Nhật ký người nàng dâu
Vậy là mình mới lên xe hoa về nhà chồng được có hai tuần thôi sao? Thời gian trôi chậm thật, hai tuần mà cảm tưởng như dài bằng gần nửa tháng. Mà gọi là lên xe hoa cho oai, chứ cái xe đó hôi hám, điều hòa thì hỏng, cửa kính thì lỏng, kêu còng cọc, như cái xe chở lợn. Không biết có phải mệt mỏi vì lo vay chạy tiền làm cưới hỏi hay không mà suốt đoạn đường đón dâu, con lợn đực cứ há mồm ngủ khò khò, dãi nhỏ tong tong, ướt cả bông hoa trắng cài trên cái áo vest đen mới sắm. Những giọt dãi trông hệt như những giọt sương sớm tinh khiết long lanh đọng trên những cánh hồng e ấp mong manh…
Mình nhớ đã gửi thiệp mời mấy lão người yêu cũ đàng hoàng, vậy mà chả thằng nào thèm vác mặt tới, phong bì cũng không. Lúc xong xuôi rồi, mới lại tới tấp nhắn tin: “Anh xin lỗi! Anh bận quá không đến dự được! Cuối tuần đi nhà nghỉ với anh nha, anh sẽ tặng em những phút giây thăng hoa thay cho lời xin lỗi”. Mình không nhắn lại, chỉ nhếch mép chửi thầm: “Mẹ chúng mày! Bà giờ là gái đã có chồng, đâu phải đứa lêu lổng, hư hỏng như trước nữa mà chúng mày thích rủ đi là đi đâu. Muốn đi cũng phải đợi bà mày sắp xếp công việc, thời gian đã chứ!”.
Buổi tối hôm cưới, lúc chuẩn bị mở thùng phong bì, mẹ chồng mình bảo: “Phong bì nào của bạn bè chúng mày thì chúng mày giữ; còn phong bì nào của bạn bè, anh em, họ hàng nhà tao thì tao giữ, để sau này tao còn đi trả nợ”. Mình không thích phương án đó lắm, nên nhỏ nhẹ bàn với mẹ: “Con tính thế này mẹ ạ! Phong bì nào ghi là “mừng hạnh phúc 2 cháu”, “hai em”, “hai đứa”… thì sẽ là của vợ chồng con, còn cái nào ghi “mừng hạnh phúc bà” thì là của mẹ”. Mẹ chồng ú ớ, hình như định phản đối, nhưng mình đã nhanh tay đổ thùng phong bì ra rồi nhoay nhoáy chọn… Chọn hết cả thùng, được có ba cái ghi là “mừng hạnh phúc bà”, và đó đều là của mấy đứa bạn thân trong nhóm mình, hay xưng hô với nhau kiểu “tôi – bà”. Mình biết, nhưng vẫn cho qua, vì dù sao cũng là người một nhà, không nên chi li quá!
Đến lúc vào động phòng, mình rất muốn làm tí (bởi giống như chuối, có thể ngày nào cũng ăn, nhưng ăn vào đêm rằm trung thu, khi phá cỗ, thì vẫn có cảm giác thích thú riêng). Tiếc là chồng mình không hiểu ý, cứ hí húi ngồi đếm phong bì, rồi chép chép, ghi ghi… Mình mệt quá ngủ thiếp đi. Lúc chồng vỗ vai, lay lay gọi dậy, mình sướng quá, tưởng được phá cỗ, nào ngờ, chồng hỏi: “Em có nhớ tuần trước mình đi viếng đám ma bố thằng Bải bao nhiêu không?”. Mình bảo: “5 trăm”. Chồng làu bàu: “Vậy mà cưới mình, nó mừng có 3 trăm! Thế khác nào nó bảo đám cưới mình không bằng đám ma bố nó? Thằng khốn nạn!”.
Mẹ chồng tuy già, nhưng ăn khỏe hơn cả mình; tivi xem suốt ngày; thận yếu nên đi vệ sinh liên tục, thành ra, chi phí tiền ăn, tiền điện, tiền nước hàng tháng mà mình phải thanh toán cũng khá nhiều. Ấy vậy nhưng mẹ chồng cứ lờ đi, chả thấy có ý kiến về việc đóng góp, hay hỗ trợ gì cả. Mình phận làm dâu, nói thẳng ra cũng đâu có tiện, vậy nên mình lẳng lặng vặn van nước nhỏ xuống mức tối đa, đến nỗi có xả hết ga thì nước cũng chỉ chảy ra một dòng rất nhỏ, xè xè như em bé đi tè, và kêu là vì chậm đóng tiền nên người ta sắp cắt; giấy vệ sinh hết mình thay bằng mấy tờ giấy báo; rồi đi chợ mình mua toàn đậu phụ, lạc rang, cà chua, cà pháo, mua sắn, mua khoai về độn cơm, nấu cháo. Cả tuần liền như vậy, mẹ chồng đã hiểu ra vấn đề, và tự nguyện xì tiền ra đóng góp.
Chỗ làm của mình chỉ 5h chiều là được nghỉ, nhưng mình không về nhà ngay, mà thường nán lại đến 7h mới về, vì hai lý do: thứ nhất, mình muốn mẹ chồng quen với việc mình về muộn, để những hôm mình có chuyện đột xuất phải về muộn thật, mẹ chồng sẽ không thể rầy la; thứ hai, mình về muộn, nếu mẹ chồng đói quá, không chịu được, sẽ phải tự mò vào bếp nấu cơm. Mình về chỉ việc ngồi vào mâm, chả sướng hơn sao? Mình muốn mẹ chồng mình hiểu rằng: việc nhà là của cả hai mẹ con ta, không phải của riêng ai cả!
Những bí quyết mình áp dụng trên đây đang phát huy hiệu quả. Ví như sáng nay, mẹ chồng gọi dậy đi chợ, nhưng mình buồn ngủ quá, nên giả vờ là con đang rụng trứng, khó chịu trong người, không dậy được, rồi nằm ngủ tiếp. Lúc mình tỉnh giấc thì đã gần trưa, cơm nước đã chuẩn bị xong xuôi, sắp sẵn ra mâm, và mặt mẹ chồng nhìn rất hằm hằm.
“Không có người mẹ chồng ghê gớm, chỉ có những người con dâu không biết cách trị mẹ chồng”. Mình tự tin rằng những bí quyết của mình có thể khuất phục được cả những bà mẹ chồng hà khắc nhất, bởi mình đã trải qua bốn, năm đời mẹ chồng rồi, đời nào cũng xài mấy cái bí quyết này, mà chưa từng một lần thất bại.
Tác giả:Võ Tòng Đánh Mèo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét