Bạn có biết bằng cách nào mà người ta có thể cho một quả ổi, táo, lê… vào trong chiếc chai để ngâm rượu không? Cậu bé lớp 1 trong câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi này!
Vừa qua, trên trang Webtretho, tài khoản Dangvi201 đã chia sẻ câu chuyện cậu bé sắp bước vào lớp 1, cùng mẹ đến công ty chơi và đã khiến cả sếp lẫn nhân viên ở đây phải “ngã mũ” khâm phục trước câu lời đầy sức thuyết phục. Câu chuyện được chia sẻ lại như sau:
Hôm qua con được nghỉ học nên em dẫn trai chuẩn bị vào lớp 1 lên công ty chơi. Vừa đúng lúc chị sếp up tấm hình này lên facebook và đố mọi người: Làm sao để nhét trái ổi này vào cái chai?Tất cả mọi người trong phòng nhốn nháo đi tìm câu trả lời và ấn tượng với một vài giải pháp vô cùng sáng tạo của một fbker:
– Dùng dao kim cương cắt bỏ đít chai nhét trái ổi vào sau đó hàn lại đổ rượu vào…
– Dùng phép thần thông của Tôn Ngộ Không đẩy vào….
Hahaha… mỗi đáp án đưa ra là một tràng cười đầy sảng khoái cho tất mọi người trong phòng trong buổi sáng đầu ngày, vẫn không có câu trả lời nào thuyết phục. Bỗng thằng con trai em la lên:– Bỏ 1 hạt ổi vào sau một thời gian nó mọc thành cây, ra hoa kết trái, trái ổi to như trong hình… sau đó đổ rượu vào cái cây sẽ tèo mình lấy cái cây ra và còn lại trái ổi…
– Con biết rồi?
– Biết sao? – Mọi người đồng thanh hỏi
– Dạ, trái ổi lúc nó còn nhỏ á, mình cho vào cái chai và từ từ nó lớn lên xong mình hái trái xuống, đổ nước vô cái chai
Câu trả lời của con trai em khiến tất cả mọi người trong phòng đều đứng hình và công nhận có lý. Sếp em thì cứ tròn mắt nhìn con em rồi xuýt xoa khen (câu trả lời chính xác của sếp em ở cuối bài ạ):
– Con quá giỏi, quá thông minh. Mà vì sao con biết điều này, con đã nghe ai nói rồi hả?
– Dạ không ạ!
– Thế vì sao con lại nghĩ ra?
– Dạ vì hôm bữa mẹ có cho con xem hình con rùa bị sợi dây mắc ngang lưng khiến nó không lớn lên được, người cứ như bị chia đôi ra. Mẹ giải thích là lúc con rùa còn nhỏ, nó bị sợi dây mắc vào không ai giúp nó gỡ ra, cứ thế nó lớn dần lên với sợi dây buộc ngang bụng. Tự nhiên khi nãy nhìn hình trái ổi con bỗng nghĩ đến con rùa và con trả lời.
– Quá giỏi luôn, hôm nay cô thưởng cho con ăn gà rán nha!
Bà mẹ trong câu chuyện này cũng chia sẻ lại bí quyết dạy con của mình trước sự ngưỡng mộ của các đồng nghiệp, chị nói:
Thật ra em cũng không có bí kíp gì, một phần là tư chất thông minh con có sẵn, còn phần khác là do em:
+ Thường xuyên đọc chuyện, kể chuyện cho con nghe từ lúc con 3 tuổi. Khi con lớn thì mua sách cho con đọc, khuyến khích con đọc sách mỗi ngày chừng 15 – 30 phút. Em hay đưa con đi nhà sách lắm và cho con mua bất cứ loại sách gì con thích miễn là phù hợp với tuổi con.
+ Dành thời gian xem tivi cùng con, giải thích cho con cặn kẽ những gì con vừa thấy, vừa nghe. Ví dụ vụ con rùa. Em mở hình lên cho con xem, giải thích cho con hiểu vì sao con rùa lại bị như thế, xong sau đó nói đến vấn đề rộng hơn là việc bảo vệ mọi trường, không vứt rác thải bừa bãi như thế vừa khiến môi trường bị ảnh hưởng, vừa tội nghiệp những con vật khác không thể tự bảo vệ mình.
+ Không bao giờ từ chối bất cứ câu hỏi nào của con. Với bất kỳ câu hỏi nào của con em đều ngừng việc của mình lại trả lời. Câu nào biết thì trả lời, không biết hẹn lại trả lời sau, hoặc 2 mẹ con cùng tìm hiểu cho kỳ được mới thôi. Không bao giờ em nói không với con đâu ạ!
+ Giúp con phát huy khả năng tưởng tượng, sự liên tưởng. Với mỗi câu chuyện kể cho con, bao giờ em cũng đặt ra rất nhiều giải thuyết để con suy nghĩ và trả lời. Còn sự liên tưởng, xung quanh có rất nhiều cái ạ, các mẹ cứ chỉ vào bất cứ gì đó và hỏi con nhìn nó con liên tưởng đến gì, hoặc kể cho bé nghe một tình huống rồi hỏi bé xem sự việc đó giống với sự việc nào con đã từng thấy, từng biết. Nếu các mẹ chịu khó rèn con như vậy, khả năng liên tưởng, tư duy của con sẽ tốt lên từng ngày.
Giải đáp cho câu đố “Làm sao để nhét trái ổi vào cái chai?”. Thật ra, trái ổi non trên cây được người ta cho vào chai, treo luôn chiếc chai ở đó. Tới lúc trái ổi lớn và chín thì người ta cắt xuống, rửa sạch rồi cho rượu vào ngâm. Kỹ thuật này được khá nhiều người dân áp dụng để làm những trái dưa hấu thỏi, bưởi hồ lô…
Bảo Nguyên tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét