Tản văn TIẾN VỀ SÀI GÒN.
(Bình của Lương Thái Sỹ hay Lê Tây Sơn.
Chuyện của HUÊ làm tôi nhớ lại năm 1972 khi về Tam Hiệp thăm bà bác trong trời mưa giông bão vì nếu ở lại cư xá thì không còn...tiền ăn cơm. Xe Honda 68 ông anh đi Phú Quốc gửi nhờ giữ bị chết máy ở NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI lúc gần 11 giờ đêm. Không tiền, đói và sốt, tôi liều mạng dắt xe đi vào khu dân cư đối diện nghĩa trang, qua một con đường mòn nhỏ giữa đồng xin ngủ nhờ qua đêm tại nhà một bà cụ. Không ngờ bà không chỉ cho tôi ngủ lại trên chiếc chõng tre mà còn mời ăn cơm, cho thuốc Rhumex uống và sức dầu BS Tín. Sáng hôm sau, tôi đưa xe ra điểm sửa xe gần đó, mượn tiền..chủ tiệm đi xe lam về nhà bà bác, xin tiền vừa đủ sửa xe, dư một ít. Câu chuyện này tôi còn nhớ mãi đến hôm nay... )
Các người bạn thân biết rành về tôi sẽ... cười mũi, khinh khỉnh và nói... trong bụng : " Thằng này có "tham gia" gì đâu mà tiến về Sài Gòn ?!" Đúng quá đi chớ sao, nhưng phải nói rất thật rằng ngay ngày 28 tháng 4 năm 1975 tôi có "tiến về Sài Gòn" bằng xe... đò .
Chẳng giấu gì, tôi ở cách Hòn Ngọc Viễn Đông chỉ khoảng 30km, vào những ngày biến động trời long đất lở để đánh dấu thời điểm lịch sử sang trang, những ngày như vậy mà tôi lại đang ở tại quê nhà... .
Trước đó tôi nghe thông báo đại loại là sinh viên và công nhân viên chức chế độ cũ (không có ai gọi trên thông báo là... "ngụy quyền" đâu!) phải trình diện nơi trường mình học hay nơi công tác. Thế là tôi và đứa em trai - sinh viên Đại Học Luật - đón xe đò Liên Hiệp, vội vàng đi xuống Sài Gòn... .
Chúng tôi dự định xuống xe ở đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đi bộ về nhà trọ ven kênh Thị Nghè để cất giữ hành lý, tiếp theo tôi sẽ đến công sở nơi tôi trở thành công chức lần đầu sau khi đã chấm dứt đời... sinh viên. Đó là Nha Kinh Tế Nông Nghiệp, thuộc Bộ Canh Nông nằm trên đường Mạc Đỉnh Chi. Riêng em trai tôi thì đến trường Luật trên đường Duy Tân cách đó cũng không xa lắm
Ngày ấy hai bên xa lộ nhà cửa hãy còn thưa thớt và đồng không mông quạnh, cái trạm kiểm soát trên con đường - dấu hiệu của những năm tháng chiến tranh - đã được giải tỏa, xe cộ thưa thớt và đi lại thông suốt. Tôi nhìn hai bên đường, nắng vàng ấm áp rực rỡ của đất phương Nam đã chan hòa đây đó, nhưng dường như không hoàn toàn như vậy, khung cảnh này còn ẩn chứa những điều gì nữa ... .
Đúng vậy, tôi chợt có cảm giác gai gai dọc sống lưng chen lẫn một nỗi đau xót chạnh lòng khi nhìn thấy xa xa, mờ ảo qua màn khói mỏng từ vài đám cháy hãy còn vươn lên, đâu đó có vài khối đen đen giống ... xác người! Không biết là thường dân hay những người đã từng cầm vũ khí !?
Tôi nhớ rõ đó là khu vực chung quanh cầu Rạch Chiếc và một nơi gần nhà máy xi măng Hà Tiên. Điều này khiến tôi, một chàng trai ở độ tuổi ngoài đôi mươi đã in sâu những hình ảnh này vào tâm trí... . Những ngày chấm dứt chiến tranh lại còn tiếp tục hy sinh mạng sống của những thanh niên nước Việt hay sao?!
Rồi giờ đến ý chính của câu chuyện. Đó là những ngày tháng của năm 78, tức là chỉ vài năm sau... giải phóng. Không biết mọi người còn nhớ không, dạo đó ai trong nhà còn chiếc xe đạp cho tử tế để đi đây đi đó là cả một may mắn không nhỏ... . Một số nhà tuy còn xe gắn máy nhưng chỉ để khi thật cần thiết, những khi gọi là... "hữu sự" mới dám đụng đến. Vào lúc ấy, có khi còn thu xếp đi hai người cho không ... lãng phí!
Vào tháng 4 năm ấy, tôi có việc là phải thay mặt mẹ tôi đi thăm một người bà con lâm bệnh nặng ở Sài Gòn. Cái lý do đưa ra là vì tôi có được mấy năm ăn học rồi đi làm dưới đó nên dù sao cũng rành đường đi nước bước (?). Thế là tôi đem chiếc xe hai bánh thân thương thời đi học ra lau chùi bụi bám - dù đã được "trùm mền" rất kỹ - ghé vào "cây xăng cục gạch" đổ đầy hai chai (nước suối Vĩnh Hảo ) xăng, đương nhiên trả đủ tiền hai lít nhưng số lượng xăng cho vào bình làm gì đủ !
Chiếc xe hãy còn tốt thật, nổ máy ngon lành dù hơi có khói trắng phun ra từ pô xe. Có lẽ không sao đâu, vì xe để lâu ít dùng đến, hoặc có thể xăng có pha... dầu không chừng ! Xe chạy gần đến cầu Sài Gòn thì có người ( "tốt bụng" ) chạy xe cùng chiều nói với tôi xe tôi pô xe tôi sao phun khói nhiều quá. Tôi giảm tốc độ, cho xe chạy sát lề và ngoái nhìn thật nhanh... . Có khói, nhưng mức độ cũng in ít như từ sáng đến giờ ... . Tôi vẫn tiếp tục trên đường, nhưng khi đến chân cầu thì có hai người sửa xe dạo, tay chỉ trỏ, miệng hốt hoảng la lớn (như bắt gặp... bom chưa nổ ngoài đường!):
- Cháy ! Cháy ! Coi chừng xe bị... ch..á..y !!
Lần này tôi hoàn toàn là bên ... thua cuộc ! Lo sợ, tôi ngoan ngoãn dừng xe và bất lực chịu phép để cho hai người thợ hăm hở xông vào giúp đỡ với lời lẽ hiền khô là kiểm tra giùm không có tính công gì hết... . Phải công nhận họ làm việc rất chuyên nghiệp, người nào việc ấy, người tháo cái này kẻ mở cái kia. Chỉ hơn hai phút sau, người thợ đứng tuổi đạp máy xe để kiểm tra.
Hỡi ơi ! Chiếc xe yêu quý của tôi từ sáng đến giờ vẫn chạy phom phom trên đường bây giờ hoàn toàn im tiếng. Người thợ này phán ra một câu làm tôi... rụng rời:
- Xe anh bị... cháy máy rồi ! Phải rã máy ra sửa !
Bây giờ tôi lại như muốn... chết đứng. Với suy nghĩ của một người dù sao cũng tạm gọi là có trình độ và hiểu biết, tôi đâu chấp nhận một việc quá vô lý như vậy. Nếu do xăng bị pha dầu (với tỉ lệ quá cao) thì xe sao chạy được đoạn đường dài cho đến giờ này? Chiếc xe được mua mới và do tôi sử dụng từ trước đến giờ... . Nhưng nhìn thấy hai ông thợ, tuy họ cố làm ra vẻ... đàng hoàng (nhưng vẫn không giấu được nét tinh ranh, bậm trợn !) ,nên trong lòng dù lo lắng, tôi vẫn cương quyết một cách... nhẹ nhàng:
- Cám ơn hai anh, nhưng tôi về gần đến nhà ... người quen rồi, để tôi dắt bộ đi một chút là tới nơi thôi.
Tôi nhanh chóng chưa từng thấy, đẩy chiếc xe mau mau rời khỏi nơi đó... . Sau lưng tôi còn vọng theo câu mời chào đầy đe dọa:
- Xe cháy máy nặng lắm, để sửa cho, đoạn đường này không có ai sửa xe đâu!
Làm như không nghe, tôi lại càng muốn mình rời xa nơi này càng nhanh càng tốt. Nhưng đã hết đâu, có ai tưởng tượng được không, chỉ khoảng trăm mét nữa là có ngay mấy ông "thợ" đón đường mời mọc tôi ghé vào sửa xe !
Hiểu hết mọi sự rồi, tôi quyết lòng dắt xe qua cầu Sài Gòn, hướng về ngã Hàng Xanh. Đi như vậy nhưng hầu như tôi không cảm thấy mệt, không biết có phải nhờ thấy mình vừa tránh được một cạm bẫy của thời nhiễu nhương chăng!?
Nhưng rồi xe và người cũng vào đến đầu đường Hồng Thập Tự, trên vỉa hè tôi thấy có hai "người thợ" và một ... bé gái. Tự nhiên tôi thấy cảm thương (vì sửa xe ngoài đường, mưa nắng..., ai lại dắt theo con nít ?!) và tin tưởng (vì thấy có người "thợ" có vẻ không phải... thợ ).
Cả hai người hỏi sơ qua về tình trạng chiếc xe. Tôi kể đầy đủ như từ đầu đến giờ. Hai người đưa mắt nhìn nhau ái ngại, ngập ngừng rồi cùng ngồi xuống... . Tôi len lén nhìn "người thợ" trẻ trạc tuổi mình... . Bỗng dưng người ấy buông ra câu nói khẽ - đơn giản thôi - bằng tiếng Pháp (tôi hiểu vì không tiện để người thứ ba nghe chăng?) :
- Làm ơn, hãy đến đây !...
Tôi thoáng giật mình, nhưng rồi cũng hiểu ý và nhanh chóng bước vào trong. Người thanh niên (giờ tôi không gọi là "thợ" nữa, vì biết anh ta không phải vậy) nói nhỏ vào tai tôi:
- Xe không có hư gì hết, dọc đường anh bị người ta rút dây điện ra thôi !
Nói xong anh ta lấy tay chỉ chỉ vô lưng người thợ lớn tuổi. Hiểu ý tôi lui lại, ngồi xuống bên chiếc xe và... phát hiện:
- A ! Dây điện sao bị rút ra rồi ?! Vậy là ngoài xa lộ tôi đã bị người ta rút dây điện rồi nói xe tôi bị hư nặng... .
Người thợ đứng tuổi hơi thoáng chút bất ngờ và ngạc nhiên, xong cũng mỉm cười hiền lành nói:
- Cái đám ngoài xa lộ làm ăn ghê lắm, chính tôi cũng... không ngờ !
Thế rồi ông giúp cắm lại đường dây điện đâu vào đấy, xong xuôi chiếc xe nổ máy ngon lành ! Vui mừng và cảm kích vô cùng, tôi xin được trả tiền công. Nhưng có lẽ ai cũng đoán ra, cả hai người đều lắc đầu từ chối, họ nói rằng xe của tôi có phải sửa gì đâu ! Làm sao chấp nhận như thế cho được, tôi nói họ đã giúp tôi khỏi phải rã máy xe - việc này mà xảy ra thì xe tôi kể như tiêu luôn - như vậy là xứng đáng để nhận tiền công lắm chứ.
Thế là lần đầu tiên trong đời tôi đi năn nỉ để được trả tiền cho người khác ! Hai con người tốt bụng vẫn cương quyết không nhận tiền. Tôi đành phải vớt vát bằng cách lên tiếng mời người thanh niên đi... uống nước ( người kia phải ở lại coi... "tiệm" ):
- ... Hay là mời anh lại đằng kia uống nước, đứa nhỏ có thể dẫn theo hay gởi lại đây... .
Nhìn thấy cái quán vẫn còn trong tầm nhìn và đứa bé vẫn ngoan, đang chơi với mớ đồ nghề sửa xe. Người thanh niên nhìn tôi quan sát ( có lẽ thấy hợp nhau chăng?) xong cúi xuống âu yếm dặn dò con bé gì đó rồi lên xe đi cùng với tôi... .
Qua câu chuyện nơi quán nước ven đường, tôi được biết Thành - tên của người thanh niên - vốn là... giáo sư trung học đệ nhất cấp (bây giờ gọi là giáo viên cấp II) môn Vật Lý. Đứa bé gái là con lớn, năm nay lên bốn. Người vợ Thành cũng là cô giáo dạy chung trường... . Thế rồi lúc sinh đứa con kế thì người vợ bị tai biến, không cứu chữa kịp nên tử vong cả mẹ lẫn con... . Không biết còn nguyên nhân nào nữa không, nhưng Thành nói vì vậy nên Thành buồn chán mà bỏ việc. Sau đó dẫn con lên Sài Gòn cùng người chú bà con sống qua ngày với cái nghề sửa xe lề đường.
Uống nước xong, khi đưa Thành trở về chỗ cũ, tôi lại một lần nữa chân thành cám ơn hai vị ân nhân. Vì có chủ đích trước, nên tôi gọi đứa bé gái lại gần, nhanh chóng dúi vào tay nó một ít tiền rồi vọt xe đi.
Từ đó cho đến sau này, mỗi khi nhớ lại câu chuyện trước đây tôi vô cùng khâm phục hai con người trên. Nhất là đối với Thành, trong hoàn cảnh khốn khổ lúc ấy, để sinh tồn con người ( hầu như ) ai cũng cho mình cái quyền kiếm được tiền để tối thiểu có... miếng ăn ! Nhưng có người đã làm ngược lại... , "giấy rách phải giữ lấy lề", thật vô cùng đáng để khâm phục và kính trọng.
Mấy mươi năm sau, gần đây thôi, tôi có một lần về Sài Gòn cũng thật đáng nhớ... . Trên đường thăm trường cũ trở về đến một ngã tư chưa hoàn tất ( nên chỉ là một... ngã ba !), tôi vô ý vượt đèn tín hiệu vì bị che khuất tầm nhìn, hơn nữa trước mặt tôi không hề có đường hay luồng xe ngang qua ! Thế là có "người thừa hành công vụ" từ đâu bỗng xuất hiện. Tôi được yêu cầu trình giấy tờ xe rồi được đề nghị ... "phạt nóng" ! Dù cái chuyện "phạt" kiểu này báo chí đã đưa tin hoặc viết phóng sự không phải là ít, nhưng trớ trêu thay tôi lại là người trong cuộc ! Và dù rất bất bình nhưng tôi hiểu tranh cãi lúc này là vô ích, quan trọng nhất là phải trì hoãn không nên đưa giấy tờ xe của mình, nếu không giấy tờ này sẽ bị giữ làm... "con tin" !
Người làm nhiệm vụ với tôi hãy còn trẻ, bằng tuổi tôi và Thành trước kia, nhưng tướng mạo rất ngon lành tuy hơi thấp và coi cũng được trai. Cậu ta gọi tôi bằng chú, cất giọng nói năng nghe khá dễ thương:
- Chú phải... thông cảm (?), mấy ngày lễ này bọn cháu phải cần... "phạt" nhiều hơn ngày thường (?)... . Nếu phạt thẳng tay chú phải bị giam xe và tiền phạt còn nặng hơn nữa.
Mất tiền một cách vô lý tôi cảm thấy ấm ức lẫn bực tức. Thế là lần đầu tiên trong đời tôi lại đi năn nỉ để không phải trả tiền ! Nhưng rồi dịp may xảy ra, có mấy chiếc xe tải "ngon ăn" trờ đến. Trong lúc họ bận tâm tận tụy với công việc, tôi... lịch sự năn nỉ thêm một câu chót, rồi nhanh chóng nổ máy xe và vọt thẳng.
Có chiếc mô tô và một người làm nhiệm vụ nữa, nhưng người này hình như bận công việc gì đó rất quan trọng, đưa mắt liên tục quan sát chăm chú chung quanh nên không buồn đuổi theo... .
Từ đây về sau, cũng như tất cả mọi người bây giờ, ai ai cũng có nhiều dịp đi lên xuống Sài Gòn. Một thành phố thân thương thắm đẫm biết bao kỷ niệm ngày xanh, một thành phố như là trung tâm, như là máu thịt của miền Nam... . Thế nhưng sao trong lòng tôi vẫn không quên được mấy lần đi về kể trên... . Không biết rồi đây trong đời mình, tôi còn có kỷ niệm nào nữa khi đi về Sài Gòn một cách đáng nhớ như vậy hay không ?!
HUỲNH VĂN HUÊ ( cuối tháng 4-2013)
( Truyện đăng trên trang web k12 hvqgnnsg.tumblr. com và đã được LTS lưu vào trang riêng huynhvanhue.ucoz.com vào năm 2013 )
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét