Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Thơ : TÁI SINH - LPQ

 



T Á I   S I N H

sớm mai trang kinh dở

một chiếc lá rơi rơi

giật mình ta hỏi lá

từ đâu đến, lá ơi?


nép mình giữa trang kinh 

lá mỉm cười ôm lấy

một cuộc tình tái sinh

chuộc tội kiếp muôn nầy


chợt một cơn gió lạc

bụi rớt nhòa trang kinh

lá rời thân tứ đại

hòa trong bụi vô minh


   lá rời thân tứ đại

   nguyện tái sinh cuộc tình


LPQ

04.2024


Thơ : VIẾT TỪ BÊN KIA... - Thạch Thảo BD.

 



VIẾT TỪ BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 


Đừng bảo thơ em điêu đứng bao người

Cứ lung linh lắm chàng trai khó ngủ.

Có gì đâu chỉ là hoa bung nụ

Hứng nắng chan mưa, đắng ngọt mây trời.


Là đói no chao chát những mảnh đời

Trẻ không nhà ngủ đầu đường xó chợ

Thương binh già nhọc nhằn lê trên phố

Bà mẹ hiền buôn vé số nuôi con.


Gói vào thơ những chan chứa gieo neo

Bao đớn đau và những điều trăn trở.

Thương phận mình đôi bàn tay bé nhỏ

Xót lòng nhau buổi đất nước điêu linh.


Thao thức đêm nay; viết gửi người tình

Bóng trăng treo cũng bồi hồi không ngủ

Có bao giờ anh trăn trở cùng em?


Thạch Thảo BD

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Phương xa : ĐÊM VŨ HỘI - St trên FB.

 



ĐÊM VŨ HỘI. 

Hai vợ chồng chuẩn bị đến dự vũ hội hóa trang thì người vợ lên cơn đau đầu dữ dội nên ông chồng đành đi một mình. 

Người vợ uống thuốc rồi lên giường đánh một giấc ngủ ngắn. Khi tỉnh dậy, thấy mình hoàn toàn mạnh khỏe, cô quyết định tới dạ hội xem ông chồng cư xử thế nào khi “Xổng xích”.


  Cô vợ trong bộ đồ hóa trang mới nhanh chóng nhận ra chồng mình trong bộ đồ hóa trang quen thuộc đang lượn lờ giữa sàn nhảy, khiêu vũ với hết cô gái này đến cô gái khác, vuốt ve cô nọ, hôn má cô kia.

    Người vợ thấy vậy bèn tiến tới gần chồng, làm những động tác khêu gợi khiến ông ta bỏ rơi những người bạn nhảy khác và quay ra quấn lấy cô, làm đủ trò sàm sỡ.

   Được một lát, hai người kéo nhau ra ngoài, chui vào một chiếc ôtô và làm cái việc không nói ra thì ai cũng biết.


     Trước giờ tháo mặt nạ lúc nửa đêm, cô vợ lẻn về nhà, cởi đồ hóa trang và leo lên giường chờ chồng về, tưởng tượng ra đủ kiểu giải thích xạo mà ông chồng sẽ đưa ra cho những hành vi ở dạ hội.


   Khi chồng về đến nhà, cô vợ ngồi dậy hỏi:

– Buổi dạ tiệc vui không anh?


– Ôi, toàn những thứ cũ rích ấy mà. – Người chồng đáp – Em biết đấy, khi không có em, anh chẳng bao giờ cảm thấy vui vẻ cả.


– Thế anh có khiêu vũ không? – Người vợ hỏi tiếp.


Ông chồng đáp:

– Anh thậm chí không nhảy lấy một bản nhạc nào. Khi tới đó, anh gặp mấy đứa bạn cũ, thế là cả lũ kéo nhau vào một xó và chơi bài cả buổi tối. 

   Nhưng em biết không, thằng bạn được anh cho mượn bộ đồ hóa trang kể lại, nó có một buổi tối cực kỳ vui vẻ và thú vị……!!!   

ST TRÊN FB. 

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Suy ngẫm : TÀI NÓI LÁO... - Nguyễn Quang Lâm.




 TÀI NÓI LÁO CỦA QUAN. 

Có một anh rất sành về khoa nói láo, những câu chuyện anh ta bịa ra thần tình, khéo léo đến nỗi nhiều người đã biết tính anh ta rồi, mà vẫn mắc lừa.

Nhờ cái tài ấy, anh ta nổi tiếng khắp vùng. 

Tiếng đồn đến tai quan.

Một hôm, quan đòi anh ta đến nha môn, chỉ vào chồng tiền và một cây roi song to tướng để trên bàn:

- Ta nghe đồn anh nói láo tài lắm, lâu nay thiên hạ bị anh lừa nhiều rồi. 

Bây giờ anh hãy bịa ra một chuyện gì lừa được ta thì ta thưởng cho ba mươi quan tiền. 

Trái lại, anh không lừa nổi ta, thì sẵn chiếc roi song kia, ta cho anh ba chục roi.

Anh nói láo nghe xong, gãi đầu gãi tai, bẩm:

- Lạy quan lớn, đèn trời soi xét. 

Quả bấy lâu nay con mắc tiếng oan, con có nói láo bao giờ đâu ạ. 

Nguyên con có ông tằng tổ đời xưa đi sứ bên Tàu, đem về được một bộ sách nói toàn chuyện lạ, con xem thấy hay hay, đem kể lại, nhưng chẳng ai tin, cứ bảo rằng con nói láo…

Câu trả lời gợi tính tò mò của quan. 

Quan liền bảo:

- Thế à, vậy anh có thể cho ta mượn xem được không?

- Trăm lạy quan lớn… 

Ngài xá cho, vì con làm gì có sách ấy. 

Con nói láo đấy ạ. 

Quan lớn nghe xong, cười ha ha gật đầu tâm đắc, nhưng rồi vẫn sai lính nọc anh nói láo ra, đánh ba chục hèo…

Sau khi bị đánh, anh nói láo khóc lóc than thở :

- “Quan đã nói nếu nói láo mà làm cho quan tin thì quan tha, quan còn cho tiền nữa, sao quan lại đánh con tơi tả thế này?”


Quan lớn cười ha ha ha rất đểu mà rằng:

- “Mày nghĩ trên đời này chỉ có mày biết nói láo là tài thôi hả? 

Sao mày nổi danh nói láo mà ngây thơ thế... 

Với chốn quan trường không những nói láo mà còn làm láo nữa con ạ. 

Đánh cho mày nhớ đời..."

- 😂😂😂!

NGUYỄN QUANG LÂM. 

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Chia sẻ : 4 BỐN CÁI LƯỜI... - Bs Trần Minh.

 


4 cái "LƯỜI" của NGƯỜI SỐNG THỌ.

1.. “Lười” tức giận Cảm xúc có liên quan mật thiết đến sức khỏe, thường xuyên tức giận sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi tức giận, cơ thể sẽ tiết ra những chất có hại, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe gan. Ngoài ra còn dễ làm tăng huyết áp, khiến chúng ta dễ mắc bệnh cao huyết áp. Những người sống thọ “lười” tức giận, mỗi ngày họ đều giữ thái độ lạc quan vui vẻ, như vậy sẽ có thể kéo dài tuổi thọ. 2. “Lười” lo âu Cuộc sống ngày nay có rất nhiều áp lực, mọi người thường lo âu khá nhiều vấn đề, mà việc phiền não quá nhiều dễ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, dẫn đến hiện tượng mất ngủ. Nếu chúng ta không ngủ đủ sẽ dễ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ. Vì vậy nếu muốn sống thọ và khỏe mạnh hơn, thường ngày nên ít nghĩ ngợi lo âu, cố gắng ngủ đủ. 3. “Lười” ăn nhiều Ăn quá no sẽ tạo thành gánh nặng cho hệ tiêu hóa, nếu ăn quá nhiều lâu ngày sẽ gây hại cho cơ thể, dẫn đến nhiều căn bệnh về đường ruột, dạ dày. Hơn nữa nếu mỗi bữa đều ăn quá no sẽ nhanh chóng bị béo phì cũng như dẫn đến các bệnh cao huyết áp, đường huyết cao và mỡ máu cao, từ đó ảnh hưởng đến tuổi thọ. Những người sống thọ thì khác, họ “lười” ăn nhiều, mỗi bữa chỉ giữ ở mức no 7-8 phần là đủ rồi. 4. “Lười” sốt ruột Thực ra, người hay sốt ruột, lo lắng thường dễ bất an, tâm trạng thường lệch khỏi trạng thái cân bằng, làm việc thường hay nóng vội, tính khí cũng trở nên thất thường. Sau khi bước vào tuổi trung niên, xương cốt sẽ dần lão hóa, nếu bình thường đi bộ khá nhanh và gấp gáp sẽ dễ ngã, va chạm vào những đồ vật khác. Vì vậy khi lớn tuổi cần “lười” sốt ruột, đi bộ chậm rãi, như vậy sẽ tránh được té ngã và kéo dài được tuổi thọ. Không chỉ vậy, vận động cũng là điều rất quan trọng không thể thiếu đối với tuổi thọ, chúng ta nên tập thói quen vận động mỗi ngày, nhờ vào việc luyện tập sẽ giúp kích thích mỡ nội tạng tiết ra nhiều adiponectin.

Bs TRẦN MINH.

Ngẫm : GIỜ KỴ... - Trần Thanh Cảnh (fb)

 



GIỜ KỴ CHO VIỆC HỌC!

Xưa tôi thỉnh thoảng vẫn bị các cụ mắng vì tội ham mê quá mà ngồi đọc sách cả lúc xẩm tối. Theo các cụ, đọc sách lúc gà lên chuồng không những chẳng tiếp thu được gì, mà nó còn làm ngu người đi, "không ai lại đi học hành, đọc sách lúc gà lên chuồng cả!"

Gà lên chuồng, là giờ Dậu, theo cách tính xưa. Tức là vào 17h đến 19h (từ 5h chiều đến 7h tối). Nếu bạn để ý, lúc ấy lũ gà rủ nhau về chuồng và đờ đẫn, quáng quàng lăn ngay vào giấc ngủ, "ngủ gà ngủ gật!

Còn theo y sinh học hiện đại, cơ thể con người ta sau một ngày học tập, làm việc đến cuối ngày, giờ Dậu, mọi áp lực, stress...dồn vào, khiến người ta mệt mỏi. Mệt mỏi từ cơ thể đến thần kinh. Nên cần phải nghỉ ngơi thư giãn...

Bởi vậy, người ta đã rút ra kinh nghiệm: không trao đổi với nhau những việc hệ trọng vào khoảng 5- 7h chiều (giờ Dậu), rất dễ nổi nóng, cãi nhau, xung đột, đổ vỡ...

Với học sinh thời nay, cả ngày bị thày cô nhà trường nhồi nhét, vậy mà tầm giờ Dậu tan trường, nhiều cháu lại bị bố mẹ 'tranh thủ' tống vào các lớp học thêm! Tôi đã từng chứng kiến cháu học sinh tiểu học, tan trường 4h30 chiều, 5h00 phải đi học thêm tiếng Anh, 6h00 đi học tiếp thêm môn Toán...Tôi dám chắc chắn rằng, trong những buổi học thêm đó, cháu không được chữ nào vào đầu!

Cơ thể con người bao gồm cả trí não, là một bộ máy tinh vi. Nhưng nó hoạt động theo một chu kỳ quy luật được thiết lập sẵn: hoạt động- nghỉ ngơi- hoạt động...Cái này người ta đúc kết gọi là "nhịp sinh học"!

Lao động, học tập tuân theo nhịp sinh học sẽ đạt hiệu quả cao. Ngược lại, mọi cố gắng đi trái nhịp sinh học đó, sẽ trở nên vô ích!

Kinh nghiệm của các cụ xưa, kết hợp với kiến thức y sinh học hiện đại đã cho thấy, cái giờ Dậu, đúng là nên chỉ để nghỉ ngơi thư giãn phục hồi sức khỏe. Đừng làm gì khác vào cái giờ "gà lên chuồng" đó!

Thực sự, nếu nhà trường nào, thày cô giáo nào mở lớp, bắt học sinh tới học vào cái giờ Dậu (17h- 19h), chính là những kẻ "vô giáo dục" hạng nặng! Các phụ huynh, hãy biết và thẳng thắn tẩy chay!

Vì, xin nhấn mạnh lần nữa: ĐI HỌC VÀO CÁI GIỜ GÀ LÊN CHUỒNG CHỈ TỔ NGU THÊM MÀ THÔI!

TRẦN THANH CẢNH (FB) 

Nghệ sĩ HUỲNH THANH TRÀ - Việt Luận (FB)

 


(Ảnh trên : xưa. Ảnh dưới : nay)


NGHỆ SĨ HUỲNH THANH TRÀ ĐÓNG LOAN MẮT NHUNG GIỜ RA SAO?

Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà vừa vào sống tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh). Trước đó, ông là diễn viên nổi tiếng ở sân khấu kịch, đồng thời gây chú ý với vai diễn trong phim 'Loan Mắt Nhung'.

Huỳnh Thanh Trà từng là gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch, diễn ăn ý với kỳ nữ Kim Cương

Tốt nghiệp lớp đào tạo nghệ sĩ sân khấu cải lương tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn nhưng Huỳnh Thanh Trà lại bén duyên với công việc diễn xuất. Tên tuổi của ông được chú ý khi đóng phim Loan Mắt Nhung của đạo diễn Lê Dân.

Từ bước đệm này, Huỳnh Thanh Trà đầu quân cho Đoàn kịch nói Bông Hồng (của Thẩm Thúy Hằng), sau đó là Đoàn kịch nói Kim Cương (của Kim Cương). Ông tiếp tục có cho mình nhiều vai diễn thành công trong vở Vực Thẳm Chiều Cao, Lá Sầu Riêng, Lôi Vũ…

Mới đây, Huỳnh Thanh Trà chuyển vào Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè để sinh sống cùng các nghệ sĩ như Mạc Can, Diệu Hiền… Diễn viên phim Loan Mắt Nhung vẫn giữ vẻ phong độ, dù đi lại khó khăn. Ông hào hứng nói về nơi ở mới: “Sống tại đây thì thoải mái và tiện nghi”.

Huỳnh Thanh Trà có hai người em, một trai một gái. Trước khi vào Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, ông sống nhờ nhà em gái ở Sài Gòn. Nam nghệ sĩ trải qua ca phẫu thuật vì thoát vị đĩa đệm ở cổ và lưng. Sau khi mổ, Huỳnh Thanh Trà đi lại khó khăn. Dù vậy, ông vẫn giữ sự lạc quan khi trò chuyện với mọi người.

Huỳnh Thanh Trà cho biết sau khi tốt nghiệp, ông miệt mài với nghề cho đến khi Đoàn kịch nói Kim Cương tan rã thì nghỉ hẳn. Nam nghệ sĩ nói bây giờ ông không nghĩ nhiều về công việc diễn xuất vì thấy mình không còn sức khỏe tốt. Sao phim Loan Mắt Nhung tâm tình: “Nghề này thì phải có sức khỏe mới làm được”.

Theo nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà, cát sê của nghệ sĩ hồi trước không quá cao. Nam diễn viên nhớ lại: “Tôi từng hoạt động ở đoàn Bông Hồng của Thẩm Thúy Hằng, đến năm 1979 mới sang đoàn của Kim Cương. Hồi đó lương cao nhất là 10 đồng, mà phải chẻ ra cho tiền son phấn, tiền khám sức khỏe… Ngày xưa làm nghề vất vả nhưng vui lắm”.

Nhắc đến Nghệ sĩ Kim Cương, nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà dành những lời có cánh. Diễn viên thủ vai Chu Phác Viên trong vở kịch Lôi Vũ cho hay: “Phải làm sao để khai thác bí quyết điều hành đoàn của Kim Cương. Ông Năm Châu nói: “Người nào có tội không cần xử đâu, cho làm bầu một thời gian thôi”. Thành ra Kim Cương làm rất hay, đối với anh em đâu ra đó đàng hoàng. Đoàn nghỉ từ năm 1997 nhưng đến bây giờ anh em cũng liên lạc và nghĩ đến chị. Đúng là một người nghệ sĩ chân chính”.

THẠCH ANH

Truyện rất ngắn : VỀ CHỖ - Phạm Ngọc Tiến.

 


VỀ CHỖ

(Truyện cực ngắn)

Gã hoan hỷ cầm tờ xét nghiệm rời khỏi cổng bệnh viện. Tờ giấy như lệnh ân xá cho hắn thoát khỏi án tử. Chả là gã bị nghi ung thư não nhưng hóa ra đếch phải. Vừa dắt xe ra khỏi bãi gửi thì có tiếng gọi giật giọng.

-Ê xe ôm.

Suýt phì cười vì sự nhầm lẫn, nhưng gã đang vui nên chấp nhận nghề nghiệp đột xuất này. Một trung niên kém gã cả chục tuổi ăn mặc lối thôn xóm nhàu nhĩ duy có khuôn mặt là lanh lẹ và có phần lấc cấc.. 

-Anh đi đâu?

-Đưa tao đến bệnh viện Việt Đức.

Hơi chững lại vì nhân xưng xách mé nhưng thôi chấp gì, tiện cùng tuyến đường giúp người cũng được. Gã đưa chiếc mũ bảo hiểm vẫn dùng để chở con gái đi học cho người kia. Chiếc xe lướt đi. Hết giờ cao điểm nhưng đường vẫn kịt người. Trung niên có lẽ vì vội nên giục giã chỉ đạo liên tục. Ngôn ngữ loạn xị ngậu gắt gỏng và thô tục có phần hỗn hào. Gã đã thấy nóng gáy nhưng đã trót thì đành phải theo. Cuối cùng thì cũng đến đích. 

-Bao nhiêu tiền?

-5 ngàn.

-Sao rẻ thế?

-Tiền xăng thôi mà anh.

Người kia đưa ra tờ bạc 5 ngàn chân đã dợm bước. Gã búng tay rất nghệ.

-2 trăm ngàn nữa.

-Tiền gì?

Anh ta sửng sốt trợn mắt. Gã thong thả tháo chiếc mũ bảo hiểm để lộ ra cái đầu trọc lốc. Lại vén tay hé ra bông hoa hồng xăm hồi quân ngũ. 

-Tiền phục hồi nhân phẩm. Nãy giờ mày coi tao như kẻ hầu người hạ nhà mày. Chưa kể tao già như này mà mày đồng hạng. Hiểu chưa?

Người trung niên run cầm cập.

-Em xin anh. Con em đang ốm, vội đi lấy thuốc nên trót lỡ miệng. Anh thương em nghèo khó…

Gã phẩy tay.

-Dù có ở hoàn cảnh nào, là ai thì cũng phải tôn trọng người khác. Mày nghèo khổ còn thế này nếu giầu có quyền chức thì còn coi người khác cỏ rác đến đâu. Lên xe.

-Lên xe?

-Phải. Tao không cần lấy tiền của mày.

-Nhưng anh đưa em đi đâu ạ?

-Về chỗ của mày.

-Anh….

-Lên xe!

Gã phanh xe trước cổng bệnh viện, nơi cách đấy ít phút gã hoan hỉ đọc tờ xét nghiệm. Người trung niên thần người nhìn theo gã. Một chiếc xe máy trờ đến. Anh ta vẫy tay gọi từ tốn:

-Anh ơi, xe…..

PHẠM NGỌC TIẾN.


Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Thơ : TRONG CHIỀU BIỂN GIÓ - hathuthuy.

 



TRONG CHIỀU BIỂN GIÓ.

Muốn thả tóc bay trong chiều biển gió 

Cảm nhận được ngàn ve vuốt trùng khơi 

Để còn nghe hồn ngập tràn thương nhớ 

Về một thời yêu dấu đã xa vời.


Muốn dang tay ôm trọn nghìn giọt nắng 

Nhuộm trên đầu những ngọn sóng già nua 

Vẫn hồn nhiên dạt dào vào đá lặng

Thật nồng nàn ru đá giấc mênh mông.

hathuthuy

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Thơ : CÁNH PHƯỢNG HỒNG - Xuân Duyên.




 CÁNH PHƯỢNG HỒNG

Mưa tháng sáu buông mành qua lối nhỏ

Chiếc ô buồn theo giọt nước mưa sa

Áo ai trắng em bỗng hoá hiền hoà

Tôi cần lắm mắt em cười lúng liếng

Có dài không ôi cuộc đời miên viễn?

Em về đâu tháng sáu nhớ đầy vơi

Mênh mang quá phượng cánh hồng rơi nở

Để bây chừ hoa lá phải xa nhau

                 XUÂN DUYÊN - 6/1024

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Lời khuyên : THÀNH NGƯỜI BÌNH THƯỜNG! St trên FB.

 



THÀNH NGƯỜI BÌNH THƯỜNG! 

Mẹ bảo:

- Khi đi phải nhấc chân lên khỏi mặt đất, không kéo dép lẹt xẹt, mới là người THANH TAO.

- Khi nhai phải từ tốn, môi khép vào, không được chóp chép, không được húp sùm sụp, mới là người

LỊCH SỰ.

- Khi gắp thức ăn, không được xới tung lên chọn miếng mình thích, không được gắp miếng này lên bỏ xuống lại chọn miếng khác, mới là người BIẾT ĐIỀU và NHƯỜNG NHỊN

- Khi quét nhà phải quét sạch cả trên, dưới, trong,ngoài, mới là người CẨN THẬN, biết nhìn toàn cảnh chứ không cắm mặt biết mỗi lối đi.

- Khi quét sân, phải quét luôn đường đi trước cửa nhà mình và tiện tay quét luôn cho nhà hàng xóm để tất cả cùng sạch mới là người CÓ TRÁCH NHIỆM với cộng đồng.

- Khi làm lỗi phải biết dũng cảm nhận lỗi, xin lỗi, sửa chữa mới là người biết HƯỚNG THIỆN.

- Khi chưa biết phải hỏi, khi dốt phải học, không được dấu dốt, và lắng nghe khi người khác chỉ dạy, mới là người KHÔN NGOAN và HIỂU BIẾT.

- Khi thấy người ta không biết thì phải chỉ dạy mới là người ĐÀNG HOÀNG

- Khi thấy người ăn xin, cơ nhỡ phải biết chia sẻ, giúp đỡ mới là người biết YÊU THƯƠNG.

- Khi thấy người sa cơ phải nhận sự giúp đỡ của mình, không được hỏi về quê quán và GIÚP NGƯỜI mà không để người ta có cảm giác hàm ơn.

Tôi hỏi mẹ, “Nếu con làm được tất cả những điều mẹ dạy thì con thành người như thế nào?”

Mẹ cười, “THÀNH NGƯỜI BÌNH THƯỜNG.

St trên FB. 

Bên ngoài : BỨC TƯỜNG UỐN ÉO - St trên FB.

 



BỨC TƯỜNG UỐN ÉO. 

Ở trên đời bất cứ cái gì cũng có lý do của nó cả, người mềm mỏng linh hoạt thích nghi với thời thế như dòng nước chảy thì vẫn có cuộc sống phát triển dễ dàng hơn người cương trực thẳng thắn như một hòn đá.

Đây là bức tường có tên gọi như crinkle crankle wall, crinkum crankum, serpentine, ribbon, wavy wall, xây hình lượn sóng uốn éo này ở Anh từ những năm 1600s không phải được xây cho vui, mà là một ứng dụng hiệu ứng vòm trong vật lý.

Nếu như xây một bức tường thẳng chỉ một lớp gạch như vậy thì rất dễ đổ sập, nhất là khi bị va chạm mạnh, còn xây uốn éo thế này thì sẽ chắc chắn đứng vững lâu bền hơn với thời gian, không cần cột và móng nên tiết kiệm được nguyên vật liệu so với làm tường thẳng mà phải xây thêm cột cốt thép với móng sâu hoặc phải xây ít nhất hai lớp gạch mới vững nổi, còn giúp bảo vệ cây xanh trồng gần không chặn rễ cây và chắn gió bão cho cây tốt hơn, tường sẽ bảo vệ cây và cây cũng sẽ giữ chắc đất bảo vệ lại tường. Hãy tự kiểm chứng với một tờ giấy 📄 gấp ziczac uốn lượn sẽ đứng vững mà còn đặt vật nặng lên được, còn tờ giấy thẳng thì không. Còn tốn diện tích đất ư ? Họ đâu có quan tâm, vì trong mắt họ đất vẫn cứ ở đó thôi chứ có biến mất đi đâu đâu mà tốn.

Sưu tầm trên FB. 

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2024

Chuyện xưa : BA TĂNG - Tcheou.

 



"BA TĂNG" 

Đầu thập niên sáu mươi, gia thế khó khăn, má tôi định mở tiệm cà phê & điểm tâm để đắp đổi qua ngày. Ba tôi nói, muốn buôn bán phải mần sao cho hợp pháp, tức phải có "ba tăng" (môn bài) đàng hoàng, đừng để người ta mần khó dễ. Má tôi lên nhà "đoan", gần bót "sit dèm", nói..., ý muốn bán tiệm cà phê.

Nghe xong họ biểu cho địa chỉ để xuống dòm địa thế rồi mới cấp "ba tăng".

Mấy bữa sau có hai người nhơn viên của Nhà "đoan" xuống. Một người đờn ông và một người phụ nữ trẻ, ăn mặc tươm tất, đi đứng nói năng lịch sự lắm. Họ đi xung quanh tiệm, kéo thước đo, vô tiệm dòm một hồi rồi lắc đầu . 

"Sao Cô -Chú ?".

 Má tôi hỏi. Người phụ nữ trả lời :"Tiệm bà nhỏ quá, dưới năm chục thước vuông, mà không có chỗ cho thực khách rửa tay nữa nên không cần "ba tăng". 

Coi bộ hổng xong,má tôi xuống nước năn nỉ : 

"Nhờ Cô -Chú thương tình , tôi một chục đứa con nên mở tiệm sanh nhai qua ngày , nếu hổng cho bán chắc . . ." 

Người đờn ông đỡ lời : 

"Dạ hổng phải dị (vậy). Hổng cấp "ba tăng" bởi tiệm bà nhỏ quá, kê có mấy cái bàn,  hổng đủ sở hụi, tiền đâu đóng "ba tăng" nên bà cứ buôn bán mà hổng cần "ba tăng" ba tiếc gì hết. Coi ngày đi rồi buôn bán, mần ăn, chúc bà buôn may bán đắt, xin kiếu". 

Nói xong họ bỏ về. Má tôi cám ơn rối rít, không kịp mời nước họ nữa. Suốt mấy chục năm trời, không đồng bạc thuế. Nhờ cái tiệm nước nho nhỏ, anh em tôi được khôn lớn . . .

Hơn năm chục năm sau, ngồi nghĩ lại thấy ứa nước mắt. Cũng con người với nhau mà cách cư xử sao cách trở muôn trùng . . .


TCHEOU.


Thư giãn : TÌM RA NGUỒN GỐC - St trên FB.

 




TÌM RA NGUỒN GỐC. 


    Một đoàn khách đi du lịch, đến giờ ăn tối họ vào một nhà hàng...

Cô hướng dẫn viên người địa phương giới thiệu:

- Hôm nay chúng ta thưởng thức món vịt quay Bắc Kinh. Tại một nhà hàng lớn cũng ngay tại Bắc Kinh... .

Một vị khách nam đứng lên nói:

- Tôi có biệt tài đoán con vịt nào đúng vịt Bắc Kinh, con vịt nào không phải.

Cô hướng dẫn viên phấn khởi:

- Vậy mời quý khách lên thử, nếu đúng sẽ yêu cầu nhà hàng sẽ tặng quý khách món quà đặc biệt!

Vị khách đứng dậy cầm con vịt lên ngửi vào phao câu và nói:

- Con này không phải, con này là vịt Quảng Đông !

Vị khách cầm con vịt khác lên ngửi phao câu và nói:

- Còn con này là vịt Quảng Tây!

Tới con thứ ba, vị khách reo lên:

- Con này mới đúng là vịt Bắc Kinh !

Nhân viên nhà hàng cảm phục trước tài nghệ của vị khách. Cả đoàn vỗ tay tán thưởng và ăn uống một cách vui vẻ. Cô hướng dẫn viên trao cho vị khách món quà của nhà hàng như đã cam kết.

Buổi tối, khi về khách sạn, chuẩn bị lên giường đi ngủ thì thấy có tiếng gõ cửa. 

     Vị khách ra mở cửa thì thấy cô hướng dẫn viên xin vào và nói :

- Thưa chú, cháu lưu lạc sang xứ người từ nhỏ và không biết gốc gác, quê hương nên không tìm được lại người thân, mười mấy năm nay nhớ nhà nhớ gia đình, hôm nay thấy chú chỉ cần ngửi phao câu là biết gốc gác con vịt đó ở đâu cháu mừng quá nên mới nhờ chú ngửi ....... giúp xem quê cháu ở đâu ạ?

St trên FB.