Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Chuyện lạ: PHÉP MÀU TỪ ĐÂU?- Phan Thế Nghĩa (fb) -

 

( Hình ảnh minh họa sưu tầm  trên mạng ) 

PHÉP MÀU TỪ ĐÂU? 

• Bác sĩ MARK là chuyên gia nổi tiếng về ung thư. Một lần, ông chuẩn bị tham dự một hội nghị rất quan trọng ở thành phố khác, nơi ông sẽ được trao giải thưởng về nghiên cứu y học. Ông rất hồi hộp, bởi tại hội nghị này, thành quả lao động nhiều năm của ông sẽ được ghi nhận.


Tuy nhiên, do trục trặc kỹ thuật, hai giờ sau khi cất cánh, máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất.

Sợ không kịp, bác sĩ thuê một chiếc ô tô và tự lái đến thành phố tổ chức hội nghị.

Nhưng ngay sau khi ông lên xe, thời tiết trở nên tồi tệ và một cơn bão dữ dội ập đến. Do trời mưa to, ông đi nhầm đường.

Sau hai giờ lái xe không có kết quả, ông nhận ra rằng mình đã bị lạc. Ông cảm thấy đói và mệt kinh khủng, nên quyết định tìm một nơi để nghỉ.


Cuối cùng, ông cũng tìm được một căn nhà nhỏ tồi tàn. Tuyệt vọng, ông ra khỏi xe và gõ cửa.

Một người phụ nữ xinh đẹp mở cửa. Ông tự giới thiệu và xin bà cho gọi nhờ điện thoại.

Người phụ nữ nói với ông rằng bà không có điện thoại, nhưng ông có thể vào nhà và chờ cho đến khi thời tiết tốt hơn.

Đói, ướt và mệt, bác sĩ nhận lời mời ân cần của bà và bước vào. Người phụ nữ mời ông uống trà nóng và lót dạ chút gì đó. Bà nói rằng ông có có thể cùng bà cầu nguyện.

Nhưng bác sĩ Mark mỉm cười từ chối, và nói rằng ông chỉ tin vào sự cần cù lao động.


Ngồi bên bàn uống trà, bác sĩ quan sát người phụ nữ cầu nguyện dưới ánh nến mờ ảo, cạnh chiếc nôi trẻ em. Bác sĩ hiểu rằng người phụ nữ cần được giúp đỡ, vì vậy khi bà cầu nguyện xong, ông hỏi:

Bà cầu xin Chúa phù hộ điều gì? Phải chăng bà nghĩ rằng  Chúa nghe thấu lời cầu nguyện của bà?

Sau đó, ông hỏi thăm đứa bé trong nôi, người phụ nữ cười buồn và nói:

“Con trai tôi mắc bệnh ung thư hiếm gặp và chỉ có bác sĩ Mark mới có thể chữa khỏi cho cháu, nhưng tôi không có tiền để mời ông ấy, hơn nữa, bác sĩ Mark sống ở một thành phố khác. Cho đến nay, Chúa vẫn chưa đáp lại lời cầu nguyện của tôi, nhưng tôi biết rằng ngài sẽ giúp... và không gì có thể lay chuyển niềm tin của tôi.

Choáng váng, không nói nên lời, bác sĩ Mark bỗng bật khóc. Ông thì thầm:

- Chúa thật vĩ đại…

Ông nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra với ông hôm nay: máy bay bị trục trặc, mưa lớn khiến ông lạc đường; tất cả những điều này xảy ra bởi vì Chúa không chỉ đáp lại lời cầu nguyện của người phụ nữ mà còn cho ông cơ hội thoát ra khỏi thế giới vật chất và giúp đỡ những người nghèo bất hạnh không có gì ngoài lời cầu nguyện...


Từ fb Phan Thế Nghĩa

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Lượm lặt : KARAOKE - Quan Vo (sr> trên fb)

 




KARAOKE


“Karaoke” là tiếng Việt, có nghĩa là cứ “ca ra là OK”. Vậy là dân ta thoải mái ca ra, dù nhiều khi chẳng OK chút nào. Trong mùa dịch cô Vi này, người người ở nhà, thiếu thú vui giải trí, người ta đâm ra thích “ca ra OK”. Tại Việt Nam, karaoke đã trở thành đại nạn, không biết có trầm trọng hơn dịch bệnh không, nhưng đủ để dân chúng la làng.

 

Người ta hát thoải mái bất kể giờ giấc, nửa đêm vẫn cứ đua nhau gào làm náo động khu phố. Tôi đọc được trên Facebook lời than của một bạn ở Sài Gòn: “Nó hát ngày, hát đêm, hát thêm Chủ Nhật, hát tràn cung mây, hát không cho ai ngủ. Nó chuyển sang “Vùng Lá Me Bay” mà giọng lúc thì ồm ồm, lúc thì rít sần sật lên như thế thì lá bay sao được, bay kiểu gì mà từ trưa tới tối vẫn chẳng hết lá!”.

 

Ngoài nước, phong trào karaoke của người Việt hải ngoại rộ lên vào thập niên 1990 của thế kỷ trước. Hầu như nhà nào cũng có dàn máy. Có từ hai người trở lên là có thể gân cổ lên được rồi. Nhưng hát như vậy uổng. Giọng vàng phải được nhiều người thưởng thức.

 

Vậy là chia tua nhau, mỗi cuối tuần tới một nơi, ăn uống rồi karaoke. Càng đông càng hào hứng. Tự nhiên có nhiều người bỗng khám phá ra mình có tài ca hát. Tôi chơi nhạc từ bé, không có tài gân cổ nhưng vẫn không thoát được karaoke. Một lần, có anh bạn xưa đến chơi, mời tôi tới nhà người em gặp gỡ một tối. Bắt buộc phải tới, bạn cũ rích cũ rang từ thời đi học được coi như rượu lâu năm, càng …già càng quý. Trong nhà tập họp khoảng dăm chục người.

 

Tới giờ hát mới thấy hầu hết những người có mặt đều là ca sĩ. Số người không biết hát hỏng chi thì chỉ dăm người. Vậy là màn giới thiệu mở đầu chương trình giới thiệu dăm vị khán giả. Các ca sĩ ngồi vỗ tay. Họ quý khán giả vì ít khi có người tới không hát mà chịu khó ngồi nghe. Nghe được vài bài, tôi khều anh bạn chẩu ra ngoài quán cà phê. Tự nghĩ mình có tội tình chi đâu mà phải chịu cực hình!

 

Thật ra karaoke là tiếng Nhật. Vì có sự trùng âm lại na ná có ý nghĩa theo tiếng Việt nên tôi “phán” là tiếng Việt cho vui. Phải trả lại người Nhật ngôn ngữ của họ. Tiếng Nhật, kara có nghĩa là “không”, oke là “dàn nhạc”. Karaoke là hát không cần dàn nhạc. Người bắt cả thế giới ngoác miệng ra là ông Daisuke Inoue.

 

Năm nay ông đúng 80 tuổi, đang sống tại Nishinomiya, phía đông thành phố Osaka, cùng vợ, một cô con gái, ba đứa cháu ngoại và bảy con chó. Ông nguyên là một tay trống trong các ban nhạc. Một bữa kia, một ông chủ tịch của một công ty nhỏ tới gặp ông. Công ty của ông sắp tổ chức một hội nghị khách hàng và chắc chắn ông phải lên sân khấu trình diễn một cái chi. Ông dự định sẽ lên hát.

 

Ông nhờ ông Inoue thu sẵn nhạc đệm vài bài hát ông yêu thích để ông tập ở nhà và lên trình diễn. Màn trình diễn của ông chủ tịch này thành công ngoài sự mong đợi. Từ việc này, ông Inoue nghĩ ra việc chế tạo một chiếc máy phát ra nhạc để người ta hát theo.

 

Chiếc máy đầu tiên ông hoàn thành rất đơn giản. Ông thu sẵn phần nhạc, kết nối với một chiếc micro, loa và bộ khuếch đại âm thanh. Ông tìm các linh kiện điện tử tại cửa hàng của một người bạn. Khách dùng chỉ việc bỏ tiền vào máy, chọn bài nhạc mình ưa thích và hát.

 

Chiếc máy đầu tiên ông hoàn thành vào năm 1971, có tên là Juke 8. Giá khoảng 425 đô Mỹ. Ông chế ra được mười máy, để tại các quán rượu. Chẳng ma nào thèm mó tới. Ế sưng ế sỉa!

 

Ông suy nghĩ và thuê một cô gái duyên dáng đẹp đẽ tới từng quán rượu có đặt máy, hát thử mỗi nơi vài bài. Trò quảng cáo của ông có ép-phê liền. Người ta đua nhau hát thử. Và nghiện! Không ai muốn rời khỏi chiếc micro. Chuyện chi cũng phải có mỹ nhân mới ra trò! Cuối năm đó, đã có trên hai trăm quán tại Kobe đặt máy karaoke. Hai quán rượu còn mở thêm chi nhánh tại Osaka, đặt máy Juke 8. Kobe là thành phố nhỏ, chỉ nổi danh với món thịt bò, ít người biết tới. Osaka là…kinh đô, to đùng, tấp nập dân chơi. Vậy là chẳng bao lâu sau, toàn thể nước Nhật inh ỏi hát karaoke. Tổng số máy ông Inoue sản xuất ra trong một năm là 25 ngàn chiếc! Chỉ trong vòng hai năm, công ty của Inoue đã có doanh thu lên tới 100 triệu đô Mỹ mỗi năm. Số tiền này có thể lên cao hơn nhiều nếu ông nạp bản quyền phát minh. Người ta tính ra là nếu ông giữ bản quyền thì mỗi năm ông ngồi không hưởng số tiền 100 triệu như chơi. Tại sao ông không nạp bản quyền phát minh, ông trả lời báo Post trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày máy karaoke ra đời: “Khi ấy tôi tưởng là bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh vĩ đại biến điều không thể thành có thể. Chiếc máy karaoke của tôi chỉ là tập hợp một số linh kiện điện tử sẵn có. Vì thế tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một phát minh thực sự”. Nhưng ông không tiếc. Ông nghĩ rằng nếu chiếc máy Juke 8 của ông được cấp bằng sáng chế, karaoke sẽ không được phổ biến như hiện nay. Ông tự mãn: “Ca hát là đam mê của phần lớn con người. Tôi tin rằng karaoke đã cho họ cơ hội được tự mình trở thành ngôi sao. Đó là những gì tôi nghĩ khi thấy mọi người ca hát”.


Ông Inoue nghĩ không sai. Phát minh của ông đã làm thay đổi cả nền âm nhạc thế giới. Những gì ông được hưởng về tinh thần lớn hơn số tiền bạc triệu trong túi. Năm 1999, tạp chí Time đã vinh danh ông là “một trong 20 nhân vật Châu Á của thế kỷ 20”. Tên ông đứng chung với tên của “thánh” Mahatma Gandhi! Năm 2004, Đại Học Harvard đã trao cho ông giải Ig Nobel vì “phát minh ra karaoke và tạo ra một phương pháp mới giúp con người học cách bao dung với nhau”.

 

Thị trường karaoke trên thế giới ngày nay được đánh giá là 10 tỷ đô! Những nước Á châu như Trung Quốc, Đài Loan, Thái, Việt Nam tưng bừng hát. Không chỉ thu hẹp tại các nước láng giềng, karaoke bay tứ tung. Trong bài viết vào ngày 10/1/2020, “Karaoke – A Global Fusion Culture”, ký giả Zoe Lin đã tán tụng karaoke như sau: “Dân chúng từ Paris tới Toronto, từ Iceland tới Brazil, đều mê mệt karaoke. Những năm đầu thế kỷ 21 này, máy hát karaoke là thứ quà tặng nóng nhất; các cửa hàng luôn hết máy. Hiện tượng karaoke tràn qua nhiều nơi, trên nhiều bình diện; quan trọng nhất là trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Năm 2003, một cuộc tranh tài quốc tế karaoke được tổ chức ở Phần Lan với sự tham dự của 30 quốc gia. Không còn nghi ngờ chi khi nói karaoke là nhịp cầu văn hóa dung hợp toàn cầu; nó được nhắc nhở liên tục trên phim ảnh, sân khấu và sách báo”.

 

Phần Lan có khoảng 10% dân số hát karaoke. Michael Yelvington, Giám Đốc Thương Vụ Quốc Tế của Singa, một công ty phần mềm tại Helsinki, cho biết: “Phần Lan là một quốc gia độc đáo. Dân số chỉ có 5 triệu rưởi người nhưng đó là nơi số một của karaoke bên ngoài châu Á. Có nhiều nơi hát karaoke như nhà hàng, quán rượu, nếu theo tỷ lệ dân số thì nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Họ điên cuồng vì karaoke!”. Ngày 26/5/2011, Phần Lan đã giữ kỷ lục thế giới Guinness về số người cùng hát karaoke một lần với con số lên tới trên 80 ngàn người gân cổ. Biến cố này xảy ra tại thủ đô Helsinki. Bài hát bữa đó là bài “Hard Rock Hallelujah”.


Nhiều người cho rằng chính vì ý tưởng mang tới những niềm vui hòa đồng như kiểu phổ biến karaoke ở mọi nơi mọi lúc mà Phần Lan đã được bầu là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Không phải một lần mà nhiều lần. Năm nay, 2020, Phần Lan lại được Liên Hiệp Quốc xếp hạng số dách, nằm trên Đan Mạch và Thụy Sĩ. Kết quả được đánh giá trên các mặt sản lượng quốc gia, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ khỏe mạnh, tự do chọn lựa lối sống, quảng đại, ít tham nhũng. Mỹ đứng hạng 18. Vậy là Phần Lan giữ ngôi vị đầu trong ba năm liền, từ 2018 đến 2020. 

 

 Trở lại quê hương của karaoke, tôi được đọc một bài viết của Nguyễn Loan, một người Việt sống ở Nhật, về chuyện hát karaoke nơi đất tổ của món giải trí vang danh này. Có vài điểm lạ. Các tiệm karaoke ở Nhật đều mở cửa suốt đêm, tới 6 giờ sáng mới phẹc mê bu tích. Chơi bạo như vậy là do thực tế xã hội Nhật. Dân Nhật là dân làm việc tới…bơ phờ. Họ thiếu ngủ triền miên. Trên những chuyến tàu về nhà, họ ngồi ngủ như chết. Làm việc nhiều mà nhà lại ở xa sở làm. Nhiều người ngủ qua đêm ngay trên tàu để sáng hôm sau cày tiếp. Có người lỡ chuyến tàu cuối về nhà nhưng không muốn ngủ vạ vật trên tàu, họ thuê phòng trọ qua đêm. Giá phòng trọ đắt hơn giá thuê phòng karaoke nên họ thuê thứ này để vừa hát vừa ngủ.Nhật còn có các tiệm karaoke hát một mình, tiếng Nhật gọi là Hito-kara. Nghe đã thấy nản nhưng dân Nhật coi như chuyện thường. Một mình một micro, tha hồ rên rỉ, chẳng phiền tới ai. Nếu muốn còn có thể thu âm giọng ca…vàng của mình mang về làm kỷ niệm. 

 

 Phải qua Nhật hoặc Phần Lan mới được hưởng cái thú vui này. Không muốn chi tiền máy bay hoặc không đủ khả năng mua vé máy bay, chúng ta vẫn cứ rống karaoke trước lỗ tai của mọi người. Dù biết rằng hát hay không bằng hay hát nhưng quả thật nhiều người trong chúng ta rất rộng lượng với tiếng hát của mình. Đã ai cầm micro mà lại nhún nhường cho là mình hát không hay. Vậy nên chúng ta nhiệt tình phổ biến văn hóa ngày đêm làm phiền hàng xóm chung quanh.


Ông người Nhật Inoue đã phát minh ra chiếc máy khiến điếc tai hàng xóm thì cũng một ông người Nhật khác, ông Seiji Nakazawa, sáng chế ra một dụng cụ cứu tai hàng xóm. Trong những ngày nằm nhà buồn bã vì đại dịch, Seiji cũng muốn hát cho lên tinh thần. Nhưng nhà ở Nhật thường liền kề nhau, vách bằng ván hoặc giấy, cất tiếng hát thì hàng xóm phải làm thính giả bất đắc dĩ. Không muốn làm phiền người bên cạnh, ông sáng chế ra một thiết bị mà ông đặt tên là Hitori de Karaoke DX. Muốn cho dễ đọc ông chơi thêm tên tiếng Anh: One-Person Karaoke Deluxe. 


Thiết bị này trông giống như một chiếc ly có micro ở trong. Khi hát thì bịt chiếc ly vô miệng. Trong…ly có một lớp bọt cách âm hạn chế âm thanh thoát ra ngoài. Kết nối với một bộ nghe bịt vô tai, người ta tha hồ hát mà chỉ mình mình nghe, hàng xóm vẫn bình an thoải mái. Theo ông Seiji thì One-Person Karaoke Deluxe hiện có bán trên Amazon với giá 73 đô.


Tôi không dám khuyên mua vì sợ dân karaoke mắng không cho họ phổ biến tiếng hát vượt…không gian mà họ tự mến mộ. Hơi đâu mà vác vạ vào thân!


BB ̣(st)

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Hồi ức : "TƯƠNG LAI TÔI KHÔNG CÓ... " - Mai Ba Kiem (fb)





 “TƯƠNG LAI TÔI KHÔNG CÓ LỐI THOÁT THÌ CÒN CHỖ DỰA NÀO CHO VỢ TÔI?”


Năm 1994, khi tôi chạy xe xuống dốc cầu Nguyễn Văn Trỗi về hướng Tân Sơn Nhất, bỗng thấy người đàn ông vác thùng carton đi bộ trên vỉa hè ngược chiều, giống y trung úy H. Tôi thắng xe, gọi “Anh H.”, anh dừng lại kêu “Oh…Kiếm!”. Anh H. bỏ thùng carton xuống, siết chặt tay tôi thật lâu, hai mươi năm rồi anh em mới gặp lại. Anh cho biết, sau khi học tập cải tạo 10 năm, anh đạp xích lô, rồi gặp được chị - có sạp bán thuốc lá sỉ ở chợ Phú Nhuận, cuộc sống bớt vất vả hơn.


Anh H. dẫn tôi tới sạp của chị, giới thiệu “Anh và Kiếm cùng sang Mỹ học bay”. Anh H. lớn hơn tôi 4 tuổi, mặt tròn, da trắng, môi trái tim, giống thư sinh hơn nhà binh, nên bọn SVSQ tụi tôi gọi anh là “trung úy sữa”, có nghĩa “mặt còn búng ra sữa”. Chị H. dung nhan mặn mà, dáng sang, da trắng, có tác phong lanh lợi của một tiểu thương. Anh H. cho biết anh chị gặp nhau được 5 năm. Tôi hỏi “còn chị trước đâu?” - Anh H. tâm sự:


“Tháng 6/1974, anh về nước, làm đám cưới với người yêu hằng mong ngày anh về. Tháng 6/1975, lúc anh đi học tập thì nàng sắp sanh. Khi trại cải tạo cho thăm nuôi, mẹ anh đi thăm, mới hay con anh là gái, còn nàng có con mọn, thì gót liễu mong manh không thể lội suối, trèo non đến thăm anh được. Rồi một hôm sau thôi nôi, nàng ẵm con gái đến thăm anh, kể hết nỗi vất vả đè lên đôi vai yếu mềm, nàng nói không nuôi con nỗi nữa, xin giao cho bên nội sang bớt gánh nặng dùm!


Anh nhận đứa con trước sự chứng kiến của hai viên giám thị. Sau khi uống hết bình sữa mà nàng để lại, chị quản giáo xuống nhà bếp lấy nước cơm pha tí đường cho cháu uống. Ban quản giáo xin cấp trên cho áp giải anh về Sài gòn để giao cháu cho bà nội! Hai hôm sau, anh được cán bộ quản giáo đưa về nhà trên xe đò, chưa kịp nói chuyện với má và em, thì anh phải trở lại trại cải tạo…” 


Tôi không kiềm được cảm xúc, buột miệng “Trời, chị tệ quá!” Không ngờ, anh H. nói: “Không, Kiếm ơi! Khi vô trại cải tạo, anh không nghĩ có ngày về, lại bị sốt rét anh tưởng mình sẽ bỏ mạng lại nơi đây! Hiện tại mất, tương lai không có, anh chỉ còn lại “dĩ vãng” bị nguyền rủa, miệt thị là “ngụy quân nợ máu nhân dân”, thì nàng dựa vào anh chỗ nào mà hy vọng? Lúc nàng giao con, anh nghĩ nàng đã tìm ra lối thoát khỏi cảnh vọng phu! Anh rất biết ơn cô ấy đã giao con cho bên nội nuôi. Bây giờ cháu đã 19 tuổi, đủ hiểu biết để chấp nhận cha nó bước thêm bước nữa với người mẹ kế”.


Tôi bái phục gương “mặt sữa” nhưng lòng “trượng phu”! Kẻ bại trận vẫn giữ được "danh dự và trách nhiệm" của "đấng nam nhi"!


Năm 1995, khi Báo Phụ Nữ tổ chức thi Hoa hậu Áo dài lần hai, anh H. nhờ tôi mua cặp vé ở vị trí tốt, và cho hay vợ chồng anh đã có vé máy bay đi Mỹ, định cư theo diện H.O. Buổi tối đêm chung kết Hoa hậu Áo dài, tại rạp Hòa Bình, là lần cuối vợ chồng anh H chia tay tôi.


Nhân đây, xin kể thêm, xuất thân là thiếu úy, trung đội trưởng địa phương quân, đóng ở chợ Quy Đức (Bình chánh) bảo vệ cầu Ông Thìn, anh H. được chuyển về Sư đoàn 5 bộ binh, rồi năm 1972 được chuyển qua Không quân, đi học bay với tụi tôi. (hồi đó gọi là “gốc bự”, bây giờ gọi là “Ô to”). Ngoài ra có thiếu úy C. cũng từ bộ binh sang. Khi học lái T.41 ở Hondo Air Base, thiếu úy C. bay tốt, trong khi “trung úy sữa” ói tới mật xanh! Ai học bay cũng bị Air Sick trong vài ride đầu, đàng này trung úy H. ói tới ride thứ 8, thầy không thả bay solo được.


Trung úy H. bị buộc về nước sớm giữa năm 1974, làm sĩ quan hành chánh ở mặt đất, mộng bay bổng bất thành! Anh H. cũng cho biết, thiếu úy C. đã chết sau 5 năm cải tạo trong trại, dù chị C. thủ tiết chờ chồng! Đời luôn có những trái ngang của nó, nhất là sau tháng Tư buồn!

MAI BA KIEM (FB) 

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Truyện : PHIN ĐEN - Nguyễn Thỵ.




PHIN ĐEN.

Nghe mẹ tôi kể lại, hồi trước 1975, nhà tôi lúc bấy giờ là một quán cà-phê nhỏ không tên với chưa đầy chục cái bàn làm bằng đáy thùng phuy sắt úp lại trên nền cỏ. Quầy pha chế thực ra chỉ là một cái bàn hình chữ nhật đặt phía sau cửa sổ, có tấm màn trúc ngắn màu xanh ngọc buông lơi. Những dây cát đằng xoắn xuýt phủ kín mái hiên lợp ngói đỏ, từ trên cao thả xuống những nhánh dài thướt tha với những chùm hoa màu lavender trông rất thanh thoát và lãng mạn.

Lúc đó khách đến rất đông vì cà-phê rất ngon. Ông ngoại tôi mua cà-phê hạt tận gốc từ Ban Mê Thuột về rồi tự rang xay hoặc đặt hàng qua những chuyến công tác của ông. Và tài pha chế của bà ngoại tôi thì tuyệt vời, truyền lại cho con gái út là mẹ tôi cũng tuyệt vời không kém, đến đời tôi thì năng khiếu và kinh nghiệm đó gần như… tuyệt tích luôn! Thật ra thì cà-phê tôi pha cũng ngon theo cách của tôi chứ cũng không đến nỗi nào, chỉ không đúng y như của bà và mẹ tôi truyền lại thôi.

Ông bà ngoại đã mất, ba mẹ tôi đã già, còn tôi thì… cái gì cũng a-ma-tơ, đôi lúc còn nghĩ uống cà-phê hòa tan đỡ mất thời gian và rất chi là tiện lợi khi cuộc sống ngày càng bận rộn hơn. Ý nghĩ này có lần dại dột thốt ra trước ba thế hệ gia đình, lúc ngoại tôi còn sống, làm thằng em tôi phản ứng ra mặt. Nó bảo tôi:

- Con nhà cà-phê mà nói chuyện phi cà-phê.

Tôi cãi:

- Phi đâu, vẫn cà-phê mà.

Vậy là nó thành người được kỳ vọng nhất trong việc giữ lửa tiếp nối sự nghiệp bán cà-phê của gia đình tôi (cho dù tôi từng hùng hồn tuyên bố rằng sẽ không đi lấy chồng, ở vậy bán cà-phê bên ba mẹ suốt đời).

Bây giờ trước hiên nhà vẫn là một quán cà phê không tên, bàn ghế đã thay mới đẹp hơn, sang hơn trên nền sân lót bằng đá bazan xám. Dây cát đằng đã tàn, dấu tích của nó đã lẫn vào đất cát từ lâu, thay vào đó là một giàn hồng leo giống Red Eden đỏ rực ngoài cổng. Mái hiên trở nên trống trải, chỉ còn lác đác vài cụm rêu xanh bám trên ngói cũ. Vài ngọn đèn giả cổ màu vàng đồng cũng được treo chung quanh làm cái quán nhỏ có chút gì đó rất… châu Âu, nhất là vào những buổi tối tháng mười hai trời se lạnh và mọi người đang háo hức chờ đón ngày lễ Giáng sinh.

So với những bức ảnh trắng đen còn lưu lại trong album gia đình thì quán đã khác xưa rất nhiều, chỉ có khung cửa sổ lâu đời với kiến trúc từ thời Pháp là còn nguyên nhưng cũng được dời sâu vào bên trong để kê thêm bàn ghế, tấm màn trúc cũng không còn thấy đâu nữa. Quầy pha chế được thiết kế lại dọc theo phía hông bên ngoài nhà nhưng có hai lối ở hai đầu, một thông vào trong và một ra hiên trước. Tôi và thằng em vừa là chủ quán vừa là nhân viên pha chế bưng bê phục vụ có đồng phục đàng hoàng. Tôi chỉ "chuyên trị" cà-phê đen pha phin và tính tiền, em tôi thì phụ trách tất cả các món còn lại trong menu (xem chừng có vẻ cũng hơi bất công cho nó).

Mẹ tôi (cựu nữ sinh trường Lê văn Duyệt) thường hay kể: cà-phê đen do mẹ tôi pha là thức uống mà ba tôi mê nhất, từ lúc ba còn "ngồi đồng" ở nhà mẹ từ sáu giờ tối cho tới mười giờ đêm mỗi thứ bảy, chủ nhật, phần nhiều chỉ để… im lặng đập muỗi (!), cho đến khi ông bà ngoại chịu gả mẹ cho ba (một sĩ quan "ngụy" đã "cải tạo" xong đang kiếm sống bằng nghề làm vườn ở ngoại ô thành phố).

Không biết mẹ muốn an ủi tôi hay muốn khuyên tôi cố gắng để ít nhất phải sở trường một món gì đó trong menu của quán. Mẹ cũng thường thủ thỉ với tôi rằng:

 -Con đừng tưởng một tách cà-phê đen đơn giản như cái tên gọi hay như hình thức của nó mà con mang ra cho khách. Đó là cách uống cà-phê thông minh nhất để thưởng thức trọn vẹn hương vị của cà-phê, là đỉnh cao của sự hưởng thụ caffeine mà không phải ai cũng có thể (vì nhiều người không uống được cà-phê đen nguyên chất). Tuyệt vời nhất vẫn là cà-phê đen không đường, không gì cả: không mật ong, không bơ, không kem, không rhum, không quế, không muối… Những thứ đó làm nhạt nhòa phẩm chất của cà-phê.

Đó là mẹ tôi chưa nói đến lợi ích của cà-phê đen đối với sức khỏe, cà-phê đen trong văn chương nghệ thuật và triết học (vụ này thì ba tôi thỉnh thoảng cũng cao hứng "thuyết trình" khi doanh thu của quán vượt mức mong đợi). Tôi và thằng em thì rất thích thú khi được nghe những điều thú vị bất ngờ về cà-phê, tuy nhiên hai đứa vẫn nghĩ cái gì cũng có mặt trái của nó…

Cho đến bây giờ dù ông bà tôi đã mất, ba mẹ tôi đã "nghỉ hưu" nhưng vẫn còn nhiều khách cũ lui tới quán (phần nhiều là những ông, bà khách của ngoại tôi trước đây nếu còn nay cũng đã ở tuổi bảy mươi trở lên, rồi đến khách thời ba mẹ tôi cũng đã ngoài năm mươi…). Vô tình có một góc trong quán trở thành tụ điểm của các bậc lão thành thỉnh thoảng đến ngồi ôn chuyện cũ, ngậm ngùi trầm ngâm bên một chiếc ghế chợt để trống và một ly cà-phê đã nguội đắng cho ai đó hoặc nhỏ to chuyện người xưa lưu vong chân trời góc biển, kẻ còn người mất…

Lượng khách đến quán cũng vừa vừa, không đông lắm cũng không ít quá, nhiều nhất vẫn là thế hệ Y với vài nhóm khách đại diện cho nhân viên văn phòng, giới làm việc tự do và lao động phổ thông. Ngoài ra còn có nhóm khách dễ thương nhất là những người có chung niềm đam mê mãnh liệt đối với cà-phê. Những người này ở nhiều lứa tuổi khác nhau, hầu như ngày nào họ cũng đến quán và thường chỉ với phin đen, cho nên đều là khách ruột của tôi. Họ rất sành về các loại cà-phê, thông hiểu đặc trưng của từng loại cũng như phong cách uống cà-phê của nhiều nước trên thế giới. Từ họ tôi đã học được rất nhiều điều trong thế giới cà-phê, trên hết là tình yêu gần như sự sùng bái của tín đồ đối với thức uống đen nâu quyến rũ đến ma mị này.

Sự khác biệt về độ tuổi, trình độ, sở thích… của khách đã phát sinh một vấn đề, đó là "gu" âm nhạc của quán. Cho dù là một quán cà-phê hạng bình dân, không phải chủ quán thích loại nhạc nào thì cứ mở ra rả suốt loại nhạc ấy mà phải quan tâm đến thị hiếu của khách (tất nhiên là ở mức độ tương đối chứ không thể chiều lòng hết được). Việc chọn loại nhạc nào cho phù hợp với cả hai đối tượng già, trẻ thôi cũng đã làm chị em tôi đau đầu hết mấy bữa, cuối cùng đành phải cầu cứu đến ba tôi.

Ông bảo cứ chọn những sản phẩm âm nhạc có tính thẩm mỹ cao, tạm sắp xếp: nhạc không lời vui tươi, sôi động (sáng), nhạc giao hưởng, thính phòng (trưa), nhạc tiền chiến (chiều), nhạc hiện đại thế giới (tối). Còn nếu khách cảm thấy không phù hợp thì cứ tự nhiên đeo tai nghe thưởng thức "nhạc của tui" thoải mái. Rồi khách sẽ dần quen, sẽ tự điều chỉnh sở thích và thời gian nếu vẫn còn muốn tới quán. Nhưng phải lưu ý (vẫn lời ba tôi):

- Thứ nhất: bảo đảm chất lượng cà-phê và chất lượng phục vụ.

- Thứ hai: chỉ được mở volume dao động từ 40-50 dB (đó là chuẩn độ ồn cho phép trong không gian bệnh viện, trường học, chùa chiền… tức là dưới mức bình thường được phép cho quán cà-phê tới 20-30 dB).

- Thứ ba: phải có những khoảng lặng trong ngày.

Cả nhà đều đồng ý dù là một quán nước thì cũng cần phải có một không gian dễ chịu, không quá ồn ào cho cả chủ và khách đồng thời không làm phiền hàng xóm chung quanh.

Cho nên cũng không thể phủ nhận sức hút thật đằm, thật sâu của những cái quán không có "nhạc nền". Ở đó, giữa những quãng im chỉ có âm thanh quen thuộc của cuộc sống thường nhật: tiếng xe chạy ngoài đường, tiếng rao hàng, tiếng kéo ghế, tiếng người già ho hen, tiếng chửi thề, tiếng con nít khóc, vân vân và vân vân.

Rồi, "quân lệnh như sơn", sau một thời gian thử áp dụng "âm nhạc biểu" như trên, may quá, khách hàng vẫn không có phản ứng gì, khách vẫn đến đều đặn thường xuyên không có gì thay đổi. Tôi nghi cũng có khá nhiều người không để ý gì đến nhạc nhẽo (nghe gì cũng được) mà chỉ ngồi quán nhâm nhi giết thời gian, lướt web, ngả người ra ghế lim dim ngủ (làm như chỉ đến quán mới có thể ngủ kiểu lim dim), nói chuyện phiếm, ngắm nhau, tán nhau, bàn chuyện làm ăn, làm ra vẻ chú tâm, căng thẳng (hoặc đang căng thẳng thật) với công việc gì đó trên các loại màn hình… Nhưng có gì quan trọng đâu, tôi vẫn yêu tất cả!

Trong số khách thường lui tới quán gần đây có một người đàn ông trẻ cao ráo, có vẻ thuộc nhóm khách làm việc tự do. Anh ta thường đến vào khoảng 8 – 9 giờ sáng giữa những giai điệu đồng quê sôi động, luôn luôn với cặp kính mát màu cà-phê chưa rang trên gương mặt chữ điền và nụ cười nhẹ trên môi. Anh ta thường ngồi ở cái bàn đơn trong góc trái của quán bên cạnh chậu thiên tuế vươn lá xanh thẫm. Dường như sáng nào anh ta cũng chỉ phát âm đúng 3 câu bằng chất giọng trầm với âm lượng vừa phải:

Câu 1: "Cho một phin đen" khi tôi hoặc em tôi đem menu ra.

Câu 2: "Cám ơn" khi cà-phê được mang tới.

Câu 3: "Tính tiền em ơi"(không biểt "em" đó là tôi hay em tôi vì anh ta chẳng nhìn ai cả).

Tiếp theo là đứng dậy ra về sau khoảng 3 tiếng đồng hồ chúi mũi tập trung vào màn hình laptop. Có khi anh ta rời khỏi quán lúc nào không biết, tiền cà-phê thì dằn lại dưới cái ly không bên cạnh que đường không dùng tới.

Sau hơn một tuần, hễ anh ta đến thì tôi hoặc em tôi lặng lẽ mang ra đúng thứ anh ta muốn, đôi khi hoàn toàn trở thành một cuộc giao tiếp "phi ngôn ngữ".

Anh ta chắc không biết mình có thêm cái tên mới là Phin đen trong câu chuyện của chị em tôi. Em tôi bảo:

- Chị nói Phin đen chỉ tập trung vào màn hình vì chị không "tập trung" vào anh ấy lần nào nên không biết anh ấy tới đây thực ra là chỉ để… ngắm chị từ xa.

- Xạo, hắn đeo kính râm che gần hết gương mặt, sao biết hắn nhìn ai?!

Tôi không còn ở cái tuổi đỏ mặt vì câu nói trên của thằng em nhưng đã bắt đầu để ý đến anh ta một cách kín đáo (chỉ là hơi tò mò một chút thôi chứ chẳng có ý gì). Và em trai tôi cũng bắt đầu không đem menu cũng không bưng cà-phê ra cho Phin đen nữa, nó ngó lơ như không hề nhìn thấy mỗi lần anh ta đến, như tâm trí bận lo nghĩ chuyện đại sự trên trời dưới đất để mặc tôi loay hoay với thằng cha đó.

Một buổi chiều quán vắng khách, tôi đang lơ mơ thả hồn theo giai điệu của Đôi mắt người Sơn Tây (nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ Quang Dũng), còn em tôi thì đang hí húi chăm sóc cái cổng hoa hồng rất yêu của nó. Bỗng nhiên nó chạy vào trên tay còn cầm cái kéo cắt cành, nói nhỏ với tôi:

- Chị ra mà coi, bên nhà cô Đạm kìa!

Cô Đạm là hàng xóm sát cạnh nhà tôi, cùng một lứa tuổi với mẹ tôi. Cô là giáo viên cấp ba nghỉ hưu đã lâu, góa chồng, có người con trai du học bên Úc đã hàng năm, bảy năm nay chưa thấy về, hiện cô đang sống với một đứa cháu.

Tôi vội bước ra, một tấm bảng hiệu khá lớn với phông chữ brush tuyệt đẹp, hình vẽ hoa và hạt cà-phê cũng rất nghệ thuật được gắn trên hai trụ inox sáng choang:

"Thành Tâm

Cơ sở rang xay và cung cấp sỉ, lẻ các loại cà-phê nguyên chất".

Dưới đó là một loạt tên các loại cà-phê: Robusta, Arabica, Culi, Moca, Bourbon, Hara, Sidama…

Chúa ơi! Tên bảng hiệu có phân nửa là tên tôi, lại còn trưng hết cà-phê nội, ngoại ra cứ như một câu thần chú!!!

Cả nhà tôi thắc mắc mãi cho đến khi mẹ tôi xong cuộc gọi gần mười phút với cô Đạm ngay tối hôm đó. Mẹ tôi bảo:

 -Thằng Thành con cô Đạm ở Melbourne về cả tháng mấy nay mà mình đâu có hay. Xóm giềng cứ nhà ai nấy ở riết rồi chả ai quan tâm ai, tệ quá.

Tôi lờ mờ nhớ ra một đứa con trai hàng xóm lớn hơn tôi khoảng vài tuổi, hay bắt nạt chị em tôi hồi còn bé mỗi lần từ vùng ngoại ô về thăm ngoại ở ngôi nhà này. Đến khi cả nhà về sống với ngoại thì nó cũng chẳng tỏ ra thân thiện gì hơn. Nó học trên tôi tới mấy lớp nên tỏ vẻ đàn anh tợn, sáng ra ngõ đi học mặt cả hai cứ kênh kênh chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Thời gian cứ thế trôi đi, người lớn vẫn giữ quan hệ hàng xóm tốt nên tôi cũng biết "kẻ nghịch" đi Úc du học sau khi ba nó mất vài năm. Chỉ vậy thôi, rồi từ đó đến giờ chẳng khi nào gặp lại cho đến nay…

Mẹ tôi nói tiếp:

- Cô Đạm bảo thằng Thành làm việc bán thời gian cho Công ty Phát triển Nông Trại gì đó, bắt đầu kinh doanh cà-phê hạt coi như nghề tay trái. Mai mốt tụi con qua coi cà-phê thế nào, mua nguyên liệu ngay sát bên cho đỡ chi phí cũng để hỗ trợ xóm giềng.

Làm gì thì mặc kệ nhưng sao lại có tên tôi trên cái bảng hiệu đó? Mặt hàng kinh doanh thì quá sức gần gũi nếu không nói là cùng một loại trong dây chuyền thu mua-rang xay-pha chế!

Em tôi cười hô hố:

 -Làm như có mình chị tên Tâm và liên quan tới cà-phê vậy. Còn chuyện mình mua cà-phê bên đó thấy cũng tiện mà, để từ từ em qua xem thử chất lượng thế nào rồi tính.

Nhưng trước khi sang tham quan cửa tiệm hàng xóm, em tôi đã phát hiện Phin đen toàn đi bộ tới quán vì chưa lần nào nó phải dắt xe cho anh ta, cũng không để ý anh ta xuất hiện từ đâu. Rồi phát hiện thêm vì sao mới sáng sớm đã đeo kính râm suốt, vì sao cứ hay nhìn về phía chị của nó… Hóa ra đó chính là tên hàng xóm kênh kiệu ngày xưa, là Thành, con trai của cô Đạm!

Có những điều không thể ngờ nhưng vẫn cứ xảy ra. Sự tái sinh mầu nhiệm của thời gian, những cái trở mình kỳ diệu của cuộc sống, những cú sét muộn màng nhưng trúng đích, những đổi thay thầm lặng trong tâm hồn như cây cỏ sinh sôi… Tôi bỗng như cô bé nào đó đang ấm ức giận hờn, mắt ngân ngấn nước chợt cười khúc khích khi nhận tấm thiệp Noel dán đầy kim tuyến kiểu hồi xưa kèm câu chúc như của một cậu học trò cuối cấp tiểu học. Và điều làm tôi giật mình thích thú vì người gửi ký tên: Phin đen. Thì ra anh không chỉ nhìn tôi qua mắt kính nâu mà còn nghe tôi khi đang đeo tai nghe để… làm việc!

Vậy rồi Phin đen trở thành "khách hàng thân thiết" và là nhà cung cấp nguyên liệu cho quán cà-phê của chị em tôi. Anh không cần phải đeo kính râm nữa và tôi chợt thấy mình sắp sửa lâm nguy trước đôi mắt nồng nàn, chân thật nhưng xuyên thấu tâm can người đối diện khiến người ta nghìn lần tan chảy.

Cơ sở Thành Tâm ngày càng phát triển, doanh thu đã qua mặt tiệm cà-phê nhà tôi. Nghe đâu anh cũng là cổ đông lớn của công ty nơi anh làm việc, đã bắt đầu mở rộng đầu tư nghiên cứu, khai thác diện tích trồng thử nghiệm cây cà-phê trên những vùng đất mới… Anh tin rằng với khí hậu, thổ nhưỡng, công nghệ sinh học, phương thức canh tác… được chọn lựa kỹ càng, phù hợp sẽ cho ra những loại cà-phê mang hương vị mới, sẽ có những tên gọi mới trong thiên đường cà-phê dành cho người mộ điệu.

Hai đứa tôi cũng bắt đầu hẹn hò sau mùa Giáng sinh năm đó. Bọn tôi hay kiếm cớ bứt rời khỏi công việc bận bịu của cả hai để nắm tay nhau đi chu du khắp… thành phố! Có điều cho dù dừng lại ở đâu, trong ngôi quán nào, thậm chí ở những nhà hàng sang trọng, khi trải nghiệm cà-phê đen ở những nơi đó anh đều có vẻ thờ ơ, bảo rằng không ngon, không "phê", không có cái cảm giác "đạt được", cái cảm giác "chiếm hữu một cái gì đó" như khi thưởng thức phin đen ở một nơi mà tôi cũng biết.

Ở nơi đó ngoài cà-phê tuyệt hảo còn có những nụ hôn ngắn thơm mùi cà-phê đen trong góc nhỏ chỗ anh hay ngồi khuất sau tán cây thiên tuế, bất kể lúc đó đang phát loại nhạc nào!


PS : Khi bạn đang xem truyện ngắn này thì quán cà phê và cơ sở rang xay cà-phê nói trên đã sáp nhập nhằm mở rộng diện tích kinh doanh. Họ đã xây dựng môt khu vực riêng để phục vụ khách hàng trải nghiệm trực tiếp dây chuyền chọn hạt-rang-xay-pha chế nhiều loại thức uống khác nhau từ cà-phê.

Mô hình này hiện nay không hiếm, nhưng ở đây không sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng mà hướng dẫn khách thực hiện các công đoạn hoàn toàn thủ công, thỏa sức khám phá và sáng tạo. Có lẽ điều đó đã thu hút rất đông khách hàng, nhất là giới sinh viên, học sinh và các gia đình trẻ.

Một điều đáng nói nữa là vụ sáp nhập này được đặt trên nền tảng một đám cưới đã tổ chức long trọng tại quán cà-phê và cặp song sinh ra đời sau đó một năm (tên của hai thiên thần nhỏ cũng được lấy làm tên cho quán).

Hiện tại hai nhóc tì đã vào lớp một.


NGUYỄN THỴ

(http://vietvanmoi.fr/index3.9314.html)

Ghi chép : ĐÓ LÀ SƠN NAM - Lê Văn Thông (fb)




 ĐÓ LÀ SƠN NAM!

Hồi ký Lê Phú Khải (Trích)


Sơn Nam kể với tôi: Hồi tao mới lên Sài Gòn kiếm sống, một lần bà già tao từ quê lên hỏi: Mày lên đây làm gì để sống? – Viết văn. Bà già hỏi lại: Viết văn là làm gì? Tao thưa: Viết văn là có nói thành không, không nói thành có (!). Bả nổi giận mắng: Mày là thằng đốn mạt. Tao không cãi, chỉ làm thinh! Sau chừng như thương con quá, bà lại hỏi: Thế viết văn có sống được không? Tao bảo: Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày! Bả thấy vậy không hỏi gì nữa rồi lặng lẽ ra về.


Sơn Nam đã viết văn từ đó đến nay, 50 năm có lẻ. Tập truyện nổi tiếng nhất của ông là Hương rừng Cà Mau đã tái bản nhiều lần. Ông được độc giả tấn phong là nhà “Nam bộ học” với hàng loạt tác phẩm khảo cứu: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, Văn minh miệt vườn, Cá tính miền Nam, Bến Nghé xưa … Ông rành về phong tục, lễ nghi, ẩm thực của dân Nam bộ. Mỗi buổi sáng, ông thường uống cà phê ở quán sân Nhà truyền thống quận Gò Vấp đường Nguyễn Văn Nghi. Ai có việc gì cần hỏi về đất nước con người Nam bộ thường ghé tìm ông ở đó. Kể cả mời ông đi tế lễ ở đình chùa! Có người làm ăn khá giả tìm ông để biếu ít tiền uống cà phê (!)


Dạo nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập, có mời ông với tư cách là cộng tác viên ruột lên phát biểu trong buổi lễ long trọng đó. Ông nói ngắn gọn: “Tôi sức yếu quá, nếu khỏe như Huỳnh Đức thì đã đi đá banh rồi. Lại xấu trai nữa, nếu không đã đi đóng phim như Chánh Tín từ lúc còn trẻ. Vừa ốm yếu lại vừa xấu trai nên đành đi viết văn vậy. Bây giờ Nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, các anh chị có cơm ăn, tôi cũng có chút cháo!” Mọi người cười rộ.


…Dạo Sài Gòn kỷ niệm 300 năm, Sơn Nam có theo một đoàn phim ra Quảng Bình dự lễ tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh người Quảng Bình có công khai phá đất Nam bộ. Khi làm lễ, Sơn Nam giở gói đồ khăn đóng áo dài của mình đem từ Sài Gòn ra, mặc vô và tế lễ rất đúng bài bản. Các cụ Quảng Bình khen nức nở: Trong Nam người ta có lễ hơn cả mình ngoài này! Sơn Nam nói: Trong Nam cũng có nhiều thằng lưu manh lắm, nhưng cử người đi xa, phải cử thằng có lễ chớ! Các cụ Quảng Bình ngẩn người!


Trong giới nhà văn, Sơn Nam là tác giả được một nhà xuất bản lớn ở thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền hầu hết tác phẩm. Khi tôi hỏi nhà văn giá bao nhiêu ông lắc đầu: “bí mật” (!)

Những lần trà dư tửu hậu với Sơn Nam như thế, tôi thường mời ông ăn trưa, vì biết ông đi bộ đến quán cà phê rồi ở đó đến tối mới về. Vào quán, bao giờ ông cũng kêu: Cho cái món gì rẻ nhất, ngon nhất, và ngồi được lâu nhất (!)


Sơn Nam để lại cho đời một sự nghiệp sáng tạo thật đồ sộ. Bao gồm nhiều đầu sách khảo cứu, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đọc Sơn Nam người ta kinh ngạc về sự độc đáo của văn phong. Ông viết như nói, như một ông già Nam bộ kể chuyện đời trong quán cà phê. Nhưng sức nặng của thông tin và cảm xúc của người viết khiến lời văn biến hóa khôn lường. Đừng có ai đi tìm thể loại hay bố cục trong một truyện ngắn hay một cuốn sách của Sơn Nam. Nhưng đã chạm đến nó là phải đọc đến trang cuối. Vì càng đọc càng thấy yêu nhân vật của ông. Càng thấy yêu mảnh đất Nam bộ, miền cực nam của đất nước. 


Lần cuối cùng tôi gặp Sơn Nam là cách đây vài tháng, tại nhà riêng của ông ở một con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng. Hôm đó tôi đem một cái nhuận bút của báo Cà Mau về cho ông. Không ngồi dậy được, ông phải nằm tiếp khách. Bất ngờ ông hỏi tôi: Một tỷ là bao nhiêu tiền hả mày? Câu này ông đã hỏi tôi một lần, nghĩ là ông hỏi giỡn, nên lần đó tôi không trả lời. Nay ông lại hỏi, nên tôi thưa: Là một nghìn triệu “bố” ạ! Ông trợn mắt: Dữ vậy? Tôi nói: Không tin “bố” hỏi con gái “bố” kia kìa.

Khi biết rõ một tỷ là một nghìn triệu, nét mặt nhà văn nặng trĩu ưu tư. Có lẽ ông đang nghĩ đến những vụ tham ô, lãng phí cả trăm tỷ, ngàn tỷ mà ông đọc được trong những xấp báo đang để quanh người ông kia!


Nếu ai hỏi tôi về Sơn Nam, tôi sẽ trả lời: Sơn Nam là một nhà văn rất vui tính, đã… chết vì quá buồn!


14-8-2008

Sơn Nam đã đi xa. Nhiều người bây giờ còn nhớ câu nói dí dỏm của ông: “Làm văn chương là nghèo rồi. Nếu làm nghề này mà giàu được thì Ba Tàu Chợ Lớn đã làm rồi!”


Lúc còn sống, Sơn Nam ý thức một cách rõ ràng về cái sự nghèo của nhà văn. Bây giờ thì Sơn Nam của chúng ta không còn nữa. Nhưng nghĩ cho kỹ thì ông không nghèo. Trái lại, rất giàu có là đàng khác. Ngắm ngôi nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc trên một thế đất 2000 mét vuông, nhìn ra phong cảnh cỏ cây, sông nước và những gì có trong ngôi nhà đó, người ta phải suy nghĩ như thế.


Ngày 13 tháng 7 năm Canh Dần, tức ngày 22 tháng 8 năm 2010, nhà lưu niệm Sơn Nam được vợ chồng chị Đào Thúy Hằng, con gái của nhà văn khánh thành nhân ngày giỗ thứ hai của ông, tại ấp 4 xã Đạo Thạnh ngoại ô thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Là một công trình văn hóa “phi chính phủ” nên ngày khánh thành không có giấy mời in ấn, dấu mộc nhiêu khê. Chỉ nhắn bằng điện thoại, ai biết thì tới. 


Nhà xây ba gian hai chái, hàn hiên rộng, thoáng mát, có cửa lá sách thông với ba gian bên trong. Một kiểu nhà ba gian hai chái ở miền Bắc, được các phú hào ở Nam bộ cải tiến cho hợp với miền Nam xứ nóng quanh năm. Đặc biệt, mái ngói hai tầng làm cho ngôi nhà rất bề thế. Anh Nghị, con rể nhà văn cho hay, chính anh lái máy ủi để ủi đất tạo thế một quả đồi thấp làm nền cho ngôi nhà. Vì thế, đứng từ thềm nhà nhìn ra, thấy được cả phong cảnh cỏ cây, sông nước phía trước. Để có được phong cảnh này, vợ chồng chị Hằng đã phải chắt chiu mua lại từng mảnh đất nhỏ của 5-6 chủ đất phía trước nhà trong gần hai năm. “Ông bà ta chỉ xây dựng phong cảnh một ngôi chùa, chứ không xây dựng một ngôi chùa.” Nguyễn Đình Thi đã có nhận xét xác đáng như vậy về kiến trúc đình chùa nước ta. Điều này rất đúng với nhà lưu niệm Sơn Nam. 


Ấn tượng nhất là ngay lối trước sân, phía bên phải là tượng Sơn Nam tạc trên một phiến đá dựng đứng, bên trái là bút tích, cũng được tạc trên đá: bài thơ duy nhất của ông, không đề, mà ông lấy làm lời tựa cho cuốn Hương rừng Cà Mau trong đó có hai câu kết mà bao nhiêu người thuộc:


Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.


Tôi đặc biệt thích thú một cái máy chữ cổ, do một sinh viên có tên là Bùi Thế Nghiệp tặng nhà lưu niệm, kèm theo lá thư Sơn Nam viết lúc tặng anh cái máy. Số là, sinh viên Nghiệp là bạn đọc hâm mộ nhà văn. Cậu thường chở nhà văn đi chơi (Sơn Nam không biết đi xe đạp, xe máy – LPK). Lúc nhà văn bệnh nặng vào năm 2005, Nghiệp đến xin nhà văn một kỷ vật gì đó, phòng khi ông đi xa. Nhà văn đã cho anh cái máy chữ kèm theo lá thư nhỏ chứng nhận đây là máy chữ của Sơn Nam tặng. Nay đọc báo biết có nhà lưu niệm Sơn Nam, Nghiệp đến tặng lại. 


Với những nhà lưu niệm do người dân tự tạo nên như nhà lưu niệm Sơn Nam, ai dám bảo đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng” văn hóa?


(Từ fb Thầy Lê Văn Thông)

Thơ vui : NGÀY XƯA CHUNG LỚP - Ta Trung (fb)

 




NGÀY XƯA CHUNG LỚP. 

Ngày xưa chung lớp lại chung trường 

Hàng ngày đi học lại chung đường 

Nhà nghèo chung hẻm nên mắc cở

Đến trường cuốc bộ thấy mà thương 


Cùng hẻm nhà hai đứa chung phường

Nên rất gần nhau dễ vấn vương 

Em ở bàn trên đẹp xinh lắm

Anh lườm một cái sợ mất hồn


Anh thường mỗi chiều đi dạy thêm

Ngang nhà thấy em ở bên thềm

Tay banh tay đủa chơi chuyền, chắt

Mút cây cà rem mà phát... thèm


30 tháng tư đến bất ngờ

Ai cũng quên đi chuyện mộng mơ

Còn đường đến lớp không còn đẹp

Đôi lúc nhìn nhau mặt ngó lơ


Nhiều lúc chạy xe trước nhà em

Cúi đầu xấu hổ bởi lấm lem

Em nào biết được anh chung lớp

Nên vẫn thoải mái dẹo...bên rèm


Gặp lại em sau cuộc thiên di

Anh đùa hai đứa tòm tem đi

Em tròn con mắt : "đồ mắc dịch"

Lụm cà lụm cụm tính làm chi…


Thấm thoát vậy mà 48 năm

Ngoài trời mưa vẫn rơi lâm thâm

Anh còn đạp xích lô như cũ

Bày đặt thả thính thế mới hâm.

TA TRUNG (FB) 

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

Hồi ức : NỒI CANH CHUA CỦA MÁ - Đỗ Cường.

 


( Hình ảnh minh họa sưu tầm trên mạng )

NỒI CANH CHUA CỦA MÁ

Tác giả: Đỗ Cường

Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, đến bữa ăn gia đình thường quây quần bên mâm cơm đạm bạc, không có người ăn trước người ăn sau nếu như vậy thức ăn sẽ không đủ cả cho gia đình mười người con. Anh em tôi có một thông lệ ngầm là mỗi tháng phải nấu hai lần canh chua đó là ngày Ba tôi lãnh lương và ngày anh em chúng tôi đề nghị.


Mỗi lần nghe Ba tôi nói với Má: “ Bà ơi mai nấu canh chua nghe bà ” dường như đêm đó tôi không ngủ được, thử hỏi một thằng con trai còn non và chưa xanh vừa tròn mười lăm tuổi… ngày mai xách giỏ lẽo đẻo đi chợ với Má "Thì ôi thôi  còn có danh gì với núi sông nữa."


Vào chợ Má lựa chọn tỉ mỉ, cá phải là cá còn sống, rau phải tươi ngon, trái me không được già hay non quá, khóm mua nguyên trái vừa chín tới, bạc hà mới cắt phải còn mủ, lấy móng tay bấm vào phải xốp…Gần một tiếng đồng hồ đi chợ nguyên liệu nồi canh chua hoàn tất. 


Việc mua nguyên liệu Má đã cẩn thận thì công đoạn nấu nồi canh chua còn công phu hơn nữa, để cạo lớp nhớt trên mình con cá Hú (Ú) phải là nước sôi vừa “reo” sau đó chà xát với muối tránh mùi tanh, cá cắt ra từng khứa bằng nhau để vào rỗ cho ráo nước không được để trên dĩa cá đọng nước sẽ không ngon, trái me cạo sạch và dằm me bên ngoài lấy nước chua tuyệt đối không dằm me trong nồi canh chua, khóm và các rau khác xắt ra đều để thứ tự trong rỗ…


Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.Tôi không quên được tiếng húp xì sụp, những giọt mồ hôi chảy dài của anh em tôi bên mâm cơm bởi vị ngon của tô canh chua.

 ”Bà nấu ngon quá“ Ba tôi khen. 

Nhìn chồng và các con ăn tôi thấy gương mặt Má tôi hạnh phúc và mãn nguyện. Có lần Má tôi hỏi: “Theo con nguyên liệu nào quan trọng nhất của nồi canh chua ?”.

Tôi liền đáp: “Cá, me, bạc hà phải không Má“.

Má từ tốn nói: “ Nếu chỉ có cá, me, bạc hà là nguyên liệu chính để quyết định nồi canh chua ngon theo Má như vậy thì chưa đủ, con thử nghĩ nếu canh chua thiếu chút ớt hay hành, ngò, giá … thì hương vị của canh chua như thế nào?. Tuy những nguyên liệu đó không sánh được với nguyên liệu khác , nhưng nó là yếu tố quan trọng làm kết dính những mùi vị khác để hình thành nồi canh chua ngon.”


Những điều Má tôi nói giúp tôi hiểu ra được nhiều vấn đề trong đó có việc học của tôi, trong lớp tôi chỉ giỏi toán, lý, hóa, sinh ngữ còn những môn khác tôi không cho là quan trọng. Từ dạo đó tôi ít đi chơi chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ. Từ đó tôi thường suy tư nhiều hơn, như hôm qua tôi tìm cái cắt móng tay cả buổi mà không thấy vì tuần trước tôi còn thấy ở trên ghế nhưng không đem cất đến khi cần lại không tìm thấy. Tôi nghĩ “Trong cuộc sống có những vật bình thường ở cạnh mình, mình không gìn giữ, trân trọng khi mình cần nó đã thất lạc hay bị mất đi làm mình tiếc nuối khôn nguôi.”


Ba năm sau!

Vào một chiều mưa muộn, Má tôi đã bỏ anh em tôi ra đi mãi mãi!


Tạo hóa rất công bằng và oan nghiệt, tạo hóa ban tặng cho tôi một người Mẹ để tôi sống trong yêu thương, giận hờn, vòi vĩnh và tạo hóa đòi lại người Mẹ của tôi, chưa cho anh em tôi đủ trưởng thành để được báo hiếu. Ngày Má mất, gia đình tôi ít tiếng đùa vui, anh em tự chăm sóc cho nhau, đi học về tôi nấu nướng chính cho gia đình. Riêng ba tôi tóc bạc nhiều, ít nói và trầm mặc. Có những lần tôi chợt thức giấc nửa đêm thấy Ba ngồi ngoài sân nhìn vào cõi xa xăm, tôi biết Ba tôi đang nhớ Má lắm, Ba thật cô đơn như chết nửa tâm hồn.


Tháng năm dần qua, anh em tôi ra đời làm việc, người thành đạt, người công chức, người giáo viên cuộc sống ổn định.


Riêng tôi, hành trang ra đời là nồi canh chua của Má, cái nồi canh chua dân miền Nam ai cũng nấu được, chỉ khác nhau sự nêm nếm tùy theo khẩu vị mọi người khi ăn xong chỉ khen ngon hay dở mà thôi. Nồi canh chua của Má cũng dung dị như bao nồi canh chua khác. Nhưng với tôi nồi canh chua của Má lại có tính triết lý dạy cho tôi biết vận dụng trong cuộc sống và ngộ ra được nhiều điều. Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ… Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ là ngò, ớt, hành… đó chính là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty và tôi đã thành công...


Với con tôi, tôi là người cha, người bạn, người thầy và cả là người em nữa. Mọi người tin tôi không? “ Bố ơiiiiiii tắm con” 

 “ Yes Sirrrrrr “ !!!


Tôi thành công ở xã hội, tôi vận dụng được kinh nghiệm nồi canh chua của Má trong cuộc sống. Được Má chỉ dẫn phương thức nấu nhưng tôi chưa bao giờ nấu được nồi canh chua ngon như Má tôi.


Nhân ngày họp mặt, anh em đề nghị tôi nấu nồi canh chua, tôi tận dụng mọi kỹ năng của mình để hoàn thành nồi canh chua thật to đãi các anh em. Đang ăn cơm tôi thấy mọi người ăn trầm ngâm và đăm chiêu, đến khi đứa em út thốt lên một câu “Ăn canh chua làm em nhớ Má!“, từng đôi đũa để chầm chậm xuống bàn, mọi người từ từ đứng dậy không nói với nhau lời nào, tôi biết anh em đang hoài niệm lại ngày Má còn sống bên tuổi ấu thơ của chúng tôi. Nồi canh chua của tôi nhạt nhẽo! Nồi canh chua tôi nấu dư thừa của người có tiền, còn Má tôi phải đi từ đầu chợ đến cuối chợ trả giá, mua con cá vừa phải, xin thêm người bán cọng ngò trái ớt … vì túi tiền eo hẹp. Nồi canh chua tôi nấu nhanh chóng vì có người giúp việc. Nồi canh chua của Má tự tay làm có pha mồ hôi và nước mắt vì khói củi cay xè. Canh chua của tôi vừa ăn có nhạc du dương, còn canh chua của Má chỉ có mồ hôi và tiếng xì xụp, đũa muỗng lanh canh của mười đứa con đang đói. Canh chua của Má tràn ngập thương yêu có sự đợi chờ chồng và các con về trong hạnh phúc đầy mãn nguyện, còn canh chua của tôi thì mau chóng, no nê và thừa thải.

Má tôi luôn luôn là người ăn sau cùng, có lần nghe thằng Út nói lại với tôi:

 “ Má mút lại những cái xương cá của anh em mình đó anh!” 

Em hỏi Má, Má quay đi chỗ khác và nói “Tụi con ăn phí quá!”


Đây là bài học có lẽ tôi không bao giờ quên cho đến khi xuôi tay nhắm mắt. Nếu tôi được một điều ước tôi sẽ ước Má tôi sống lại để anh em tôi được phụng dưỡng Má, dù tạo hóa có lấy đi bao nhiêu tuổi thọ của tôi cho điều ước đó tôi cũng vui vẻ chấp nhận, mãi được ôm Má vào lòng và gọi hai tiếng “Má Ơi !”.


( Chi Nguyen - sưu tầm )


Đó đây : CÂY NGỌT & TRÁI NGỌT - Nguyễn Thị Bích Hậu.

   



CÂY NGỌT &TRÁI NGỌT. 

Ba thanh niên Mỹ, gốc Việt đã mở ra tại tiểu bang California một công ty khởi nghiệp tên là Ryvid chuyên chế tạo xe máy chạy điện. Họ đang chuẩn bị tung ra 1000 xe đầu tiên. Với giá 7.800 usd một chiếc mang tên Anthem.  Xe này được coi là nằm ở phân khúc giữa một chiếc xe đạp điện và mô-tô điện cao cấp. Nhận đơn hàng từ tháng 8/2022, cty này dự tính sẽ bán ra 6000 xe tới hết năm nay. Theo tin từ Nguoi Viet và web của cty này.

Ba thanh niên này là Trần Lập Đồng, dân gốc Đà Lạt, tới Mỹ năm 10 tuổi, đã TN đại học và nay làm việc tại Cali. Anh này là một nhà thiết kế CN từng làm việc cho nhiều cty lớn tại Mỹ, từng có cty riêng về thiết kế. Cha anh vốn là phi công trực thăng và mê xe mô tô. Nguyễn Khánh-Vũ là chàng trai thứ hai, quê SG nhưng sinh ra tại Cali. Đây là người có nhiều KN về quản lý và hậu cần trong công nghiệp hàng không và quốc phòng, cha anh từng là một lãnh đạo hướng đạo sinh kỳ cựu. Trần Thanh Vinh là người thứ ba, sinh ở SG, qua Mỹ năm 14 tuổi, là chuyên gia kỹ thuật cơ khí hàng không và từng làm việc trong CN bán dẫn, hàng không vũ trụ Mỹ, cha của Vinh là ông Trần Cẩm Tựu nguyên chánh án Tối Cao Pháp Viện VNCH. Vinh từng có bằng sáng chế khoa học tại Mỹ.

Là một công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng, nên bang Cali vừa tài trợ cho cty của 3 thanh niên này 20 tr usd để làm nhà máy nhằm tạo thêm 6,800 công việc mới tại bang này.

Chúc các nhà khởi nghiệp trẻ thành công 

Hình của nhóm khởi nghiệp

Nguyễn Thị Bích Hậu