theo của em ấy lại là :

- Nếu như tìm thấy 

Là biết tay ta.

Nha nha nha nha....

NGOC HANH NGUYEN (FB) 

Thư giãn: VỀ QUÊ KIẾM VỢ - Lê Nhàn.


 ( Hình ảnh chỉ có tính cách minh họa sưu tầm trên mạng )


VỀ QUÊ KIẾM VỢ.

 Anh này là người Việt sinh sống ở California (San Jose), người gốc Đà Nẵng, hồi đó sau khi giải phóng, cuộc sống sung túc quá,  chịu không nổi nên "ôm phản lao ra biển" theo người ta, cuối cùng được qua Mỹ.

Hồi đầu những năm 2000 anh ấy về VN tìm vợ, cũng tán tỉnh nhiều cô lắm nhưng mà cái tính bủn xỉn, keo kiệt nên họ chạy hết (cái này hồi sau mới rõ).

Tới lượt mình, mặc dù được cảnh báo trước nhưng cũng không nghĩ tới mức như vậy, một phần thấy anh này cũng yêu mình nên cũng xúc động, cái gì chứ cứ ai yêu mình nhiều là xúc động ngay.

Lúc đó mình cũng hơn 30 rồi, mẹ giục dữ lắm "học cho lắm vào, lo mà lấy chồng đi".

Anh này cũng không còn trẻ nữa nên thấy mình ưng là vội vàng dẫn về nhà, cha mẹ mất hết rồi chỉ còn các chị thôi.

Ra Đà Nẵng, ông ấy hỏi "em thích ăn cua không, mình đi chợ mua cua".

Ừ thì đi. Lúc ra chợ. Cái chợ gì ở quận Cẩm Lệ ấy họ bán hàng rất trật tự. Họ ngồi một hàng từ đầu chợ tới cuối chợ.

Đầu chợ là những cái gì ngon và mắc tiền, cuối chợ là giá giảm dần.

Nhìn thấy con cua to lắm, mình nói  "anh ơi, mua con này này" (chắc khoảng 1 kg/con).

Không, em, lại đây nè.

Mình qua hàng kế tiếp, cua nhỏ hơn, khoảng 800 gram 1 con.

Anh ơi, mua con này đi.

Không, xuống dứoi này đi em, ông ấy đi trước còn mình thì đi sau.

Mình lại vào hàng 1kg khoảng 2 con, "anh ơi, mua mấy con này  đi".

Không, em, xuống đây nè.

Lúc này mình thấy câu sấm truyền của bà chị ứng nghiệm rồi "thằng B nó hà tiện lắm đó em, mấy cô trước không ai chịu nổi". MÌnh dừng lại, câm mồm, không nói gì nữa, cứ lẽo đẽo theo sau xuống mãi tận cuối chợ có hàng không phải cua mà là ... ghẹ, con ghẹ bé tý mà chết ngắc rồi. Ổng ôm xô hết cả rổ đếm đươc 24 con. Ổng nói "ăn cái này nè em, 1 rổ này có mà ăn đã luôn".

Về, lúc đó khoảng 7-8 giờ tối, mình chán lắm rồi, muốn bỏ về nhưng mà trong đầu lý trí bảo rằng không bỏ được, ít gì thì phải dắt về quê cho mẹ yên tâm cái đã rồi mình tính sau.

Ổng luộc 1 rổ ghẹ lên thấy toàn tay chân, không thấy thân mình con ghẹ đâu. Ổng giục mình "ăn đi em, ăn đi, ăn đi cho nóng"

Không, em không ăn. Muốn ăn thì ăn cho đàng hoàng, ăn cái kiểu năm Ất Dậu là em không ăn. Xong, ổng với mấy đứa cháu ngồi ăn. Ra tới bờ biển mà đi ăn ghẹ chết thì có mà điên. Tại sao phải ăn? "Mặc dù lương em thấp nhưng em ăn là đàng hoàng chứ kiểu 1 quả trứng luộc cắt đôi làm 2 bữa là em không ăn".

Đáng lẽ mình không bực nhưng mà ông ấy khoe khoang quá. Lúc nào cũng nói là buôn bất động sản nhiều tiền, mới về hồi sáng, trưa dắt mình đi ngân hàng rút nửa tải tiền về quăng ở góc nhà. (chắc để thử lòng mình).

Tối dắt mình đi mua giày với mua cái "ăn đờ goe", mình mua 2 đôi giày và tất nhiên là mình tự trả tiền. Về nhà khoe với bà em dâu liền "anh mới dắt cổ đi chợ nè, mua được 2 đôi giày, đẹp không, đẹp không?"

Đẹp cái đầu ông ấy, nói vậy người ta lại tưởng tôi lợi dụng ông.

Xong, đi mua cái "ăn đờ goe" thì ông ấy bảo "em mua cái ít tiền thôi, mặc ở trong ai mà thấy?"

Lúc này nóng máu rồi, cái thứ đàn ông gì mà miệng như đít vịt, nói nhiều mồm không kịp mọc da non.

Mình bảo "anh có im cái miệng đi không, em mua, em mặc, tiền của em, em muốn mua cái gì là quyền của em, mắc gì anh góp ý này nọ?"

Tại vì hồi đó mình làm kinh lắm, 80 giờ 1 tuần nên không có thời gian đi đâu cả, cho nên mới tranh thủ đi mua đồ lúc ra đó chơi.

Sau này còn dài nữa mà thôi, lúc khác kể.

Đại khái dẫn về nhà xong mẹ nói "mày định lấy thằng này hả, mẹ không thấy được, đàn ông đàn ang gì mà cái miệng y như đít vịt"

Dạ, không, con đâu có định lấy, tại mẹ giục quá nên con đưa đại về. Mẹ không thích thì thôi nhé, từ bây giờ kệ con, lúc này con muốn lấy thì con lấy, mẹ mà giục nữa con lại đưa thêm một cái đít vịt nữa về ra mắt đó".

Xong, xuống Hà Nội. Ổng mua cho mình cái vé tàu nằm giường tầng 3 sát mái.

Ối cha mẹ ơi, nó nóng thấy mẹ luôn. Có hai mẹ con chị kia ở tầng 2 và tầng 1, chị con gái nói "em cá với chị, nếu vào SG mà chị không bỏ ông này em đi đầu xuống đất".

Sau đó mình vào SG một mình còn ổng đi Mỹ luôn.

Mình email nói thôi là hết em đi đường em, kỷ niệm chúng mình chỉ có bấy nhiêu thôi.

Ổng xin lỗi, thôi anh biết rồi, em không lấy anh thì em lấy ai?

Không, dứt khoát là em không lấy anh, kể cả trên đời này em ế nó mốc lên y như nấm mốc ấy thì em cũng không lấy anh, để nhện nó giăng tơ chơi vậy đó.

Bây giờ anh cho em biết, làm sao để em thanh toán lại cho anh 2 cái vé tàu, số tiền mà anh đã bỏ ra để mua vé cho em. Các bữa mình đi ăn ở biển ấy, anh cưa đôi sòng phẳng đi, mặc dù em không uống bia rượu gì nhưng anh cứ cưa đôi đi cho dễ.

Ổng không dám cưa và cuối cùng là coi như mình còn nợ ông ấy 2 cái vé tàu giá của 20 năm về trước.

Còn dài nữa mà tóm tắt vậy thôi. Kể nữa xấu mặt đàn ông rồi nhiều người lại tự ái, hehe.


Tác giả:Lê Nhàn

Thơ : BIỂN VÀ ĐÁ - Thuy Hà.

 





BIỂN VÀ ĐÁ.

Thuở ấy đá chồng lên vai biển

Chập chùng cao thấp suốt bờ xa

Sóng ôm đá vỗ về miên viễn

Chan hòa vào cát hát tình ca.


Biển và đá trăm năm bền bĩ

Gió và mây muôn kiếp giao hòa

Nắng dang tay một đời chung thủy

Thả giọt vàng lên biển bao la.


Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Biển cồn cào dậy sóng xa mù

Bình yên với màu xanh của biển

Với vững vàng sắc đá nghìn thu.

 THUY HÀ. 

Nhân văn: VAI KỊCH CUỐI CÙNG - Sưu tầm.





 VAI KỊCH ... CUỐI CÙNG 


Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. 

Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.

Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.

Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. 

Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường- chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.

Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. 

Ông nghĩ: "Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người."

Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên.

Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: " Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu..."

Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.

Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát.

Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.

SƯU TẦM. 

Thơ: CÓ MỘT MÙA HÈ - Phong Nguyễn.

 




CÓ MỘT MÙA HÈ. 

Có một mùa hè đã đi xa thật xa

Mỗi khi nhắc lại chỉ còn là kỷ niệm 

Những cánh thư xanh nghiêng nghiêng dòng mực tím

Lời yêu dại khờ, ai còn nhớ tên nhau.


Có một mùa hè chẳng hiểu tại vì sao

Cứ ngỡ lãng quên thanh xuân từ dạo đó 

Góc phố ngày xưa mỗi chiều ai qua ngõ

Giờ chẳng thấy đâu bóng dáng nhỏ hôm nào.

 

Có một mùa hè để lại những niềm đau

Nhặt xác phượng rơi ta khóc mùa ly biệt 

Tiếng ve buồn thương mang nổi niềm da diết 

Cơn mưa đầu mùa xao xuyến quá Hạ ơi.


Có một mùa hè vương vấn mãi không thôi  

Cứ nhớ cứ thương tiếc một thời đã mất  

Để rồi chiều nay giữa dòng người tất bật 

Ta thấy mùa hè chầm chậm lướt đi qua.

PHONG NGUYỄN. 




Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Tranh vui: TUYỆT TÁC - Sưu tầm.

 


Các bạn đừng... giật mình! Đây đúng là một TUYỆT TÁC dùng để... kiểm tra thị lực! 

Thơ: MONG MANH - Gia Bảo.





 MONG MANH 


Ngày thật ngắn, vừa bình minh… đã tối

Tình thật buồn chưa vui đã vội tan

Nẻo đường yêu lắm ngã rẽ trái ngang

Bao tiếc nuối mà thời gian đâu trở lại


Thì nhé tim ơi từ nay thôi khờ dại

Đừng yêu… đừng thương ai nữa có được không..!?

Tơ lòng ơi xin nhé chớ đừng rung

Sau nắng ấm là ngày đông buốt giá


Cố nhân ơi từ nay thành xa lạ

Đừng trở về đày đoạ những giấc mơ

Hợp rồi tan, tình chỉ đẹp trong thơ

Khi tỉnh giấc ...hồn ngác ngơ.. vụn vỡ


Ước được như sỏi đá không trăn trở

Chẳng biết buồn khi ai đó dẫm qua

Ước cuộc đời đẹp như những nụ hoa

Đầy ắp hương chẳng bao giờ tàn tạ


Nhưng yêu thương mong manh như chiếc lá

Xanh hết mình… rồi tàn úa… nhẹ rơi…!!!

GIA BẢO. 

Thơ: MẸ CHỈ CÓ MỘT THÔI - Sưu tầm.





 ---- MẸ CHỈ CÓ MỘT THÔI ----

Đứa nể vợ , đứa sợ chồng

Mặc cho mẹ sống mà không đoái hoài .

Sinh con đầy đủ gái trai

Trẻ thì cơ cực cứ nai lưng làm.


Giờ con khôn lớn giàu sang

Vậy mà mẹ chẳng an nhàn tấm thân.

Tuổi cao sức khỏe yếu dần

Nói năng lú lẫn tay chân vụng về .


Cháu con chúng nó cứ chê

Đẩy như quả bóng không hề muốn nuôi

Tuổi già ở một mình thôi

Cơm niêu nước lọ ,một nồi một mâm.


Thỉnh thoảng con cháu hỏi thăm

Đôi khi cũng biếu được dăm ba đồng .

Ốm đau chăm sóc kể công

So bì tỵ nạnh chỉ mong rạch ròi...!


Mẹ chỉ có một trên đời

Sống không phụng dưỡng chết rồi khóc chi.

Giỗ to thử hỏi ích gì

Nhắc ai còn mẹ khắc ghi tạc lòng .

SƯU TẦM. 

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Thơ vui: CƠN MƯA BẤT NGỜ - St trên FB.

 




CƠN MƯA BẤT NGỜ

         Nay em ra phố dạo chơi

Không may gặp phải ngày trời mưa to

         Lúc đi mẹ đã dặn dò

Mặc thêm áo khoác vào cho ấm người                          

         Được đi vui vẻ tươi cười

Quên lời mẹ dặn vội vàng chạy luôn

        Ai dè gặp trận mưa tuôn

Áo mỏng ướt hết in luôn mặt hàng

        Nhìn xuống em thấy ngỡ ngàng

Áo mưa không có biết làm sao đây

        Bên trong chẳng có áo dây

Tất cả đều đã phơi bầy hết ra

     Bây giờ biết làm sao ta

Bưởi bòng đều đã khoe ra hết rồi

      Trời giờ cũng đã tạnh mưa

Có anh  đưa tặng áo mưa em về

       Thế rồi chuyện ấy tình cờ

Cái anh tặng áo là chồng yêu em


NHĂM HẰNG. 

 11/5/2022

Thơ vui: PHỐ THỊ QUÊ TÔI - St trên FB.

 




PHỐ THỊ QUÊ TÔI

Tôi xa quê đã lâu rồi

Nay về thăm lại một thời ấu thơ

Mừng cho phố thị không ngờ

Kiến trúc xây dựng từng giờ đổi thay

Vậy mà hệ thống có dây

Đan ken chằng chịt tháng ngày ... bên nhau

Cây cột - trụ đã bao lâu ?

"Cha chung" - ai khóc biết đâu có ngày...

Cảnh quan đô thị thế này

Các ngành quản lý có hay không nào

Để cho du khách nhìn vào

Văn minh kiểu ấy - nói sao bây giờ

THỊNH TRƯỜNG SƠN.

10.5.2022

Ảnh sưu tầm

Thơ: NGÀY 8-5 NGỌT NGÀO- Thuy Hà.

 



NGÀY 8-5 NGỌT NGÀO. 

Mẹ như là chiếc nôi xinh êm ả

Lời ru quấn quanh mềm lụa ngọc ngà

Con ngủ say nồng giữa giấc mơ hoa

Tay mẹ quạt gọi gió về dào dạt.

Mẹ đi bảo lúa trên đồng trĩu hạt

Cà trong vườn ra trái nặng oằn cây

Mẹ gọi nước ngoài sông xanh bát ngát

Chảy về cho hoa quả ngọt đầy cành.

Con ngủ ngon mẹ nhờ hàng tre nhỏ

Rủ gió về lượn quanh võng ru con

Đêm khuya rồi mẹ mượn ánh trăng non

Soi con ngủ bờ môi hồng sữa ngọt

Dây mồng tơi leo giậu rào trái tím

Đàn gà con thơ thẩn ụ rơm vàng

Bìm bịp kêu nhắc nước ròng nước lớn

Con lớn khôn trong tình mẹ nồng nàn.

THUY HÀ.

(***NGÀY 8-5 NGỌT NGÀO con gọi MẸ ƠI!***)

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Bài hát hay: TÌNH NHƯ KHÚC NHẠC - Trần Lực.


 Bài hát : TÌNH NHƯ KHÚC NHẠC.

   * Tác giả : TRẦN LỰC  ( SÔNG BỒ )
   * Ca sĩ : HỒ PHƯƠNG LIÊN ( Á quân Thần tượng Bolero 2017 )

Bài hát đầu tay được tác giả sáng tác trước 1975. Lúc đó 2 chúng tôi mới ra trường, cùng là công chức Nha Kinh Tế Nông nghiệp - Bộ Canh Nông... . Tôi hân hạnh được tác giả tặng một bản viết tay của bài hát này và từng hát tại nhiệm sở vào những dịp nghỉ lễ cùng tiếng đàn của chính tác giả... .

HUỲNH VĂN HUÊ.

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Chuyện đời: BẠN TIẾN SĨ - Trần Thanh Cảnh.

 




BẠN TIẾN SĨ

Tôi thì trầy trật mãi mới tốt nghiệp đại học, nhưng bạn tôi nhiều người là tiến sĩ. Ơn giời, toàn tiến sĩ xịn, công trình nghiên cứu có ý tưởng khoa học mới đàng hoàng, ngoại ngữ như gió cả...

Nhưng khi ra đời làm ăn, kinh doanh, chém gió viết lách... Tôi gặp nhiều 'tiến sĩ giấy' kinh khủng! Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là sang Thái đầu những năm 2000, do một công ty mời. Cùng đoàn có một chị, tự giới thiệu: tiến sĩ tại khoa A trường đại học S. Đến lúc sang bên đó, đi lang thang phố đêm, siêu thị bà chị túm lấy mình, "Cảnh đi đâu cho chị theo với, chị không biết tiếng Anh"! Mình nhìn bả lấy làm ngạc nhiên lắm, cái thằng mình chỉ học giáo trình Streamline English ở trường đại học, mà ra phố mặc cả, cãi nhau, chửi tục...với cánh taxi bên Thái như sáo! Mà bả tiến sĩ kìa...

Lại chuyện một bà tiến sĩ Y khoa cẩn thận quê mình nữa chứ! Đọc tên cái luận án đã thấy rởm:"Dùng thuốc rẻ tiền điều trị cho bệnh nhân xyz"! Giời ạ, chữa bệnh là chỉ định đúng bệnh, đúng thuốc là quan trọng nhất chứ không phải vấn đề đắt rẻ! Cái luận ấy có mà tôi viết 7 ngày xong! Thế nhưng ra trường Y, các giáo sư cũng thấy nó vớ vỉn quá, đek cho bảo vệ. Bả mới nhờ ông bạn mình, chỉ là bác sĩ nội trú ở viện, chở đến các nhà giáo sư hội đồng, khóc lóc xin xỏ mãi...các thày mủi lòng bảo, thôi nó đàn bà con gái, chiếu cố cho qua để nó về quê làm việc! Cơ mà xong cái tiến sĩ ấy, bả nhảy phắt phát lên phó bộ! Bả xuống thăm trường, cờ hoa biểu ngữ chào mừng inh ỏi, giáo sư hiệu trưởng chủ tịch hội đồng phát biểu đáp từ cấp trên vâng dạ, quán triệt lời vàng ý ngọc như đúng rồi! Đến nhục! Cả hội đồng giáo sư ngồi dưới cùng nhục! Bọn sinh viên biết chuyện, đứng ngoài nhòm vào hội trường cười khành khạch với nhau, các thày lại thấy nhục thêm ít nữa...

Riết rồi thì mình cũng chẳng ngạc nhiên về cái trình tiến sĩ phổ cập của nước nhà nữa. Mặc nhiên coi nó là đồ rởm rít, không đáng quan tâm. Cơ mà khổ các ông bạn tiến sĩ xịn, học thuật trước tác đầy mình mà giờ đi đến nhiều nơi, phải yêu cầu họ không giới thiệu tiến sĩ tiến xiếc gì nhé, nhục lắm!

Khộ! Tiến sĩ thật thì thấy nhục. Còn tiến sĩ lởm chúng nó đang vênh vang nắm quyền đè đầu cưỡi cổ thiên hạ ráo cả kia! Đến đâu cũng giới thiệu tiến sĩ xyz lồng lộn cả! 

Mấy hôm nay dư luận dậy sóng về cái vụ tiến sĩ ở Viện hàn lâm KHXH, ở Viện khoa học giáo dục...nói chung là ở các lò ấp tiến sĩ của nước nhà. Mà không, cỡ đẻ tiến sĩ nhanh như thế thì không còn là lò ấp nữa, là công xưởng sản xuất tiến sĩ rồi! Thế này, chả mấy chốc người nước Việt thành tiến sĩ ráo! 

Nên tôi mà có quyền, cho tập trung bọn người có bằng tiến sĩ cả nước lại, vấn đáp mỗi người ba câu, không trả lời được tước bằng đuổi đi chăn ngỗng! Đảm bảo độ 95% đi thẳng...

Lúc ấy các bạn tiến sĩ thật mới hết nhục.

TRẦN THANH CẢNH 

Hương xưa: THẰNG CHÓ ĐẺ CỦA MÁ (p. cuối )- Tiểu Tử.

 



THẰNG CHÓ ĐẺ CỦA MÁ ( p. cuối )

Thấy trên văn bằng đề “Lê Thị Ráng ” con thắc mắc : “ Ụa ! Mà Lê Thị Ráng đâu phải là tên của má. Trong khai sanh của con, má là Lê Thị Láng mà !” Má cười khục khục mấy tiếng rồi mới nói : “ Để tao nói cho mầy nghe. Hồi đó tao sanh mầy ở gần nhà thờ Cha Tam, trong Chợ Lớn. Cô mụ người tàu, nói tiếng Việt còn lơ lớ. Cổ hỏi tao tên gì để làm khai sanh. Tao nói tao tên Ráng, mà R cổ nói không được, nên ra sở khai sanh, cổ nói Ráng thành Láng là như vậy ” Mãi tới bảy mươi hai tuổi con mới biết tên đúng của má là “ Ráng ” !


Hôm đưa ông Táo, con có tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng một trăm tuổi của má, có họ hàng tham dự đầy nhà. Vừa ngồi vào bàn, dì Bảy Giang nói : “ Theo phong tục mình, con cái phải quì lạy để chúc thọ mẹ cha. Bây giờ, chị Tám được một trăm tuổi, hiếm lắm, quí lắm. Mầy phải lạy má mầy đi rồi ăn uống gì ăn ” Mọi người vỗ tay tán thành. Má cũng cười, nói : “ Ồ phải ! Hồi nẳm, đám cưới của mầy, mầy có đi học lạy với cậu Bảy Dinh, nhưng bên đàng gái miễn lễ chỉ bắt xá thôi, rồi về đây tía mầy cũng miễn luôn. Cho nên tao chưa thấy mầy lạy ra sao hết. Đâu ? Mầy lạy tao coi ! ” Mọi người lại vỗ tay nữa. Con đứng trước mặt má, chấp tay ấp úng: “ Thưa má. Hôm nay là ngày sanh thứ một trăm của má, con xin lạy mừng thọ má ” Rồi con lạy ba lạy, cũng đủ điệu bộ lên gối xuống gối như con đã học lạy cách đây gần năm chục năm. Con lạy mà nước mắt chảy quanh. Con biết rằng lần lạy đầu tiên này có thể là lần lạy cuối cùng, bởi vì qua Tết, con sẽ trở về Pháp với cái lạnh cắt da của mùa đông, rồi sau đó biết có còn về nữa hay không ? Sức khỏe của con càng ngày càng kém, bao nhiêu thứ thuốc uống vô hằng bữa liệu kéo dài sự sống của con được đến bao lâu ? Điều này, con đâu dám cho má biết. Mọi người lại vỗ tay khi con lạy xong. Rồi thì nhập tiệc. Bữa tiệc hôm đó thật là vui. Người vui nhứt là má.
       
  *  *  *
Má ơi ! Bữa nay là ngày sanh thứ 103 của má, ngày đưa ông Táo về Trời. Vậy là ba năm qua rồi, con đã không về thăm má. « Thằng chó đẻ » của má vẫn còn « trôi sông lạc chợ », để cho má cứ phải trông nó về, trông hằng ngày, trông mòn con mắt, trông khô nước mắt !
Má thương con , xin má tha thứ cho con… tha thứ cho con ….

Tiểu Tử

Quanh ta: ĐÓ LÀ TÌNH YÊU... - Đinh Trực.





 ĐÓ LÀ TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHA VÀ MẸ...!

Có một con chim non bị rớt ra khỏi tổ... Chim Mẹ cố gắng ngậm giữ lại chim con...! 

Chim Cha bay xuống phía dưới để nâng con lên...!                                                                                             

Tình thương của con vật là thế đó...           

Là con người thì phải hơn loài vật trăm lần...!

Cha và Mẹ là thế...! Suốt cả cuộc đời luôn chăm sóc và bảo vệ các con yêu...!

Nhiếp ảnh gia đã may mắn khi ghi lại khoảnh khắc không có lần thứ hai trong cuộc đời...

ĐINH TRỰC. 

Vui cười: CHUYỆN VUI SÁNG... - Lê Xuân Sang.

 



CHUYỆN VUI SÁNG CHỦ NHẬT

Mẹ đi làm về nghe con thóc mách :

- mẹ ơi, sáng nay lúc mẹ đi làm ba cứ gọi điện thoại cho ai mãi.

Mẹ hơi mất bình tĩnh :

- thế...con nghe giọng nam hay nữ .?

- dạ nữ ạ .

Lúc nầy mặt mẹ nóng bừng bừng :

-mẹ phải làm cho ra lẽ. Thế ...ba đi làm về chưa ? 

-dạ rồi ạ,ba đang ở trong phòng...

- thế ...con có nghe cô ấy nói gì không?

- dạ, cô ấy nói : thuê bao quý khách nằm ngoài vùng phủ sóng, xin vui lòng gọi lại sau ! 

-uý chời !


!!!!!!

LÊ XUÂN SANG. 

🤪🤪🤪🤪🤪🤪

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Thư giãn: CÔ BÁN VÚ SỮA - Hoàng Linh.

 


( Hình ảnh minh họa sưu tầm trên mạng, không liên quan đến bài đăng )


CÔ BÁN VÚ SỮA. 

Vừa lách người ra khỏi đám đông tôi chợt nghe tiếng ai the thé từ phía sau lưng:

- Anh kia, lựa cho đã rồi bỏ đi thiệt sao?

Thì ra là cô bán vú sữa tôi vừa mới ghé coi hàng. Tôi bèn chống chế nói:

- Tại vú sữa cô non quá nên tui không mua.

Cô ta phát cáu, lên tông, nói nhanh như sợ ai cướp lời:

- Vú dzậy mà non hả, anh bóp cho đã rồi chê sao?

Tôi lúng túng:

- Tui đâu có bóp hồi nào? Cô hét lên:

- Chính tay anh bóp 2 trái của tui xịt nước nè, còn chối cãi nữa hả?

- Chị bán, chị phải cho tui bóp rồi tui mới biết là nó mềm hay cứng chứ!

- Nhưng tay anh đàn ông bóp mạnh thấy mồ, anh coi nè, xịt sữa mấy trái luôn.

- Trời ơi, tui đâu có cử tạ, tay đâu có mạnh mà bóp tới xịt vú sữa của chị.

- Tui không biết, bây giờ anh phải mua đền tui mấy trái này.

- Thôi được, chị cứ lấy mấy trái ra cân tui mua đền cho.

Những tưởng yên thân tôi trả tiền xong, rồi buộc miệng nói:

- Buôn bán kiểu chị chắc tui vô siêu thị lựa tha hồ thoải mái, muốn sờ bóp sao cũng được. Mà người ta chỉ bán 1 cỡ nên dễ lựa, chứ chia ra 2 loại như chị khó lựa quá.

Như nổi cơn điên cô bán hàng hét lên:

- Trời đất, vậy là anh chê vú tui không đều, bên non bên già, bên to bên nhỏ hay sao?

- Tui không có nói à.

- Anh có biết là từ sáng đến giờ tui chưa bán mở hàng được trái nào hay sao?

- Cái gì? Bán buôn kiểu gì mà giờ Ngọ rồi vẫn chưa có ai mở hàng?

- Tui mới dọn ra nãy giờ, ở đây ai cũng thấy, bây giờ anh chê vú tui không đều, tui bắt đền, anh phải mua mở hàng bên vú lớn, tui mới cho anh đi.

Ái da! Tự nhiên gặp bà chằn lửa cứ một vú, hai vú này... Mấy người chung quanh nghe được, xấu hỗ chết được. Tôi bèn mua đại mấy trái bên kia mong cho xong chuyện.

Cân và lấy tiền xong cô bán vú sữa có đôi mắt lá răm liếc nhìn tôi rồi bắt đầu dẹo như nữ danh hài, hai bờ môi mỏng của cô hé cười lộ đường kẻ hở lớn giữa 2 răng cửa hàm trên (Cổ nhân đã nói là tướng này nói xạo kinh hồn):

- Heee... hehehheee... thấy anh hiền, mặt mũi coi được nhìn dễ thương, có vợ con gì chưa? Để em lựa tặng anh làm quen mỗi bên 1 trái, về ăn ngon lấy thảo rồi bữa khác anh nhớ ghé lại em mua ủng hộ nghen.

Nghe vậy tôi nổi hết da gà, còn dây dưa nữa là coi chừng cô ta bắt mình về ăn thịt luôn... Hổng lẽ kiếp trước bả là Tôn Nhị Nương trong truyện Thủy Hử chuyên mở quán chiêu dụ nam nhi để giết lấy thịt, làm nhân bánh bao thịt người hay sao? Chuồn lẹ cho mau. Bye bye và xa em mãi mãi.

HOÀNG LINH.




Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Thơ: MỘT THỜI YÊU DẤU - Thuy Hà.




MỘT THỜI YÊU DẤU. 

 Bây giờ chiều  nào trời cũng mưa

Để tháng 5 dầm dề nỗi nhớ

Thời gian cứ trôi qua lần lữa

Thêm nụ buồn vào những dòng thơ.


Cánh lá lìa cành trong mưa gió

Chao nghiêng vào nước chảy bên thềm

Trôi về  đâu lá vàng bé nhỏ

Giữa chông chênh bao nỗi ưu phiền.


Tháng 5 mưa nhạt nhòa lối cũ

Cỏ đường xưa úa héo lâu rồi

Mà sao vẫn ngập tràn thương nhớ

Về một thời yêu dấu xa xôi.

THUY HÀ. 

Hương xưa: THẰNG CHÓ ĐẺ CỦA MÁ - Tiểu Tử.

 

THẰNG CHÓ ĐẺ CỦA MÁ - 


Má ơi ! Bữa nay là ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo. Không biết những người Việt lưu vong như tụi con có còn giữ phong tục hằng năm cúng đưa ông Táo về Trời hay không, chớ vợ của con năm nào đến ngày này cũng mua hoa quả bánh ngọt cúng đưa ông Táo, cũng thành khẩn như ngày xưa, hồi còn ở bên nhà.

Năm nay, nhờ vợ của con lau dọn bàn thờ ông Táo để sửa soạn bày lễ vật ra cúng, nên con mới nhớ ra là ngày 23 tháng chạp. Ngày này cũng là ngày sanh của má. Hồi đó, má hay nói : « Ngày sanh của đứa nào còn khó nhớ, chớ ngày sanh của tao là ngày ông Táo về Trời, không dễ gì quên ! ». Và ngày này hồi đó, khi cúng vái, má hay cầu khẩn : « Ông về ở trển nhờ tâu lại bữa nay tôi lên thêm một tuổi, cầu xin Ngọc Hoàng bớt cho tôi chút đỉnh khổ cực … ». Hồi đó, nghe má cầu xin, con phì cười. Bây giờ, nhớ lại, con bỗng ứa nước mắt… Cuộc đời của má – theo lời tía kể – cũng lắm gian truân từ ngày má bỏ cái làng quê ở bờ sông Vàm Cỏ để đi theo tía dấn thân làm cách mạng vào những năm 1928/29. Gia đình giòng họ từ bỏ má cho nên hồi sanh con, tía bận đi xa, má nằm chèo queo một mình trong nhà bảo sanh, chẳng có người nào đi thăm hết. Vậy mà sau đó, má vẫn tiếp tục bôn ba …Mãi về sau, khi con lên sáu bảy tuổi, có lẽ chỉ vì sanh có một mình con nên tía má mới « trụ hình» – vẫn theo lời tía kể – với nhiều cực nhọc và khó khăn tiếp nối dài dài… Hỏi sao sau này mỗi lần đưa ông Táo má không có lời cầu khẩn nghe tội nghiệp như vậy ?
Nhớ lại, cách đây ba năm má thọ tròn trăm tuổi. Tính ra, từ ngày con đi chui theo ý má muốn – má nói : « Mầy đem vợ con mầy đi đi, để tao còn hy vọng mà sống thêm vài năm nữa » ! – cho đến năm đó, con xa má 25 năm. Con mới 72 tuổi mà cứ bịnh lên bịnh xuống nhưng năm đó con quyết định phải về. Và con đã về …
Thằng Bảy, con chị Hai Đầy ở Thị Nghè nghỉ chạy xe ôm một bữa để đưa con về cái làng quê nằm bên sông Vàm Cỏ. Nó nói : « Đi xe đò chi cho tốn tiền, để con đưa cậu Hai về, sẵn dịp con thăm bà Tám luôn ».

Hồi tụi con bước vào nhà, cả xóm chạy theo mừng. Con nhỏ giúp việc vội vã đỡ má lên rồi tấn gối để má ngồi dựa vào đầu giường : « Thưa bà cố, có khách ». Má nhướn mắt nhìn, hai mắt sâu hỏm nằm trên gương mặt gầy nhom đầy vết nám thâm thâm : « Đứa nào đó vậy ? ». Con nghẹn ngào : « Dạ, con… ». Chỉ có hai tiếng « Dạ, con» mà má đã nhận ra con ngay mặc dầu đã xa con từ 25 năm ! Má nói : « Mồ tổ cha mầy ! Trôi sông lạc chợ ở đâu mà bây giờ mới dìa ? Mà dìa sao không cho tao hay ? » Con ngồi xuống cạnh má : “ Sợ cho hay rồi má trông ” Má nói mà gương mặt của má nhăn nhúm lại : “ Tao trông từ hai mươi mấy năm nay chớ phải đợi đâu tới bây giờ ! ” Rồi má nhắm mắt một vài giây mới để lăn ra được hai giọt nước mắt. Cái tuổi một trăm của má chỉ còn đủ hai giọt nước mắt để cho má khóc mừng gặp lại thằng con … Xúc động quá con gục đầu vào vai má khóc ngất, khóc lớn tiếng, khóc mà không cần biết cần nghe gì hết. Cái tuổi bảy mươi hai của con còn đầy nước mắt để thấm ướt cái khăn rằn má vắt trên vai…
Suốt ngày hôm đó, má con mình nói biết bao nhiêu chuyện, có sự tham dự của họ hàng chòm xóm. Nhớ gì nói nấy, đụng đâu nói đó …vui như hội. Vậy mà cuối ngày, không thấy má mệt một chút nào hết. Con nhỏ giúp việc ngạc nhiên : “ Bình thường, bà cố nói chuyện lâu một chút là thở ồ ồ. Bữa nay sao thấy nói hoài không ngừng ! Có ông Hai dìa chắc bà cố sống thêm năm bảy năm nữa à ông Hai !”

Đêm đó, má “đuổi ” con vô mùng sớm sợ muỗi cắn. Con nằm trên bộ ván cạnh cái hòm dưỡng sinh của má. Con hỏi : “ Bộ cái hòm hồi đó má sắm tới bây giờ đó hả ? ” Má cười khịt khịt vài tiếng rồi mới nói : “ Đâu có. Cái hòm mầy nói, tao cho cậu Tư rồi. Hồi Cao Miên pháo kích quá, tao đem cậu Tư về đây ở, rồi ổng bịnh ổng chết. Tao có sắm cái hòm khác, cái đó tao cho thằng Hai con cậu Tư. Tội nghiệp thằng làm ăn suy sụp nên rầu riết rồi chết !” Con nói chen vô : “ Vậy, cái nầy má sắm sau đám của anh Hai ” Má lại cười khịt : “ Đâu có. Cái hòm sắm sau cái hòm cho thằng Hai, tao cho dì Sáu rồi. Hồi chỉ nằm xuống, nhà chỉ không có tiền mua hòm thì lấy gì làm đám ma ? ” Ngừng lại một chút rồi má mới nói : “ Còn cái hòm nầy chắc tao không cho ai nữa. Họ hàng quyến thuộc lần hồi chết hết, còn lại có mình tao thôi, có nó nằm gần tao cũng yên bụng ! ”.
Nằm tơ lơ mơ một lúc bỗng nghe má hỏi : “ Thằng chó đẻ … ngủ chưa ? ” Con trả lời : “ Dạ chưa ” Má tằng hắng : “ Tao tụng kinh một chút nghen ” Con : “ Dạ ” mà nghe tiếng “ Dạ ” nghẹn ngang trong cổ. Mấy tiếng “ Thằng chó đẻ ” của má kêu con đã làm cho con thật xúc động. Hồi đó – lâu lắm, cách đây sáu mươi mấy bảy chục năm, hồi con còn nhỏ lận – má hay gọi : “ Thằng chó đẻ, lại hun cái coi ! ”. Hồi đó, mổi lần cưng con, nựng con, ôm con vào lòng má luôn luôn gọi con bằng “ thằng chó đẻ ” ! Mà con thì chỉ biết sung sướng khi nghe má gọi như vậy. Rồi con lớn lần, má không còn gọi con bằng “ thằng chó đẻ ” nữa. Con không để ý và chắc má cũng không để ý đến chuyện đó. Mãi đến bây giờ má lại gọi con bằng “ thằng chó đẻ ”, gọi tự nhiên như hồi còn nhỏ. Chỉ có mấy tiếng thật thô thiển bình dị, nghe khô khan như vậy mà sao con cảm nhận tình thương thật là tràn đầy. Và đối với má, dầu tuổi đời của con có cao bao nhiêu nữa, con vẫn là “ thằng nhỏ ”,” thằng chó đẻ cưng ”. Con bắt gặp lại sự sung sướng của hồi đó khi được má gọi như vậy. Rồi bao nhiêu hình ảnh thuở ấu thời hiện về trong đầu con, liên miên chớp tắt. Đêm đó, con trằn trọc tới khuya…

Sáng hôm sau, má biểu con đẩy xe lăn đưa má đến từng bàn thờ để má thắp nhang tạ ơn Trời Phật, Ông Bà. Cuối cùng, đến bàn thờ của tía, má nói : “ Ông ơi, Có thằng nhỏ nó dìa đó. Ông độ cho nó được mạnh giỏi, độ cho vợ con nó ở bên tây được suông sẻ trong công việc làm ăn…” Đứng sau lưng má, con phải cắn môi thật mạnh để khỏi bật lên thành tiếng nấc !
Đẩy má ngang bàn viết cũ của tía, con thấy trên tường có treo hai khuôn kiếng lọng văn bằng đỏ chói có đóng dấu cũng đỏ chói của Nhà Nước. Con ngừng lại đọc : một tấm là huân chương hạng nhứt và một tấm là huy chương hạng ba cấp cho Lê thị Ráng. Con hỏi : “ Cái gì vậy, má ? ” Má nói : “ Mề-đai của tụi nó cho tao. Tụi nó bươi chuyện thời ông Nhạc nào đâu hồi mấy năm 1928-29 rồi chạy lại cho. Cái hạng nhứt đó cho năm ngoái, còn cái hạng ba mới cho đây ” Con cười : “ Vậy là họ hạ cấp má rồi ” Má hỏi : “ Sao mầy nói vậy ? ” Con giải nghĩa: “Thì từ hạng nhứt tuột xuống hạng ba là bị hạ cấp chớ gì nữa ?” Má cười: “Mầy không biết. Cái đầu hạng nhứt đó, cho treo chơi chớ không có tiền. Cái hạng ba đó mới có cho tiền ” Con đùa : “ Vậy má chia cho con chút đỉnh lấy hên coi ! ” Má khoát tay : “ Ối …từ ngày nhận cái mề-đai đó tới nay đã ba tháng rồi mà có thấy tụi nó đưa tiền đâu. Nghe nói còn mấy khâu gì gì đó chưa thông nên có hơi trễ ! ” Thấy trên văn bằng đề “Lê Thị Ráng ” con thắc mắc : “ Ụa ! Mà Lê Thị Ráng đâu phải là tên của má. Trong khai sanh của con, má là Lê Thị Láng mà ! ( Còn tiếp )

TIỂU TỬ.

Cuộc sống: ĐÓNG CỬA SAU 3 GIÂY! - Lê Hiếu.

 



ĐÓNG CỬA SAU 3 GIÂY ! 

Có một kiểu tôn trọng, gọi là đóng cửa “sau 3 giây”.

Nhà tôi có một cái máy giặt, lúc xả nước ra, nghe thấy tiếng lách cách, rất ồn. Nhân viên bảo trì đến mở ra xem, thì ra là có một đồng tiền xu kẹt ở bên trong.

Lấy tiền xu ra xong, nhân viên bảo trì tiện tay vệ sinh máy giặt luôn, và nói rằng máy giặt sau một thời gian là phải làm vệ sinh, nếu không sẽ sinh ra vi khuẩn, vi khuẩn bám vào quần áo mặc vào sẽ không tốt cho sức khỏe.

Sau khi máy giặt được sửa xong, người thợ này mang thùng đồ nghề đi ra khỏi cửa, chào tạm biệt tôi rồi đi về.

Tôi không đóng cửa ngay lập tức, mà đứng vịn vào đầu cầu thang chờ cho đến khi anh ấy đi xuống hết cầu thang, rồi mới nhẹ nhàng đóng cửa vào.

Tại sao lại như vây?

Đóng cửa sau 3 giây, sẽ tạo cho người khánh cảm nhận được sự tôn trọng. Bởi vì nếu người khách vừa bước ra, từ phía sau nghe thấy phập một tiếng thì một cảm giác hụt hẫng sẽ lập tức xuất hiện.

Thói quen đóng cửa sau 3 giây này là thói quen tôi học được từ một vị khách hàng 3 năm về trước.

Lần đó bởi vì công việc khá gấp, nên cuối tuần tôi vẫn phải đến nhà khách hàng lấy một số tài liệu.

Khi chân tôi vừa mới bước ra khỏi nhà khách hàng, ở phía sau liền nghe thấy tiếng đóng cửa “phập”!

Tiếng động đó làm tôi thấy hụt hẫng…

Tôi tin rằng không phải là khách hàng cố ý, nhưng, cho dù nghĩ như vậy, thì việc đóng ở đằng sau tôi trong chớp nhoáng vẫn khiến tôi cảm thấy một sự lạnh lẽo.

Tôi có cảm giác như mình không “được tôn trọng”.

Nhà văn người Nga Ivan Sergeyevich Turgenev, có một lần vào một buổi chiều mùa đông, ông đi tản bộ ở khu vực gần nhà mình.

Đột nhiên có một người ăn mày lớn tuổi quần áo tả tơi, quỳ rạp xuống đất, chìa bàn tay vừa dơ bẩn vừa hôi hám về phía ông, nói: “Thưa ngài, ngài có thể cho tôi xin một chút đồ ăn được không ạ?”.

Ivan Sergeyevich Turgenev nhìn người ăn mày thân thể gầy yếu, rồi lục túi quần túi áo của mình xem có còn chút bánh quy hoặc bánh mì nào để cho ông lão này không.

Một lúc, ông mới nhớ ra là không có mang theo đồ ăn. Lúc đó ông cảm thấy thật có lỗi, khuôn mặt đỏ bừng cả lên.

Ông ngồi xổm xuống, nắm chặt bàn tay ông lão ăn mày, thành khẩn nói: “Ông bạn, thật xin lỗi, vì tôi không có chút đồ ăn nào để cho ông”.

Không ngờ, ông lão này liền lập tức đứng dậy, nắm lấy tay của Ivan Sergeyevich Turgenev, mặc dù nước mắt đã chảy trên tràn khắp khuôn mặt, nhưng ông vẫn mỉm cười trả lời: “Xin cảm ơn ngài, như vậy là đã đủ rồi”.

Từ trước đến giờ ông lão ăn mày này chưa bao giờ gặp được người nào tôn trọng ông như Ivan Sergeyevich Turgenev, không xa lánh ông, mà ai còn nắm tay ông gọi ông là “ông bạn”.

Vì thế, ông lão ăn mày nghĩ không có đồ ăn thì cũng không sao, thiện ý này với ông đã là đủ lắm rồi.

LÊ HIẾU.

Thế giới: ELON MUSK CÓ PHẢI... - Lương Thái Sỹ.

 






ELON MUSK CÓ PHẢI NGƯỜI QUYỀN LỰC NHẤT THẾ GIỚI

​​​​​​(LƯƠNG THÁI SỸ-27-4)

*

     Vào tháng 12, tạp chí Time đã bị một số người không đồng tình khi nêu tên Elon Musk là “Nhân vật của năm”. Chưa đầy 5 tháng sau thông báo đó, thật khó để tranh luận về quyết định của tạp chí, trừ lời khen: “Quá chính xác!”. Một cuộc bầu chọn “Nhân vật của năm” rất thành công.

​​​           O O O O O O

     +Twitter chỉ là cú huých mới

     Hầu như không ai đạt được nhiều ảnh hưởng như Musk trong các ngành công nghiệp có thể xác định tương lai của kinh tế toàn cầu: từ truyền thông xã hội (Twitter), du hành vũ trụ (SpaceX), xe tự hành, vận tải điện (Tesla) đến trí tuệ nhân tạo (AI). Giờ đây, giám đốc điều hành (CEO) của Tesla (công ty xe hơi giá trị nhất thế giới) và SpaceX (với sứ mệnh quan trọng không kém cạnh: tìm ra cách vận chuyển con người đến các hành tinh khác trong trường hợp Trái đất trở nên không bền vững) đang chuẩn bị tiếp quản Twitter, nền tảng mạng xã hội mà Musk tin rằng rất cần thiết cho tương lai của nền dân chủ. Yêu hay ghét Musk, ông không chỉ là người giàu nhất thế giới mà còn là “Người quyền lực nhất thế giới”, ít nhất cho đến thời điểm này. Twitter đã đi một chặng đường dài kể từ những ngày đầu miễn phí cho người dùng. Nó đã có những cải tiến lớn trong việc kiểm duyệt nội dung, tạm khoá các tài khoản quấy rối hoặc lan truyền các thông tin sai lệch, huy động bạo loạn. Nhiều chính trị gia xem những sự điều chỉnh này là cần thiết. Tuy nhiên, Musk nói rõ rằng ông tin Twitter đã đi quá xa, xâm phạm quyền tự do. “Tôi nghĩ chúng ta rất miễn cưỡng khi xóa mọi thứ nhưng cũng nên thận trọng với các lệnh cấm vĩnh viễn!” - Musk bộc bạch vào đầu tháng này trong bài phát biểu tại một hội nghị TED. Ông nói thêm: “Chế độ tạm khoa ‘timeout’ tốt hơn là cấm hoàn toàn”. Khi hội đồng điều hành Twitter chấp nhận bán công ty với giá cổ phiếu xác định trên $50 và biến nó thành công ty tư nhân, Musk sẽ ít gặp phải sự chống đối khi hạ thấp các rào cản kiểm duyệt nội dung mà những người tiền nhiệm của ông áp dụng. Kết quả, các tài khoản trước đây bị khoá vì vi phạm các chính sách của Twitter có thể được phục hồi. Những nội dung từng kích hoạt cảnh báo “kiểm tra sự thật” do thông tin sai lệch về vaccine Covid hay lý do khác một lần nữa sẽ trở lại trong một trò chơi Musk gọi là “công bằng”. “Nếu chỉ là nghi ngờ, hãy để tweet (post) tồn tại - Musk nói với khán giả TED - Nếu tweet vi phạm vùng xám cũng nên để yên nó. Dĩ nhiên, trong trường hợp gây nhiều tranh cãi, không nhất thiết phải quảng bá tweet đó”. Số đăng ký Twitter chỉ bằng một phần Facebook hoặc TikTok, nhưng giá trị của nó nằm ở chỗ tập trung các nhân vật chính trị và truyền thông nổi tiếng, những người đã biến nó thành cái loa vận động chính của họ, cho cả cái tốt lẫn cái xấu. Twitter là nơi tin tức và sự thù địch sống chung trong thời gian thực, nơi diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi mang tính quốc gia. Không nền tảng nào có thể sao chép tiện ích nhắn tin của Twitter, dù đã cố gắng. Đây là công cụ giao tiếp chính của cựu tổng thống Donald Trump trong thời gian vận động tranh cử và trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, trước khi tài khoản của ông bị Twitter cấm vì dính đến cuộc nổi dậy ngày 6 Tháng Một. Kể từ khi bị cấm, Trump phải chật vật phát triển nền tảng thay thế Truth Social nhưng không thành công như mong đợi. Trump cho biết ông sẽ không tham gia lại Twitter dù lệnh cấm được dỡ bỏ. Nói như thế vào lúc này là khôn ngoan nên nhiều người tin rằng cuối cùng Trump sẽ tham gia lại Twitter sau khi cân nhắc những lợi ích to lớn nó mang lại cho ông trong việc truyền bá những thông điệp chính trị của mình, dù đúng hay sai. Sau khi Twitter chính thức đổi chủ, Musk sẽ phải sớm ra quyết định và chịu trách nhiệm về các trường hợp như của Trump và một số người khác. Quyết định cuối cùng có thể ảnh hưởng đến việc ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

     +Không gian, xe điện và xe tự lái

     Trong số nhiều tham vọng của Musk có ý tưởng về sự thay đổi cơ bản cách con người đi từ điểm A đến điểm B, và tạo ra những triển vọng mới cho điểm B (như sao Hỏa) đối với con người. Cho đến nay, SpaceX, một công ty tư nhân, đã rất xuất sắc trong việc quảng bá sứ mệnh cao cả đó, thậm chí đánh bại công ty đối thủ Blue Origin của tỷ phú Amazon Jeff Bezos để giành được hợp đồng gần $3 tỷ với NASA để đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng. Những kỳ công kỹ thuật của SpaceX cho đến nay rất đáng chú ý, nếu không muốn nói là gây ấn tượng mạnh trong sứ mệnh đưa người lên định cư tại các hành tinh khác. Công ty thường xuyên dùng tên lửa và tàu vũ trụ của mình để đưa các phi hành gia Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và là công ty đầu tiên đưa một phi hành đoàn toàn du khách giàu có lên quỹ đạo Trái đất vào Tháng Tám qua. SpaceX vẫn còn chặng đường dài phía trước, nhưng công ty đã thành công khi phát triển một dự án phụ nghe có vẻ hơi kỳ quặc của một tỷ phú lập dị thành một công cụ đáng tin cậy của ngành hàng không vũ trụ Mỹ. Một nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định: “Chính SpaceX, chứ không phải Tesla, sẽ giúp Musk trở thành tỷ phú đôla ngàn tỷ đầu tiên trên thế giới”. Tesla cũng là tham vọng của Musk về một tương lai gần đang hiển hiện khi thế giới chuyển từ năng lượng ô nhiễm sang năng lượng xanh. Sau khi tiếp quản Tesla vào năm 2008, Musk đã đưa công ty tham gia vào thị trường xe hơi đông đúc của Mỹ và từng bước tiến lên vị trí đàu. Tesla đang cố gắng phát triển thành công ty sản xuất xe hơi điện toàn cầu trị giá $1,000 tỷ. Hiện Tesla là nhà sản xuất xe hoi giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Tất nhiên phần lớn giá trị đó phụ thuộc vào kỳ vọng về một tương lai xe hơi hoàn toàn dùng điện và xe hơi tự lái. Musk trung thành với tầm nhìn chiến lược đó, bất chấp việc Tesla bước chập chững vào lĩnh vực xe bán tự hành. Công nghệ “tự lái hoàn toàn” của công ty được xem là còn một số vấn đề an toàn cần giải quyết. Phần mềm tự lái đang trong giai đoạn thử nghiệm (beta) và còn lâu mới có thể tự lái hoàn toàn như quảng cáo. Những trục trặc xe tự lái của Tesla khiến Musk khó hoàn thành sớm tham vọng “Những chiếc xe hơi trong tương lai sẽ tự lái trên toàn quốc và tỷ lệ tử vong do giao thông có thể giảm tới 99%”. Tuy nhiên, Musk đã đạt được những thành tích đáng kể mà những người phản đối ông không thể bác bỏ. Ông đang chỉ huy nhiều doanh nghiệp xác định tương lai của thế giới. Bloomberg viết: “Với giá trị tài sản ròng $257 tỷ, Musk có khả năng và động lực để ảnh hưởng trên qui mô toàn cầu. Mua Twitter chỉ là bước đi mới nhất”.