Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Thơ : TÌNH TỰ THÁNG 3 - hathuthuy.

 



TÌNH TỰ THÁNG BA

Nắng reo bài tháng ba

Lên bát ngát hoa vàng 

Trên con đường êm ả

Bình minh rơi miên man


Mây hát bài tháng ba

Tặng đàn cò xoãi cánh

Lục bát chiều thiết tha

Hoàng hôn hồn cổ tích.


Gió hát bài tháng ba

Hoa Sala say ngủ 

Giữa đất trời bao la

Êm êm lời tình tự.

hathuthuy

Tiểu phẩm : THÁNG GIÊNG GIÓ... - Nguyễn Ngọc Tư.

 



THÁNG GIÊNG GIÓ BỎ NHÀ ĐI. 

Trăm năm trước ông bà mình khi chất hành lý lên ghe men theo bờ biển vô Nam khai phá, phía đó còn không có bạn bè chờ sẵn. Trước mặt mịt mù, nhưng họ vẫn dứt dây ghe cái một.


---


"Một bữa cơm trước Chạp, thằng cháu nội ông đột ngột nói sẽ đi miền Đông. Ai nấy đều ngừng đũa. Chuyện này rồi sẽ tới, mọi người trong nhà, kể cả ông già đều lường trước, nhưng khi nó thật sự ập vào thì đỡ không nổi cơn choáng váng. “Ở đây thiếu cha gì công chuyện để làm, sao phải đi?”, bữa đó cả nhà xúm thuyết phục thằng nhỏ, nhưng nó chỉ nói thêm một câu khi lùa xong chén cơm, “xóm này tụi nó đi muốn hết, thằng Chín cũng đi rồi”. Chín là bạn thân nó, nhưng cả nhà biết hai đứa không chỉ thân, Chín còn có đứa em gái duyên, da mật. Cô đã cùng đi với anh mình.


Những thanh niên trong xóm Cầu Nâu kéo nhau ngược miền Đông từ vài năm trước. Hồi đầu thì lác đác, nghe tin đứa nhỏ nào bên xóm đó quảy túi bỏ đi, ông già không mảy may nghĩ chuyện đó liên quan tới mình. Nhưng bữa cúng đình, thấy thanh niên thưa thớt, mấy ông già ngồi kiểm đếm coi con cháu nhà nào đang đi - ở, ra một con số không nhỏ. Nếu như con số có mùi vị, thì nó hẳn mang mùi mất mát. Lúc đó ông già bất giác nhìn thằng cháu mình đang làm trà đá đằng góc sân, thấy bần thần.


Nhưng cảm giác bất an cộm lên trong lòng ông, từ anh em thằng Chín khăn gói đón xe đi Bình Dương. Thằng cháu ông buổi tối không còn chải tóc vuốt keo láng mướt, hớn hở xách xe chạy đâu đó, giờ nó treo mình trên võng cắm mặt vào điện thoại. Hỏi sao không đi xóm chơi, nó nói nhìn coi cái xóm này còn ai nữa mà chơi. Ngoài đường vắng ngắt, đêm là dành cho đám trẻ, nhưng tụi nó giờ cũng tản mác xứ người, nên đêm của những làng xóm miệt này bị bỏ rơi.


Cả nhà lén lút bàn nhau tìm công chuyện cho thằng nhỏ làm, tay chân bận bịu thì nó bớt ngó phía chân trời. Ông già o bế lại cái đầm tôm bỏ không lâu nay, giao hết cho nó, từ coi giữ, cho ăn, đến mỗi tuần lấy mẫu tôm đi xét nghiệm. Thấy thằng nhỏ chăm chỉ, cả nhà mừng. Lúc đó đâu ai biết nó âm thầm gom mớ vốn cho ấm túi lúc ra đi, tiền sẽ bảo đảm cho cuộc trốn thoát thành công, kể cả nó không nhận được sự cho phép của người lớn.


“Người ta không đất không nghề ngỗng mới bỏ xứ đi, nhưng nhà này đâu tệ”, ông già tức tối nói. Con dâu ông, tức má thằng nhỏ, cũng sụt sịt rằng mình no đủ, làm chủ vẫn hơn làm công. Nước mắt chị không làm thằng nhỏ mủi lòng. Và cái cớ yếu ớt đó, nhưng cũng bị thằng nhỏ bẻ gãy cái một, khi kể tên một lô lốc những đứa trạc tuổi nó, con nhà giàu nhưng bỏ xóm đã lâu. Tụi nó rậm rật đi theo tiếng gọi của bạn bè, của những đứa con trai (con gái) mà mình thầm thương nhớ, của những cơn gió mùa, của những chân trời xa xôi.


Vợ ông hồi tại thế cứ nhắc hoài, vụ con trai chưa giáp thôi nôi ông đã nhảy tàu đi Nam Vang chơi với bạn. Bà nói lúc má chồng trao đôi bông cưới, cứ nhìn con dâu bằng cái nhìn áy náy, bà thấy lạ nhưng rồi sớm hiểu tại sao. Người nhà này có máu giang hồ. Vì tính hay đi mà lúc thằng con lén đi đăng lính, lúc người ta bửa đập dẫn mặn vào đồng, lúc bà bị đau thương hàn suýt bỏ mạng, chồng bà đều tình cờ vắng mặt. Giờ bà mà còn sống, chứng kiến thằng cháu nội sửa soạn cuốn gói, thể nào cũng nói nó giống ông chớ ai.


Nhìn vào mình, ông già biết thằng cháu đi chỉ để mà đi, có trời cản nổi. Nhượng bộ duy nhất của nó là ở nhà cho tới ra Giêng. Cái Tết của nó trôi qua chậm đến phát điên, nhưng với cả nhà thì quá nhanh, vèo cái đã hết. 


Hình ảnh sau cùng mà ông nhìn thấy là cái lưng của nó... Chừng như nó sợ nhìn thấy ông nước mắt lưng tròng. Người già mà khóc, coi thê lương. Nó đã ớn nước mắt lắm rồi. Ba lô chỉ mỗi một cái đeo sau lưng, hành lý gọn đến mủi lòng, thằng nhỏ nói mang vác chi cho cực, thiếu gì mua nấy, bạn nó khoe quanh mấy khu công nghiệp thứ chi cũng có. Thằng nhỏ chưa tới nơi chốn này lần nào, nhưng nó tỉnh trân, “bạn con ở đó đông như quân Nguyên”.


Ông già bỗng nghĩ trăm năm trước ông bà mình khi chất hành lý lên ghe men theo bờ biển vô Nam khai phá, phía đó còn không có bạn bè chờ sẵn. Trước mặt mịt mù, nhưng họ vẫn dứt dây ghe cái một. Hôm ông về Quảng tìm lại gốc gác nhà mình, kịp gặp bà cóc một trăm lẻ chín tuổi. Vẫn minh mẫn, cóc nói mẹ của bà kể rằng lúc xô ghe ra không ai ngoái lại. Mẹ cóc khi ấy còn nhỏ, không nhớ tháng nhớ năm, chỉ nhớ bữa đó buồm họ căng gió Bắc."


- Tháng Giêng gió bỏ nhà đi | 

NGUYỄN NGỌC TƯ



Thơ: NỖI NHỚ ĐONG ĐẦY - hathuthuy.

 



NỖI NHỚ ĐONG ĐẦY

Nhớ  vô vàn hàng yên chi hoa đỏ

Nhớ khuôn sân đá cuội trắng rì rào

Nhớ hàng sao chim tụ về làm tổ

Nhớ tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao.


Và rất nhớ con dốc dài Kỷ Niệm

Chiều tan trường áo dài trắng bay bay

Gửi tặng nhau bài thơ màu mực tím

Đóa hoàng lan thơm ngát mãi không phai.


Nhớ rất nhớ hành lang hun hút gió

Bậc cầu thang chân sáo nhỏ tung tăng

Nhớ bàn học khắc đầy tên trên đó

Nhớ lá vàng rơi tơi tả ngoài sân.


Nhớ bạn bè của Ngô Quyền yêu dấu

Xa lắm rồi giờ biền biệt muôn nơi

Vẫn rất nhớ cành phượng già chim đậu

Và nhớ hoài chiều tan học mưa rơi.

hathuthuy

Thơ : THƯƠNG NHỚ NGƯỜI DƯNG - - Thạch Thảo BD.




 THƯƠNG NHỚ NGƯỜI DƯNG


Bất chợt đường đời, xuôi gặp gỡ

Ánh nhìn xao xuyến. Buổi đầu tiên.

Mắt cười lúng liếng, bao duyên dáng

Đã hốt hồn ai. Má lúm tiền.


Đường đời vạn nẻo, xuôi chi gặp

Đã phải lòng nhau, tự kiếp nào?

Hò hẹn lung linh, chiều mát gió

Đêm về thao thức. Bởi vì đâu?


Thương lắm người dưng, xa lắc ấy

Người dưng ơi ới. Gọi người dưng.

Tháng ngày khắc khoải, tim ai nhớ

Điêu đứng tình si. Thương quá chừng.


Như phải lòng nhau, từ kiếp trước

Bùa mê ai bỏ tự lâu rồi?

Từng đêm thắc thỏm, tương tư suốt

Bóng dáng người ta. Mỏi đứng ngồi.


Thương nhớ người dưng. Thương nhớ lắm

Yêu ai xin hứa hết đời nầy.


Ngày 26-2-2024

THẠCH THẢO - BD

Tìm hiểu : DỰNG NÊU - Cao Minh (fb)

 



DỰNG NÊU….

Mỹ Tục Tết miền Nam hai ngày dựng nêu ở Miền Nam xưa. 

Ca dao có câu:

“cu kêu ba tiếng cu kêu, 

trông mau tới tết dụng nêu ăn chè”

Nếu như Miền Bắc hay dựng nêu vào ngày 23 tháng chạp trùng với ngày đưa ông Táo, còn tại Miền Nam việc dựng nêu có hai móc thời gian chánh đánh dấu hai khoảng thời gian công việc vào ngày tết là ngày 25 tháng chạp và ngày 29 hoặc 30 tháng chạp. (Một số ít các gia đình miền Nam vẫn có lệ dựng Nêu ngày 23). 

1. Dựng Nêu ngày 25 tháng chạp.

Lý do dựng ngày 25 tháng chạp thường chỉ áp dụng với các nơi công sở, nhà việc, vì đến ngày này là ngày Tiễn Ông (tiễn thần) và cũng là ngày “treo ấn” của các Hương Chức trong Hội tề, việc dựng nhiều nhằm báo hiệu cho người dân trong làng biết là Hội đồng Hương chức và Hương chức Hành chánh làng đã nghỉĩ tết, các công việc liên quan đến hành chánh, tư pháp của làng xã tạm gác lại qua đến khi nào hạ nêu mới giải quyết. 

Nếu trong khoảng thời gian này, trong làng xã xuất hiện trộm cướp, giặc phỉ bị bắt tội quả tang thì Thầy Hương Quản, Cai tuần hiệp đồng nhau lại làm thị chứng mà đóng trăng tội phạm ở Nhà Việc chờ đến "hạ nêu" vào mồng 7 tết mới xét xử.

Lệ dựng nêu ở Công quán, Công sở, Nhà việc này đến sau đời Pháp thì dần mất đi, người dân sau đó chỉ dựng nêu vào ngày cuối năm.

Hiện, chỉ còn một số ít đình, chùa còn dựng theo ngày này, nhằm báo hiệu ăn Tết. 


2. Dựng Nêu ngày cuối năm (29 tháng thiếu, 30 tháng đủ). 

Đối với người dân bình thường trong làng xã, thì sau khi chuẩn bị các công việc bên ngoài gia đình như dọn dẹp khuôn viên nhà, giẫy mả tổ tiên và sau đó là dọn dẹp nhà cửa, đến khi nào mà các công việc chuẩn bị huờn thành xong thì người nhà bắt đầu cho việc DỰNG NÊU – LÊN NÊU. Cây nêu dựng tại nhà bá tánh cũng có hai ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhứt: báo hiệu rằng gia đình đã chuẩn bị các công việc dọn dẹp, chưng dọn, bày trí xong rồi và chuẩn bị “ăn tết”. 

Thứ hai: cây nêu có tác dụng yếm tà, trừ quĩ, ngăn chặng những thứ “dơ dái” vào nhà vào dịp tết. 

Tại Miền Nam khác với các nơi khác là dựng nêu vào cuối năm. Và nhà người dân có lệ chỉ dựng nêu vào ngày rước ông bà, khi mà các công việc chưng dọn trong gia đình huờn thành hết. 

Do vậy, tại các nhà thường khi châu toàn việc xong mới dựng Nêu. 

3. Ngoài lề

Việc dựng Nêu ngày 25 hay 29, 30 vừa có ý nghĩa "gia đình đã chuẩn bị ăn tết", vừa là báo hiệu cho ma, quĩ không đến gần. 

Vì sau ngày 23 tháng chạp miền Nam ít dựng Nêu. Vì nhiều người cho rằng, ngày đó ông Táo về trời, không còn bảo vệ gia đình? 

Thiệt ra, ngày 23 mới đưa ông Táo, trên cơ sở các thần thánh, bổn mạng, tiên phật vẫn còn tại gia, nên việc dựng Nêu sớm thường ít được sử dụng. 

Thứ nhì, vì xưa coi dựng Nêu là báo hiệu ba ngày Tết, và ba ngày này bọn ma quỷ hay quấy phá, do đó cuối năm thường dựng nhứt, bên cạnh việc dựng Nêu, ngày cuối năm còn là ngày "đuổi Na ông, Na bà- ma quỉ", nên thường ngày trừ tịch là rộn ràn hơn hết. 

Thứ ba, xét về việc dựng Nêu, nếu dựng quá sớm, cây tre sẽ mau úa vàng, coi không được xanh tốt, do đó việc nhà dân dựng vào cuối năm để sáng mồng 1 sắc tre vẫn xanh tươi. 

4. Về hình thức cây Nêu

Cây nêu tựa như dáng một thân cổ thọ xòe nhánh, do đó khi chặt tre, chừa trên đảnh cây để tượng cho cây Đào vươn tàn, trừ ma khử quĩ. 

Trên cây Nêu treo một lá bùa Tứ Tung Ngũ Hoành, nhằm trấn trạch bình an. 

Kế đó trên cái giỏ hay cái bội nhỏ, để các lễ phẩm như trầu cau giấy tiền. 

5. Về việc dựng Nêu

Do từ ngày 25, tới cuối năm trước khi Khai Hạ, các làng xưa có lệ không cho động thổ phá cây, nên việc dựng Nêu liên quan đến đào đất động thổ, như vậy phải đặt bàn nhang mà cúng xin. 

Thường, khi dựng sẽ có bàn nghi và thực án, thực án bày đồ cúng Đất đai viên trạch xinh được đào xới. Cúng xong đoạn tuần hương rồi sẽ dựng Nêu lên. 

6. Kết 

Dựng Nêu là một nét rất hay trong văn hóa ta, cần nên bảo lưu lắm, ngày Tết thấy cây Nêu ít ra cũng mang vẻ Tết đến Xuân sang, vừa thể hiện sự bảo tồn văn hóa, vừa là cách quảng bá văn hóa tốt hơn hết vậy. 

• Copy từ Fb CAO MINH.

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

Suy ngẫm : VUA GIA LONG CÓ XỨNG ĐÁNG... - Phạm Vĩnh Lộc (FB)




VUA GIA LONG CÓ XỨNG ĐÁNG ĐỂ DÂN TỘC HỌC TẬP?


Nếu bạn cũng 15 tuổi như Nguyễn Phúc Ánh (cỡ mới vào lớp 10), gia đình chết hết, bơ vơ giữa một xứ sở xa lạ cách quê nhà gần 1200 cây số, lại có một kẻ thù sở hữu sức mạnh vô địch như Tây Sơn luôn săn đuổi ngày đêm, bạn sẽ làm gì tiếp theo?


Mình muốn nghe phương án hành động của bạn. Bạn sẽ tính toán ra sao để sống sót trong vòng 25 năm, báo thù, lấy lại nhà cửa và lên ngôi hoàng đế, hoàn thành cuộc chơi ở độ khó cao nhất. Let the game begin.


Riêng mình nghĩ đến là thấy nản mẹ rồi, chắc kiếm cái chùa nào đó dưới miệt vườn đi tu cho nhanh, game over. Hoặc treo cổ, hy vọng random ra được character khác với cốt truyện đỡ phức tạp hơn. 


Nguyễn Ánh, năm 15 tuổi từ một vương tử trở thành một đứa nhỏ lang thang không nhà không cửa. Ông đã tan nát cõi lòng chứng kiến cảnh từng người thân của mình bị đóng cũi giải đi xử tử. Ký ức đau đớn đó luôn hằn sâu trong tâm trí cậu bé. Quân Tây Sơn đã truy sát tận cùng họ Nguyễn Phúc trong khi đôi bên không có oán hận gì, thù này không sâu sao được? 


Khi 17 tuổi, Nguyễn Phúc Ánh trở thành Đại nguyên soái - lãnh tụ chống Tây Sơn ở Gia Định. Lúc ấy Tây Sơn đang độ mạnh nhất, mọi thứ của Nguyễn Ánh đều không thể so bì được, cả nhân lực lẫn thực lực. Ông thua rất nhiều trận, đếm cũng không hết. Nhiều hôm phải quây quần cùng với quân sĩ ngồi ăn bữa cơm chỉ có rau và cá muối.


Bao phen lênh đênh trên biển nhịn đói nhịn khát, Nguyễn Ánh cứ nghĩ số mình đến đây đã tận. Như lần ông vào cửa sông do thám thì quân Tây Sơn phát hiện, ra sức truy sát. Đến khi Tây Sơn không còn rượt nữa thì thuyền ông đã long đong trên đại dương được 7 ngày. Thức ăn hết, nước ngọt cũng hết, Nguyễn Ánh ngẩng mặt lên trời khóc thì bỗng đâu có nước ngọt tràn đến. 


Người ta nói là trời cứu ông, nhưng có thể là do Cửu Long giang đổ ra biển sau mùa lũ, lượng nước quá dồi dào nên chưa bị mặn. Rồi có phen Nguyễn Ánh bị phò mã Trương Văn Đa tìm diệt đến tận Côn Đảo nhưng gặp bão. Cơn bão đó không giết ông mà lại cứu vớt ông. Nguyễn Ánh trôi dạt giữa biển cả dưới bão tố vần vũ điên cuồng mà không chết, thật kỳ tích.


Nguyễn Ánh tiêu diệt Tây Sơn là vì trách nhiệm phục hưng lại gia tộc đã bị thảm sát đặt nặng lên đôi vai, quyết tâm của ông là vậy và mục đích sống của ông cũng là thế. Như người thường thì Nguyễn Ánh cạo đầu đi tu cho nhanh, việc gì phải lì lợm đến mức đặt bản thân vào cửa tử biết bao nhiêu lần, từ hai bàn tay trắng đối đầu với đoàn quân hùng mạnh nhất thời đó. 


Có thể Nguyễn Ánh không phải một minh quân vì các sai lầm trong đời của mình, nhưng ông cũng không phải là hôn quân.


Khu vực Đông Nam Á vào cuối thế kỷ 18 không phải là những quốc gia có lãnh thổ hành chính rõ rệt được quy định theo công pháp quốc tế ngày nay, mà là những khu vực ảnh hưởng theo từng dòng họ, khi mạnh thì bành trướng, khi yếu thì co cụm. 


Hai trăm năm ly khai bên bờ sông Ranh đã biến Đàng Trong thành một xứ sở với Văn hóa và sắc tộc hoàn toàn khác biệt với Đàng Ngoài. 


Đàng Ngoài là nước An Nam, còn Đàng Trong là nước Quảng Nam. 


Đó là lý do phải nghiêm chỉnh nhìn nhận hai Đàng là hai vương quốc khác nhau. 


Nguyễn Nhạc không cho Nguyễn Huệ đánh ra bắc vì ông cũng thừa nhận Đàng Ngoài là một nước lớn có truyền thống lâu đời, và cho rằng dù đời ông có chiếm được thì đời con cháu ông cũng không giữ được.


Nguyễn Ánh là người thừa kế chính danh và hợp pháp của nước Đàng Trong, thủ đô Phú Xuân. Đất nước đó do ông tổ Nguyễn Hoàng lập ra và kết thúc khi Nguyễn Cư Trinh vẽ nét bút cuối cùng. 


Tổ quốc của Nguyễn Ánh mất về tay người khác là Tây Sơn, thì nghĩa vụ của ông ta là phải lấy lại.


Vương tử Nguyễn Ánh đã cố gắng rất nhiều, thua liên tục nhưng không đòi lại được nên phải mời đồng minh. 


Vấn đề nằm ở chỗ này nên nhiều người nói Ánh là kẻ bán nước Việt Nam. 


Nhưng lúc đó làm quái gì có nước Việt Nam, ông ta chỉ đòi lại đất Đàng Trong của tổ tiên do người khác cưỡng đoạt. 


Khái niệm "Việt Nam thống nhất" hay "non sông hình chữ S" chỉ có khi vua Gia Long ghép 2 đàng lại về sau. Đừng đem bản đồ Việt Nam thế kỷ 20 rồi đánh giá tình hình thế kỷ 18. 


Chưa kể Ánh mời Xiêm để đòi lại đất và đuổi Tây Sơn, chứ không phải mời Xiêm vào để cướp hiếp giết dân ổng.


Nhà Đường sau loạn An Lộc Sơn đã rất yếu sinh lý, không còn đủ sức chống lại đế chế Thổ Phồn xâm lược. Quân Thổ Phồn chiếm được Trường An, buộc vua Đường phải cầu viện đến quân Hồi Hột, vốn cũng là một đế chế thảo nguyên hùng mạnh cùng thời. Việc này về sau không ai đánh giá là vua Đường bán nước. 


Chủ quyền của mỗi quốc gia được khẳng định chính xác kể từ lúc thế giới hình thành trật tự cố định sau thế chiến thứ 2. 


Nên từ mốc đó trở đi chuyện xâm lược mới bị quốc tế lên án dữ dội. Trong cái thời phong kiến và thực dân, hay thời đại của chinh phạt và khởi nghĩa, biên giới các quốc gia bị thay đổi liên tục. 


Đại khái thằng nào mạnh thằng đó ăn, chẳng có luật pháp quốc tế can thiệp, cũng chẳng có ai quan ngại sâu sắc giùm. Cho nên khi bị đánh thì chỉ có hai cách:


Một là tự lực cánh sinh nếu cảm thấy tự tin rằng mình đủ sức khô máu được với đối phương. 


Như Anh thắng Pháp trong đại thủy chiến Trafalgar, Tôn Quyền thắng Tào Tháo ở Xích Bích... Đây là thượng sách.


Hai là khi chịu không nổi nhiệt nữa, do kẻ thù quá bá đạo thì gọi đồng minh đến cứu. 


Giống như cách vua Đường, vua Triều Tiên, chúa Nguyễn Phúc Ánh, hay các liên minh chống Napoleon, Cách mạng Mỹ... thực hiện. Đây là hạ sách.


Nói chung trước 1945, giỏi thì tìm cách đòi lại đất, dở thì mất đất về tay người, tệ hơn nữa là bị sáp nhập và biến mất khỏi bản đồ thế giới. 


Nên mình mới nói, đừng đem quan điểm chủ quyền thế kỷ 20 áp đặt cho tiền nhân của những thế kỷ trước. Vì những thứ mình lên án gay gắt bây giờ, ngày đó người ta lại nghĩ khác.


Xét về trình độ học vấn thì Nguyễn Huệ học cao hơn Nguyễn Ánh.


Nguyễn Huệ xuất thân trong một gia đình trung lưu giàu có (chứ không phải nông dân như nhiều bạn tưởng), thành ra từ bé đã được học hành tử tế. Thầy của Nguyễn Huệ rất nghiêm, lò luyện của ông giáo bắt buộc đứa nào học võ thì phải học cả văn, lôi thôi tống cổ ra khỏi lớp, không nói nhiều. Nguyễn Nhạc vì gánh kinh tế cho gia đình nên bỏ học sớm. Trong lúc anh trai đang chèo thuyền dọc sông Côn kết giao cùng giới hắc đạo, thì Nguyễn Huệ vẫn phải mài đít trên ghế nhà trường. Ban ngày luyện võ, ban đêm đọc sách, viết chữ cực đẹp. 18 tuổi tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi, sau đó lên núi theo anh hành tẩu giang hồ.


Nguyễn Ánh khốn khó từ lúc thơ ấu, phải lưu lạc khắp nơi, chẳng mấy khi được ở yên một chỗ nên không được cắp sách đến trường, gặp gỡ bạn thân và cô giáo hiền như bao đứa bé cùng trang lứa khác. 


Bản thân Ánh không hiểu ngoại ngữ, nên khi mấy ông Tây xí xố tâu bày đều phải nhờ các quan phiên dịch giùm, bù lại cậu rất hay chữ Nho và có thể làm thơ. Tính Ánh vốn tò mò nên thấy cái gì lạ đều tìm cách học cho bằng được, nhất là các bản vẽ vũ khí và những cách đắp lũy xây thành, đóng tàu, cũng như nhiều thứ khác. 


Nguyễn Ánh đặt mua được nhiều sách vở và địa đồ bên châu Âu, thì nhờ chăm học mà hiểu gần hết.


Tuy đường giáo dục còi cọc, nhưng bù lại kỹ năng mềm của Nguyễn Ánh rất khéo, đặc biệt là khả năng giao tiếp. Nguyễn Huệ khiến người ta rùng mình khi đối diện vì uy vũ của ông. Thì Nguyễn Ánh được người phương Tây đánh giá là cử chỉ rất dễ thương và hòa nhã, cấp dưới cũng kính trọng vì Nguyễn Ánh đối xử với họ rất tốt và thân mật.


Một điểm rất hay của Nguyễn Ánh là ông ta nắm được tâm lý con người và dùng nó để thực hiện kế hoạch của mình.


Cả Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh đều cưỡng bức đi lính, nhưng Tây Sơn thì bắt bừa bãi, già trẻ lớn bé bắt hết. Còn Nguyễn Ánh thì bắt mọi người làm nông nghiệp, ai lười biếng thì sung quân. Ba năm đầu từ ngày khẩn hoang sẽ miễn thuế. Nếu thu từ 70-100 thùng lúa sẽ được "khuyến mãi" như sau: 


-Dân thường sẽ được miễn đào kênh, đắp thành một năm.


-Binh lính sẽ được miễn đi đánh nhau một năm.


Thành ra sau khi Tây Sơn hủy diệt Nam Bộ thì Nguyễn Ánh đã hồi sinh nó nhanh chóng nhờ kích thích mọi người hăng say lao động. Đó là việc thứ nhất.


Việc thứ hai, lúc Tây Sơn hạ xong thành Gia Định đã xảy ra vụ thảm sát Chợ Lớn vô cùng nghiêm trọng. Nhà văn Sơn Nam cho rằng có khoảng 10.000 người chết, thây trôi tắc cả sông, cả tháng sau không ai dám ăn tôm cá ở đó. Nói chung ghê gấp 100 lần khủng bố nhà hát Bataclan ở Paris.


Về sau lúc Nguyễn Ánh hạ được thành Quy Nhơn, đổi tên thành Bình Định, dân chúng cũng sợ hãi vì không biết có bị thảm sát không. Nhưng trái lại, Nguyễn Ánh nghiêm cấm bất cứ hình thức cướp bóc nào và xử cực nghiêm những ai dám làm hại dân Quy Nhơn, trọng dụng những người chịu đầu hàng, đồng thời tha thuế ba năm. Chính thế cho nên Quy Nhơn yên bình và Nguyễn Ánh về sau vẫn giữ được nơi này, dù nó là đất tổ nhà Tây Sơn.


Lúc thống nhất Việt Nam thì công việc càng khó hơn nữa, vì lúc này đất đai rộng gấp ba lần ngày trước, lại thêm đủ nhóm dân tộc với tính cách và lịch sử khác nhau. Vua Gia Long cho lập các kho vận trữ lúa gạo (kho Bình Chuẩn Thương), cắt cử quan lại chăm lo việc cứu đói dân chúng. 


Mặc dù bị chửi từ nam tới bắc nhưng Nguyễn Ánh vẫn điều hành quốc gia ổn thỏa và hùng mạnh, ông ta hiểu cách làm vua.


*_* Tuy mang tiếng là cấu kết với ngoại bang, cõng rắn về cắn gà nhà, nhưng Vua Gia Long chưa hề để mất mét đất nào? Mà còn có công mở rộng bờ cõi, biển đảo, như thác Bản Dốc, Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh hải Biển Đông... .

PHẠM VĨNH LỘC ( FB )

Tiểu phẩm : BIẾT RỒI CÒN HỎI! - Hoài Nguyễn.

 




BIẾT RỒI CÒN HỎI !

Sáng nay nhà thơ Văn Kệch lên thành phố khá sớm.

Chẳng là chàng ta từ một nhà thơ cấp huyện, sau nhiều năm miệt mài phấn đấu viết và đăng báo từ cấp huyện lên cấp tỉnh cũng khá nhiều, may mắn lọt vào “mắt xanh” của mấy “quan thơ” trên tỉnh nên mới được kết nạp vào Hội nhà thơ của tỉnh gần năm nay, được hỗ trợ kinh phí in ra cũng mấy tập thơ tầm tầm bậc trung, cũng có cái gọi là biếu xén quan viên các cấp.

Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, chuẩn bị cho ngày nhà thơ vào rằm tháng giêng này, có lẽ mấy quan trên thấy năng lực làm thơ của Văn Kệch khá phong phú nên giao cho nhiệm vụ chọn lọc tập hợp thơ của các nhà thơ trong tỉnh để tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu.

Lên thành phố khá sớm nên Văn Kệch chưa phải vội vàng gì, ghé vào quán café Mây Ngàn làm vài ngụm buổi sáng cho có vẻ là một tao nhân mặc khách văn nghệ sĩ chứ!

Đang đứng nhìn dáo dác xung quanh để tìm chỗ trống thì bất ngờ, nhà thơ nghe có tiếng gọi:

- Anh Kệch ! Anh Kệch !

Văn Kệch quay nhìn về phía vừa có tiếng gọi mình thì nhận ra cô Thị Cỡm, một nhà thơ nữ của thành phố này cũng được kết nạp vào Hội Nhà thơ tỉnh cùng dịp với anh. Chính vì thế mà hai người hết sức thân thiết với nhau...

- Ui! Anh ở huyện lên thành phố lúc nào mà sớm dzậy! Chà! hôm nay nhà thơ lên phố chắc có việc gì quan trọng đây! Mà cũng gần đến Ngày nhà thơ rồi anh nhỉ? Không biết năm nay Hội nhà thơ ta tổ chức thế nào đây?

- Đó ! Đó! Anh lên trên này cũng vì cái việc tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu đó em à! Mấy anh trên này tin tưởng anh nên giao cho anh chọn lọc thơ của mấy nhà thơ trong tỉnh gửi lên, chọn mỗi người một vài câu thơ hay nhất để …thả thơ đó em …

- Bốc phét! Bốc phét! Khà ! Khà!!!

Cả hai nhà thơ Văn Kệch và Thị Cỡm giật mình tưởng ai mắng mình, nhìn xung quanh chỉ thấy mọi người nói chuyện với nhau, chẳng ai chú ý gì đến mình. Chợt Thị Cỡm nhìn lên và phát hiện có một chiếc lồng chim, trong có một chú két xanh đang gật gù… Thị Cỡm nghi hoặc nhưng không nói ra, chẳng lẽ con két này nói như người?

Thấy im lặng trở lại, Thị Cỡm mới nheo mắt với Văn Kệch:

- Chà ! Kỳ này anh lên chức to đừng quên em út đấy nghen! Mấy nhà thơ khác thả một quả bóng thơ còn em là anh phải ưu tiên dành cho vài quả đó nghen! Không được là em bắt đền anh đó …

- Khà ! Khà! Bốc phét! Bốc phét!

Lần này thì chính Thị Cỡm nhìn thấy chú két phía sau lưng nhà thơ Văn Kệch cười nghiêng ngả trong chiếc lồng và thốt lên những lời như muốn chửi hai người. Cả hai nhà thơ bực mình lắm và lúc đó ông chủ quán đi ngang qua.

Thị Cỡm là người quen ông chủ quán này nên phàn nàn:

- Anh à! Con két nhà anh nuôi sao… mất dạy quá chừng! Bọn em đang nói chuyện riêng với nhau thì nó chen ngang vào, nói như chửi vào mặt… Nó cười khà khà rồi nói “bốc phét” mấy lần như vậy!

- Ồ ! Vậy xin lỗi cô về những lời khiếm nhã của con két nhé! Con két này tôi nuôi từ nhỏ, dạy cho hiểu tiếng người và nói rất tốt. Tuy nhiên ai dạy gì thì nó nói y lại như vậy! Chắc có mấy người khách tinh nghịch bày nó nói tầm bậy đó… Xin lỗi cô và ông đây, tôi sẽ cố gắng… dạy bảo nó nói những từ lịch sự tử tế hơn.

Ông chủ nói xong xin phép hai nhà thơ rồi đi ngay. Câu chuyện cũng cho qua vì dẫu sao con vẹt vẫn là … con vẹt. Văn Kệch và Thị Cỡm sau khi uống café cũng vui vẻ chia tay rồi cũng quên luôn chuyện con két phá đám…

Sáng ngày tổ chức Hội thơ Nguyên tiêu, nhà thơ Văn Kệch lại lên thành phố sớm như mọi khi và lại cũng đến ngay cái quán café Mây Ngàn. Nhà thơ Văn Kệch lấy điện thoại và gọi cho nhà thơ Thị Cỡm đến chắc là vừa uống café sáng, vừa báo lại chuyện hứa hẹn ưu tiên hôm trước với người đẹp…

Hai nhà thơ gặp nhau cứ như cá gặp nước, rồng gặp mây nhất là Thị Cỡm cứ hỏi xoắn xít chuyện cô nàng có mấy câu thơ được thả…

- Em cứ từ từ lại nào ! Anh đã hứa là anh làm! Mấy anh trên đâu có quan tâm chuyện thơ ai được thả bao nhiêu bài, bao nhiêu câu đâu! Mấy ảnh chỉ lo trên tỉnh cấp kinh phí có như đúng dự trù không thôi em à! Bao nhiêu câu của ai là do quyền anh…sinh sát… Nói chưa hết ý, cả hai người nghe con két trên đầu cất tiếng cười:

- Ha! Ha! Ha! – Mà cái giọng cười của nó nghe đểu và khó chịu quá…

- Sao tao đang nói chuyện mà mầy lại cười cắt ngang vậy mầy? Nhà thơ Văn Kệch nổi khùng nhìn vào lồng, tay dí dí vào con két và hỏi.

- Ha! Ha! Ha! Biết rồi còn hỏi! Biết rồi còn hỏi! …

………………

HOÀI NGUYỄN  – 10/02/2017

Sưu tầm : Tết NGUYÊN ĐÁN... - AChi.

 




TẾT NGUYÊN ĐÁN LÀ CỦA VIỆT NAM. 


  Nguồn gốc của Tết vẫn còn đang được tranh cãi , nhưng hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyễn Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm bắc thuộc. Nhưng theo sự tích "Bánh chưng bánh dày" thì người Việt đã ăn tết từ trước thời vua Hùng, nghĩa là trước 1000 năm bắc thuộc.

Có thể thấy Tết ở Việt Nam đã có từ rất lâu, trước thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Khổng Tử đã viết trong cuốn Kinh Lễ: 

"Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó. Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết:

“Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới,không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang,Vua Chúa  cũng đều tham gia lễ hội này".

Như vậy có có thể nói Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam.

Tết của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng vẫn có những đặc trưng riêng của từng quốc gia.


ACHI sưu tầm. 

Cuộc sống : NỀ NẾP CỦA NGƯỜI... - Nguyễn An Chi.

 




NỀ NẾP  CỦA NGƯỜI VIỆT NAM CẦN GÌN GIỮ


Trước 1975 ở miền Nam, vợ chồng thường gọi nhau là "mình".

Khi giới thiệu vợ với người khác thì người chồng thường nói:

- Xin giới thiệu với anh, đây là nhà tôi.

Ngược lại trong trường hợp khách đến tìm thì người vợ lại nói:

Thưa anh, nhà tôi đi vắng. Nếu cần việc gì thì anh có thể nhắn lại.

Đạo vợ chồng nghĩa phu thê thời đó có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Những chuyện ly thân ly hôn rất hiếm khi xảy ra. Thậm chí có nhiều trường hợp chỉ mới là người yêu chưa hề được nắm bàn tay nhưng vẫn chờ đợi nhau hàng chục năm với tất cả sự nhớ nhung trung trinh chung thủy.

Miền Nam trước 1975 , không có chuyện giấy tờ nhà đất xe cộ đứng tên cả 2 vợ chồng như thời nay . Chỉ 1 người đại diện, thường là người chồng, vì xã hội miền Nam trước 1975 hiếm có chuyện vợ chồng lừa gạt nhau , tranh giành tài sản. Hồi đó, nếu có ly hôn ,cũng không có chuyện phân xử tranh giành quyền nuôi con và chu cấp. Tất cả đều là tự nguyện thu xếp của 2 vợ chồng 

..........

Người lớn đã như vậy nên đối với con cái thì người miền Nam rất chú trọng vấn đề giáo dục.

Thông thường mấy đứa nhỏ gọi Ba - Má, Cha - Mẹ, vùng thôn quê thì có nhà gọi là Tía - Vú. Có nhiều gia đình lại gọi Papa - Maman theo Tây.

Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954 thì mới nghe những cách xưng hô Thầy - U, Bố - Đẻ, Cậu - Mợ...

Nhà của người miền Nam xưa không bao giờ có chuyện phơi quần áo phía trước mặt tiền. Trước nhà là bộ mặt của gia đình, không có chuyện phơi bày những thứ sinh hoạt riêng tư như vậy.

Con cái trong nhà của người miền Nam thường được dạy dỗ rất kỹ theo lễ giáo.

Đi thưa về trình, trước khi đi đâu thì phải nói Thưa Ba, con đi tới nhà bạn... Lúc về thì cũng nói Thưa Ba, con mới về...

Có khách đến thăm nhà thì phải bước ra khoanh tay cúi đầu chào Thưa Bác, Thưa Chú, Thưa Cô, Thưa Dì...

Khi đã thưa gửi đàng hoàng thì vào trong lấy ly nước đem ra mời khách, làm gì cũng bằng cả hai tay.

Trong khi khách nói chuyện với Cha Mẹ thì tuyệt đối tránh mặt không lai vãng, không được phép đùa giỡn hay nói chuyện lớn tiếng.

Trong lúc đang ăn không được nói chuyện, uống nước hay làm cho chén đũa kêu thành tiếng, nhai thức ăn không được phát ra tiếng sì sụp sột soạt, không ợ hơi vì như vậy là bất lịch sự...

Con gái đến tuổi cập kê khi ngồi thì phải khép hai chân lại, không được phép nằm ngửa ở bất cứ đâu nếu không phải là trong buồng riêng đã đóng kín cửa. Các cô ấy cũng không được phép tự ý ra nhà trước chào khách nếu không được Cha Mẹ gọi.

Trò chuyện với bất cứ ai cũng phải dùng lời lẽ chuẩn mực, không được nói những từ ngữ dung tục không thanh tao đứng đắn.

Đi mà kéo lê chiếc dép kêu lẹt xẹt: bị đòn. Người lớn đang nói chuyện mà chen vào một câu thì gọi là ăn cơm hớt: bị đòn. Buổi trưa ăn cơm xong mà không chịu ngủ cứ đùa giỡn hoặc nói lớn tiếng: bị đòn... Con nít ngày xưa rất dễ ăn chổi lông gà với những tội trạng như vậy.

Chỉ cái chuyện ăn uống đi đứng nằm ngồi sinh hoạt thôi mà ngày xưa ta đã được ông bà cha mẹ giáo huấn rất kỹ. Qua đó đã hình thành nên nhiều thế hệ người miền Nam có tính cách lễ phép gia giáo khiêm cung khoan hòa như đã thấy...

Được thụ hưởng cung cách dạy dỗ của ông bà cha mẹ như vậy mà nếu ngày hôm nay mỗi người cố gắng truyền lại những điều tốt đẹp đó cho thế hệ con cháu thì đó chính là đã góp một phần quan trọng để giữ gìn danh tiếng cao quý đáng hãnh diện nhất của chúng ta: NGƯỜI VIỆT NAM !


 NGUYỄN AN CHI.

Phương xa: BÁN CHA MẸ - Cang Huỳnh.

 




BÁN CHA MẸ


Chuyện xảy ra ở Nhật Bản. Một tờ báo ở Tokyo đăng mẫu rao giật gân về việc bán cha mẹ. Nội dung đại loại là. "Bán cha mẹ: Cha 68 tuổi, mẹ 66 tuổi Giá 900 yên".

Ai đọc mẫu tin rao cũng đều choáng váng, mọi người nói với nhau. "Thật là cái thời chẳng ra gì, đến cả cha mẹ cũng đem ra bán. Chánh quyền mắt để đâu sao không thấy".

Tất cả đều bất mãn.

Một hôm tờ báo có mẫu tin rao đến tay một cặp vợ chồng trẻ mấy ngày trước vừa chôn cất cha mẹ mình bị tai nạn giao thông. Đôi trẻ mất cha mẹ đang rất đau buồn, nên họ thấy ý định bán cha mẹ của những người con nào đó là một việc bất hiếu. Họ kinh hoàng khi nghĩ đến sự đau đớn vật vã của bậc cha mẹ bị con đem bán.

Vì thế đôi vợ chồng này quyết định sẽ mua hai ông bà và nuôi dưỡng họ một đời sống mới đầy yêu thương.

Nhưng khi họ tìm đến địa chỉ rao trên báo thì vô cùng ngạc nhiên. Bởi trước mắt họ là một tòa nhà lộng lẫy với sân vườn đầy hoa khoe sắc. Họ nghĩ mình đã lầm địa chỉ, nhưng cánh cửa mở ra và một người đàn ông lịch sự mỉm cười chào họ.

- Chào bác, có lẽ tụi cháu lầm địa chỉ trên báo....

- Không...đúng mà cháu, hai cháu vô nhà đi. Người đàn ông nói.

Ông mời khách ngồi và gọi vợ ra.

- Hai cháu thấy đó, hai bác không phải nghèo, nhưng hai bác không có con cháu để thừa kế tài sản. Vì vậy hai bác quyết định rao trên báo để tìm một người xứng đáng thừa hưởng.

Hai bác biết chỉ những ai hiếu thảo có tình thương người mới để ý đến mẫu rao đó, nhưng vẫn nghi ngờ khó mà tìm được người như ý....

Việc hai cháu đến đây chứng tỏ hai cháu là người tốt, và hai bác rất mừng vì được gặp hai cháu.

- Phần kết có thể do bạn tự suy nghĩ và lựa chọn, theo ý của bạn.

- Câu chuyện này là có thật nơi đất nước "Mặt trời mọc" luôn có nhiều điều kỳ diệu từ Kỹ thuật đến Nhân văn.

CANG HUỲNH

(Lược dịch từ La Vie est belle, hình minh hoạ sưu tầm)