Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Tản mạn: ĐÀ LẠT, DỐC - Phan Dũng.

 



ĐÀ LẠT, DỐC

"Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông

Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường..."


Người Đà Lạt gắn bó với dốc đồi vô cùng tận. Những đứa con của Đà Lạt tha hương như tôi mỗi lần nhớ về Đà Lạt, thì hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu chính là những con dốc thân thương.


Có rất nhiều "Đà Lạt học" đã bỏ công sưu tầm tìm hiểu ý nghĩa của tên các con đường, con dốc của Đà Lạt. Đúng có sai có. Nhưng riêng tôi, tôi không thích những cách giải thích lý tính. Đơn giản vì, tôi chọn cách những rung cảm thực từ trái tim đầy  ký ức, tôi yêu con dốc trước nhà tôi, con dốc hằng ngày đưa tôi đến trường cũng như yêu người yêu tôi vậy - người yêu tôi tên Mai, tên Lan, tên Cúc thì tôi cần gì phải hỏi tại sao?


Dốc Đà Lạt hồi đó ít có các bậc thang bằng xi-măng để đi lên đi xuống như bây giờ, mà người ta thường men theo một lối mòn hình thành từ những rễ cây ngo mọc ven đường để băng xuống dốc cho nhanh (người Đà Lạt thường kêu cây thông là cây ngo, vì sao thì có trời mà biết!). Riết hồi thành những bậc cấp tự nhiên bằng rễ ngo, rất đẹp.


Mỗi lần đi học sớm, chúng tôi thường lên đồi gom lá ngo chất thành đống đốt lên sưởi ấm. Ôi chao sao mà nhớ cái mùi thơm ngan ngát của khói lá ngo đốt trong sương mù Đà Lạt quá đi!


Từ khu Hòa Bình tỏa ra có ba con dốc chính. Buổi chiều, tôi thường tà tà dạo lên dốc Duy Tân, ghé tiệm bánh mì Vĩnh Chấn mua một ổ bánh mì "ba-ghét" nóng hổi vừa thổi vừa ăn, đi xuống dốc Minh Mạng rồi ghé chè Mai Hường kêu một chén chè bắp chấm bánh mì ăn ngon lành. Bạn biết không, không phải đương không mà tôi làm chuyện "rảnh" vậy đâu! Cái chính là giờ đó là giờ mấy em Bùi Thị Xuân tan trường, quán chè Mai Hường chỉ là nơi chúng tôi "núp bóng" để ngắm mấy tà áo nữ sinh theo con dốc Lê Đại Hành đi về qua hồ Xuân Hương, qua dốc Nhà Thờ. Tôi, cùng lắm cũng chỉ là cái đuôi lẽo đẽo theo sau!


 PHAN DŨNG. 

(Trích từ sách "Miền sương khói", nhiều tác giả)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét