Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Tản mạn EM TÔI - Hát Bình Phương.



EM TÔI
 em toi

Mùa đông đã về trên cao nguyên tình xanh Seattle. Trời rất lạnh nhưng cây mai Mỹ trước sân nhà đã hé nụ. Tôi miên man nhớ về đứa em trai kế đã vĩnh viễn rời xa tôi vào mùa đông năm 2007.

Má tôi sanh em khi tôi được năm tuổi. Cái tuổi cần có một đứa em nhỏ để âu yếm và nựng nịu. Anh tôi lớn hơn tôi một tuổi và có những đứa bạn trai để chơi chung nên không cần đến tôi. Có khi anh còn tranh giành với tôi vì tôi được ba má nuông chìu hơn.

Ba má tôi ở Sài Gòn còn anh em tôi ở Biên Hòa với bà Nội và cô Hai. Thấy mẹ và chị cực với hai đứa con của mình nên ba má tôi không có ý định gởi em tôi về Biên Hòa như chúng tôi hồi nhỏ.

Sau khi sanh em, má tôi nghỉ buôn bán vài tháng rồi gởi em tôi cho một người giữ trẻ ở cùng xóm để đi bán trở lại. Lúc em tôi được hơn bốn tháng tuổi, cô tôi đi Sài Gòn để thăm ba má tôi. Lần đó cô có ghé thăm em tôi thì thấy em khóc nhiều và không được người ta chăm sóc chu đáo.

Thế là cô tôi nhất định đem em về Biên Hòa nuôi dưỡng vì thương cháu nhỏ. Từ đó tôi có thêm đứa em ở chung nhà. Bà Nội và cô cực nhọc thêm khi phải chăm sóc ba đứa cháu nội còn nhỏ. Nhờ vậy chúng tôi có một thời tuổi thơ ở chốn quê nhà Cù Lao Phố.

Lúc em còn nhỏ rất dễ nuôi, chỉ uống sữa Ông Thọ mà rất bụ bẫm dễ thương. Em không bị bệnh lặt vặt như anh tôi và tôi lúc nhỏ. Lúc nào em cũng vui cười nên ai cũng thương. Nhất là cái tên Hữu Phúc mà ba má đặt cho rất hiền lành, nhân hậu.

Theo thời gian, em lớn lên và rất ngoan ngoãn. Khi em vào học lớp năm cũng là lúc tôi rời trường tiểu học Hiệp Hòa để vào lớp đệ thất trường Ngô Quyền. Thế là hai chị em không được học chung một trường để tôi được dịp dẫn em đi học hàng ngày.

Rồi chị em cũng có thời gian gần gũi sau buổi học ở trường. Em thích chơi giỡn với tôi vì tôi biết chìu chuộng em. Còn anh tôi thích chơi với những đứa bạn cùng trang lứa nên ít chơi chung với em. Tôi thường giúp em làm bài tập ở nhà và em rất thông minh nên mau hiểu bài.

Khi tôi rời trường Ngô Quyền cũng là lúc tôi từ giã Biên Hòa để về Sài Gòn học Sư Phạm. Thỉnh thoảng tôi về Biên Hòa thăm Nội, cô và em. Chị em không còn gần gũi mỗi ngày như xưa, nhưng em luôn dành cho tôi tình thương mến.
Ra trường Sư Phạm, tôi về dạy ở trường Nam Thủ Đức và sống chung với ba má ở Sài Gòn. Rồi tôi lập gia đình cũng sống ở Sài Gòn. Thời gian chị em gần gũi ngày càng hiếm hoi hơn. Thuở đó chị em tôi đâu có điện thoại để liên lạc, biết tin nhau dễ dàng như bây giờ.

Năm 1978, em tôi ở trong hạn tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự. Tình hình chiến sự ở biên giới càng ngày càng sôi động nên em bị bắt buộc phải nhập ngũ. Em đóng quân ở vùng đồi núi Cát Tiên, tận trong rừng sâu thuộc tỉnh Long Khánh.
Ba má tôi đi thăm em một lần. Sau đó đến lượt cô Hai và tôi đi thăm em. Từ sáng sớm tinh mơ, cô cháu tôi phải đi chuyến xe sớm từ Biên Hòa lên Định Quán. Tới đó tôi phải chuyển sang chiếc xe tải nhỏ để đi đến bộ chỉ huy của đơn vị.

Sau khi kiểm tra giấy tờ, họ cho cô cháu tôi đi chung với một chiếc xe tải lớn chở đầy lương thực và muối đi từ bìa rừng vào sâu nơi đóng quân. Xe đi chậm chạp theo con đường đất đỏ lồi lõm và khúc khuỷu. Cô cháu tôi phải bám chặt vào thành xe để khỏi bị rớt xuống đất.

Chuyến đi thật là gian nan khi xe phải băng qua con suối nhỏ. Lần đầu tiên cô cháu tôi biết thế nào là băng rừng vượt suối. Cũng là lần đầu tôi thấy voi rừng, chim chóc và gà rừng trên đường đi. Cuối cùng thì phải đi xuồng băng qua một con sông rồi đi bộ một quãng đường dài mới tới nơi em ở.

Khi gặp em thì trời đã tối sẫm, em đi canh tác mới về. Gặp nhau, cô cháu tôi không ngăn được nước mắt khi thấy em ốm và đen, đầy vẻ phong trần. Em không dám khóc nhưng nước mắt lưng tròng. Tôi có cơ hội ăn chung với em một bữa cơm tập thể với bắp cải luộc và cá kho cùng nước muối. Thời đó thực phẩm ở ngoài còn hiếm hoi thì trong rừng sâu chỉ có muối để thay nước mắm.
Thấy em sống cực khổ nơi rừng sâu, cô cháu tôi nghẹn ngào rơi nước mắt nhưng biết làm sao bây giờ? Được gặp mặt em, thấy em còn bình an là mừng rồi. Sáng hôm sau cô cháu tôi từ giã em để trở về nhà bằng chuyến hành trình vất vả như lúc đi vào.

Em ở trong đội canh tác, chưa đến lượt đi sang chiến trường Campuchia thì chiến tranh biên giới kết thúc. Em giải ngũ sau mấy năm lính và trở về nhà bình an. Đó là niềm vui lớn của gia đình.
Em lập gia đình và có hai đứa con. Em vẫn sống ở Cù Lao Phố sau khi Nội và cô tôi mất. Chị em tôi thỉnh thoảng mới gặp nhau khi tôi về Biên Hòa hay khi em về Sài Gòn thăm ba má.

Cho đến năm 1995 thì gia đình tôi đi định cư ở Mỹ. Chị em không còn dịp gặp nhau, chỉ lâu lâu gọi điện thoại hay viết thư thăm hỏi. Mỗi lần nghe được giọng nói của em, tôi luôn hồi tưởng lúc chị em còn ở bên nhau thời thơ ấu.
Năm 2005, tôi về thăm Việt Nam, chị em gặp lại sau 10 năm xa cách. Ba tuần lễ ngắn ngủi ở Sài Gòn, em đưa tôi về lại Biên Hòa thăm mồ mả ông bà cha mẹ và thăm viếng họ hàng. Em trông còn khỏe mạnh và cuộc sống tương đối ổn định, tôi mừng cho em.

Vậy mà hai năm sau, khi nhận được điện thoại báo tin em đột ngột qua đời vì bị tai biến mạch máu não, tôi bàng hoàng với tin dữ và không tin đó là sự thật! Đứa em dâu khóc và đau đớn báo tin làm cho tim tôi se thắt lại. Thế là chị em mình không còn cơ hội gặp nhau nữa rồi Phúc ơi!

Em ra đi ở tuổi 50 khi tương lai trước mặt còn nhiều cơ hội để có một cuộc sống tươi đẹp hơn sau những ngày gian lao vất vả. Cuối cùng thì em cũng gởi thân xác ở Cù Lao Phố, nơi em sống từ thuở bé thơ vụng dại. Ngôi mộ của em kề bên ông bà và cha mẹ, những người yêu thương và nuôi dưỡng em khôn lớn.

Hãy ngủ yên nha Phúc! Bà Nội, cô Hai và ba má cũng đang ở bên cạnh em trong một thế giới bình yên của cõi vĩnh hằng. Chị luôn nhớ về em và giữ trong lòng những kỷ niệm thân thương của chị em mình trong những ngày xa xưa thân ái cũ...

Ngoài hiên gió bấc thổi
Mùa đông nữa lại về
Nghe lòng buồn tái tê
Nhớ em tôi da diết
Tám năm trời cách biệt
Em từ giã cõi đời
Cho thương nhớ đầy vơi
Trong lòng người ở lại
Nhớ một thời vụng dại
Chị em sống chung nhà
Tuổi thơ ấu ngọc ngà
Gia đình vui hạnh phúc
Ba đặt em tên Phúc
Mong con sống thảnh thơi
An vui suốt cuộc đời
Không gian nan cực khổ
Nhưng mỗi người có số
Tuổi đời em năm mươi
Cuộc sống đang mĩm cười
Sao em đành bỏ lại
Gia đình và con cái
Xa những người thân thương
Để lại niềm vấn vương
Phúc ơi! Thôi vĩnh biệt...

Hát Bình Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét