NƯỚC MẮT ĐÀN BÀ.
Sau khi ly hôn chồng được chừng một năm, Hà cùng đứa con gái mới lên tám tuổi rời quê, bắt đầu một cuộc sống mới biết trước rằng không dễ dàng gì! Nơi đến, một thành phố hãy còn nhiều xa lạ và khó khăn phía trước, nhưng dù sao cũng phải vươn lên để mà sống cho được trong xã hội này…
Ban đầu Hà vào giúp việc nhà cho một gia đình, chủ nhà cũng tốt, nhà rộng rãi nên họ giúp đỡ luôn chỗ ở cho cả hai mẹ con một phòng nhỏ phía sau ngó ra bờ sông. Qua một thời gian cuộc sống cũng dần ổn định, vậy mà mãi đến năm sau đứa con gái nhỏ - tên Hiền – mới được cho đến trường đi học.
Những tưởng cuộc sống đơn sơ, bình lặng rồi cũng êm đềm trôi qua theo tháng ngày, nào ngờ…
Có hai chuyện buồn dưới quê đưa tin lên. Thứ nhất, người chồng cũ đã lấy vợ! Chuyện gì đến phải đến, người ta có vợ cũng đúng thôi và cũng… hợp pháp mà.Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng một thân, một mình vò võ cực nhọc nuôi con, trước tin này cũng… tủi phận chớ sao!
Chuyện thứ hai là anh chị em dưới quê tranh giành đất đai sao đó mà sinh ra kiện thưa nhau, trong khi không hề đoái hoài gì đến mẹ con Hà nơi quê người xứ lạ. Không lẽ xa quê mưu sinh rồi không còn gì hay sao?!
Rồi chính vì hai chuyện buồn trên mà có thêm… chuyện buồn thứ ba… .
Bà chủ nhà được hàng xóm “tốt bụng” cho biết, có lần gặp Hà… khóc với ông chủ ở sân phía sau. Cũng nên nói, ông chủ là một trong những người đàn ông đàng hoàng, mẫu mực mà Hà được biết trong xã hội thời nay. Chuyện khóc trong lúc nói chuyện với ông ấy là… có thật. Nhưng nếu như vậy đâu có tội tình gì!?
Hôm đó, trong lúc đang buồn, đang nghĩ đến chuyện riêng của mình, ông chủ đi đâu về rồi có việc gì đó mà… đi thẳng ra sân sau, thấy Hà đang làm công chuyện nhưng mắt ươn ướt, đỏ hoe. Theo lẽ thường tình, người ta ai cũng thăm hỏi vài lời. Động lòng vì thấy cảnh của người rồi nhìn lại cảnh mình nên Hà… khóc. Chuyện chỉ có vậy, và cũng là… thường tình phải không?
Nhưng rồi chung quanh xì xầm đàm tiếu, thêu dệt thêm nhiều lên, mỗi lần đi ra ngoài Hà đều phải đón nhận những ánh mắt soi mói, nghi ngờ lẫn chế nhạo!... Có người còn nói sau lưng rằng: “… dân trôi sông lạc chợ từ đâu đến, bây giờ lại muốn làm… bà chủ !” Nhưng sự việc vẫn chưa đến hồi kết, bà chủ nhà bắt đầu tiếp tục có những lời nói… sau lưng Hà, tuy nói sau lưng nhưng được cố tình để phải đến tai người cần nghe. Đại ý là : “… nếu không có gì (!?) sao nói chuyện riêng rồi khóc với… người ta!?”.
Ban ngày cố gắng làm việc bình thường, đêm về là lúc Hà khóc thầm cho… riêng mình. Bầu không khí trong gia đình người chủ trở nên nặng nề khác với trước kia, biết người đàn ông trong nhà tuy lặng im nhưng cũng rất buồn vì chuyện xảy ra… .Nghĩ đến đây trong lòng Hà lại càng thêm bội phần đau xót, một phần xót cho mình, một phần xót cho… “người ta”! Lòng tự trách mình khi không lại… khóc làm chi?! Là phụ nữ, đâu cần phải học cao Hà mới thấu hiểu được sức “tàn phá” của cái sự ghen bóng, ghen gió của giới mình?
Sự việc lên đến đỉnh điểm khi có lần dọn cơm cho cả nhà (chỉ có… hai người dùng!), bà chủ đã cố ý bắt lỗi Hà một cách hằn học và vô lý trước mặt ông chủ. Thấy chuyện trái khoái đương nhiên người đàn ông phải lên tiếng… .
Thế là có chuyện… . Hà quay mặt về phía khác, cuối đầu, ràn rụa nước mắt, để không ai thấy mình lại… khóc và tránh phải nhìn ông chủ mặt từ đỏ bừng chuyển sang xám ngoét. Đôi đũa cầm trên tay run run… .Chỉ thêm một giọt nước nhưng đã làm tràn ly!
Sức chịu đựng của người đàn bà đáng thương cũng có giới hạn. Hơn thế, vì cũng không muốn làm khổ thêm nữa cho… “người ta”, chỉ qua mấy ngày sau, Hà tự nguyện xin nghỉ việc. Hai mẹ con đành rời khỏi nơi mình đang làm, đang sống ổn định, trở lại giống như lúc mới rời quê, tất cả bắt đầu từ… đầu!
Bây giờ lại phải ở nhà thuê, mọi việc vất vả trăm bề, lại thêm chi phí nọ kia. Hà xin vào làm trong một công ty may lớn. Khi xuống ca, tranh thủ nhận làm vệ sinh, dọn dẹp một phòng nha khoa, hai nguồn thu nhập cũng giúp cho hai mẹ con gói ghém sống được.
Những tưởng mọi việc vậy là đã êm xuôi, nào ngờ từ lúc về nơi ở mới, không biết có phải vì thoát khỏi khuôn phép của một gia đình – dù không phải là của mình – việc học của bé Hiền bắt đầu sa sút! Tuy phải đi làm đầu tắt mặt tối, Hà lúc nào cũng quan tâm chăm sóc cho con, từ miếng ăn, giấc ngủ,tấm áo cho đến việc học hành.Chuyện như vậy, Hà buồn lắm, thôi thì mềm xong rồi đến cứng, hết khóc lóc rồi đến đòn roi.
Đứa con lúc đầu cũng có … lay động một ít, nhưng rồi không bao lâu lại đâu vào đấy. Tình hình kéo dài đến cuối năm học lớp tám thì có chuyện đau lòng xảy ra … .
Đêm hôm trước, sau khi rầy la rồi… khóc lóc với bé Hiền về kết quả học tập cuối năm. Như thường lệ, hôm sau Hà đi làm… . Chiều về đến nhà Hà thấy có chuyện bất thường, phần cơm chuẩn bị sẵn cho con còn y nguyên. Ban đầu tưởng rằng cuối năm học, tụi nhỏ rủ nhau họp mặt, liên hoan gì đó thôi. Chuyện của tuổi học trò mà!
Nhưng đến tối con bé vẫn chưa về. Hỏi thăm các nhà quen, bạn bè của con cũng không ai biết. Cuống cuồng, Hà vào bệnh viện tìm , rồi đạp xe qua lại nhiều lần trên những đoạn đường con mình thường đi qua, nhưng nào có tăm hơi gì đâu! Lo lắng, hoảng sợ và gần như tuyệt vọng, Hà lại quay trở về nhà tìm xem có thư từ để lại gì không. Hoàn toàn không có một manh mối nào hết!
Người phụ nữ khốn khổ, đáng thương, ngồi cô đơn trong căn nhà trọ khóc một mình! Vài người hàng xóm qua thăm hỏi rồi cũng đã về. Sẽ có một đêm dài, có lẽ dài nhất trong đời của Hà. Nhưng rồi không thể ngồi yên chờ đợi, Hà mở cái tủ nhỏ, lấy ra cái túi xách lớn, trong túi xách này lấy tiếp một cái… bóp nhỏ, bên trong có tấm danh thiếp của ông chủ (trước khi quyết định nghỉ việc, trong lúc quét dọn, Hà nhặt được, nhưng đây là món mà Hà không biết sao lại không trả lại, giữ làm… “kỷ niệm” cho đến bây giờ).
Như người sắp chết chìm với được chiếc phao, tuy biết rằng kết quả không có gì chắc chắn…, Hà đánh liều nhờ cô công nhân ở phòng bên gọi điện thoại di động nhờ ông chủ(cũ) giúp đỡ. Cô gái rất sẵn lòng, nhưng nhờ bình tĩnh và rành xử dụng điện thoại di động nên khuyên:
“Không được đâu cô Hà, giờ này cũng khuya rồi, gọi điện nói chuyện bất tiện lắm, hay là mình nên nhắn tin thôi cho êm thắm, không phải nói chuyện… ồn ào”.
- Như mở lòng mình, vì nếu như vậy không có gì hay hơn, Hà lắp bắp nói:
À… , à phải rồi, trước đây ông ấy hay thức khuya bên máy vi tính… . Cô nhắn dùm bằng những lời mộc mạc, chân chất… … “KHÔNG BIẾT SAO BÉ HIỀN ĐI HỌC CHƯA VỀ, KHỔ QUÁ - HÀ”
Không biết có phải nhờ Hà luôn miệng khấn vái Phật, Trời phò hộ hay không mà chỉ không đến hai phút sau có tin nhắn trả lời: “YÊN TÂM, BÌNH TĨNH, SẼ NHỜ NGƯỜI GIÚP”
Đến quá nửa đêm thì bé Hiền về. Nhờ một người chạy xe ôm tốt bụng và… mưu trí, đã giải thoát bé Hiền ngay trước cửa một nhà nghỉ ở ngoại ô. Nếu không có người nhắc chắc Hà đã quên trả tiền xe cho người ta. Nhưng ông ấy nhất mực không lấy, nói đã có người lo các phí tổn rồi, hơn nữa đây là việc cứu người chớ không phải là một cuốc xe thường ngày, nếu không có ai lo, ông ta cũng sẽ không nhận tiền bạc gì đâu!
Bé Hiền đã lên giường nằm sau khi ói một hồi trong nhà vệ sinh. Bộ đồ nhầu nát,dơ bẫn còn nặc nồng mùi rượu và khói thuốc lá đã được thay ra! Thỉnh thoảng con bé ú ớ, hốt hoảng như còn kinh sợ điều gì.
Nghe lời bạn xấu rủ rê, Hiền kết bè kết nhóm chơi game online, để rồi bị chính nhóm “bạn” của mình gài đưa vào nhà nghỉ làm điều đồi bại. Sự việc nếu xong sẽ chưa dừng lại, bọn này còn có kế hoạch sẽ… bán con bé vào động mại dâm để kiếm “lời” nữa!! Rất may, khi chiếc taxi dừng trước nhà nghỉ, đã may mắn (?) gặp được người tốt…
Mấy lần đi tìm con, Hà cũng như những bậc cha mẹ khác đều kinh hoàng trước những cảnh trên games! Máu đổ, đầu rơi, xác người la liệt, có cả những cảnh gợi dục nữa! Vậy mà “ai” đã được phép nhập về, rằng đã qua … kiểm duyệt (!), rồi còn nói chưa có… “tiêu chí” để gọi là bạo lực, rồi “ai” đã nói qua báo chí rằng bắn súng trên game online là một môn… “thể thao điện tử”!
Trong đêm trường tĩnh lặng, người phụ nữ đau khổ khóc nấc lên:
“…Tại sao con tôi ra nông nổi này!? Tại… sao!?...”. – Rồi hình như chợt nhớ ra chuyện gì, Hà lại tiếp tục… khóc, vừa khóc vừa nghẹn ngào:
- “… … Xin cám ơn và sẽ… không… bao giờ… quên!!... .”
Huỳnh văn Huê
( Đã đăng trên trang web NQ - 4 / 2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét