“TƯƠNG LAI TÔI KHÔNG CÓ LỐI THOÁT THÌ CÒN CHỖ DỰA NÀO CHO VỢ TÔI?”
Năm 1994, khi tôi chạy xe xuống dốc cầu Nguyễn Văn Trỗi về hướng Tân Sơn Nhất, bỗng thấy người đàn ông vác thùng carton đi bộ trên vỉa hè ngược chiều, giống y trung úy H. Tôi thắng xe, gọi “Anh H.”, anh dừng lại kêu “Oh…Kiếm!”. Anh H. bỏ thùng carton xuống, siết chặt tay tôi thật lâu, hai mươi năm rồi anh em mới gặp lại. Anh cho biết, sau khi học tập cải tạo 10 năm, anh đạp xích lô, rồi gặp được chị - có sạp bán thuốc lá sỉ ở chợ Phú Nhuận, cuộc sống bớt vất vả hơn.
Anh H. dẫn tôi tới sạp của chị, giới thiệu “Anh và Kiếm cùng sang Mỹ học bay”. Anh H. lớn hơn tôi 4 tuổi, mặt tròn, da trắng, môi trái tim, giống thư sinh hơn nhà binh, nên bọn SVSQ tụi tôi gọi anh là “trung úy sữa”, có nghĩa “mặt còn búng ra sữa”. Chị H. dung nhan mặn mà, dáng sang, da trắng, có tác phong lanh lợi của một tiểu thương. Anh H. cho biết anh chị gặp nhau được 5 năm. Tôi hỏi “còn chị trước đâu?” - Anh H. tâm sự:
“Tháng 6/1974, anh về nước, làm đám cưới với người yêu hằng mong ngày anh về. Tháng 6/1975, lúc anh đi học tập thì nàng sắp sanh. Khi trại cải tạo cho thăm nuôi, mẹ anh đi thăm, mới hay con anh là gái, còn nàng có con mọn, thì gót liễu mong manh không thể lội suối, trèo non đến thăm anh được. Rồi một hôm sau thôi nôi, nàng ẵm con gái đến thăm anh, kể hết nỗi vất vả đè lên đôi vai yếu mềm, nàng nói không nuôi con nỗi nữa, xin giao cho bên nội sang bớt gánh nặng dùm!
Anh nhận đứa con trước sự chứng kiến của hai viên giám thị. Sau khi uống hết bình sữa mà nàng để lại, chị quản giáo xuống nhà bếp lấy nước cơm pha tí đường cho cháu uống. Ban quản giáo xin cấp trên cho áp giải anh về Sài gòn để giao cháu cho bà nội! Hai hôm sau, anh được cán bộ quản giáo đưa về nhà trên xe đò, chưa kịp nói chuyện với má và em, thì anh phải trở lại trại cải tạo…”
Tôi không kiềm được cảm xúc, buột miệng “Trời, chị tệ quá!” Không ngờ, anh H. nói: “Không, Kiếm ơi! Khi vô trại cải tạo, anh không nghĩ có ngày về, lại bị sốt rét anh tưởng mình sẽ bỏ mạng lại nơi đây! Hiện tại mất, tương lai không có, anh chỉ còn lại “dĩ vãng” bị nguyền rủa, miệt thị là “ngụy quân nợ máu nhân dân”, thì nàng dựa vào anh chỗ nào mà hy vọng? Lúc nàng giao con, anh nghĩ nàng đã tìm ra lối thoát khỏi cảnh vọng phu! Anh rất biết ơn cô ấy đã giao con cho bên nội nuôi. Bây giờ cháu đã 19 tuổi, đủ hiểu biết để chấp nhận cha nó bước thêm bước nữa với người mẹ kế”.
Tôi bái phục gương “mặt sữa” nhưng lòng “trượng phu”! Kẻ bại trận vẫn giữ được "danh dự và trách nhiệm" của "đấng nam nhi"!
Năm 1995, khi Báo Phụ Nữ tổ chức thi Hoa hậu Áo dài lần hai, anh H. nhờ tôi mua cặp vé ở vị trí tốt, và cho hay vợ chồng anh đã có vé máy bay đi Mỹ, định cư theo diện H.O. Buổi tối đêm chung kết Hoa hậu Áo dài, tại rạp Hòa Bình, là lần cuối vợ chồng anh H chia tay tôi.
Nhân đây, xin kể thêm, xuất thân là thiếu úy, trung đội trưởng địa phương quân, đóng ở chợ Quy Đức (Bình chánh) bảo vệ cầu Ông Thìn, anh H. được chuyển về Sư đoàn 5 bộ binh, rồi năm 1972 được chuyển qua Không quân, đi học bay với tụi tôi. (hồi đó gọi là “gốc bự”, bây giờ gọi là “Ô to”). Ngoài ra có thiếu úy C. cũng từ bộ binh sang. Khi học lái T.41 ở Hondo Air Base, thiếu úy C. bay tốt, trong khi “trung úy sữa” ói tới mật xanh! Ai học bay cũng bị Air Sick trong vài ride đầu, đàng này trung úy H. ói tới ride thứ 8, thầy không thả bay solo được.
Trung úy H. bị buộc về nước sớm giữa năm 1974, làm sĩ quan hành chánh ở mặt đất, mộng bay bổng bất thành! Anh H. cũng cho biết, thiếu úy C. đã chết sau 5 năm cải tạo trong trại, dù chị C. thủ tiết chờ chồng! Đời luôn có những trái ngang của nó, nhất là sau tháng Tư buồn!
MAI BA KIEM (FB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét