CUNG TIẾN, MỘT CUNG ĐÀN ĐÃ ĐỨT!…
Tất cả những ai yêu nhạc miền Nam đều biết các bài hát Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa của ông. Lạ lùng thay, 3 ca khúc đó đều viết khi ông còn ở tuổi thiếu niên (14 đến 16 tuổi).
Sau này ông có nói là do bị ảnh hưởng Đường thi và các nhà thơ VN thời tiền chiến, chớ không phải được chắt lọc từ những ký ức thật trong cuộc sống của mình.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông cho biết:
Hỏi: Khi Cung Tiến nổi tiếng với những nhạc phẩm như “Hoài Cảm,” “Thu Vàng,” “Hương Xưa”, nhạc sĩ thích người ta biết đến trong vai trò nào? Một nhạc sĩ hay một nhà kinh tế?
Trả lời: Tôi nhiều sở thích lắm, như văn chương, tiểu thuyết, thơ, thích hội họa, toán học và kinh tế học. Kinh tế học là ngành hồi đó tôi được học bổng đi ra ngoại quốc học. Tôi có rất nhiều sở thích nhưng âm nhạc vẫn là sở thích đầu tiên và cuối cùng trong đời của tôi.
Mười sáu tuổi đã viết lên những ca từ:
Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người đâu ân tình cũ
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa
Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ về trong đêm tối
Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa
Chờ nhau hoài cố nhân ơi
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi
Nhớ nhau muôn đời mà thôi
Thời gian tựa cánh chim bay
Qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vui
Nhớ thương biết bao giờ nguôi...
Quả là phi thường.
Ngoài âm nhạc, ông còn là một viên chức cao cấp của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa trước 1975
Ông mất tại Mỹ, ngày 10 tháng 5 ở tuổi 83, và mới được hỏa táng vào ngày 2 tháng 6 năm 2022. Cung đàn nào cũng đến lúc nghỉ ngơi.
NGUYỄN ĐÌNH BỔN
***
“CHỜ HOÀI NHAU TRONG MƠ, NHƯNG CÓ BAO GIỜ, THẤY NHAU LẨN NỮA”…
Nhạc sĩ Cung Tiến đã mất ngày 10/5 tại Mỹ và hỏa táng ngày 2/6/2022, thọ 85 tuổi.
Nay ông sẽ là người muôn năm cũ của Hoài cảm, Hương xưa, và Thu vàng...
"Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người đâu ân tình cũ
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa
Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ về trong đêm tối
Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa"
Du Tử Lê từng gọi Cung Tiến là một hiện tượng, một thiên tài của nền tân nhạc Việt Nam. Bởi vì những bản hay nhất của ông như Hoài Cảm và Thu vàng đều viết khi ông mới 14-15 tuổi. Khi đó ông mới chớm bước chân vào làng tân nhạc, mà đã thành tựu rực rỡ.
Cung Tiến có một cuộc đời gắn bó rất nhiều với những chìm nổi thời cuộc.
Ông sinh năm 1938 tại Hà Nội, trong một gia đình có người cha là một thi sĩ tham gia Quốc dân Đảng. Gia đình ông di cư vào Nam từ 1954. Có tài ca hát và viết nhạc, ông tham gia chương trình biểu diễn của Đài phát thanh Pháp Á để tuyển chọn ca sĩ. Nhưng thi xong chưa tới đâu, về tới nhà thì bị ông thân sinh đem quần áo, đồ dùng vứt ra cửa. Gia đình muốn ông học hành đỗ đạt và làm một nghề gì đó bình thường, chứ không phải thành nhạc sĩ hay ca sĩ.
Nhưng khi đó ông đã viết 2 bài ca nổi tiếng và được 2 sư phụ dạy dỗ ban đầu rất tâm huyết là nhạc sĩ Chung Quân và Thẩm Oánh.
3 năm sau, do học giỏi, ông thi đậu học bổng du học ngành Kinh tế tại Úc. Ông từng tâm sự trong 1 bài PV trên báo NV rằng không phải vì ông thích học Kinh tế, mà vì khi đó đậu học bổng ngành đó nên không có lựa chọn nào khác mà phải học. Và ông học ngành này rồi cũng thấy ưa thích, trở thành chuyên gia. Tuy nhiên, âm nhạc vẫn là một đam mê cháy bỏng, do đó Cung Tiến vừa đi học kinh tế tại Úc từ 1957 tới 1963, đồng thời vẫn học thêm về âm nhạc tại Nhạc viện Sydney.
Tới 1970, khi nhận học bổng học master về Kinh tế tại Đại học đường Cambridge, Anh quốc, ông cũng tiếp tục vừa học nghề, vừa theo học các lớp học nhạc.
Cả cuộc đời ông viết nhạc không nhiều. Nhưng khi viết bài nào cũng rất trau chuốt từ câu từ cho tới âm nhạc. Những ca từ trong ca khúc của ông đẹp như những bài thơ cổ đầy chất lãng mạn.
"Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa
Quạnh hiu về thấm không gian
Âm thầm như lẫn vào hồn
Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
Sương buồn lắng qua hoàng hôn"
“Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao
Còn đó tiếng khung quay tơ,
Còn đó con diều vật vờ
Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa
“Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ"
Mặc dù vậy, Cung Tiến là một người rất khiêm cung. Ông tự nhận mình là một người nghiệp dư, viết nhạc để mà tiêu khiển, không chú ý tác quyền và không quan tâm tới việc lăng xê tên tuổi mình.
Ông cho biết rằng sở thích của ông là văn chương, tiểu thuyết, thơ, hội họa, toán học và kinh tế học.
Bởi vậy nên ngoài âm nhạc, ông viết báo và tham gia dịch thuật cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm, và Văn. Hai trong số các tác phẩm ông dịch và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky và cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn.
Sau khi định cư tại Mỹ, ông làm kinh tế gia tại Bộ Tài nguyên thiên nhiên bang Minnesota. Về cuối đời ông về hưu và vợ vẫn sống tại tiểu bang này. Hàng ngày thú vui của ông rất giản dị là nuôi 2 con chó, đi chơi cùng chúng, viết nhạc và đọc sách.
Vô cùng thương tiếc ông, con người rất đẹp của một thời đầy ly loạn. Giữa thời cuộc với biết bao biến động khủng khiếp đó, ông vẫn giữ được sự bình an trong tâm hồn của một trí thức, một nghệ sỹ lớn.
Xin thành kính phân ưu cùng gia đình ông.
NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét