Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Món lạ quê hương: BÁNH TRÁNG ĐẬP - Nguyễn Long Chiến.





BÁNH TRÁNG ĐẬP

Hội An có món ăn dân dã này từ rất sớm. Chưa nhìn, chỉ nghe "bánh tráng đập", người ta không hình dung ra món ăn quen thuộc bất kỳ ai từng sống ở Hội An đều có kỷ niệm về nó.
Ở Sài Gòn, một quán ăn người Quảng (Ngãi), giới thiệu món này với tên "bánh tráng ráo ướt", muốn giải thích món ăn này gồm một bánh tráng ráo (bánh nướng) phủ bằng một bánh ướt mới ra lò đang nóng.
Cả hai tên gọi đều nói lên những đặc điểm của món ăn.
Bánh tráng đập nghe...ấn tượng hơn. Đập là động tác gây ra âm thanh, và đúng đối với món ăn, phải dùng tay đập nhẹ, bánh nướng bể ra những miếng vừa cầm để chấm mắm đưa vào miệng.
Bánh sẽ chẳng thành đặc sản nếu không có nước chấm, mắm chấm.
Mắm chấm chắc chắn quyết định phần hồn của bánh tráng đập. Màu mắm thường hơi sẫm nâu, nước hơi đặc, sóng sánh ít mỡ cá từ con mắm, dầu phụng chiên thơm, ít ớt bột rắc bên trên.  Khi ăn, ngoài hương vị thúc dục cồn cào, người ta còn thưởng thức âm thanh rôm rốp trong miệng, giòn giã, vui tai như tiếng cười của các cô con gái. Hương mắm nồng nàn, không thể diễn tả làm sao, cứ nhớ mãi như nhớ mùi mồ hôi dìu dịu của thiếu nữ là người yêu đang xuân hay mùi mồ hôi mặn một nắng hai sương của người mẹ quê kham khổ.
Ăn xong, khi ra về, nếu là dân "sành điệu" không ai uống nước sau đó. Hãy lẳng lặng thưởng thức mùi thơm của mắm, không phải chỉ trên đường về nhà, còn cả trên con đường đời khi ai đã xa Hội An.
Tôi đôi lần ăn lại món này khi có dịp trở lại Cẩm Nam, cái nôi của bánh tráng đập Hội An.
Ngon thì có ngon đối với khách vãng lai, nhưng đối với dân Quảng tâm hồn "mắm cái" như tôi, mắm đã làm mất đi phần hồn cốt bánh tráng đập nổi tiếng: ngọt quá.
Chất ngọt của đường đang hủy hoại tinh túy hầu hết món ăn hiện nay không chỉ ở miền Nam.
Vâng, chén mắm pha đường ngọt không ngon bằng chén mắm mặn mà nguyên chất.
Tôi có bảo thủ quá không?

NGUYỄN LONG CHIẾN (FACEBOOK)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét