Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020
Truyện : GỌI BỐ VỢ BẰNG... THẰNG ! - St trên FB.
(Truyện ngắn , đọc hay và phê , văn phong đậm chất Sài Gòn - miền Nam Việt Nam . Lâu rồi mới đọc được một truyện hay như vầy .
Ai rảnh thì mời đọc chơi , truyện tuy ngắn nhưng khi đọc xong bạn sẽ hình dung ra được Sài Gòn của ngày xưa... )
GỌI BỐ VỢ BẰNG … .. THẰNG
“Thằng bố vợ tôi”
Gọi bố vợ bằng thằng là điều không ai chấp nhận được . “Tứ thân phụ mẫu” , cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng đều phải được kính trọng , thương yêu như nhau .
Cha vợ hay cha chồng đều gọi bằng cha , bằng bố . Mẹ vợ hay mẹ chồng đều được gọi bằng mẹ hay má , v.v … .. Trong luân lý nầy , người Mỹ khác với người Việt . Không phải là cha mẹ sinh ra mình , mà cha mẹ của vợ hay chồng , họ thêm vào chữ “in law” . Tại sao phải phân biệt cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng ?
Thế mà tôi gọi bố vợ bằng “thằng” .
Nếu người ta chưởi cho , mắng là đồ mất dạy , hổn láo , vô văn hóa cũng là chuyện thường .
Bố vợ tôi không phải là người mất tư cách hay vô lương tâm , hay làm điều chi vô luân bại lý mà để tôi khinh thị gọi bằng “thằng” . “Ông” là người rất hiền lành !
Thế mà một buổi sáng , bọn tôi ba “đứa” , những “đứa” còn sót lại trong cuộc chiến tranh tàn khốc vừa qua , nay “lưu lạc” ở xứ “Mỹ cờ hoa” nầy , ngồi uống cà-phê trong một cái quán ăn sáng ở Orange County , quán tuy không đẹp nhưng thanh lịch , cây cỏ chung quanh tươi mát đẹp đẽ , vậy mà Quang mắng tôi một câu nghe thật buồn cười :
- Mày dẹp cái trò “bố bố con con” của mày lại đi . Mày , tao với nó là bạn , bạn từ hồi còn mặc quần xà-lỏn , gọi nhau “mày mày tao tao” quen đã mấy chục năm . Bây giờ nghe mày xưng “bố con” với nó , tao không thấy buồn cười mà thấy bực mình , mất vui .
Quang gọi là “nó” . Nó là bố vợ tôi đấy , là một đứa bạn trong bọn tôi đấy .
Sao gọi là “bọn tôi” ?
&
Trước Hiệp Định Genève 1954 thành phố Saigon chỉ “rộng” tới cầu Trương Minh Giảng . Bên kia cầu , còn là vùng đất hoang , lầy lội , lau sậy mọc um tùm . Vùng đất ấy , xưa , chỉ có một xóm nhà nhỏ , của dân mò cua bắt ốc và trộm cắp . Người ta gọi đó là “Xóm Vẹc” .
Hồi ấy , dân chúng tập trung sống ở trung tâm Saigon , còn như ai ở “Xóm Vẹc” , là vùng ngoại ô , mất an ninh . Dân nhậu Saigon , nhà ở Xóm Vẹc , một là nhậu cho “tới chỉ” thì ngủ lại nhà bạn . Còn như ai muốn về thì lo về sớm . Về khuya trên đường Xóm Vẹc , không chừng bị du đảng đánh cho , bị cướp tiền bạc , bị lấy xe đạp .
Lỡ như ai đó nhậu chưa tới , nửa muốn ở , nửa muốn về , bạn bè sẽ có người bảo : “Thôi để cho ông ấy về , đường khuya nguy hiểm” .
&
Thế rồi cả triệu người di cư năm 1954 . Ai gốc nông dân , người ta định cư ở vùng nông thôn , dinh điền, khu trù mật … .. tiếp nối cái nghề tổ tiên để lại . Ai dân Hà Nội hay thành phố ở ngoài Bắc , không quen làm ruộng thì tập trung ở Saigon hay các thành phố khác phía nam vĩ tuyến .
Không còn đủ đất ở trung tâm Saigon , nên thủ đô miền Nam phình rộng ra .
Ngay xứ tôi ở, Xóm Vẹc ngày xưa , nay dân di cư tập trung đông đúc . Từ phía đầu cầu Trương Minh Giảng , lên tới “Lăng Cha Cả” là chỗ người Bắc định cư . Những khu vực được nhiều người nhắc tên mới là “Xóm Bùi Phát” . Có phải họ gốc Bùi Chu/ Phát Diệm ? Nhà Thờ Ba Chuông , Cư Xá Đô Thành .
Nhà Thờ , Chùa và Chợ theo dân mà mọc lên .
Lăng Cha Cả ở cuối đường Trương Minh Ký , ngày xưa vắng vẻ, quạnh hiu , nay thành nơi đô hội . “Cái nhà lăng” kiểu xưa , ngói âm dương , cột kèo cũ kỷ nằm chơ vơ , xa lạ trước những ngôi nhà lầu cao vài ba tầng , kiểu mới, hiện đại .
Bọn tôi , cũng gốc “rân ri-cư” , như chúng tôi thường gọi đùa chính mình , từ năm lên năm , lên mười , lớn lên ở cái “Xóm Vẹc” thời xa xưa ấy . Tên đường Alfred Eyriaud des Vergnes đổi thành đường Trương Minh Giảng , nối dài tới cuối đường , chỗ gần tới cổng Bộ tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH là đường Trương Minh Ký .
Chúng tôi bỏ không gọi Xóm Vẹc mà gọi theo những cái tên mới , xuất hiện cùng thời với dân di cư đến định cư ở đây . Tên “Xóm Vẹc” biến mất hồi nào mà không ai hay ! Tội nghiệp hay không tội nghiệp cho một ông Tây tên Vẹc , một ông “thực dân” ?
Bọn tôi không dưới năm đứa , không quá mười tên , học tiểu học với nhau , đầu tiên ở cái trường tư trong xóm , do một ông giáo già người Bắc di cư , nay đã nghỉ hưu , mở lớp dạy tư tại nhà . Một phần là vì chính phủ chưa kịp mở trường cho dân di cư , một phần , học ở đây thay vì phải vào thành phố .
Học ở “Trường Xóm” , chúng tôi khỏi phải đi xa , xe cộ bất tiện , tai nạn nguy hiểm . Học gần nhà , bố mẹ dễ “kiểm soát” , lại có ông thầy già nghiêm khắc , bọn chúng tôi bớt hoang nghịch .
“Trường Xóm” của chúng tôi nó tương tự như trường của mấy ông đồ ngày xưa ở làng quê : Học trò đủ hạng tuổi , đủ hạng lớp … .. Kể theo cách ngày trước , thấp nhất là lớp Năm . Lớp nầy đông nhất , trên hai chục “đứa” . “Đứa” là học sinh nhỏ đấy . Rồi đến lớp Tư , học sinh ít hơn . Lớp Nhất là ít nhất , chỉ có mấy “anh” . “Anh” cũng là học sinh , nhưng lớn tuổi hơn bọn tôi , nên phải gọi bằng “anh” cho “phải phép” . Lớp nầy thầy dạy kỹ lắm vì năm tới phải thi vô trường công , khỏi học trường tư . Trường tư phải đóng học phí . Không kịp đóng học phí , học sinh sẽ bị đuổi học , về nhà xin tiền đóng tiếp để được học tiếp . “Tiên “học phí” , hậu học văn” . “Trường tư” thường bị mang tiếng kinh doanh hơn giáo dục . Nhưng không đóng học phí , tiền đâu trả lương cho thầy ?
Được mấy năm , ông thầy già qua đời . Nghề làm thầy giáo mà : “Tổn lắm” . Bố tôi thường nói vậy . Mẹ tôi bảo làm thầy giáo “dễ bị ho lao” . Người đời thì bảo là nghề “bán cháo phổi” . Ông thầy già , sức yếu , lại nhiều năm gian khổ , dù không bị bệnh lao , ông vẫn qui tiên sớm là chuyện thường .
Ổng chết rồi , bọn chúng tôi vẫn nhớ ông , và thương ông nữa , bởi ông có một điều đáng quí : Tận tâm với bọn trẻ chúng tôi , mặc dù chúng tôi vẫn ngán cây roi mây của ông , một là để thầy nhịp nhiều lần trên mặt bàn , nhắc chúng tôi im , không được nói chuyện , phải học bài làm bài chăm chỉ , và cũng “phết vào đít” thằng nào đó , cái tội nghịch trong giờ học hay đánh lộn ngoài giờ .
Ông thầy già qua đời rồi , trường “Xóm Vẹc” của tôi đóng cửa . Không ai nối nghiệp ông ở cái xóm mới định cư nầy .
Chúng tôi xuống học lớp Nhất ở một cái trường tư khác , trên đường Kỳ Đồng , của “ông cha nhà thờ” . Trường có lớp nầy lớp kia đàng hoàng , nhưng bọn học trò chúng tôi thì không đàng hoàng . Sau giờ học , có khi bỏ cả giờ học , chúng tôi leo “Xe Buýt Đỏ” , loại nầy vừa thay cho “Xe Buýt Vàng” , để chui vào Sở Thú chơi .
Ông tuyệt vời ! Những buổi lang thang trong Sở Thú . “Làm học trò nhưng không sách cầm tay ! Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” Ông nhà thơ Đinh Hùng nói chỉ đúng có một nửa , vì chúng tôi “Có tâm sự” gì đâu !
Tới giờ , lo tìm về cho đúng giờ để “ông bô bà via” của chúng tôi vẫn nghĩ chúng tôi là những đứa học trò ngoan .
Lên Trung Học , mỗi đứa chúng tôi xa nhau hơn . Đứa vào trường công , đứa vào trường tư . Gần thì Huỳnh Thị Ngà ở Xóm Chùa , vào Huỳnh Khương Ninh ở Đa-Kao , đứa xa hơn , Hưng Đạo , gần đường Trần Hưng Đạo .
Bấy giờ thì tình hình Saigon “vui lắm” . Biểu tình , đá đảo , hoan hô , tuyệt thực , tự thiêu , đảo chánh , “biểu dương lực lượng” … .. xảy ra đều đều , tháng nào cũng có hay mỗi năm , năm bảy bận . Cũng có khi chúng tôi đi biểu tình “cho vui” , cho đời thêm “màu sắc” .
Đậu tú tài , được vô đại học ; nhưng chiến tranh đã gần kề . Súng không còn nổ ở Bình Giả , Đắk-Tô , Ban-Hét … .. “xa tít mù khơi” nữa mà gần kề hơn , có khi ngay tại Saigon . Việt Cộng gài lựu đạn , mìn , khủng bố . Thế rồi chúng tôi lần lượt vô quân trường lúc nào mà ngay chính mình cũng không nhớ tới nữa .
Tới tuổi rồi , không đi sao được . Với lại , mấy ông thầy đứng trên bục giảng làm chúng tôi “hứng chí” không ít : “Áo chàng đỏ tựa ráng pha , ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in” .
Chúng tôi bỗng thấy “gần gũi” với màu áo lính trận , màu xanh cây rừng , màu hoa dù , màu rong biển … ..
Vài bữa đi học về , nghe bố mẹ hay ai đó trong gia đình nóin: “Thằng X. đi Võ Bị rồi !” Rồi lại : “Thằng Y. vô Không Quân” , rồi lại “Thằng Z. đi Nhảy Dù” , “Thằng T. đi Biệt Động Quân” . Biệt Động Quân là cọp “Ba Đầu Rằn” đấy .
Một hôm , gặp “Thằng bố vợ tôi”, sau nầy . Nó bảo : “Tao đi Quân Cụ” . Tôi ừ , nghĩ “Lớ ngớ như mày , ra đơn vị tác chiến , “bỏ mạng sa tràng sớm ” . Nói thì nói vậy , chứ đời chưa hẳn vậy . “Đơn vị không tác chiến , có khi bỏ mạng sớm , còn như ai đánh giặc ngày nầy qua tháng khác , lại sống nhăn .
Thế rồi có đứa hy sinh , có đứa bị thương , thành thương binh , có đứa bị Việt Cộng bắt .
Trong bọn tôi , tôi là người bị bắt sớm nhất , tù Việt Cộng sớm nhất . Năm 1971 , tôi bị chúng nó bắt ở Hạ Lào . Những đứa còn lại , đều thua tuổi tù tôi những 4 năm . Sau Ba mươi tháng Tư , chúng nói mới lục tục kéo nhau “trình diện” , “đóng tiền đi ở tù” . Xem ra , tôi là “tù trưởng” của bọn chúng .
Từ Hạ Lào , bên kia đưa “bọn tù binh chúng tôi” ra Bắc . Năm ký Hiệp Định Paris , tưởng chúng tha về , như các tù binh khác , nhưng không thấy động tĩnh gì cả . Sau nầy mới biết , khi Chính Phủ VNCH yêu cầu thả chúng tôi ra , bên kia nói chúng tôi bị bắt ở Lào là do Pathet Lào giam giữ , chúng nó không có trách nhiệm .
Mãi tới 16 năm sau , tôi mới “được tha ra khỏi trại cải tạo” . Đó là câu ghi trong cái gọi là “Lệnh Tha” .
Sau 16 năm tù , về lại xóm cũ thấy quạnh hiu . Quạnh hiu là ở lòng người ! Nhà cửa thì vẫn thế , không thay đổi gì nhiều . Người tuy đông mà vắng vẻ . Thế hệ cha ông chúng tôi , hầu như “qui tiên” hết cả rồi . Thế hệ tôi thì cũng tan tác . Mười phương tám hướng chúng nó đi hết : Vượt biên , kinh tế mới , về quê làm ruộng , đi làm ăn xa . Bọn trẻ lớn lên , nhiều đứa nhìn tôi xa lạ . Tôi xa nhà đã hơn hai mươi năm . Những đứa ngày tôi ra đi , nay hơn hai chục tuổi , làm sao chúng biết tôi là ai ?
&
Khi tôi đạp chiếc xích-lô ngang cổng nhà người bạn cũ thì một cô gái khoảng hai mươi tuổi , tất tả từ trong nhà chạy ra , tay xách , tay mang , gọi ơi ới :
- Chú Đức , chú Đức , chở cháu đi với .
Tôi dừng xe lại chờ .
Ra tới nơi, cô gái hỏi :
- Chú đưa cháu qua chợ Hòa Hưng được không ? Cháu đi gấp , sợ trễ .
Tôi hỏi :
- Cô muốn đi đường nào ? Qua ngã Tân Sa Châu hay lên Thoại Ngọc Hầu . Đi ngã Tân Sa Châu ngắn hơn .
- Đường Tân Sa Châu xấu lắm . Lên Thoại Ngọc Hầu dễ đạp hơn .
Cô gái ngồi lên xe xong , tôi nghiêng mình lấy đà đạp xe đi .
Một chốc , cô gái hỏi :
- Chú ăn gì chưa ?
- Dân Saigon không ăn sáng , chỉ uống càphê thôi . Trưa mới ăn .
- Buổi trưa chú ăn ở đâu ?
- Không chắc ở đâu , ngang đâu tấp đấy , miễn no với rẻ thì thôi .
- Khổ nhỉ ? Chốc nữa chú uống càphê với cháu . Có chỗ nầy càphê ngon lắm . -- Cô gái nói .
- Cô sợ trễ mà ? -- Tôi hỏi .
- Một chút không sao . -- Cô ta trả lời .
Một lúc cô ta hỏi :
- Chú đạp xe từ hồi nào ?
- Cải tạo về tới giờ . -- Tôi trả lời .
- Sao gọi là cải tạo ? Tù chớ . -- Cô gái cải chính .
- Với ai quen mới gọi tù . Lỡ gặp cán bộ , gọi tù nó phê bình đấy . -- Tôi nói .
- Ối giời ! Bây giờ ai còn ngại gì nữa . Cán bộ , Công An cũng như mình thôi , kiếm ăn cả . Cứ theo “Chính sách đường lối” thì lấy gì sống ! -- Cô gái trả lời .
Lại một lúc, cô ta nói :
- Bố cháu cũng tù về đấy ! Chú biết không ?
- Biết sao không ? Ông ấy là bạn với tôi từ hồi còn nhỏ đấy . Bố cháu cũng đỡ vất vả . Mẹ cháu và chị em cháu đảm đang . Ông ấy chỉ giúp vợ việc lặt vặt .
Tôi nhới tới Hiền . Có lẽ là bố cô gái . Nó hiền đúng như tên nó . Dù có lính lác như tôi , nhưng nó ít gian khổ hơn nhiều . Nghĩ thế, tôi nói :
- Ai có gia đình cũng đỡ . Tôi tù về thì không còn ai .
- Cháu biết , hàng xóm mà ! Người trong nhà chú lần hồi đi cả . Mấy anh lớn chị lớn vượt biên . Ông cụ qua đời , ít lâu bà cụ cũng đi theo . May họ chưa lấy nhà , nhờ bà cô già .
Quả thật khi tôi tù về thì nhà không còn ai , chỉ còn bà cô già , chị của bố tôi . Bà ở góa từ khi còn trẻ , không chồng con gì cả . Trước 1975 , bà vô chùa . Sau đó , thấy bố mẹ tôi cô quạnh , cô bỏ chùa về săn sóc , cơm nước cho bố mẹ tôi . Bố mẹ tôi mất rồi , Việt Cộng tính lấy nhà vì bà là chị bố tôi , chúng nại cớ bà không có quyền thừa kế , thì tôi về . Cũng may , còn được căn nhà che mưa nắng , không thì ngủ gầm cầu .
Trong khi uống càphê , cô gái hỏi :
- Hồi còn trẻ sao chú không lấy vợ như ba cháu ?
- Lấy vợ sao được ? Ba cháu ở “đơn vị không tác chiến” , có “chữ thọ” , lấy vợ không lo gì , chớ như bọn tôi , hành quân “mút mùa Lệ Thủy” , có ở nhà đâu . Với lại : “Lỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ … .. "
- Chú cũng thơ thẩn dữ ! -- Cô gái cười nói .
- Thơ người ta ! Với lại , hồi đó chương trình Việt Văn thơ văn nhiều lắm . Bọn tôi phải học Chinh Phụ Ngâm .
- Cháu học sau “giải phóng” , chẳng biết gì hết . Cháu có nghe nói Chinh Phụ Ngâm , nhưng có biết gì đâu .
- Đó là bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm . Hay lắm . Tôi nghe ông thầy giảng mấy lần câu “Cổ lai chinh chiến địa , kỷ kiến hữu nhân hồi” , nên khi đi lính rồi , ngại tính việc lấy vợ . -- Tôi giải thích .
- Câu chú đọc nghĩa như thế nào ? -- Cô gái hỏi .
- Những người đi chinh chiến , ít thấy trở về . -- Tôi nói lại theo lời thầy giảng ngày trước .
- Đang đánh nhau với ngoài kia , mà lại dạy cho học trò như thế , cháu thấy có mâu thuẫn đấy . -- Cô ta nhận xét .
- Dĩ nhiên ! Nhưng mà đất nước tự do , không cấm được . Đi lính là bổn phận , không lý không cần tới văn chương . -- Tôi nói .
Cuối cùng , trước khi đi tiếp tới chợ , cô ta nói :
- Nói chuyện với chú vui đấy . Hay cứ mỗi sáng , chú đưa cháu sang chợ . Cháu khỏi lo trễ chợ , chú cháu mình lại uống cà phê . Tiền xe cháu tính đủ cho chú .
- Được thôi ! Tôi chạy một ngày sao cho đủ mua gạo với rau muống là đủ , về nghỉ . Thành ra cũng thoải mái .
Vậy rồi , mỗi ngày , tôi đưa cô ra ra chợ . Quen dần , chiều lại thêm một “cuốc” , đón cô ta về .
Công việc cứ thế diễn ra gần nửa năm . Trong khoảng thời gian đó , vì cùng xóm , có lần cô ta vào nhà thăm tôi , xem tôi ăn ở như thế nào , và bày tỏ vài ý kiến về cảnh sống của tôi : Đàn ông không vợ , sống với bà cô già . Bà cô đã già , nấu cơm bằng củi , khi chín khi khê , áo quần tôi lâu ngày không giặt , treo trên vách , thúi hoắc mồ hôi … ..
Vì vậy , một lần cô ta hỏi tôi :
- Chú Đức ! Sao chú không lấy vợ đi ?
Tôi thành thật nói :
- Ai chịu làm vợ tôi bây giờ ? Cô thử nghĩ đi !
Một lúc tôi lại nói :
- Nửa đời nửa đoạn , trẻ không còn trẻ , già cũng chưa già hẳn” . Rồi tôi đọc nhại câu ca dao “Lấy ai ai lấy bây giờ lấy ai” . Trẻ thì họ không thể lấy tôi , ít ra tôi cũng lớn hơn vài chục tuổi . “Nửa đời hương phấn” thì “có đũa có đôi” . Còn lại thì có ai đó góa chồng mà tay dắt tay bồng : “Em tay bế tay bồng” , đâu phải “người yêu năm cũ” để mà “thương thiếu phụ bên sông” .
- Hồi ấy chú không có người yêu ? -- Cô ta hỏi .
- Vâng ! Tôi nói rồi . Sợ người ta “Góa phụ ngây thơ” .
- Hồi ấy tại sao chú đi lính ? -- Cô ta lại hỏi .
- Ai cũng đi thì mình đi . Tôi có anh bạn cùng ở Dù . Anh nó quá ba mươi , đang dạy học , bỗng tình nguyện đi lính . -- Tôi nói .
- Không được miễn lính à ?
- Có đâu ! Mậu Thân ở Huế , ông người Huế – thấy học trò mang khăn tang nhiều quá nên ông bỏ dạy đăng lính . Có vợ con rồi đấy .
- Bây giờ mà chú không lấy vợ , cháu cũng không lấy chồng .
-Sao kỳ thế ? -- Tôi ngạc nhiên hỏi .
Cô ta chưa kịp trả lời thì xe đã tới chợ . Cô ta xuống xe , quày quả vào chợ .
&
Thế rồi ngày ngày qua đi … ..
Một hôm , tôi gợi chuyện :
- Mấy bữa nay , tôi cứ suy nghĩ hoài . Tại sao cô nói cô không lấy chồng .
- Chú nghĩ coi ! Đời bây giờ có anh thanh niên nào vừa mắt mình để lấy làm chồng ! Con gái phải có “thần tượng” chứ ! Cháu lớn lên , thế hệ chú và ba cháu qua rồi , vô tù hết cả rồi . Nhưng hình ảnh những người lính thời đó , vẫn còn lại trong lòng cháu . Cháu thấy thích và ngưỡng mộ khi nghĩ đến họ . Còn như đời bây giờ … .. -- Cô ta bỏ lửng câu nói .
- Bây giờ thì sao ? -- Tôi giả bộ hỏi .
- Bây giờ, thời bình , cái hào hùng của người lính không còn nữa . Giữa cái hổn độn xã hội bây giờn, cháu biết tìm ai ? -- Cô ta tâm sự .
- Cũng có người cho cô vậy . -- Tôi an ủi .
- Khó lắm chú à ! Thanh niên bây giờ , muốn kiếm sống , phải lo chạy mánh .
- Cô cho chạy “mánh” là không đứng đắn sao ? -- Tôi hỏi .
- Mánh là mánh mung . Mánh mung thì làm người đứng đắn thế nào được ? Cháu lấy một anh chạy mánh làm chồng sao ? -- Cô gái than thở .
- Gắng tìm một người không chạy mánh mà chọn làm chồng . -- Tôi nói .
- Khó lắm chú à ! Ai cũng phải chạy mánh hết , ai cũng phải mánh mung để kiếm sống ! Muốn sống , buôn bán như cháu cũng mánh . Lấy một công nhân , viên chức , muốn sống cũng chạy mánh . Mánh với mọi người , riết rồi vợ mánh với chồng , chồng mánh với vợ . Vợ chồng coi như xong .
- Đó là cách “quản lý xã hội” của họ đấy . Ai cũng phải có một cái gì đấy , để chính quyền coi như cái án treo , khi cần thì cho vào tù cho dễ .
- Kinh thật chú nhỉ ? Thành ra cháu không thể lấy chồng , đành chịu vậy .
Lại đến chợ . Cô ta quày quả vào chợ .
Thế rồi ngày ngày qua đi … ..
Một hôm cô ta hỏi tôi một câu , tôi cho là “động trời” .
- Cháu muốn chú cưới cháu làm vợ !
Tôi lặng người đi , vừa kinh ngạc , vừa lạ lùng . Tôi hỏi :
- Tại sao cháu nói thế ?
- Không phải cháu muốn đi HO với chú . Gia đình cháu cũng chuẩn bị đi HO như chú . Không lấy chú , không đi HO với chú., cháu đi với ba mẹ cháu . Cháu muốn chú cưới cháu vì suy đi tính lại , cháu chẳng thấy ai hơn .
- Tại sao cháu nghĩ thế ? Tuổi tác xa nhau quá mà !
- Hai chục tuổi mà xa gì . Đàn bà mau già lắm . Mẹ cháu nói vậy . Cháu sinh vài đứa con, coi như cháu … .. già bằng chú . Vả lại tình yêu chú à ! Cháu nghĩ cháu cũng có thể yêu chú vậy . Cháu có đọc sách Chu Tử . Tình yêu không cần tuổi tác .
- Chú nghĩ cháu không yêu chú . Cháu chỉ thương hại .
- Ba cháu nói người Việt giàu tình thương . Cha mẹ , vợ chồng , anh em , bà con , tất cả đều bắt đầu bằng tình thương . Ngày xưa , không yêu nhau mà lấy nhau , người ta thương nhau , rồi yêu nhau . Sau nầy người ta đổi chữ đấy chú à . -- Cô gái nói .
- Đổi chữ là sao ? Chú chưa hiểu .
- Ba cháu nói hồi xưa ít dùng chữ “yêu” mà thường nói chữ thương . “Thương nhau cởi áo cho nhau … ..” Chớ đâu phải “Yêu nhau … ..” Yêu nhau là nói theo cách bây giờ . Xưa là “Thương nhau … ..” Ba cháu nói bản “Nắng chiều” , chú nhớ không ? In đầu tiên , ông nhạc sĩ viết “Lạnh lùng nhìn anh , em nói “mến” anh” . Mà không viết “yêu anh” . Sau nầy người ta hát “yêu anh” là sai đấy . Phải không ? Thành ra , cháu có “thương hại” chú , rồi có … .. “yêu chú” cũng không có gì lạ cả . Con người ta , căn bản là tình thương , không phải tình yêu . Ba cháu giải thích “thương” là cho mà không đòi lại . Yêu là cho mà đòi lại . “Yêu rất nhiều song chẳng nhận bao nhiêu” .
- Cô sâu sắc đấy . -- Tôi nói .
- Không phải đâu ! Ba cháu giải thích cả đấy .
- "Cóc mở miệng” (Thằng) đó mà nói là như “Cóc mở miệng” . Nói xong , tôi thấy ngại . Tôi lỡ lời , gọi bố cô ta bằng “thằng” .
Một chốc , tôi nói :
- Nhưng chú thấy ngại quá ! Làm sao chú có thể mở miệng xin cưới cháu với bố mẹ cháu được ?
- Chú đừng lo ! Cháu sẽ nói . Cháu mở đường xong thì chú tiếp tục … .. rán mà đạp xe xích lô . -- Cô ta nói nửa đùa nửa thật .
&
Thế rồi “thằng” ấy trở thành bố vợ tôi .
Tôi rất thương vợ , và kính trọng bố vợ như cô ta kính trọng cha mẹ cô ta vậy . Ở địa vị người rể , tôi gọi thằng bạn thân ấy là “bố” và xưng “con” như vợ tôi vậy !
Rắc rối là từ khi qua Mỹ rồi , cùng ở Orange County , lại cũng đã già , “đất khách quê người” , tình bạn cũ càng thêm khăng khít nên ít nhất , mỗi tuần , sáng Chủ Nhật , cả bọn năm bảy đứa , họp nhau uống cà phê ở một quán quen , để kể chuyện cũ , vui đùa , chọc quê nhau , một phần vì bạn với nhau từ khi thơ ấu , một phần , cũng “quen đời lính” “lúc nào cũng vui đùa” để quên bớt … .. súng đạn . Đúng là thói cũ khó chừa .
Cũng rắc rối là cái thằng Quang . Ngồi chung một bàn , quen như ở nhà , – vợ chồng tôi ở chung với bố mẹ vợ – nên cứ quen miệng “bố bố , con con” khiến thằng Quang chưởi tôi không ít bận , cho là gai tai nó . Tôi bỏ “họp mặt” mấy lần , khiến bọn nó nhắc hoài .
Hôm qua , Lộc gọi cho tôi :
- Ê ! Đức , mai Chúa nhật , mày vắng mặt là tụi nó chưởi cho đấy .
- Nhưng tao … .. -- rồi tôi ngập ngừng .
Lộc nói :
- Mày sợ thằng Quang chớ gì . Thằng chó “đập chó không ngó đằng sau” . Tù về , nó mới lấy vợ . Vợ nó trước kia góa chồng, tử trận , để lại hai con , lớn hơn nói ba tuổi . “Trai tân lấy gái nạ dòng”, có ai nói gì đâu ?
Thế là tôi thủ sẵn “vũ khí” .
Ngày hôm sau , đang ngồi cười đùa vui vẻ , thấy tôi “bố bố , con con” với bố vợ , Quang nói :
- Mày dẹp cái “trò bố con” của mày lại đi . Tao gai quá !
Tôi phản pháo ngay :
- Nói thật với mày . Tao thương vợ nên gọi “nó” bằng bố . Mày có thương vợ mày không ? Nếu mày thương vợ thì mày gọi vợ mày bằng “Chị” hay bằng “Em“ ? Mày nói “Em yêu chị” hay “Anh yêu em” . Trả lời đi !
Cả bọn cười ồ .
Vậy là coi như xong một màn “Hài kịch thời đại” .
-- hoànglonghải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét