Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

GIA ĐÌNH - Nguyễn Thị Thêm

Gia đình là tổ ấm, là cái nôi để tạo thành xã hội. Gia đình tôi neo đơn lắm. Khi chồng tôi đi học tập cải tạo về thì nhà chỉ có mẹ chồng, con dâu và 2 cháu nội gái. Một gia đình có bà mẹ già nay đau mai yếu, một con dâu người Nam chả biết ruộng đồng, hai đứa cháu gái còn nhỏ cần chăm sóc. Cái  gia đình tội nghiệp dẫn nhau về quê. Nói theo kiểu người ta hay mai mỉa” Cóc chết ba năm mới quay đầu về núi”

Thế nhưng đây là nơi chôn nhau cắt rốn từ bao đời nhà chồng tôi, nên chúng tôi sống trong sự bảo bọc của họ hàng và gần gũi trong tình làng nghĩa xóm.

Nhà tôi nằm trong một mảnh đất của ông nội chồng để lại. Một nửa của người chú chồng, một nửa là của cha chồng tôi. Căn nhà của cha mẹ chồng tôi đã tan nát vì chiến tranh, chỉ còn một phần chái bếp xây bằng gạch, nhà trên được che chắn tạm thời bằng tôn và rất đơn sơ. Chúng tôi tháo dở căn nhà tại Đà nẵng và về đây dựng lại thành một căn nhà khá khang trang với 3 phòng ngủ và một phòng khách khá rộng. Gian giữa nhà là nơi thừa tự. Bàn thờ được trang trọng với 3 tầng bát hương, tôi không biết là của  ai vì nhiều quá. Bàn thờ được chia cách bên ngoài bằng một tấm màn khá to. Bên trong là phòng thờ chỉ được mở ra vào những ngày cúng kỵ. Bên ngoài là một bàn nước để tiếp khách và cũng để mâm cỗ cúng mỗi khi có việc.

Mẹ chồng tôi rất coi trọng những bát hương. Có năm lụt lội, vì phải dọn dẹp sau khi nước rút, tôi đã để không đúng chỗ một bát hương. Thay vì phải để tầng dưới tôi lại đặt ở tầng trên. Mẹ chồng tôi bị đau một trận rất nặng. Sau cùng bà coi lại bàn thờ và đổi chỗ lại, bệnh bà mới thuyên giảm.

Tôi không biết đúng hay sai, nhưng đó là niềm tin cho nên tôi không dám làm gì sai trái hay đùa nghịch ở bàn thờ tổ tiên.

Mẹ chồng tôi là một phụ nữ kiên cường và giỏi giang. Bà góa chồng sớm nhưng vẫn ở vậy lo cho cha mẹ chồng và nuôi đàn con khôn lớn.

Dưới mắt tôi bà là một người phụ nữ tuyệt vời. Một người con dâu hiếu thuận, một người vợ thủy chung. Một người mẹ đã hy sinh bản thân mình vì con cái.

Tôi không phải đứa con dâu trong mong ước của mẹ chồng. Bà luôn muốn chồng tôi cưới một trong số những cô gái trong làng chung học với con bà.

Nhưng định mệnh đã khiến tôi về nơi này, làm dâu bà và là một cái gai trong đôi mắt nhiều người dân làng sau cơn hồng thủy.

Tôi với bà là hai thái cực, khác nhau về cả tiếng nói, nhưng trong tim cả hai mẹ con đều có một cái chung là hình ảnh chồng tôi.

Bà không muốn bị người ta chê cười là đã cưới một cô con dâu miền Nam chẳng làm được tích sự gì. Nên bà bắt tôi phải làm thật nhiều, thật tốt cho thiên hạ thấy con bà chọn đúng người. Tôi vì vậy không có một chút ngơi nghỉ, đôi lúc có cảm giác bị đày đọa, uất ức . Nhưng sau đó nghĩ lại bà có cái lý của mình và tôi cũng phải đứng lên kiên cường mà sống.

Tôi tự nghĩ :Tạo cho mình một trình độ  học thức thì khó chứ làm việc chân tay thì lâu ngày sẽ quen, không có gì khó khăn. Và tôi đã làm được,  làm rất tốt vai trò của một người con dâu. một xã viên hợp tác xã nông nghiệp.

Má chồng tôi  là một bà má chồng tốt, bà dang đôi tay bảo vệ con dâu khi có ai ăn hiếp. Bà thương cảm cho con dâu và sẳn sàng cho tôi về Nam để cuộc sống bớt khổ. Bà là người mẹ thứ hai của tôi đã cho tôi thấy sự cương nghị  quyết tâm và hy sinh  của một người mẹ..

Năm 1970 má chồng tôi lần đầu tiên bỏ làng vào Nam để cưới vợ cho con và ở  lại Biên Hòa lập nghiệp. Bà sang lại xe sinh tố và bán trước rạp hát Biên Hùng. Bà gom góp mua nhà để ổn định đời sống. Khi chồng tôi vì lệnh phải đổi ra Đà Nẵng. Bà giao nhà cho con gái để ra Đà Nẵng theo con và bắt tôi phải thuyên chuyển theo chồng. Chúng tôi lại mua nhà dự định chọn Đà Nẵng là nơi dừng chân. Chiến tranh càng ngày càng quyết liệt và không ngờ đã kết thúc vào tháng 3/75 tại Đà Nẵng. Bà mừng rỡ khi con trai an toàn về nhà. Chúng tôi đã đinh theo làn sóng người xuống tàu vào Sài gòn... . Nhưng bà kiên quyết ở lại với mồ mả tổ tiên. Thôi vì chữ hiếu chúng tôi đành chịu thua và ở lại theo bà. Chúng tôi tháo nhà về lại làng quê Câu Nhi. Nhưng không ngờ chồng tôi bị đi cải tạo, ra tận miền Bắc rừng thiêng nước độc 8 năm trời. Vì tôi đã vào Nam nên mẹ chồng tôi đã thay thế thăm nuôi và thuốc men cứu chồng tôi khỏi bệnh sốt rét rừng tưởng đã chết.

Khi chồng tôi ra trại một lần nữa bà bỏ làng quê theo con vào Nam sinh sống. Một người đàn bà sống chết vì hương khói nhà chồng, đành bỏ tất cả để theo con thêm một lần thứ hai.

Lúc chúng tôi làm hồ sơ xuất ngoại, má chồng tôi như đứng trước ngã ba đường. Đâu có ai biết đi Mỹ còn có ngày về thăm. Bà già đi trông thấy. Bệnh này chồng lên bệnh kia. Cuối cùng ôm cháu nội vào lòng bà khóc:

- Thôi mạ đi theo các con, các cháu. Con làm giấy tờ, chúng ta cùng đi Mỹ.

Ngày chúng tôi chính thức được phái đoàn phỏng vấn cho phép xuất ngoại. Bà vừa mừng vừa lo. Bà muốn một lần về lo cho mồ mã trước khi lên đường. Bà đã khóc nhiều lắm, đau khổ nhiều lắm. Nhưng quan niệm " Phu tử tòng tử" Chồng chết là phải theo con khiến bà có đủ sức mạnh vượt qua sự đấu tranh tư tưởng trong bà.

Đến Mỹ, nhờ khoa học tiến bộ phát hiện bà bệnh tiểu đường, tim mạch.

Suốt mấy năm dài, cứ cách một ngày là bà phải đi đến trung tâm lọc máu vì thận bà không còn hoạt động. Mặc dù bệnh nhưng lúc nào cũng lo lắng cho con trai. Bà luôn coi chồng tôi như một thằng bé con cần chăm sóc. Phải dọn cơm cho chồng tôi ăn rồi bà mới chịu ăn cơm. Một bà mẹ già chỉ còn da bọc xương mà luôn hỏi con mình : 'Răng, mi có khỏe không?" nghe thật thảm.

Những ngày cuối đời, bà ao ước một lần về trên mảnh đất quê nghèo để tìm lại bao nhiêu kỷ niệm. Bà muốn nằm xuống nơi quê nhà có cha mẹ, anh chị đã vùi nắm xương tàn. Thế nhưng sức khỏe không cho phép, nên khi bà mất đi chúng tôi mang tro cốt bà về chôn nơi đất gia tộc, cùng chung lăng mộ với  cha chồng tôi.

- Làm dâu khổ lắm ai ơi!

Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.

-Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Những câu ca dao trên đã nói lên tâm trạng của tôi những ngày về quê chồng làm dâu. Chiều chiều nhìn ra con sông Ô Lâu nhớ con sông Đồng Nai tha thiết. Nhớ chiếc đò máy đưa khách từ chợ Biên Hòa về lại Hóa An. Nhớ rạp hát Biên Hùng những giờ vãn hát. Khách đông ơi là đông. Nhớ ngôi trường Ngô Quyền, nhớ thầy cô, bạn bè. Nhớ lắm , nhớ muốn khóc, nhớ nghẹn lời.

Nhìn ruộng đồng một màu lúa trỗ vàng bông nhớ con đường về Phước Thiền hai bên ruộng lúa chín vàng bát ngát. Nhớ chiếc xe ngựa lọc cọc chở mấy anh em về ngoại. Nhớ ngôi trường Long Thành , nhớ những ngày hè rũ nhau đi ăn dưa gang, đi hái chôm chôm....

Nhìn mẹ chồng tôi hàm răng đen không hề sứt mẻ lại nhớ mẹ mình rụng răng ăn trầu ngoáy cái miệng chúm chím dễ thương.

Nhìn đâu cũng thấy nhớ nhà,

Núi cao, sông rộng nẽo xa nghìn trùng.

Mẹ chồng tôi mất tối 30 Tết trong một bệnh viện của thành phố Riverside. Tôi hôn bà lần cuối với tất cả tình yêu thương của một người con gái.

Mệ ơi! bây giờ con thay mặt các O hôn mệ lần cuối. Hãy coi như con là con gái của Mệ. Con cám ơn Mệ đã chấp nhận và yêu thương con. Con cám ơn Mệ đã che chở cho con, dạy dỗ con để con chân cứng đá mềm vượt qua mọi thử thách và khó khăn trong đời sống.

Con yêu kính Mệ và nhớ vô cùng làng quê Câu Nhi, chợ Mỹ Chánh, con sông Ô lâu và tất cả những vui buồn ở một nơi con đã gọi là QUÊ CHỒNG.

NGUYỄN THỊ THÊM.

12/11/14

4 nhận xét:

  1. Bài viết thật xúc động. Chị Thêm là một mẫu người phụ nữ Việt Nam rất đáng kính phục. Cám ơn chị Thêm đã viết thay cho những người phụ nữ VN cùng hoàn cảnh, cùng trải qua những thăng trầm của cuộc sống từ chốn quê nhà đến nơi đất khách. Cám ơn anh Huê đã post một bài viết hay.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn HBP đã vào thăm MỘT CHÚT HƯƠNG XƯA... . Một nơi rất mộc mạc đơn sơ... . Vì muốn tạo... bất ngờ nên đã đưa bài vào nhưng... . Xin chị T và HBP thông cảm nghe... .

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay, chân chất. Đúng là dân Biên hòa quê tôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HVH đang tìm ý để họa lại bài thơ của Sang rồi sẽ đăng lên luôn. :-)

      Xóa