NỀ NẾP CỦA NGƯỜI VIỆT NAM CẦN GÌN GIỮ
Trước 1975 ở miền Nam, vợ chồng thường gọi nhau là "mình".
Khi giới thiệu vợ với người khác thì người chồng thường nói:
- Xin giới thiệu với anh, đây là nhà tôi.
Ngược lại trong trường hợp khách đến tìm thì người vợ lại nói:
Thưa anh, nhà tôi đi vắng. Nếu cần việc gì thì anh có thể nhắn lại.
Đạo vợ chồng nghĩa phu thê thời đó có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Những chuyện ly thân ly hôn rất hiếm khi xảy ra. Thậm chí có nhiều trường hợp chỉ mới là người yêu chưa hề được nắm bàn tay nhưng vẫn chờ đợi nhau hàng chục năm với tất cả sự nhớ nhung trung trinh chung thủy.
Miền Nam trước 1975 , không có chuyện giấy tờ nhà đất xe cộ đứng tên cả 2 vợ chồng như thời nay . Chỉ 1 người đại diện, thường là người chồng, vì xã hội miền Nam trước 1975 hiếm có chuyện vợ chồng lừa gạt nhau , tranh giành tài sản. Hồi đó, nếu có ly hôn ,cũng không có chuyện phân xử tranh giành quyền nuôi con và chu cấp. Tất cả đều là tự nguyện thu xếp của 2 vợ chồng
..........
Người lớn đã như vậy nên đối với con cái thì người miền Nam rất chú trọng vấn đề giáo dục.
Thông thường mấy đứa nhỏ gọi Ba - Má, Cha - Mẹ, vùng thôn quê thì có nhà gọi là Tía - Vú. Có nhiều gia đình lại gọi Papa - Maman theo Tây.
Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954 thì mới nghe những cách xưng hô Thầy - U, Bố - Đẻ, Cậu - Mợ...
Nhà của người miền Nam xưa không bao giờ có chuyện phơi quần áo phía trước mặt tiền. Trước nhà là bộ mặt của gia đình, không có chuyện phơi bày những thứ sinh hoạt riêng tư như vậy.
Con cái trong nhà của người miền Nam thường được dạy dỗ rất kỹ theo lễ giáo.
Đi thưa về trình, trước khi đi đâu thì phải nói Thưa Ba, con đi tới nhà bạn... Lúc về thì cũng nói Thưa Ba, con mới về...
Có khách đến thăm nhà thì phải bước ra khoanh tay cúi đầu chào Thưa Bác, Thưa Chú, Thưa Cô, Thưa Dì...
Khi đã thưa gửi đàng hoàng thì vào trong lấy ly nước đem ra mời khách, làm gì cũng bằng cả hai tay.
Trong khi khách nói chuyện với Cha Mẹ thì tuyệt đối tránh mặt không lai vãng, không được phép đùa giỡn hay nói chuyện lớn tiếng.
Trong lúc đang ăn không được nói chuyện, uống nước hay làm cho chén đũa kêu thành tiếng, nhai thức ăn không được phát ra tiếng sì sụp sột soạt, không ợ hơi vì như vậy là bất lịch sự...
Con gái đến tuổi cập kê khi ngồi thì phải khép hai chân lại, không được phép nằm ngửa ở bất cứ đâu nếu không phải là trong buồng riêng đã đóng kín cửa. Các cô ấy cũng không được phép tự ý ra nhà trước chào khách nếu không được Cha Mẹ gọi.
Trò chuyện với bất cứ ai cũng phải dùng lời lẽ chuẩn mực, không được nói những từ ngữ dung tục không thanh tao đứng đắn.
Đi mà kéo lê chiếc dép kêu lẹt xẹt: bị đòn. Người lớn đang nói chuyện mà chen vào một câu thì gọi là ăn cơm hớt: bị đòn. Buổi trưa ăn cơm xong mà không chịu ngủ cứ đùa giỡn hoặc nói lớn tiếng: bị đòn... Con nít ngày xưa rất dễ ăn chổi lông gà với những tội trạng như vậy.
Chỉ cái chuyện ăn uống đi đứng nằm ngồi sinh hoạt thôi mà ngày xưa ta đã được ông bà cha mẹ giáo huấn rất kỹ. Qua đó đã hình thành nên nhiều thế hệ người miền Nam có tính cách lễ phép gia giáo khiêm cung khoan hòa như đã thấy...
Được thụ hưởng cung cách dạy dỗ của ông bà cha mẹ như vậy mà nếu ngày hôm nay mỗi người cố gắng truyền lại những điều tốt đẹp đó cho thế hệ con cháu thì đó chính là đã góp một phần quan trọng để giữ gìn danh tiếng cao quý đáng hãnh diện nhất của chúng ta: NGƯỜI VIỆT NAM !
NGUYỄN AN CHI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét